Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Sáng chủ nhật Phục Sinh, tản mạn về blog

Hôm nay là ngày Chủ nhật Phục Sinh, Easter Sunday. Một ngày lễ quan trọng nhất trong năm của những người theo đạo Công giáo (nói chung là đạo Thiên Chúa, gồm cả Tin Lành và Chính thống giáo nữa chứ không chỉ là người Công giáo). Một ngày mà cách đây gần 2000 năm, những môn đồ của Chúa Giê Su (Jesus) sau những ngày đau khổ tuyệt vọng vì thầy mình đã bị giết, nay mừng vui òa vỡ khi thầy sống lại và lên trời. Một ngày của đức tin, của niềm vui, của sự bình an và hy vọng.

Mà trời cũng chiều người, sáng nay trời đẹp quá. Chẳng nắng, chẳng mưa, chỉ râm râm mát, đúng là cầu được ước thấy mà: "Lạy trời chẳng nắng đừng mưa/Cứ râm râm mát cho vừa lòng ai" (mà tôi hay thích đổi ra thành "cứ râm râm mát cho vừa nhớ thương", cho nó ... lãng mạn chứ nhỉ, why not?)

Vào một ngày như thế thì rõ ràng là cảm hứng, thi hứng, nhạc hứng (!), và lung tung hứng của tôi sẽ trỗi lên ào ạt. Từ sáng đến giờ tôi nghe nhạc đời (nghe Khánh Ly trước năm 75 và kinh ngạc về giọng hát khỏe khoắn và âm vực rộng mênh mang của bà), đọc blog của bạn bè, và nghe nhạc đạo - bài Kinh Hòa bình, mà tôi cho là bản nhạc đạo hay nhất của người Công giáo VN, và có ai đó đã nói rằng nó cũng là bản nhạc tóm tắt đầy đủ nhất tinh thần Công giáo, đó là tình yêu con người và sự bao dung tha thứ đối với những lầm lỗi của kiếp người, của người khác và cả của chính mình nữa.

Ai chưa biết bài hát ấy thì xin nghe ở đây, do ca đoàn Thạch Đà, một xứ đạo nghèo ở Gò Vấp gần nhà tôi ngày trước; các ca sĩ nghiệp dư trong ca đoàn Thạch Đà ăn mặc trông hơi ... quê quê, rõ là xứ đạo của một quận ven đô, nhưng trong số những clip ghi hình/ghi âm bài hát này có trên youtube, tôi lại thích clip này nhất vì sự chân thành của nó: https://www.youtube.com/watch?v=shkl9TXRf7E)

Rồi lại còn... học về thơ Đường nữa chứ, yes, tôi già như thế này rồi mà vẫn còn phải học các bạn ạ, vì một người bạn "văn nghệ" của tôi thấy tôi thích thơ nhưng lâu lâu lại có những phát biểu ... mất căn bản quá nên đã âm thầm gửi cho tôi mấy bài viết nhập môn về thơ Đường và khuyên tôi nên đọc, hic hic hic.

Và, vì tôi là tôi, một người rõ là thiếu focus, nên tôi cũng cùng một lúc start 3, 4 blog entry khác nhau. Một entry viết tiếp về vụ Hiếp pháp, vì tối hôm qua một người bạn ở nước ngoài của tôi có chat với tôi và thắc mắc về cái này. Khi đó, tôi gõ tìm từ "hiếp pháp" trên google thì tìm thấy đến 650 ngàn đường dẫn có chứa cái từ quỷ quái đó. 650 ngàn, nhớ nhé các bạn! Đáng nói hơn, trong số những đường dẫn đó có rất nhiều đường dẫn đến các cơ quan chính quyền, trường đại học, cơ quan truyền thông chính thức vv của các cấp từ trung ương đến địa phương trên khắp cả nước, kỳ lạ đến thế là cùng! Thế là tôi bỏ thời gian ra tìm tiếp xem sáng nay như thế nào rồi, đồng thời đã bắt đầu viết một entry có tên là "Sao lại hiếp pháp khắp nơi như thế này?". Mà bạn biết không, có nhiều đường dẫn tối qua còn đó nhưng sáng nay khi mở ra thì đã được sửa. Tuy thế, vẫn còn đến 603 ngàn đường dẫn, và cũng còn nhiều cơ quan nhà nước bị dính cái "hiếp pháp" này cơ đấy. Tôi mò mẫm một hồi trong mê hồn trận "hiếp tinh đại pháp" (!) này một hồi thì ngán quá, nên save entry vào đấy, hạ hồi phân giải!

Một entry khác mà tôi viết, cũng đang dở dang, là "Chủ nhật Phục sinh, nghe Kinh Hòa bình" mà tôi đã nhắc ở trên rồi đó. Kinh Hòa bình là một bài nhạc đạo lấy ý từ bài cầu nguyện của Thánh Phan-xi-cô (Saint Francis), một bài hát mà tôi cho là hay nhất của người Công giáo VN (mà nội dung bài Prayer of St Francis cũng là bài cầu nguyện có ý tứ hay nhất của Đạo Công giáo trên toàn thế giới, tôi tin thế. Một bài cầu nguyện cho hòa bình, hòa bình trong lòng người, hòa bình cho nhân loại và cho thế giới, thông qua tình yêu). Nghe bài hát này bằng tiếng Việt xong thì tôi lại có ý muốn tìm những bài bằng tiếng Anh, rồi tìm nguồn gốc sáng tác của nó, rồi mò mẫm sao lại thấy cả video clip giáo dân Thái Hà hát Kinh Hòa bình nữa cơ chứ. Tình yêu và hòa bình ư, trong bối cảnh tranh chấp đất đai giữa giáo hội/giáo dân và nhà nước? Khó quá nhỉ! Lan man tìm hiểu một hồi, cũng ngán quá, nên cũng save lại để đó, khi nào rảnh đọc và viết tiếp.

Tuy nhiên, ai đọc đến đây mà có tò mò muốn nghe thêm về bài Kinh Hòa bình này, thì xin vào đây, một phiên bản tiếng Anh: http://www.youtube.com/watch?v=c9-FlrMTLn8&list=PLDF18329B7378727B&index=14 . Riêng bản lời Việt (mà tôi đã giới thiệu ở trên) thì thật hay, và tôi thích mấy câu này: "Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ/chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân/Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh ..." Thật là thấm đẫm tinh thần Công giáo, phải không các bạn đồng đạo Công giáo của tôi?

Entry thứ ... n (n, vì đếm không nổi nữa) mà tôi muốn viết là một entry về thơ Đường. Không, không phải là một bài đọc thơ, bình thơ gì đâu, mà là một bài nhập môn mang tính sư phạm về thơ Đường, hic! Như tôi đã nói ở trên, số là tôi có một anh bạn hay đọc blog của tôi, thấy tôi có vẻ rất thích thơ văn, lại dám động đến thơ Đường, thứ thơ đỉnh cao của nghệ thuật thơ, thanh cao, sâu sắc mà nghiêm cẩn, luật lệ chặt chẽ rõ ràng như toán học, mà tôi thì lại toàn là ngẫu hứng và ẩu hết chỗ nói, nên chắc chắn là có những sơ hở chết người trong phát biểu. Nên anh ấy ... thương quá (!), mới lẳng lặng gửi cho tôi mấy bài nhập môn về thơ Đường, để học cho nó biết, rồi mới thưa thốt, hic hic!

Đang vật lộn với mấy cái bằng bằng trắc trắc trắc bằng bằng/trắc trắc bằng bằng trắc trắc bằng ... thì tôi nhận được, trời ơi, một cái mail của một người bạn đồng nghiệp cũ, nay đang sinh sống ở nước ngoài, kèm theo những bản dịch một bài Đường thi khác, bài Phong kiều dạ bạc. Phải thú thật tôi chưa hề nghe đến bài này bao giờ (xấu hổ thế!), và cũng chẳng biết một chút tiếng Hán Việt nào cả, nên tôi xông vào đọc luôn bản dịch. Mà người bạn tôi, tính kỹ lưỡng cẩn thận rất khác tôi, đã đọc năm bảy bản dịch và bình khác rồi, sau đó mới dịch bản của mình, mà dịch luôn một chùm ba bản. Từ Đường thi (thất ngôn tứ tuyệt), bạn tôi đã dịch ra một chùm ba bài thơ lục bát mà tôi thấy rất hay. Và thế là entry thứ n+1 của tôi nảy ra: "Phục sinh, đọc Phong Kiều dạ bạc".

Hí hửng lắm, vì như thế lại có món quà văn nghệ tặng cho bạn bè trên blog, thì tôi nhận được thư thứ hai từ người bạn đó, nói: "quên dặn chị, em gửi cho chị xem thôi, không đưa lên blog làm gì". Thế là entry đó của tôi cũng lại chịu chung số phận với tất cả các entry khác được viết trong buổi sáng chủ nhật Phục sinh này.

Bây giờ thì đã quá trưa rồi, thế là sáng giờ ngồi bỏ thời gian viết blog mà vẫn không gút được entry nào. Nên tôi buộc phải viết cái entry tản mạn này, chủ yếu kể lại ý đồ của tôi từ sáng đến giờ mà thôi. Ông xã tôi thì đang ngồi gần xem TV, thỉnh thoảng lại hỏi, viết cái gì mà viết lắm thế, mà không hiểu viết blog có gì hay không mà cứ viết hoài, mất thì giờ quá!

Nhưng mà, tôi thấy viết blog hay lắm chứ! Tôi học được bao nhiêu thứ qua việc viết blog này đây, và cũng kết được biết bao nhiêu là bạn, thật là hay. Lên blog chơi, mới thấy thế giới phẳng, không còn sự xa cách về thời gian, không gian, hay đẳng cấp gì cả. Chỉ mình, với blog, và những người bạn ở tận đẩu tận đâu nhưng lại rất gần gũi về tâm hồn, về sở thích. Thích lắm chứ. Ít nhất, nếu không có blog, thì tôi làm sao mà quen được mấy người bạn văn nghệ, đâu có thêm người góp bài đăng blog, đâu có được ông thầy dạy Đường thi miễn phí cho mình. Và hơn hết, là gửi thông tin và tâm tình đến những người bạn xa gần, như người bạn mà tôi vừa nhắc đến với bài Phong kiều dạ bạc đó?

Nên, ông xã có nói gì thì nói, chứ tôi là tôi vẫn cứ viết blog. Well, ít ra là còn cả n- bản nháp các entry mà tôi định viết nhưng chưa viết xong kìa! Để tôi viết xong những entries dở dang của tôi đi đã (đến cả trăm ấy các bạn ạ), rồi có nghỉ blog thì mới nghỉ chứ. Mà như thế tức là sẽ không nghỉ đâu, vì bạn thấy rồi đấy, tôi định viết 1 entry thì end up viết 5, 6 entries nhưng mà dở dang. Nên cứ hoàn tất 1 entry dở dang thì tôi lại generate ra 4, 5 cái nữa dở dang. Và cứ thế, cứ thế!!!

Blogging muôn năm, được không, các bạn? Có phạm húy gì không nhỉ?

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Có lẽ nào tôi buồn đến thế ...

Có một bài hát mà tôi đã từng yêu đến mê mẩn trong một thời gian khá dài. Đó là bài Em đi qua tôi của Dương Thụ, mà tôi biết đến qua giọng ca của Hồng Nhung, những ngày cô còn rất trẻ.

Yêu lắm, nhưng rồi chính tôi lại đã quên bẵng bài hát này đi. Có lẽ do bận rộn quá, lúc nào cũng tất bật xấp ngửa, chẳng còn đủ thời gian mà thở, chứ đừng nói làm bất cứ gì khác.

Chỉ đến hôm nay tôi mới nhớ ra bài hát đó. Có lẽ vì tôi cũng đang ở trong đúng tâm trạng như vậy: Có lẽ nào tôi buồn đến thế?

Buồn, vì sáng ra bức thư đầu tiên tôi nhận được là tin về cái chết của người anh ruột của một cô bạn từ thời trung học. Một người không còn trẻ nữa, nhưng không già, chỉ cỡ tuổi tôi (hơn vài tuổi). Cuộc đời đó có bao lâu ...

