Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Tôi đi nghe nhạc Jazz

Nói ra thì xấu hổ quá, nhưng đó là lần đầu tiên tôi đi nghe (xem?) biểu diễn nhạc Jazz, live show.

Buổi biểu diễn ấy do Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM tổ chức, và tôi được bạn bè rủ đi, vé mời có sẵn, 1 người 2 vé (thì đi nghe nhạc mà, phải đi có đôi chứ!), chỉ việc vác xác đến nghe.

Đã hứa hẹn với bạn bè có vẻ hùng hổ, xôm tụ lắm, nhưng quả thật đến gần giờ đi nghe nhạc tôi cũng cảm thấy ngại ghê lắm. Vì nó rơi vào một buổi tối ngày thường, sau một ngày làm việc vất vả. Về đến nhà rồi, đúng là không còn muốn đi đến đâu nữa, kể cả đi nghe nhạc, dù có là nhạc Jazz đi chăng nữa, kể cả có giấy mời, dù đó là giấy mời từ Lãnh sự quán Mỹ đi chăng nữa ... Vì mệt quá!

Nhưng mà ... đã hứa với bạn bè rồi, không đi thì làm cho bạn bè thất vọng. Thực ra, nếu chỉ thất vọng thôi thì cũng ... không sao (kệ bà nó, hì hì), nhưng e rằng lần sau mà gặp thì chúng ... chửi cho mà nghe, hoặc chúng ... tẩy chay không thèm chơi với mình nữa, thì buồn chết, nên ... thôi cũng ráng bấm bụng mà đi vậy.

Mà đi nghe nhạc ở nhạc viện chứ bộ, cho nên phải đi cho sớm sủa, để mà vào ngồi cho đầy rạp trước khi nghệ sĩ người ta ra sân khấu. Ấy là ông xã tôi nhắc như thế. Mặc dù ông ấy không chịu cùng đi, hừm (nhưng thật ra cái này thì tôi biết rồi, ai mà rủ ông ấy đi xem bóng đá thì ông ấy sẽ vứt hết mọi công chuyện mà đi, chứ còn đi nghe nhạc hả, thôi, em đi một mình đi, anh mệt lắm, vả lại còn bao nhiêu việc đây này ...).

Đấy, tôi đi nghe nhạc Jazz với tâm trạng như thế đấy.

Nhưng vào rồi, thì ... rất bất ngờ. Ban nhạc tên là Ari Roland, gồm 4 người, gồm 1 tay trống, một tay cello, và 2 tay kèn saxophone (phải vậy không ta, nếu tôi nói sai thì ai biết sửa giúp nhé, vì về 3 cái khoản âm nhạc này thì tôi mù tịt ấy mà, kém lắm). Anh chàng chơi cello đóng luôn vai người dẫn chương trình, khá duyên dáng. Tay trống thì ngồi bên trong, bị che bởi dàn trống, nên tôi không thấy mặt, mặc dù anh ta biểu diễn rất xuất sắc, chỉ một mình mà chơi cả một dàn trống rộn rã liên hồi.

Hai cây saxophone thì có một anh chàng có khuôn mặt dễ thương giống như trẻ thơ được giới thiệu tên là Chris (hình như thế), mặc dù có lẽ là không còn trẻ vì ban nhạc này đã chơi với nhau hơn 20 năm rồi, tôi nghe thế không biết có đúng không. Nhưng người làm tôi ấn tượng nhất là tay kèn saxophone người da đen, có khuôn mặt rất nghiêm chỉnh. Dường như việc chơi nhạc đối với anh là một việc làm hết sức quan trọng cần phải được thực hiện với thái độ nghiêm cẩn.

Nhạc jazz. Không phải là tôi chưa nghe bao giờ, vì có những bài hát rất nổi tiếng của thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Những bài mà bất cứ khi nào tôi nghe thì nó cũng gợi lên một thời vàng son cũ, một thời đã qua lâu lắm rồi và để lại cho mọi người một sự tiếc nuối khôn nguôi. Những tình cảm rất nhẹ nhàng nhưng da diết. Những bài nhạc có tiết tấu chậm rãi, buồn, nhớ, như bài What a wonderful world mà ban nhạc ấy đã chơi tối hôm qua.

