Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Rudyard Kipling và lá diêu bông

Lá diêu bông thì chắc chắn là ở VN ai cũng biết. Đó là bài thơ của thi sĩ tiền bối Hoàng Cầm, nói về tình yêu đầu tiên của một cậu bé với một người con gái lớn hơn mình mà cậu gọi bằng chị. Chỉ một câu nói bâng quơ của chị thôi, "đứa nào tìm được lá diêu bông/từ nay tao sẽ gọi là chồng (lời của Phạm Duy) thế là cậu bé tội nghiệp bỏ cả thời trai trẻ để "mình tôi lang thang muôn nơi, đi tìm lá cho em tôi" (lời của Trần Tiến).

Trong khi em mải miết đi tìm lá thì ở quê nhà, khốn thay, chị lại đi lấy chồng mất (mà chẳng cần lá diêu bông gì cả), để cậu em khi trở về với chiếc lá trên tay thì chỉ còn cõi lòng tan nát vói mối tình câm lặng suốt bao năm. Một chuyện tình buồn nhưng rất nên thơ, và bài thơ đã được đến hai nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc: bản Lá diêu bông do Phạm Duy, và bản Sao em nỡ vội lấy chồng của Trần Tiến mà tôi nhắc đến ở đoạn trên.

Cả hai bài hát đều rất hay, nhưng bài thơ theo tôi vẫn hay hơn rất nhiều, vì nó toát lên được sự vụng về, câm lặng nhưng rất lớn lao và sâu sắc của mối tình đầu không may và không bao giờ quên được của nhân vật xưng tôi trong bài thơ. Ai chưa đọc, xin google mấy từ "bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm", chắc chắn sẽ ra ngay.

Còn Ruyard Kipling thì chắc chắn là rất nổi tiếng ở Anh và tất nhiên còn ở cả nhiều nước khác nữa, trong đó có Việt Nam. Tôi đã có đề cập đến ông một chút trong bài "Được mùa thơ" của tôi cách đây vài ngày. Ông rất đa tài, vừa làm thơ vừa viết văn (và còn làm nhiều nghề khác nữa nhưng tôi không nhớ rõ), và là tác giả của bài thơ rất nổi tiếng có tựa là "If" tức là "Nếu". Bài thơ này cũng đã được nhiều người dịch sang tiếng Việt, trong đó có bản khá nổi tiếng mà tôi biết, với 4 câu đầu như sau:

Nếu bỗng thấy tan tành sự nghiệp
Mà nín thinh xây tiếp cuộc đời
Hay trong một ván bạc thôi
Mất hàng trăm tiếng không lời thở than ...

Cả bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm lẫn tác giả của bài thơ If đều đã rất nổi tiếng với mọi người rồi, nên chẳng cần giới thiệu thêm nữa. Nhưng liên hệ Rudyard Kipling với Lá diêu bông thì hẳn là chỉ mới có một người đề cập đến thôi. Người ấy chính là người bạn thơ của tôi, anh Hoàng Anh Dũng mà tôi đã giới thiệu trên blog này một lần rồi, và cũng đã úp úp mở mở trong entry "Được mùa thơ" của tôi cách đây vài ngày. Nên tôi cũng sẽ không nói gì thêm nữa. Mời các bạn thưởng thức thôi.

Các bạn đọc dưới đây nhé.
---------

RUDYARD KIPLING
đi tìm diêu bông

Nhiều thân hữu hỏi tôi Ruyard Kipling thì có mắc mớ gì đến cái lá diêu bông bất tử của Hoàng Cầm kia chứ ? Vậy mà có đấy thưa các bạn : Ruyard Kipling thực sự có một bài thơ gần như diêu bông ! Vâng Rudyard Kipling là một tên tuổi lớn của thế giới , và khi nói đến ông người ta thường nhắc đến bài thơ  If .Đây là bài thơ Anh được bình chọn hay nhất mọi thời đại. ( theo khảo sát của BBC năm 1995 ).Cũng bởi danh tiếng If quá dữ, nên đôi khi người ta quên rằng Ruyard Kipling còn nhiều bài thơ nổi tiếng khác nữa, và một trong số đó là Blue Roses :

Blue Roses

Roses red and roses white
Plucked I for my love's delight.
She would none of all my posies
Bade me gather her blue roses.

