Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

À, có vì sao sầu ...

Chỉ là một câu trong một bài thơ thời trước năm 1975 mà chị tôi đã chép trong những tập thơ chép tay hồi chị ấy 19-20 tuổi, học năm thứ nhất Văn Khoa, còn tôi thì 14-15 tuổi, học lớp 9, tò mò đọc lén, rồi thuộc. Chẳng nhớ tác giả là ai. Chép lên đây cho những những người yêu thơ cùng đọc.

Đêm quán vắng

Còn đây, còn đây em
Quán xưa mình hò hẹn
Bây giờ, bây giờ em
Một mình anh hiện diện.

Em về đâu, về đâu
Con sông nào ngăn cách?
Tình xưa giờ nát nhàu
Như những tờ thư rách.

Quán về khuya vắng quá
Ngọn đèn khuya lặng im
Gió về rung cành lá
Gió se lạnh trái tim.

Bên tay này nỗi sầu
Lên cao như khói thuốc
Bên tay kia niềm đau
Như vành ly sủi bọt.

Anh có thấy gì đâu
Trên cánh đồng sao đó?
À, có vì sao sầu
Thật mờ và thật nhỏ.

Xin em về đêm nay
Dù chỉ trong trí nhớ
Xin em về đêm mai
Dù chỉ trong giấc ngủ.

Tại sao hôm nay tôi lại nhớ bài thơ này? Vì hôm nay tôi mới gặp lại một người bạn cũ cùng học với tôi ở đại học, cách đây đã hơn 30 năm rồi. Cũng là Văn Khoa, nhưng lúc ấy đã được nhập chung với ĐH Khoa học để trở thành ĐH Tổng hợp. Bọn tôi vào đại học năm 1978, năm mà đất nước "chưa yên vui cho trọn ngày, áo lính lại khoác vào ngay" - khi ở biên giới Tây Nam có chiến tranh với Campuchea, và sau đó ít lâu là chiến tranh biên giới phía Bắc.

Vậy đó, mà chẳng hiểu sao thời đó đám sinh viên Văn Khoa bọn tôi vẫn rất lãng mạn, đển là ... đáng tội nghiệp! Tôi nhớ, lúc ấy bọn tôi đi học vẫn còn chất "scholar" lắm. Vẫn nhớ sân trường Văn Khoa với những cây ngọc lan thơm ngát vào mùa mưa. Bọn tôi 18, 19 tuổi, mà sao thấy mình lớn lắm rồi, và thấy mình phải có trách nhiệm với xã hội. Làm gì có chuyện đánh nhau, quay phim tung lên mạng, bạo lực học đường như bây giờ? Mà là một thế hệ trẻ rất khác với thế hệ ngày nay: ít thực dụng hơn, nhiều lý tưởng hơn (có lẽ cũng dễ bị lừa hơn?), hăng máu hơn, và ... lãng mạn hơn.

Nên mới có chỗ cho những bài thơ như thế này. Tôi nhớ, đã đọc nó vào một buổi tối trong dịp bọn tôi đi học quân sự ở trên Thủ Đức. Buổi tối, mọi người hay rủ nhau đi ăn chè, cũng là để có thêm chất, vì thời đó ăn cơm tập thể rất thiếu chất: toàn là canh toàn quốc (= toàn nước), "chạy qua hàng thịt" (= rất ít thịt, một 2 lát mỏng dính làm vì thôi), và rất nhiều món "không người lái" (= món chay, không có thịt, chỉ có rau). Một buổi tối trời thật tối, và bầu trời đầy sao.

Tức cảnh sinh tình, tôi lẩm bẩm đọc câu thơ ấy, cái câu mà tôi lấy làm tựa của entry này ấy. Cô bạn cùng lớp tôi (không thân lắm), người Huế, chắc là cũng lãng mạn còn hơn tôi, chẳng hiểu sao nghe được, và yêu cầu tôi đọc cả bài. Và tôi đọc, cũng chẳng ngờ rằng mình còn thuộc. Bài thơ mà tôi đã chép trên đây cho các bạn đọc ấy.

Chỉ có vậy thôi, lẩn thẩn một chút ký ức. Và một chút buồn buồn, chút tiếc nuối một thời đã qua. Có một cái gì đó đã mất đi, cùng với sự phát triển nóng ngày nay, hình như thế.

Có phải chúng ta đã "đổ em bé đi cùng với nước tắm" không nhỉ?

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

Tôi không có bằng Tiến sĩ!

Ấy chết, phải nói ngay, người xưng 'tôi' trong tựa của entry này không phải là chủ nhân của blog này đâu nhé (phải đính chính chứ nếu không tôi sẽ bị tội ngay lập tức: lâu nay tôi vẫn được trả lương theo học vị, ngạch trật của mình theo hệ thống trả lương công chức do nhà nước quy định mà!).

Vậy chứ cái tựa entry này là tôi muốn nói gì? Xin thưa, đó là câu trả lời của một vị công chức của chính phủ Mỹ mà tôi vừa gặp cách đây ít lâu, trong một buổi ăn trưa mang tính thân mật của những người đang làm việc mà công việc cần liên hệ với nhau.

Do gặp mặt lần đầu tiên, nên tôi hỏi tên tuổi, và hỏi ngành học của bà, chẳng qua là để hiểu xem bà có quan tâm đến những vấn đề gì trong xã hội VN (vì tôi gặp với tư cách một người từ trong giới học thuật - thì ở trong trường ra mà lại). Và ngay lập tức bà ấy trả lời như thế đó, cái câu mà tôi đã lấy làm tựa của entry này nè!

Tất nhiên là tôi khá bất ngờ, vì tôi cũng không mong đợi là mọi công chức đều phải có bằng Tiến sĩ. Và một câu trả lời như vậy lại càng bất thường đối với những người nước ngoài mà tôi gặp. Mà đây lại là một người Mỹ? Lạ quá?

Câu trả lời của tôi: "Why should you have a PhD? I need it because I teach at a university, but who else needs a PhD in their everyday work?"

Bà ấy cười, và đáp lại: "Thank you. I guess I'm becoming like a Vietnamese."

Một câu trả lời rất đáng để cho chúng ta suy nghĩ, phải không?

Nhưng tại sao gặp lâu rồi mà hôm nay tôi mới nhớ ra câu trả lời của bà ấy và viết entry này? Vì tôi vừa đọc trên vietnamnet bài viết có tên là "Tiến sĩ: Không xưng danh thì ai biết là ai", ở đây. Bài viết theo tôi là rất hay, đáng đọc, trong đó tôi thích nhất câu này:
Bằng tiến sĩ chỉ là cái giấy chứng nhận biết cách nghiên cứu khoa học. Tiến sĩ không phải là một tước vị mà là một nghề như bao nghề bình thường khác.

Tôi còn muốn nói thêm: Nó là một nghề mà ở trong xã hội phương Tây không mấy người muốn chọn. Vì nó khó khăn, gian khổ, mà lại không pay well như rất nhiều ngành nghề khác. Ai chọn ngành này, chỉ vì họ có tư chất như thế, và họ thích làm nghề đó thôi! Giống như nhà thơ, như họa sĩ, hoặc như ... tu sĩ, thật thế. Mấy người hơi hơi bất thường một chút, giống như tôi đây này, hic hic.

Ai muốn làm tu sĩ, sống khổ thế (tôi thì không thể nào tu nổi rồi, khổ quá!!!), thì phải học hành đến nơi đến chốn, tu luyện nghiêm chỉnh, chỉ để được sống nghèo, không có tài sản và gia đình riêng, không được hưởng bất kỳ lạc thú của người thường nào ở trên đời, trời ơi, sao lại dại thế nhỉ? Cũng như mấy vị tiến sĩ, mấy nhà khoa học nghèo khổ (tương đối) mà tốt bụng bên trời Tây mà tôi quen rất nhiều ấy.

Thế tại sao ở VN người ta thích bằng cấp đến thế? Mà không phải chỉ có hiện nay, hình như cái thói sính bằng cấp của người VN đã có từ lâu lắm rồi? Sao thế nhỉ?

Tự hỏi, cái thói đó của người VN có liên quan gì đến cơ chế không đây? Vì tôi thấy có nhiều người hay đổ lỗi cho "thằng Cơ Chế" (tên cũng hay đấy chứ?). Nó là cái thằng nào, mà dường như rất lắm lỗi lầm, nhưng cứ "nhơn nhơn" ra không ai trị được!

Nhưng mà tôi nghĩ lại rồi: Thói sính bằng cấp này cũng ... hay đấy, đặc biệt là cho ngành "công nghiệp giáo dục". Sẽ có một thị trường rộng lớn, béo bở, có nhiều tầng thi cử (một kiểu ngăn sông cấm chợ) vì cầu vượt xa cung, rồi sau đó sẽ đẻ ra các ngành công nghiệp phụ trợ là công nghiệp ... bằng giả nữa, chẳng hạn. Rồi sau đó nữa, là công nghiệp kiểm định dỏm. Trời ơi, cả một tương lai cho "công nghiệp giáo dục" của VN!

Tôi viết tửng tửng chơi chơi thế thôi, nhưng mà tôi đang đau lắm các bạn ạ! Người Việt mình tệ như thế sao? Tôi, thì tôi cứ (muốn) tin là không phải thế. Tại có chỗ nào không đúng đó thôi. Sửa chỗ đó đi, thì mọi việc sẽ ổn.

Chỉ có điều là không biết chỗ đó là chỗ nào! Ai biết, chỉ cho tôi với, được không?

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010

Ve sầu kêu ve ve ...


Nhân báo chí đang đề cập đến việc nghỉ hè của trẻ em ngày nay, và so sánh với ngày hè xưa của những người thuộc thế hệ của tôi, tôi chợt nhớ bài thơ trước đây tôi đã thuộc lòng, nằm sâu trong bộ nhớ dài hạn nhưng phủ dầy lớp bụi thời gian nên đã tưởng quên. Nên chép ra đây để lưu cho mình và thế hệ trẻ của các con tôi, của Xuxu, Sông, SGK, và các bạn khác nữa.

Bài thơ này là do Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine. Câu đầu tiên đã lấy làm tên entry này, nhưng cái tựa thật của nó là Ve và Kiến. Nguyên văn bài thơ (theo trí nhớ của tôi) như sau:

Ve và kiến

Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè

Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con

Vác miệng chịu khúm núm
Sang chị kiến hàng xóm
Xin cùng chị cho vay
Dăm ba hạt qua ngày

Từ nay sáng tháng hạ
Em lại xin đem trả
Trước thu - Thề đất trời
Xin đủ cả vốn lời.

Tính Kiến ghét vay cậy
Thói ấy chẳng hề chi
Tháng hạ chú làm gì?
- Kiến hỏi Ve như vậy.

- Ve rằng: Luôn đêm ngày
Em hát. Thiệt gì bác?

Kiến rằng: Xưa chú hát,
Nay thử múa tôi coi?


Ghi chú: câu in đậm trong bài là tôi nhớ như vậy, nhưng về nghĩa thì thấy hơi kỳ kỳ, chẳng biết có đúng không? Sẽ đi tìm bài gốc và cập nhật sau trên blog vậy.

Bài thơ thật ngỗ nghĩnh, dễ thương phải không? Tôi học từ thời tiểu học đấy. Nhưng ngay từ lúc ấy, tôi đã cảm thấy ... tội tội, thương thương cho chú ve sầu với tính cách nghệ sĩ, vô lo của chú ấy. Mặc dù tôi biết bài học đạo đức ở đây là phải chăm chỉ, lo xa như chú Kiến, chứ không được vô lo, thậm chí lười biếng, như chú ve sầu. Thật ra, trong bài thơ dịch của Nguyễn Văn Vĩnh thì Kiến là Chị chứ không phải là Chú, nhưng tôi gọi thế cho hợp với cách gọi của người Việt.

Mà cũng chính vì ấm ức cho chú ve sầu nên sau đó tôi có tìm đọc đâu được một bài viết có tựa đề đại khái là "Minh oan cho chú ve sầu", trong đó phê phán nhà thơ La Fontaine là đã viết không đúng vì loài ve hình như chỉ sống có 3 tháng hè thôi, làm gì mà đến nỗi sống không nổi qua mùa đông mà phải đi vay chú Kiến (keo kiệt và hơi ác độc) kia như thế.

Rồi cũng vì đọc bài đó mà tôi còn viết được một mẩu truyện ngắn về chú ve mùa hè, cất tiếng hát ca ngợi cuộc sống, làm thức dậy cả một khu vườn mùa hè oi ả, khi vạn vật rầu rĩ dưới cái nóng ghê người .... Văn vẻ và kỳ thú lắm, đã được đăng trên báo tường vào năm tôi học lớp 8, lớp 9 gì đấy ở trường Gia Long hồi đó.

Bây giờ nhớ lại, mùa hè của bọn tôi quả là một sự kiện. Bịn rịn chia tay bạn bè, thậm chí còn bày đặt viết lưu bút cho nhau vì 3 tháng hè không gặp mặt, và năm sau chắc gì còn học chung lớp, vì nhà trường đôi khi sắp xếp lại lớp học. Và cũng có những bạn sau kỳ hè về quê rồi không trở lại lớp học nữa mà chuyển trường. Cho nên đúng là "Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn", thật đấy!

