Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Đưa nhau vào chốn không tên ...

Đang dạo chơi trên facebook, tôi bỗng giật mình vì liên tục mấy cái status của bạn bè trên tường của mình: Vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa./ Cây đại thụ của nền âm nhạc VN vừa qua đời./ Sự mất mát lớn lao cho nền âm nhạc VN. Và rồi Vĩnh biệt nhạc sĩ Phạm Duy.

Vâng, không còn nghi ngờ gì nữa, Phạm Duy đã qua đời. Tin đã được đưa chính thức trên tờ Thanh Niên online, ở đây: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130127/nhac-si-pham-duy-qua-doi.aspx. Một cái tin không mấy bất ngờ, vì năm nay ông đã 93 tuổi, và cũng không phải là ít bệnh tật. Nhưng chắc chắn cái tin về sự ra đi của nhạc sĩ PD - giờ đã trở thành cố nhạc sĩ - vẫn sẽ makes news đối với tất cả mọi người VN, từ Bắc chí Nam, từ trong nước đến hải ngoại, từ già như thế hệ của tôi trở lên đến trẻ như thế hệ của các con tôi.

Riêng thế hệ của tôi - sau ông đến 2 thế hệ, nếu tính một thế hệ là khoảng 20 năm - thì Phạm Duy thấm đẫm trong cảm thức âm nhạc của chúng tôi. Tôi nhớ ngay từ năm 11 tuổi, khi học lớp 6 trường Gia Long (Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay) thì bọn tôi đã được học đến mấy bài hát của Phạm Duy trong giờ Nhạc lý. Cô giáo dạy nhạc của chúng tôi, cô Túy An, là một cô giáo trẻ, xinh xắn, tóc dài, rất dễ thương, và có vẻ rất thích Phạm Duy thì phải, nên cô mới cho chúng tôi học nhiều bài của PD như thế, vì tôi nghĩ những bài hát ấy không dễ hát và có những ý tứ khá người lớn. Trong số những bài học từ năm lớp 6, đến nay tôi còn nhớ rõ đến từng lời của bài Tình ca (Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời ...), Xuân ca (Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui/ một đêm một đếm gối chăn phòng the đón cha mẹ về ...), và Cành hoa trắng (Một đàn chim tóc trắng bay về qua trần gian báo tin rằng có nàng Giáng Hương ...).

Nhưng không chỉ có những bài hát được học ở trong lớp, nhạc Phạm Duy còn đến với tôi qua hàng ngàn cách khác. Tôi nhớ năm lớp 8, 14 tuổi, khi tập văn nghệ để diễn vào dịp Tết, lớp tôi cũng đã chọn một bài hát của Phạm Duy để tập múa (hình như là Tuổi mộng mơ hay Tuổi ngọc ngà gì đó, bài hát bắt đầu bằng câu Em ước mơ mơ gì tuổi 12 tuổi 13 ...).

Ở nhà thì ba tôi mở cassette player nghe nhạc tiền chiến, cũng toàn là nhạc Phạm Duy (Khối tình Trương Chi, Tiếng đàn tôi, Đêm Xuân ...). Và chị tôi mở radio (khi chưa có TV) cũng vẫn Phạm Duy, với Bên cầu biên giới, Nghìn trùng xa cách, Trả lại em yêu, Ta yêu em lầm lỡ, Ngậm ngùi, Mộ khúc ....

Quả là một nhạc sĩ đa tài, vì ông viết cho đủ mọi lứa tuổi, phong cách rất đa dạng, mà bài nào cũng hay, từ hay đến rất hay đến xuất sắc chứ không thể có bài nào có thể xem là không hay cả.

Và hôm nay, khi nghe tin Phạm Duy mất, tự nhiên tôi lại nhớ đến bài Thương tình ca của ông. Một bài tôi rất thích, dù có vẻ không nổi tiếng bằng nhiều bài khác. Một bài hát có lời nhẹ nhàng và điệu buồn buồn, chầm chậm. Bài hát diễn tả một cặp tình nhân đang trong dìu nhau trong bóng trăng mơ màng, dường như là ảo ảnh hơn là cảnh thực ... 

Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng
Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng
Dìu nhau đi chung một niềm thương.


Nhịp chân êm êm thánh thót
Đừng cho trăng tan dưới gót
Chớ để mộng vỡ mơ tàn, dịu dàng
Đừng cho không gian đụng thời gian.


Đưa nhau vào cõi vô biên
Có chim uyên tình thiêng
Hát ru êm triền miên
Đưa nhau vào chốn không tên, mặc đời quên
Không bến, không thuyền, hết câu nguyền.


Dìu nhau sang bên kia thế giới
Dìu nhau nương thân ven chín suối
Dắt dìu về tới xa vời, đời đời
Dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu.


Các bạn có thể thưởng thức bài này qua giọng ca Duy Quang, con trai của Phạm Duy, ở đây: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=dUJeVGFCyYjr.

Bài hát này giờ đã trở thành hiện thực đối với hai cha con Phạm Duy rồi đó. Xin cúi đầu tiễn biệt một nhạc sĩ tài hoa, một niềm tự hào của người Việt Nam. Và với những bạn trẻ chưa biết nhiều về Phạm Duy, xin đọc thêm bài viết này của Bùi Bảo Trúc, viết từ năm 2002: http://mdc68-75.thanghanh.com/ThoGuiBan/2004/3/phamDuyNguoiVietNhacTinh.html.

Xin hương hồn của ông nghỉ yên bên kia thế giới. Nơi "có chim uyên tình thiêng hát ru êm triền miên". Xin được cùng những người hâm mộ "dìu anh, đưa anh vào ngàn thu".

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Lời bình tác phẩm "Có 500 năm như thế" của một giáo sư Mỹ

Cuốn "Có 500 năm như thế" có lẽ đã quá nổi tiếng và không cần dựa vào danh tiếng của bất cứ ai để quảng cáo cho nó nữa. Nhưng việc một GS Sử học của Mỹ, Liam Kelly thuộc ĐH Hawaii (tiểu sử ở đây: http://manoa.hawaii.edu/history/node/44) viết lời bình cho cuốn sách vốn đã được giải thưởng Sách Hay năm 2012 của Hồ Trung Tú cũng vẫn cứ là một "sự kiện" đáng quan tâm, phải không các bạn?

Mở ngoặc một chút: Liam Kelly còn là một blogger với tên Việt là Lê Minh Khai, địa chỉ leminhkhai.wordpress.com, nhưng các entry trên blog này chỉ được viết bằng tiếng Anh thôi. Và bài viết bình tác phẩm "Có 500 năm ..." mới vừa được đăng trên blog này vào ngày hôm qua, còn nóng hổi.

Các bạn đọc bản dịch bài viết này của tôi dưới đây nhé. Tôi trình bày dạng song ngữ để mọi người dễ theo dõi. Bản gốc ở đây: http://leminhkhai.wordpress.com/2013/01/19/the-cham-viet-frontier-as-a-middle-ground/.

--------------------------------------

The Cham-Việt Frontier as a “Middle Ground”

Biên giới Chăm-Việt với tư cách là "vùng chuyển tiếp"

One of the most important books written about the history of North America in recent decades is Richard White’s The Middle Ground: Indians, Empires, and Republics in the Great Lakes Region, 1650-1815. What this book did that was so important is that it examined the contact between Native Americans (or “Indians”) and white settlers (French, British, etc.) in one area of North America over a period of a couple of centuries, and explained that interaction in much more complex and sophisticated terms than anyone had before.

Một trong những cuốn sách quan trọng nhất được viết về lịch sử Bắc Mỹ trong những thập niên gần đây là cuốn Vùng chuyển tiếp: Thổ dân Mỹ, các đế chế, và các nền cộng hòa trong khu vực Ngũ Đại Hồ, 1650-1815. Cuốn sách này đã làm được một điều rất quan trọng, đó là xem xét lại sự tiếp xúc giữa những người Mỹ bản địa (mà ta hay gọi là thổ dân Mỹ - Indians) và những người da trắng (người Pháp, người Anh vv) tại một khu vực ở Bắc Mỹ trong suốt thời gian vài thế kỷ, và giải thích sự tương tác này dưới cái nhìn tổng hợp và sâu sắc hơn bất cứ tác giả nào đã làm trước đó.