Buồn hơn, vì khi vào facebook thì tràn ngập những thông tin về Hiếp pháp. Vâng, Hiếp pháp đấy ạ, không phải hiến pháp. Cái lỗi ngu xuẩn và vớ vẩn này tôi đã biết từ hôm qua, khi có ai đó chụp từ tờ báo Tiền Phong, và mọi người được một trận cười vui. Nhưng hôm nay thì có lẽ không ai cười nữa vì từ Hiếp pháp đó đã tràn ngập các trang mạng, trong đó có cả những trang của các trường đại học, mà lại là đại học sư phạm mới chết chứ! Không thể nào hiểu nổi chuyện gì đã và đang xảy ra, chỉ biết là tôi cảm thấy buồn ghê gớm!

Buổi tối, tôi lại càng buồn hơn khi xem (loáng thoáng) VTV phỏng vấn giáo dân và giáo sĩ của một giáo xứ nào đấy phát biểu liên quan đến góp ý hiến pháp (hiếp pháp?). Không cần nghe phát biểu, tôi cũng biết là thế nào những giáo dân và giáo sĩ này cũng sẽ phát biểu thuận chiều với những gì mà nhà nước đang chủ trương (tức những điều đã được đưa trong bản dự thảo hiến pháp). Điều ấy đã trở thành một thông lệ rất đương nhiên ở VN rồi, trong khi lẽ ra việc tổ chức lấy ý kiến dân chúng về hiến pháp phải là một cơ hội lớn để mọi người bày tỏ những quan điểm đa dạng của mình. Vì nếu đã biết trước là chỉ có ý kiến xuôi chiều thôi, cái gì cũng trên 90% đồng ý, nhất trí cao hết, thì thực ra mình còn lấy ý kiến để làm gì cơ chứ, tốn bao nhiêu thời gian công sức và tiền của.

Chẳng lẽ, như các thế lực không thân thiện với (nhà nước) Việt Nam đã nói, góp ý hiến pháp chỉ là một trò vớ vẩn làm màu ư? Không, tôi không tin, không ai có thể khinh rẻ, đùa giỡn với một văn bản quan trọng hàng đầu của đất nước như thế được!

Thế thì tại sao trên các phương tiện truyền thông đại chúng chỉ có ý kiến xuôi chiều thôi? À, có lẽ có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi có cảm giác rằng khi phát biểu công khai trước công chúng thì việc nói theo những gì đã được định sẵn; điều này đã trở thành bản năng tự vệ của hầu hết dân Việt. Nên chỉ  biết nói những điều không do mình nghĩ, mà chỉ trả thuộc lòng những gì người khác đã nghĩ dùm. Như thế này thì làm sao có thể có những con người có tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm, để có thể tồn tại và cạnh tranh trong một thế giới đầy rủi ro, biến động như ngày nay cơ chứ? Như thế này thì hỏi sao mà tôi không buồn?

Và, như một giọt nước làm tràn ly, hôm nay xăng đột ngột tăng giá, ngay sau khi có thông tin chính thức từ chính phủ rằng xăng sẽ không tăng. Xăng tăng thì việc vận chuyển sẽ tăng, khiến cho thịt cá rau trái vv được chở từ miền quê ra để bán cho mọi người cũng sẽ tăng, và mọi thứ cứ thế mà leo dốc. Và tôi còn nghe loáng thoáng gì đấy về việc nhà nước bán vàng, mua vàng gì đó mà tôi không dám để ý vì chẳng có vàng để mà quan tâm làm gì. Vàng lên, xăng lên, và thu nhập thực tế cùng đời sống của người dân thì sẽ giảm xuống tương ứng như thế - một tỷ lệ nghịch tuyệt đối.

Ôi, một ngày cuối tháng 3, nhìn xung quanh, và thở dài: "có lẽ nào tôi buồn đến thế?"
----
Ai muốn nghe lại bài này thì vào đây nhé:
https://www.youtube.com/watch?v=PRZJmmp9kMY

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

"Sẽ như hoa lá úa tàn/Gượng cười trong nắng cuối xuân ..."

Entry này sẽ rất ngắn, chỉ là vài dòng ghi chép tản mạn của tôi, viết nhanh trong vài phút trước lúc đi làm.

Một người bạn ở phương xa gửi thư đến cho tôi và hỏi, sao lúc này trên blog toàn viết về thơ thẩn, chắc là đang yêu đời, yêu người lắm? Hay là ... có bồ nhí?

(Về cái chuyện "có bồ nhí" này, xin hãy nghe câu trả lời đầy tự tin của ông xã tôi cách đây vài chục năm rồi, mà nay lại càng tự tin hơn thế, rằng "nếu anh mà không lấy em thì chắc em cũng chẳng có ai lấy, chắc là sẽ để mốc thếch lên thôi" - và khi nghe đến câu này thì tôi chỉ cười trừ, không bình luận gì thêm nữa, để ai muốn hiểu ra sao thì hiểu!!!!! Chỉ biết là từ ngày lấy chồng thì tôi ngày càng điệu hơn lên, dù thực ra so với tiêu chuẩn chung thì vẫn bị xem là chẳng điệu tí nào, còn trước đó thì  đúng là "mốc thếch", chỉ biết cắm đầu cắm cổ học hành làm lụng, "côi cút làm ăn/chăm lo nghèo khó" cứ như nghĩa sĩ Cần Giuộc mà thôi!)

Tôi chưa trả lời người bạn ấy được, vì ... quả thật là khó trả lời. Trả lời như thế nào, bằng những lời lẽ nào, để làm cho những người bạn xa xôi đến cả nửa vòng trái đất như vậy hiểu được những gì đang xảy ra chung quanh tôi trong những ngày tôi đang sống?

Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn...

Chế Lan Viên đã viết như vậy vào cái thời mà các nhà thơ XHCN như Tố Hữu, như CLV, như cả Xuân Diệu, HC nữa, đang ra sức chứng tỏ với chế độ lòng trung thành và sự tin yêu của mình đối với Đảng, cũng như niềm tin mãnh liệt vào sự đúng đắn và quyết thắng của cuộc chiến tranh "giải phóng miền Nam".

Bây giờ thì khác. Những ngày tôi sống đây có lẽ không ai dám bảo là những ngày đẹp hơn tất cả nữa, dù đúng là về vật chất thì đã muôn vạn lần hơn so với những ngày đẹp nhất của CLV. Nhà thơ đã đúng, ông đã thốt ra mấy câu tiên tri mà không biết!

Tôi sực nhớ đến mấy lời nhận xét của một người bạn khác khi đọc blog của tôi, một người đang ở VN và cùng chia sẻ với tôi những cảm nhận về thời cuộc. Những lời nhận xét vô cùng bất ngờ; tính chính xác của nó xin để các bạn phán đoán.

Đọc bloganhvu, tôi cảm thấy một Thị Màu lên chùa với nghĩa nghiêm túc nhất của ẩn dụ mỹ học (không giỡn đâu nha), thị hát và múa sinh động uyển chuyển, tà áo bay bay cùng cây quạt giấy cụp và xòe điệu nghệ nhưng... cõi lòng tan nát ! Như chị đã nói, "tôi trốn vào thơ"!

Còn tôi, trong những ngày đầu hè, một mùa hè đến sớm này, thơ thẩn trốn trong cổ thi - vốn là cái tôi chẳng hiểu biết gì, chỉ cảm nhận và liên tưởng thôi, thì tôi lại bỗng nhớ rất rõ ràng một bài thơ của một nhà thơ Mỹ da đen sống trước chúng ta hơn nửa thế kỷ, và đã mất ở giữa cuộc chiến tranh Việt Nam (năm 1967), Langston Hughes. Bài thơ A Dream Deferred, mà tôi đã có lần dịch thành "Sẽ là gì những ước vọng không/chưa thành?"

Xin các bạn đọc lại bài ấy ở đây nhé: http://bloganhvu.blogspot.com/2010/02/se-la-gi-nhung-uoc-vong-khong-thanh.html

Và xin chép lại ở đây mấy dòng thơ mà tôi đã đưa một phần lên làm tựa của entry này, như câu trả lời cho người bạn cách xa tôi nửa vòng trái đất:

Sẽ như hoa lá úa tàn
Gượng cười trong nắng cuối xuân 
Sẽ như vết thương chưa lành
Còn đầy mủ máu hôi tanh ...

Vâng, như hoa lá úa tàn/gượng cười trong nắng cuối xuân ..., các bạn ạ!

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Đọc thơ Trần Tử Ngang (Giang Nam Lãng Tử)

Entry này tôi bắt đầu từ cách đây mấy ngày rồi nhưng hôm nay mới kết thúc, nên cái tâm trạng được mô tả dưới đây là tâm trạng của cách đây mấy ngày các bạn nhé, còn lúc viết mấy dòng này thì tâm trạng tôi đã bình thường trở lại rồi! ;-)
---------------------
Chưa bao giờ tôi thấy hứng khởi như hôm nay, thực vậy!

Sao, cái gì thế, các bạn sẽ tò mò hỏi. À, cũng không có gì quan trọng lắm đâu, chỉ là gần đây tôi bỗng nhận ra là mình đã thu hút được khá nhiều bạn hữu thông qua  blog này, những người rất gần và những người rất xa.

Gần, như anh NĐH mà gần đây các bạn thấy sự xuất hiện với tần suất khá dày, người tôi biết rõ là ai, và xa như anh PHK, người đã gửi cho tôi bài bình thơ Đăng U Châu Đài Ca cách đây vài ngày qua mail, với tông tích và lời lẽ vô cùng bí hiểm, và dường như không có ý định lộ diện cho tôi biết anh ấy là ai. Hoặc anh Hoàng Guitar mà tôi cũng chỉ biết qua những lời comment trên blog tôi, từ khá lâu rồi, khi xuất hiện lúc lại biến mất!

(Nhưng mà tôi tự hỏi, ai là ai thì có quan trọng gì đâu nhỉ, miễn là có cái gì đó chia sẻ được với nhau!)

Hoặc không gần, không xa là anh GNLT, người mà tôi cho là mình biết khá rõ vì đã đọc nhiều bài viết của anh ấy (văn tức là người mà), nhưng thực ra lại chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời. Sự hiện diện của anh ấy đối với tôi là thông qua một trang blog có tên là Giang Nam Lãng Tử, các bạn vào đây để đọc nếu tò mò này: http://giangnamlangtu.wordpress.com/

Vâng, sự hứng khởi của tôi là do tôi có nhận được một bài viết của anh GNLT để tiếp tục bàn về thơ Đường vốn là chủ đề của 3, 4 bài viết được đăng gần đây trên blog của tôi. Xin nói thêm, đây là bài viết của một người có nghề (nghiên cứu văn học Trung Hoa) chứ không phải nghiệp dư như tôi hoặc một số thân hữu khác đã viết hoặc bàn bạc về thơ Đường trên blog này. 

Nói như thế, để giải thích cho lý do tại sao tôi sẽ không bình luận hay dẫn dắt gì về nội dung bài viết của anh GNLT, vì sợ rằng sẽ "múa rìu qua mắt thợ" mất. Mà, mind you, đây là một "ông thợ" vô cùng khó tính, rất hay ... bắt bẻ, dường như xem ai cũng như là học trò đang học Văn với mình ấy thôi, hi hi hi!

Nói đùa chút cho vui, các bạn đọc bài viết của anh Giang Nam Lãng Tử dưới đây nhé. Tôi cho đây là một bài viết rất sâu sắc, nhưng viết đến đây thì tôi nhớ ra câu ca dao: "Đàn ông nông nổi giếng khơi/Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu" nên ... thôi, không lạm bàn nữa, "biết thì thưa thốt", vâng ạ!

Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn tin đây là một bài viết quả thực là đáng đọc. Bỏ qua rất uổng, "bà con" ơi!

