À là bởi vì, sinh nhật tôi vừa mới qua đúng 2 ngày thôi. Và sinh nhật, thì đương nhiên (?) phải có quà. Ấy là theo kinh nghiệm của tôi, còn kinh nghiệm đó có đúng cho tất cả mọi người VN hay không, thì có lẽ phải cần ... nghiên cứu!
Sinh nhật của tôi bao giờ cũng có quà. Ít nhất là quà của ông xã. Đều đặn, năm nào cũng thế.
Hồi VN còn chưa mở cửa (tôi lập gia đình năm 1985), quà sinh nhật mà tôi và ông xã tôi tặng cho nhau là hết sức ... thực dụng. Chỉ là những cái mà đàng nào thì mình cũng phải mua để mà dùng hàng ngày.
Tôi vẫn nhớ, món quà sinh nhật đầu tiên mà tôi mua cho ông xã (khi đã là ông xã), là mấy cái ... quần xà-lỏn và áo may-ô! Nhưng cũng gói lại cẩn thận, kèm thêm một bức thư "tình cảm mùi mẫn", để vào một chỗ bí mật (để tăng yếu tố bất ngờ, thú vị). Cũng tốn nhiều công sức lắm, và giá trị của nó vì thế tăng lên gấp bội, vì "của một đồng, công một nén" mà!
Quà sinh nhật của ông xã tôi tặng tôi hồi đó thì có lẽ ít thực dụng hơn một chút. Hình như món quà sinh nhật đầu tiên mà ông xã tôi tặng cho tôi là một cái bóp để đựng các đồ lặt vặt đi làm. Nhưng dù gì thì cũng là những đồ dùng hàng ngày, chứ không phải là những thứ ... xa xỉ như ... hoa, chẳng hạn. Mà chính tôi cũng không thích được tặng hoa, vì tôi chỉ thích hoa dại (giống tôi), chứ không thích những loài hoa hương sắc rực rỡ như hoa hồng, hoa lys, hoa cẩm chướng ...
Nhưng những món quà sinh nhật mà tôi hay được ông xã tặng nhất, vừa thực dụng (vì dùng được, lại không đến nỗi quá đắt tiền), là sách. Tôi vốn thích sách, một thói quen học được từ thời còn bé ở gia đình. Vì thế, tôi rất hay được tặng sách, và cũng rất thường xuyên tự mua sách cho mình.
Quay trở lại chuyện sinh nhật năm nay. Tôi cũng có quà, trước hết là của gia đình. Một ổ bánh sinh nhật, cho cả nhà cùng ăn, tất nhiên rồi. Của ông xã. Và 2 cuốn sách, của 2 đứa con, vì chúng biết rõ mẹ chúng thích gì, mà, như đã nói ở trên, sách cũng là loại quà most affordable đối với chúng.
Nhưng năm nay tôi còn một món quà khác nữa, tình cờ thôi, nhưng lại rất ý nghĩa. Đó là bài phỏng vấn viết về tôi như một nhân vật (chà chà, nở mũi!!!!), trên tờ DNSG. Đăng đúng ngày sinh nhật tôi (dù chắc chắn là tờ báo không biết điều này), và được gửi tặng đến nhà tôi đúng vào ngày ấy.
Nên ngày 25/8 khi tôi đi làm về, thì ở nhà, các món quà sinh nhật của tôi đã chờ sẵn. Một ổ bánh, 2 cuốn sách, và 1 tờ báo trong đó có bài phỏng vấn tôi.
Về bánh và sách, các bạn xem hình dưới đây này.
Và bài phỏng vấn, hiện nay nó chỉ có trên báo giấy, ít nữa mới đưa lên online thì mọi người mới kiểm chứng được xem tôi có nói xạo hay không. Tôi có bản mềm của cuộc PV này, nhưng nó khá dài, mà chép hết lên đây thì ... kỳ, mà cũng tốn chỗ chưa chắc đã có ai đọc, Trong khi tôi lại thích ... nói, nên nếu chép hết lên thì còn chỗ ở đâu mà tôi nói nữa đây?
Nhưng dù sao thì cũng muốn đưa lên đây một ít, để ... nói về chính mình nhân dịp sinh nhật của mình, dù đã qua vài ngày.
