Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Sài Gòn 28 Tết Nhâm Thìn


Treo cao lên, những lời ước nguyện của mùa Xuân

Hai tám tết, nhưng thực ra là 29 rồi. Vì năm nay không có ngày 30. Cận tết lắm rồi.

Có dịp ra khu trung tâm Sài Gòn sáng nay nên tôi chụp đại vài tấm hình để ghi lại hình ảnh SG cận tết. Hình chụp vào buổi trưa , khoảng 11, 12 giờ, nên SG đầy nắng chan hòa, rực rỡ. Đường phố được trang hoàng với cây xanh, hoa vàng, cờ đỏ. Người qua lại khá đông nhưng có một vẻ thong thả, ung dung vì là ngày tết, chứ không tất tả ngược xuôi, căng thẳng như những ngày trong năm khi kẹt xe.



Nhà thờ Đức Bà, một trong những biểu tượng của Sài Gòn. May mắn thay, biểu tượng này vẫn tồn tại và sẽ mãi mãi tồn tại, hy vọng thế.


Đường sách SG 2012

Chợt thấy thành phố này vẫn có nét đẹp riêng, dù không có khung cảnh thiên nhiên hữu tình như Hà Nội với Hồ Gươm thướt tha liễu rủ, hay Đà Lạt với Hồ Xuân Hương sương khói mơ màng. Cái đẹp của SG là cái đẹp của trí tuệ và sự sáng tạo của con người, với đường hoa vốn chỉ là những chậu hoa đem sắp đặt lại để phục vụ dịp tết, với đường sách cũng là nét sáng tạo riêng rất đặc trưng của SG, không hổ thẹn là nơi đi đầu trong cả nước về tính năng động, nhanh nhạy thông tin, và khả năng kinh doanh cực giỏi.

Café vỉa hè, một nét văn hóa Sài Gòn

Nhớ một câu truyện tiếu lâm tôi nghe trong chuyến đi Thái Nguyên, như sau:

- Có một đoàn phi thuyền 3 chiếc chở các sinh vật từ bên ngoài trái đất bay đến VN thì hết nhiên liệu nên phải đáp xuống mặt đất, 3 chiếc đáp xuống 3 nơi là Cần Thơ (là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước), Sài Gòn (trung tâm thương mại của cả nước), và Hà Nội, thủ đô yêu dấu. Cùng đáp xuống VN, nhưng khi các sinh vật chui ra khỏi phi thuyền thì số phận của chúng hoàn toàn khác nhau.





Rồng, SG style 2012, đủ kiểu

- Ở Cần Thơ, các sinh vật này bị các anh dân quân bắt, và ngay sau đó là … bị làm thịt để chế ra các món nhậu đặc sản. Ở SG, chúng cũng bị bắt, rồi sau đó đưa vào Sở Thú trưng bày, và bán vé thu tiền với giá rất cao để mọi người đến xem, chụp ảnh. Còn ở Hà Nội, thì chúng cũng bị bắt, bị tạm giữ, và 10 ngày sau thì … chết đói. Hỏi tại sao, câu trả lời là như thế này: “Chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến cấp trên xem nên duyệt cho chúng ăn uống theo tiêu chuẩn nào, cán bộ hay thường dân, và nếu cán bộ thì bậc mấy?”




Tiếu lâm, nhưng thật đáng suy nghĩ. Mà đó là truyện tiếu lâm do miền Bắc đặt ra đấy, chứ tôi không thiên vị SG đâu ạ.

Sài Gòn đẹp lắm, SG ơi!



“Người Sài Gòn”, dù có hộ khẩu ở đây, hay chỉ là … du khách. Thành phố mở, luôn mở rộng vòng tay chào đón mọi người.

Nhìn những cảnh SG tưng bừng, lại chạnh lòng nhớ cái đói, cái rét lạnh căm căm ở miền biên giới phía Bắc, với những em bé ở Giền Thàng đến trường phong phanh trong giá rét. Và nhớ Tiên Lãng với gia đình anh Vươn năm nay không nơi nương tựa, không điều kiện sinh sống. Và lòng chùng xuống một chút.