Enjoy!
--------------------
Đọc thơ “Đăng U Châu đài ca”

Đọc thơ “Đăng U Châu đài ca”
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ

Bài ca lên đài U Châu
“Ngó trước không thấy Người xưa
Nhìn về sau, chưa thấy Người mới tới
Nghĩ trời đất mênh mông chơi vơi
Một mình thương cảm, bỗng nhiên nước mắt rơi xuống”

Đài U Châu thời Đường chỉ là một thành trì nhỏ, về sau được xây dựng thành Bắc Kinh. Trần Tử Ngang (661-702) tự Bá Ngọc là một viên quan dưới thời Võ Tắc Thiên, đỗ tiến sĩ lúc 23 tuổi. Nhà thơ sống cuối thời Sơ Đường, tiên phong trong việc yêu cầu sáng tác phải có “ký thác”. “Kí thác" tức là “gửi vào thơ” tâm tình của mình trước hiện thực đời sống, lìa bỏ hẳn thơ sắc tình và ca công tụng đức. Nói rõ hơn, Trần tiên sinh đòi hỏi thi ca phải có lý tưởng cao cả, phải gắn với hiện thực cuộc sống (Sau này phong cách thơ ký thác của họ Trần ảnh hưởng tới sáng tác của các thi gia hàng đầu như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị).

Trong nền thi ca TQ cổ điển có những “dấu hiệu chung” gọi là “mã nghệ thuật” (một khái niệm hiện đại) các nhà văn thơ có thể dùng chung. “Đăng cao” (lên cao) là một trong nhiều mã nghệ thuật của Đường thi. “Chiều cao” của không gian được gợi ý một tư tưởng, lý tưởng cao cả. Đỗ Phủ viết bài thơ “Đăng cao” (Trèo lên cao), Lí Bạch viết bài “Độc tọa Kính Đình sơn” (Ngồi một mình trên đỉnh núi Kính Đình),Thôi Hiệu trèo lên lầu cao Hoàng hạc (Hoàng hạc lâu), Trần Tử Ngang viết “Đăng U châu đài ca” (trèo lên đài U châu mà ca).v.v…. cho đến ông Hồ Chí Minh vừa ra khỏi nhà tù Quảng Tây cũng thích “đăng cao” (Tân xuất ngục học đăng sơn): “Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh/trông lại trời Nam nhớ bạn xưa” (Bài chót của Nhật ký trong tù). “Lên cao, trèo cao” chỉ là tưởng tượng, ước lệ, chứ thực ra thi nhân ngồi ở thư phòng, nằm trong lữ quán mà viết thơ… Nếu không hiểu được “mã nghệ thuật đăng cao”, bạn đọc dễ lạc đường khi đọc thơ và bình luận.

Trên cơ sở đó ta đọc- hiểu bài “Đăng U châu đài ca”.

Bài thơ viết theo cấu trúc (5.5.6.6) chủ yếu thuộc loại thơ cổ phong và đang tiến gần tới dạng tứ tuyệt.

Thi nhân trèo lên đài cao để tìm người, không phải để hóng gió hay ngoạn cảnh.

Tìm ai ?

Tìm một người tương tự như “cổ nhân” viết hoa, tức một triết gia, một lãnh tụ anh hùng hay một minh quân (tỷ như vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ...), tóm lại là tìm một ngọn cờ để hướng theo. Nhưng buồn thay “tiền bất kiến cổ nhân ». Thực tế nhà thơ tìm mãi ở đời này mà chẳng có ai được như cổ nhân (viết hoa).

Nhà thơ lại hy vọng một mẫu người mới (lai giả - viết hoa), có thể khác với cổ nhân, nhưng sẽ là nhân vật lý tưởng cho thời đại mới. Nhưng than ôi «hậu bất kiến lai giả » ! Nhìn mãi trước sau chưa thấy nên rơi thầm nước mắt.

Lãng tử nghĩ rằng bài thơ mang cảm hứng lớn, cảm hứng đất nước. Cái người mà nhà thơ trông đợi ấy phải là một nhân vật lý tưởng của thời đại, bậc anh hùng cái thế, minh quân của đất nước. Tìm người theo mẫu mực truyền thống (cổ nhân), hoặc là một hình mẫu con người mới (lai giả) đều là tốt.

Trần thi nhân nghĩ về vận mệnh đất nước hơn là buồn thân phận cá nhân. Nỗi cô đơn của ông là tâm sự của một người ưu thời mẫn thế, không phải một kẻ cô đơn thiếu bạn hữu, thiếu bạn tình.

Nhà thơ đứng trên đài cao, khoảng giữa Trời và Đất, khoảng giữa Quá khứ và Tương lai.

Nhà thơ hiện ra như một nhân vật có tầm vóc vũ trụ, chẳng phải kẻ rỗi hơi đi tìm mưa ngắm mây hóng gió.

Nhà thơ Chế Lan Viên mượn ý Trần Tử Ngang từng viết :

Ôi thương thay những thế kỉ vắng anh hùng
Những thế kỉ thiếu người cầm thanh gươm nghìn cân ra trận

(“Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”).

Phải chăng Chế Lan Viên viết cùng một cảm hứng lớn lao như Trần Tử Ngang ? Nhìn chung nhà thơ Việt Nam hiện đại ưa giãi bày rõ ràng trực tiếp mà thiếu vẻ kín đáo như thi nhân cổ điển. Mặt khác họ Chế chuẩn bị không khí cho một “minh quân” tên Nguyễn Ái Quốc xuất hiện cuối bài thơ đấy chứ, đâu phải Chế đang chờ tìm ai. Vậy ra họ Chế vẫn làm thơ minh họa, chẳng thể nào sánh được với cổ nhân.

Lại nhớ Bài ca Xuân 61 của Tố Hữu nổi đình đám một thời, có đoạn :

Chào 61 đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu

Tố Hữu cũng là một người am hiểu Đường thi nhưng ông đã trở thành một kẻ đạo văn siêu hạng ! Thực chất Tố Hữu đã copy tứ thơ của Trần Tử Ngang... Tố Hữu coi năm 1961 (sau Đại hội Đảng III năm 1960) như một cái U châu đài, để ông ta trèo lên, ngạo nghễ ca bài ba hoa khoác lác.(Theo cách phán xét sơ thẩm của Lãng tử thì nhà thơ Tố Hữu xứng với công 3 tội 7, coi như đi buôn bị lỗ).

Bài thơ của Trần Tử Ngang có thể gieo vào bạn đọc những cảm xúc, liên tưởng bất ngờ khác nhau, nếu bình thơ chệch hướng thì coi đó là bài phóng tác hay bài “họa”...

Lãng tử chợt thấy mình cũng rơi vào tâm trạng Trần tiên sinh. Năm 2013 liệu có xuất hiện “cổ nhân” hay “lai giả”đủ tâm đủ tầm làm thay đổi đất nước Việt Nam trì trệ và đau thương này không ? Bao giờ ?

Lãng tử chỉ biết loay hoay với thơ và suy ngẫm như trên, xin chia sẻ cùng bạn hữu.

Giang Nam lãng tử
An Giang 26/3/2013

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Đọc hai bài thơ Tống biệt hành

Vâng, có ít nhất là hai bài thơ Tống biệt hành. Có thể còn có nhiều hơn nữa, nhưng ít ra, tôi biết  ngoài bài thơ Tống biệt hành gốc còn có thêm một bài nữa, hoàn toàn không hề kém bài đầu tiên mà lại còn vô cùng độc đáo.

Bài đầu tiên thì ai cũng biết rồi. Tác giả của nó là nhà thơ Thâm Tâm, còn bài thơ thì từ ngày còn học trung học đệ nhất cấp (tức là trung học cơ sở thời nay) tôi và nhiều bạn bè của tôi đã thuộc lòng, vì chép đi chép lại nắn nót nhiều lần. Đây, tôi xin chép lại ở dưới theo trí nhớ:

Đưa người, ta không đưa sang sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Buổi chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình dạ dửng dưng
Ly khách, ly khách, con đường nhỏ
Chí lớn chưa về, bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong!

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay
Trời chưa mùa thu tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay.

Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.

Một bài thơ rất hay, phải không? Hay từ lời, đến ý, nhưng theo tôi thì bài thơ này hay nhất ở nhạc điệu. Một nhạc điệu lạ lùng, hơi chói ở đôi chỗ, nhưng chính vì thế nó mới tạo ra được sự cứng cỏi cần thiết, và rồi đôi khi đột ngột chùng xuống, thoáng hé lộ cái buồn đã được nén chặt trong lòng. Khổ thơ hay nhất về nhạc điệu đối với tôi là khổ thơ đầu tiên, với câu đầu 7 từ đều thanh bằng, buông một giọng trầm, rồi câu thứ hai "Sao có tiếng sóng ở trong lòng", nghe rất trúc trắc vì có 4 từ thanh trắc đi liền nhau ở giữa câu thơ, nói lên sự xáo động mạnh mẽ trong lòng người ly khách, và câu cuối "Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong", cả câu toàn thanh bằng trừ chỉ một từ thanh trắc, làm cho giọng thơ chùng hẳn xuống. 

Cũng cùng một giọng như vậy, khi lên gân khi chùng xuống là các khổ thơ thứ ba, thứ tư, và thứ năm: Khổ thứ ba, ngay giữa bài thơ, gieo vần trắc, nghe rất cứng cỏi, rắn rỏi, bộc lộ sự dứt khoát, quyết tâm dứt áo ra đi; khổ thứ tư, đã dịu đi một chút, nhưng vẫn có sự cương quyết, nhưng đến khổ thơ cuối cùng thì chỉ còn nhẹ như một lời thì thầm, một tiếng thở dài ... "Người đi, ừ nhỉ, người đi thực ...". Hay tuyệt, chỉ có thể nói như thế. 

Thơ hay thì thế nào cũng có người muốn họa. Tôi nhớ trước năm 75, có một dạo chẳng hiểu sao ba tôi lại rất quan tâm đến thơ và hay mang về nhà những tập thơ, trong đó có tập thơ Cao Tiêu mà tôi đã nhắc đến hôm trước, hoặc tập thơ đầu tay của một nhà thơ trẻ không tên tuổi nào đó mà tôi cũng đã đọc qua, với cái "khẩu vị" đọc ngấu nghiến không phân biệt của tôi thời ấy. Tôi đọc hết một mạch cả cuốn thơ của nhà thơ trẻ không tên tuổi ấy, và "vớ" được một bài thơ họa theo Tống biệt hành với mấy câu tôi cho là khá hay và còn nhớ luôn đến tận bây giờ, như sau:

Ai xưa tống biệt lòng hoang lạnh
Một giã gia đình dạ dửng dưng
Ly khách, ly khách, con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không ...

Ta nay tống biệt lòng không lạnh
Không đủ gia đình để dửng dưng
Chưa hay đường lớn hay đường nhỏ
Tay trắng mai về tay trắng không!

Vâng, hai khổ thơ trên tôi cho là khá đạt, nhưng theo tôi nhớ thì cả bài thơ - và cả tập thơ ấy nữa - xét toàn bộ là rất thường. Và nói chung thì tôi cho rằng bài thơ Tống biệt hành là đã quá xuất sắc rồi nên không ai có thể làm cho nó hay hơn được ở bất cứ chỗ nào nữa.

Cho đến lúc tôi đọc được bài thơ Tống biệt hành của Vi Khuê, nhà thơ nữ gốc Huế hiện đang sinh sống ở Mỹ, tác giả bài thơ Hoa Đào ("Đứa con gái có mái tóc/Sylvia Vartan/ngồi đọc thơ Thôi Hộ...") mà tôi đã nhắc tới hôm qua. Thực ra, tên tuổi của nhà thơ Vi Khuê tôi chỉ mới biết đến từ hôm qua mà thôi, khi lên mạng để cố tìm tên tác giả của bài thơ Hoa Đào. Khi tìm được tên Vi Khuê, tôi mới tò mò tìm hiểu thêm xem  tác giả này có những sáng tác gì, và tìm được bài Tống biệt hành vô cùng độc đáo mà tôi sẽ chép dưới đây.

