Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Đường vắng, nắng trưa ...

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp thấy lại Sài Gòn vắng lặng vào một buổi trưa nắng cuối năm như hôm nay.

13 giờ 30 trưa, đường vắng. Tôi ngồi trên chiếc taxi từ cơ quan tận Linh Trung, Thủ Đức chạy về nhà. Chẳng dễ gì có được một chuyến đi như thế đâu, 250 ngàn chứ ít gì, bằng 1/20 tháng lương của thuộc hàng trung bình của một người làm trong khu vực nhà nước gần 30 năm như tôi rồi đấy.

Nhưng hôm nay cơ quan tôi tổ chức hội nghị thường niên, không đến thì không được vì dù gì thì ... cũng phụ trách một mảng (!), mà tôi thì lại ốm (đây là nói với nghĩa "bịnh" ấy, vì nói "ốm" thì người Nam sẽ hiểu là gầy, mà tôi thì có gầy gò gì đâu cơ chứ) - sổ mũi, viêm họng, hơi sốt. Nên mới "chơi sang" thế.

Cái trò "ốm" này là do gần đây tôi mới nhận dạy lại một lớp vào cuối tuần, mà cứ hễ đi dạy thì tôi luôn cố sức mở volume tối đa, vì nếu không thì cái giọng trầm trầm của tôi không ai nghe được cả. Nên cứ vào lúc đổi mùa như thế này mà tôi đi dạy là trước sau gì cũng sẽ sổ mũi, viêm họng vài đợt.

Trước đây năm nào cũng bị thế, sau này chuyển sang làm quản lý chuyên nghiệp, bị ... "mất dạy" nên quên đi. Giờ đi dạy lại mới có dịp nhớ lại cái cực hình "ốm" mà vẫn phải làm việc nó khổ như thế nào. Họng đau và đắng nên ăn không ngon, mũi thì nghẹt nên ngủ không yên, đêm ngủ phải há mồm ra mà thở. Rất khổ sở, thật vậy.

Tâm trạng của tôi ngày hôm nay có thể nói tóm gọn trong hai chữ: "chán" và "mệt"! Và mỗi lần như vậy, tôi thường chỉ muốn trốn ở nhà - một mình, vì cả nhà đi làm, đi học hết. Không đi đâu, không gặp ai, không trò chuyện. Chỉ nằm nghĩ vẩn vơ, đọc sách, nghe nhạc lơ mơ, rồi đi lại nhìn cỏ nhìn cây ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Chỉ vậy thôi, cứ thế một vài ngày, rồi có khi chẳng cần thuốc, bệnh tật sẽ tự động qua, và tôi lại có sức để lao vào cõi đời mệt mỏi đến vô cùng ấy. Dù khi đang chạy ở trong guồng, hình như tôi cũng chẳng có ý thức mà cứ thế chạy, chạy, chạy, tự vắt kiệt thân mình, mù quáng tuân theo quán tính ...

Nên cuốc taxi trên quãng đường vắng trong nắng trưa của SG đối với tôi bỗng có ý nghĩa lạ kỳ. Vì nó vừa yên tĩnh - một điều thật hiếm hoi trong cái thành phố phát triển quá mức và không thể quy hoạch kịp với gần chục triệu dân này - lại vừa xáo động. Với rất nhiều ký ức về SG xưa vụt qua rất nhanh trong đầu tôi.

Ừ, đường vắng, nắng trưa. Ấy là cái cảm giác mà tôi vẫn có trên quãng đường xe đạp đến trường Gia Long mỗi buổi trưa vào đầu thập niên 1970 từ ngôi nhà ở xứ Nam Hòa (địa chỉ chính thức trước năm 1975 mà tôi còn nhớ là: ấp Nam Hòa, xã Tân Sơn Hòa, tỉnh Gia Định). Áo dài trắng, cặp sách buộc đàng sau xe đạp, đạp thong thả đến trường, trời thì nắng, đường thì xa, có khi đi trễ phải cắm đầu cắm cổ đạp, mồ hôi ướt cả áo, nhưng ngày nào cũng thế, mãi thành quen.

Nào có ai ngờ, cái cảnh tượng và cảm giác đường vắng, nắng trưa ấy trở lại với tôi rõ ràng đến thế, sau đến tận 40 năm!

Đường vắng, nắng trưa. Áo dài trắng dưới nắng trưa, đến lóa cả mắt. Và có lẽ chỉ có ai đã từng thấy những chiếc áo dài trắng trên đoạn đường lóa nắng của SG mới hiểu được câu thơ của Hàn Mặc Tử:

Áo em trắng quá nhìn không ra ...

Một cuốc taxi trưa, đường vắng, trời thì lóa nắng, không gian thật im ắng. Và tôi bỗng hiểu, nói đúng hơn là ngộ ra, người ta cần có những khoảng lặng đến chừng nào!

Những khoảng lặng trong cuộc sống, khoảng không gian thở, một chút nắng của riêng mình, một tiếng gà trưa (giờ đây mỗi ngày một hiếm hoi), một bóng cây, một làn gió thoảng ...

Có phải chúng ta đang đánh mất mình, khi đánh mất chúng hay không?

Đường vắng, nắng trưa ...

Một chút nghỉ, một dấu lặng của Sài Gòn, một buổi trưa ngày 24/12.

Một chút thôi, rồi SG lại trở lại đúng bản chất của mó, một SG đêm nhộn nhịp, tưng bừng, và cả nhốn nháo nữa. SG đêm nay, đêm Noel.

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

Tản mạn về giải thưởng hòa bình

Sáng nay ông xã tôi hỏi tôi một câu thật bất ngờ: Đố em biết có bao nhiêu giải thưởng hòa bình trên thế giới?

Qủa là ... choáng! Có bao nhiêu giải thưởng hòa bình ư? Thì ... có một giải từ đó đến giờ là Nobel hòa bình, chứ còn gì nữa mà phải hỏi?

Biết ngay mà! Ông xã tôi đắc thắng. Sai bét, trên thế giới có nhiều giải thưởng hòa bình lắm. Ngay tính chỉ riêng mấy nước anh em, đồng chí, láng giềng của VN thôi thì nước nào cũng có giải hòa bình của riêng mình rồi. Em giỏi tìm thông tin lắm mà, lên google tìm thử mà xem!

Tức mình quá, và ... quê quá, tôi google search từ "peace prize", và quả nhiên có ngay một danh sách các giải thưởng hòa bình trên wikipedia, trong đó có đến hơn 20 giải thưởng và huy hiệu hòa bình thế giới. Thế mới biết, hòa bình quan trọng thế đấy, đến nỗi đã có bao nhiêu giải thưởng rồi mà người ta vẫn cứ tạo ra thêm giải thưởng mới, vì hình như mọi người vẫn cảm thấy chưa đủ.