Tôi thì lúc còn tiểu học nhà đông anh em, mùa hè không phải đi học thì sướng chết, ở nhà mấy anh em quậy như giặc, tôi toàn là anh trai, em trai nên những trò chơi con trai thế nào thì tôi cũng phải nhập bọn thế ấy. Cũng leo trèo, rượt đuổi nhau, nhảy rầm rầm từ trên giường xuống đất, có khi gãy cả chân giường, chân ghế, mấy anh em bị mẹ cú đầu đau điếng.

Sau này lên trung học đệ nhất cấp (tức lớp 6 đến lớp 9) thì đã thành nữ sinh Gia Long rồi cơ mà, mặc áo dài đi học chứ bộ, nên bắt đầu phải điệu đà, tha thướt, không được nghịch ngợm nữa, bắt đầu làm thơ, viết văn, đọc sách. Trường Gia Long có hồ bơi rất đẹp, mùa hè có tổ chức dạy bơi cho học sinh, nhưng bố mẹ tôi phong kiến, không thể nào chấp nhận cảnh con gái mặc đồ bơi hở hết chân tay ra vậy (!) nên không cho học, tôi chỉ có thể vào thư viện mượn sách để đọc mà thôi.

Mùa hè là lúc tôi ngốn hết các tiểu thuyết và truyện ngắn của các tác giả tiền chiến, trong đó tôi chỉ thích Tô Hoài. Tôi vẫn nhớ như in một đoạn trong truyện "Xóm Giếng ngày xưa" của ông: "Con đường bò vào trong ngõ, qua một vòm cổng gạch phủ cỏ và rêu xanh hun hút. Khung trời xanh, ngàn cây xanh, bèo xanh xanh phủ trên ao, khiến cho cái xóm Giếng một khung cảnh vắng lặng ...".

Trời ơi, đoạn văn mới hay làm sao, văn mà còn hơn thơ vì giàu nhạc điệu, và hình ảnh thì đẹp như tranh! Chính vì đọc nhiều văn vẻ của các vị mà tôi đã lăm le chọn ban C khi lên lớp 10, rồi muốn trở thành nhà văn sau này. Nhưng những cái đó chỉ là ước mơ, và đã hoàn toàn biến mất sau năm 1975 khi tôi lên lớp 10. Với thời niên thiếu gian khổ mà thỉnh thoảng tôi vẫn nhắc đến nơi này nơi khác trong các entry của tôi trên blog này.

Tản mạn vài giòng mùa hè để ghi lại cho chính mình và cho đời sau. Nhân tiện, tôi vừa tìm lại được bài thơ Nghỉ hè của Xuân Tâm nên chép lại đây cho mọi người đọc và nhớ. Và cũng để cho các nhà giáo dục của ta suy nghĩ xem nên tổ chức kỳ hè của các em ra sao để các em khỏi thiệt thòi so với thế hệ cha ông của các em:

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.

Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ

Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ
Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt

Kiểm soát kỹ, có khi còn thiếu sót
Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.

(Nghỉ hè trong tập Lời Chim Non)


Hè về rồi, mọi người ơi! Hôm nào khác, tôi sẽ viết về ve sầu cho mà xem. Tôi thích chú này lắm, vì chú ấy rất yêu đời, dù đời chú thật ngắn ngủi. Giống lời bài hát nào đấy mà tôi đã từng nghe:

Cười lên đi em ơi, dù nước mắt rớt trên bờ môi...

Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010

Rau muống nữa nè!


Entry này chắc chắn là dở hơn entry trước, vì nó là ăn theo, ăn thêm. Mà ăn thêm đương nhiên là không ngon, sinh thời mẹ tôi thường nói thế. Không bao giờ ăn quá no, dù ngon miệng, mà chỉ nên ăn còn thòm thèm, mới ngon. "Ăn ít no lâu", cũng là có nghĩa đó. Ông bà mình thâm thúy lắm.

Nhưng ... giống như hồi trẻ, biết là mẹ dặn thế, nhưng khi ăn món nào mình thích quá, thì cũng hay ráng ăn thêm một tí. Nên giờ cũng vậy. Rau muống, topic này đang ngon quá mà! Dừng làm sao được!

Vì hôm qua sau khi viết xong bài, tôi muốn tìm hình một bông hoa rau muống thật đẹp, với màu tím xẫm trong nhụy. Trong lúc tha thẩn đi tìm hình, tôi - như cô bé quàng khăn đỏ - đã tìm ra thêm nhiều thông tin thú vị về rau muống, mà trước giờ chưa biết.

Thông tin đây này bà con ơi:

1. Tên tiếng Anh của rau muống:
Ngoài tên Water Morning Glory, tạm dịch vui là "bìm bìm nước" vì morning glory được dịch là hoa bìm bìm, còn có những tên water spinach (rau dền nước?), swamp cabbage (bắp cải đầm!!!!), swamp morning glory (bìm bìm đầm) [đầm ở đây ý nói là đầm lầy ấy, swamp mà!)].

Các tên khác cũng viết theo chính tả tiếng Anh, nhưng là phiên âm từ tiếng địa phương: ung choy, yeung cho, kang kung, kang kong, rau muon, pak bung, toongsin tsai and kankon (có cả tên rau muống nữa kìa, chỗ in đậm ấy, nhưng mà nó viết sai chính tả thành rau 'muốn', highly wanted vegetable!)

2. Lịch sử và địa lý:
Được ghi trong sách cổ của Trung Quốc như một loại rau ăn từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên; là loài cây xuất phát từ Ấn Độ và Đông Nam Á (Nam Man đấy, phải không SGK, loài rau từ phương Nam?), nhưng nay đã được trồng trên khắp châu Á, Úc, Thái Bình Dương, châu Phi, Mỹ.

Thông tin trên lấy từ ở đây, quý vị nào cần cứ việc thoải mái kiểm tra lại nhe: http://www.specialtyproduce.com/index.php?item=3132

3. Chế biến món ăn với rau muống (sưu tầm từ trên mạng):

- Cọng rau muống xào nước dừa: yummy, yummy! Công thức nấu ăn ở đây nè, nhưng nhìn hình và đọc sơ sơ thì tôi có thể tự tả cách chế biến như sau, khỏi đọc nữa (ai kỹ, muốn đọc lại, hoăc muốn luyện ngoại ngữ thì xin mời vô đọc ở đây: http://80breakfasts.blogspot.com/2009/03/coconut-kangkong-stems.html): Cọng rau muống xắt nhỏ bằng 1/2 lóng tay, Gia vị có tỏi, hành tím, gừng, ớt, nước cốt dừa, và ... mắm tôm (Khuê ghét lắm đây!). Xào gia vị cho thơm, rồi bỏ cọng rau vào đảo đều, gần chín thêm nước cốt dừa, chờ sôi lại đảo đều rồi nhấc ra rắc tiêu là xong. Ăn với cơm nóng. Hình dưới đây.

- Nộm rau muống (món này Bắc nghen, Xuxu): mùa hè nóng nực mà ăn thì tuyệt! Hình minh họa entry này là nộm rau muống đó. Cái này là món ruột của tôi đó, nhưng ở đây có sẵn công thức thì cứ chép về, bản gốc ở đây nè: http://afamily.vn/201061275414214tm0ca52/Nom-rau-muong
Mùa hè, rau muống được bày bán rất nhiều. Hàng ngày với bát canh rau muống luộc vắt chanh hay dầm sấu chan với cơm, ăn với mấy quả cà thì dù mệt mấy vẫn cảm thấy ăn rất ngon. Nhưng với đĩa rau muống luộc tôi chắc với các bạn rằng không phải bữa nào cũng cảm thấy ngon miệng được.

Vì vậy để thỉnh thoảng đổi món tôi muốn chia sẻ với các bạn cách làm món nộm rau muống, chỉ cần thêm 5 phút thôi để trộn rau muống với một số gia vị là đã có một món ăn ngon cho bữa cơm.

Nguyên liệu:
Rau muống: 1 mớ; Lạc : 1 lạng; Chanh: 1 quả; Ớt, rau kinh giới, húng, gia vị, đưường.

Cách làm:
Rau muống nhặt bỏ gốc, bỏ lá (để khi trộn nộm không bị nhũn), rửa sạch, chần qua nưước sôi để rau chín khoảng 80%. Chú ý khi các bạn chần rau để rau sôi một lát, bấm thấy vừa mềm là đưược, vớt ra thả vào âu nước lạnh, để nguội hẳn vớt để ráo nước.

Lạc rang vàng, giã dập. Chanh vắt lấy nưước, bỏ hạt. Ớt thái lát, kinh giới, rau húng thái rối.

Cho rau muống đã chần vào một âu lớn, cho một chút gia vị, 2 thìa đường, chanh, nêm nếm vừa ăn, trộn đều cho ngấm gia vị, cho tiếp ớt, rau thơm và cuối cùng là lạc rang trộn đều, bày ra đĩa, rắc một ít lạc lên trên.

Nếu có nhiều thời gian hơn chút nữa thì có thể thái mỏng hành tây, cà rốt đem ngâm dấm trưước rồi trộn cùng với nộm.

Vậy là các bạn đã hoàn thành một món ăn rất đơn giản mà lại ngon cho bữa cơm nhà mình rồi đấy. Chúc các bạn thành công.
4. Người Việt bốn phương với rau muống:
Thử xem rau muống thăng trầm với dân Việt ta thế nào?

- Phiếm luận về rau muống, của một người Việt xa xứ. Viết về mấy món ăn chế biến bằng rau muống, và nỗi nhớ quê hương. Ở đây: http://www.greenspun.com/bboard/q-and-a-fetch-msg.tcl?msg_id=00CN3Y

- Kỷ niệm về rau muống của người Việt trong nước. Rất thú vị, giúp ta hiểu cuộc sống ở miền Bắc trước đây. http://pcthang.vnweblogs.com/post/2432/157640

- Texas cho phép trồng rau muống: Dường như đây là tin vui lớn đối với người Việt mình ở Mỹ. Đọc ở đây: http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1732.

Vụ này VN cũng đưa tin nè: http://bee.net.vn/channel/3724/201001/Cuoc-chien-rau-muong-1735028/

- Trồng rau muống ở nước CHXHCN VN: Thấy mà lo! Đọc xong bảo đảm hết dám ăn rau muống! Nhưng bây giờ chắc hết rồi, người Việt mình coi vậy chứ cứ mỗi lần sắp có tai họa ập tới thì lại biết nhanh chóng tỉnh ngộ và khá lên, rồi lâu lâu ổn ổn thì ... làm bậy tiếp!. Ở đây.

- Cái ao rau muống: Rau muống còn lên cả tạp chí cộng sản nữa nè! Đô thị hóa đang làm mất dần các ao rau muống. Đọc ở đây.

Đến đây mới thấy bác Hải bác ấy đề nghị chọn hoa rau muống làm quốc hoa có lẽ cũng hợp lý lắm. Bỏ phiếu cho hoa rau muống thôi, bà con ơi!

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

Nhớ canh rau muống ...


Entry này lấy cảm hứng từ một entry trên blog của BS Hồ Hải, người đề nghị sử dụng rau muống làm quốc hoa. Quả thật, rau muống rất gắn bó với nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi. Đến nỗi có hẳn một câu ca dao mà ai cũng biết

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương


Hồi còn bé, gia đình tôi rất hay ăn rau muống. Lúc còn nhỏ, tôi rất ghét rau này vì tôi hay bị sai nhặt rau. Lúc ấy gia đình tôi nghèo, con đông, nên tôi nhớ bó rau muống mà tôi phải nhặt luôn là một bó to đùng, nhặt rất vất vả.

Thời đó, rau do chính người trồng cắt từ ruộng đem ra chợ bán, dịch vụ hồi đó còn kém, nên bó rau bao giờ cũng còn nguyên chùm rễ con, dính bùn sình bê bết. Bên cạnh các lá rau xanh tươi còn nguyên những lá bị sâu ăn thủng lỗ chỗ hoặc úa vàng, thối đen. Đôi khi trên lá còn cả trứng sâu, và cả … con sâu nữa!

Riêng khoản sâu rau muống thì phải nói là ấn tượng: con nào con nấy to khỏe, béo mập! Chắc là vì rau muống là loại thức ăn rất bổ dưỡng chăng, bổ cho con người (hình như có ai nói rau muống bổ ngang thịt bò???), nên cũng bổ cho cả sâu nữa hay sao ấy? Chợt nhớ Việt Nam có câu tục ngữ "Rau nào sâu ấy". Cái câu này chắc hẳn đã được sáng tác ra bởi một người hay phải nhặt rau muống giống như tôi. Đến giờ tôi vẫn nhớ cảnh nhặt rau, thỉnh thoảng không để ý, tay cầm trúng vào một con sâu mập mạp (!), nhũn nhùn nhùn, cọ quậy ngo ngoe, ôi, cái cảm giác đó thật kinh khủng!

