Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Lan man về Trịnh Công Sơn, Tố Hữu, và hậu hiện đại

Hôm nay là thứ bảy. Có thời gian một chút, lại đang có hứng, nên tôi viết lăng nhăng thôi. Không đầu không đuôi, viết vụn, viết nhảm đấy ạ. Nói trước để những bạn bè thân quen, những độc giả thân thiết trên blog này đừng mắng tôi sau khi đọc xong, nhé! (Nếu các bạn không thích kiểu viết lăng nhăng ấy, xin hãy rời đi ngay, đừng đọc thêm nữa kẻo mất thì giờ vô ích!)

Rồi, bây giờ thì tôi tha hồ đi lan man nhé, vì tôi viết cho tôi, hoặc cho những người giống tôi (vì ai không giống thì sau khi đọc xong đoạn đầu thì đã bỏ đi hết rồi còn đâu nữa!). Vậy thì lan man đây: hôm nay là thứ bảy, 27/7, ngày thương binh liệt sĩ, nhưng khái niệm thương binh liệt sĩ của chúng ta không bao hàm các thương binh liệt sĩ của trận chiến năm 1979 với Trung Quốc xâm lược thì phải. Vì những từ này hoàn toàn không được ai nhắc đến (hoặc ít ra là không nhắc trực tiếp) trong bất kỳ bài diễn văn, hay phát biểu, hay bài báo ... nào cả.

Tại sao lại kỳ lạ như thế, xin để cho những người có trách nhiệm hoặc có thông tin chính xác trả lời. Tôi chỉ quan sát và mô tả như một hiện tượng bất thường mà thôi. Bất thường y như khi trong cơ quan (công lập) có một cuộc họp xử lý (oan) một ai đó, sau khi lãnh đạo đã đưa ra mọi lời kết án hùng biện với đầy đủ chứng cứ trên ... giấy, rồi thì để cho dân chủ (!), sẽ hỏi những người ngồi dự rằng có ai có ý kiến hay phát biểu gì không. Thì mọi người đưa mắt nhìn nhau đầy ý nghĩa, rồi nhìn thẳng vào mặt người đang điều khiển cuộc họp với những đôi mắt mang hình viên đạn, rồi lại quay đi và lắc đầu, không, không ai có ý kiến gì cả. Bất thường, ai cũng biết thế. Nhưng rồi thì cuộc họp vẫn kết thúc, và người bị xử lý vẫn sẽ bị xử lý.

Ơ mà tại sao hôm nay tôi lại nghĩ đến cuộc họp xử lý (oan) ai đó tại một cơ quan công lập nhỉ; tôi đã rời hệ thống công lập đến 2 năm nay rồi cơ mà. Á à, tôi biết rồi, là vì trong tiềm thức tôi vẫn nhớ rất rõ hôm nay là ngày xử lý luận văn Đỗ Thị Thoan. Về luận văn này tôi đã viết nhiều rồi nên chắc không còn gì để viết. Ấy là tôi nói viết một cách ... đàng hoàng, lý trí ạ; tôi đã đăng trên blog kia của tôi, blog nghiên cứu giáo dục (tại đây: ncgdvn.blogspot.com) đến 3 bài liên tiếp, ai muốn biết quan điểm chính thức của tôi thì sang đó đọc ạ.

Các bạn quen biết tôi thì ai cũng biết rõ tôi có 2 cái blog, Blog giáo dục Việt Nam là hình ảnh nghề nghiệp của tôi, nên nó được giữ tương đối đúng mực: khách quan, lý tính, thận trọng. Nó phản ánh phần não trái của tôi. Còn blog này là blog cá nhân, cảm tính, lan man, cà rỡn, nó phản ảnh (quá) nửa con người còn lại của tôi, đó là phần thực, phần não phải. Haizzz, lý luận lăng nhăng lằng nhằng quá. Ai thắc mắc về não phải não trái thì thử google search, hoặc tìm ngay trên blog này, tôi cũng có viết dăm ba bài (tản mạn) đấy!

Nhưng nếu đã viết hết ý về luận văn ấy rồi thì cớ gì tôi lại vẫn viết thêm về ĐTT ở đây? Ồ không đâu, tôi không viết về ĐTT nữa ạ, mà chỉ nhắc đến cái gì còn lại trong tiềm thức mà thôi. Tiềm thức tôi hoạt động kiểu gì không rõ mà sáng giờ tôi cứ nhớ đến một bài hát của TCS trước năm 75 vốn đã được bọn trẻ hồi ấy mê mẩn ghê lắm (well, "bọn" ấy là lớp đàn anh, đàn chị của tôi, nhưng tôi đang phát biểu như một người ngoại ngũ tuần nói về lớp trẻ ở lứa tuổi đôi mươi mà lại, nên phải gọi chúng bằng bọn trẻ chứ sao).

Bài hát ấy bắt đầu bằng câu: Chúa đã bỏ loài người/Phật đã bỏ loài người/Này em xin cứ phụ người ... Một câu ca mà những người trẻ thời đó rất thích thú vì cách diễn đạt rất mới mẻ để gián tiếp bày tỏ tình yêu của một kẻ si tình: tôn "em" lên ngang - hoặc thậm chí cao hơn - cả chúa và phật trong cuộc đời anh, mà không cần phải nói bất kỳ một lời nói "sến" nào cả. Xin các bạn đọc toàn bộ lời bài ca dưới đây:

NÀY EM CÓ NHỚ

Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứ phụ người

Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứu một người

Này em xin cứ phụ tôi
Đời sống quanh đây có vạn lời mời
Đời sống quanh đây tiếng người mừng gọi em vào.
Đời đã quen với những kiếp xa nhau

Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứu một người
Này em hãy đến tìm tôi
Vì những con sông đã cạn nguồn rồi
Vì gió đêm nay hát lời tù tội quanh đời
Về cùng tôi đứng bên âu lo này

Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em có nhớ cuộc đời
Này em có biết loài người
Này em có nhớ gì tôi


Các bạn vào nghe bài hát ở đây này, qua giọng hát Khánh Ly, tuyệt lắm: https://www.youtube.com/watch?v=5fJ6gZdWbck.

Trong dòng suy nghĩ lan man, tản mạn của tôi vào một buổi sáng thứ bảy, tự nhiên tôi nhận ra rằng Trịnh Công Sơn trong bài hát này đã toát ra một vẻ vô cùng hậu hiện đại, dù lúc ấy - và cả bây giờ - không ai gọi ông là như vậy cả. Và tôi chợt giật mình nhận ra, đây là gì nếu không phải là giải thiêng - giải thiêng cả chúa, cả phật, và thay thế vào đó là một con người rất đời thường, là người yêu nhỏ bé của tác giả. Tôi nghĩ, có lẽ khi tác giả mới viết ra và phổ biến bài hát này, thế nào cũng có những người già già cảm thấy khó chịu vì nó ... láo, phạm thượng, vì dám đụng chạm đến cả chúa lẫn phật như thế.

Nhưng thử nghĩ mà xem, tác giả chẳng đúng là gì: tại sao lại cứ tin vào những chúa trên trời, phật trên cõi niết bàn, hay những thần thánh cao xa nào đó nhưng hoàn toàn mơ hồ và không có chút tác động nào thực sự trên cuộc sống của chúng ta, và quên mất những con người tầm thường thôi, nhỏ bé thôi, nhưng còn có được chút tác động nào đó trên cuộc sống thật. Chính những cái nhỏ bé tầm thường ấy mới có thể cứu chúng ta, mới có thể "đứng bên âu lo này" trong cuộc sống của ta. Giải thiêng chỉ có ý nghĩa đơn giản như thế thôi, chứ có gì đâu nhỉ? Mà nếu thế, thì nó cũng đã thấm vào cách tư duy của người VN từ thập niên 60, 70, tức là khá sớm rồi đấy chứ, có phải mãi đến nhóm MM và ĐTT thì nó mới xuất hiện đâu?