Hoặc đúng hơn, là chưa có loại hòa bình giống như mình mong muốn. Thì đấy, giải Nobel hòa bình năm nay được trao cho một người TQ, nhưng người TQ ấy ở TQ thì lại bị xem là người phá hoại hòa bình vì kêu gọi chống lại chính quyền. Nên TQ bèn ... dạy cho phương Tây một bài học bằng cách tạo luôn ra một giải hòa bình mới, gọi là giải Khổng tử hòa bình, và còn kịp tổ chức trao giải luôn, trước khi lễ trao giải Nobel hòa bình được tổ chức. Đúng là nước lớn có khác, họ muốn gì là làm được ngay! Ghê thật!

Rồi tôi sực nhớ câu nói của ông xã tôi về việc các nước anh em, đồng chí của VN đều có giải thưởng hòa bình riêng của mình, và nhớ lại giải thưởng hòa bình Lenin (giải Lenin hòa bình, nói theo cấu trúc đang "thịnh hành" hiện nay: Nobel hòa bình, Khổng tử hòa bình).

Rất tiếc là giải ấy bây giờ đã ngưng rồi, cùng với sự xụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, nhưng đây là giải thưởng quốc tế duy nhất mà VN có hơn một người được vinh dự nhận giải. Này nhé, trước hết là Bà Nguyễn Thị Định, nguyên PCT nước của VN, được trao giải từ năm 1967 (chắc lúc ấy phe XHCN còn đang rất mạnh?) Rồi sau đó là Ông Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Quyền CT nước, được trao giải năm 1983 cùng năm với Indira Gandhi của Ấn Độ (nhân tiện, sau khi được trao giải thưởng hòa bình thì chỉ năm sau Bà Gandhi bị ám sát chết vào năm 1984, khổ thế). Cũng hãnh diện lắm chứ, vì danh sách những người được giải thưởng đều là những người nổi tiếng cả.

Lan man, tôi tự hỏi người ta chọn danh nhân để đặt tên cho giải thưởng dựa trên cơ sở nào nhỉ? Trong trường hợp Nobel thì không có gì để bàn, vì giải thưởng lấy từ tiền của Nobel nên giải thưởng mang luôn tên của ông (cho nó ... tiện, vả lại mục đích của ông là để mọi người nhớ đến ông mà lại). Nhưng còn những trường hợp khác thì sao?

Trong trường hợp giải thưởng Lenin hòa bình thì hình như đây là vấn đề chính trị rất rõ. Giải này đầu tiên là giải Stalin hòa bình cơ đấy, nhưng sau đó hình như là hình ảnh Stalin không phù hợp lắm với bản chất của giải thưởng này thì phải, nên người ta đổi lại là giải thưởng Lenin hòa bình, vì dù sao thì Lenin cũng có vẻ ... hòa bình hơn Stalin. Nhưng thực ra, việc lấy lãnh tụ của một nước để đặt tên cho một giải thưởng quốc tế kể ra cũng ... không hay lắm, vì việc trao giải thưởng mang tên lãnh tụ của một nước cho công dân của nước kia nó cứ có cái gì đó .. trịch thượng, nước lớn thế nào ấy, tôi nghĩ thế.

Vậy những giải thưởng hòa bình khác thì sao nhỉ? Thử xem một giải thưởng của Nhật, Niwano Peace Prize (giải thưởng Niwano hòa bình). Đây là tên của nhà sáng lập ra phong trào đối thoại giữa các tôn giáo có tên là Nikkyo Niwano, mất năm 1999. Giải thưởng này được trao cho những người có công làm tăng hiểu biết giữa các tôn giáo để giúp tạo ra hòa bình thế giới. Một nỗ lực tốt, một giải thưởng có ý nghĩa, ấy là tôi nghĩ vậy.

Lại có giải thưởng Sydney hòa bình, cái này là do ĐH Sydney của Úc tạo ra, nên nó mang tên Sydney (tên thành phố) cũng là dễ hiểu. Mục đích của giải cũng rất hay: tưởng thưởng và vinh danh những người góp phần xóa bỏ nghèo đói và bất công, bạo lực có tính hệ thống, thúc đẩy hòa bình thế giới.

Thế còn giải thưởng Khổng tử hòa bình? Ừ, thì thúc đẩy hòa bình, cái này thì tốt rồi. Còn Khổng tử, với cả một di sản khổng lồ do ông để lại, có lẽ cũng ... không tệ. Dưới cái nhìn của riêng tôi, Khổng tử nổi tiếng nhất với vai trò của một người thầy. Và thầy giáo, đặc biệt là thầy giáo ở phương Đông, thì luôn luôn dạy cho học trò cách làm sao có thể tồn tại trong hệ thống hiện hành một cách tốt nhất, vì vậy điều đầu tiên cần dạy là sự tuân thủ, tôn trọng những người cai trị và những tầng bậc về quyền lực xã hội. Quân, sư, phụ. Tam cương, ngũ thường. Tam tòng, tứ đức.

Tất cả đều là những sợi dây vô hình nhưng rất chặt để cột người ta vào cái nguyên trạng, để giữ được sự bình ổn xã hội, để mọi cái cứ thế mà chạy tiếp, không có gì bất ngờ, bất ổn, không có cải cách, không có bạo loạn và lật đổ, không có cách mạng, máu đổ đầu rơi ...

Đấy cũng là một cách nhìn về hòa bình. Một cách nhìn mà theo trang wikipedia là giải Khổng tử hòa bình đang cổ vũ, đó là cái nhìn phương Đông về hòa bình. Một cách nhìn có thể nói là trái ngược hẳn với một số quan điểm, ví dụ như quan điểm của giải Lenin hòa bình, vốn đã từng được trao cho các nhân vật đấu tranh lỗi lạc như Nguyễn Thị Định và Nguyễn Hữu Thọ của VN, hay Fidel Castro của Cuba .... Nhưng nếu thế, thì nhìn theo cách mà chính quyền TQ hiện nay đang nhìn về Lưu Hiểu Ba, thì những người này hoàn toàn không xứng đáng nhận giải thưởng Khổng tử hòa bình, vì lý do gì thì đã rất rõ, vì cũng giống như Lưu Hiểu Ba, họ không chấp nhận nguyên trạng, đặc biệt là khi cái nguyên trạng đó đã bộc lộ ra những khiếm khuyết rõ ràng.

Chà chà, khó xử thật đấy!

Tò mò, tôi tự hỏi, thực ra hòa bình là cái gì nhỉ, mà tại sao các giải thưởng lại khác nhau đến thế? Hòa bình, một giá trị mà có lẽ toàn thế giới cùng chia sẻ, tôi tưởng nó cũng giống như tình yêu, như cái đẹp, như công lý, như lẽ công bằng, tất cả là những khái niệm phổ quát, là universals chứ nhỉ?