Tự nhiên nhớ đến câu cuối trong một bài hát cũ, “Đêm nguyện cầu”: “Nhà VN yêu dấu ơi, bao giờ thanh bình?”

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Người Hoa và lịch sử đàng trong

Đã từ lâu tôi luôn quan tâm và muốn tìm hiểu rõ hơn về lịch sử đàng trong, trong đó có vai trò của người Hoa. Sự quan tâm này bắt nguồn từ ngày tôi học lớp 6 ở trường Gia Long, một ngôi trường “đậm đà bản sắc Nam bộ”. Ngày ấy, ở SG có hai trường nữ trung học lớn là Gia Long và Trưng Vương, với sự phân chia (không chính thức) như sau: Trưng Vương là trường “Bắc”, đa số giáo viên (thời ấy gọi là “giáo sư”) và học sinh là người Bắc, nói tiếng Bắc, theo văn hóa Bắc. Còn Gia Long thì là trường “Nam”, với giáo viên và học sinh Nam, nói tiếng Nam, và theo văn hóa Nam.

Còn tôi, là người gốc Bắc, nhưng lại học trường Nam, nên từ năm lớp 6 đã thấy mình sao khác mọi người. Một sự khác biệt rõ rệt. Đặc biệt, tôi nhớ lớp 6-1 của tôi thời ấy có rất nhiều bạn người Việt gốc Hoa, và học rất giỏi (đa số sinh sống ở quận 5). Những cái tên đọc lên là đã thấy rõ nguồn gốc người Hoa của họ: Lâm Liễu Phương, Quán Thục Dinh, Trương Thể Hà … (tôi chỉ còn nhớ có vài tên như vậy).

Những người bạn gốc Hoa ấy có những thói quen về lời ăn tiếng nói, sinh hoạt, những suy nghĩ, những giá trị rất khác những gì tôi biết từ cộng đồng người Bắc di cư nhỏ bé mà tôi vẫn tiếp xúc từ nhỏ đến lúc ấy (11, 12 tuổi). Quả là một cuộc hội nhập văn hóa, trong đó tôi là thiểu số, và buộc phải hội nhập, còn nền văn hóa “chính thống” là văn hóa của những bạn người Nam, trong đó có nhiều người gốc Hoa. Những thói quen nghe cải lương, xem hát bội, thờ Quan công, cúng ông Táo vv là những gì tôi mới được tiếp cận lần đầu khi bắt đầu vào trường Gia Long. Sự khác biệt rất lớn và rõ nét ấy khiến tôi cứ tò mò mãi về nguồn gốc văn hóa đa dạng của người Việt nam, về đàng trong đàng ngoài, và về ảnh hưởng của các nền văn hóa bên ngoài đến lịch sử lập quốc của đất nước.

Theo tôi nhớ thì chương trình lịch sử của bọn tôi đến lớp 9 vẫn chưa học (hoặc chưa học kỹ) về lịch sử cận đại của VN, mặc dù thỉnh thoảng qua các môn học khác như địa lý hoặc văn học (hồi ấy gọi là môn Giảng văn) thì bọn tôi cũng thỉnh thoảng được nghe đề cập sơ qua. Nhưng bà chị tôi thì lúc ấy đang học cấp 3 (thời ấy không gọi như vậy, mà gọi là trung học đệ nhị cấp, còn bọn tôi cấp 2 thì là trung học đệ nhất cấp), và phần lịch sử đàng trong được học rất kỹ. Tôi nhớ chị tôi hay bàn bạc, tranh luận về lịch sử với những người bạn của mình, trong đó rất hay đề cập đến đàng trong, với những cái tên như Mặc Cửu, Dương Ngạn Địch, với làng Minh Hương, với phong trào “phản Thanh phục Minh” của cựu thần nhà Minh vào thế kỷ 17, vv. Và rất tò mò, muốn mau lên cấp 3 để được học thêm, tìm hiểu thêm nhiều nữa.