Ơ mà nếu thế thì tư duy của những người cộng sản cũng hậu hiện đại không kém đâu nhé, từ năm năm mấy của thế kỷ trước Tố Hữu cũng có những câu thơ mà tôi rất thích - không phải là thích cái ý tưởng của câu thơ ấy, vì tôi nghĩ nó cũng thường thôi, mà là cách diễn đạt của nó. Những câu ấy là trong bài Trước Kremlin, nó như thế này:

Trời không có thiên thần
Đất không có thánh nhân
Chỉ có nhân dân – thần thánh
...
(http://tohuu.wordpress.com/2008/03/01/cac-t%E1%BA%ADp-th%C6%A1-t%E1%BB%91-h%E1%BB%AFu-gio-l%E1%BB%99ng/)

Như vậy là ngay trong thời chiến tranh lạnh, lại vẫn có chuyện một bên là Tố Hữu nói riêng, và những người cộng sản VN nói chung, và bên kia là TCS và những thanh niên đầu nhiễm đầy tư tưởng tiểu tư sản ủy mị đồi trụy của miền Nam, cùng có chung một ý nghĩ là "giải thiêng thần thánh"? Lạ thực, phải không các bạn? Không còn ranh giới, hay "giải khu biệt hóa" (!!!!), đấy cũng là một đặc điểm của hậu hiện đại đấy các bạn ạ, ha ha!

Tại sao tôi cứ nhắc mãi đến mấy từ hậu hiện đại thế? Không biết được, chỉ biết là trong đầu tôi lúc này toàn chứa những ý nghĩ lăng nhăng này thôi. Có lẽ là vì tôi mới chợt nhận ra, sau một cuộc trao đổi với một đồng nghiệp trẻ, rằng mặc dù tôi nói rằng tôi không thích gu hậu hiện đại nhưng thật ra những suy nghĩ và lối tư duy của tôi rất hậu hiện đại. Khi tôi nói tôi không thích văn học hậu hiện đại vì khác gu của tôi, nhưng tôi không có quyền kỳ thị nó mà phải tôn trọng nó, và những người nghiên cứu loại văn học này (như Nhã Thuyên ĐTT mà luận văn của cô sáng nay người ta mang ra mổ xẻ) vẫn đáng được tôn trọng và được xem là có đóng góp quan trọng, thì như thế tức là tôi đang rất hậu hiện đại đấy.

Lan man, tôi tự nghĩ, nếu thế thì chủ nghĩa hậu hiện đại đang có mặt ở khắp nơi, trong công tác xã hội khi người ta quan niệm không được kỳ thị người bị bệnh AIDS (SIDA) mà phải giúp họ hòa nhập cộng đồng, trong quan niệm thẩm mỹ khi trước đây người ta nghĩ chỉ có da trắng mới là đẹp, người châu Phi da đen thui thì làm sao lại có thể xem là đẹp được nhỉ, nhưng ngày nay thì trắng đẹp kiểu trắng đen đẹp kiểu đen, chẳng ai hơn ai hết, Naomi Campbell da đen còn là siêu mẫu nữa cơ mà. Trong văn hóa thì ngày nay cứ phải đa văn hóa thì mới "hot", ví dụ hôm nay ăn cơm Tàu thì mai phải ăn cơm Tây, rồi Hàn Nhật Mã Thái Phi vv, chứ cứ ăn mãi một kiểu thì boring chết.

Và ngay cả trong chính trị, ngoại giao nữa, chẳng còn chiến tranh lạnh, chẳng còn ranh giới các nước xã hội chủ nghĩa với các nước tư bản chủ nghĩa, chẳng còn tranh nhau ai thắng ai nữa. Ai có lợi cho ta thì ta cứ chơi, ha ha! Thì ngay cả VN cũng thế mà, vẫn chơi với TQ bạn vàng, nhưng cũng vẫn cứ chơi với Mỹ nơi có đầy thế lực thù địch chống phá điên cuồng, có sao đâu nhỉ?

Nói trong một câu ngắn gọn thì tư duy hậu hiện đại chính là tư duy đương thời, bình thường của thế kỷ 21 này. Ai không như thế thì rõ là người cũ, tất nhiên cũng chẳng sao, ai có phận nấy mà.

Ơ nhưng thế mà riêng trong lãnh vực tư tưởng thì luận văn của ĐTT đem cách thức làm thơ của những kẻ bên lề ra để nghiên cứu thì lại bị tội nặng đến thế, là sao, tôi nghĩ mãi mà vẫn không hiểu nổi. Liệu có ai đó lợi dụng cái gọi là "bảo vệ thần thiêng" để thực hiện những ý đồ riêng không nhỉ? Thế thì nguy hiểm lắm. Nhưng câu hỏi này có lẽ mãi mãi sẽ là một câu hỏi không có lời đáp mà thôi, ít ra là đối với tôi.

Lan man, lan man, lan man!!!!!!!!! Chả biết cái thói quen viết lan man như thế này có phải là một thói quen hậu hiện đại không ấy nhỉ? :-)

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

"Những cái cổ nhất của Sài Gòn xưa"

Một người bạn học ở nước ngoài chuyển cho tôi bài viết này. Thấy đây là tư liệu hay nên tôi đưa về đây để lưu và chia sẻ với các bạn. Cám ơn bạn Lô Giang đã chuyển bài viết, như một món quà đầu tuần. Enjoy các bạn nhé!
---------
NHỮNG CÁI CỔ NHẤT CỦA SAIGON XƯA

Ngôi trường cổ nhất 

Trường Lê Quý Đôn được xây dựng vào năm 1874, hoàn tất năm 1877 do người Pháp quản lý. Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), rồi đổi thành Collège Chasseluop Laubat. Năm 1954, trường mang tên Jean Jacques Rousseau. Năm 1967, trường được trả cho người Việt quản lý mang tên Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Từ năm 1975 đến nay, được đổi tên là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn. Hơn một thế kỷ qua, trường vẫn giữ được kiến trúc ban đầu.

Cổng trường Lê Quý Đôn phía đường Hồng Thập Tự ngày trước
Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Cổng trường phía đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý) hiện nay
Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Một góc sân trường

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Học sinh THPT Lê Quý Đôn giờ tan học

Nhà máy điện xưa nhất
Nhà máy điện Chợ Quán xây dựng năm 1896, máy phát điện chạy bằng hơi nước có 5 lò hơi với 150m2, cung cấp dòng điện 3 pha, công suất chưa tới 120MW. Máy phát điện chính công suất 1000A/h. Hiện nay, nhà máy đã được trang bị hiện đại với 7 máy phát điện, hòa với lưới điện quốc gia cung ứng phần quan trọng cho lưới điện thành phố. Nhà máy toạ lạc tại số 8 Bến Hàm Tử, quận 5.

Bệnh viện cổ nhất

Bệnh viện Chợ Quán xây dựng năm 1826 do một số nhà hảo tâm đóng góp, sau đó hiến cho nhà nước. Năm 1954-1957 giao cho Quân đội gọi là Viện bài lao Ngô Quyền. Cuối năm 1957, bệnh viện được trả về cho dân sự, lấy lại tên ban đầu là Bệnh Viện Chợ Quán, tiếp tục nhận điều trị các bệnh truyền nhiễm, phong, tâm thần, đồng thời tiếp nhận lại sinh viên thực tập chuyên khoa tâm thần. Hàn Quốc trợ giúp xây dựng từ 1972 đến cuối 1973 hoàn thành, đến ngày 02/3/1974, đổi thành Trung tâm Y tế Hàn Việt có 522 giường. Tháng 9/1975, mang tên Bệnh viện Chợ Quán. Đến ngày 5/9/1989
chuyển thành Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (đến nay có tên gọi là Bệnh Viện Bệnh Nhiệt Đới, 764 Đại lộ Võ Văn Kiệt). Hiện nay có 610 Cán bộ-Công nhân viên và 550 giường bệnh.




Nhà hát cổ nhất
Nhà hát thành phố do kiến trúc sư người Pháp xây dựng hoàn tất vào ngày 17/1/1900. Các phù điêu bên trong được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ XIX. Nhà hát là nơi trình diễn ca nhạc kịch cho Pháp kiều xem. Năm 1956, Nhà hát được dùng làm trụ sở Hạ nghị viện chế độ cũ; tháng 5/1975 trở thành Nhà hát thành phố với 750 chỗ ngồi. Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài Nhà hát được phục chế lại như nguyên mẫu ban đầu.
Hiện nay, nhà hát là nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn của Sài Gòn.
Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Kiến trúc của Nhà hát lớn TP.HCM từ ảnh tư liệu

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Nằm ngay tại trung tâm Sài Gòn, kiến trúc của Nhà hát thành phố hiện nay không có nhiều thay đổi so với ban đầu

Khách sạn cổ nhất
Khách sạn Continental tọa lạc tại 132-134 Đồng Khởi, xây dựng năm 1880 do Kiến trúc sư người Pháp thiết kế, tên khách sạn có ngay từ những ngày đầu. Sau ngày giải phóng miền Nam đổi thành Hải Âu. Đến năm 1989, khách sạn được nâng cấp, chỉnh trang và lấy lại tên cũ Continental có diện tích 3430m2, cao 3 tầng, nơi đây đã từng đón tiếp các vị tổng thống, thống đốc, nhà văn, người mẫu nổi tiếng. Ngày nay, khách sạn Continental là một trong những khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế góp phần cho ngành du lịch Sài Gòn ngày càng phát triển.