Nhưng trước khi đọc thơ, có lẽ chúng ta hãy đọc đoạn giới thiệu dưới đây cái đã:

Cách đây hơn nửa thế kỷ Thâm Tâm đã tiễn một người đi trong “Tống Biệt Hành” của ông. Tiễn người đi mà tác giả nghe lòng dậy sóng. Người đi trong tâm sự mênh mang, trong hoàng hôn đáy mắt. Con đường đời nhỏ hẹp. Sự nghiệp còn ngoài tầm tay. Chí lớn đã quyết đành. Công chưa thành, danh chưa toại, “ba năm, mẹ già cũng đừng mong”. Và:

Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà như chiếc lá bay
Chị thà như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say

“Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm đã là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ thi nhân. Tôi đã được đọc một số ít bài âm vọng từ “Tống Biệt Hành”. Nhưng phải chờ đến “Tống Biệt Hành” của Vi Khuê, tôi mới tìm được ở bà, một nhân vật thứ hai đầy tính chất triết lý nhập thế, dấn thân của một tráng sĩ Đông phương hay của một một lãng nhân Phù Tang thời phong kiến tay không đi tìm nghiệp lớn.

Vi Khuê đã dựng lên một đối tượng ngang bằng vai vế để nhắn nhủ, để khích lệ người ly khách. Dù Người đi về phương nào chưa chắc được, nhưng Người cứ đi. Cuộc tiễn đưa nào mà không mang tiếng ngậm ngùi, cảm xúc. Người ly khách trong “Tống Biệt Hành” của Vi Khuê có rượu, có trăng, có lệ tràn và một thoáng môi cười của người đưa tiễn. Rượu sẽ nói lời vĩnh biệt. Rừng không gió, trời không mây, vườn ngự không hoa và có cái gì đó không dằn được những cảm xúc trắc ẩn từ cõi lòng để kẻ ở phải thảng thốt nói với người đi:

Ta tiễn Ngươi mà,
Ta tiễn Ngươi!


Sao, tò mò quá phải không bạn? Vâng, tôi sẽ chép bài thơ của Vi Khuê ở dưới đây và không bình luận thêm gì nữa, mà để dành việc ấy cho các bạn nhé. Thơ đây:

Tống biệt hành (Vi Khuê)
Ta tưởng ngươi
đi về phương đông
Ta rót cho ngươi
chén rượu hồng
Rượu sẽ mềm môi
ngươi sẽ khóc
Ta cười. Ngươi
có hiểu gì không?

Ta tưởng ngươi
đi về phương tây
Ta rót cho ngươi
chén rượu đầy
Rượu sẽ làm cay
đôi mắt ướt
Ta nhìn, lệ rớt
giữa lòng tay...

Ta tưởng ngươi
đi về phương nam
Ta rót cho ngươi
chén rượu tràn
Rựou sẽ làm hoen
thân áo bạc
Ngươi về. Khật
khưỡng dưới vầng trăng.

Ta tưởng ngươi
đi về phương bắc
Ta rót cho ngươi
chén rượu ngọc
Rượu sẽ vì ta
nói với ngươi
Vĩnh biệt. Đừng
quay nhìn ngõ trúc.

Ta tiễn ngươi! Ôi!
Ta tiễn ngươi
Rừng phong không gió
trời không mây
Hoa đâu. Để
ngát thơm vườn Ngự
Ta tiễn ngươi mà
ta tiễn ngươi!

Tôi thực sự không thể nói gì về bài thơ này được, ngoài mấy chữ: chạm đến tận đáy tim!
-----------
Viết thêm một chút cho cô bạn cùng lớp ở ĐH Tổng hợp cách đây vài chục năm sau khi đọc được comment của bạn ấy trên fb: "Thích nhất PA ở những lúc như thế này".

Vâng, điều mà PA thích nhất trong bài thơ của Vi Khuê là khẩu khí. Có thua kém nam nhi chút nào đâu T. nhỉ, nếu không nói là còn mạnh mẽ hơn? Dường như đó cũng là tính cách của PA đấy T. ạ, mặc dù khi xua người đi rồi (Vĩnh biệt! Đừng quay nhìn ngõ trúc) và chỉ còn một mình thì nhân vật nữ của chúng ta đã không còn dấu được nỗi đau qua lời thảng thốt: Ta tiễn ngươi mà/ ta tiễn ngươi!

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

"Nghĩ trời đất vô cùng ..."

Ai người trước đã qua
Ai người sau chưa đẻ
Nghĩ trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ

Chẳng hiểu bằng cách nào 4 câu thơ trên của Trần Tử Ngang qua lời dịch của Thiền sư Nhất Hạnh lại lọt vào trong bộ nhớ của tôi, chắc chắn là từ trước năm 1975 vì sau năm 75 thì chúng tôi chỉ được học và đọc rặt có một thứ thơ ca cách mạng mà thôi. Chẳng bù cho bây giờ, vì có mạng miếc nên muốn gì chỉ cần lên mạng tìm là có để đọc thỏa thích. Nhưng những người đọc có lẽ cũng chỉ là những người đã biết qua những áng văn chương này từ thời trước 75 thôi, chứ bây giờ bọn trẻ có biết rằng những thứ ấy có tồn tại đâu để mà đi tìm cơ chứ!

Vâng, 4 câu thơ rất hay và rất buồn ấy tôi đã đọc được từ thời còn là trẻ con và đã nằm sâu ký ức của tôi suốt bằng ấy năm, dù tôi hoàn toàn chẳng biết Trần Tử Ngang là ai, và thậm chí cũng chẳng để ý rằng người dịch chính là thầy Nhất Hạnh. Mà lẽ ra những câu thơ buồn đến tận cùng ấy sẽ còn nằm dưới đáy trí nhớ của tôi, cái trí nhớ khốn khổ mà ngày càng không chịu tuân theo lệnh của tôi một chút nào nữa, nếu như không tôi không nhận được một món quà bất ngờ từ một người bạn không quen (người bạn không quen! quả là một oxymoron -  tiếng Việt gọi là nghịch ngữ - thực đấy!) mà tôi sẽ đăng ở dưới đây.

Nhưng trước khi đăng bài viết của thêm một người bạn thơ không biết mặt đã hào phóng gửi bài đến góp vui trên blog của tôi, xin được chép ở đây một bài thơ khác mà tôi cho là rất hay, rất lạ, kết hợp thơ mới Việt Nam và việc dịch thơ cổ Đường thi,  cũng đã được tôi thuộc lòng từ thời xa xưa ấy, thời hoa mộng của tôi trước năm 1975. Cũng vậy, may nhờ có mạng, tôi đã tìm ra được tên của tác giả bài thơ ấy, nhà thơ Vi Khuê, một cái tên mà mãi đến bây giờ tôi mới biết. Bài thơ ấy có tên là Hoa Đào.

Đứa con gái có mái tóc
Sylvie Vartan
Ngồi đọc thơ Thôi Hộ
Một buổi sớm mai vàng
Dưới chân
Hoa đào nở ...

Năm trước ngày này bên cánh song
Hoa đào cùng với má em hồng
Dung nhan nay biết tìm đâu thấy
Chỉ thấy hoa cười với gió đông.

Bài thơ hay và lạ quá phải không các bạn? Tôi nhớ đã đọc được bài thơ ấy năm 14 tuổi, một cái tuổi vô cùng ngây thơ, nữ sinh Gia Long tóc xõa ngang vai, ngồi đọc bài thơ của Vi Khuê và tưởng tượng ra cảnh một cô gái lớn hơn mình vài tuổi, khoảng 17, 18, điệu bộ trẻ trung hiện đại, đang ngồi ở giữa hậu bán thế kỷ 20 mà đọc thơ của người xưa hơn nghìn năm trước, và những dòng thơ cũ vẫn cứ mới, cứ hiện đại và cứ làm rung động trái tim của kẻ hậu bối mãi tận nghìn năm sau. 

Hôm nay, khi tôi ngồi viết những dòng này, thì gần 40 năm đã trôi qua, đã sang đầu thế kỷ 21 và lại có "đứa con gái có mái tóc/demi garçon/ngồi [nghe mẹ] đọc thơ Thôi Hộ ...", và ngẩn ngơ, bâng khuâng với cái đẹp của bài thơ và cái ý tứ sâu xa của người xưa. Vâng, đứa con gái có mái tóc demi garçon ngồi nghe mẹ đọc thơ Thôi Hộ là con gái tôi, Anh Khuê đấy nhà thơ Vi Khuê ạ. Chẳng biết nhà thơ bây giờ lưu lạc nơi đâu. Nhưng dòng đời thì cứ hờ hững trôi về phía trước, mấy mươi năm chỉ như một thoáng mây bay, chẳng mấy chốc rồi lại thêm nghìn năm nữa ...

Nghĩ trời đất vô cùng
Một mình 
tuôn 
giọt 
lệ 
...

phải không Trần Tử Ngang ơi, Thôi Hộ ơi, Vi Khuê ơi!

Các bạn đọc bài viết độc đáo của anh Phùng Hồng Kổn ở dưới đây nhé. Và cám ơn anh đã gửi bài góp vui trên blog Anh Vũ. Xem ra blog này của tôi có vẻ cũng có sức thu hút đấy nhỉ ;-), quần hùng tụ hội ngày càng nhiều, vui quá!
------------
Đọc ĐĂNG U CHÂU ĐÀI CA

Phùng Hồng Kổn

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ


Trần Tử Ngang

Dịch nghĩa:

BÀI CA LÚC LÊN ĐÀI U CHÂU

Trước không thấy người xưa,
Sau không thấy kẻ sắp đến.
Ngẫm trời đất thật không cùng,
Một mình bùi ngùi nhỏ nước mắt.

Thơ Đường “ý tại ngôn ngoại” xưa nay ai cũng biết! Tuy “Ý ở ngoài lời” nhưng nhiều bài thơ độc giả vẫn có thể có chung một cách hiểu, nếu có khác nhau chỉ ở mức độ sâu nặng của cảm xúc – bởi lẽ, ở các bài đó tác giả đã hé mở cho người đọc một trường liên tưởng, một trường suy ngẫm.
 

Đăng U Châu đài ca không thuộc dòng thơ trên. Lên đài, tưởng rằng phong cảnh sẽ mở ra trước mắt, tức cảnh sinh tình, hay phong cảnh gợi lại những kí ức, những hoài niệm! Nhưng không, người xưa, kẻ nay – chẳng thấy ai? Người trèo lên đó cũng chẳng muốn nhìn xem phong cảnh xung quanh có gì đẹp!
 

Ngày mà Trần Tử Ngang lên đài U Châu có lẽ thời tiết xấu lắm, trời âm u, mây đen vần vũ, nước nặng trĩu mà không roi xuống được! Vũ trụ mênh mông thăm thẳm, đầy bí ẩn, ngời lữ khách nhỏ nhoi, cô đơn, bùi ngùi rơi lệ.

Người xưa nói: “Thi trung hữu họa” (trong thơ có họa), đọc Đăng U Châu đài ca mời các bạn tìm và thưởng ngoạn bức “Giang phàm lâu các đồ” của Lý Tư Huấn (651-716). Lý Tư Huấn là một họa gia đời Đường, giỏi vẽ sơn thủy, bút lực xung mãn, lột tả được muôn vẻ suối chảy thông reo, khói mây mù tỏa… Trần Tử Ngang và Lý Tư Huấn có lẽ hợp nhau lắm!
 

“Nghệ thuật không có biên giới” ai đó đã nói thế. Thế kỉ XIX ở châu Âu ra đời một loạt các họa phái : “Ấn tượng”; Biểu tượng; Trừu tượng; Dã thú; Lập thể; Siêu thực v.v… Wassily Kandinsky (1866- 1944), họa sĩ Nga – một thủ lĩnh tầm cỡ, người khai sinh những trào lưu cách tân táo bạo nhất trong nghệ thuật. Ông từng vẽ hiện thực vào loại bậc thầy, sau đó lại trở thành chủ soái của hội họa trừu tượng. Bức tranh “Boat trip” là một tác phẩm xuất sắc của ông. Xem bức tranh này tôi có cảm xúc Thiên địa chi du du! Con người dù tài giỏi đến đâu, cũng chỉ là một hạt cát trong vũ trụ, phải vậy chăng?.

Người xưa còn nói “Thi trung hữu nhạc” (trong thơ có nhạc). Đọc Trần Tử Ngang , nhớ tới J.C.Bach – nhạc sĩ tiền cổ điển Đức, người khai sinh ra thể lọai Prelude (khúc dạo đầu). Đăng U Châu đài ca là một Prelude có giai điệu lạ, không mượt mà đằm thắm, không du dương êm ái, nhưng lại có sức gợi mở kì diệu: quá khứ, tương lai, con người, vũ trụ…cứ mông lung, bồng bềnh, khắc khoải…nó mở ra cho người ta trở về với “thế giới trong ta”, về với chính mình.