To quote from the back cover, the book “seeks to step outside the simple stories of Indian/white relations – stories of conquest and assimilation and stories of cultural persistence. It is, instead, about a search for accommodation and common meaning.”

“It tells how Europeans and Indians met, regarding each other as alien, as virtually nonhuman, and how between 1650 and 1815 they constructed a common, mutually comprehensible world in the region around the Great Lakes. . . Here the older worlds of the Algonquins and various Europeans overlapped, and their mixture created new systems of meaning and of exchange.”

Dẫn lại đoạn trích ở bìa sau, cuốn sách này "nhằm thoát ra khỏi những câu chuyện đơn giản về mối quan hệ giữa thổ dân Mỹ và dân da trắng - những câu chuyện nói về sự chinh phục, đồng hóa cũng như những câu chuyện nói về sự bền bỉ của những giá trị văn hóa. Thay vì làm như vậy, cuốn sách này tìm hiểu sự thích nghi và chia sẻ những giá trị chung."

"Cuốn sách kể về việc người châu Âu và thổ dân Mỹ đã gặp nhau ra sao, đã xem nhau như những kẻ xa lạ đến từ hành tinh khác, thậm chí dường như không phải là con người, và rồi trong khoảng thời gian từ năm 1650 đến 1815 đã tạo ra được một thế giới khả ngộ [tức thế giới mà người ta có thể hiểu được*] chung cho cả hai bên tại khu vực xung quanh vùng Ngũ Đại Hồ... Nơi đây những thế giới cổ xưa của người Algonquins [thổ dân sinh sống ở khu vực phía Đông Bắc Mỹ*] và nhiều người Âu khác đã chồng lấn lên nhau, và sự pha trộn này tạo ra các hệ thống giá trị và sự giao lưu mới".

“Finally, the book tells of the breakdown of accommodation and common meanings and the re-creation of the Indians as alien and exotic.”

In other words, White depicts a time when Native Americans and white settlers didn’t really understand or like each other, but nonetheless found ways to live with each other (although plenty of problems and violence persisted), and created a shared world.

"Cuối cùng, cuốn sách kể về sự chấm dứt của quá trình thích nghi và chia sẻ các giá trị chung, và sự tái tạo lại hình ảnh của người thổ dân Mỹ như những kẻ kỳ quặc từ hành tinh khác đến."

Nói cách khác, White [tác giả của cuốn sách*] đã kể lại một giai đoạn mà người Mỹ bản địa và những người nhập cư da trắng thực sự không hiểu về nhau và cũng chẳng thích nhau, nhưng vẫn tìm được phương cách nào đó để chung sống (dù cũng có rất nhiều vấn đề và rất nhiều bạo lực), và tạo ra một thế giới chung.

I’ve been reminded of White’s book recently as I have been reading a work by Hồ Trung Tú called Có 500 năm như thế: hình dung sự hình thành bản sắc Quảng Nam [There Were 500 Years Like That: Picturing the Formation of the Characteristics of Quảng Nam].

This book covers a lot of ground. It looks in detail, for instance, at the “Southern Advance” (Nam tiến), or southward migration of Việt-speaking peoples over the centuries, and points out that it was really much more complex than a smooth southward movement like that term implies.

This critique of the Nam tiến is one that many people are familiar with. What people will find that is refreshing in this book is its effort to keep the Cham in the picture of the Nam tiến.

Tôi nhớ đến cuốn sách của White vì gần đây tôi đang đọc một tác phẩm của Hồ Trung Tú có tựa là Có 500 năm như thế: hình dung sự hình thành bản sắc Quảng Nam.

Cuốn sách đề cập đến rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn, tác giả đã xem xét kỹ lưỡng về vấn đề "Nam tiến", tức là quá trình di chuyển về phía Nam của những nhóm người nói tiếng Việt trong suốt nhiều thế kỷ, và chỉ ra rằng mọi việc phức tạp hơn rất nhiều chứ không phải chỉ là một sự di chuyển dễ dàng về phía Nam, như cụm từ này đã gợi ra.