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Khách sạn cổ nhất Sài Gòn trong một tấm ảnh cũ do khách sạn Continental cung cấp

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Khách sạn Continental nhìn từ một góc đường

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Một phòng họp báo bên trong khách sạn

Nhà thờ cổ nhất
Nhà thờ Chợ Quán, tọa lạc tại số 20 Trần Bình Trọng, P.2, Q.5, xây dựng từ năm 1674, là nhà thờ cổ nhất tại Sài Gòn và cổ nhất ở miền Nam. Ngôi thánh đường nằm ở vị trí trung tâm, có kiến trúc kiểu phương Tây, lợp ngói đỏ, có thể chứa khoảng 1000 người. Ngoài việc sinh hoạt tôn giáo, họ đạo Chợ Quán tích cực tham gia công tác xã hội giúp đỡ người nghèo. Trải qua hơn 3 thế kỷ Nhà thờ Chợ Quán đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, nơi đây có phòng khám và phát thuốc từ thiện dưới quyền quản lý của Hội Chữ thập đỏ Quận 5.

Ngôi đình cổ nhất
Một trong những ngôi đình cổ nhất của đất Gia Định xưa và xưa nhất Nam Bộ là đình Thông Tây Hội, xây dựng vào khoảng năm 1679, là chứng tích còn nguyên vẹn nhất của thời kỳ dân Ngũ Quảng kéo vào khai khẩn vùng Gò đất có nhiều cây Vắp (từ đó trở thành tên địa phương là Gò Vấp). Đình lúc đầu là của thôn Hạnh Thông – thôn khởi nguyên của Gò Vấp – sau đổi thành Thông Tây Hội (do sự sáp nhập của thôn Hạnh Thông Tây (thôn Mới) và thôn An Hội). Đình Thông Tây Hội có vị Thành Hoàng rất độc đáo. Hai vị thần thờ ở đình là hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, do tranh ngôi với thái tử Vũ Đức nên bị đày đi khai hoang ở vùng cực Nam tổ quốc và trở thành “Thủy tổ khai hoang” trong lịch sử Việt Nam; hai vị thần đó là: Đông Chinh Vương và Dục Thánh Vương. Ngôi đình còn giữ được khá nguyên vẹn về quy mô và kiến trúc, kết cấu, với những chạm khắc đặc trưng Nam bộ. Đình Thông Tây Hội thuộc P.11, Gò Vấp.

Nhà văn hóa cổ nhất
Cung Văn hóa Lao Động. Năm 1866, với tên gọi Cercle Sportif Saigonnais được xây dựng làm sân thể thao của quan chức người Pháp với những hồ bơi, sân quần vợt, phòng đấu kiếm và phòng nhảy đầm. Thời VNCH sân chơi được mở rộng hơn phục vụ cho mọi giới. Tháng 11/1975, V.C đổi tên là Câu lạc bộ Lao Động, sau đổi thành Nhà văn hóa Lao Động, và rồi là Cung Văn hóa Lao Động. Diện tích 2,8ha, với 132 năm hình thành và phát triển, Cung Văn hóa Lao Động là Nhà văn hóa cổ và lớn nhất của Sài Gòn.
Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Cung Văn hóa Lao động thời VNCH
Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Mặt trước và mặt sau của Cung Văn hóa Lao động hiện nay

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Hiện nay, Cung văn hóa Lao động là nơi luyện tập thể thao của nhiều bạn trẻ

Công viên lâu đời nhất

Thảo Cầm Viên do người Pháp xây dựng năm 1864, nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp Louis Pierre làm giám đốc đầu tiên.
Mục đích xây dựng Thảo Cầm Viên để ươm cây giống trồng dọc các đại lộ Sài Gòn, đồng thời là nơi nuôi trồng những động thực vật vùng nhiệt đới mà các Thảo Cầm Viên của Pháp chưa có. Năm 1865, chính phủ Nhật đã hỗ trợ khoảng 900 giống cây quý như: Chizgnamat, Goyamtz, Acamatz, Coramatz, Kayanoki, Kayamaki, Enoki, Maiki, Asoumaro, Sengni, Momi, Cashi, Kiaki, Inoki… Động vật của Thảo Cầm Viên khá phong phú như: gà lôi, sếu, cu gáy, hồng hoàng, công, hưu, nai, cọp, khỉ, chồn hương, tắc kè, rùa, cọp xám, đóm đen, gà lôi xanh, chim cú lợn… Đến năm 1989, Thảo Cầm Viên được cải tạo, mở rộng và nhập thêm nhiều giống thú mới, trồng thêm cây quý. Hiện nay, có 600 đầu thú thuộc 120 loài, 1823 cây gỗ thuộc 260 loài và nhiều loại cây kiểng quý trên diện tích 21.352m2. Năm 1990, Thảo Cầm Viên là thành viên chính thức của Hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á. Thảo Cầm Viên đã tròn 134 tuổi, số lượng động thực vật ngày càng tăng, nơi đây đã gắn bó với từng bước đi lên của thành phố và là một trong những công viên khoa học lớn nhất Đông Dương.
Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Mặt trước của Thảo Cầm Viên

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Tượng ông Louis Pierre, giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Voi ở Thảo Cầm Viên

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa
Con đường dẫn chính dẫn vào Thảo Cầm Viên
Ngôi nhà xưa nhất
Ngôi nhà có tuổi thọ lâu đời nhất còn hiện diện tại Sài Gòn nằm trong khuôn viên Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn - 180 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3. Năm 1790, Vua Gia Long cho cất ngôi nhà này ở gần Rạch Thị Nghè làm nơi ở cho Linh Mục Bá Đa Lộc, và làm nơi dạy học cho Hoàng tử Cảnh. Ngôi nhà được xây dựng bên bờ sông Thị Nghè trong địa phận Thảo Cầm Viên bây giờ. Năm 1799, Bá Đa Lộc chết, ngôi nhà được giao cho linh mục khác. Từ năm 1811 đến năm 1864, ngôi nhà bị đóng cửa vì chính sách cấm đạo của triều đình Huế. Sau khi vua Tự Đức ký hòa ước với Pháp, ngôi nhà được trao lại cho Tòa Giám Mục và được di chuyển về vị trí đường Alexandre de Rhodes hiện nay. Sau đó năm 1900 ,Tòa Giám Mục được xây cất tại 180 đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) thì ngôi nhà gỗ lại được dời về đây làm nhà thờ của Tòa Giám Mục. Ngôi nhà 3 gian 2 chái, lợp ngói âm dương, sườn, cột bằng gỗ, khung cửa và các khung thờ đều được chạm trỗ công phu hình hoa, lá, chim thú, hoa văn. Trong các di vật còn lại của ngôi nhà, có một di vật có giá trị lịch sử lớn, đó là đôi liễn gỗ có tám chữ triện khảm xà cừ là tám chữ vua Gia Long ban tặng giám mục Đá Ba Lộc, một bên là “Tứ Kỳ Thịnh Hy”, một bên là “Thần Chi Cách Tư”. Ngôi nhà được tu sửa vào năm 1980, cách tu sửa có tính chất vá víu, cốt giữ lại những gì có thể giữ được. Trải qua hai thế kỷ, ngôi nhà không giữ được nguyên trạng, nhưng đây là một di tích kiến trúc mang dấu ấn lịch sử, tôn giáo và văn hóa nghệ thuật. Đây là một tài sản có giá trị mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta, không chỉ là truyền thống - bản sắc dân tộc mà còn là bộ mặt quá khứ mang tính văn hóa kiến trúc, một khía cạnh văn minh tại một vùng đất mới mọc lên từ đầm lầy, kênh rạch. 