--------------
Bài viết của anh PHK hay quá phải không các bạn! Thật xúc tích và gợi mở, tôi chỉ có thể nói được như thế thôi. Mong các bạn đọc và trao đổi nhé. 

Nói thêm: Trong bài viết của anh PHK còn có một bức tranh, nhưng vì máy của tôi làm sao ấy nên không đưa lên được, đành chịu vậy. Khi nào nhờ được người có nghề xem lại thì tôi sẽ đưa lên anh PHK nhé!

Khuyến mãi: Đọc mãi về Đường thi và bài thơ của Thôi Hộ, tự dưng tôi cũng nổi hứng muốn dịch bài thơ trên của Thôi Hộ, mới chết chứ. Tôi đã dịch xong rồi, và nó được đăng ở dưới đây, hay dở tùy người đọc, mà dù dở dù hay thì cũng chỉ được khen chứ không được chê đâu nhé!!! ;-)))

Xuân xưa, năm ấy ngày này
Kề bên mặt ngọc hoa vay ánh hồng
Thoắt rồi trời lại cuối đông
Hoa cười đón gió mà không thấy người.

Phương Anh dịch 

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

"Lá xanh ... "

Các bạn có còn nhớ bút danh Hoàng Anh Dũng không nhỉ? Đó là một người bạn thơ của tôi mà tôi đã từng giới thiệu qua bản dịch bài thơ "The Road Not Taken" của Robert Frost, đã đăng trên blog cách đây khá lâu rồi, có lẽ phải khoảng nửa năm. Vâng, tôi nhận được bài viết này của anh HAD từ cách đây hơn một tháng, nhưng chỉ lướt qua vì lúc ấy tôi đang ở Campuchia dự Hội thảo TESOL lần thứ 9 của nước này, rồi quên luôn.

Chiều hôm qua cuối tuần, có chút thời giờ tôi mới ngồi xem lại mailbox xem có thư từ gì có thể delete được. Xin giải thích chút: tôi hầu như không bao giờ muốn delete các mail của mình trừ những mail có tính quảng cáo hoặc tin tức gửi hàng ngày, nên hộp mail lúc nào cũng đầy ắp và lâu nay đã hoạt động ở mức đang đầy 90-95%! Chính vì vậy mà bây giờ thỉnh thoảng cứ phải chủ động delete mail chứ nếu không thì hộp mail không hoạt động được nữa. Và đó là việc tôi làm chiều hôm qua.

Vì có thời gian ngồi rà lại các mail nên mới gặp lại bài này của anh HAD gửi cho tôi đọc như một người bạn, có dặn thêm câu "đừng cười tôi vì những chuyện tình lẩm cẩm này nhé". Tôi đọc lại và thấy ... dù đúng là có chuyện tình lẩm cẩm thật :-), nhưng chính vì vậy mà nó ... dễ thương, ngoài ra lại còn có một bài thơ tiếng Anh rất hay với một bản dịch rất nhiều cảm xúc của anh HAD, nên có thể đăng lên để chia sẻ với các bạn được. Vả lại, cái này mới là quan trọng nè, tôi cần có bài mới để đăng lên tặng các bạn vào cuối tuần, một cái gì nhẹ nhàng thú vị, đồng thời làm cho các bạn hiểu biết thêm một chút gì đó, mà tôi lại đang bận quá không viết được, nên bây giờ tìm thấy bài cũ của anh HAD thì sung sướng như bắt được vàng và cứ thế mà đăng lên thôi, hi hi hi!

Cuối cùng, trước khi để yên cho các bạn đọc bài viết lẩm cẩm nhưng dễ thương của anh HAD, xin được chọn ra đây 2 câu thơ mà tôi cho là hay nhất trong bài thơ dịch của anh HAD giới thiệu, 2 câu sau đây:

Em đi về chốn không anh
Em về trên lá xanh xanh cuối trời

Hay quá, phải không? Vâng, xin cám ơn anh HAD đã gửi bài và xin chuyển tiếp bài viết đến các bạn. Và cuối cùng, chúc các bạn những ngày cuối tuần hạnh phúc!
----------

Lá xanh …

Khi Whitney Houston giọng ca vàng của nước Mỹ, con chim sơn ca của thế giới ra đi về thế giới khác, trong một mất mát mơ hồ nhưng trầm trọng, một nhà thơ nữ bạn tôi gởi cho tôi một bài thơ cô ấy viết bằng Tiếng Anh có nhan đề Loving You.
 

Ta hãy nghe tác giả tâm sự : “Chết có phải là hết không? Đã có lần tôi cũng từng suy niệm về đề tài này qua một bài thơ và nghĩ rằng dù không lưu luyến cõi trần gian này lắm đâu, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng sẽ về thăm những người thân yêu qua nhiều hình thức như trong hạt mưa, qua tia nắng dọi… và không hiểu sao cảm xúc này lại bật lên bằng những vần thơ Anh Ngữ, chứ không phải bằng tiếng mẹ đẻ của mình, có lẽ ý tình của nó vượt qua bức tường ngôn ngữ chăng? ”

LOVING YOU

It would be sad, but I am loath to leave you
I must be gone, like the waves to the shore

Someday, you will see me on the green leaf
That shows I would return from the dead

May be you will hear me in the singing bird
That means I came back to life with my heart

Otherwise, you will taste me in autumn’s rain
That shows I was brought to life again

Perhaps you will smell me in scented flowers
That means my loving for you is forever

It’s possibly you’ll feel me in full moon
That shows I would ever bless you soon

Or sometimes, you will meet me in the sunshine
That means my message to say I’m just fine

Be with you somewhere in the air, I love thee
Please don’t be unwilling to part from me.


Tôi thấy thích bài thơ này nhưng mà lần lữa mấy tháng sau tôi vẫn chưa dịch được. Mãi cho đến một ngày cuối năm 2012, tôi gặp lại một số bạn cũ hồi trước giải phóng, chúng tôi nói chuyện lan man rồi bất chợt các bạn ấy hỏi thăm tôi về XH một người bạn gái học chung hồi đệ tam mà cả lớp đều biết là rất thích tôi (!).

Nhưng éo le thay thuở ấy tôi chỉ thích có mỗi mình BT, người hơn tôi hai tuổi, và luôn gọi tôi là cưng! Và thuở ấy cho dù mấy anh lớp trên đô con đẹp trai giàu có theo đuổi dữ lắm nhưng XH chỉ trao ánh mắt cho một anh nghèo khủng khiếp như tôi ! Không hiểu sao nữa !

Thiệt là theo tình tình đuổi, đuổi tình, tình theo !

Sau giải phóng khi BT bỏ tình tôi nên duyên với N.thì XH trở lại thăm tôi. Thăm anh thầy giáo làng giờ nghèo khủng khiếp hơn cả hồi xưa mà còn thêm cái tội rớt đại học nữa. Nàng ngồi cuối lớp coi tôi dạy tụi nhỏ, nàng nói tôi giảng hay như Thẩm Thệ Hà ! Nàng khen tôi chơi Flamenco hay hơn cả Hoàng Bửu ! Và hát bài Căn Nhà Ngoại Ô ăn đứt Kim Loan ! Nàng thích nhất là đoạn :

Nhưng đêm thức giấc ngỡ ngàng
Nghe lòng thương nhớ biết rằng mình yêu !

Có lần cám cảnh thân phận mình, tôi gởi cho nàng hai câu thơ :

Em hãy về đi đừng quay trở lại
Bến tương lai rộng mở đón chờ em.

( Đó là lần đâu tiên tôi gọi nàng bằng em ! )

Ngày hôm sau tôi nhận được trả lời của nàng :

Em sẽ về và quay trở lại
Bến tương lai em sẽ chính là …anh !

Tôi đọc xong suýt khóc !

( Đó cũng là lần đầu tiên nàng xưng em và gọi anh ! )

Tôi nhớ sau lần đó hầu như tuần nào nàng cũng đáp xe đò từ Đại Học Cần Thơ về thăm tôi. Lần nào nàng cũng nói : Cố lên anh ! Em sẽ về thăm anh !
 

Nhưng rồi nàng mất sau đó không lâu.Tôi sẽ không bao giờ quên được đôi mắt sâu buồn nhìn tôi đăm đắm đó.

Tôi nhớ tôi đã không trả lời nổi câu hỏi ấy của các bạn. Và đêm đó 1g sáng tôi dịch xong bài thơ ! Tôi đã “đọc ” được trong bài thơ đó lời của người năm xưa !

Em về trên lá xanh …

Thật buồn khi phải cách xa anh

Như cơn sóng vỗ bến mong manh

Em đi một sáng trời u uẩn

Cõi chết em về trên lá xanh

 

Tiếng hót mơ hồ anh có nghe

Trái tim mơ mộng giữa cơn mê

Có nghe từng giọt mưa thu đó

Chính bước chân em bước nhẹ về

 

Anh ơi có thấy một mùi hương

Xa xưa ngày nọ thuở mình thương

Anh ơi có biết hương em đó

Duyên tình vạn thuở vẫn còn vương

 

Mỗi độ trăng tròn anh nhớ không?

Nhớ em anh nguyện giữa không trung

Gọi nắng cho lòng em an ủi

Để hiểu lòng em chốn mịt mùng …

 

Anh ơi trong cõi bụi hồng!

Có nghe trong gió tấm lòng người xưa

Em là không khí, [em] là cơn mưa

Em ngồi mơ mộng mơ hồ nhớ anh

Em đi về chốn không anh

Em về trên lá xanh xanh cuối trời …


Bài thơ Tiếng Anh của nhà thơ nữ bạn tôi như một lời tâm sự của Whitney Houston về sự trở về. Còn bản chuyển ngữ của tôi như là tiếng đàn của tôi rơi xuống đời, tưởng nhớ người năm xưa. Đời vẫn như lá xanh !

HOÀNG ANH DŨNG

2/2013

----------
PS1: Đăng bài lên từ hôm qua nhưng hôm nay tôi mới có thời gian để đọc kỹ, xăm xoi từng câu từng chữ. Và vì vốn là một cô giáo tiếng Anh nên tôi không thể không quan tâm đến ngữ pháp (hic!) của bài thơ tiếng Anh và cảm thấy hình như có một vài từ cần phải được sửa lại - chỉ một chút thôi, cho đúng, và đã mạo muội sửa lại.

PS2: Câu thứ ba trong khổ thơ cuối cùng của bản dịch của anh HAD có "lọt" một câu 7 chữ trong bài thơ lục bát. Sự "phá cách" này là cần thiết để dịch được câu thơ và tôi cho là hoàn toàn chấp nhận được, nhưng có một đề nghị nho nhỏ với dịch giả HAD, đó là thêm từ "em" vào để thành một câu 8 chữ, như thế câu thơ có vẻ cân đối, nhịp nhàng hơn, và giữ được cái chất của thơ lục bát hơn (theo nhịp chẵn). Tất nhiên, đây là cảm nhận cá nhân, nên mỗi người một ý nên không thể nói cách nào hay hơn, nhưng cũng cứ trao đổi thêm với anh HAD cho vui!


Và cuối cùng, rất xin lỗi tác giả gốc và người đã gửi cho tôi là anh HAD nếu như tôi sửa/thêm không đúng ý tác giả, và cũng rất mong tác giả cũng như các bạn đọc cho biết ý kiến của mình về những chỗ sửa/thêm chữ của tôi.

 

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

"Anh biết tin ai bây giờ?"

"Anh biết tin ai bây giờ" là một câu trong một bài hát rất nổi tiếng của Vũ Thành An, một trong những bài không tên nào đó, không nhớ là bài số mấy. Nhưng entry này hoàn toàn không nói gì đến các nhạc phẩm của VTA, mà nói chuyện khác. Chuyện gì, các bạn đọc rồi sẽ rõ.