Nhưng đêm qua quả đúng là một bữa tiệc âm nhạc bất ngờ, quá thịnh soạn. Không chỉ có những bài nhạc jazz nổi tiếng của Mỹ (tôi chỉ biết tên có mỗi một bài là What a wonderful world thôi, tệ thế), mà chỉ mới chơi vài bài thôi là ban nhạc ấy đã làm cho mọi người rất bất ngờ khi chơi bản Qua cầu gió bay của VN, tất nhiên theo là phong cách jazz. Rồi sau đó là bài Trống cơm, mà anh chàng chơi cello kèm vai trò dẫn chương trình dịch đùa là Rice Drum! Rồi sự xuất hiện và cùng diễn của các nghệ sĩ Việt Nam trong buổi biểu diễn, mà trong đó nổi bật nhất là tay saxophone của VN Trần Mạnh Tuấn. Lại có cả 2 nghệ sĩ hát nhạc dân tộc, hát kiểu Bắc, "liền anh liền chị", mặc áo dài Việt Nam, chơi đàn nguyệt, rất hay, rất quyến rũ. Bài hát ấy tôi mới nghe lần đầu, "Mục hạ vô nhân", rất thú vị.

Chỉ có thể nói là một đêm biểu diễn rất hay. Không tiếc công một chút nào hết. Và chắc chắn tôi phải đi xem/nghe biểu diễn âm nhạc nhiều hơn nữa.

Nhân tiện, hôm nay viết bài này tôi tò mò lên youtube tìm xem ban nhạc Ari Roland này có nổi tiếng không, thì hóa ra là có đấy. Các bạn có thể vào
link này
để nghe và xem họ. Và nếu thích thì chắc có thể google ra được nhiều hơn thế rất nhiều.

Một sự kiện văn hóa rất thú vị, có ý nghĩa. Tôi yêu nước Mỹ hơn một tí sau buổi biểu diễn này, thật vậy. Một đất nước có chỗ cho tất cả mọi người để theo đuổi talent của mình. Một đất nước cho phép người ta có những giấc mơ, well, giấc mơ Mỹ.

Tôi cũng có một giấc mơ Mỹ, nhưng mà là giấc mơ Mỹ cho VN. Rất đơn giản: chúng ta có thể chú trọng hơn một chút vào việc dạy cho trẻ em biết chơi, biết vui, biết là chính các em, hồn nhiên, yêu đời, thích âm nhạc, thích nghệ thuật, có được không? Thay vì tối ngày cứ nhồi nhét học thêm, văn toán lý hóa Anh văn, rồi tụng bài sử địa công dân vv để qua các kỳ thi, hết kỳ này đến kỳ khác, năm này qua năm khác...

Có thể như thế sẽ giúp chúng ta giải quyết những vấn đề dường như không giải quyết được, là học sinh đánh nhau, xã hội bạo lực, vợ đốt chồng, chồng đâm chém vợ, rồi công an lỡ tay đánh chết phạm nhân .... Vâng, tôi tin rằng thế.

Nhưng có thể đó chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ Mỹ... Mơ màng như buổi nghe nhạc jazz, tối hôm qua.

Và cuối cùng, là lời cám ơn Lãnh sự quán Mỹ đã làm cho buổi biểu diễn hôm qua có thể xảy ra tại VN. Và cám ơn 4 nghệ sĩ trong ban nhạc Ari Roland. Biết đâu lại có thể gặp lại các anh ở đâu đó, ví dụ như New York, nơi các anh chơi jazz hàng tuần, thì sao nhỉ? Có lẽ tôi nên bắt đầu mua vé số, hàng ngày, từ hôm nay ...

2 nhận xét:

  1. Tôi cũng có mặt trong buổi nhạc Jazz này. Không theo dõi từ đầu tới cuối, nhưng ấn tượng của tôi là các tay Trumpet, Sax, trống, đàn của nhạc viện không rành chơi Jazz mấy.

    Chờ mãi không thấy nhạc sĩ Mạnh Tuấn tham gia một bản, mà sinh viên nhạc viện có lẽ yếu quá nên rất rụt rè, phải chờ cô giục nhiều lần mới lên đứng tần ngần khá nhiều. Đến nỗi các nghệ sĩ Sax của Mỹ khi nhường chổ cho phía VN, phải hỗ trợ ngay từ dưới ghế thính giả!

    Tôi không theo dỗi đến cùng, nên có thể không rõ đoạn cuối ra sao.

    Nhưng ấn tượng đầu chắc không sai. VN tụt hậu Về khoa học kỹ thuật là hiển nhiên. Nay đến trình độ nghệ thuật ngay trong nhạc viện hóa ra cũng tụt hậu không ít.

    Trả lờiXóa
  2. Gửi chị thông tin thêm về Jazz trong bài viết của em:
    http://huyquangpiano.blogspot.com/2011/03/nhac-jazz-la-gi-va-lam-nao-e-thuong.html

    Trả lờiXóa