There are some scholars outside of Vietnam who have written about the southward movement of Việt peoples and have talked about how the Việt changed as they adopted cultural practices from people like the Cham and the Khmer. In making this argument, however, these writers have focused on the Việt. We never really see the Cham very clearly. They are simply there somewhere for the Việt to assimilate things from.

On the other extreme, Hồ Trung Tú criticizes scholars in Vietnam who make the same argument about Việt adoption of the cultural practices of others, but who describe a process where Việt migrate into areas that people like the Cham have abandoned (after a war, for instance). Here again, the Cham are acknowledged, but they are still not really there in the story.

Đã có những tác giả nước ngoài viết về quá trình tiến về phía Nam của các dân tộc Việt và họ cũng đã nói về những thay đổi khi người Việt tiếp thu các nền văn hóa Chăm và Khmer. Tuy nhiên, khi đưa ra lập luận này, các tác giả chỉ chú trọng vào người Việt. Chúng ta hầu như ít khi thấy được rõ ràng về hình ảnh của người Chăm. Họ chỉ đơn giản là đã tồn tại ở đâu đó để cho người Việt có thể tiếp thu điều này điều khác.

Với quan điểm hoàn toàn trái ngược, HTT phê phán các học giả VN có lập luận tương tự về việc người Việt tiếp thu văn hóa của các dân tộc khác, mà lại đi mô tả quá trình này như thể người Việt đã di dân đến những vùng mà người dân ở đó, ví dụ như người Chăm, đã bỏ hoang (chẳng hạn như sau một cuộc chiến tranh). Cũng vậy, ở đây sự tồn tại người Chăm có được thừa nhận, nhưng họ không thực sự có mặt trong câu chuyện ấy.

Hồ Trung Tú, by contrast, tries to keep the Cham in the picture, and tries to document their continued presence in areas that Việt migrated into/occupied. He also points out, for instance, that there were periods of time when in Quảng Nam the Việt were a minority living amidst a Cham majority, and that we therefore have to think about what kind of interactions took place in such locations at such times.

In a long section on language, one intriguing argument that Hồ Trung Tú makes is that the reason why the version of Vietnamese spoken in the Quảng Nam region is so different from the Vietnamese just on the other side of the Hải Vân Pass might be because the Vietnamese in Quảng Nam is “Chamicized” (I’m inventing this term here), namely, that it resembles the Vietnamese that was spoken by people whose native language was Cham.

Ngược lại với các tác giả trước đó, HTT cố gắng đưa người Chăm vào bức tranh này, và cố gắng đưa các cứ liệu về sự hiện diện liên tục của người Chăm tại những khu vực mà người Việt di dân đến và cư trú. Tác giả cũng chỉ ra rằng, chẳng hạn, đã có những giai đoạn mà tại Quảng Nam người Việt chỉ là một thiểu số sinh sống giữa đa số người Chăm, và vì vậy chúng ta cần phải suy nghĩ xem những tương tác như thế nào đã diễn ra tại những khu vực như vậy trong thời gian ấy.

Trong một phần viết khá dài về ngôn ngữ, HTT đã đưa ra một lập luận khá thú vị để giải thích lý do tại sao tiếng Việt được sử dụng ở khu vực QN và phía bên kia đèo Hải Vân lại quá khác biệt nhau như vậy: điều đó là do tiếng Việt ở QN đã bị  Chăm hóa" (tôi mới sáng tác ra từ này ở đây thôi), tức là, ngôn ngữ ấy giống với thứ tiếng Việt của những người nói tiếng Chăm bản ngữ.

I’m not a linguist and have no way of verifying this view (for a positive review [in Vietnamese] of this work by a linguist, however, click here), but what I do like about this point is that it makes us think about Cham-Việt relations in complex ways. In what context would such a new version of a language appear? The explanations about the Nam tiến to date (where the Việt adopt Cham practices) cannot explain why the Việt would end up speaking Vietnamese the way that some Cham did.

To explain that we need a more complex understanding of the history of Cham-Việt relations than one that sees a uni-directional process of Việt moving southward and assimilating cultural elements from other peoples.