Số là khi lang thang trên mạng, tôi bỗng giật mình đọc được cái tựa bài báo: Quảng bá nhầm TQ và cú hớ bầu chọn Vịnh Hạ Long. Ví dụ, ở đây: http://www.tinmoitruong.vn/tam-nhin/-quang-ba-nham-trung-quoc-va-cu-ho-bau-chon-vinh-ha-long_45_22208_1.html

Chuyện lớn đây, vì cái gì chứ "quảng bá nhầm Trung Quốc" thì quả là không thể chấp nhận được! Tôi bèn tìm vào tờ báo để đọc, và thấy ngay một tấm hình cảnh chùa trên núi, dưới chân là biển, có một tượng Phật ở trên cao, và lời chú thích: Ảnh tượng Lạc Sơn Đại Phật (Trung Quốc) nằm ngay trong gian hàng chung Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 diễn ra ở Berlin, CHLB Đức. Các bạn vào lại trong trang ấy mà xem. Quả thật tôi không thể nào hiểu nổi tại sao lại có sự nhầm lẫn kỳ lạ như thế nào nhỉ; ai chịu trách nhiệm về chuyện này đây??? Lạ quá!

Nhưng thôi, tạm thời không nhắc đến anh bạn vàng TQ khè ấy trong entry này, vì tôi muốn tập trung vào phần còn lại của tựa báo, vốn cũng đáng quan tâm không kém, đó là "cú hớ bình chọn Vịnh Hạ Long".

Ôi, bình chọn Vịnh Hạ Long, về vụ này dư luận đã nói nhiều lắm rồi vào hồi cách đây hơn một năm, và chính tôi cũng đã viết mấy bài trên blog này rồi. Nào là tập thượng, tập hạ, rồi lại hồi cuối gì đó nữa (đặt tựa theo style kiếm hiệp mà), rồi lại còn tìm cách thông tin từ nước ngoài nói về tổ chức New7Wonders và chủ nhân của nó là Bernard Weber nữa. Nhưng "dù ai nói ngả nói nghiêng", cuộc vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long vẫn cứ diễn ra rầm rộ, mọi việc cứ "tuần tự như tiến", người người bình chọn nhà nhà bình chọn, để rồi cuối cùng Hạ Long vinh dự (?) lọt vào danh sách, và thế là (hình như thế) mọi người yêu HL và đã bình chọn cho HL để được vào danh sách 7 kỳ quan thế giới mới giờ đây phải trả tiền vé cao hơn khi đến thăm Hạ Long, thế mới chết chứ!

Xin mở ngoặc ở đây một chút để đặt câu hỏi những người rành tiếng Hán Việt (như anh GNLT chẳng hạn): "tuần tự như tiến" hay "tuần tự nhi tiến" thì mới đúng nhỉ? Vì tôi thấy tồn tại cả hai cụm này, và khi tra trên google thì thấy tần suất của 2 từ gần tương đương nhau!

Đấy, tóm lại việc của HL là như thế: ai nói gì thì nói, chó sủa mặc chó, đoàn người vẫn đi, vẫn bình chọn cho HL lọt được vào danh sách, rồi thì mọi người cũng vui mừng đón nhận tin mừng ấy, như một thành tích của ngành du lịch của năm 2011. Ví dụ như ở đây: http://vneconomy.vn/20111112092358462P0C9920/vinh-ha-long-duoc-binh-chon-la-ky-quan-thien-nhien-moi.htm . Không, ở đây mới nặng ký đây này, trên trang web của ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/ListObjectNews.aspx?co_id=30351.

Ấy vậy mà hôm nay đùng một cái lại có ý kiến công khai trên báo lề phải rằng vụ bình chọn đó là một cú hớ! Mà người phát biểu điều ấy lại chẳng ai xa lạ mà là tận Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cơ, thế mới là lạ chứ? Đây này, tôi xin trích nguyên văn trong bài báo nhé:

"Vịnh Hạ Long được bầu chọn là một trong 7 kì quan thiên nhiên thế giới mà Tổng cục du lịch coi là thành tựu của năm 2011, nhưng chẳng qua là cuộc bầu chọn của một công ty tư nhân, không thể so sánh được với danh hiệu chính thức của UNESCO", Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn tiếp tục nói thẳng về câu chuyện làm du lịch gắn với uy tín quốc gia.

Ui chu choa ơi, thế này thì ... chết em rồi, vì trước đây em (tức là tôi, PA ấy ạ) đã phải cố gắng gạt qua những dư luận của bọn nước ngoài (thù địch) và bọn lề trái (phản động) và quay ngoắt 180 độ để mà tin rằng việc bầu chọn cho Vịnh Hạ Long dù sao cũng có ý nghĩa và giá trị nào đấy. Nay lại bắt em phải quay ngoắt 180 độ nữa để trở về vị trí cũ, tức là tin rằng việc bầu chọn đó chỉ là trò vớ vẩn thôi, một "cú hớ". Cứ quay tới, quay lui thế này thì chóng mặt chết, các bác ơi! Chẳng biết đường nào mà lần nữa.

Nên cái tựa của entry này mới là "Anh biết tin ai bây giờ", là như thế. Xin nói rõ thêm: "Anh" đây chính là Phương Anh đấy, không phải trang nam nhi thất tình nào như trong bài hát của VTA đâu nhé.

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Ừ nhỉ, đi Mỹ làm (quái) gì cơ chứ?

Cuối tuần, gửi đến các bạn bài viết thú vị về nước Mỹ qua giọng văn châm biếm của một người Trung Quốc. Bản tiếng Việt do anh Nguyễn Đại Hoàng chuyển ngữ kèm lời giới thiệu. Chúc các bạn có những phút giây thư giãn.

Khuyến mãi: Các bạn thử đọc tờ Tea Leaf Nation ở đây: http://www.tealeafnation.com/
---------

CÒN ĐI MỸ LÀM GÌ NỮA !   


Dẫn : Xuất hiện lần đầu tiên trên mạng  xã hội Sina Weibo,  bài viết này đã nhận được hàng chục ngàn chia sẻ và bình luận. Nội dung  tưởng như châm chích cười cợt  mỉa mai  nước Mỹ như một quốc gia ngu ngốc, sơ khai và ngây ngô, nhưng thực ra lại là lời phê phán sắc sảo sâu cay thú vị về chính Trung Quốc ! Tờ Tea Leaf Nation đã trích dịch , biên tập lại những phần đinh nhất của bài viết nói trên. Chúng tôi xin giới thiệu sau đây  bản chuyển ngữ  của Nguyễn Đại Hoàng.  ( Phần Tiếng Anh đính kèm bên dưới ).



Tôi có thời gian qua Mỹ khá lâu. Và nói thật đến giờ này tôi vẫn còn thấy hối hận vì sự lựa chọn đó! Truyền thông phương Tây đã khiến chúng ta mê muội rằng Hoa Kỳ là một xứ sở hiện đại ! Tôi đã từng ôm giấc mộng được học tập ở đó, đã tìm mọi cách tới được cái xứ sở siêu cường đó.



Nhưng than ôi những gì tôi chứng kiến là rất đáng thất vọng ! 



1. Công nghiệp



Nước Mỹ thật ra chỉ là một làng quê khổng lồ chậm phát triển !

Hồi trung học, chúng ta đã được dạy rằng, công nghiệp càng phát triển  bao nhiêu thì môi trường càng bị xâm hại bấy nhiêu.


Chúng ta biết rằng một thành phố công nghiệp tất phải có nhiều ống khói,nhiều nhà máy và khói bụi khắp nơi. Đó là biểu tượng của sự công nghiệp hóa ! Thế mà ở tại xứ Cờ Hoa này, tịnh không có một cái ống khói nào ! Họa hoằn lắm mới thấy một vài cái nhỏ tí  ti để trang trí nhà cửa thôi !


Và ở Mỹ bạn cũng chỉ thấy toàn sông hồ trong sạch thôi. Chả tìm đâu ra những nhà máy giấy, nhà máy luyện thép bên bờ sông ! Không khí trong lành thanh khiết này là dấu hiệu của một xã hội sơ khai chứ gì nữa ! Chả có dấu vết gì của công nghiệp hóa cả !  


2. Kinh tế 

Người Mỹ hầu như không biết làm kinh tế ! Bạn biết đấy, nước họ có cơ man nào là xa lộ tỏa đi mọi hướng, vươn đến mọi làng mạc xa xôi, thế mà tịnh không thấy một trạm thu phí nào ! Thế là mất toi cả núi vàng!  

Ước gì tôi có thể xây dựng vài cái trạm thu phí nhỉ ! Chắc chắn non tháng đã gom đủ tiền mua được cả tòa lâu đài trông ra Đại Tây Dương ấy chứ ! 

Hai bên xa lộ còn những cụm hồ hoang sơ tĩnh lặng. Thế mà chính quyền cứ để mặc cho lũ chim trời cá nước thỏa sức vẫy vùng, không nghĩ đến việc xây dựng vườn cảnh để thu lợi. Người Mỹ rõ ràng là không có đầu óc kinh tế tí tẹo nào !  


3. Xây dựng

Trình độ xây dựng của người Mỹ còn sơ khai lắm.Ngoài một số ít tòa nhà chọc trời tại các thành phố lớn, tôi dám chắc bạn rất ít gặp những công trình bê tông  ở nước Mỹ. Nhà của người Mỹ thường làm bằng gỗ và vài thứ vật liệu khác. 

Thử nghĩ mà xem, đến giờ này mà  gỗ vẫn còn được dùng để xây dựng nhà cửa, thì có thể nói là trình độ kiến trúc của ngoại bang này còn thua xa trình độ của triều đại nhà Thanh  xưa kia ấy chứ ! 


 4. Văn hóa 

Người Mỹ có cách suy nghĩ thật là lạc hậu và khờ khạo.

Hồi mới tới Mỹ, tôi thuê một xe chở hành lý giá 3 đô la. Nhưng tôi lại không có tiền lẻ. Một người Mỹ liền trả dùm tôi 3 đô la đó, và thấy tôi lỉnh kỉnh đồ đạc nên còn giúp mang lên xe nữa ! Người Mỹ cũng luôn sẵn sàng mở cửa giúp tôi và hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không ? Thế đấy ! 

Ở nước ta, mấy chuyện này chỉ có vào thời Lôi Phong tức là vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước thôi - còn bây giờ lối cư xử đó quá ư lạc hậu. ( Lôi Phong là một thanh niên mà thời Mao thường nhắc tới như một tấm gương về đạo đức). 

Hồi đó người ta chuộng lối sống “ đạo đức giả ”nhưng bây giờ chúng ta không như vậy nữa. Bây giờ chúng ta nên sống thực dụng trần trụi, đó mới là hiện đại chứ ! Tư duy của người Mỹ lạc hậu hơn chúng ta hàng mấy thập kỷ, và không có dấu hiệu nào cho thấy họ có thể bắt kịp chúng ta cả ! 


 5. Ẩm thực

Người Mỹ làm như không biết thưởng thức thịt thú rừng.

Một đêm nọ, tôi cùng các bạn cùng lớp lái xe đi đến một thành phố khác, thình lình có mấy con nai nhảy xổ ra. Anh bạn tôi lập tức thắng lại và bẻ sang hướng khác để tránh. Ai cũng biết tai nạn loại này có thể làm hỏng cả chiếc xe. Thế mà chính quyền  đành bó tay không biết phải xử lý tụi thú hoang này như thế nào cơ đấy ! 

Người Mỹ làm như cũng không biết ăn thịt thú rừng, thậm chí không có nhà hàng nào bán  thịt thú rừng, họ chả thiết đến loại thịt thú rừng thơm ngon bổ như hươu nai, và cũng chả thiết lấy sừng bọn thú này để kiếm bộn tiền ! Người Mỹ vẫn sống cùng những con thú hoang dã đó, thậm chí còn đưa ra những biện pháp để bảo vệ chúng. Quả thật đó là một xã hội còn quá sơ khai ! 


 6. Phong cách

Người Mỹ làm như không biết tự trọng ! 

Các giáo sư Mỹ không quan tâm nhiều đến bề ngoài , họ không hề có cái gọi là phong thái bác học. Giáo sư D chẳng hạn, là một giáo sư  tâm lý học cực kỳ nổi tiếng thế mà giờ nghỉ ông ấy cũng thường ăn  bánh bích quy với sinh viên trong văn phòng của mình, và bàn tán xôm tụ với họ về bộ phim 21, hay về minh tinh Trung Quốc Chương Tử Di ! Ông cũng không có phong cách uy nghi của một nhà bác học, và điều đó làm tôi thất vọng ghê gớm ! 

