Đó là một câu trong bài hát "Bên cầu biên giới" của Phạm Duy, một bài hát mà tôi rất thích, và đã dám cả gan biểu diễn trước công chúng vài lần, hồi còn học lớp 9 trường Gia Long, vào niên khóa 1974-1975. Chỉ vì tâm đắc có đúng một câu đó thôi. Như là nhạc sĩ đã viết riêng câu ấy cho mình.
Vào lúc ấy, mới 14, 15 tuổi, tôi đã có ý thức rất rõ về sự khác biệt của tôi với những người khác ở xung quanh mình. Tôi, như bất cứ ai quen tôi đều biết rõ, là người Bắc di cư, quê cha ở Nam Định (huyện Nam Trực), quê mẹ gốc ở Bắc Ninh, quê hương quan họ, nhưng mẹ tôi tự hào sinh sống ở Hà Nội.
Nhưng tôi lại sinh ra ở Sóc Trăng, thuở bé lớn lên ở Phan Thiết, rồi vào Sài gòn khi học tiểu học, rồi ở đây từ đó đến giờ. Nếu hỏi tại sao mà đi nhiều thế, thì câu trả lời: cha mẹ tôi là những người bỏ xứ ra đi, tha phương cầu thực, tìm nơi đất lành chim đậu mà! Và Sài Gòn với tôi đã thành một quê hương thứ hai gắn bó với tôi hơn bất cứ quê hương nào khác!
Ở Sài Gòn, trước khi lập gia đình, ở với cha mẹ, thì tôi cứ loanh quanh cùng gia đình ở bên mấy xứ đạo, vì cha mẹ tôi vốn là người ngoan đạo, và có niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa, vào "đấng quan phòng" (ai không phải là người công giáo, xin giải thích: đấng quan phòng là một "vị" ở xa kia, vô hình, ta không thấy nhưng lại rất biết ta, biết rõ từng người, cả tính nết, động cơ của từng hành động .... Nên mỗi sự việc xảy ra cho ta, đều có ý nghĩa của nó, vì đều do sự sắp đặt đầy yêu thương của vị đó, đối với ta!)
Nên việc của tôi chỉ là ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, học hành cho tử tế, kính chúa yêu người, là xong. Còn cái gì xảy ra cho mình, sau khi mình đã cố gắng hết mức, thì đều (nên) vui vẻ chấp nhận. Rồi mọi việc tốt cuối cùng cũng sẽ đến.
Một ngày nào đó, sẽ đến
Thời của chúng ta ...
(Đây là câu dịch ra tiếng Việt của tôi, còn câu tiếng Anh của nó, trong bài hát nổi tiếng A Time for Us, là
"A time for us, someday there'll be...")
Nhưng đấy là việc được dạy dỗ ở nhà. Ra đường, và vào đời, thì mọi cái không phải như thế. Mà là khác hẳn! Nói trong một câu ngắn gọn: hình như những cái được dạy ở nhà, và củng cố trong nhà thờ (hãy sống tốt, hãy tin, "ta là đường, là sự thật, và là sự sống"), dường như không có ý nghĩa, và không có tác dụng gì, trong cuộc sống thật của tôi cả!
Ví dụ, bố mẹ tôi nói về một quê hương miền Bắc đẹp như mơ, như một bài thơ, một hoài niệm đẹp đẽ. Nam Định là đất học, con người cần cù, ông nội tôi còn lại ở ngoài ấy; Bắc Ninh có những cô gái giỏi giang, đẹp đẽ mà sắc sảo; và Hà Nội thì khỏi nói rồi. 36 phố phường. Thanh lịch. Mùa Xuân với mưa phùn. Người Hà Nội, người ta thanh cảnh lắm, không xô bồ như trong này... ấy là mẹ tôi nói như thế.