Biết là tự nói về mình thì không khiêm tốn, và là điều không được khuyến khích trong văn hóa đông phương cũng như văn hóa thiên chúa giáo mà tôi thấm đẫm không gột đi được, nhưng dù sao thì một năm đến ngày sinh của chính mình, có lẽ ai mà chẳng tự ngồi mà suy nghĩ lại về cuộc sống của mình, phải không?
Vì vậy, nói về chính mình trong dịp như thế này, tưởng cũng chấp nhận được. Mà tôi cũng chỉ xin trích lại đây một ít mà thôi, những gì tôi tâm đắc nhất. Cũng trong tâm trạng reflect về chính mình, về cuộc đời, để còn biết sẽ đi tiếp con đường của chính mình như thế nào thôi mà.
Các bạn đọc ở dưới nhé.
CHỈ LÀM NHỮNG ĐIỀU MÌNH TIN LÀ ĐÚNG
Vũ Thị Phương Anh bảo vệ luận án tiến sĩ ở Úc, năm 36 tuổi. Đến nay, bà đã làm việc trong ngành giáo dục 28 năm và hiện là giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù đứng trong hệ thống giáo dục nhưng người phụ nữ này được biết đến như một tiếng nói phản biện khá bền bỉ chung quanh những bất cập của ngành này. Đằng sau những góp ý thẳng thắn là một tấm lòng dành cho giáo dục. Phải hiểu, phải tha thiết với ngành giáo dục nhiều lắm thì người phụ nữ này mới mạnh dạn nói lời ngỏ với vị tân bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận: “Nếu có cơ hội nói, tôi khuyên bộ trưởng tập trung làm đến nơi đến chốn những việc đúng quy luật mà Bộ đang làm, như tiếp tục đổi mới cơ chế quản trị đại học theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường, và đừng đưa ra thêm những sáng kiến mới, từ trường chuyên, cho đến những chỉ tiêu phi thực tế.”.
Cuộc trò chuyện diễn giữa chúng tôi diễn ra vào một buổi chiều trung tuần tháng 8, ít giờ sau khi GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields ở Ấn Độ.
Trên đây là cái tựa và phần mở đầu của bài phỏng vấn. Rất tình cờ, cuộc trao đổi lại rơi vào đúng ngày NBC được trao giải thưởng Fields (không tính trước vì đâu có ai biết là ngày đó thì NBC có giải). Nên cuộc trao đổi cũng xoay quanh vấn đề giáo dục, nhân tài, đi và ở, trong và ngoài hệ thống, vv. Tôi xin trích lại dưới đây vài câu hỏi, và phần trả lời của tôi.
Lương cho giáo viên đã trở thành câu chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi…
Chúng ta là nước nghèo. Vậy thì tại sao Nhà nước lại muốn bao thầu ngành giáo dục? Hãy mở cửa cho tư nhân làm. Tư nhân biết những gia đình nào sẵn sàng đóng học phí năm triệu đồng/tháng và những gia đình nào không đủ khả năng đóng học phí. Giáo dục công nên tập trung chăm sóc cho 2 đối tượng thôi, đó là đối tượng có tài năng đặc biệt và đối tượng nghèo, không đủ điều kiện đi học, còn lại để xã hội tự điều tiết. Có thể nhiều người không đồng tình nhưng tôi cho rằng nên dỡ trần học phí. Tuy nhiên, những trường muốn nâng học phí phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện đi kèm, được công khai, minh bạch.
Tôi nghĩ Nhà nước càng bớt thọc tay vào quản lý giáo dục càng tốt. Ví dụ, Bộ Giáo dục của liên bang ở Mỹ chỉ làm một việc là xét cấp tiền hoặc cho vay tiền đối với người học đại học. Nhưng để vay được tiền thì người học phải chọn học ở những trường đã chứng minh được việc đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng, nhằm đảm bảo cả chất lượng lẫn khả năng hoàn trả khi người học tốt nghiệp ra trường. Các tiêu chuẩn chất lượng này được quy định bởi chính các trường, bởi các hội nghề nghiệp, và sự thừa nhận của thị trường. Tất cả đều minh bạch và các đối tượng liên quan tự giám sát lẫn nhau. Nhà nước chỉ đóng vai trò điều tiết.
[...]