Hay là không phải thế? À, tôi nhớ rồi, thời tôi học trung học (vào cuối thập niên 1970), các thầy cô dạy văn của tôi hay nhấn mạnh: văn học có tính giai cấp!

Bây giờ, áp dụng quan điểm đó vào việc nhìn nhận hòa bình, tôi nghĩ có lẽ hòa bình cũng có tính giai cấp chăng? Ngoài việc nó còn có tính địa phương nữa, như giải thưởng Khổng tử hòa bình đã nhấn mạnh: hòa bình theo quan niệm của Á Đông (ie, keeping the status quo?)

Hẳn là thế! Chà, không hiểu rồi sau này VN có tạo ra giải hòa bình của riêng mình không nhỉ? Lúc ấy, nếu có, tôi tin rằng VN sẽ chọn giải thưởng hòa bình mang tên HCM, chắc chắn là thế rồi!

Hãy chờ xem!

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

"Dạy con kiểu Tây"

Tôi vừa đọc được bài này trên facebook, thấy hay quá nên chép về đây để lưu và chia sẻ với các bạn. Enjoy các bạn nhé!

Nguồn ở đây: http://www.facebook.com/note.php?note_id=470241826436&id=607556685

---------
Con trai đi Mỹ du học, sau khi tốt nghiệp rồi định cư tại Mỹ. Và đã kiếm cho tôi con dâu người Tây tên Susan. Hiện giờ, cháu trai Peter đã 3 tuổi.

Mùa hè năm nay, con trai vì tôi đã đăng ký visa thăm người than. Thời gian 3 tháng lưu lại Mỹ, con dâu Tây Susan có cách giáo dục con cái làm tôi đây người mẹ chồng TQ phải đại khai nhãn giới.

Không ăn thì cứ nhịn đói. Mỗi buổi sang, sau khi Peter thức dậy, Susan để phần ăn sang lên bàn, thì tự mình đi bận rộn việc khác. Peter sẽ tự mình leo lên chiếc ghế, uống sữa, ăn bánh sandwich. Sau khi ăn no, nó sẽ tự về phòng của mình, tự tìm quần áo trên tủ, rồi tự lấy giày, rồi tự mình mặc lên.

Bất kể chỉ mới 3 tuổi thôi, vẫn chưa phân biệt rõ rang mặt trái hay mặt phải của bít tất, giày trái hay giày phải. Có 1 lần Peter lại mặc ngượi chiếc quần lên người, tôi vội vàng chạy đến muốn thay lại cho cháu, nhưng đã bị Susan cản lại. Nó nói, nếu nó cảm thấy không thoải mái tự nó sẽ cởi ra, và mặc lại; nếu nó không cảm thấy không gì là không thoải mái, vậy thì tùy nó. Và nguyên ngày đó, Peter mặc cái quần ngược đó chạy tới chạy lui, Susan như không thấy gì hết. Và 1 lần nữa, Peter ra ngoài chơi với cháu nhà hàng xóm, chưa được bao lâu thì nó chạy thở hổn hển về đến nhà, nói với Susan: “Mẹ ơi, Lusi nói cái quần của con mặc ngược rối, đúng không? Lusi là con nhà hàng xóm, năm nay 5 tuổi. Susan mỉm cười nói: “Đúng vậy, con có muốn mặc lại không?” Peter gật gật đầu, tự mình cởi quần ra, xem tỉ mỉ rồi, bắt đầu mặc lại. Từ lần đó về sau, Peter không bao giờ mặc ngược quần nữa.

Tôi đã không kiềm được mà nhớ lại, cháu gái ngoại của tôi lúc 5-6 tuổi chưa biết dùng đũa, lúc học tiểu học còn chưa biết cột dây giày, và bây giờ đang theo trung học dạng ký túc như nó, mỗi cuối tuần là đem 1 đóng quần áo dơ về nhà.

Có 1 ngày buổi trưa, Peter giận dỗi, không chịu ăn cơm. Susan la rầy mấy câu, Peter giận hờn 1 tay đẩy khay cơm xuống đất, thức ăn trên khay rớt đầy trên đất. Susan nhìn Peter, giọng nói nghiêm khắc: “Xem ra con đúng thật không muốn ăn! Nhớ lấy, từ giờ đến sang mai, con không được ăn gì hết.” Peter gật gật đầu, kiên quyết trả lời: “Yes!” Và trong long tôi chợt cười thầm, hai mẹ con này cứng đầu như nhau!

Buổi chiều, Susan bàn bạc với tôi, buổi tối do tôi nấu món ăn Trung Hoa. Trong lòng tôi suy tư lúc, Peter đặc biệt thích món ăn Trung Hoa, nhất định Susan cảm thấy sáng nay không ăn được gì hết, nên muốn buổi tối cháu ăn ngon nhiều hơn. Buổi tối hôm đó tôi trổ tài nấu ăn, làm món sườn chua ngọt mà Peter thích ăn nhất, tôm, và còn sử dung mì Ý làm theo mì lạnh kiểu Trung Hoa. Peter thích nhất món mì lạnh, người nhỏ nhỏ như thế nhưng có thể ăn được 1 tô lớn. Bắt đầu bửa cơm tối, Peter vui mừng nhảy lên ghế ngồi. Susan lại đến gần lấy đi dĩa và nĩa của con, nói: “Chúng ta không phải giao ước rồi, hôm nay con không được ăn gì hết, chính con cũng đồng ý rồi đó.” Peter nhìn khuông mặt nghiêm túc của người mẹ, “òa” lên 1 tiếng rồi khóc, vừa khóc vừa nói: “mẹ ơi, con đói, con muốn ăn cơm.” “Không được, nói rồi là phải giữ lời.” Susan không một chút động lòng. Tôi thấy đau long muốn thay cháu cầu xin, nói đỡ lời dùm, nhưng thấy ánh mắt ra hiệu của con trai tôi. Nhớ lại lúc mới đến Mỹ, con trai có nói với tôi: “Ớ nước Mỹ, lúc cha mẹ giáo dục con cái, người ngoài không nên nhúng tay, bất kể là trưởng bối cũng không ngoại lệ.” Bữa cơm đó, từ đầu đến cuối, Peter tội nghiệp chỉ ngồi chơi với chiếc xe mô hình, mắt trưng trưng nhìn 3 người lớn chúng tôi ăn như hổ đói. Đến đó tôi mới biết dụng ý thật sự của Susan khi để tôi nấu món Hoa.