Nhưng còn kinh khủng hơn nếu nhặt rau, rửa rau không kỹ, con sâu “lọt lưới” được ... luộc chung với rau rồi vớt ra đĩa đem lên bàn ăn. Thế nào người phát hiện con sâu đó cũng là mẹ tôi, kèm theo lời mắng tới tấp, con gái đoảng!!!! Bị mẹ mắng thì tất nhiên là không thú vị rồi, nhưng điều kinh hoàng nhất là sự tưởng tượng của tôi. Rằng nếu mẹ không phát hiện ra, thì chắng may mình gắp trúng cọng rau có con sâu đó, sẽ cắn trúng ngay giữa bụng sâu và đứt ra làm đôi .... Ôi, chỉ nghĩ thôi đã thấy rùng mình kinh hãi rồi.

Lá rau muống nè!

Lẩn thẩn, tôi bỗng thắc mắc không hiểu từ đó tới giờ có ai đã ăn nhằm sâu rau muống như vậy chưa? Hẳn là phải có chứ? Có khi tôi đã ăn vài con rồi cũng nên (!!!!). Mà biết đâu những con sâu ấy cũng đã làm tăng thêm chút chất đạm cho tôi hồi đi học đại học, thời Việt Nam đói khổ nhất vào đầu thập niên 1980 ấy? Thôi đúng rồi, chắc là ăn nhiều sâu quá, nên từ lúc học đại học tôi đã bị mang tiếng tưng tửng bất thường, và khó chịu nổi tiếng, kéo dài mãi đến tận ngày nay như thế này đây. Khổ thật!

Nhặt rau thì như thế, còn chế biến rau muống cũng thật cực hình. Tôi nhớ có mấy món mà ở nhà tôi hay ăn, đó là rau muống luộc (of course!), rau muống xào (có hoặc không có thịt bò, xào theo kiểu Bắc, thỉnh thoảng, để đổi vị lại xào theo kiểu người Hoa mà nhà tôi gọi là món "rau muống xào tàu", rất bình dân dễ nhớ!), và còn rau muống chẻ nữa chứ, để ăn sống.

Luộc rau muống! Nhớ lại "cực hình" hồi đó, tôi chợt cất tiếng thở dài đánh sượt vốn là “bản quyền” của tôi (tôi rất hay thờ dài, bất giác thôi, nhiều người nói thế!) Để luộc được một nồi rau muống to đùng cho cả chục người ăn như gia đình tôi hồi đó, công phu lắm. Rau muống luộc phải xanh, chin vừa, lấy ra đĩa phải rời từng cộng chứ không cuộn bùi nhùi lại với nhau thành một búi, và tô nước luộc phải thật trong xanh. Vậy phải cần một cái nồi to, rộng, nhiều nước, nước sôi đều mới thả rau vào, giữ lửa to đều cho sôi ùng ục, rồi vớt ra ngay. Bây giờ nghe những cái ấy thì thấy dễ làm lắm. Nhưng ngày xưa, ngay cả đồ nghề làm bếp còn không có đủ, nồi nhỏ mà rau nhiều, lại làm biếng không luộc làm 2 lần, rồi đun bếp củi, lửa tắt lên tắt xuống, không khéo léo, cẩn thận thì đố mà luộc được, thật đấy!

Những lỗi thông thường khi luộc rau muống: nồi nhỏ, ít nước không đủ ngập rau, nước sôi không đều, lửa nhỏ, thì luộc mãi luộc mãi, cọng rau dai nhách, đen xì, chỗ chin chỗ sống, hoặc mềm nhũn, vớt ra như một đống bùi nhùi … Tôi chợt nghĩ, muốn biết tài khéo và sự kiên nhẫn, bền bỉ của con gái Việt (nhà nghèo đông anh em), chỉ cần xem cô ấy luộc rau muống như thế nào, từ lúc nhặt đến lúc luộc xong, đó chính là cái test tốt nhất, thật vậy.

Còn rau muống xào. Cũng vậy, sau khi nhặt, rửa, ngắt ra từng khúc (không hiểu sao mẹ tôi không cho dùng dao cắt khúc), thì phải đổ vào chảo to, nóng, đảo đều cho chin, nêm mắm muối, rồi cuối cùng giã thật nhiều tỏi thơm lừng để trộn vào trước khi xúc ra đĩa. Nếu xào thịt bò thì chế biến thịt bò riêng, xào thịt bò trước (cũng nhiều tỏi, ướp vào thịt bò), rồi xong rau thì trộn chung vào. Món này thì tôi thích, và làm nhiều nên làm cũng giỏi, không tin cứ hỏi ông xã tôi hoặc các cậu em tôi sẽ rõ! ;-)

Còn món rau muống chẻ mới là ngán ngẩm nhất nè: trước hết phải tước hết lá, sau đó cọng rau muống đã tước lá phải chẻ bằng lưỡi lam, được kẹp vào một thanh tre nhỏ hơn chiếc đũa một chút để rọc đôi cọng rau, rồi sau đó cầm 2 nửa cọng rau đó chẻ tiếp ra thành những sợi nhỏ và thả ngay vào chậu nước có vắt chanh cho ra hết nhựa để cọng rau được trắng. Do rau muống rất nhiều nhựa nên khi nhặt rau xong thế nào đầu ngón tay cũng bám nhựa đen thui, mấy ngày mới rửa hết.

Cái này tôi chào thua hoàn toàn nên không có kinh nghiệm gì để kể ngoài mấy giòng như vậy. Vì ngày xưa còn bé, chỉ có bà chị khéo léo đảm đang của tôi mới thích làm thôi (mẹ tôi thì khỏi nói), còn tôi thì chắp tay vái lạy! Tôi hoàn toàn không thích ăn rau muống sống, nên đến giờ vẫn tự hỏi, tại sao người ta nhọc công và mất thời gian đến thế chỉ để chẻ ra được một dĩa rau muống sống để ăn. Nếu ăn rau muống sống bổ, thì cầm nguyên một cọng ăn sống cho rồi? (Thật đúng là con gái đoảng!!!)

Tôi còn chưa nói đến canh rau muống, là món đã được nêu trong câu ca dao. Cái này thì tôi có thể nói dài dài được đấy, đầy đủ màu sắc, mùi vị, hẳn là thi vị lắm. Thì “canh rau muống” đã được vào trong văn học rồi còn gì? Đẹp lắm chứ.

Nên tôi sẽ để dành đề tài ấy cho entry mới. Viết dài quá, Khuê đọc không nổi, lại “phew” sau khi đọc xong thì khổ! Fan ruột của blog này mà, phải chiều chớ! ;-)

Chỉ một thông tin cuối cùng trước khi kết thúc thôi: Theo hiểu biết khá hạn hẹp của tooi, một người không thuộc ngành sinh học, chuyên ngành thực vật, tôi biết rau muống tiếng Anh gọi là Water Morning Glory (còn gọi là Swamp Morning Glory), cùng họ với các Morning Glory khác như hoa bìm bìm, hoa trắng đơn sơ hay tim tím màu nhung nhớ.

Mà tên hoa đẹp quá đúng không: Niềm vinh quang buổi sáng. Còn bé, tôi rất thích hoa này, màu tím thẫm trong nhụy rồi lan ra màu phơn phớt tím, cuối cùng thành màu trắng ở ngoài cùng. Tôi rất thích nhìn sâu vào nhụy hoa và ... bâng khuâng, buồn cái gì không rõ. Nhưng đây là một loại hoa rất không bền, nở đó rồi tàn đó ngay.


Ở Châu Á, người Mã Lai và Philippines cũng rất thích ăn rau muống, và họ gọi nó là Kan-kung hay Kan-kong gì đó. Hình như còn có tên Tàu là Ong-Choi (Ông Xôi, có họ với Bó Xôi, Pok-Choi?) Còn tên khoa học của rau muống là Ipomoea Aquatica.

Nhớ hồi ở Úc, tôi ở cùng nhà với một cô bạn Úc đã từng làm việc ở Mã Lai 2 năm. Khi nấu cơm, bọn tôi nhặt rau muống, cô bạn người Hà Nội của tôi bỏ hết lá, chỉ lấy cọng để làm nộm rau muống, và cô bạn Úc ấy cứ tròn mắt tiếc rẻ khi bọn tôi quẳng hết lá rau đi. Cô ấy bảo, “what a waste, all the goodness thrown away like that!”. Vì ở Mã, ngược lại với VN ta, người ta ăn hết lá rau muống, mà quẳng hết cọng đi, cô ấy bảo vậy. Và đến lượt tôi và bạn tôi lại tròn xoe kinh ngạc, “trời ơi, uổng quá vậy?”

Kết luận của tôi: rau muống thì nên ăn hết cả lá, cả cọng, và có khi nên ăn cả sâu nữa cũng nên? Rau nào sâu ấy mà?

Hình rau muống, và thông tin về rau muống, cả hoa nữa, link đây này: http://images.google.com/images?q=ipomoea+aquatica. Đây nữa: http://plants.usda.gov/java/profile?symbol=IPAQ. Tôi đã “chôm” đưa lên đây mấy tấm hình đấy, minh họa cho đẹp! Thể theo lời yêu cầu của bạn Khuê! ;-)
--
Viết thêm tí:

Đọc xong bài của SGK giới thiệu, đọc lại cái tên rau muống bằng tiếng Anh, ngắm các bông hoa trong hình, tôi bỗng thấy cái tên tiếng Anh đó phải dịch ra là "ban mai rạng rỡ" thì mới đúng điệu. Vì hoa rau muống nở vào buổi sáng sớm, và đến trưa là tàn. Thật hay, ban mai rạng rỡ, có thể là quốc hoa được quá đi chứ nhỉ!

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

Thẳng thắn, thực chất, và định hướng dư luận

Tựa của entry này, cũng như nhiều cái tựa khác trên blog này của tôi, chắc chắn cần một lời giải thích. Vì, cũng như mọi lần, true to my confusing self, tôi nói rất khó hiểu, như nhiều người đã nhận xét (vì già trước tuổi mà!) ;-) Vậy thì lời giải thích đây.

Hai từ "thẳng thắn" và "thực chất" thực ra không phải của tôi, mà do tôi trích ra trong phần mở đầu của một bài viết mới trên báo Giáo dục và Thời đại. Đoạn trích dưới đây này. Hai từ thẳng thắn và thực chất đã được tô đậm trong đoạn trích.
(GD&TĐ)-Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2010 của các tỉnh thành đã được công bố, phần lớn đều đạt tỉ lệ trên 90%. Điều này đã và đang gây ra một sự hoài nghi lớn từ dư luận. Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi về vấn đề này với lãnh đạo các địa phương, phụ huynh và thầy cô giáo lại cho một cái nhìn thẳng thắn và đúng thực chất hơn. Tỉ lệ ấy chẳng có gì là bất ngờ nếu nhìn dưới con mắt người làm sư phạm.
Bài viết ấy có tựa là "Tỷ lệ tốt nghiệp THPT 2010: Chẳng có gì là bất thường". Mới đăng hôm nay trên báo GD&TĐ, ở đây.

Tại sao hai từ ấy lại làm tôi chú ý? Là vì tôi cũng là một trong những người "làm sư phạm" như tờ báo đã nói. Không những thế, tôi nghĩ riêng về việc này thì tôi có quyền cho rằng mình biết nhiều hơn người khác một chút, vì tôi không những làm sư phạm, tôi còn "làm khảo thí" tức thi cử nữa cơ!

Và cách đây 1, 2 ngày tôi đã viết một bài cho báo PLTP để nhận định về tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay, cũng đã đăng lên blog ncgdvn.blogspot.com của tôi (lại tự quảng cáo rồi). Một cách vắn tắt, tôi cho rằng không thể kết luận là năng lực thí sinh đã tăng lên chỉ vì có tỷ lệ tốt nghiệp cao do dựa vào điểm thô. Nói cách khác, tôi không hề đồng tình với nhận định rằng "tỷ lệ ấy chẳng có gì là bất ngờ nếu nhìn dưới con mắt người làm sư phạm", như tờ báo của ngành đã nói thay dùm cho tôi.

Phải nói thêm một chút. Tôi không hề kết luận là năm nay đề dễ hơn, hay là bệnh thành tích đang trở lại. Kết luận khơi khơi như vậy là thiếu căn cứ. Rất có thể, như các quan chức ngành giáo dục đang ra sức khẳng định, quả thật là ngành giáo dục trong 4 năm gần đây dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng NTN đã có rất nhiều nỗ lực. Hẳn thế rồi, vì tôi vẫn tin là thầy cô giáo của ta đều là những người tốt: lương thấp như thế, chẳng đủ ăn, mà vẫn kiên trì bám trường lớp như hiện nay. Chỉ như thế thôi cũng đã đáng được khen ngợi lắm rồi, thật chứ.