Tôi không phải là một nhà ngôn ngữ và không có cách nào để có thể kiểm chứng quan điểm này (tuy nhiên, có thể đọc những nhận xét tích cực (bằng tiếng Việt) về cuốn sách ấy ở đây [mở ngoặc: không có link kèm theo ở đây; ai muốn đọc thì vào trang leminhkhai.wordpress.com mà đọc nhé]), nhưng quan điểm ấy làm tôi thích vì nó cho phép ta suy nghĩ về quan hệ Chăm-Việt một cách phức tạp hơn. Trong những hoàn cảnh như thế nào thì người ta có thể tạo ra được một phương ngữ mới nhỉ? Những lời giải thích về cuộc Nam tiến cho đến nay (theo đó, người Việt đã bắt chước nhiều thói quen của người Chăm) không thể giải thích được tại sao người Việt cuối cùng lại nói tiếng Việt theo kiểu của người Chăm như thế.

Để giải thích điều này ta cần phải hiểu sâu sắc hơn về lịch sử mối quan hệ Chăm-Việt chứ không chỉ như là một quá trình đơn hướng trong đó người Việt di chuyển xuống phương Nam và tiếp nhận các yếu tố văn hóa từ những dân tộc khác.

Hồ Trung Tú’s Có 500 năm như thế thus does a good job of pointing out the need to think about the Nam tiến and Cham-Việt relations in more complex ways, and the ideas it offers get the reader thinking about these issues.

And as I reflect upon these issues while reading this book, I keep thinking of White’s Middle Ground. If you changed a few words on the back cover of that book, it could probably describe the history of Cham-Việt contact quite well:

Cuốn sách Có 500 năm như thế của HTT vì vậy đã làm rất tốt việc chỉ ra nhu cầu suy nghĩ về cuộc Nam tiến và mối quan hệ Chăm-Việt một cách đa chiều hơn, và những ý tưởng mà cuốn sách này đưa ra có thể giúp độc giả suy nghĩ về những vấn đề ấy.

Và khi tôi suy nghĩ về điều này khi đọc cuốn sách ấy, tôi cứ nghĩ mãi đến tác phẩm Vùng chuyển tiếp của White. Nếu bạn thay đổi một vài từ trong phần trích dẫn từ bìa sau của cuốn sách của White, thì đoạn trích dẫn ấy có thể sẽ mô tả rất tốt lịch sử cuộc tiếp xúc Chăm-Việt:

“It tells how Việt and Cham met, regarding each other as alien, as virtually nonhuman, and how between 1306 and 1471 they constructed a common, mutually comprehensible world in the region around Quảng Nam.”

“Finally, the book tells of the breakdown of accommodation and common meanings and the re-creation of the Cham as alien and exotic.”


"Cuốn sách kể về việc người Việt và người Chăm đã gặp nhau ra sao, đã xem nhau như những kẻ xa lạ đến từ hành tinh khác, thậm chí dường như không phải là con người, và rồi trong khoảng thời gian từ năm 1306 đến 1471 đã tạo ra được một thế giới khả ngộ [tức thế giới mà người ta có thể hiểu được*] chung cho cả hai bên tại khu vực xung quanh Quảng Nam."

"Cuối cùng, cuốn sách kể về sự chấm dứt của quá trình thích nghi và chia sẻ các giá trị chung, và sự tái tạo lại hình ảnh của người Chăm như những kẻ kỳ quặc từ hành tinh khác đến."


This is not exactly what Hồ Trung Tú does in his book, but he takes the discussion a long way in this direction. And it’s an enlightening direction to go.

HTT không thực sự làm điều này trong cuốn sách của mình, nhưng tác giả đã dẫn dắt độc giả đi theo hướng này suốt một đoạn đường dài. Và đó quả là một hướng đi sáng suốt.
-------
* = chú thích của PA

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Nghe lại Sông Trăng của Andy Williams

Entry này tôi bắt đầu đã lâu rồi, khi nghe Andy Williams mất, có lẽ cũng đã vài tháng. Với tôi, đây là một tin quan trọng, vì Andy Williams là một trong số không nhiều những ca sĩ mà tôi thích, nên muốn viết một cái gì đó để ghi lại sự kiện này. Nhưng bận quá nên viết dở dang rồi lưu vào nháp và quên đi. Hôm nay mới có chút thì giờ để tìm ra bài viết dở dang này và hoàn tất nó.