Ngôi chùa cổ nhất
Ngôi chùa có cảnh trí đẹp nhưng nằm ở địa điểm không tiện đi lại nên được ít người biết đến là chùa Huê Nghiêm, tọa lạc ở 20/8 Đặng Văn Bi, Thủ Đức. Chùa được thành lập năm 1721 do Tổ Thiệt Thùy (Tánh Tường) khai sáng. Tên chùa lấy từ tên bộ kinh Hoa Nghiêm. Đây là chùa cổ xưa nhất trong các chùa ở Sài Gòn nên còn gọi là Huê Nghiêm Cổ Tự. Những ngày đầu là một ngôi chùa nhỏ được xây cất trên vùng đất thấp cách địa thế chùa hiện nay khoảng 100m. Sau đó, Phật tử Nguyễn Thị Hiên pháp danh Liễu Đạo hiến đất để xây lại ngôi chùa rộng rãi khang trang như hiện nay. Qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1960, 1969, 1990 mặt tiền chùa ngày nay mang dáng vẻ kiến trúc của chùa hiện đại nhưng các gian phía trong vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ truyền, mái gian mặt tiền được cấu trúc gồm 3 lớp, nhỏ dần về phía trên. Các đường gờ mái chạy dài xuống cuối đầu đăng đều trang trí bằng hoa văn hình cánh sen đối xứng, giữa là hình bánh xe luân pháp, đặt trên hoa sen. Mái lợp ngói ống màu đỏ, đường viền mái ngói màu xanh. Vườn chùa có nhiều cây xanh bóng mát, có 9 ngôi tháp cổ với nhiều kiểu dáng khác nhau như những cánh sen vươn lên. Những hàng cột gỗ trong chùa được khắc nổi các câu đối bằng chữ Hán màu đen kết hợp với việc chạm khắc mô típ “long ẩn vân” dùng trang trí. Chùa Huê Nghiêm là một di tích Phật giáo quan trọng, là nơi dừng chân, sống đạo và hành đạo của nhiều vị danh tăng uyên thâm Phật pháp, có đạo hạnh và có đạo đức. Chùa cũng là bằng chứng về trình độ kiến trúc và phong tục tập quán của người Việt trên vùng đất mới khai phá, mở ra nền văn minh trên vùng đất hoang sơ. 


Đường sắt đầu tiên ở thành phố
Tuyến đường sắt đầu tiên ở nước ta là đoạn đừơng sắt Sài Gòn–Mỹ Tho dài 71km, xây dựng năm 1881. Ga chính trước chợ Bến Thành, văn phòng đường sắt là tòa nhà 2 tầng chiếm cả khu đất bao bọc bởi 3 đường Hàm Nghi– Huỳnh Thúc Kháng– Công Lý, nay là Xí nghiệp Liên hợp đường sắt khu vực 3. Xe lửa chạy bằng máy hơi nước phải dùng than củi đốt nồi súp-de nên xe chạy khá chậm. Vì không cạnh tranh nổi với xe đò trong việc chuyên chở hàng hóa và hành khách, đường xe lửa Sài Gòn–Mỹ Tho ngưng hoạt động từ lâu. Sau năm 1975, Ga xe lửa Sài Gòn được dời về Ga Hoà Hưng. Trên nền Ga Sài Gòn cũ ngày 8/8/1998, khởi công xây dựng Trung Tâm Văn Hoá Thương Mại Sài Gòn. 


Người Việt đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp *=D> applause*:)) laughingÔng Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Năm 1859, Pháo hạm Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng và thành cũ Gia Định, triều đình nhà Nguyễn bắt buộc chấp nhận mở cửa đất nước cho tư bản thực dân Pháp xâm nhập. Trong giai đoạn lịch sử mới, người Việt Nam từng bước tiếp xúc với ngôn ngữ và văn minh mới. Trương Vĩnh Ký là một trong những người sớm tiếp xúc và hấp thụ ngôn ngữ văn hoá phương Tây đã trở thành học giả có nhiều sáng tác nhất bằng cả tiếng Pháp và tiếng Hán–Việt. Ông là người Việt Nam đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp. Cuốn “Giáo trình lịch sử An Nam” đã được xuất bản gồm hai tập dày 462 trang. Đây thực sự là một công trình bác học biên soạn công phu dưới ánh sáng của một phương pháp luận khoa học tiến bộ so với đương thời. 


Tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên
Tờ “Gia Định Báo” là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở nước ta ra đời tháng 4/1865. Tờ báo đăng những thông tin nghị định của nhà nước và những tin kinh tế xã hội, lời bàn về thời cuộc, luân lý, lịch sử. Báo ra hằng tháng. Sau 4 năm phát hành, chính quyền thuộc địa cho phép báo phát hành hàng tuần bằng quyết định số 51 ngày 18/3/1869. 


Tờ báo đầu tiên của Phụ nữ Việt Nam
Ngày 1/2/1918 tờ báo chuyên về Phụ nữ đầu tiên ra đời là tờ “Nữ Giới Chung” nhằm nâng cao trí thức, khuyến khích công nông thương, đề cao người Phụ nữ trong xã hội, chú trọng đến việc dạy đức hạnh, nữ công, phê phán những ràng buộc đối với Phụ nữ, đánh đổ mê tính dị đoan, động viên Phụ nữ quan tâm đến việc “Nữ quyền”. Muốn có vị trí ngang hàng với nam giới ngoài việc tề gia nôi trợ phải am hiểu “tình trong thế ngoài”. Chủ bút tờ báo là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, vốn có lòng yêu nước, yêu thương đồng bào như thân phụ nên khi làm báo Bà có ý muốn làm diễn đàn để tỉnh thức lòng yêu nước trong dân chúng. Tuy chỉ tồn tại được hơn 6 tháng nhưng “Nữ Giới Chung” cũng đã gióng lên một hồi chuông nữ quyền còn vang mãi đến ngày nay. 

Cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên
“Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” là cuốn từ điển tiếng Việt quốc ngữ Latinh của Huỳnh Tịnh Của gồm hai tập: Tập I xuất bản năm 1895, tập II xuất bản 1896 tại Sài Gòn. Bộ từ điển chứa nhiều từ ngữ xưa, thành ngữ, tục ngữ, từ ngữ về thảo mộc, cầm thú của Việt Nam và của miền Nam. Bộ từ điển này trở thành Từ điển Bách khoa toàn thư đầu tiên về Nam Bộ. 


Người kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên
Ông Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) người làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Gia đình ông theo đạo Thiên Chúa, ông giỏi chữ Nho, thông hiểu Ngũ Kinh Tứ Thư, học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp với các giáo sĩ. Ông được giám mục Gauthier đưa sang Paris năm 1858. Ông am hiểu chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, pháp luật. Năm 1861 ông trở về nước, tàu ghé Sài Gòn thì nơi đây đã đổi chủ, ông buộc phải làm phiên dịch cho người Pháp. Trong lúc ở Sài Gòn, ông đã đứng ra xây cất tu viện dòng thánh Phao lô (số 4 Tôn Đức Thắng). Đây là công trình xây dựng theo kiến trúc Châu Âu do người Việt Nam thực hiện tại Sài Gòn. Công trình được xây dựng từ tháng 9/1862 đến 18/7/1864 hoàn thành gồm nhà nguyện với ngọn tháp nổi bật trên cao xây theo kiểu Gôtic, một tu viện, một nhà nuôi trẻ mồ côi và một tháp chuông. Công trình xây dựng này là kết quả nghiên cứu kiến trúc châu Âu của Nguyễn Trường Tộ khi ông ở Hồng Kông. Qua nhiều lần sửa chữa trùng tu, ngày nay tu viện thánh Phao Lô vẫn giữ được đường nét kiến trúc xưa, chứng tỏ tài năng kiến trúc của Nguyễn Trường Tộ không thua gì các kiến trúc sư người Pháp.

Người Việt Nam đầu tiên vẽ bản đồ địa lý và đồ họa Sài Gòn theo phương pháp phương Tây
Ông Trần Văn Học, sinh quán ở Bình Dương, giỏi Quốc ngữ, Latinh và tiếng Tây Dương, được giới thiệu làm thông ngôn cho Nguyễn Ánh. Ông phụ trách việc dịch sách kỹ thuật phương Tây, đồng thời kiêm việc chế tạo hỏa xa, địa lôi và các loại binh khí. Năm 1790, Nguyễn Ánh xây thành Bát Quái. Trần Văn Học phụ trách “phác họa đường xá và phân khu phố phường”. Ông rất có tài vẽ địa đồ, họa đồ và kỹ thuật bản đồ như: tỉ lệ, trắc địa, và vẽ gần như chính xác các thành trì và công trình. Ông được coi người đầu tiên vẽ bản đồ Sài Gòn - Gia Định theo phương pháp phương Tây.

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Sai một ly, có đy một dặm?