Nhưng nếu đã nói như thế, thì cũng phải nói thêm: chẳng riêng gì dưới thời Bộ trưởng NTN, mà thời bộ trưởng nào thì các thầy cô của chúng ta cũng đều nỗ lực hết mình. Ngày xưa, có lẽ còn thiếu đói hơn thế này nhiều nữa chứ, mà các thầy cô vẫn cứ làm tốt đó thôi!

Cũng có thể là do thí sinh năm nay tuổi Thân nên thông minh lắm, như một vị quan chức nào đã nói. Hoặc là do các em phấn đấu lập thành tích chào mừng 1000 năm Thăng Long, hay là vì thời tiết mát mẻ hôm các em đi thi (chỉ có điều, nếu tôi nhớ không lầm thì mấy ngày ấy nóng chứ không không mát như lúc này, sau khi đã có mấy trận mưa lớn). Nhưng dù sao thì tất cả cũng chỉ là giả thuyết, và muốn chấp nhận hay bác bỏ giả thuyết nào thì cũng đều phải có căn cứ.

Vì vậy, tôi hơi băn khoăn khi đọc những giòng trên. Và tự nhận thấy, khi một tờ báo của ngành giáo dục phản bác ý kiến dư luận bằng cách hỏi những người bên trong ngành, rồi bảo rằng thông tin đấy mới là "thẳng thắn" và "thực chất", thì e rằng chưa chính xác lắm!

Nó cho thấy có lẽ người viết không rành tiếng Việt. Vì tôi chỉ thấy nói: hãy "thẳng thắn vạch ra những chỗ chưa tốt", chứ không thấy nói "hãy thẳng thắn ca ngợi những cái hay, cái tốt - có căn cứ hoặc chưa có căn cứ - của ngành, theo đúng chủ trương của cấp trên". Cũng vậy với từ "thực chất": "hãy phát biểu đúng thực chất về hiện trạng, dù có thể chưa hoàn hảo của ngành", chứ chưa nghe ai nói: "hãy phát biểu đúng thực chất bằng cách nêu các thành tích vẻ vang của ngành" cả.

Còn nếu không phải là kém tiếng Việt, thì chắc người nói không có khái niệm về thông tin khách quan và đa chiều, về bên thứ ba, về đánh giá độc lập, hoặc về quyền lực thứ tư, đại khái thế.

Làm sao có nổi thời gian để nghe mấy thứ linh tinh đó, ngành giáo dục bận rộn quá mà! Suốt ngày thi đua khen thưởng lập thành tích chào mừng..., rồi thao diễn, hội thi, rồi tập huấn thay sách, rồi vận động hai không ba không bốn không, rồi đổi mới phương pháp, chương trình, quản lý, đưa vào nội dung phòng chống tham nhũng, đủ mọi thứ hầm bà lằng, đó là chưa kể thi cử gần như quanh năm suốt tháng như thế này!

Tóm lại, tôi thấy cách dùng 2 từ "thẳng thắn" và "thực chất" trong bài viết có vẻ hơi lạ, dường như chưa thể hiện được tinh thần "thẳng thắn" và "thực chất". Nên tôi mới đưa 2 từ đó vào tựa của entry này, là như thế!

Còn từ "định hướng dư luận"? Đó cũng là một cụm từ tôi đi nhặt ở một bài báo khác trên cùng tờ báo ấy, cơ quan ngôn luận của ngành giáo dục mà trong đó có tôi. Lần này, nó là đoạn cuối của bài báo, cũng có liên quan đến tỷ lệ tốt nghiệp. Như thế này này (cụm từ "định hướng dư luận" cũng đã được tô đậm):
Cũng nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã gửi lời chúc tốt đẹp, lời cảm ơn sâu sắc đến các phóng viên báo đài và mong rằng trong thời gian tới, các phóng viên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để truyền tải những chủ trương cũng như hoạt động của ngành giáo dục đến đông đảo tầng lớp nhân dân, đồng thời định hướng dư luận để xã hội hiểu đúng hơn về ngành giáo dục.
Bài báo ấy có tựa là "Kết quả đỗ tốt nghiệp cao không phải do buông lỏng kỷ luật trường thi", ở đây.

Tôi là người trong ngành, Thứ trưởng của tôi phát biểu, tất nhiên tôi hiểu rằng các nhà báo trong ngành (vd báo GD&TĐ) sẽ nghe và chấp hành chứ. Nên không có ý kiến gì ở đây cả.

Chỉ thắc mắc một chút: Hình như nếu đã "định hướng dư luận", thì không phải là muốn phát biểu "thẳng thắn" và "thực chất" thế nào cũng được đâu! Cho nên lẽ ra trong bài báo đầu tiên mà tôi trích dẫn, người biên tập nên sử dụng những từ nào khác thay vì 2 từ thẳng thắn và thực chất. Vì có thiếu gì cách nói khác, vẫn định hướng được dư luận theo chỉ đạo của cấp trên, mà không vướng vào lỗi kỹ thuật thô thiển như thế!

Kết luận: nghề báo ở VN, quả thật là một nghề khó! Không chỉ nguy hiểm, nó còn đòi hỏi phải rất thông minh, sáng tạo, và ... giỏi ngôn ngữ nữa! Phải không các bạn?

Xin một lần nữa hoan hô và chúc mừng các nhà báo chân chính của Việt Nam!

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2010

Viết cho "Ngày nhà báo" 21/6

Entry hơi linh tinh này tôi viết dành cho bạn bè tôi, những người làm nghề báo. Hoặc những ai không chọn nghề báo, nhưng được nghề chọn, thành một cái nghiệp viết lách cho báo chí, truyền thông. Kể cả các bloggers nữa, vì hiện nay blogging đã được xem là một phần của truyền thông rồi, gọi là "truyền thông tham dự" thì phải.

Chà, nếu mà tính các bloggers cũng là nhà báo nữa thì tôi cũng là nhà báo nhỉ? Vậy tức là entry này cũng dành cho tôi nữa đó. Nên ... viết hơi bị khó à nha, vì viết về chính mình và bạn bè của mình mà!

Vì có ít nhiều dính đến tôi, nên tôi sẽ cố gắng kiểm chế, không khen nhiều quá (!), vì nếu không lại bị trách là không khách quan. Chỉ có thể tự chê mình, thì sẽ không bị ai nói, còn khen, thì phải để cho người khác khen mình, đúng không? Nếu không muốn biến thành con mèo - "mèo khen mèo" ấy mà. À mà VN có câu chuyện về mèo hay lắm, chuyện "con giời" ấy, có ai không biết chuyện này không nhỉ?

Thôi, linh tinh thế đủ rồi. Giờ thì nói về các nhà báo tôi quen. Trước hết, tôi muốn viết entry này cho những người mà tôi đã biết và đã từng gặp, nhưng nay ít có cơ hội gặp vì hoàn cảnh không ở gần tôi. Không gần, nên không thể gặp, không thể "hú" đi uống cafe vào ngày nhà báo. Vì vậy, mượn trang blog này để trò chuyện, tâm tình chút vậy.

Trước hết, tôi muốn gửi entry này đến một người tôi mới quen ở báo TS. Đúng ra, tôi không dám gọi là bạn, vì anh hơn tôi khá nhiều tuổi, hơn chục tuổi lận. Nhưng được cái tôi cũng bị già trước tuổi mà (hồi mới đi dạy, tôi 23 tuổi, khi tôi giới thiệu với học trò tuổi của mình bằng tiếng Anh - I'm twenty three - thì ở dưới có một học viên dịch sang cho người bạn ngồi bên cạnh rằng: "Cổ nói cổ 33 tuổi!" Hic hic hic, nhớ tới giờ, ức tới giờ luôn!) nên nếu ai nói tôi là bạn của anh ấy, tôi thấy cũng ... được đấy, vì dường như chúng ta "on the same wavelength". Anh có nghĩ vậy không, anh T?

Nhắc tới "người bạn lớn" (I mean lớn tuổi hơn tôi), tôi cũng nhớ đến anh NQ, trước đây là PV giáo dục của một tờ báo lớn ở TP HCM, nay đã chuyển về NT để gần nhà và dưỡng sức lúc tuổi không còn trẻ nữa. Anh NQ và anh T. cùng tuổi với nhau, cùng sinh năm xảy ra nạn đói Ất Dậu thì phải. Một anh ở Bắc, một anh ở Nam, và cả hai anh tôi đều có những cái có thể chia sẻ. Thì đã bảo tôi già trước tuổi mà lại!

Một người khác, thì rất thân thiết vì cùng huyết thống mà lại, nhưng đang ở rất xa tôi, nửa vòng trái đất. Chị ấy hơn tôi năm tuổi. Mà cũng lạ, tôi tự hỏi tại sao sau một đời "dong ruổi", làm một professional rất là ... professional, đến chức VP rồi chứ có ít đâu, rồi chị ấy lại bỏ tất tần tật, đi viết báo. Can you explain that, chị H? Is being a journalist a 'calling', and some are called to it later in life than others?

Tôi còn một vài người bạn journalist nữa, cả hai trước đây đều viết báo Phụ Nữ nhưng lâu lắm rồi. Một người bút hiệu là BV, cựu học sinh Gia Long, hình như cũng hơn tôi 5 tuổi. BV ơi, lúc này chị ở đâu, lâu quá rồi tôi không gặp, và rất muốn gặp lại chị. Chỉ để chúc mừng ngày nhà báo thôi, một cái nghiệp mà chị đã mang suốt đời với những thăng trầm của nó, phải không chị BV?

Và người thứ hai là HT, một người trẻ hơn BV rất nhiều, nhưng phong cách thì rất giống BV, ngang tàng, bướng bỉnh, bản lãnh, cứng cỏi giống đàn ông. Lúc này em sao rồi HT nhỉ, lâu quá rồi tôi không gặp em?

Nãy giờ, tôi viết gì thế này? Linh tinh, tản mạn quá phải không? Ừ mà có phải linh tinh, tản mạn, lê la mách lẻo, chuyện gì cũng chõ mũi vào là đặc điểm của nhà báo không nhỉ? Nếu vậy, rõ ràng là tôi ... có năng khiếu làm nhà báo: gì chứ "tám" như vầy là tôi thích lắm đó!

Quay trở lại chủ đề nhà báo. Bây giờ đến các bloggers. Có rất nhiều bloggers ở gần và ở xa, biết mặt và không biết mặt (tuyệt đại đa số là không biết mặt!) tôi đã cảm thấy rất gần gũi, vì tôi đọc họ. Văn tức là người mà, nên những người này dù biết mặt hay không biết mặt tôi cũng cảm thấy hết sức thân thiết, làm như mình đã hiểu họ rõ lắm vậy. Cả HQ, cả Dr, cả bác Hãi, cả TC (đang ở New York), rồi NVP (người này vừa là nhà báo vừa là blogger, mà ngày xưa thì hình như là giảng viên Anh văn ở ĐHSP phải không anh P?), rồi HĐ (mà lúc này sao thấy im rồi?), rồi cả Anh BS, cả nhà văn PVĐ, và còn nhiều nhiều nữa tôi kể không xiết.

Tôi muốn nói gì về nhóm này nhỉ? Có lẽ trước hết là một lời cám ơn, vì sự dũng cảm dám nói lên những gì cần thiết. Và những lời ca ngợi (lẽ ra phải kềm lại, nhưng kềm không nổi, phải nói ra;-)), vì sự sắc sảo trong những phân tích của họ, vì sự nhạy bén phản ánh thời cuộc và các suy nghĩ của người dân - truyền thông công dân, truyền thông tham dự mà. (Và tự hãnh diện: trong nhóm này có cả tôi nữa đó, ghê chưa! Cũng có trách nhiệm với xã hội lắm chứ bộ! social responsibility đó nhe!)

Và cuối cùng, để mua vui cho mọi người nhân ngày nhà báo, cho tôi trở lại sở trường của tôi nhé: tìm các jokes/ quotes về nhà báo để đưa lên đây cho nó ... xôm tụ. Ở dưới đây này:
1. When a visitor to a small town in Georgia came upon a wild dog attacking a young boy, he quickly grabbed the animal and throttled it with his two hands.

A reporter saw the incident, congratulated the man and told him the headline the following day would read, "Valiant Local Man Saves Child by Killing Vicious Animal."

The hero told the journalist that he wasn't from that town.

"Well, then," the reporter said, "the headline will probably say, 'Georgia Man Saves Child by Killing Dog'."

"Actually," the man said, "I'm from Connecticut."

"In that case," the reporter said in a huff, "the headline should read, 'Yankee Kills Family Pet'."

Mọi người có cười không nhỉ? Truyện này nó chửi nhà báo mình đó: chữ nghĩa hơi ... "uốn dẻo", đúng là cái lưỡi không xương!
2. Government lies, and newspapers lie, but in a democracy they are different lies.

Câu này thật hay, phải không? Tôi thấy nó vô cùng sâu sắc!
3.A cub reporter for a small town newspaper was sent out on his first assignment. He submitted the following report to his editor. "Mrs. Smith was injured in a car accident today. She is recovering in County Hospital with lacerations on her breasts."

The Editor scolded the new reporter, "This is a family paper. We don't use words like breasts around here. Now go back and write something more appropiate!"