Các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ cũng không bao giờ ghi hai chữ PhD. lên danh thiếp của mình. Họ thậm chí cũng không biết cách thể hiện vị thế của mình. Thành ra những người học những ông thầy như vậy nếu trở thành những quan chức thì làm sao biết cách đi đứng nói năng cho đúng bộ lệ đây !

Còn ở Trung Quốc, giờ đây các công chức dường như rất biết cách để thu hút sự kính trọng của dân chúng, thậm chí đến cả vị giám đốc của một cơ quan tầm tầm ở Trung Quốc có khi còn uy thế hơn cả Tổng Thống Mỹ cơ đấy !  Một công dân hạng ba của Trung Quốc có khi còn xa một công dân hạng nhất của Mỹ là vậy ! 


 7. Học đường

Học sinh tiểu học Mỹ chả có lý tưởng cao xa gì sất. 

Chúng không hề có ý định đi học để trở  thành ông này bà nọ trong chính quyền! Không hề có học đường nào dành cho chủ tịch, bí thư, ủy  viên tương lai,  như tôi đã từng thấy hồi còn nhỏ ở quê nhà. Các em không có bài tập về nhà. Bài tập về nhà kiểu như các học sinh như các học sinh Trung Quốc là khá xa lạ ở Mỹ. 

Trường học ở Mỹ  chú trọng đến đạo đức, trước hết để giúp cho các đứa trẻ trở nên những công dân có đủ tư cách  , sau đó mới tính đến chuyện lý tưởng lâu dài. Trở thành công dân có đủ tư cách ư ? Một quan niệm nghe mới cổ hủ làm sao !  


 8. Y tế

Người Mỹ làm lớn chuyện một cách kỳ cục khi có bệnh. 

Đầu tiên họ đi bác sĩ khám bệnh, rồi bác sĩ kê toa. Rồi cầm toa  đó đi mua thuốc, mua xong còn phải nghe dược sĩ hướng dẫn sử dụng …ôi chao  mọi việc chẳng thể nhanh gọn như ở Trung Quốc …Tôi chả hiểu tại sao ở Mỹ lại phân biệt việc khám bệnh với việc bán thuốc … mà lẽ ra nên tách rời  lợi nhuận với trách nhiệm ! 
Rõ ràng là các bệnh viện ở Hoa Kỳ không  biết kiếm tiền mà ! Sao lại phải nói tên thuốc cho bệnh nhân biết chứ ? … chỉ có như vậy họ mới độc quyền bán thuốc với giá  cao gấp cả chục lần cơ mà ! Có quá nhiều cơ hội làm ăn béo bở thế mà họ không biết khai thác , rõ ràng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ở Mỹ chết rồi ! 


 9.Báo chí

Ý kiến của công chúng Mỹ thật chả ra làm sao ! 

Đôi khi tôi hoàn toàn mất kiên nhẫn với sự ngu dốt và khờ khạo của người Mỹ . Chẳng hạn khi họ biết Trung Quốc có đài truyền hình và báo chí, họ đã hỏi tôi một câu ngu dốt như thế này : Hóa ra Trung Quốc cũng có báo chí à ? Nghe mà bực ! 

Chúng ta có những tờ báo tiếng Trung được Bộ Truyền Thông cho phép ấn hành sau khi đã rà soát một cách cẩn mật đấy chứ .  Báo của chúng ta toàn là những bài ca tụng lên mây cả, có đâu như báo Mỹ, công chúng đóng góp phê bình loạn cả lên, thậm chí còn dám “ chưởi ” cả tổng thống nữa cơ đấy!  
Báo chí chúng ta đâu có chuyện công khai mấy vụ bê bối của quan chức, bởi nếu cứ tung hê lên thì sau  này ai mà muốn làm lãnh đạo nữa chứ ! 


 10. Tâm linh

Người Mỹ có đời sống tinh thần hết sức vô vị nhạt nhẽo. 

Tôi chả hiểu tại sao trước mỗi bữa ăn họ lại lẩm bẩm mấy câu thánh nghe hết sức khờ khạo : Cầu Chúa phù hộ nước Mỹ. 

Thật là buồn cười quá đi  : Nếu Chúa phù hộ nước Mỹ thì làm sao lại để nước Mỹ lạc hậu, sơ khai, đơn giản đến thế này ? Cầu Chúa có ich lợi gì  chứ ? Thực tế nhất là bạn nên dành thời gian đó để đi lễ thủ trưởng ! 

Đó mới đúng là hiện đại chứ lỵ ! 


 11. Lối sống

Người Mỹ chả có khái niệm về thời gian .

Bất luận chuyện lớn chuyện nhỏ, người Mỹ đều ngoan ngoản đứng vào hàng chờ đợi … Còn người Trung Quốc chúng ta – như bạn biết đấy - khôn hơn nhiều ! 

Bất kể đám đông như thế nào, chúng ta vẫn có kỹ năng chen lấn, điều này giúp tiết kiệm thời gian, và tránh được sự mệt mõi khi đứng chờ !  Nếu ai đó biết đi cổng sau thì kết quả tiết kiệm thời gian còn tuyệt hơn nữa. 

Thế mà những người Mỹ lẩm cẩm lại không biết đến những điều hay ho đó cơ chứ ! 


 12. Mua bán


Những cửa hàng ở Mỹ có một phong cách buôn bán hết sức  vô lý : bạn có thể trả lại hàng vài tuần sau khi mua về mà thậm chí cũng không cần nêu lý do. Ở ta thì làm gì có chuyện cho đổi hàng mà không hò hét quát tháo nhau ra trò chứ ! 


 13. An toàn  

Nước Mỹ không an toàn ! Tôi nói điều này bởi có tới 95 % nhà dân không cần tới lưới chống trộm, và điều kỳ lạ này nữa là : chả biết mấy tên trộm đi đâu hết rồi nhỉ ?  


 14. Giao thông

Người Mỹ sao mà nhút nhát và yếu đuối quá vậy không biết ! 

Tôi nói điều này cũng bởi có tới 95 % tài xế không dám vượt đèn đỏ !'

Và mặc dầu 99 % dân Mỹ có xe hơi, vậy mà cách lái xe của họ thật lạ : bao nhiêu là xe cộ lưu thông nhưng không mấy khi nghe tiếng còi xe, phố xá vì thế vắng lặng đến nỗi cứ ngỡ không phải là phố xá nữa, làm sao mà bì được phố xá ồn ào náo nhiệt ở Trung Quốc cơ chứ !


15. Tình cảm

Người Mỹ rất là thiếu cảm xúc . 

Có tới 95 % nhân viên không nghĩ tới việc phải làm gì cho tiệc cưới của sếp, họ chẳng bao giờ phải vắt óc tìm ra lý do để chăm sóc sếp của mình. Ở Trung Quốc liệu có ai  điên đến mức bỏ qua cơ hội chăm sóc sếp của mình không?  Nói cách khác, có ai dám làm điều đó không ? Hãy xem, người Trung Quốc chúng ta có biết bao nhiêu là tình thương mến thương với lãnh đạo ! 

 16. Nhạy bén

Người Mỹ không nhạy bén chút nào ! 

 99% người Mỹ đi học, đi làm , thăng quan tiến chức, mà không hề biết sự cần thiết của “ phong bì ” để có thể mở ra một cánh cửa ..sau !  



Nguyễn Đại Hoàng chuyển ngữ

                 3/2013
------------

NGUYÊN TÁC


[ 'Foolish and Backward Nation': A Self-Effacing Chinese Satire of America


On the eve of U.S. Secretary of State Hillary Clinton's diplomatic visit to the Middle Kingdom, a tongue-in-cheek critique of Americans has gone viral on Sina Weibo, China's Twitter, with over 44,000 retweets and 5,400 comments. This piece, of uncertain author and origin, laughingly criticizes Americans as foolish, primitive, and naive. Lest American readers be offended, it soon becomes apparent that the essay is in fact a sharp, backhanded critique of China.Tea Leaf Nation has translated the juiciest parts (which happen to constitute most of the essay). Please enjoy. ]

Don't Go to the U.S., A Foolish and Backward Nation

I've already been in the U.S. for a long time. I regret that choice. We've been [fooled] by Western media the whole time, making us think that the U.S. is a modernized country. Harboring hopes of studying American modern science in order to serve my motherland, I moved heaven and earth in order to make it over to this "superpower."  But the result has been very disappointing!  


 (1) The U.S. is actually a giant, undeveloped farming village. In middle school, teachers teach students that the more developed industry gets, the greater harm the natural environment suffers. For example, in an industrial city you should find chimneys everywhere, large factories everywhere, dust everywhere. That's the symbol of industrialization! But the U.S.? You hardly ever see chimneys, occasionally you'll see a few small ones but they're just decorations for houses. Instead there are clear rivers and lakes everywhere, and there aren't even paper factories or steel smelters by the riverbanks. The clean and fresh air is a symbol of primitive society. There's not even a trace of industrialization!
 

(2) Americans don't understand economics. Highways extend in all directions, seemingly reaching every village, but there are hardly any toll stations! What a tremendous waste of a gigantic business opportunity! I can barely keep myself from grabbing some cement and building a few toll stations; within one month I'll definitely make enough money to buy a house with a view of the Atlantic Ocean. Also, by the side of the highway you can see quiet and undeveloped lakes. The government allows waterbirds to freely settle and poop wherever they want, neglecting even to open a scenic garden with a lake view in order to make some serious money. It's clear Americans have no head for economics.


(3) American construction is too primitive. Besides [what you find in] a small number of large cities, there are no big cement and concrete skyscrapers. ... I can scarcely believe that the U.S. seemingly has no concrete buildings. They're all mostly made of wood and some other strange materials. Using primitive wood to build houses-it's like these foreigners' architecture hasn't moved beyond pre-Qing Dynasty times. That's feudal times!


 (4) Americans' thinking is naive and backwards. As soon as I got to the U.S., I found [renting] a luggage cart cost three U.S. dollars. I didn't have change, an American saw that I had a lot of luggage, so they paid the three bucks for me and brought me a cart. [Americans] also always open doors for me and ask me if I need help. In my country, we already had the Lei Feng period in the '50s and '60s, now we think that stuff is so backwards! [Lei Feng was a young man that the Mao-era Communist government widely touted as an example of selfless virtue.] Back then, people were very hypocritical, but now we're not that way. We do things nakedly; now that's modernization! So Americans' thinking is behind ours by several decades, and there are no signs they will be able to catch up. 


(5) Americans don't understand [how to eat] game. One night, I was driving with my classmates to another city and several Sika deers suddenly bounded out. My classmate immediately braked and swerved in order to avoid an accident. Apparently this sort of thing happens often, as a collision with one deer is enough to total a car. The U.S. government doesn't know how to manage this. ... Americans really don't understand how to eat game, they don't even have game restaurants, much less a taste for delicious wild animals-killing a deer and selling the antlers can make a lot of money! Americans live with those wild animals every day, even taking measures to protect wild animals. That's a really primitive society. 


(6) Americans don't understand self respect. Professors at American universities have no presence (架子); they don't have the air of distinguished scholars at all. It's said that Professor D___ is a famous professor of psychology, but during class breaks he eats cookies in his office with his students, talks about the movie "21″ and [Chinese actress] Ziyi Zhang. He doesn't have any of the majesty of scholarship, I was really disappointed. Also, post doctoral students never put "Ph.D" on their name cards. They don't even understand how to show off their status. People taught by professors like this won't even understand how to posture if they become government officials. ... It seems Chinese public servants really know how to get peoples' respect; even the boss in a minor office in my motherland is more imposing than the American President. No wonder they say a first-class citizen in China becomes a third-class citizen in the U.S.
 

(7) American elementary school students don't have lofty ideals. From the start, elementary school students don't have any intention of becoming officials. ... There are none of the class presidents, class secretaries, or the committees I had when I was young. After class, it's as if they have no homework. There's no way you can even mention it in the same breath with Chinese primary school students's homework. Schools place too much emphasis on a moral upbringing, making little kids focus on becoming qualified citizens first, getting to the long-term ideals later. Becoming a qualified citizen? What a corny concept. 