Half the world I wandered through,
Seeking where such flowers grew.
Half the world unto my quest
Answered me with laugh and jest.

Home I came at wintertide,
But my silly love had died,
Seeking with her latest breath
Roses from the arms of Death.

It may be beyond the grave
She shall find what she would have.
Mine was but an idle quest—
Roses white and red are best.

Tôi biết bài thơ này khá lâu , nhưng bỏ qua liền .Chỉ là một chuyện tình buồn : chàng trai, cô gái quen nhau rồi xa nhau, rồi một người bệnh chết, rồi một người đứng bên mộ ...  Tôi cho rằng mô típ cổ điển này thua xa lắc Những Đồi Sim của Hữu Loan, hay Bài Thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm. Nhưng trong một lần về quê , chiều ngồi bên mộ thầy tôi,  tôi thấy một chiếc lộc bình đất cũ cắm đơn sơ mấy cánh hồng trắng và mấy cánh hồng đỏ héo úa, tự nhiên tôi nhớ tới bài Blue Roses, và phát hiện ra một chi tiết khá lạ là chàng trai đem tặng cô gái có đủ cả hồng trắng,hồng đỏ. Lạ là bởi vì thường thấy những người yêu nhau tặng toàn hồng đỏ thôi !

Từ cảm xúc đó, về sau tôi lại thấy Blue Roses thực sự hay và thú vị, nhưng thực sự quá khó diễn đạt, bởi vậy phải gần hai năm, bản dịch mới hoàn thành :

NHỮNG NỤ HỒNG XANH

Nhớ thuở hoa hồng hái tặng nhau, 
những màu trắng đỏ gợi mai sau,  
rồi em hờ hững màu hoa cũ,
em thích hồng xanh ở tận đâu !

Từ đó trầm luân cuộc bể dâu, 
tôi đi dường bốn bể năm châu,
tìm nơi có mọc loài hoa ấy, 
năm tháng thêm đầy những nỗi đau…

Một mùa Đông tôi trở lại bên cầu,  
người yêu dấu năm xưa không còn nữa, 
phút cuối em vẫn nhìn ra phía cửa, 
đợi anh về với những nụ hồng xanh !

Này em hỡi, dưới suối vàng hoang lạnh,
nguyện cầu em thấy cánh hoa mơ,
điều tôi tìm giờ vẫn hư vô, 
trần thế vẫn rực rỡ những màu hoa dạo nọ…

Ruyard Kipling
Hoàng Anh Dũng dịch
tháng 10/ 2006

Người dẫn chuyện : Tâm hồn thì không thể dịch được, nhưng mỗi lần đọc lại bài thơ này, tôi vẫn thấy dâng lên cái cảm giác bâng khuâng. Tôi vẫn như thấy hình ảnh một đóa hồng xanh. Tôi vẫn thấy một cách sinh động, hình ảnh nhỏng nhẻo, phụng phịu của cô gái đòi nụ hồng xanh, cái hình ảnh co ro của một gã trai đi trong mịt mùng rét mướt để tìm một cái Ảo cho một Tình Yêu Thực, thế nên đời mới có cái bi tráng uy mãnh của những gã Kinh Kha trong tình yêu :

 Đời vẫn nhớ
 những  gã Kinh Kha
khóc dưới hoàng  hôn.
một lá diêu bông
khóc trong chiều tiễn biệt !
( HAD)

Tôi thầm nghĩ , nếu gã trai trong Blue Roses còn sống tới giờ này thì anh có thể ra phố rồi : hoa hồng xanh bán đầy luôn ! Nhưng như thế thì không còn diêu bông ! Nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ biết tới những chuyện tình diêu bông đầy nước mắt như trong chính Blue Roses, và trong chính cuộc đời cát bụi này .
Liệu chúng ta có cần một chút diêu bông ?

HOÀNG ANH DŨNG
     Cuối Thu 2012
 ---------------
Cả bài thơ lẫn lời dẫn của dịch giả ở trên đều rất hay và hoàn toàn không cần tôi can thiệp vào nữa phải không các bạn. Nhưng tôi vẫn muốn thêm một chút ở đây: Anh HAD không chỉ dịch bài Blue roses một lần như ở trên, mà đã dịch đến mấy lần cơ. Dưới đây là một bản dịch khác, thơ ngũ ngôn. Theo dịch giả thì các bạn trẻ thích bản dịch này hơn vì thấy bài thơ 8 chữ ở trên khá nghiêm trang. Thơ ngũ ngôn thì bao giờ cũng đơn giản hơn, dễ đọc hơn mà. Và tôi, tôi cũng thích bài này hơn dù bài ở trên cũng rất hay. Các bạn đọc nhé.