The young reporter thought long and hard. Finally he handed the Editor the following report. "Mrs. Smith was injured in a car accident today. She is recovering in County Hospital with lacerations on her
( . )( . ) "
.
So clever, and so cute, phải không? Tặng cho các nhà báo trẻ tuổi! Hoặc rất già đời! ;-)
4. A Soviet journalist walks into the hospital and tells the desk nurse, "I want to see the eye-ear doctor."
"There is no such doctor" she tells him. "Perhaps you would like to see someone else?"
"No, I need to see an eye-ear doctor," he says.
"But there is no such doctor," she replies. "We have doctors for the eyes and doctors for the ear, nose and throat, but no eye-ear doctor."
No help. He repeats, "I want to see the eye-ear doctor."

They go around like this for a few minutes and then the nurse says: "Comrade, there is no eye-ear doctor, but if there were one, why would you want to see him?"
"Because," he replies, "I keep hearing one thing and seeing another."

I like this one. No comments, please!
5. A journalist assigned to the Jerusalem bureau takes an
apartment overlooking the Wailing Wall. Every day when she
looks out, she sees an old Jewish man praying vigorously. So
the journalist goes down and introduces herself to the old man.

She asks: "You come every day to the wall. How long have you
done that and what are you praying for?"

The old man replies, "I have come here to pray every day for 25
years. In the morning I pray for world peace and then for the
brotherhood of man. I go home have a cup of tea and I come
back and pray for the eradication of illness and disease from
the earth."

The journalist is amazed. "How does it make you feel to come
here every day for 25 years and pray for these things?" she
asks.

The old man looks at her sadly. "Like I'm talking to a wall."
This one is also very cute. Và các bạn tha hồ viết comments!
(Mở ngoặc chút: chỗ này mới sửa, sau khi bị Người Sài Gòn sửa lưng!)

Vậy nhé, and finally, happy journalists' day to you and to us all!

À mà quên nữa, các jokes này tôi lấy trên mạng Internet, gõ vào google search các từ "journalist jokes" rồi đọc và chọn. Phải dẫn nguồn chớ, nếu không muốn bị cho là ... đạo đức giả, double standard, vì tôi đã từng viết về đạo văn mà! Cũng bị tai nạn rồi đó, hic hic! Nghề báo là một nghề nguy hiểm, hình như có ai đó đã tổng kết thế, trên toàn thế giới đấy chứ chẳng phải là VN đâu!

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

Số thống kê, trời ơi!

Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ viết entry về thống kê trên blog này. Đơn giản là vì blog này tôi vốn lập ra để dành cho con người văn thơ của tôi, con người thiên về não phải ấy. Còn con người của não trái, của công việc, của logic, của số liệu vv thì đã có chỗ khác để thể hiện rồi - cái blog ncgdvn.blogspot.com ấy (tranh thủ tự quảng cáo tí!).

Nhưng hôm nay, chẳng hiểu bị cái gì mà tôi đụng đâu cũng thấy thống kê. Mà toàn là những con số làm tôi "bức xúc" mới nói chứ! Gì chứ bức xúc, suy nghĩ theo kiểu cảm tính hoàn toàn, thì phải đưa lên blog này, chứ không thể đưa lên ncgdvn được - dù gì thì nơi đó cũng là bộ mặt professional của tôi, phải giữ cho nó ... đàng hoàng chút! ;-)

Quay lại vụ "thống kê". Trước hết, hôm nay là ngày tôi đi dạy, dạy nhập môn thống kê. Nói đúng hơn, phải nói là dạy Thống kê cho người dốt toán, và được dạy bởi người dốt toán, là tôi đây!

Đã dạy thống kê giáo dục, thì cố nhiên là tôi phải lấy ví dụ về thống kê trong giáo dục. Mà rất may, lúc này quốc hội đang họp, vừa mới xong đợt họp về các vấn đề giáo dục. Nên tôi tha hồ lấy những ví dụ về những sai lầm vô tình hoặc cố ý liên quan đến những con số thống kê giáo dục của VN. Ví dụ như gần đây có một đại biểu nào đó nhắc đến thu nhập của giáo viên, và hình như là PTT Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời rằng thu nhập của giáo viên hiện nay là trong khoảng từ 2.5 triệu đến 4 triệu gì đó, tôi không nhớ rõ.

Nhận xét của tôi sáng nay là: với một biến khoảng cách liên tục như tiền lương, thì tại sao PTT không sử dụng mức lương trung bình, mà lại sử dụng khoảng (range) từ 2.5 triệu đến 4 triệu làm gì? Vì nó không cho ta biết, ví dụ, phải chăng là 80% giáo viên lãnh lương 2.5 triệu, và 20% lãnh 4 triệu, hay ngược lại? Hay một tỷ lệ phần trăm nào khác?

Nhưng ấn tượng hơn là chiều nay tôi đọc được một bài tổng kết về giáo dục VN trong 4 năm PTT Nguyễn Thiện Nhân làm bộ trưởng. Những con số hết sức ấn tượng, chi li đến từng số lẻ. Và những kết luận còn ấn tượng hơn nhiều: toàn là những tiến bộ, thậm chí là tiến bộ vượt bậc.

Nếu quả những kết luận trong báo cáo trên là đúng, thì có lẽ giáo dục VN sắp khởi sắc, và đất nước sắp thành rồng thành cọp rồi đó. Ăn mừng đi, mọi người ơi! Mà cũng thật tiếc, tôi chỉ còn có 5 năm nữa là về hưu mà thôi. Không còn nhiều thời gian để chờ đến ngày nhà giáo ung dung sống bằng đồng lương chính đáng của mình, và ngành giáo được cả xã hội kính trọng, hẳn là thế.

Nhưng, vì là người dạy thống kê mà, nên cũng hơi thắc mắc: có cách nào kiểm tra sự chính xác của những con số trong báo cáo trên không nhỉ? Ừ mà có một chi tiết tôi tin là mình có thể kiểm tra được ngay: số lượng truy cập trang điện tử của tờ báo của ngành, báo giáo dục và thời đại.

Con số được đưa ra trong báo cáo nêu trên là: số lượng truy cập vào trang báo điện tử này là 110.000 lượt/ngày. Nghe cho kỹ nhé: một trăm mười ngàn lượt một ngày! Ấn tượng chưa!

Tôi tò mò vào các trang page rank để tìm hiểu. Tôi lấy những trang mà tôi biết, ví dụ: trang blog bshohai.blogspot.com, trang nguyenvantuan.net, trang ncgdvn.blogspot.com và trang này, bloganhvu.blogspot.com, và một vài trang nữa.

Trước hết, nói về các trang của tôi. Trang bloganhvu này tôi có cài công cụ đếm lượng truy cập (google analytics), và số liệu của google analytics cho tôi biết là trang của tôi có khoảng vài trăm lượt truy cập một ngày. Trang ncgdvn cũng thế, trung bình vài trăm lượt, thảng hoặc có bài gì "nóng hổi", scandalous thì tăng lên được trên một ngàn, là giỏi lắm rồi.

Trang bshohai cách đây ít lâu có lần tôi hỏi thì ông nói, cao lắm là khoảng chục ngàn lượt ra vào một ngày gì đó.

Trang nguyenvantuan.net thì có ghi rõ số lần truy cập từ 16/5 đến giờ là hơn 150 ngàn lượt truy cập, vậy trung bình là 5000 lượt truy cập một ngày.

Còn trang giáo dục và thời đại, nhớ nhé, có đến hơn 100 ngàn người truy cập một ngày!!!! Gấp 10 lần trang bshohai (vốn có vẻ khá hot?), gấp 20 lần trang nguyenvantuan, và gấp gần 1000 lần trang của tôi. (Đúng rồi còn gì, trang báo của cả ngành, tôi chỉ là một cá nhân, một hộ cá thể, "sản xuất nhỏ, lẻ", bì làm sao được!)

Vậy pagerank của những trang này ra sao? Dưới đây là các kết quả, và hình chụp các trang kết quả đó:

1. Trang ncgdvn của tôi: alexa page rank hạng trên 5 triệu (xấu hổ quá, thế này thì rao bán trang blog của mình để lấy tiền làm sao được nhỉ?). Hình chụp dưới đây.

2. Trang bshohai: alexa page rank hạng trên 500 ngàn (bỏ qua trang web của tôi xa tít mù tắp). Cũng phải thôi, nhìn followers (người theo dõi) của ông ấy đông thế còn gì, gần 150 người rồi. Hình page rank đây nè.

3. Trang nguyenvantuan: Theo tôi, trang này cũng rất hot. Tôi đã lặng lẽ đọc trang này nhiều năm rồi (trang cũ), và cũng chỉ cho nhiều sinh viên của tôi đọc, đặc biệt là các bài về thống kê hay về giáo dục. À mà này, các bài viết về thống kê của ông hay đáo để, rất đáng đọc, nhất là các bài thống kê giáo dục, thật đấy. Page rank trang này cũng là vài trăm ngàn gì đấy, đâu đó ngang ngửa với trang bshohai, hình dưới đây.

4. Còn đây là trang mà tôi quan tâm, trang điện tử của báo giáo dục và thời đại. Hình dưới đây.

Chỉ có điều là, sau khi tôi có được kết quả page rank của trang này, thì tôi cứ bần thần mãi cho đến giờ. Vì ... nó lạ quá! Hạng của trang này đến sao lại thấp hơn đến mấy trăm ngàn so với các trang bshohai và nguyenvantuan, vốn đều có lượng truy cập không đến 1/10, thậm chí chỉ 1/20 của trang giáo dục thời đại?

Tôi bần thần, là vì tôi không thể quyết định được ai đang có vấn đề về thống kê đây? Tôi, alexa page rank tool, hay tác giả của bài viết, hay người đã cung cấp số liệu cho tác giả viết bài? Hay là tại trang vietnamnet bị nhầm?

À, đúng rồi, có thế mà nghĩ mãi không ra: đây là ... lỗi đánh máy, đúng quá rồi!

Có thế chứ! Đúng là tôi lẩn thẩn rồi, thật thế!

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

Giết sâu bọ

Hôm nay là ngày giết sâu bọ, ngày 5 tháng 5 ta.

Nói chữ, thì nó là ngày Tết Đoan Ngọ. Cũng là ngày tưởng nhớ Khuất Nguyên nữa. Ai không biết Khuất Nguyên là ai, xin đọc entry cũ của tôi cách đây ít lâu (lại tự quảng cáo rồi;-)).

Tôi đã chờ để viết bài này vào đúng ngày của nó, tức là ngày hôm nay. Đã có ý tưởng rồi. Định ghi lại những ký ức của tôi về ngày này, khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi còn sống. Sáng ra, ăn "rượu nếp" (người Nam gọi là cơm rượu) như thế nào khi bụng trống, để "giết sâu bọ" mà. Cho sâu bọ nó xay xỉn, chắc thế.

Tôi còn định chụp hình bánh ú đưa lên nữa cơ. Vì tôi rất thích bánh ú của ngày mùng năm tháng năm, gói bằng lá tre, luộc bằng nước tro (?) nên hạt nếp tan ra hết, trong veo, rất đẹp (nhưng ăn thì cũng chẳng có gì là ngon, tôi nghĩ thế. Thích, chỉ vì nó lạ và công phu thôi, lá tre bé xíu, mỏng manh thế mà gói được bánh, luộc xong, hạt nếp đã tan ra nhưng vẫn thấy nguyên hạt nếp, lá xanh thấm vào nếp thành màu xanh như ngọc, đẹp thế!)

Nhưng rồi tôi không có thời gian để viết, vì phải viết một mẩu khác trên blog kia của tôi, blog về giáo dục. Entry ấy có tên, đại khái là "bằng giả, trường ma, kiểm định dỏm". Ai muốn xem, xin vào blog http://www.ncgdvn.blogspot.com.

Vì tôi thấy việc ấy quan trọng hơn nhiều, so với cái ký ức dễ thương của tôi về ngày giết sâu bọ.

Mà đó cũng là một loại sâu bọ, phải không? Đầy ra, trong giáo dục VN, và nói rộng hơn, trong xã hội VN ngày nay.

Hèn chi mà báo Tia Sáng cứ mãi giục tôi phải viết bài về sự trung thực của người trí thức, mà sau đó tôi đã phải gửi một bài dịch/giới thiệu với tựa "Liêm chính trong học thuật". Đã đăng trên Tia Sáng online.

Lẩn thẩn, tự hỏi, phải chăng thời Khuất Nguyên có quá nhiều sâu bọ theo nghĩa bóng, nên ông mới tự trầm mình (đời đục mình ta trong), và mọi người vì thương tiếc ông, và giận cái thời thế khốn nạn đã đẩy ông đến chỗ tự trầm, để đặt ra cái ngày giết sâu bọ này?

Biết đâu được, nhỉ?

Phải không Khuê (giờ này còn chưa thèm ngủ dậy nữa, nghỉ hè mà?) Dậy, giết sâu bọ đi Khuê nhé!