Tiếc một nỗi là khi tôi lên cấp 3 thì … “giải phóng”. Chương trình thay đổi khá nhiều, đặc biệt là các môn khoa học xã hội và nhân văn. Lịch sử các lớp 10, 11 học gì tôi không còn nhớ nữa, nhưng chắc chắn lớp 12 thì chỉ tập trung học (rất nhiều, rất chi tiết) về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng tuyệt nhiên là trong suốt chương trình sử cấp 3 hoàn toàn không thấy nói gì đến lịch sử khẩn hoang miền Nam và mở cõi ở đàng trong của nhà Nguyễn. Nhắc đến nhà Nguyễn thì chỉ thấy toàn là “bán nước” mà thôi, còn mở nước thì chẳng thấy đâu.

Rồi sau khi “giải phóng” được một vài năm, vấn đề người Hoa ở VN lại nổi lên – phải nói là nổi cộm – một lần nữa. Trước hết là mấy vụ “đánh tư sản”, đa số trúng vào người gốc Hoa ở VN. Tôi nhớ năm ấy lớp tôi có một bạn người gốc Hoa, nhà ở đường Trần Quang Khải Quận 1, tên có hai chữ cụt ngủn là Trần Huệ. Bạn Huệ bảo, hồi sinh ra cha mẹ định đặt tên bạn là Trần Huệ Hương, nhưng không hiểu viên thư lại ghi chép thế nào mà khi khai sinh in ra chỉ còn có chữ Trần Huệ, đành chấp nhận làm tên luôn (ở nhà vẫn gọi là Huệ Hương). Bạn Huệ người mảnh mai, cao 1,70m, tức là rất cao so với thế hệ của tôi, mắt một mí, da trắng, ăn nói chậm rãi dễ thương, hơi giống tài tử Hồng Kông thời ấy (hoặc nữ diễn viên Hàn Quốc bây giờ).

Năm bọn tôi học lớp 11, 12 gì đó (khoảng năm 1976-1977) thì đánh tư sản, có mấy bạn  đi học mà đầu tóc rối bời, mặt mày thờ thẫn, thỉnh thoảng lại kể vài câu về việc các “cán bộ” kiểm kê đóng chốt tại nhà bạn ấy, lục tung đồ đạc để kiểm kê tài sản, ghi biên bản và tịch thu …. Tôi vẫn nhớ, có bạn đem vào trong lớp một vài cuốn sổ chép nhạc (nhạc vàng), chép thơ, nhật ký của mình thời cũ, gửi bạn bè trong lớp giữ giùm vì sợ bị tịch thu mất. Nhớ lại, vẫn cảm thấy rùng mình với ký ức của một thời ấu trĩ đã qua – mà không rõ nó đã thực sự qua chưa nhỉ?

Rồi lên đại học, năm thứ nhất lại nổ ra vụ “nạn kiều” và người Hoa “di tản” sang Trung Quốc. Tôi cũng chẳng rõ cái vụ này thực sự là như thế nào; hình như chưa có tài liệu chính thức nào của VN nói rõ ràng về điều này cả. Nhưng theo những gì tôi biết qua những sự việc xảy ra cho bạn bè cùng lớp, cùng khóa thì sự kiện này cũng có tác động rất lớn và làm lung lạc ý chí của rất nhiều người Việt gốc Hoa. Lúc ấy trong khóa của tôi, lớp tiếng Nga (tôi là tiếng Anh) có một bạn trai tên là Bành Văn Tín (hay Bành Trung Tín) gì đấy, tôi quên rồi, là Đoàn viên, cán bộ Đoàn (hình như Bí thư Đoàn khoa), nhưng là người gốc Hoa, nên đến năm thứ 4 dù học giỏi nhưng không được giữ lại trường, và có vẻ lận đận lắm. Bạn Tín vốn tháo vát, vui vẻ, mau mồm mau miệng, nhưng đến lúc ấy thấy trầm hẳn, ít nói, mặt buồn buồn, rồi về sau tôi không còn thấy đâu nữa, chẳng rõ có ra trường hay đã nghỉ học từ trước. Một thời loạn lạc.