Tôi tin rằng, lần sau, trong lúc Peter muốn giận hờn quăng liệng thức ăn, sẽ nghĩ đến kinh nghiệm bụng đói nhìn ba mẹ và bà nội ăn cao lương mỹ vị. Bụng đói không dễ chịu tí nào, huống chi là đối mặt với món mình thích ăn. Lúc ngủ tối, tôi và Susan cùng đến chúc Peter ngủ ngon. Peter cẩn thận dè dặt hỏi: “Mẹ ơi, con đói lắm, giờ con có thể ăn món Trung không?” Susan mỉm cười lắc đầu, kiên quyết nói: “Không!” Peter nuốt nước miếng lại hỏi: “vậy để con ngủ dậy rồi khi mở mắt con được ăn chứ?” “Đương nhiên được rồi.” Susan thật dịu dàng khẽ đáp. Peter đã cười tươi ra. Phần lớn dưới tình trạng này, Peter rất tích cực ăn cơm, nó không muốn vì “tuyệt thực” mà lỡ mất miếng ăn, và chịu cực hình bụng đói.

Mỗi lần nhìn thấy Peter ngoạm từng phần lớn thức ăn, lúc miệng và mặt dính đầy thức ăn, tôi lại nhớ đến cháu gái, lúc như tuổi của Peter, vì phải dỗ dành cho nó ăn cơm, mấy người cầm lấy tô cơm và dí theo sau đuôi nó, nó còn chưa chịu ngoan ngoãn, còn ra điều kiện: ăn xong chén cơm mua 1 kiện đồ chơi, ăn them 1 chén thì mua them 1 đồ chơi… Không còn cách nào, tôi chỉ còn giữ im lặng mà thôi.

Ăn miếng trả miếng Có 1 lần, chúng tôi dắt Peter ra công viên chơi. Rất nhanh Peter đã cùng hai cô gái chơi nấu ăn với nhau. Cái nồi nhỏ bằng mũ, cái xẻng nhỏ, cái thau nhỏ, những cái chén nhỏ xếp đầy trên đường. Bất ngờ, Peter tinh nghịch cầm cái nồi bằng nhựa lên, rất mạnh đập lên đầu cô bé kia, cháu gái kia bầng thần một lúc và khóc thật lớn. Còn cháu kia khi thấy tình hình vậy cũng khóc thật lớn. Đại khái Peter cũng không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng như vậy sẽ xảy ra, đứng qua một bên, trợn mắt nhìn. Susan đi về phía trước sau khi hiểu được đầu đuôi sự việc, nó không quát nạt một tiếng, cầm lấy cái nồi ấy, ngõ một cái mạnh lên đầu Peter, Peter không phòng bị, và té ngã xuống bãi cỏ, khóc nức nở lên. Susan hỏi Peter: “Đau không? Lần sau có còn làm thế nữa không?” Peter một bên khóc một bên lắc đầu.

Tôi tin rằng lần sau nó sẽ không làm thế nữa.

Cậu của Peter đã tặng cho cháu 1 chiếc xe đạp nhỏ, Peter rất thích, lấy làm bảo bối không cho ai đụng vào. Lusi cô bé trong xóm là bạn than của Peter, đã thỉnh cầu Peter mấy lần muốn chạy thử chiếc xe nhỏ này, Peter vẫn không đồng ý. Có 1 lần, mấy cháu nhỏ chơi chung với nhau, Lusi thừa lúc Peter không để ý lén lén nhảy lên chiếc xe, và chạy đi. Sau khi Peter phát hiện rất phẫn nộ méc với Susan. Susan đang nói chuyện và uống café với mẹ của những đứa nhỏ kia, bèn mỉm cười trả lời con: “Chuyện của chúng con thì chúng con tự giải quyết, mẹ không quản được.” Peter bất lật quay đi. Qua được ít lát, Lusi chạy chiếc xe về. Peter vừa thấy Lusi thì lập tức đẩy bạn té xuống đất, dật lại chiếc xe. Lusi ngồi bẹp tại đất và khóc lên. Susan ẩm Lusi dậy và dỗ dành một lát. Rất nhanh sau đó Lusi đã chơi vui vẻ lại với những bạn còn lại. Peter tự mình chạy xe tới lui một lát thì cảm thấy hơi nhàm chán, nhìn thấy những bạn kia chơi thật vui vẻ với nhau nên nó muốn tham gia chung. Nó đã chạy tới chỗ Susan, lầu bầu thưa: “Mẹ, con muốn chơi với Lusi chúng nó.” Susan không đá động gì và trả lời: “Con tự kiếm mấy bạn ấy vậy!” Mẹ ơi, mẹ đi với con hen.” Lời thỉnh cầu của Peter. “Chuyện này không được rồi, lúc nãy con đã làm cho Lusi khóc, giờ con lại muốn chơi với mội người, vậy con phải tự đi giải quyết vấn đề.” Peter leo lên chiếc xe và chạy từ từ đến chỗ Lusi, lúc gần đến chỗ, thì nó lại quay ngược đi. Chạy tới lui mấy vòng như vậy, không biết từ lúc nào bắt đầu mà Peter và Lusi lại vui vẻ với nhau, hợp thành nhóm ồn ào.

Quản giáo con cái là chuyện của cha mẹ. Cha mẹ của Susan ở tại California, biết tôi đã đến hai người đã lái xe đến thăm chúng tôi. Trong nhà có khách tới, Peter rất hào hứng. Chạy lên chạy xuống. Nó lấy cái thùng đựng đầy nước, rồi xách cái thùng bê tới bê lui trong nhà. Susan cảnh cáo nó mấy lần rồi, không được làm nước văng lung tung trong nhà, Peter để ngoài tai. Cuối cùng Peter đã làm nước đổ hết ra nền. Peter nghịch ngợm còn chưa thấy mình làm sai việc, còn rất đắc ý lấy chân dẫm lên vũng nước, làm ước quần hết.

Tôi lập tức chạy đi lấy cây lau nhà để dọn dẹp. Susan dựt lại cây lau nhà và đem đưa cho Peter, nói với nó: “Lau sàn cho khô, cởi đồ ướt ra và tự mình giặt sạch.” Peter không không chịu vừa khóc vừa la. Susan không nói them lời nào, lập tức kéo nó đến phòng trữ đồ, đóng chặt cửa lại. Nghe từ bên trong tiếng khóc hoảng sợ của nó, tim tôi đau thắt lại, rất muốn chạy đến ẫm cháu ra. Bà ngoại của Peter lại cản tôi, nói: “Đó là chuyện của Susan.” Đến một lát sau, Peter không khóc nữa, nó ở trong phòng trữ đồ hét thật lớn: “Mẹ ơi, con sai rồi.” Susan đứng ở ngoài hỏi: “Thế giờ con biết phải làm gì chưa?” “Con Biết.” Susan mở cửa ra, Peter chạy từ phòng trữ đồ ra, nước mắt đầy mặt. Nó cầm cây lau nhà cao hơn 2 người của nó ra hết sức lau cho khô sàn nhà. Sau đó tự cở quần áo dơ ra, xách trên tay, trần chuồng chạy vô nhà tắm, hí hởn giặt đồ rồi.