CHUYỆN ĐÓA HỒNG XANH

Thuở nào hồng đỏ trắng,
tặng nhau mình bâng khuâng !  
chợt một ngày em bảo,
hái hồng xanh cho em !

Từ đó tôi đi tìm, 
đóa hồng xanh mơ ước,
khắp tinh cầu lưu lạc,
đời cười một gã ngông…

Tôi trở về mùa Đông,
em ra người thiên cổ
phút cuối bên khung cửa,  
em có đợi hồng xanh?

Em ơi chốn u linh,   
hẳn có loài hoa ấy,
trần gian thì vẫn vậy,  
đỏ trắng sắc hoa xưa …

Blue Roses
Ruyard Kipling
Hoàng Anh Dũng dịch
          ( 2010)
--------
Bông hồng xanh, bông hồng xanh.... Tôi bâng khuâng tự hỏi, chẳng biết trên cuộc đời này có gã trai khờ khạo nào đã từng đi tìm một bông hồng xanh vì những câu nói bâng quơ của tôi chưa nhỉ? Ai biết đâu đấy?

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Đọc "Đế Thiên - Đế Thích "của Nguyễn Hiến Lê (viết năm 1943)

Như các bạn đã biết, tôi đang viết dở dang loạt bài về chuyến đi thăm Campuchia, xứ Chùa Tháp, với rất nhiều ấn tượng tốt đẹp đến nay vẫn chưa phai. Nhưng bận quá nên mới viết hết một buổi sáng đầu tiên của chuyến hành trình 5 ngày 4 đêm, rồi ngưng lại.

Vì đang quan tâm đến Campuchia sau chuyến đi này nên tôi tìm tài liệu đọc về lịch sử Campuchia và các đền đài, cung điện cổ của đất nước Khmer oai hùng một thời, thời đại Angkor. Và tìm được cuốn "Đế Thiên - Đế Thích" của Nguyễn Hiến Lê, viết từ năm 1943 tức các đây gần 70 năm, và chỉnh sửa vào năm 1960, năm tôi chào đời! Một cuốn sách viết vô cùng thú vị, đáng đọc, vì nó không chỉ kể cho ta câu chuyện của một người lữ hành, đi, nhìn, nghĩ, viết, mà còn cho ta những hiểu biết tuy khái quát nhưng sâu sắc về lịch sử của Campuchia và những điều cần suy nghĩ về sự hưng vong của một dân tộc.

Đọc xong, tôi hết muốn viết nữa, vì NHL viết quá hay, nên những gì tôi viết ra hoặc sẽ hết sức mờ nhạt, vớ vẩn bên cạnh những gì ông đã viết, hoặc ngược lại sẽ bị ảnh hưởng vì những ý tưởng của ông khi nghĩ về một đất nước đã có một thời hùng vĩ, cực thịnh thời Angkor với diện tích được cho là 1 triệu mét vuông, mà nay chỉ còn là một đất nước nghèo nàn (ít ra là nghèo hơn VN) vừa mới thoát khỏi nạn diệt chủng và ngày nay nạn tham nhũng vẫn hoành hành.

Đành tạm thời ngưng lại, không viết nữa cho tới khi nào rảnh rang hơn, và ... tự tin rằng những gì mình viết ra cũng có cái gì đó riêng và đáng đọc. Còn dưới đây là đường dẫn đến chỗ để download tập du ký nói trên. Bạn nào muốn đọc thì vào đây nhé, tôi đã đưa lên google.doc để chia sẻ với mọi người một tài liệu quý.

Link: https://docs.google.com/file/d/0B23GcuCxvQVBRWg1RzZUclZNbTQ/edit
--------------

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Nơi trú ẩn của tôi (2)

Rất lâu rồi, tôi không làm thơ. Đọc thơ cũng không, dù ngày xưa đối với tôi đó là một cái thú, một sự đam mê hầu như không cưỡng lại được. Chả hiểu sao, có lẽ, nói như Nguyễn Ngọc Tư, trái đến độ thì đổi vị; người đến ngày (già!) thì đổi tính.