Nhắc đến Andy Williams thì không thể không nhắc đến bài hát Sông Trăng (Moon River). Một bài hát mà tôi nghe lần đầu (qua giọng hát của Andy Williams) là thích ngay lập tức, thích đến độ run rẩy. Một bài hát thật tuyệt, từ giai điệu đến ca từ. Và cảm xúc chứa trong những ca từ ấy.

Thực ra, cho đến tận bây giờ tôi cũng không thực sự hiểu hết lời của bài hát. Mà hình như tác giả của nó cũng không định làm cho ai hiểu. Nhưng có thể vì cảm xúc là những gì ta cảm nhận trực tiếp chứ không cần phải hiểu thông qua logic của ngôn ngữ, hoặc cũng có thể vì giai điệu của bài hát và những hình ảnh trong bài hát - dòng sông, ánh trăng, đứa trẻ lang thang, cầu vồng, ngã rẽ ... - đã giúp trí tưởng tượng của tôi "điền vào chỗ trống" những gì mà tôi không thể phân tích bằng ngôn ngữ, nên bài hát đối với tôi vẫn thật hay. Thật đẹp, thật mơ màng, và cũng thật buồn. Buồn, một cách mơ hồ, "tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn..."

Xin các bạn thưởng thức dưới đây. Nhưng trước hết, xin tặng các bạn bản dịch của tôi - vừa mới dịch, nóng hổi:

Dòng sông trăng, mênh mông một dặm xa
Một ngày ta sẽ băng qua giòng nước xiết
Ôi dòng sông mơ ước, bóp nát trái tim ta
Sông về đâu ta cũng theo về phương ấy
Hai đứa trẻ lang thang bước vào thế giới
Bỡ ngỡ nhìn trời đất bao la
Cầu vồng đưa ta tận cuối trời xa
Chờ nhau nơi ngã rẽ
Này tên bạn giang hồ tôi hỡi
Dòng sông trăng, cùng đi với tôi ...

Các bạn nghe bản Sông Trăng do Andy Williams hát ở đây nhé: http://www.youtube.com/watch?v=LK4pmJQ6zgM 
-----------
Cập nhật tối cùng ngày, 18/1/2013

Bài Sông Trăng này chắc chắn là đã có nhiều người dịch, có điều là tôi chưa đọc bản dịch của ai cả. Vì cảm thấy không có nhu cầu; chỉ là hôm nay cao hứng thì ngồi dịch nó ra thôi.

Bản dịch của tôi là dịch thô, khá trung thành với bản gốc. Bản đưa lên hồi chiều là nghĩ đến đâu dịch đến đó, không trau chuốt lại. Giờ nhìn lại, tôi có sửa vài chữ, cho nó có chút vần điệu và có vẻ thơ hơn.

Đây có lẽ cũng là thói quen của những người làm thơ hoặc dịch thơ. Thì, ý tứ ùa đến, thế là người ta viết luôn một lèo. Sau đó nhìn lại thì chăm chút thêm một chút, cho gọn gàng, đẹp đẽ hơn (ấy là theo ý mình nghĩ thế, chứ có đôi khi độc giả lại chê bản sau dở hơn bản trước). Nhưng lần này, tôi chỉnh sửa cũng còn vì người bạn thơ "bí ẩn" của tôi (bí ẩn vì chưa bao giờ gặp cả) lại mới gửi cho tôi bản dịch của anh, dịch từ cách đây hơn 2 năm, để góp vào bài viết này cho ... xôm tụ. Kèm thêm mấy lời nhận xét flattering làm cho tôi rất khoái chí như thế này:

So với mấy bản dịch MOON RIVER hiện có,thì bản dịch mới nhất của cô có chất và khẩu khí lắm, đặc biệt là câu : " Tên bạn giang hồ của tôi ơi " nghe bụi và hay kinh khủng!

(Hì hì, nhưng mà câu ấy tôi đã sửa lại chút ít rồi, cho nó hợp vần điệu với mấy câu trên hơn một chút, lỡ nó dở đi thì ráng chịu thôi anh Dũng nhé.)