Không ạ, tựa của bài viết này tôi không nhầm một chút nào. Chỉ là làm một thử nghiệm nho nhỏ thế thôi. Xem có ai cảm thấy khó chịu không í mà. Và, có đúng là các bạn đều cảm thấy hơi khó chịu một chút, đúng không? Nhưng mà, tôi làm cái thý nghiệm ấy để làm gỳ ấy nhỷ? :-)

Ừ thì số là trong entry mà tôi mới post lên sáng nay, có 2 bản dịch bài hát Stardust của bạn bè. Một bạn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Người kia thì sinh sống ở miền Nam trước năm 75, giống tôi.

Sống ở hai miền khác nhau, hồi nhỏ đi học với những chương trình khác nhau, thì thói quen, suy nghĩ, ăn mặc, lời ăn tiếng nói khác nhau cũng là bình thường. Cái khác giữa người miền Bắc và người miền Nam về ngôn ngữ nói thì rất rõ ràng rồi, ai cũng biết. Nhưng ngay cả trong chính tả - tức là cách ghi âm lại những từ ngữ - thì cũng có những chỗ khác biệt. Một trong cái khác biệt ấy là trong cách viết i - y đấy các bạn ạ.

Thực ra thì tôi cũng không để ý lắm đâu. Mắt tôi nhìn quen cả hai cách rồi. Cũng phải thôi, tôi sống ở miền Nam dưới thời VNCH đến năm 1975 thì được 15 tuổi. Học được 9 năm học đầu tiên dưới thời VNCH. Sau đó thì học tiếp 3 năm cấp 3 và 4 năm đại học (= 7 năm) dưới mái trường XHCN, tức là một thời gian gần tương đương với trước đó. Rồi sau đó là mấy chục năm sống dưới chế độ mới này. Nên cách viết theo chuẩn mực miền Bắc tôi còn nhìn quen hơn nhiều chứ, vì được nhìn thấy nhiều hơn mà. Tuy vậy, tôi vẫn giữ thói quen viết chính tả theo kiểu miền Nam.

À, phải giải thích chút về 2 từ Bắc, Nam mà tôi dùng trong đoạn trên. Tôi tạm gọi như  thế cho dễ thôi ạ, chứ tôi không có ý định phân biệt Bắc Nam gì đâu. Mà phân biệt sao được cơ chứ khi tôi sinh ra lớn lên ở miền Nam nhưng cha mẹ là người miền Bắc, gia đình còn giữ nguyên văn hóa Bắc, rồi lấy chồng cũng là người có gốc gác y chang như tôi, nên gia đình nhỏ của tôi bây giờ vẫn còn giữ kha khá văn hóa Bắc. Mặc dù con cái phát âm đã gần gần như giọng Nam rồi - well, giọng Sài Gòn ạ, hãnh diện lắm chứ - nhưng vẫn còn nhiều chỗ có thể khiến cho người ta nhận ra mình là gốc Bắc lắm, ví dụ như gọi là "bố" chứ không gọi là "ba" như người miền Nam.

Nói một cách ngắn gọn, tôi tự hào là mặc dù tôi và ông xã, chứ đừng nói đến các con, đều sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nhưng mình vẫn cứ còn giữ được khá nhiều nét văn hóa Bắc, để có thể khoe với mọi người mình là "Bắc rặt" (well, "Bắc rặc" vì người miền Nam không đọc được âm 't' ở cuối âm tiết mà luôn đổi sang thành 'k'). Chỉ có điều, có một lần khi còn ở Úc, đến chơi nhà một anh bạn (bạn nhưng mà lớn hơn tôi đến 15 tuổi) Việt kiều, cũng gốc Bắc di cư, khi được hỏi tôi quê ở đâu tôi đã xưng quê quán ra và khoe tôi là "người Bắc rặt, còn giữ văn hóa y chang người miền Bắc" thì tôi được chủ nhà cười ầm lên mà bảo: Đã khoe là người Bắc, nhưng là "Bắc rặc", mà lại còn "y chang" nữa chứ, thì lòi chuôi ra mất rồi, Bắc đâu mà Bắc, người Bắc chẳng ai dùng mấy từ ấy cả! Ôi, quê ơi là quê!

Lan man dài dòng rồi, xin trở lại chuyện "sai một ly". Tất nhiên là tôi đang cố tình viết sai ạ, lẽ ra phải là 'sai một li'. Tất nhiên cũng có "ly", và li hay ly gì thì cũng đọc giống nhau thôi, nhưng rõ ràng là chúng có khác nhau về nghĩa. Một li tức là một chút xíu, một mili (như trong milimét), dịch sang tiếng Anh là a bit hoặc a tiny bit; còn một ly thì là một cái cốc uống nước bằng thủy tinh, cao, không có quai, dịch sang tiếng Anh là a glass đấy ạ. Ly cũng còn dùng trong những từ ghép như chia ly, ly biệt, ly dị, ly thân vv nữa. Tại sao lại thế thì không biết, mà có lẽ cũng không cần biết, vì ... ngôn ngữ có tính quy ước mà lại! (Hì hì, khoe một chút lý thuyết ngôn ngữ mà!)

Well, đấy là tôi đang nói theo chuẩn mực mà tôi đã được học từ lâu lắm, đã trở thành thói quen mất rồi, viết ra từ nào i từ nào y là do quen tay thôi, không cần suy nghĩ gì cả. Nhưng ở miền Bắc thì hình như có chuẩn mực khác thì phải. Từ sau năm 75 tôi bắt đầu làm quen với cách viết 'li' cho cả hai nghĩa nói trên. Ví dụ như 'li nước', như thế này: https://www.google.com/search?q=%22li+n%C6%B0%E1%BB%9Bc%22&tbm=isch&tbo=u&source=univ&sa=X&ei=R0rcUefJJMuSiQfUgYHQCQ&ved=0CEwQsAQ&biw=1366&bih=618. Hay chia li, li biệt, li dị vv.

Quả thực là ban đầu khi nhìn thấy mấy từ ấy thì tôi dị ứng lắm, khó chịu lạ, có cảm giác chỉ "muốn tới ăn gan/ muốn ra cắn cổ" cái người có cách viết đó mà thôi (à không, tôi đùa chút thôi ạ, ai mà dám làm thế, đi tù mọt gông chứ chả chơi!) Nhưng dần dần thì tôi quen mắt, và chấp nhận, vì nó cũng chỉ là thói quen, đọc lên thì dù có viết li hay là ly thì vẫn thế, mà nghĩa thì hoàn toàn có thể đoán ra được trong ngữ cảnh, có bao giờ bị nhầm lẫn gì đâu. Chỉ có điều quen mắt thì quen, nhưng tôi cũng không đổi thói quen cũ của mình, thành ra đối với tôi thì những từ đó có 2 cách viết, li cũng được mà ly cũng chẳng sao. Chuẩn Nam chuẩn Bắc gì cũng sống đề huề hết, thì "Việt Nam ta thống nhất rồi, Việt Nam ta độc lập rồi", còn gì nữa!

Tưởng mọi việc đến đấy là ổn rồi, nhưng hóa ra vẫn chưa ổn! Cách đây vài năm khi còn làm tại ĐHQG-HCM, tôi có ra một tờ bản tin giáo dục (nay vẫn còn được tiếp tục), và thỉnh thoảng có nhận bài viết của các tác giả bên ngoài, hoặc nhờ những tác giả bên ngoài đọc và góp ý cho một vài bài viết. Và có một lần tôi bị một vị khách như thế bắt bẻ về i, y; đại khái là tôi không được dùng ly mà phải dùng li, li ti rồi chia li rồi li thân gì cũng là li hết. Cậu ấy còn trích từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục (hình như thế) ra để chứng minh cho sự đúng đắn của mình. Tôi nhớ tôi đã trả lời rằng có sự khác biệt giữa hai miền và tôi cho rằng dùng cách nào cũng được miễn là nhất quán, chứ đừng ba hồi dùng 'ly' rồi bốn hồi lại dùng 'li'! Nhưng cậu ấy vẫn không chịu, và khi tôi đưa những trang tôi tìm trên google có cách viết của tôi (chia ly, biệt ly, ly thân ...) thì cậu ấy lại còn phán cho một câu xanh rờn rằng: "Không được dùng google để làm chuẩn, vì nó chả có chuẩn mực gì cả!" Thế là tôi đành lắc đầu, bó tay và ... thua nuôn! (hi hi, nói ngọng chút cho khôi hài í mà).