Ông bà ngoại của nó nhìn vào thái độ kinh ngạc của tôi, thích thú mỉm cười. Sự việc này làm tôi cảm động vô cùng. Ở rất nhiều gia đình TQ, cha mẹ giáo dục con cái thì thường phát sinh vấn đề “đại chiến thế giới”, luôn luôn được ngoại nuông chiều, nội thì can ngăn, vợ chồng cải nhau, gà bay chó chạy.

Sau này, tôi và ông bà ngoại của Peter nói chuyện, nhắc đến chuyện này, làm tôi ấn tượng sâu sắc bởi câu họ nói: “con cái là con cái của cha mẹ, trước tiên phải tôn trọng cách giáo dục của cha mẹ.” Đứa bé tuy còn nhỏ, nhưng lại bẩm sinh nghịch ngợm, lúc nó quan sát được thành viên trong gia đình có phân biệt khác thường, nó sẽ rất nhạy bén lợi dụng sơ hở. Việc này bất cẩn không làm cải thiện hành vi của nó mà chẳng có lợi cho nó. Ngược lại còn làm cho vấn đề càng nghiêm trọng hơn, thậm chí còn đem lại những vấn đề khác. Ngoài ra, thành vive6n trong gd còn xảy ra xung đột, gd có không khí không hòa thuận sẽ đem đến nhiều cảm giác không an toàn cho trẻ, đối với việc phát triển tâm lý của nó phát sinh bất lợi ảnh hưởng. Cho nên, dù là bậc cha mẹ hay ông bà có vấn đề phân chia giáo dục con cái, hay là vợ chồng có quan niệm giáo dục khác nhau cũng không nên ở trước mặt con cái xảy ra mâu thuẫn.

Ông bà ngoại của Peter ở lại 1 tuần và chuẩn bị về Cali. 2 ngày trước khi đi, ông ngoại của Peter rất nghiêm túc hỏi con gái mình: “Peter muốn chiếc xe đào đất, tôi có thể mua cho nó chứ?” Susan suy nghĩ rồi nói: “Cha mẹ lần đến này đã mua cho nó đôi giày trượt băng làm qùa rồi , đến Noel mới mua nó làm quà vậy!” Tôi không biết ông ngoại của Peter nói như thế nào với thằng nhóc này, sau đó tôi dắt cháu đi siêu thị, nó chỉ tay vào món đồ chơi đó nói: “Ông ngoại nói, đến Noel sẽ mua tặng cháu cái này làm quà.” Khẩu khí rất thích thú & mong đợi.

Tuy Susan nghiêm khắc như vậy với cháu, nhưng Peter lại yêu thương mẹ hết mực. Khi chơi ở ngoài, nó sẽ thu thập một số hoa hoặc là lá mà nó cho là đẹp rồi trịnh trong tặng cho mẹ. Người ngoài tặng quà cho nó, nó luôn gọi mẹ cùng mở quà chung; có thức ăn ngon luôn để một nửa cho mẹ. Nghĩ đến nhiều đứa trẻ TQ coi thường và lạnh nhạt đối xử đối với cha mẹ, tôi không thể không kính phục con dâu Tây này của tôi. Ở tôi mà nói, ở phương diện giáo dục con cái của các bà mẹ Phương Tây rất xứng đáng để các bà mẹ TQ học theo."

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Tại chức, thị trường, gậy và cà rốt

Tựa của entry này chắc chắn là cần được giải thích. Vâng, "các bác" xem bên dưới ạ.

Tại chức, là vụ om xòm từ mấy ngày nay trên báo chí, xuất phát việc TP Đà Nẵng "nói không với bằng tại chức". Tức là không tuyển những người tốt nghiệp hệ tại chức về làm việc trong cơ quan nhà nước.

Chuyện này vừa được đưa lên báo là ngay lập tức trở thành một cuộc tranh luận dữ dội. Người thì khen Đà Nẵng dũng cảm. Kẻ thì nói Đà Nẵng sai luật, và kỳ thị. Tranh cãi mấy ngày liền, đến nay vẫn chưa thể phân thắng bại. Ai nói cũng có lý cả, không có ai sai. Nhưng chân lý thì chỉ có một, vậy biết tin ai bây giờ đây.

Hãy cứ gác vụ tại chức lại đấy đã. Bây giờ đến thị trường. Thị trường, chắc là không cần định nghĩa nữa nhỉ. Tôi hiểu nó là việc trao đổi tự do giữa người mua và người bán. Tôi cần, anh có, chúng ta trao đổi, thuận mua vừa bán thì thôi, không cần ai can thiệp. Tất nhiên là vẫn cần có nhà nước để chắc chắn rằng không ai lừa ai, không ai bắt nạt ai.

Ví dụ, anh bảo cứ thi được vào, đóng đầy đủ học phí 4 năm, thi cử cho có đầy đủ điểm số, thi tốt nghiệp đàng hoàng, đạt điểm tối thiểu, thì anh sẽ cấp cho cái bằng đại học tại chức. Tôi thì cần cái bằng, vì bây giờ đi làm ở đâu hầu như người ta cũng đòi có bằng đại học. Mà thi rớt đại học chính quy rồi (thì mỗi năm chỗ học cho chính quy chỉ khoảng 20% số người muốn học mà lại), bây giờ muốn học lên để cải thiện triển vọng nghề nghiệp của mình, thấy anh đang mở và tuyển đại học tại chức, thì tôi đi học quá đi chứ, tại sao không?

Mà bằng tại chức hoàn toàn nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, được nhà nước công nhận, phôi bằng do Bộ Giáo dục cẩn thận, chứ không phải là bằng dỏm, bằng giả, trường ma gì đâu nhé. Trường có tên có tuổi đàng hoàng. Thầy cô giáo cũng là những người dạy chính quy ban ngày, đồng lương không đủ sống nên mới chịu bỏ công ra mà ... cày thêm vào buổi tối (thì đã có người nói tại chức là nồi cơm của các thầy rồi còn gì), tham gia vào cái "thị trường giáo dục đại học" ngày càng đang mở rộng kia. Thị trường, bàn tay vô hình, nó tự điều tiết giỏi lắm!

Tất nhiên vẫn cần có nhà nước. Lỡ nhà trường lừa người học thì sao? Đưa tên thầy này, nhưng thực tế lại là thầy khác dạy. Nói học 60 tiết, nhưng thực tế thầy nghỉ, đi trễ về sớm, còn chừng ... 35 tiết. Hoặc thi xong, chẳng thấy điểm đâu hết, hỏi mãi không được, bỏ quên luôn, đến khi ra trường thì bị thiếu điểm .... Ráng học lại, thi lại vậy, ai bảo có thân không lo!

Những lúc ấy, thì người học biết kêu với ai, nếu không phải là nhà nước?