Mời các bạn đọc bản dịch của anh Dũng ở dưới đây:


SÔNG TRĂNG
Sông Trăng ơi một dặm dài phía trước
Ước ngày nào sánh bước bên em
Em như một giấc mơ êm

Hay tàn phá trái tim ta tan nát
Dù em có đi cùng trời cuối đất

Ta sẽ theo em góc bể chân trời
Đôi kẻ phiêu du thế giới gọi mời
Đến và thấy những bến bờ cô lẻ
Ta sẽ đi cuối tận cầu vồng em nhé 
Đợi chờ nhau nơi ngã rẽ mênh mang
Rồi  như đôi bạn thuở Sông Trăng
Ta về lại bến sông ngày cũ ...
Hoàng Anh Dũng , 2010

Moon River
Moon River wider than a mile
I'm crossing you in style some day.
Oh, dream maker, you heart breaker,
wherever you're going I'm going your way.
Two drifters off to see the world.
There's such a lot of world to see.
We're after the same rainbow's end--
waiting 'round the bend,
my huckleberry friend,
Moon River ... and me

Lời Việt: Phạm Duy
Dưới trăng
Ngồi dưới trăng lắng im nghe lòng ta
Thổn thức bao chuyện ngày qua... sầu đau
Hỡi người dấu yêu, sao đành nỡ quên...
Sao đành tình ta vỡ tan như cánh chim lìa bay?
Lòng đắm say những khi ta gần nhau,
Ngồi dưới ánh trăng dịu êm cùng mơ...
Con thuyền trôi về đâu dưới trăng vàng?
Cớ sao một mình ta ngồi dưới ánh trăng lẻ loi
Buồn vấn vương... chán chường...

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Sài Gòn có mùa Đông không nhỉ?

Câu hỏi này chợt xuất hiện trong đầu tôi sáng nay khi chạy xe đến trường cho một buổi seminar ngày chủ nhật.

Buổi sáng ngày cuối tuần, đường vắng. Bầu trời Sài Gòn vốn thường ngày xanh ngắt và nắng vàng chói lọi đến nhức cả mắt, hôm nay lại có màu trắng xám u buồn. Và lạ hơn, trời có những hạt mưa, hạt thưa nhưng nặng và quất mạnh xuống thịt da những người đi đường, lạnh buốt. Và gió, thỉnh thoảng lại thổi đến, nhẹ thôi, nhưng không phải là làn gió mát hào sảng của phong cách Sài Gòn mà ta vẫn quen, mà là làn gió buốt, làm ta co người lại vì lạnh, và nghĩ đến cái rét mướt của mùa Đông miền Bắc.

Mùa Đông mà tôi đã biết đến từ rất lâu qua văn của Thạch Lam với Nhà mẹ Lê - một mùa Đông buốt giá, âm u, và rất nghiệt ngã với những phận nghèo. Và mùa Đông mà chính tôi đã trải qua, lần đầu tiên là vào năm 1991 khi tôi ở Hà Nội khoảng 1 tuần trước khi đi sang học ở Úc một năm, VN lúc ấy chỉ vừa mới mở cửa và Hà Nội trong vẫn còn vẻ nghèo nàn, tiều tụy của một thủ đô mới trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc và một nền kinh tế bao cấp. Tôi vẫn nhớ, lúc ấy là lần đầu tiên tôi thấy cả tuần lễ bầu trời cứ xam xám buồn bã như vậy, thỉnh thoảng lại mưa phùn rả rích, và không hề thấy ánh mặt trời. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy nhớ và thực sự biết ơn về bầu trời xanh và ánh nắng vàng chói chang hào phóng của Sài Gòn, và mới thực sự hiểu được hết cái cảnh khổ của những người nông dân đói rét trong văn của Thạch Lam, Nam Cao và Ngô Tất Tố.