Chuyện cũng đã cũ, nên tôi cũng lại tưởng rằng mọi việc tranh cãi tới đây là chấm dứt. Nhưng không ngờ đến hôm nay, khi tôi đăng bài thơ của người bạn ở Hà Nội lên blog thì tôi lại nhận được một vài comment cho biết sự hơi khó chịu về mấy cái i-y kia. Tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm, vì nhớ lại cái cảm giác khó chịu của mình khi mới nhìn thấy mấy cái từ ... kì cục ấy (hy hy, í tôi muốn nói là "kỳ cục"). Nhưng mặt khác tôi cũng thấy, thực ra cách dùng i, y thời trước năm 75 cũng không phải là đã hoàn toàn logic (à mà từ logic này trước năm 75 không dùng nhé, chắc là dùng từ 'hợp lí'  - ý quên hợp lý nhỷ?)

Vậy, có cách nào viết cho hợp lí, well, hợp lý - hơn không? Nói cách khác, chọn lựa i - y có qui luật ý quên quy luật gỳ không nhỷ? Thử nghĩ xem nào? Hình như có ai đấy bảo rằng dùng 'y' thì mặt chữ trông đẹp hơn là 'i', vì 'i' nhỏ bé quá, ngắn cụt,  xấu xí. Và nó thường dùng với từ gốc Hán (từ Hán Việt), chẳng hạn 'biệt ly". Còn 'i' thỳ dùng với những từ thuần Việt, hoặc những từ nào có nghĩa nhỏ bé, li ti, bé tí, nói lí nhí .... Xem nào, thế từ cu li - well, cu ly? - thì sao nhỉ, viết i hay là y nào, mà dựa trên luật nào mới được chứ?

Uy chu choa, tôy bắt đầu cảm thấi đau đầu rồy đấi các bạn ạ. Có bạn nào chỷ cho tôy bý quiết sử dụng 'i' và 'y', tôi sẽ đội ơn lắm lắm! (just kidding)

Khuyến mãi: Gửi cho các bạn link này, bàn về quy luật sử dụng i và y này. Khá hợp lý đấy ạ.

http://khoahocviet.info/site/index.php/ngon-ngu/2-tieng-viet/2-tieng-viet-i-y
-----------
Cập nhật sáng ngày 10/7

Entry tôi viết hồi đêm không ngờ được nhiều người đọc và hưởng ứng đến thế; sáng ra đã thấy có đến 5 cái comments và mấy trăm người đọc, hurrah! Thực ra tôi biết là có những quy định chứ, nhưng rồi quy định lại cũng thay đổi, thì ngôn ngữ là phản ánh cuộc sống, phản ánh quan niệm con người, nên quan điểm con người thay đổi thì ngôn ngữ cũng phải thay đổi thôi. 

Riêng tôi thì tôi thấy có một cuộc cách mạng đường vòng như thế này: 

- Mới đầu cả hai miền đều viết giống như miền Nam thì phải, sau đó ở miền Bắc, lúc đất nước đã chia đôi, thì có một cuộc "cách mạng" nhất thể hóa, i nào cũng là y (!) cho nên đưa mọi thứ về "i" hết, trừ trường hợp có khác biệt về ngữ âm như thúi và thúy, tai và tay. 

- Sau đó, khi đất nước mới thống nhất thì với tư cách là bên thắng cuộc, tất nhiên thói quen của bên thắng cuộc sẽ trở thành quy định hoặc chuẩn mực, còn thói quen của bên thua cuộc thì bị mất dần nhưng cũng khó mà mất hẳn (thì thói quen mà, dễ gì thay đổi). 

- Rồi một thời gian lại có những con người thuộc bên thắng cuộc nhận ra cái vô lý của sự cải cách (nhất thể hóa mọi i, y thành "i" hết) nên ta lại có một cuộc cách mạng ngược lại, trở về với cái thói quen cũ. Thành ra ... ha ha ha, những người như tôi đã phải bỏ cả cuộc đời của mình ra để learn, unlearn rồi lại relearn mấy cái quy luật linh tinh (hay là lynh tynh nhỷ?) này, haizzz...

Cập nhật 2: Có một số bạn đọc nói chưa thấy ai quy định bao giờ. Vậy đây là thông tin: Có một quyết định do Bộ Giáo dục ký năm 1984 (chưa có quyết định nào mới hơn thì phải), người ký lúc ấy là Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, số hiệu quyết định là QĐ/240. Có thể tìm trên mạng, hoặc nếu không thì vào đây ạ:

http://violet.vn/huusaudv/present/showprint/entry_id/6050364


Cập nhật 3: Tôi mới tìm được bài viết này của Đoàn Xuân Kiên về vấn đề này, khá đáng đọc, trong đó có lập luận rằng i hay y chẳng phải là Bắc hay Nam gì mà cả 2 miền đều có những người muốn cải cách chữ quốc ngữ cho hợp lý hơn. Ở miền Nam cũng có phong trào tương tự mà; cái này thì tôi có thể xác nhận vì hồi đó có tác giả Nguyễn Ngu Ý tự viết tên mình từ thành Nguiễn Ngu Í và cổ vũ cách viết giống chuẩn bây giờ tức là i ngắn y dài gì cũng là y hết, như tôi đã nêu ở trên. Bài ấy đây: http://www.voviphatphap.org/vn/pdf/ThemIvaY.pdf.

Tác giả ĐXK hình như hải ngoại, và bài viết từ năm 1988 nhé. Tuy nhiên phải nói thêm là hồi ấy cách viết như NNY chỉ mới là một phong trào cá nhân rất nhỏ bé và chưa phổ biến, riêng tôi thì thấy thầy cô, gia đình mình nhìn cách viết ấy như là nghịch ngợm mà thôi, không chính thống. Phải đến sau năm 1975 thì mới có cách viết y thay i phổ biến, có cả quy định hẳn hoi như tôi đã nêu ở Cập nhật 2 trên đầu bài viết này.

Nhưng mấy năm gần đây thì hình như lại có phong trào trở về kiểu viết cũ, như có thể thấy trong bài viết năm 2010 từ ĐH KHXH-NV của Hà Nội của tác giả Đào Tiến Thi mà tôi thấy rất thuyết phục, ai quan tâm thì đọc ở đây nhé: http://ussh.vnu.edu.vn/van-de-phan-biet-viet-i-ngan-va-y-dai/2070. Tóm lại, tôi cho rằng nỗ lực "chuẩn hóa" chính tả tiếng Việt là mong muốn của một số nhà khoa học của cả 2 miền chứ không riêng gì miền Bắc hay miền Nam, nhưng đưa ra thành quy định luật lệ thì sau năm 1975 mới thấy có. Đó là lý do tại sao tôi và nhiều người khác cho rằng cách viết đó là từ miền Bắc du nhập vào!

Cập nhật 4: Có bài này cũng rất hay này, các bạn đọc nhé. Chắc tôi phải viết thêm một bài quá, vấn đề này không ngờ rắc rối vậy, mà chỉ có mỗi một con chữ i/y thôi đấy!


http://www.tangthuvien.com/forum/showthread.php?t=26426

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Lan man về bụi và cái đẹp

Cuối tuần, muốn viết một cái gì đó cho chính mình và cho mọi người đọc chơi giải trí, nhưng đầu óc bận rộn với các báo cáo gấp của một đề án mà tôi có tham gia, nên tê liệt hết rồi, chẳng còn muốn nghĩ tới cái gì  để viết nữa. 

May sao, một bạn đọc của blog này sau khi đọc bài mới nhất của tôi viết về bản nhạc Stardust (mà tôi dịch là bụi sao) có gửi comment nhận xét rằng, từ stardust nên dịch là 'sao băng' thì đúng hơn, chứ sao thì làm sao mà có bụi được. Và thế là tôi bỗng có được ngẫu hứng để viết bài viết bụi này.