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2010

Áo mới

"Áo" là một từ bình dân, thân thuộc mà lại rất hình tượng và có tính biểu trưng cao trong tiếng Việt, có thể dùng để chỉ nhiều điều. Chẳng hạn, mùa Xuân về với hoa lá xanh tươi cũng được tả là "mùa Xuân đã khoác lên tấm áo mới cho vạn vật", ví dụ thế. Hoặc cơ chế hoạt động của một đơn vị đã cũ kỹ và không còn phù hợp, cần phải thay đổi, sẽ được nói một cách văn vẻ rằng "tấm áo cũ đã quá chật, cần phải thay áo mới".

"Áo mới" mà tôi nhắc đến trong tựa entry này là ... cái áo của blog này. Đấy, các bạn thấy rồi còn gì. Tôi thay áo cho blog là chiều theo gợi ý của lứa tuổi 9x đấy. Cô bé Khuê, con gái và cũng là một độc giả blog của mẹ, cứ nài nỉ: "Mẹ thay đổi thiết kế cho blog đi, blog của mẹ xấu quá!"

Ừ thì thay! Tôi lựa mãi, lựa mãi chẳng thấy cái nào phù hợp với mình, mà máy thì yếu nên cứ bị treo mãi, cuối cùng chẳng phải do mình đã quá ưng ý mà chọn được tấm áo này, chỉ là đến lúc hết kiên nhẫn nổi thì đồng ý ... đại (!) với tấm áo này mà thôi!

Thay rồi, mở blog ra cứ thấy ... hơi là lạ, ngượng ngùng sao ấy. Tôi là người "chung thủy", các bạn ạ, ít thích thay đổi, một khi đã quen với cái gì rồi thì chấp nhận nó nguyên si như thế, không muốn thay đổi nữa.

Khuê bảo, "cái design mới này hơi buồn mẹ ạ!"

Có lẽ nó buồn thật. Mặc dù như đã nói ở trên, tôi không cố tình chọn nó; nó chọn tôi thì đúng hơn!

Mà cũng có thể tôi đã chọn nó, một cách tất yếu, vì tại sao tôi lại hết kiên nhẫn và đồng ý khi chọn đến cái design này?

Một cách triết lý, mọi cái xảy ra trên đời đối với từng con người, đó là sự ngẫu nhiên hay là sự tất nhiên nhỉ?

Ngẫu nhiên và tất nhiên! Hay lắm, đây sẽ là tựa của một entry mới mà tôi sẽ viết trong một lúc nào đó, mặc dù chưa biết khi nào.

Còn bây giờ thì, thôi nhé, bạn bè ơi. Sáng ra viết linh tinh một chút vậy thôi.

Ngày tốt lành đến với mọi người, với tất cả những sự ngẫu nhiên và tất nhiên trong cuộc sống.

Mẹ lại linh tinh nữa rồi, thế nào Khuê cũng nói thế cho mà xem!

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

Linh tinh, và "Lòng tốt kiểu Sài Gòn"

Hello there! Anybody missing me while I am away? ;-)

Thế mà tôi đã "vắng nhà" (nhà = blog) cả tuần nay đấy! Mấy ngày qua bận rộn quá, hết tổ chức hội nghị tại cơ quan, rồi đi công tác Hà Nội (mới về trưa nay), nên chẳng có chút thời gian nào để trò chuyện với mọi người trên 2 blog của tôi. Thực ra cũng nhớ nhà và nhớ mọi người lắm, nhưng đúng là quỹ thời gian eo hẹp quá, mà lại muốn làm quá nhiều thứ, nên đành ... chịu!

Nhưng hôm nay thì tôi phải có entry mới thôi, vì con gái tôi, Anh Khuê (tên hay hông, chữ lót là tên mẹ đó, còn Khuê là tên mẹ chọn, bố ... duyệt) hỏi, sao lâu nay blog mẹ không có gì mới vậy, mẹ viết cái gì nữa đi! Và mẹ hứa, ừ, để mẹ viết, dù thật ra chưa biết viết cái gì, vì đầu óc còn ngổn ngang quá nhiều thông tin lộn xộn.

Thôi thì cứ viết vài giòng, trước là để giữ lời hứa với con trẻ, hai là để mọi người biết là tôi đã "về nhà". Ừ, về nhà thật chứ, bạn bè tôi, cả những người tôi biết mặt và chưa biết mặt, có lẽ cũng có những người mong tôi về, như mong một người thân về nhà vậy, phải không?

Sẽ viết nhiều thêm sau, các bạn bè của tôi ạ. Thực ra, tôi đang viết dở dang đến mấy entry lận, từ từ có thời gian sẽ hoàn tất và cho nó ra, bảo đảm sẽ ... mua vui được một vài trống canh cho mà xem! Còn bây giờ, xin kết thúc entry này bằng một phần của một bài viết mà bạn bè đã gửi cho tôi qua mail, chẳng rõ từ đâu, về "Lòng tốt kiểu Sài Gòn". Một bài viết mà tôi thích, vì nó nói khá đúng một khía cạnh trong tính cách người Sài Gòn. Gửi lên đây, để chia sẻ với các bạn bè Nam, Bắc (và cả Đông, Tây nữa chứ nhỉ) của tôi.

Tự dưng lại nghĩ: Có khi chính việc đưa những thông tin như vậy lên blog cá nhân (một kiểu truyền thông tham dự, "participatory journalism" hình như thế) cũng góp phần - dù rất nhỏ - trong việc hòa giải dân tộc, phải không?

---
Ông Hai năm nay 73 tuổi, quê ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Thời gian biểu một ngày của ông như sau: Sáng, từ nhà trọ của con gái út ở quận Phú Nhuận đạp xe lang thang, ghé công viên, bờ kè, chùa… nói chung là những chỗ có bóng mát, có lúc tạt vào nhà một người quen nào đó uống trà. Đến chừng 11 giờ trưa ngày chẵn (thứ Hai, Tư, Sáu) thì ghé đến quán cơm 2000 ở cư xá Lữ Gia (quận 11) để ăn bữa duy nhất trong ngày. Nếu là ngày lẻ (thứ Ba, Năm, Bảy), ông sẽ ghé vào quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm bên bờ kè Nhiêu Lộc, gần cầu Lê Văn Sỹ. Riêng ngày Chủ nhật, ông phải đi xa hơn một chút, qua chùa Diệu Pháp ở quận Bình Thạnh.

Chúng tôi gặp ông Hai ở quán Thiện Tâm vào một buổi trưa Sài Gòn nắng gắt. sau khi ông đã dùng xong bữa trưa miễn phí với đậu hũ kho, canh rau… Ông Hai vui vẻ chuyện trò: “Già rồi, mỗi ngày ăn một bữa vậy là đủ. Ở đây là miễn phí, còn bên quán cơm 2000 thì thỉnh thoảng mấy người quen cho vài ngàn đồng để dành nên cũng có tiền trả cho bữa ăn (2.000 đồng một bữa). Đi ăn cơm từ thiện vậy vừa không tốn tiền, lại vừa có lợi cho sức khỏe”.

Cái gọi là lợi cho sức khỏe mà ông nói chính là chuyện đạp xe suốt ngày, coi như… tập thể dục! Vợ chết, bốn đứa con đã dựng vợ gả chồng, tất cả đều lam lũ kiếm ăn và thuê nhà ở Sài Gòn, nhưng ông Hai không thể nương nhờ vào đứa con nào. Chỗ ông đang ngủ qua đêm cũng là căn phòng trọ bé xíu của vợ chồng con gái út, đứa con tạm gọi là có hiếu nhất. “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày” như trường hợp ông Hai thì thời nào cũng có và nơi đâu cũng có, nhưng đó là câu chuyện khác…

Những người già không được ai nuôi và không tự nuôi nổi mình như ông Hai, may thay vẫn còn sống được nhờ những bữa ăn từ thiện. Có thể chỉ ra ngay những địa chỉ cần biết ở Sài Gòn cho một bữa ăn trưa khi đang gặp khó khăn: quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm trên đường Hoàng Sa, gần cầu Lê Văn Sỹ (mở cửa các ngày thứ Ba, Năm, Bảy) từ 10-12 giờ với khoảng 400 suất ăn, quán cơm 2000 ở đường số 3, cư xá Lữ Gia, quận 11 (mở cửa thứ Hai, Tư, Sáu).

Quán cơm 2000 ở 14/1 đường Ngô Quyền, quận 10 (mở cửa thứ Ba, Năm, Bảy) mở cửa từ 11-13 giờ với khoảng 200-300 suất ăn mỗi ngày. Rồi quán Vợ Thằng Đậu của cố nghệ sĩ Lê Vũ Cầu ở 40 Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức mở cửa hằng ngày với vài trăm suất cơm chay. Riêng bếp ăn từ thiện Bảo Hòa, 220 Đinh Tiên Hoàng, quận 1 chuyên cung cấp khoảng gần 1.000 suất ăn miễn phí từ lúc bảy giờ sáng hằng ngày cho bệnh nhân ở các bệnh viện Ung Bướu, Chợ Rẫy, Gia Định… và hầu hết các chùa trên địa bàn thành phố đều sẵn lòng phục vụ bữa ăn cho người lỡ đường.

Nói chung, chỉ có hai khác biệt dễ nhận thấy ở các bữa ăn từ thiện trong thành phố. Thứ nhất, hầu hết những bữa cơm tại các địa chỉ nói ở trên đều hoàn toàn miễn phí, chỉ có hai quán cơm 2000 ở cư xá Lữ Gia và đường Ngô Quyền là thu tượng trưng 2.000 đồng cho mỗi suất ăn. Thứ hai, trong khi tất cả các quán cơm từ thiện khác không phân biệt đối tượng, chỉ quy định chung là người gặp khó khăn và… sinh viên nghèo thì bếp ăn Bảo Hòa lại phát phiếu ăn hằng tháng cho các bệnh nhân sau khi họ đã đưa ra những giấy tờ cần thiết như hồ sơ bệnh án, giấy tờ tùy thân…

Đi một vòng quanh những địa chỉ cung cấp bữa ăn từ thiện, dễ thấy trong số những người đến ăn, ngoài người già có hoàn cảnh như ông Hai, còn có các em bé bán vé số, đánh giày, những người chạy xe xích lô, bệnh nhân ở tỉnh lên thành phố chữa trị, các sinh viên nghèo, những kẻ lỡ đường… Đó là người được nhận bữa ăn, còn những người làm ra bữa ăn từ thiện đó là ai?

Lòng tốt kiểu Sài Gòn
Anh Phúc, một trong những người đang điều hành bếp ăn Bảo Hòa là một dân nhập cư gốc Bắc. Hằng ngày, anh tất bật với cả một núi công việc, từ khâu tổ chức nấu ăn, vào hộp, vận chuyển đến các bệnh viện để phân phát cho bệnh nhân, chuẩn bị cho ngày tiếp theo và cả tiếp nhận quà hỗ trợ từ những người hảo tâm đóng góp. Khi chúng tôi đến, anh đang viết “Giấy cảm tạ” để gửi cho một tiểu thương chợ Bà Chiểu đã tặng bốn bao gạo loại 25kg.

Rất bận bịu, nhưng anh vấn cười tươi: “Mệt, nhưng vui!”. Khi chúng tôi chưa kịp hỏi vui thế nào thì ngoài đường có một thanh niên dừng xe lại, thả xuống một bao gạo, mỉm cười và đi luôn! Anh Phúc nhún vai, cười nhẹ, lật sổ ghi vào: “Một bao gạo 25kg - Người cho: Vô danh”. Chúng tôi không hỏi tiếp nữa, bởi vừa được chứng kiến niềm vui của người đang điều hành bếp ăn từ thiện lớn nhất thành phố này.

“Tất cả rau, củ phục vụ cho bếp ăn đều là của chị em tiểu thương các chợ trong thành phố mang cho, mà nhiều nhất là chợ đầu mối Bình Điền. Còn gạo thì nhiều lắm, kiểu như anh thanh niên thả bao gạo lúc nãy thì ngày nào cũng có” - anh Phúc vui vẻ nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thoạt tiên những người sáng lập ra các bữa cơm từ thiện như cô Thủy ở bếp ăn Bảo Hòa, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu ở quán Vợ Thằng Đậu, ông Thương ở quán Thiện Tâm, chủ nhân các quán cơm 2000 ở đường Ngô Quyền và cư xá Lữ Gia… đều muốn làm điều hảo tâm với những gì họ có. Theo thời gian, lòng nhân ái của họ đã tác động đến cộng đồng cư dân Sài Gòn và thế là các bếp ăn từ thiện phát triển được như hiện nay.

[...]

Tản mạn cho và nhận
Cô gái tên Di, nhà ở quận 1, năm nay 16 tuổi, đang học lớp 11 tại một trường quốc tế ở Singapore. Cuối năm, Di về Việt Nam vì có kỳ nghỉ giữa năm dài một tháng rưỡi. Hằng ngày, Di đến bếp ăn Bảo Hòa phụ giúp việc chuẩn bị các bữa ăn. Trả lời cho thắc mắc của chúng tôi về chuyện tại sao không tận dụng thời gian nghỉ ngắn ngủi để đi chơi đây đó mà lại đến đây gọt củ cải, cô gái chỉ cười: “Em thích dzậy!”.