Nhưng hôm nay tôi lại làm thơ, tất nhiên là thơ con cóc (như mọi lần), mới chết chứ. Chả là hôm nay cuối tuần, có chút rảnh rang, trời Sài Gòn lại gió hiu hiu, vì hôm qua mưa cả buổi chiều rả rích. Cứ như là mùa thu vậy, dù ở Sài Gòn làm gì có mùa thu mà chỉ là hai mùa mưa nắng.

Nên tâm hồn ... lãng mạn (hừm, thời nay tuổi teen chúng không còn dùng từ này nữa, mà nói thẳng luôn là ... sến!) của tôi ở đâu bỗng trỗi dậy. Và thế là tôi làm ra được một khổ (=đoạn) thơ, nối vào một khổ (=đoạn) khác đã làm cách đây 2 năm, cùng tựa.

Nói thêm một chút cho mọi người hiểu. Tôi có một nhóm bạn học từ thời Gia Long, gọi là nhóm 10b1 vì chúng tôi quen nhau từ lúc vào lớp 10, năm mới "giải phóng". Thời "Khi mới lớn tuổi mười lăm, mười bảy/Làm học trò mắt sáng với môi tươi" của chúng tôi hồi ấy rất vất vả, nhiều xáo trộn với những kỷ niệm đau lòng mà đến giờ có người vẫn chưa quên được, nhưng có thể chính vì đã cùng nhau trải qua một thời gian khổ mà chúng tôi dễ cảm thấy gần gũi với nhau dù đến nay đã gần 40 năm.

Nhóm bạn ấy hiện nay ở khắp nơi trên thế giới này, châu Âu, Mỹ, Úc, và tất nhiên, Việt Nam. Chúng đông lắm, đến mấy chục đứa, nếu đủ cả thì phải trên 50 người. Và có cả những người đã mất. Đứt đoạn với nhau đến mấy mươi năm, rồi có một người bạn bỏ chúng tôi đi xa một mình. Đau lắm, thương lắm, nhưng cũng chính vì cơ duyên ấy mà chúng tôi đã nối lại với nhau.

Thế là mail qua mail lại, rồi họp mặt, rồi ăn uống, sinh nhật, ca hát, cứ rộn ràng như thuở 15! Mệt lắm, mất thì giờ lắm, nhưng cũng vui lắm.

Rồi bây giờ nhóm bạn ấy còn bày đặt làm ra một cái blog chung nữa chứ. Tôi, đứa được xem là blogger chuyên nghiệp vì tự mình đã có đến 2, 3 cái blog, thực ra cũng đã hơi mệt mỏi với blog rồi. Thế mà khi chúng nó có cái blog đó, tôi vẫn không cưỡng được, cứ một ngày vào đó vài lần.

Cũng chẳng có gì đặc sắc, nếu bạn không phải là một người trong bọn chúng tôi. Chỉ là những tâm tình nho nhỏ, những trò đùa cợt lăng nhăng của trẻ con, nói bậy nói bạ. Đôi khi cũng có những tài hoa trong nhóm chúng tôi, chúng phát ra nào thơ nào văn nào nhạc nào họa. Nhưng đa số là viết lăng nhăng, như tôi đang viết đây, chẳng hạn.

Nhưng không sao; đối với chúng tôi, nó có ý nghĩa, thế là được.

Nên tôi vẫn cứ vào đấy, một ngày ít nhất là vài lần, có khi là vài chục lần. Chỉ là đùa cợt vớ vẩn thôi, y như hồi còn đi học, viết giấy chọc ghẹo nhau, ném qua ném lại, để chống cơn buồn ngủ, để tiếp tục chịu đựng những bài toán nhức đầu, những bài sử - địa lê thê, bài chính trị chán ngắt.

Cái blog ấy, với những đứa bạn thậm chí có thể sẽ khó có cơ hội gặp nhau tận mặt, nó đúng là nơi trú ẩn của tôi. Của chúng tôi.

Nên mới có đoạn 2 của bài thơ Nơi trú ẩn của tôi, như thế này. Chắc chắn là không hay, nhưng mà thật.

Chép lại đây để để giành cho mình, và cho những người bạn gần xa.