(Nói thêm: Bạn đọc ấy cũng có một góp ý khác nữa, rất đúng về từ "sơn ca" mà tôi dùng để dịch từ "nightingale" trong bài hát. Rằng nightingale thì phải dịch là "họa mi", còn "sơn ca" thì phải tương đương với từ lark thì mới đúng. Chắc là thế rồi. Còn tại sao tôi lại dịch là sơn ca thì ... sẽ để dành từ này làm chủ đề cho một bài viết khác vậy nhé!)
--------------------
Bụi, tiếng Anh là dust, có định nghĩa từ điển như thế này:
dust n.
1. Fine, dry particles of matter. - những hạt vật chất mịn và khô
2. A cloud of fine, dry particles. - đám mây mang theo những hạt mịn và khô
3. Particles of matter regarded as the result of disintegration: fabric that had fallen to dust over the centuries.- những hạt vật chất bị phân hủy và rã vụn ra, vd: vải đã mục nát ra thành bụi đất qua nhiều thế kỷ
4.
a. Earth, especially when regarded as the substance of the grave: "ashes to ashes, dust to dust" (Book of Common Prayer). đất, đặc biệt là đất lấy ra từ trong huyệt mộ: vd: "tro lại trở về thành tro, bụi lại trở về thành bụi" (Sách Kinh nguyện chung - Anh giáo)
b. The surface of the ground. - mặt đất
5. A debased or despised condition. - tình trạng bị hư hại hoặc coi rẻ
6. Something of no worth. - một cái gì đó không có giá trị
7. Chiefly British Rubbish readied for disposal. - (sử dụng trong tiếng Anh Anh): rác rưởi, đáng vứt đi
8. Confusion; agitation; commotion: won't go back in until the dust settles. - cơn bối rối; xúc động; hỗn loạn, vd: sẽ không trở lại cho đến khi sự hỗn loạn đó lắng xuống.
Đọc mấy cái định nghĩa nói trên thì thấy rõ, 'bụi' là một vật chẳng có gì là đẹp đẽ cả, nếu không nói là nó rất xấu. Mấy bà mẹ thường hay mắng con mình khi chúng đang nghịch chơi ngoài ngõ: "Không được nghịch, bụi đấy!" Đi đường, mua nhà, đi du lịch vv ai cũng tránh những chỗ có nhiều bụi bặm. Chỗ nào không tránh được, giống như ở Hà Nội, SG thời địa ốc đang 'phát', ở đâu cũng xây dựng, bụi mù mịt, thì người ta phải tìm cách bịt kín cả mặt mũi, trông chẳng khác gì những cô gái đạo Hồi. Thế là hết, mấy anh con trai còn đâu thú đi đường ngắm những người đẹp mặt hoa da phấn nữa. 

Bây giờ thì hết xây dựng rồi (địa ốc đang đóng băng), đường xá cũng trở lại bình thường, đỡ bụi, nhưng đối với các cô gái Sài Gòn thì đi ra đường với một khẩu trang xấu xí che hết cả khuôn mặt đẹp đã trở thành một chuẩn mực tự nguyện, vì ngoài tác dụng che bụi thì khẩu trang còn có tác dụng che nắng, đỡ làm rám đôi má đào của các cô. Mà cũng chẳng ai thấy xấu nữa: mọi người nhìn quen rồi thấy cũng bình thường. Cho nên chắc là mấy anh con trai đạo Hồi nhìn các cô gái Hồi che mặt chắc vẫn thấy đẹp, mà nếu không che có khi lại thấy xấu. Thì, cái đẹp nằm trong đôi mắt của kẻ si tình mà lại. Chỉ có mấy anh chàng ngoại quốc đến VN lần đầu là vẫn lạ: sao các cô lại trùm đầu, bịt mặt, trông xấu xấu, dị dị thế nhỉ?

Bụi xấu như thế, cho nên những đứa bỏ nhà ra đi bị gọi là "bụi đời", tức là bọn lang thang không nghề nghiệp, "ma cà bông" (vagabond), dở ăn cắp vặt dở du đãng. Rồi những người bình thường mà ăn mặc lôi thôi, đầu bù tóc rối vv cũng bị người khác (thường là người thân) mắng: "Trông như thằng bụi đời!" Đi du lịch rẻ tiền thì gọi là du lịch bụi, ăn cơm rẻ tiền ở vỉa hè thì là cơm bụi (chà, cơm mà dính đầy bụi thật thì ăn làm sao được nhỉ!), phong cách ăn mặc không chải chuốt, hơi nhà binh một chút, nhanh gọn, ít màu sắc, quần áo hơi nhàu không ủi, hơi cũ cũ vv thì được gọi là phong cách bụi....

À, nhưng đến đây thì tôi bắt đầu thấy ... bụi cũng hay hay rồi đó, chứ không chỉ là dở nữa. Ví dụ, thời trẻ tôi rất thích phong cách bụi, rất thích mặc quần jeans áo thun đi sandal vì nó rất tiện, chẳng mất thì giờ chuẩn bị, cứ thế tròng vào người rồi ra đường thôi, mà nó cũng thành một loại phong cách, có vẻ bất cần đời một chút, lại có gì đó mạnh mẽ, trẻ trung, khỏe khoắn, và quan trọng nhất là nó ... không bị quê! Gì chứ một người ít bỏ thời gian vào chuyện thời trang, ăn mặc như tôi thì phong cách đó là nhất! Bụi bỗng biến thành cái đẹp, theo mắt của tôi!

Nếu không đẹp, thì làm sao bụi có thể có chỗ trong văn học, nghệ thuật được nhỉ? Vì nhắc đến bụi, thì tôi nhớ ngay đến bài hát "Bụi phấn", và hình ảnh khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi .... Vì tôi là giáo viên, đã có thâm niên đứng lớp rất nhiều năm, và đã trải qua cái thời đi dạy khi phấn trắng, bảng đen, bục giảng là chuẩn mực của môi trường hoạt động của nhà giáo mà. 

Tôi vốn có cơ địa dị ứng với bụi các loại, nên đi dạy thì rất khổ sở. Khổ nhất là vào mùa mưa, vì tôi còn bị dị ứng thời tiết nữa, mà đi dạy ngoại ngữ thì phải nói nhiều, lớp thì đông và ồn, không micro,  nên lúc nào cũng phải gân cổ lên mà gào. Gào vài buổi như thế, bụi phấn vào miệng, thì thế nào cũng bị viêm họng. Vừa uống trụ sinh, vừa đi dạy, họng cứ đau, miệng vẫn cứ gào, xong một buổi dạy thì người ngợm bèo nhèo, tay chân đầu tóc quần áo giỏ xách lấm luốc đầy bụi phấn, thật chẳng có gì là đẹp đẽ cả. Nhớ thời ấy khoảng hai mấy, ba mươi tuổi, tôi rất có sức khỏe, vậy mà đi dạy về nhiều khi nằm vật ra, không muốn ăn uống gi nữa cả, chỉ muốn ngủ vì quá mệt.


Thực tế thì xấu xí như vậy đấy, thế mà khi vào bài hát thì hình ảnh bụi phấn sao bỗng nên thơ thế? Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi ... Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy? ... Thầy em tóc như bạc hơn... Chẳng thế mà bài hát này khi mới ra đời bỗng trở thành một bản "hit" trong một thời gian dài, và hình như mãi cho đến vẫn chưa có bài hát nào cho ngày nhà giáo hay hơn bài hát ấy. Mặc dù ngày nay thì chắc ở những trường kha khá thì bảng đen phấn trắng đã được thay bằng bảng trắng bút lông rồi, hoặc nếu còn dùng phấn thì cũng phải là phấn không bụi. Nhưng dù bụi phấn có thể trở thành một vật của quá khứ thì nó vẫn cứ tồn tại trong bài hát đó, và ký ức đó càng xa thực tại chừng nào thì có khi nó lại càng đẹp chừng ấy.

Trong văn học cũng còn những hình ảnh có liên quan đến bụi, nhưng mà là hình ảnh đẹp, chứ không phải là thứ bụi bẩn trên đường mà bạn cứ tránh như tránh tà đâu. Tôi thử đưa một ví dụ về cách dùng từ 'bụi' theo nghĩa bóng để chỉ một cái gì đó đẹp và nên thơ nhé. Chẳng là hôm nay tôi xem được trên youtube mấy video clip có hình ảnh của Khánh Ly trước năm 75, quay phim trắng đen, một cái hát trên sân khấu Anh Vũ nào đấy, và cái kia thì hát tại Quán Văn. Trong mấy clip đó, KL còn rất trẻ, cái thì mặc áo sơ-mi trắng, váy đen, áo "đóng thùng", tóc tém ngắn, cái kia thì tóc dài, áo dài, đứng hát rất nghiêm chỉnh, dễ thương. Mấy anh nhạc công đánh đàn thì cũng sơ-mi trắng, cà-vạt, quần tây đen, đeo kiếng trắng, trông rất sinh viên rất ngoan rất trí thức. 

Đây, ai muốn xem thì vào đây này http://www.youtube.com/watch?v=H6piEY57l0s, và đây nữa http://www.youtube.com/watch?v=03h3_9uTxK4, sẽ thấy tôi không nói sai chút nào cả.


Và thế là với mấy cái clip đó thì những ký ức về một thời VNCH với những hoạt động văn hóa, văn nghệ của HS-SV rất sôi nổi sáng tạo nhưng không kém phần nghiêm túc, high-class (chẳng thấy có đồi trụy phản động tí nào), những hình ảnh mà lâu nay tôi đã quên mất trong cái tất bật, vội vã, mệt mỏi của cuộc sống, bỗng ùa về. Bạn cũng có thể diễn đạt lại điều tôi mới nói theo một cách văn vẻ như thế này: những ký ức ấy lâu nay đã bị lớp bụi thời gian phủ dày, nay cái clip ấy đã giúp tôi quét đi lớp bụi đó để lộ ra những hình ảnh còn tươi nguyên ở bên dưới.