Còn khi ra đường, hoặc khi đi học ở trường, thì tôi cứ mở miệng ra nói, là bị cười, bị chê, bị bắt bẻ. Nói ngắn gọn: bị kỳ thị! Bắc Kỳ rau muống. Rau đó, trước năm 1975 hình như chỉ có "người Bắc" (!) mới ăn (nhiều), "người Nam" (!) xem là rau heo (= rau cho lợn ăn).
Sự kỳ thị Nam Bắc thời ấy, không hiểu những người như BS Hồ Hải có cảm nhận được không, còn tôi, thì tôi là nạn nhân hàng ngày hàng giờ...
Nói cho đúng, cái đó không ai chủ trương. Không ai dạy trẻ con phải làm thế. Tôi đi học ở trường Gia Long, thì thầy cô cũng dạy không được kỳ thị. Phải trân trọng mọi người, mọi nền văn hóa. Nhưng nó cứ xảy ra thế. Đến nỗi, từ một lúc nào đó chẳng rõ, tôi học được cách tự vệ bằng cách nói tiếng Nam (mà đến giờ vẫn bị phê bình là "nói lơ lớ" vì không giống hẳn), và tự động chuyển sang nói tiếng Nam khi người đối diện mình nói tiếng Nam. Tự động hoàn toàn, không ý thức.
Mặc dù ở nhà, hoặc khi mình là mình (?), thì nói tiếng Bắc! Nhưng tiếng Bắc của tôi cũng là một thứ tiếng Bắc "đặc biệt", cái version mà cha mẹ tôi truyền lại, và đóng khung ở đó từ năm 1954 đến giờ, chắc thế.
Nên khi tôi nói tiếng Nam thì bị phát hiện ngay là "nói lơ lớ", là người Bắc; còn khi nói tiếng Bắc thì bị phát hiện ngay là người miền Nam.
Người miền Bắc gì mà nói "Dzậy hả?" Phải nói: "Thế à?"!
Người miền Nam gì mà khi nghe người khác nói, đồng ý, lại nói "Vâng ạ"? Phải nói: "Dạ!" Nên bây giờ tôi phát hiện mình luôn nói thừa: "Dạ, vâng ạ!".
Và đôi khi ngẫm nghĩ, mình thật giống Trang tử. Mình là người Bắc, ngụ cư ở miền Nam, hay mình là người miền Nam, mặc dù cha mẹ tổ tiên là người gốc Bắc?
Mà, bác Hải ơi, bác nói đúng, tất cả chúng ta, phải chăng đều ở cùng một cái nôi ấy mà ra?
Từ thuở mang gươm đi mở nước
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Ngậm ngùi quá, bác Hải nhỉ?
Viết lăng nhăng thế, để giải thích cái gì vậy? Chẳng để giải thích cái gì cả. Chẳng là vì hôm qua đọc trên blog của Huy Quang thấy một tâm sự có lẽ giống mình. Thành ra ... đụng đến nỗi đau, và mọi việc cứ thế mà tuôn ra thôi.
Mọi người muốn hiểu Huy Quang viết cái gì, thì đọc
ở đây. Không chỉ đọc bài viết của Quang, mà nên đọc cả các comments của tôi nữa. Và nguyên nhân dẫn đến bài viết đó.
Ở đây. Và nhớ đọc cả các comments của mọi người nữa.
Còn tôi, thì tóm lại tôi muốn nói gì? Tôi chẳng muốn nói (thêm) gì cả. Tôi im lặng.
I am a rock
And a rock feels no pain... Là những câu trong một bài hát khác, mà tôi thích. Và một câu nữa, cũng về đá:
Làm sao em biết sỏi đá không đau? (Trịnh Công Sơn)
Khi đau quá, thì người ta dùng morphine, thuốc phiện, phải không các BS bạn tôi? Còn Marx, thì nói: "Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng!"
Linh tinh quá! Chưa bao giờ tôi viết một bài linh tinh đến như thế này, mặc dù cũng rất hay nói linh tinh!!!!!!!