-----------
Nơi trú ẩn của tôi

I.
Nơi trú ẩn của tôi
Là thơ đấy
Nhắm mắt lại nghe giòng suối chảy
Nghe gió xanh, nghe tiếng chim thanh
Mở mắt ra là cuộc đời bát nháo
Là gạo tiền cơm áo
Vòng đời xoay nhanh, xoay nhanh
Ôi những con chuột chạy
Vật lộn giành tranh, bon chen rồi cũng vậy
Tôi tìm về với thơ.
(2010)

II.
Nơi trú ẩn của tôi
Là bạn Mười Bê đấy
Xa cách suốt thời gian ngần ấy
Gặp lại vẫn mày tao
Vẫn điên khùng, nói chuyện tào lao
Vẫn chọc ghẹo, dành ăn, vẫn thơ văn nhạc họa
Giòng đời trôi dù mệt nhoài nghiệt ngã
Còn một chỗ về rộn tiếng cười vui
Về đây, người ơi
Bốn mươi năm còn ắp đầy tình bạn
Và còn có cả khoảng không vô hạn
Ta kéo về blog chơi.

(22/9/2012)

-----
Nhân tiện đọc bài này, các bạn đọc bài cũ năm 2010 nhé, ở đây này: http://bloganhvu.blogspot.com/2010/07/noi-tru-cua-toi.html

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Lần đầu thăm quê hương Chùa Tháp (4)

Ngày thứ nhất  (tiếp theo)

Chúng tôi ngừng lại để ăn trưa khoảng vào khoảng gần 11 giờ - ăn cơm sớm, vì sau đó đường xấu, không có chỗ dừng chân, người hướng dẫn cho biết như vậy. Đi với đoàn chúng tôi có đến 2 hướng dẫn, một là người Việt, theo chúng tôi từ VN, và một là người Campuchia, đón chúng tôi sau khi qua cửa khẩu Mộc Bài.

Theo anh Tường, HDV Việt, luật ở Campuchia rất chặt chẽ, người nước ngoài (trong trường hợp này là VN) không được phép làm hướng dẫn tại Campuchia mà bắt buộc phải có HDV địa phương. Vì vậy, HDV Việt đi theo đoàn nhưng không được phép thuyết minh, hướng dẫn, chỉ có thể nói trên xe chứ xuống đất là không được nói vì có thể có cảnh sát du lịch theo dõi và phạt. Luật này hẳn là để bảo vệ công ăn việc làm cho người Campuchia, một việc làm chính đáng xét theo lợi ích quốc gia của người Campuchia, đặc biệt là trong quan hệ với người láng giềng VN dù thân thiết (hẳn là thế) nhưng cũng luôn là một mối đe dọa ngầm cho người Campuchia vì sự khôn lanh, số đông và sức mạnh về kinh tế, quân sự của nó (tất nhiên là VN chỉ mạnh hơn Campuchia là một nước vừa mới thoát khỏi nạn diệt chủng đây thôi, đừng có lên mặt nhé người Việt!)

Lẩn thẩn, tôi nghĩ mối quan hệ Campuchia - VN cũng thật giống mối quan hệ VN - TQ. VN cũng đất hẹp người đông, dân đông như kiến (so với Campuchia, tất nhiên) như TQ đối với VN vậy. Dân số VN cũng gấp đến gần 10 dân số Campuchia, gần tương tự như dân số TQ đối với dân số VN. Nhưng sao chính phủ Campuchia đối với VN vẫn tỏ ra có đầy đủ tư thế, sự hiên ngang và độc lập đến thế. Sao họ không sợ môi hở răng lạnh nhỉ? Chẳng bù cho chính phủ VN, lúc nào cũng sợ làm TQ mích lòng. Cứ như là một nước phiên thuộc vậy, thật là ... chẳng biết dùng tính từ nào để nói nữa.