Cũng có khi là người học lừa nhà trường. Luận văn tốt nghiệp không phải là do mình làm, mà chép của nơi khác, nhưng trường chẳng biết gì. Vẫn cấp bằng, có khi còn là loại giỏi cẩn thận. Sau đó, có người phát hiện. Vậy biết kêu với ai, nếu kêu với trường nhưng trường ... lờ đi vì không muốn có scandal? Dạ, đã có nhà nước ạ!

Còn gậy và cà rốt? Ai mà chẳng biết đó là thành ngữ carrots and sticks trong tiếng Anh, phải không? Và định nghĩa của thành ngữ này, lấy từ wikipedia, là như thế này đây:
Carrot and stick (also "carrot or stick") is an idiom that refers to a policy of offering a combination of rewards and punishment to induce behavior.
Nói ngắn gọn, thì nó là cách sử dụng sự tưởng thưởng hoặc hình phạt để thay đổi hành vi của con người. Chính sách này thì chú Sam nhà ta hay dùng lắm. Cải tổ chính trị theo hướng nới rộng dân chủ và nhân quyền đi, ta sẽ cho ăn cà rốt viện trợ. Còn nếu cứ đóng cửa, đàn áp dân chúng, bóp nghẹt tự do ... thì ta sẽ tặng cho mấy cây gậy cấm vận, hoặc thậm chí là cho Interpol lùng bắt... Như vụ chiến tranh tại Iraq mới đây.

Thế gậy và cà rốt liên quan đến tại chức và thị trường như thế nào? Hừm .... Xem nào. Gậy và cà rốt. Carrots and sticks. Này nhé, các bạn có chú ý không, tiếng Anh, nguyên bản của thành ngữ này, nó để cà rốt trước, rồi mới đến gậy. Còn mình, đi mượn của người ta về, nhưng vì tiếp thu sáng tạo mà, nên mình đổi lại, gậy trước, cà rốt sau! Cũng có nghĩa là mình ... thiên về dùng gậy hơn là dùng cà rốt!

Vậy mà trong tâm lý giáo dục hoặc tâm lý tổ chức thì người ta luôn khuyên là để thay đổi hành vi người khác thì nên thiên về sử dụng positive incentives - kích thích tích cực, tức là khen thưởng ấy - hơn là negative incentives, tức trừng phạt.

Nói gần nói xa, đi loanh quanh thế, đủ rồi. Bây giờ thì đến phần ... nói thật của tôi về cái vụ tại chức và thị trường này.

Theo tôi, nhu cầu học là có thật, và nhu cầu dạy - cung cấp dịch vụ giáo dục - để tăng thêm thu nhập cho giáo viên cũng là có thật. Có người cần mua, có người cần bán, thì theo cái nhìn của thị trường, đó là một điều rất tốt. Đáng mừng, vì các chỉ tiêu về tỷ lệ dân số có bằng đại học sẽ tăng lên, thu nhập của giáo viên cũng tăng mà không phải chờ nhà nước tăng lương. Vậy, cớ sao lại muốn cấm hệ tại chức?

Ừ nhưng mà tại chức chất lượng kém lắm. Thì cũng đúng, tôi đã tả ở trên rồi đó.

Có điều, chất lượng kém đâu phải lỗi tại người học? Nếu người học đã đáp ứng đủ các yêu cầu của nhà trường để được cấp bằng, thì bây giờ nếu chất lượng kém đó là tại nhà trường chứ? Có trừng phạt, thì trừng phạt nhà trường, chứ sao lại trừng phạt người được cấp bằng?

Mà nhà trường thì cũng đã làm đúng theo quy định của nhà nước, không phát hiện ra sai phạm gì nên mới tồn tại và dược phép cấp bằng. Vậy bằng cấp dỏm, thì nhà nước cũng có phần lỗi vì thiếu giám sát, mà trước hết là lỗi ngay với người học ấy. Chứ lấy lý do gì để bây giờ trừng phạt người có bằng tại chức nhỉ? Không nhận người có bằng tại chức, đó chính là kỳ thị, ở phương tây người ta kiện ra tòa chứ chẳng chơi đâu!

Cấm tại chức, không nhận bằng tại chức, đấy là dùng cây gậy. Đà Nẵng đang dùng cây gậy nói không với bằng tại chức để hy vọng cho đội ngũ cán bộ công chức ở đây khá hơn. Từ nay, Đà Nẵng sẽ chỉ toàn công chức có bằng chính quy loại giỏi mà thôi. Chà, hay quá. Nghe sao cứ hao hao việc trước đây ở Hà Nội người ta muốn cán bộ phải là 100% có bằng tiến sĩ ấy nhỉ?

Ừ thì nói không với bằng tại chức. Đố ai biết sau đó, đội ngũ công chức ở Đà Nẵng có tốt lên không, nếu vẫn cái cơ chế sử dụng nhân tài như thế này đây: Đã vào cơ quan nhà nước rồi, thì ai sống lâu sẽ lên lão làng, người giỏi người dở gì cũng như nhau cả, cứ hiền lành vui vẻ ngoan ngoãn, không sai phạm gì thì cuối năm sẽ được tiên tiến, còn ai mà tích cực quá, muốn thay đổi thì lại đụng chạm, bình bầu gì thì người ta đều gạt cả, thế là ... toi!

Còn đồng lương thì chết đói ấy mà, cho nên cũng chẳng ai đòi hỏi gì. Cố gắng làm gì cho mệt, việc nhà nước, hôm nay chưa xong thì mai làm, mai chưa xong thì mốt làm, dân có cần nhưng quan chưa vội ...

Cho nên tôi chẳng tin vào cách làm của Đà Nẵng một chút nào. Chỉ mang tiếng kỳ thị thôi, chưa kể, lại còn vô tình chống lại chủ trương của nhà nước là mở rộng tiếp cận giáo dục, tăng tỷ lệ người có bằng đại học trên đầu vạn dân nữa. Cả như tôi thì tôi nghĩ, chẳng cần gì phải cấm bằng tại chức, cấm hệ tại chức. Mà hãy tạo ra một cơ chế sàng lọc thực sự trong công việc, tạo điều kiện tối đa cho người có năng lực phát huy, hãy trân trọng họ đúng mức, để họ thành các role model, làm gương cho người khác.

Nói cách khác, hãy suy nghĩ đến việc dùng cà rốt để tưởng thưởng cho những người có năng lực, hơn là dùng gậy để loại trừ những người có bằng tại chức từ đầu. Vì làm như thế, cũng có khi phải xô đẩy người ta đến chỗ làm bằng (chính quy) giả, mua bằng dỏm chứ chẳng chơi. Vì triệt đường của người ta mà, thì họ phải đối phó chứ!