Sài Gòn có mùa Đông không nhỉ? Thực ra câu hỏi này đã được trả lời từ rất lâu rồi, với bài hát nổi tiếng mà một người bạn của tôi thời học Gia Long và sau đó cùng tiếp tục học với nhau thêm 4 năm đại học đã rất thích và hát rất hay: Anh ở trong này chưa thấy mùa Đông/Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ .... Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó rằng tác giả của bài thơ rất hay và được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc ấy vốn là một anh bộ đội, năm đầu tiên 1976 ở trong Nam và hưởng mùa Đông đầu tiên ở Sài Gòn, đã thốt lên những lời ca ngợi rất thật lòng ấy: "Thật diệu kỳ là mùa Đông phương Nam"



Nhưng thật ra theo tôi nhớ thì chính mùa Đông năm 1976 ấy Sài Gòn rất lạnh - well, lạnh theo tiêu chuẩn của Sài Gòn.. Đến nỗi mọi người bảo, mấy anh bộ đội miền Bắc vào đây dường như đã đem theo cả cái lạnh vào. Hình như là nhiệt độ ở SG năm ấy xuống chỉ còn 16, 17 độ, một điều rất hiếm thấy- nên mọi người đều bất ngờ, chẳng ai có đủ quần áo lạnh để mặc và các cửa hàng bán đồ len bỗng đắt hàng khủng khiếp. Nhưng nếu so với cái lạnh của miền Bắc thì vẫn chưa thấm tháp vào đâu cả, vì chỉ mới bằng nhiệt độ thấp nhất của máy lạnh mà thôi. Và chắc chắn là những người nghèo của Sài Gòn khó lòng mà hiểu được đúng ý nghĩa đói rét của miền Bắc; nếu có thì người nghèo ở đây chỉ hiểu từ  đói khát mà thôi (thì trời nắng mà).

Vâng, Sài Gòn, thành phố phương Nam ấm áp đến diệu kỳ ấy, chắc là không thể có mùa Đông đúng nghĩa. Nhưng, thỉnh thoảng vẫn có một thoáng mùa Đông đến với Sài Gòn, như hôm nay. Để mọi người hiểu được tại sao một anh bộ đội miền Bắc chỉ hưởng một mùa Đông đầu tiên tại Sài Gòn là đã làm được một bài thơ xuất sắc như bài thơ đã được phổ nhạc ấy - bài Gửi nắng cho em. Và cũng để cho mọi người nhận ra cái hào phóng của khí hậu miền Nam, lúc nào cũng thừa nắng vàng và thừa những làn gió mát.



"Cây bàng mồ côi mùa Đông"?






Cây khế trĩu quả của nhà hàng xóm

Chùm hoa Sử quân tử trồng làm giàn cổng vẫn nở những chùm hoa hồng hồng xinh xắn

Và cây bông Trang trắng nhà tôi vẫn cứ um tùm, tỏa hương thơm ngát

Buổi trưa, trở về nhà giữa 12 giờ mà trời vẫn không hề có nắng. Tôi đi lang thang ở khu vực gần nhà, quanh khu Trần Bình Trọng, Lê Quang Định, chợ Bà Chiểu để chụp lại hình ảnh "mùa Đông Sài Gòn". Vì tôi nghĩ dường như khung cảnh cũng hơi giống mùa Đông đấy, trời giữa trưa mà âm u, đường vắng. Những cái cây trong sân nhà tôi đã rụng bớt lá, trông khá xác xơ.

Nhưng về nhà mở hình ra mới thấy dù lá đã rụng bớt, nhưng cây vẫn rất xanh tươi. Đặc biệt là cây bàng, bàng mùa Đông mà lá vẫn dày, xanh mướt. Và ôi kìa, lại còn có cả một cây Phượng với những chùm hoa nở muộn màng - muộn, hay là quá sớm nhỉ. Thế này thì làm sao mà bảo là mùa Đông được cơ chứ?

Đăng lên đây chia sẻ với các bạn. Và để biết rằng, Sài Gòn thực sự không thể có mùa Đông! Không có ở bên ngoài, mà chắc là cũng không có ở trong lòng nữa, phải không?

Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!
---------
Đưa lên đây thêm hai tấm hình chụp vào ngày 23 Tết Nhâm Thìn 2012, cũng vào lúc giữa trưa, để thấy SG nắng vàng chói chang hào phóng như thế nào. Thật diệu kỳ là mùa Đông phương Nam, phải không các bạn?