Quán ăn khá tươm tất so với một quán ăn dọc đường ở miền quê. Món ăn nấu nướng cũng tạm, đặc biệt là nêm nếm khá hợp khẩu vị VN: không nhiều dầu mỡ, không có các món xào với nước sốt có bột sền sệt, không có tô canh toàn quốc mà ông xã tôi gọi là tô nước rửa chén mà gia đình tôi đã quen trong mấy tiệm ăn của người Hoa qua mấy lần du lịch ở Mã Lai và Singapore.
Bên ngoài quán ăn, phía bên kia đường có một hồ nước rộng mênh mông, cây cổ thụ xanh um, rợp mát, như một ốc đảo trên một vùng đất cháy nắng. Bọn trẻ con đứng tụ tập, da đen nhẻm, tò mò nhìn những du khách Việt. Chúng chơi giỡn, nhưng không gây ồn ào mà khá trật tự. Tự hỏi, chẳng hiểu chúng nhìn mình có giống như mình hay nhìn các đoàn du khách ở VN không nhỉ? Không biết mọi người nghĩ sao, chứ sao tôi không thể nào có thiện cảm được với những đoàn khách TQ đi du lịch ở VN: họ quá ồn ào, rối rít, phát mệt!
Nhưng sang Campuchia rồi, tôi mới thấy  rõ ràng là so với người Campuchia thì người Việt cũng ồn ào như thế. Anh Đen, HDV người Campuchia cũng nói: "Chỗ nào có người Việt thì người Campuchia dọn đi nơi khác. Không ở với nhau được, không hợp. Người Việt ồn ào quá, đi đâu thì đi hàng đàn, không sợ ai hết. Xe hơi ở VN bấm còi inh ỏi, ở đây không có cảnh đó."

Như vậy, VN hơn Campuchia cái gì thì không biết, nhưng riêng cái khoản giữ gìn sự im lặng ở nơi công cộng, một dấu hiệu của văn minh, thì rõ ràng mình cần học từ họ rồi, nhỉ?


Đây là tháp thờ người quá cố, bên trong đặt hũ cốt, được thấy khắp nơi ở Campuchia (và cả ở miền quê tại một số nơi trên đất Thái Lan nữa)

(còn tiếp)

Lần đầu thăm quê hương Chùa Tháp (3)

Ngày thứ nhất - 31/8/2012


Xe khởi hành từ đường Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận) lúc 6 giờ, đi một mạch và dừng lại ăn sáng ở Tây Ninh. Chẳng biết tôi có tưởng tượng ra không, mà sao tôi thấy những người phục vụ và cả ông chủ tiệm ăn nơi chúng tôi dừng lại ăn sáng, nghỉ chân có gì đó giống giống người Campuchia? Cũng nước da ngăm ngăm, khuôn mặt hơi khắc khổ, hằn dấu ấn của một nơi có khí hậu khá khắc nghiệt, nắng nóng chói chang.

Qua cửa khẩu Mộc Bài vào khoảng 8 giờ, tòa nhà đầu tiên tôi nhìn thấy là ... một Casino "to đùng vật vã". Anh hướng dẫn viên địa phương đón chúng tôi ngay cửa khẩu có tên Việt là Văn Đen, người cao to dễ mến, da đen ... thui! Anh cho biết, khu vực này trước đây rất nghèo, nhưng từ ngày có casino thì kinh tế khấm khá lên, do đóng góp tích cực của người Việt Nam. Thì các casino ở Campuchia chủ yếu chỉ dành cho người VN thôi mà lại, anh hướng dẫn cho biết như thế. Một cô bé đi cùng đoàn với tôi cũng khẳng định điều này, và cho biết công ty của cô (một công ty tư nhân) tuy có sếp nữ nhưng rất chịu chơi, thường xuyên tổ chức cho cả công ty sang Campuchia đánh bài ngay tại cửa khẩu Mộc Bài này.
Casino gần cửa khẩu Nội Bài, cách VN chỉ vài trăm thước

Tự nhiên lại nhớ đến thảm kịch của nhà báo Hoàng Hùng. Từ lúc nào, người Việt Nam chúng ta lại mê cờ bạc như thế này nhỉ, cả phụ nữ cũng chơi casino mê mệt đến thế? Hay máu mê cờ bạc vốn đã có sẵn trong máu người Việt Nam? Hồi tôi ở Melbourne, năm tôi sắp về nước (1996 thì phải) người ta cũng khánh thành Crown Casino rất lớn, và số lượng người vào chơi ở trong đó chủ yếu là người gốc Hoa. Hay người Việt cũng thế, vì có một ngàn năm Bắc thuộc chăng?
Cửa khẩu Mộc Bài phía Việt Nam


Cửa khẩu phía Campuchia, hình như có tên là Bavet?