.(8) Americans cause a big ruckus every time they see a little illness. First, they make an appointment with the doctor, and afterwards the doctor gives a prescription. Some people have to consult a qualified pharmacist. When they buy medicine, they have to go to the supermarket to get it themselves. It's not as fast as it is with us ... I don't understand why Americans separate seeing the doctor and buying medicine ... instead separating benefit from responsibility. It's clear American hospitals have no concept of how to make money! Why tell the patients the name of the medicine? ... They could monopolize the sales of medicine and raise prices 8 or 10 times. There are so many good business [opportunities] they're not [pursuing], obviously the capitalist market economy is dead!  


(9) American public opinion is nuts. Sometimes I completely lose patience with their ignorance and foolishness. For example, when they learned that China has television stations and newspapers, they actually ignorantly ask me, "China has a newspaper?!" That's really outrageous; we not only have Chinese-language newspapers, they are meticulously produced by our Ministry of Propaganda; looking at our newspapers is like listening to a hymn, it's nothing like American newspapers with their messy public opinions, even daring to insult the U.S. President by name...[in China] we don't publicize the leaders' scandals; after that, who would want to be a leader? ... 


(10) Americans are spiritually empty. What I can't stand is: The majority of Americans say grace before each meal, and naively say "God bless America." Ridiculous; if God blessed America, how did America get this backwards, this primitive, how did Americans get so simple and primitive? What's the use of praising God? It would be more practical to spend that time praising your boss! That's the modern way! ... 


 (11) Americans do not have a concept of time. No matter what, they always wait in line. ... We Chinese are smarter, you see. No matter how crowded it gets, we still have the skill to stuff ourselves in somewhere, this saves a lot of time and you can avoid getting tired from standing! If someone you know opens a backdoor, that saves even more time. The old Americans just don't get this. 


(12) American stores make no sense: You can return something weeks after buying it without even giving a reason. How is it that you let me return the goods without even arguing with me for a little while? ... 


(13) The U.S. isn't safe. 95% of homes have forgotten to install anti-theft nets/doors/windows; another strange thing is, where'd all the pickpockets go? 


(14) Americans are wimps. 95% of drivers don't even dare to run red lights...although 99% of American adults have a car, their driving method is very strange: There are many cars on the road, but you can't hear any horns, the streets are so quiet it's as if they're not streets, there's none of the energy of a major province-level [Chinese] city. 


(15) Americans lack emotion. 95% of employees don't think their superiors' weddings have anything to do with them, so they never find an excuse to care about their leaders; in China, do the masses ever miss a chance to care about their leaders? Put another way, who in China doesn't dare to? Look how much feeling we've got. 


(16) Americans aren't sensible. 99% of Americans go through school, get jobs, get promoted, and get an operation without understanding the need to give "hong bao" [red envelopes full of cash] to open a back door. ...

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Dạy con ở Tây, hay Tại sao Việt Nam ngày càng có nhiều trẻ em hư?


Bài viết này tôi đã viết từ trước Tết, nay vừa được đăng trên tờ Lifestyle số Tháng 3/2013, có được biên tập lại đôi chút với tựa mới là "Chuyện dạy con bên Tây". Dưới đây là bản gốc mà tôi đã gửi đi. Những gì được kể trong câu chuyện này gần như là hoàn toàn có thật, chỉ đổi tên và hư cấu thêm vài tình tiết. Đăng lên đây để chia sẻ với các bạn.
-----------------

Tôi có một “đám” bạn già, nữ sinh Gia Long cũ, đến mấy chục người, tất cả đã “ngoại ngũ tuần”. Ra trường từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, lưu lạc bốn phương mấy chục năm trời, tình cờ kết nối được với nhau nhờ facebook.

Cuối tuần qua bọn tôi vừa có dịp họp mặt nhân dịp có ba người bạn định cư ở nước ngoài (Canada, Mỹ và Úc) nay về Việt Nam nghỉ lễ Noel và năm mới. Chuyện Đông chuyện Tây, chuyện kim chuyện cổ, nhưng cuối cùng mọi con đường đều dẫn đến La Mã: các bà lại quay về chuyện chồng con. Và thế là chủ đề nuôi dạy con ở Tây bỗng biến thành chủ đề chính của cuộc họp mặt, với rất nhiều khám phá mới mẻ cho phe “quốc nội”.

Trước hết là chuyện học hành của con cái. Người Việt ở nước ngoài đa số học hành rất giỏi, và con cái các bạn tôi cũng vậy. Trong ba người bạn về VN lần này thì cả ba đều có thể được vinh danh về việc nuôi dạy con cái thành đạt chẳng kém Mẹ Hổ là mấy.

Phượng, bà bạn định cư ở Canada có hai người con, một cậu 26 tuổi và một cô 18 tuổi, cả hai đều học rất giỏi. Cậu con trai đã tốt nghiệp kỹ sư hóa dầu, đang làm việc cho một công ty lớn với mức lương khá cao ở một vị trí tốt. Cô con gái đang học lớp 12, học rất giỏi đang ráo riết học để chuẩn bị theo đuổi ngành Y.

Ngọc, bà bạn ở Mỹ có hai cậu con trai 24 và 21 tuổi cũng tương tự như vậy: Cậu lớn vừa tốt nghiệp đại học ngành Sinh học, đang được giữ lại trường để làm phụ tá nghiên cứu (research assistant) cho thầy của mình và dự định sẽ học tiếp để đi theo con đường nghiên cứu. Cậu thứ hai đang học năm thứ ba ngành Quản trị Kinh doanh tại cùng trường nơi cậu anh đang làm việc. Trước tình hình kinh tế không mấy sáng sủa trong mấy năm qua, cậu đang tính học thêm một bằng kỹ sư để ra trường dễ kiếm việc.

Dung, người bạn ở Úc thì vì lấy chồng trễ nên con còn nhỏ, chỉ mới đang học trung học, nhưng cũng thường xuyên là học sinh giỏi và được đủ loại giấy khen, từ giấy khen của hiệu trưởng nhà trường đến giấy khen của thị trưởng thành phố.

Con cái học hành giỏi giang là thế, nhưng cả ba bà bạn của tôi lại không cho rằng con mình là thành công mà xúm vào khen Danh, con trai của Huệ, một người bạn hiện đang sống ở Cali (Mỹ). Cậu tốt nghiệp đại học ngành Nhân học (anthropology) nhưng ra trường không kiếm được việc làm ngoài một loạt những công việc ngắn hạn với các tổ chức phi chính phủ.

Đi làm lai rai như vậy được 3 năm thì cậu quyết định thôi không theo đuổi ngành học đã chọn nữa mà tìm một cái nghề để kiếm sống, và chọn nghề … cắt tóc. Học xong các chứng chỉ cần thiết để hành nghề, Danh cùng một nhóm bạn cùng nhau mướn mặt bằng để mở tiệm cắt tóc. Ban đầu chỉ là một tiệm do chính mình vừa làm chủ vừa làm thợ, vậy mà chỉ sau 5 năm Danh đã sở hữu một chuỗi 3, 4 tiệm uốn tóc với những tay thợ lừng lẫy do cậu thu hút và đào tạo.

“Vậy mới là đáng nể chớ! Hiện nay, quan niệm về thành công của thế hệ trẻ ở nước ngoài thay đổi rất nhiều so với thế hệ của mình. Thành công không phải là học giỏi, có bằng cấp cao, việc làm ổn định. Mà thành công là biết mình là ai và muốn gì, biết tự khẳng định giá trị của bản thân, biết tự thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh. Đặc biệt, thành công là phải vượt qua được những khủng hoảng trong cuộc sống.” – Ngọc, bà bạn Việt kiều Mỹ cho biết.

“Bọn trẻ ở nước ngoài có suy nghĩ độc lập và trưởng thành quá ha! Nhưng dạy chúng chắc không dễ đâu hả? Mấy người bà con của mình ở nước ngoài sao thấy hay than thở về việc con cái không nghe lời cha mẹ quá.” Một bà bạn trong nước hỏi.

“Con cái không nghe lời, cái đó là tại mình. Nói không đúng thì nó không nghe. Chỉ cần nói cho đúng, có sức thuyết phục thì nó sẽ nghe thôi!” Dung cười đáp.

Câu trả lời của Dung làm tôi nhớ lại cuộc nói chuyện giữa người anh họ của tôi và cô con gái lớn của anh lúc tôi đang học Úc vào cuối thập niên 1990, cách đây đã mười lăm năm rồi. Lúc gia đình anh sang định cư ở Úc năm 1984,  cô con gái lớn của anh đã được tám tuổi, đang học lớp hai ở Việt Nam. Không muốn cho con cái bị “mất gốc”, gia đình anh chủ trương dùng hoàn toàn tiếng Việt ở nhà, vì vậy con cái anh đều nói sõi tiếng Việt. Khi tôi sang Úc học, cô bé con anh cũng đang học đại học năm thứ hai ở cùng trường với tôi. Hai dì cháu có nghe về nhau nhưng chưa hề gặp mặt. Vì vậy, khi tôi đến nhà thì cô bé dùng tiếng Anh để nói chuyện với tôi và bị bố rầy, bắt phải dùng tiếng Việt.

“But why do I have to speak Vietnamese? She speaks English very well,” cô bé thắc mắc (“she” ở đây chính là tôi).

“Vì ba muốn con nói tiếng Việt ở nhà”, anh họ tôi đáp.

“You know I can speak Vietnamese. But I am more comfortable with English. I am an Australian citizen anyway.”

“Con không được cãi ba. Ba muốn con nói tiếng Việt ở nhà vì con cần phải tập nói thường xuyên, nếu không con sẽ quên và nói không ai hiểu,” anh trừng mắt.

Cô bé không vừa. Cô trả lời cha bằng một tràng tiếng Việt: “Ba ơi, ở nhà lúc nào con cũng nói tiếng Việt với mẹ, ba biết mà. Còn ba, ba đi làm mà nói tiếng Anh dở ẹt không ai hiểu. Ba đã hứa với con là sẽ tập nói tiếng Anh với con để cho giỏi mà ba có bao giờ chịu nói đâu?”

Thấy tình hình căng thẳng, tôi phải can thiệp: “Anh ơi, em muốn nói tiếng Anh với cháu mà. I need more practice.”

Sau khi cô bé đi rồi, anh nói: “Trẻ con ở đây không phải bảo gì cũng nghe như ở Việt Nam đâu. Muốn cho chúng nó nghe thì chính mình phải có lý. Nhà trường đã dạy chúng như thế rồi. Mà như thế cũng phải, tại vì mình quen theo kiểu Việt Nam nên mới thế, chứ ở đây thì làm như vậy không được đâu.”

Nghe tôi kể lại câu chuyện trên, các bà bạn “quốc nội” chỉ biết lắc đầu: ở Việt Nam con mình mà cãi cha nó như vậy chắc … ăn đòn quá. Mới biết trẻ con ở Việt Nam ngoan thiệt, người lớn nói gì cũng nghe lời, không dám ho he gì hết.

“Nè, trẻ con Việt Nam có ngoan thiệt không đó?” Phượng, bà Việt kiều Canada bỗng lên tiếng. “Sao tui đọc báo thấy nữ sinh đánh bạn, lột áo rồi quay clip đưa lên mạng, tỉnh rụi; nam sinh thì cãi nhau rồi rút đao đâm bạn gọn hơ, sợ quá. Có phải tại bị người lớn xử ép, chỉ được nghe lời mà không được cãi, nên rồi sinh ra vậy không? Nếu vậy, tui thà chấp nhận để con cái cãi lại nếu mình không đúng, để mình muốn nói gì, yêu cầu gì cũng phải suy nghĩ kỹ. Chứ cứ phải nghe lời cha mẹ, thầy cô răm rắp như ở Việt Nam rồi bị ức chế thì lẳng lặng làm mấy trò như báo chí vẫn đăng thì nguy hiểm quá mấy bà ơi!”

Ờ há! Phải chăng đây chính là câu trả lời cho câu hỏi mà lâu nay báo chí Việt Nam vẫn thường đặt ra, là tại sao ngày càng có nhiều trẻ em hư?