Và rồi sau này, ra trường đi dạy, tôi vẫn còn nhiều dịp được tiếp xúc với những gia đình người Việt gốc Hoa. Có một dạo tôi dạy tiếng Anh vào buổi tối ở Trường Tân Trang Quận Tân Bình, giáp ranh Quận 11, có nhiều học trò người gốc Hoa. Có một cô học trò rất quý tôi, hay rủ tôi đến nhà chơi. Vào dịp gần Tết, đến khu nhà người (gốc) Hoa ở quận 11, đa số là người lao động, tôi thấy rất đông đúc, nhộn nhịp, ồn ào, màu đỏ khắp nơi, bàn thờ màu đỏ, đèn màu đỏ trên bàn thờ, Quan công cũng mặt đỏ (râu đen dài), đám múa lân cũng màu đỏ, cờ đỏ rợp trời, tiếng trống gõ, tiếng chập cheng ầm ĩ. Lạ lắm.

Bạn bè tôi cũng nhiều người gốc Hoa. Trong ấy, có nhiều người đã đi định cư ở nước ngoài, với nguồn gốc là công dân Việt. Còn trong số bạn bè còn ở VN hiện nay thì tôi có quen một cặp vợ chồng, cả bên chồng lẫn bên vợ đều bố gốc Hoa mẹ Việt, hai đứa lấy nhau sinh ra con trông y xì là người Hoa 100%: da trắng, mập mạp, mắt một mí, trông không ai bảo là người Việt. Nhưng họ thì hoàn toàn suy nghĩ như Việt, nói tiếng Việt (tiếng miền Nam), viết chữ Việt, đọc sách Việt, thậm chí không biết nói tiếng Hoa, không biết đọc tiếng Trung. Và đối với tôi, cũng như với họ, thì tất cả đều là người Việt Nam, chẳng có một chút phân biệt gì hết, dù nguồn gốc thì khác nhau. Cũng như tôi là người gốc Bắc, nhưng sinh ra và lớn lên ở miền Nam, ăn vị Nam, dùng từ Nam (mặc dù nói theo giọng Bắc).

Tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc nhà nước Việt Nam phải nghĩ đến việc viết lại rõ ràng hơn trong lịch sử Việt Nam về vai trò và lịch sử phát triển, suy vong, hội nhập vào văn hóa Việt của các dân tộc khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện nay. Và chắc chắn là phải nhìn nhận sự đóng góp của người gốc Hoa trong sự phát triển của đàng trong và của đất nước. Vì nếu để cho dân chúng mù mờ về lịch sử Việt thì sẽ có nhiều hệ quả không ngờ, tôi nghĩ thế. Ít nhất là sẽ không thu phục được nhân tâm, kêu gọi mọi người phát huy hết mọi khả năng để tiếp tục xây dựng đất nước.

Trong entry tới tôi sẽ gửi lên một bài viết mà tôi mới tìm thấy trên mạng về vấn đề tôi vừa đề cập đến. Để lưu cho tôi, và để cho mọi người cùng đọc và chia sẻ. Có lẽ tôi sẽ còn đề cập đến vấn đề này nhiều nhiều nữa trên blog này.
----

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Viết trước thềm năm mới

Chỉ còn vài phút nữa là bước sang năm 2012 rồi. Lại một năm nữa đến, và tôi thì già đi thêm một chút nữa. Quỹ thời gian còn lại của đời người đối với tôi lại ít đi thêm một chút. Mà nhiều mong đợi của cả cuộc đời, về một đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” dường như vẫn chưa thành.

Nhìn lại năm 2011, một năm thật đầy biến động, đối với thế giới, với đất nước tôi, và cả với cá nhân tôi. Một năm không mấy dễ dàng, nhưng cũng đã qua rồi. Và chúng ta không bao giờ được quyền nguôi hy vọng.

Vài phút cuối cùng của năm, lại đọc được bài viết của Hà Đình Nguyên “Về một vị đắng”, ở đây: http://dttl-nguoilotgach.blogspot.com/2011/12/ve-mot-vi-ang.html. Thấy lòng cũng đăng đắng (trong đêm vắng).

Chỉ mong rằng năm mới 2012 mọi việc sẽ tốt đẹp hơn, cho tôi, cho những người thân, bạn bè, và cho đất nước.

Happy New Year 2012 to all, my beloved fellow country people.