Đấy, cũng là bụi đấy, nhưng không phải là bụi bẩn, mà ... là bụi đẹp, bụi thơ, bụi "mỹ học" cơ đấy các bạn nhé! :-). Mặc dù rõ ràng nói như thế - trong tu từ học gọi là ẩn dụ - là sai logic rồi, thời gian thì làm gì có bụi để mà phủ nhỉ?

Tôi nói dài dòng như thế về bụi để mà dẫn dắt đến từ bụi sao mà tôi đã sử dụng để dịch từ stardust mà tôi đã nói ở trên. Như tôi đã viết trong lời dẫn, stardust không phải là không thể dịch là 'sao băng", vì đó là một trong những nghĩa của stardust. Sao băng theo ngôn ngữ khoa học thì là thiên thạch, là một mảnh vỡ của một hành tinh xa xôi nào đấy. Nhưng trong ngôn ngữ của văn học, nghệ thuật thì sao băng là sao băng chứ không thể tương đương với thiên thạch, vì thiên thạch chỉ dùng để chỉ mảnh vỡ, còn sao băng thì lại nhấn mạnh ý nghĩa một ngôi sao đã tắt, a fallen star. Hơn nữa, sao băng hay thiên thạch gì đó thì cũng chỉ là một trong nhiều nghĩa của stardust. Các bạn xem định nghĩa dưới đây:

star·dust n.

1. A dreamlike, romantic, or uncritical sense of well-being. - cảm giác lạc quan mơ màng, lãng mạn, hoặc tin cậy không chút ngờ vực.
2. A cluster of stars too distant to be seen individually, resembling a dimly luminous cloud of dust. Not in scientific use. - một chùm sao quá xa nên mờ, khó nhìn thấy được từng .ngôi sao riêng lẻ, vì vậy trông giống một đám mây bụi lấp lánh
3. Minute particles of matter that fall to Earth from the stars. Not in scientific use. - các mảnh vỡ rời từ các vì sao trên trời rơi xuống đất ...
Idiom:
have stardust in (one's) eyes = To be uncritically or unrealistically optimistic.
(http://www.thefreedictionary.com/stardust)

Nghĩa sao băng là nghĩa thứ ba trong định nghĩa này, đó là nghĩa thực hay nghĩa đen, còn hai nghĩa còn lại là nghĩa bóng, hay muốn gọi là nghĩa mở rộng cũng được, và có lẽ chỉ dùng trong văn học mà thôi. Và tôi đã dịch stardust trong bài hát hôm trước là bụi sao, là nghĩa thứ hai. Mặc dù tác giả có lẽ còn dùng từ stardust theo cả nghĩa thứ nhất nữa, để nói về tâm trạng của chính mình. Thế đấy, dù, đúng là như bạn nào đó đã góp ý, sao thì làm sao mà có bụi được. Sao mà có vỡ vụn ra rớt xuống thì cũng chỉ có thể tạo thiên thạch, hay là sao băng mà thôi.

Vậy bạn có bao giờ nghĩ là bài thơ về tình yêu nhẹ nhàng lãng mạn và dang dở như trong bài hát Stardust lại có chỗ cho  "thiên thạch", đá trời (tức là đá từ trời rơi xuống) hay không? Cũng không thể là sao băng được, có cái gì rơi rớt hay vụt tắt gì ở đây đâu? Ký ức về tình yêu ấy vẫn còn mãi, đẹp mãi cơ mà?

Nên stardust trong bài hát Stardust đối với tôi vẫn cứ là Bụi sao, chứ không phải (và không thể) là sao băng, là như thế các bạn ạ.

Bụi trong văn học, đẹp lắm chứ phải không, các bạn ơi? Nhưng mà tôi thắc mắc: tại sao lại như thế nhỉ? Sao cái xấu vào trong văn học lại thành đẹp, vậy có phải cái nào vào văn học cũng đẹp lên hay không? Mà cái nào mới vào được ấy nhỉ? Chà chà, đau đầu quá, chắc phải kiếm mấy vị chuyên nghiên cứu về mỹ học để hỏi cho ra lẽ! ;-)

(Thực ra trong bài này tôi còn muốn nói thêm một ý khác, đó là hình như văn học, nghệ thuật VN thường thích thi vị hóa những hình ảnh về sự nghèo khổ lên để trở thành cái đẹp. Ví dụ như những bài hát về quê hương của Phạm Duy, cứ toàn là "có lũy tre còm tả tơi/có những cụ già rách vai/cuốc đất bên đàn trẻ gầy/có người bừa thay trâu cày ..." không thôi. Tại sao như vậy, thì có lẽ đây sẽ là một chủ đề cho một bài viết khác nhé.)
----------
Cập nhật: Có bạn hỏi tôi, cái bài dịch kia là bài nào thế? Để cho tiện, tôi đưa link bài ấy vào đây luôn, các bạn chỉ cần click vào thì sẽ đọc được bài dịch mà tôi đang đề cập nhé: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/07/stardust-ban-nhac-bat-hu-cua-am-nhac-my.html

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Stardust, bản nhạc bất hủ của âm nhạc Mỹ

Nếu cần dùng một từ để nói về bản nhạc ấy thì tôi nghĩ chỉ có thể dùng từ "bất hủ". Vâng, vì bản nhạc ấy đã được viết cách nay gần cả thế kỷ nay rồi, và bản thân tôi cũng đã nghe nó hàng trăm lần, nhưng sao hôm nay nghe lại tôi thấy cảm xúc vẫn rất vô cùng mới mẻ.

Không có nhiều thì giờ để viết thêm, thôi thì tạm mời các bạn nghe bản nhạc này qua giọng ca vàng của ca sĩ tài danh người Mỹ Nat King Cole, và thưởng thức ca từ đẹp tuyệt với dưới đây. Tôi sẽ còn quay lại viết về bài hát này ít ra là một lần nữa khi có thời gian.

http://www.youtube.com/watch?v=kzPLQpLAxc4

STARDUST

And now the purple dusk of twilight time
Steals across the meadows of my heart
High up in the sky the little stars climb
Always reminding me that we're apart

You wander down the lane and far away
Leaving me a song that will not die
Love is now the stardust of yesterday
The music of the years gone by

Sometimes I wonder why I spend
The lonely night dreaming of a song
The melody haunts my reverie
And I am once again with you

When our love was new
And each kiss an inspiration
But that was long ago
Now my consolation
Is in the stardust of a song

Beside the garden wall
When stars are bright
You are in my arms
The nightingale tells his fairy tale
of paradise where roses bloom

Though I dream in vain
In my heart it will remain
My stardust melody
the memory of love's refrain ...

------------
Cuối ngày, trời SG mưa tầm tã. Chờ tạnh cơn mưa, dịch bài Stardust lên tặng các bạn đây. "Chỉ được khen, không được chê" nhé!


Bụi sao

Trong bóng tối của hoàng hôn tím 
Phủ trên đồng cỏ trái tim tôi
Những vì sao nhỏ bé trên trời
Nhắc tôi: Nay chúng mình xa cách

Em hờ hững bước trên đường vắng
Bỏ tôi cùng khúc hát không nguôi
Tình ta giờ còn hạt bụi sao 
Và điệu nhạc của ngày tháng cũ

Tư hỏi mình, sao hoài thao thức 
Mơ mãi về một khúc ca xưa
Bản hoan ca của cuộc tình ta
Mong ước được bên em lần nữa

Nhớ ngày xưa khi tình xuân mới
Mỗi nụ hôn là một nguồn thơ
Giờ còn đây cho tôi ngẩn ngơ
Chút bụi sao vương trong bài hát

Bên bức tường xưa trong vườn vắng
Có ngôi sao sáng rực trên trời
Có em trong vòng tay của tôi
Có sơn ca hát bài cổ tích 
Có thiên đường hoa hồng nở rực ...

Mơ ước dẫu biết là vô ích
Trái tim tôi còn ấp ủ hoài 
Bụi sao trong giai điệu của tôi
Là điệp khúc tình yêu mãi mãi ...

Khuyến mãi: Đọc thêm bài này để hiểu hơn về bài hát các bạn nhé: http://en.wikipedia.org/wiki/Stardust_(song)