Bà phê phán ngành giáo dục ở nhiều mặt. Tại sao bà không thoát ra khỏi hệ thống này cho thảnh thơi?
Tôi luôn ở trong tâm thế sẵn sàng rời hệ thồng bất kỳ lúc nào nếu không thể làm được những điều mình tin là đúng. Thực tế, tôi cũng đã nhiều lần xin từ chức.
Nhưng rồi bà vẫn được giữ lại?
Có thể vì người ta thừa nhận điều mình nói là đúng. Mà cũng có thể vì không có nhiều người giống như tôi lại chấp nhận làm việc với mức lương hàng tháng năm, bảy triệu đồng trong khu vực nhà nước như thế này. Thực ra, tôi có thể kiếm tiền một cách khá dễ dàng ở bên ngoài. Nhưng kiếm tiền dễ tôi không thích. Tôi mong được làm đúng giá trị của mình và được tưởng thưởng một cách xứng đáng. Với tôi, phần thưởng vật chất không phải là chính yếu.
[...]
Có nói ra hết những điều bà suy nghĩ?
Tôi biết tự kiểm duyệt mình. Tôi nghĩ mình là một công dân tốt. Một người được giáo dục cẩn thận trước hết là biết tôn trọng pháp luật. Những chỗ pháp luật chưa hợp lý thì mình góp ý, xây dựng cho tốt hơn. Còn việc những ý kiến của mình có được lắng nghe hay không lại là một câu chuyện khác.
[...]
Điều đau đớn nhất với những người làm khoa học là cảm giác mình bị phí hoài. Có một thời kỳ dài, mỗi năm Úc cho Việt Nam 150 suất học bổng. Những người sau khi học xong ở lại cũng nhiều, nhưng số lượng những người về nước cũng không ít. Nhưng bây giờ những người đó đang ở đâu? Họ đi làm cho các công ty nước ngoài không hoàn toàn vì thu nhập, mà bởi vì ở đó tài năng của người ta được trân trọng.
Tại sao bà không ở lại Úc như những người khác?
Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, tôi được đề nghị ở lại làm chương trình hậu tiến sĩ (postdoc) Lúc đó Úc đang có chương trình khuyến khích nhập cư “chất xám”. Bạn bè dẫn tôi đến cơ quan nhập cư, tôi hỏi tất cả thủ tục xong rồi… thôi. Tôi quyết định về vì muốn gần chồng con. Đơn giản có vậy thôi
Bài phỏng vấn ấy kết thúc với câu hỏi liên quan đến đi và ở mà tôi có trích ở trên. Xin nói thêm: ông xã tôi ít khi (thèm) đọc những bài báo chí viết về tôi, phỏng vấn tôi, vì ... ông ấy đã hiểu tôi quá rõ rồi, vả lại báo chí có thể có quan điểm khác, mục đích khác, mối quan tâm khác khi trao đổi với tôi, và đó không phải là cái ông ấy quan tâm. Nhưng hôm ấy, 25/8, ông xã tôi có bỏ thời gian đọc hết bài phỏng vấn khá dài, và ... trầm ngâm suy nghĩ. Không chê gì hết, và điều này cũng khác thường. Có lẽ vì bài viết kết thúc bằng câu tôi nói "vì muốn gần chồng con. Đơn giản có vậy thôi."
Vâng, đơn giản chỉ có thế. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ trong bài thơ của Robert Frost:
I took the one [ie, the road] less traveled by
And that has made all the difference.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjCsMMaIZCNXeLGJamlT21wbjGY64vYLpiuHtSasl4d6O1pomtejINMWWBdHZH6cZmQMlaYdLONaIGRfmX2Ja26wbUgTE2ObMkRtphytMBR6BAINVwfusV5WQvAnr-JNNots6QSuYzwFxOQ/s320/0-the+road+not+taken.bmp)
And that has made all the difference, bạn bè của tôi ơi!
Và cám ơn T., PV của DNSG, về buổi nói chuyện rất thú vị, và bài viết rất hay của em. Một món quà sinh nhật rất có ý nghĩa T. ạ. Vào sinh nhật trọn 50 tuổi (bước sang 51) của chị.
Có ai biết, 25/8 cũng là ngày Bảo Đại thoái vị không nhỉ? Có lẽ điều đó đã "ám" vào vận mệnh của tôi chăng?