“Thích” không phải là lý do, mà những người đang cùng ngồi gọt củ cải cùng cô bé ấy ở cơ sở Bảo Hòa là những người làm từ thiện… chuyên nghiệp! Nhóm của dì Hai (gồm những người cùng quê ở Vĩnh Long) là một trong 13 nhóm tình nguyện của bếp ăn Bảo Hòa. Mỗi năm dì lên Sài Gòn một tháng làm nhiệm vụ chuẩn bị bữa ăn từ thiện tại đây. “Ở nhà đang sạ lúa và dọn rẫy, nhưng tới phiên nhóm mình thì phải giao việc lại cho mấy cha con để lên đây thôi” - dì cho biết.

Cái sự cho và nhận thì phải những người trong cuộc mới thấy hết ý nghĩa. Những lời có cánh thường được nghe trên tivi hay đọc trên các bài báo về các Mạnh Thường Quân có vẻ như rất xa lạ đối với những người như em Di, dì Hai, chú Tám, anh Phúc hay anh thanh niên thả bao gạo xuống rồi mỉm cười đi ngay. Họ đang làm những việc đầy ý nghĩa với suy nghĩ rất đơn giản là giúp một tay cho những người đang gặp khốn khó. Chỉ một điều chắc chắn là tất cả đều rất vui, rất hạnh phúc với những việc mình đang làm.

Đó là tâm tư của những người cho, còn kẻ nhận thì sao? Lần chúng tôi ghé quán cơm 2000 ở cư xá Lữ Gia, có một nhóm sinh viên đang ngồi ăn trưa ở quán cơm đối diện quán 2000. Minh, một sinh viên đại học Bách khoa, quê ở Bình Thuận tâm sự: “Ăn bên này trả bảy ngàn đồng cho một đĩa cơm, bên kia chỉ tốn có hai ngàn đồng. Tụi em chọn bên này vì gia đình cũng không đến nỗi, lại có tiền nhờ đi dạy kèm, còn để dành phần ăn bên kia cho mấy bạn sinh viên năm đầu, nhà nghèo, vì số suất ăn hai ngàn đồng có hạn. Coi vậy chứ mấy bạn đó cũng băn khoăn lắm khi buộc phải vào ăn cơm từ thiện, cực chẳng đã thôi anh à”.

Nhận bao giờ cũng khó khăn hơn là cho, kể cả khi được nhận ở nơi hào phóng như ở miền đất hứa này. Điển hình như ông Hai, dù đã có “thâm niên” hai năm đi ăn cơm từ thiện, ông vẫn ước ao có ít vốn liếng để lấy vé số đi bán hầu tự nuôi sống tuổi già của mình. Chúng tôi đã vào vai một người lỡ đường đi ăn cơm từ thiện và cảm nhận được tâm thế của kẻ nhận. Còn vui buồn của người cho? Khi tạm biệt ông Hai, tôi móc túi tặng ông mười ngàn đồng. Ông Hai nhìn chúng tôi biết ơn, giọng cảm động: “Chừng này là tui đủ trả năm ngày ăn cơm rồi đó!”.
---
Lòng tốt kiểu Sài Gòn đấy, dễ thương lắm phải không? Tự nhiên lại nhớ một câu hát cũng rất ... Sài Gòn: "Anh khách lạ/ đi lên đi xuống/ May mà có em, đời còn dễ thương"...

May mà còn có những nghĩa cử và những con người như thế này, nên dù giáo dục đang xuống cấp, đạo đức suy đồi, cướp, hiếp, giết, nhưng đời vẫn còn dễ thương, phải không mọi người ơi?

Cập nhật ngày 14.6.2010:
Hai tấm hình tôi mới đưa lên đây là do một bạn đọc của blog này từ nửa vòng trái đất gửi cho tôi đấy. Trong khi bản thân tôi còn chưa biết đến những nơi này - well, trừ quán cơm từ thiện "Vợ thằng Đậu" trên đường Đặng Văn Bi tôi đã đi qua. Thế giới nhỏ lắm, và làm gì rồi thì mọi người cũng đều biết cả, phải không các bạn?

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Khuất Nguyên và Nguyễn Trãi

Khuất Nguyên
Tựa của entry này thế nào cũng làm cho ai đó thắc mắc. Tại sao lại Khuất Nguyên và Nguyễn Trãi nhỉ? Hai vị này sống cách nhau biết bao nhiêu thế kỷ, và cũng chẳng trên cùng một quốc gia, có cái gì chung đâu mà tôi lại kết hợp vào chung một entry như thế này?

Ừ thì ... tôi mà! Cái trò liên tưởng linh tinh kiểu này là tôi ... rất giỏi, các bạn hay đọc blog này đã biết rồi còn gì nữa! :-) Thật ra, entry này tôi định viết từ mấy ngày nay rồi, đầu tiên nó chỉ là Khuất Nguyên thôi. Nhưng vì bận việc khác nên đến hôm nay mới viết được, và thế là nó trở thành Khuất Nguyên và Nguyễn Trãi.

Trước hết, hãy nói về Khuất Nguyên. Số là cách đây mấy ngày, sau một buổi dạy học về nhà, trao đổi với ông xã tôi có tỏ ra thất vọng và đưa ra nhận định của tôi về thái độ học hành của giới trẻ ngày nay.

Đại khái, tôi cho rằng dường như giáo dục VN đã rất rất thành công trong việc tạo ra một lớp trẻ dễ dàng hài lòng với việc học hành hời hợt, miễn sao có thể qua được môn học một cách dễ nhất. Không còn thấy đâu sự kiên trì, nhẫn nại, sinh viên vào thư viện nghiền ngẫm, đọc sách, trao đổi, hỏi thầy hỏi bạn. Chỉ thấy làm qua quýt, chưa biết cái gì thì chỉ google được đến đâu hay đến đó, sao chép cut and paste thoải mái, nói năng thì lốp bốp thuật ngữ và big words nhưng nghe kỹ thì rất nhiều chỗ hổng vv và vv.

Nghe tôi nói xong, ông xã tôi chỉ nói: "Em muốn làm Khuất Nguyên ư?"

Khuất Nguyên? Chà chà, gay đây!

Khuất Nguyên là ai, mà tại sao em lại là Khuất Nguyên chứ? Tôi hỏi ông xã tôi như vậy. Vì mặc dù nghe tên Khuất Nguyên cũng thấy quen quen, biết là một danh nhân nào đấy của Trung Quốc, nhưng quả thật ông là ai thì tôi hoàn toàn không biết (kể ra cũng hơi xấu hổ nhỉ, quả thật vậy!)

Và ông xã tôi nói: "Em biết câu: 'Đời đục mình ta trong' chứ? Không biết, thì tìm trên google đi chứ còn chờ gì nữa?"

Vậy thì tôi phải google về Khuất Nguyên. Chỉ một click thôi với từ khóa "Khuất Nguyên", tôi tìm được "khoảng 5.690.000 kết quả trong 0,21 giây". Một kết quả cho thấy sự nổi tiếng của nhân vật Khuất Nguyên, tác giả của câu nói "Đời đục mình ta trong" mà chắc là ở VN ai cũng biết, dù có thể không rõ tác giả là ai, tên gì, và tiểu sử ra sao.

Còn dưới đây là một vài chi tiết về Khuất Nguyên từ wikipedia (thông tin từ wikipedia thì tất nhiên còn phải kiểm chứng lại, nhưng để biết sơ sơ thì ... cũng tạm chấp nhận phải không?).
Khuất Nguyên (chữ Hán: 屈原; bính âm: qū yúan), tên Bình, biệt hiệu Linh Quân (340 TCN - 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của Trung Quốc. Ông là người trong hoàng tộc nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Ông học rộng, nhớ dai, giỏi về chính trị, lại có tài văn chương. Lúc đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài ông, tìm cách hãm hại. Vua Sở nghe lời gièm pha nên ghét ông. Ông âu sầu, ưu tư viết thiên Ly Tao để tả nỗi buồn bị vua bỏ.

Ngoài tập Ly Tao là tập thơ bất hủ của ông để lại, ông còn có nhiều sáng tác thơ khác như Sở từ, Thiên Vấn (Hỏi trời).v.v.

Đến cuối đời ông bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam (phía nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú "Hoài Sa" rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.

Ông cũng chính là nhân vật trong sự tích tết Đoan Ngọ (Đoan Dương). Theo truyền thuyết này, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của ông, hàng năm người ta tổ chức vào ngày mồng năm tháng năm là ngày tết Đoan Dương ở Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á
.
Thế đấy. Té ra nhà thơ Khuất Nguyên lại còn liên quan đến Tết Đoan Ngọ nữa cơ! Mới biết có rất nhiều thứ mình cứ tưởng mình biết, mà hóa ra là không biết! ("Biết thì biết mình biết, không biết thì biết mình không biết, đó mới là biết vậy!" thời xưa có ai đó đã từng phán như thế, còn ai thì ... tôi lại cũng không biết nốt, khổ thật!)

Quay trở lại đề tài Khuất Nguyên. Sau khi tìm và đọc về ông, tôi cứ ... bần thần mãi, xót xa cho một số phận thiên tài nhưng không gặp thời, đến nỗi phải chấm dứt cuộc đời một cách đau đớn như vậy.

Ờ, mà hình như mấy vị thiên tài của châu Á nhà ta, ít ra là Trung Quốc và Việt Nam, thường hay có kết thúc đau khổ lắm thì phải?

Bởi vì kết thúc đau khổ, nào chỉ có Khuất Nguyên, phải không? Ở VN, còn có một vị cũng nhà thơ nhưng không chỉ làm thơ (có ai không biết câu "... khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc" không nhỉ), là Nguyễn Trãi, một trong những nhân vật lịch sử mà tôi vô cùng yêu mến, ngưỡng mộ.
Nguyễn Trãi

Đó là lý do khi nhắc đến Khuất Nguyên tôi lại liên tưởng đến Nguyễn Trãi và dùng tên hai ông để đặt thành cái tựa của entry này đây.

Chẳng là tôi lại mới đọc được một tài liệu rất hay về Nguyễn Trãi, phân tích sự tất yếu của cái chết oan ức, tức tưởi của ông với vụ án Thị Lộ và Lệ Chi Viên. Của một Giáo sư Việt kiều, hình như thế, tên Nguyễn Văn Thành, mà tôi tìm thấy ở trang mạng Công giáo Việt Nam, ở đây. Link: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module3&v=detail&ib=15.

Mở ngoặc một chút: mặc dù là ở trang công giáo, nhưng tác phẩm mà tôi giới thiệu chẳng liên quan chút nào đến đạo công giáo cả, các bạn cứ yên tâm mà đọc nhé! Bản thân tôi cũng rất ghét việc tìm mọi cách để "rao giảng" niềm tin của mình ở chốn công cộng mà!

Nhân tiện, ai muốn đọc thêm về Lệ Chi Viên thì đọc cái này trên wikipedia mà tôi cho là khá hay, link đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_L%E1%BB%87_Chi_Vi%C3%AAn.

Còn tôi, khi đọc cuốn Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt (chưa đọc kỹ lắm, chỉ một số đoạn thôi, nhưng tôi cho là rất đáng đọc), tôi lại suy nghĩ bần thần: Tại sao những con người thiên tài như Nguyễn Trãi thời ấy, hay Khuất Nguyên thời rất xa xưa kia, không được trân trọng hay ít ra cũng được sống an nhiên, thanh thản, mà dằn vặt, đau đớn đến vậy?

Tất nhiên, câu trả lời hẳn là GS Nguyễn Văn Thành đã đưa ra trong cuốn sách của ông rồi, nhưng tôi chưa đọc hết, sẽ phải có thời gian để quay lại đọc.

Nhưng câu hỏi mà tôi đang lẩn thẩn tự hỏi mình ngay lúc này, là phải chăng chỉ có trong một xã hội cụ thể nào, với những thể chế sao đó, thì những con người như Khuất Nguyên và Nguyễn Trãi mới có kết cục đau đớn như thế? Còn ở những thể chế khác thì có thể sẽ không như vậy?

Và lại tự phản biện: Hay biết đâu, chính là vì sống trong những xã hội như họ đã sống, nên Khuất Nguyên mới là Khuất Nguyên và Nguyễn Trãi mới là Nguyễn Trãi?

Quả trứng hay con gà có trước? Tôi không rõ.

Tôi chỉ rõ một điều: Tôi không muốn làm Khuất Nguyên, hay Nguyễn Trãi đâu, thực vậy.

Vậy thì làm gì? Hay là cho tôi làm Từ Thức vậy? Làm Rip Van Winkle?

Ừ nhỉ, lẽ ra cái tựa entry này của tôi còn phải có thêm một cái tên khác nữa: Khuất Nguyên, Nguyễn Trãi hay Từ Thức?
Rip Van Winkle
Tôi lại lẩn thẩn rồi, các bạn ơi!
---
Chú thích:
Hình Khuất Nguyên, Nguyễn Trãi và Rip Van Winkle lấy trên wikipedia.