Nếu có cơ chế chính sách đúng về sử dụng người tài, thì những người kém năng lực, cho dù họ có bằng tại chức hay chính quy, cử nhân hay tiến sĩ, cũng sẽ bị tự động đào thải. Giả sử nếu cho rằng ai có bằng tại chức cũng đều kém cả, thì số lượng người bị đào thải sẽ chỉ toàn là người học tại chức. Thế là thị trường sẽ thấy ngay thôi. Người học sẽ bảo nhau: đừng học hệ tại chức nữa, vì nó kém lắm, học xong chẳng ai sử dụng! Nếu đã học, thì lo mà học lấy cái bằng nào tốt tốt ấy, ví dụ như là bằng chính quy ...

Cứ thế, thì hệ tại chức sẽ chết dần ấy mà. Tất nhiên là nếu nó thực sự dỏm. Còn nếu không, thậm chí nếu người học tại chức còn tốt hơn người học chính quy (vì họ có kinh nghiệm sống nhiều hơn), thì hệ tại chức sẽ tồn tại và phát triển tốt. Nhà nước không cần lo lắng nhiều, vì đã có thị trường điều tiết. Dưới sự điều khiển của bàn tay vô hình của Adam Smith ấy, hình như thế ...

Chẳng hiểu tôi có đang ngủ mơ không ấy nhỉ?

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Người Việt giải trí như thế nào?

Đây là một entry rất nhảm. Nên mong mọi người đọc nó như đúng bản chất của nó, nghĩa là: nhảm nhí.

Tôi viết entry này vì mấy ngày nay tôi tình cờ nhận thấy khá nhiều "tin giải trí" hấp dẫn trên blogroll của tôi, các bạn vào mà xem, mục thứ hai từ trên xuống, sẽ thấy 24.vn.com - Thông tin giải trí Việt Nam. . Ở đây này.

Blogroll là một cách giúp tôi điểm tin, điểm báo, điểm blog nhanh chóng, vì nó có chức năng cho phép hiện tiêu đề của mục gần đây nhất. Nên mỗi khi các trang tin có tin mới, hoặc blog mà tôi hay đọc của những người tôi biết hoặc chưa biết, và biết tôi hoặc chưa biết tôi, có bài gì mới là tôi biết ngay, khi nhìn vào blogroll ấy. Mà tôi thì nhìn nó một ngày ... nhiều lần.

Vì thế, mấy ngày nay tôi có dịp nhìn thấy tin, bài mới trên trang giải trí VN nói trên. Và ... bức xúc, nên mới có entry nhảm nhí này.

Này nhé, ngay khi tôi đang viết những dòng này, vào lúc 5:46 phút ngày 3/12/2010, thì trên trang đó đang hiện tựa mẩu tin này: "Mê tín ... vào mùa". Với những đoạn văn như thế này:

Vào một ngày đẹp trời, bà T. trú đường kiệt Trần Cao Vân, quận Thanh Khê, Đà Nẵng trở thành bà thầy xem tướng số. Bà T. nguyên là một một “cò” đất hết thời. Không biết "duyên số" từ đâu đã biến hóa bà T. nhanh vậy. Từ khi trở thành bà thầy xem vận mệnh thiên hạ, bá tánh khắp nơi cứ lũ lượt tìm đến nhờ vả! Bà coi đủ thứ trên đời, từ ngày giờ cưới hỏi, làm nhà, đặt trang khóm thờ, xem tương lai, giải hạn, giải căn v.v…

Tuy không làm quan to chức trọng gì, nhưng người nào khi gặp bà cũng phải "dạ thưa thầy" rất lễ phép, trông mặt bà đắc chí lắm. Mùa làm ăn của bà thường vào những tháng cuối và đầu năm mới. Muốn gặp phải gọi điện thoại hẹn trước, chứ không bà bận đi cúng giải hạn cho các tín đồ. Chắc nhờ vào cái "miệng cò đất" lâu năm nên bà nói rất dẻo, làm nhiều người tin sái cổ. Nghe đâu có người rước bà vào tận TP HCM.

Những chỗ in đậm là do tôi nhấn mạnh chứ trong bài gốc thì chỉ in thường. Nhưng đọc vào nghe rất ... khó chịu, à quên, nghe rất thư giãn chứ, vì thông tin này là nhằm giải trí mà!

Đấy là mẩu tin hôm nay. Thực ra thì tôi chẳng bao giờ vào trang này mà chỉ liếc các cái tựa mới để xem có chuyện gì xảy ra thôi. Trước đây cũng chẳng để ý gì đến nó, hình như tôi đưa vào blogroll là vì lần theo dấu vết của một bài đọc nào đó mà tôi thấy hay hay từ lâu rồi, và đưa link về cất để lưu thôi. Nhưng mấy ngày qua, cứ vào blog của mình, nhìn blogroll ấy thì lại thấy một cái tựa rất ... giựt gân và ... tức mình quá sức.

Đây, những cái tựa mà tôi được đọc trong vài ngày qua (mà một ngày thay đổi nhiều lần nhé):

- "Bị chồng tạt axit vẫn không muốn ly dị". Chà chà, tin hấp dẫn đây (!!!).
- "Cô giáo giết 3 người thét gào kêu oan". Tin này, tự nó đã hấp dẫn (!!!), nhưng điều gây ấn tượng nhất cho tôi là hai từ mà tôi đã in đậm lên: thét gào! Chao ơi, đọc xong cứ tiếc, sao mà tôi không có mặt ở phiên tòa để mà nghe tiếng gào thét đó nhỉ (!?).
- "17 tuổi kết đôi rồi rủ nhau đi cướp". Thế mới sợ chứ. Lẽ ra, mới 17 tuổi, thì chỉ được kết đôi rồi rủ nhau đi ... (ấy, các bạn chớ nghĩ bậy nhé) học thôi. Chứ có đâu lại kết đôi rồi rủ nhau đi cướp như thế này, bậy thật!

Đấy là những cái tựa hiện lên trên blogroll của tôi. Chỉ mới là sơ sơ thôi. Còn vào trang ấy còn nhiều điều ... thú vị hơn nữa. Đây này, điểm qua cho các bạn xem nhé:

Mục "Bạn trẻ cuộc sống" (Bạn trẻ VỚI cuộc sống? Bạn trẻ VÀ cuộc sống? Bạn trẻ TRONG cuộc sống? thậm chí Bạn trẻ NGOÀI cuộc sống? Bạn trẻ (DẤU PHẾT) cuộc sống? Hay, Cuộc sống bạn trẻ?) Sao lại "bạn trẻ cuộc sống" khơi khơi thế này, liệu có đúng ngữ pháp tiếng Việt không nhỉ? Hay là tôi già rồi nên không theo kịp sự tiến hóa của tiếng Việt? Hay ... tiếng Việt giải trí nó phải như thế? Nhưng thôi, hãy bỏ qua tiểu tiết, và vào đọc xem "bạn trẻ cuộc sống" nó như thế nào nào.

Đây này, các tựa bài, hấp dẫn phải biết:
- "Chồng tôi lén lút ăn ở với người ..."
- "Trốn gầm giường bắt quả tang vợ ngoại tình" (!). Chà, mới éo le làm sao cơ chứ!
- "Trả thù bố ... có vui không?"

Nhìn qua bên tay phải, mục Phim (ừ, có thế chứ, trang "thông tin giải trí" mà lại), thấy cũng hấp dẫn lắm nhé, này đây:
- "Phim Việt 2010: Được mùa cảnh nóng". Ui chu chua, thế thì năm nay tôi phải cố mà đi xem phim Việt mới được! Tưởng đâu mấy thứ đó chỉ có tư bản đồi trụy "hắn" mới có chứ?
- "Giải mã nụ hôn đồng tính của Hyun Bin". Ừ, giải mã nhanh đi, cho tôi ... hiểu với. Nụ hôn đồng tính của Hyun Bin, nghe ... bí hiểm quá đi mất!
- "Khi 'sao nữ' cự tuyệt quần chip"!!!!! Bớ người ta, đến tựa này thì tôi ... chịu thua ạ!

Vì mấy lẽ sau:
+ "sao nữ" --> quả thật là từ này kể từ khi cha sinh mẹ đẻ tôi chưa từng được nghe, chỉ mới nghe "nữ minh tinh màn bạc" hồi trước năm 1975 thôi;
+ "cự tuyệt" --> nghe rất gợi ... (chẳng biết gợi cái gì nữa); và
+ "quần chip": ???????????

Mục phim vẫn còn nữa đây này:
- "Showbiz Hàn: Những nụ hôn đồng tính 'sốc'"...: Lại nụ hôn đồng tính. Giải mã, giải mã, giải mã, nhanh nhanh cho tôi hiểu chút nào!

Còn nhiều, rất nhiều mục nữa, ví dụ như mục An ninh hình sự - Vụ án nổi tiếng - Trọng án. Trong đó có rất nhiều tựa giựt gân, với các tình tiết rùng rợn éo le hoặc cảm động mùi mẫn. Và các mục khác nữa, nhưng thôi, tôi phải dừng lại, kẻo phạm vào tội "truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy" mất thôi!

Tin tức mình thế đấy. Và đó là thông tin giải trí của Việt Nam! Của nước Việt Nam theo chế độ xã hội chủ nghĩa, nơi "có gì đẹp trên đời hơn thế/người yêu người sống để yêu nhau." (Thơ Tố Hữu)

Bảo sao mà xã hội hiện nay không bạo lực, hỗn loạn? Học sinh, sinh viên, thanh niên đánh nhau, hiếp dâm, "chém người như chém chuối" (a, cụm từ này lấy trong một mẩu tin từ trang tôi đang giới thiệu đấy nhé), rồi bạo hành trong gia đình, rồi hành hạ trẻ em cứ xảy ra như cơm bữa như thế này?

Tha hồ mà có tin giựt gân để mà đưa lên trang thông tin giải trí!

Bực quá, bực quá. Sao bảo nhà nước ta kiểm soát báo chí chặt chẽ lắm, riêng các trang web xấu đều bị đánh sập cả rồi cơ mà?

Lạ quá, khó hiểu quá đi thôi. Chắc phải chờ có ai đó "giải mã" mới được!

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Sài Gòn ngày nay

Không, tôi chẳng viết gì về SG trong entry này đâu. Dù rất muốn viết về nó, nhiều lần rồi, kể cả ngay lúc này.

Tôi đang bận quá, cuối năm hàng núi công việc phải làm để hoàn thành kế hoạch, không trì hoãn được nữa. Nên có hứng mấy thì cũng phải gác lại thôi.

Nhưng hôm nay đang lên mạng tìm kiếm thông tin (để làm việc, chứ không phải để chơi ạ!), tôi vớ được trang này, hay quá, nên phải đưa lên ngay kẻo quên.

Nó có tên là "Sài Gòn ngày nay" đấy các bạn ạ!

Well, nói cho chính xác, thì tên của nó bằng tiếng Anh, là Saigon Today.

Nó ở đây.

SG ngày nay, dưới con mắt của một người nước ngoài đang sinh sống ở VN, chắc thế.

Mà không phải là được mô tả bằng lời (như bọn văn chương ngôn ngữ như tôi), mà là qua các tấm hình chụp, rất thú vị.

Một bức tranh/tấm hình thì đáng giá cả ngàn lời nói, tôi nhớ trong tiếng Anh có câu như thế.

Mà ở đây thì có rất nhiều tấm hình. Rất đáng giá.

Tôi "chôm" về đây vài tấm để quảng cáo đây này. Các bạn xem ở dưới nhé. Còn tác giả của trang blog kia ơi, tôi chưa xin phép, nhưng cũng chỉ vì mục đích vô vụ lợi thôi ạ. Thì cứ xem là tôi dùng vài tấm hình của bạn để quảng cáo trang blog của bạn thôi mà. Miễn phí nữa chứ!

SG của tôi! Nó lộn xộn, xấu xí quá thể. Nhưng, như một bà mẹ luôn thương yêu và bênh vực đứa con xấu xí nhất của mình, tôi cũng yêu nó.

Dù bây giờ có lẽ tôi không dám hát một cách tự tin câu "SG đẹp lắm, SG ơi, SG ơi" nữa. Vì nó ... có đẹp gì đâu?

Nhưng có lẽ nó vẫn ... có duyên, thu hút phải không? Cái hồn của đất ... Chắc thế.

Còn hình, thì dưới đây này. Không cần chú thích!





Và dưới đây là hình SG ngày nay trong mắt tôi - nói đúng hơn, là trong máy điện thoại di động của tôi. Chắc là cần chú thích, vì nếu không thì chẳng ai hiểu!
Cỏ dại - tên của nó, nếu tôi không lầm, là "cỏ thỏ".

Loài cỏ dại có hoa, mọc hoang rất nhiều, nhưng hiện nay đang dần trở nên hiếm. Vì chẳng còn mẩu đất nào để mà mọc hoang nữa. Hình này tôi chụp gần cơ quan tôi, vào buổi sáng, sau khi xuống xe buýt, đi bộ đến nơi làm việc. Ở tận Linh Trung, Thủ Đức.
Sinh viên chờ xe buýt vào buổi sáng, trên đường Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân cũ, lỡ có ai đó xa SG từ lâu nên không biết). Chỗ gần Hồ con rùa. Tôi cũng chờ xe buýt ở chỗ này đây, mỗi sáng.
Và đây là cảnh đường phố, quanh Hồ con rùa, buổi sáng.
Có ai không biết hình này không nhỉ? Một biểu tượng không chính thức của SG, đúng không?

Vậy đó, dưới mắt tôi, SG vẫn đẹp mà!