Viết thêm:
Ai đã đọc entry này, nhất thiết phải đọc thêm entry hay gấp trăm lần này của Nguyễn Ngọc Tư, viết từ năm 2007, ở đây, nếu chưa đọc. http://ngngtu.blogspot.com/2007/08/li-va-chm.html. Do SGK giới thiệu.

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2010

Năm mươi còn ngơ ngác ...

... theo dòng đời tới lui.

Đó là một câu trong ca từ của "Bài không tên số 7" của nhạc sĩ Vũ Thành An, người nhạc sĩ với những bài không tên nổi tiếng lừng lẫy một thời.

Bài đó, tất nhiên là tôi thích, như hầu hết các bài không tên khác. Nhưng hôm nay, tự nhiên câu hát đó lại đúng ngay tâm trạng hiện tại của tôi. Nên nghe xong, thấy bài hát bỗng trở nên rất đặc biệt, như tác giả viết riêng cho mình.

Vì năm nay tôi đúng năm mươi tuổi. Với một phần tư thế kỷ sống với ông xã mà tôi đã đem lên đây khoe mấy lần rồi. Và chỉ còn 3 năm nữa là trọn 30 năm làm việc trong khu vực nhà nước, trong một trường đại học, nơi tôi đã bắt đầu vào học từ năm 1978 (cách đây 32 năm, chúa ơi!) và mãi cho đến nay vẫn cứ loanh quanh ở đó, đến nỗi bạn bè tôi thỉnh thoảng vẫn chọc là "học mãi mà không ra trường được".

Vâng, chính vì cứ loay hoay mãi một nơi như vậy, nên có lẽ tôi có hơi ... khờ khờ thật các bạn ạ, đúng như ông xã tôi vẫn hay nói. Hùng hùng, hổ hổ vậy thôi, con hổ giấy ấy mà, ông ấy bảo thế. Em khờ thấy mồ!

Nên mới ... "năm mươi còn ngơ ngác, theo dòng đời tới lui" như thế này!

Thôi thì sao cũng được, hãy cứ enjoy bài hát này đã. Nhạc hay đã đành, mà lời của nó cũng rất hay, từng câu từng chữ đều rất chọn lọc, xúc tích, sâu lắng, trang trọng. Đây.

Dòng nhạc xa cũ
khơi lại niềm nhung nhớ
ôi người yêu ta xưa
phiêu bạt nơi đâu

Vằng vặc trăng sao
thương nào em có thấu
tâm sự này rướm máu
chia gì được đớn đau

Bao nhiêu mộng mơ đó
đã tan theo một cơn gió
bơ vơ dòng tóc vỡ
trôi dạt về bến nghìn đời

Thân ta giờ ngao ngán
mong manh giòn khô rơm rác
năm mươi còn ngơ ngác
theo dòng đời tới lui


Một đời cuộn quanh giành tranh
chẳng qua một chớp mắt
sẽ cho em hạnh phúc có không em
sẽ cho ta bình yên
vẫn đang xin,
đã cho nhau những điều lạ gì...

Chỉ là đôi chút
kỷ niệm giờ heo hút
mối tình vừa chất ngất
ngưng động thầm sâu

Gọi về em gái
tươi trẻ ngày thơ ấy
đã trở thành mãi mãi
con người của khói mây...


Tuyệt quá, phải không? Không thể nói gì nhiều hơn thế, tự bài hát đã là lời quảng cáo hay nhất cho nó rồi.

Ai thích nghe, xin theo link này: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=ZV_tgIlpOc. Có nhiều ca sĩ biểu diễn bài này, nhưng tôi vẫn thích Lệ Thu trình bày. Rất dằn vặt, đau đớn...

Enjoy nhé, và ... đừng quá buồn khi bạn thấy câu "năm mươi còn ngơ ngác, theo dòng đời tới lui" ứng vào mình. Ít ra bạn cũng có được một người đồng cảnh ngộ, là chủ trang blog này đây.

Nỗi buồn phải chịu một mình thì rất nặng, nhưng có thêm một người cùng chịu với mình nó đã vơi đi một nửa, phải không? :-)

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2010

Tiêu cực hay tích cực?

Tựa của entry này chẳng có liên quan gì đến vụ thầy Khoa (chống tiêu cực trong giáo dục), mà chỉ nhắc lại một sự kiện nho nhỏ đã xảy ra với tôi tại cơ quan chiều nay mà thôi.

Chẳng là tôi được mời vào một hội đồng - xin tạm không nói là hội đồng gì, vì thực ra điều này cũng không quan trọng - nơi đó vai trò của tôi rất ... không có tác dụng gì cả, có mặt cũng được mà không có mặt cũng được. Bản thân tôi cũng thấy mình chẳng được lợi gì - chẳng hạn, có thêm thông tin, tạo thêm quan hệ, có thêm hiểu biết về những vấn đề mình quan tâm - ngoài việc, có lẽ vậy, nhận được một chút thù lao ngồi hội đồng.

Vì vậy, tôi không đến. Cũng vì còn nhiều việc khác phải làm tại cơ quan, việc nhà nước cả. Mà toàn là việc gấp.

Tuy không đến, nhưng nếu tôi đến (ví dụ, bị gọi, bị nhắc) thì tôi cũng chuẩn bị một lời góp ý mà tôi biết nếu nói ra có lẽ cũng chẳng ai nghe theo, chẳng qua cũng để làm đủ thủ tục mà thôi, nếu phải có mặt. Nhưng vì đã không đến, nên tôi đã không nói. Cũng không sao, không ai quan tâm, không ai hỏi.

Giá mà cứ để mọi việc trôi qua rồi cũng xong (Việt Nam mình nó thế, đặc biệt là ... văn hóa Bắc, hình như thế: nếu không hài lòng, thì cũng chẳng cần phải nói ra, mọi người tự khắc sẽ đoán ra thôi mà, rồi người ta cũng tự tìm cách ứng xử phù hợp thôi). Nhưng tôi lại tình cờ gặp một đồng nghiệp mà tôi xem là bạn thực sự, một trong những nhân vật chính trong cái hội đồng đó. Nên tôi sực nhớ câu góp ý mà mình định nói, và nói với chị ấy.

Như một người bạn, vì tôi nghĩ có thể chị ấy sẽ nghe một chút, và sẽ xử lý thông tin đó trong việc ra quyết định của chị ấy sau này.

Nhưng không hiểu do cách nói của tôi dở, hay cũng có thể chị ấy vốn đã không hài lòng về chuyện tôi không đến dự (đây là lần thứ 2 tôi không dự, sau một số lần có dự và thấy mọi chuyện "có mợ thì chợ cũng đông"), chị ấy trách tôi, "lẽ ra em phải có mặt trong hội đồng để nói điều đó".

Vì xem nhau là bạn, không giữ kẽ, nên tôi bèn nói thật, rằng tôi không thấy mình có vai trò gì nên không đến. Và thế là tôi bị chị ấy trách - nói đúng hơn là lên lớp, rằng, nếu cả như chị, thì chị vẫn đến và nói, còn có ai nghe hay không thì đó là việc khác. Ít ra, mình cũng đã cố nói ra. Vì chị "tích cực".

Có lẽ cũng hơi ... đanh đá, tôi nhận luôn: "Vâng, còn em thì rất tiêu cực. Em thấy nói ra vô ích, thì không nói. Bởi nói nhiều lần, vẫn không đi đến đâu, luôn luôn là thiểu số tuyệt đối, mà hội đồng thì làm việc theo kiểu bỏ phiếu số đông, không có chỗ cho những ý kiến khác biệt. Thì nói để làm gì?"

Ấy là chuyện xảy ra vào chiều nay, vào giờ tan sở. Tức là cách đây 5 tiếng đồng hồ rồi. Tôi đã về nhà, ăn cơm, đọc báo, xem TV, tắm rửa, chuẩn bị viết lách một chút ...

Vậy mà giờ đây lại nhớ đến chuyện ấy, và băn khoăn tự hỏi: "Trong trường hợp vừa nêu, tôi là tích cực hay là tiêu cực nhỉ?"

Tôi nghĩ, tôi chỉ có các lựa chọn sau:

Một là đến và nói một cách gay gắt để cố gắng đưa được ý kiến mình ra. Có thể mọi người sẽ tạm không thông qua nếu tôi rất gay gắt. Nhưng mọi người sẽ quay ra oán trách, thậm chí kiện, vì những trường hợp khác tương tự mà không có mặt tôi thì vẫn sẽ qua. Và sẽ đổ vỡ nhiều, mà chẳng đi đến đâu cả: không hề giải quyết được một cách hệ thống.

Hai là tôi vẫn sẽ nói, nhẹ nhàng hơn, dù biết sẽ không ai nghe, nhưng tôi cũng sẽ hài lòng vì đã "tích cực" nói xong tiếng nói của mình. Nhìn bên ngoài, đây là cách làm "tốt" nhất: tôi vẫn nói điều mình nghĩ, còn mọi người thì vẫn cứ làm theo ý mình, vì dù sao cũng đã tạo điều kiện cho tôi nói.

Làm như thế, sẽ giữ được sự "hài hòa, ổn định"!

Ba, là vì thấy mình chẳng có tác dụng gì, thôi thì ... không đến. Vì thực chất tôi chẳng có đóng góp gì, hoặc thậm chí, tệ hơn nữa, đã là đóng góp vào ... màn kịch "đã lắng nghe ý kiến các bên, tôn trọng sự đa dạng."

Theo cách nhìn của tôi, thái độ thứ ba mà tôi đã chọn thực ra là tích cực. Thậm chí, có chút hy sinh nữa. Hy sinh không nhận thù lao của sự có mặt bù nhìn của mình. Hoặc chấp nhận bị trách, bị phê phán là đã không đến. Bị mọi người tẩy chay vì sự khó chịu của mình. Chấp nhận mọi thứ không tốt, để tìm cách nói lên điều mình muốn nói: hình như không có ai quan tâm đến ý kiến của tôi - tất nhiên không phải vì tôi là tôi, mà vì mảng công việc mà tôi đại diện.

Rồi sẽ có lúc có ai đó chú ý đến sự vắng mặt của tôi, và lúc ấy, có lẽ là lúc tôi đã thực sự có thể nói mà có tác dụng. Còn bây giờ, thôi thì không nhận thù lao, cũng chẳng mất thì giờ vô ích làm gì, để thời gian làm việc khác có ích hơn.

Nhưng hình như có một cách định nghĩa tích cực theo kiểu khác. Tích cực, là go with the flow. Là, if you cannot beat them, join them, như một người bạn Việt kiều Mỹ gốc Hoa với tính cách thực dụng - mặc dù cũng rất dễ thương, vì dù sao cũng chân thành - đã khuyên tôi.

Tích cực, nếu theo định nghĩa này, thì rất ngược lại với cách làm của thầy Khoa, phải không? Nếu thầy Khoa tích cực, thì thầy nên ở lại trong ngành giáo dục, chống tiêu cực được đến đâu thì chống, cũng chẳng phải chuyện riêng của thầy. Ừ thì cứ chống, nhưng hiệu trưởng không nghe thì thôi. Chứ không phải là chống đến cùng như thế, rồi nghỉ việc. Nghe chưa thầy Khoa?

Nghe chưa, hả Phương Anh?

Tôi thực sự đang hoang mang lắm: có phải những người như tôi hay thầy Khoa là những người bất bình thường trong xã hội VN ngày nay hay không?

Mà nếu họ bất bình thường, theo nghĩa là có những ý kiến và hành xử khác biệt, thì có phải chăng xã hội VN ngày nay sẽ không thể nào "khoan dung", chấp nhận họ được, phải không?

Vậy mà hồi tôi ở Úc, thì cái đất nước Kangaroo ấy cứ mãi ca ngợi đặc điểm multiculralism của họ, vì như thế tức là có sự đa dạng về văn hóa và sự khoan dung, chấp nhận sự khác biệt, rất cần thiết cho sự phát triển đất nước (ấy là họ nói vậy).

Cũng trên blog này, tôi đã có viết một mẩu về khoan dung cách đây ít lâu. Hình như trong bài đó, tôi nghĩ rằng sự khoan dung, chấp nhận sự khác biệt của nước Mỹ cũng là một success factor của họ.

Cho tới cách đây hơn 5 tiếng đồng hồ, tôi vẫn còn nghĩ như vậy.

Nhưng bây giờ thì tôi bắt đầu nghĩ lại rồi: Phải chăng tôi đã sai?

Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng hay sao em?

Tôi lại chợt nhớ một câu mà tôi rất thích trong Kinh thánh: "Trong nhà cha ta có nhiều chỗ ở."

Còn ở nhà mẹ Việt Nam ta, thì có câu này: "Ăn thì nhiều, ở hết bao nhiêu?"

Đấy, khác biệt về giá trị, và về văn hóa đấy. Nếu vậy, liệu có chỗ nào cho những người như tôi và thầy Khoa không, nhỉ?