Ai muốn đi chơi, đánh bài ở cửa khẩu (!) thì đọc thêm bài này nhé. Nhưng nhớ đừng quên câu "cờ bạc là bác thằng bần" (mà chắc phải đổi thành "cờ bạc là thím con bần" quá, suy ra từ vụ nhà báo Hoàng Hùng ấy mà).

Link: http://www.dulichbui.org/2010/11/huong-dan-du-lich-bui-moc-bai-bavet.html#

More: http://www.baomoi.com/Nhuc-nhoi-canh-nguoi-Viet-sang-Campuchia-danh-bac/104/5757710.epihttp://kienthuc.net.vn/channel/5421/201206/Mot-ngay-sang-Campuchia-xem-danh-bac-1840797/

Đây nữa chứ, thực ... kinh hoàng: http://www.sgu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1892:dan-min-tay-t-sang-campuchia-anh-bc-va-nhng-bi-kch&catid=407:thi-s-chinh-tr-xa-hi&Itemid=532

Khổ cho dân miền Tây, phụ nữ lớp nào lên phía bắc lấy chồng Tàu, Đài Loan, Hàn Quốc, lớp lại qua phía tây để đánh bạc, thua tiền, vỡ nợ, rồi tan nhà nát cửa. Vai trò của nhà nước, và các đoàn thể như hội thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân vv để đâu ấy nhỉ?

Lại lên xe, tiếp tục chạy, hình như chúng tôi đang ở địa phận tỉnh Svay Rieng (?). Cảnh vật 2 bên đường giống hệt VN, nếu không có những cây thốt nốt. Những cây cao, thẳng, dáng đẹp, mà người Campuchia tự hào xem là national plant của mình (không biết dịch là gì nhỉ, mình có từ quốc hoa là nhưng đây là cây, chẳng lẽ gọi là quốc mộc?)




Phong cảnh 2 bên đường


Đưa bản đồ này lên đây để dễ hình dung đoạn đường đã đi qua
Có khác gì phong cảnh VN nhỉ?
Nhà sàn, đặc trưng Campuchia, nhưng cũng có thể thấy ở An Giang (Châu Đốc)
Như một ốc đảo bình yên - Hình như ở tỉnh Prey Veng?
(còn tiếp)

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Lần đầu thăm quê hương Chùa Tháp (2)

4 ngày, 3 đêm là tất cả thời gian tôi và gia đình trải qua trên quê hương chùa Tháp, lần đầu tiên. Chi phí thật phải chăng, mỗi người khoảng trên dưới 3 triệu (tôi không nhớ rõ), gồm toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở, tham quan vv trong suốt cuộc hành trình.

Xứ chùa Tháp, ba từ này có lẽ không người VN nào là không biết. Người Khmer đối với chúng ta cũng chẳng lạ lùng gì, vì ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), những nơi như Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá vv vẫn có những làng người Khmer sinh sống chung với người Việt của chúng ta. Tết Miên là vào tháng 4, còn gọi là Tết té nước, là một sinh hoạt mà ở ĐBSCL ai cũng biết. Những ngôi chùa Miên cổ kính cũng không hề xa lạ với người VN. Hôm đi Trà Vinh cách đây hơn một năm (?) khi còn ở cơ quan cũ, tôi còn được đưa đi thăm một ngôi chùa Miên đã gần ngàn năm tuổi. Ngôi chùa thật đẹp, cổ kính rêu phong, giữa những cây cổ thụ uy nghiêm và bầu không khí yên lành cô tịch. Những dấu vết của một nền văn minh rực rỡ từ ngàn năm trước.

Nhưng đó là những dấu vết của văn hóa Khmer ở VN. Còn về đất nước láng giềng gần gũi Campuchia thì tôi lại chẳng biết gì, ngoài chế độ Khmer đỏ với người cầm đầu là Pol Pot và nạn diệt chủng, rồi chiến tranh biên giới phía Nam với Khmer đỏ năm 1978 (năm tôi vào đại học) với sự ủng hộ và giúp sức của anh bạn láng giềng 16 vàng 4 tốt khiến VN phải gửi quân tình nguyện sang giúp đỡ Campuchia giải phóng ra khỏi chế độ diệt chủng tàn ác đó. Rồi sau đó là Hun Sen lên làm thủ tướng cho tới giờ, và rồi anh ấy lại chơi VN một cú dưới sự ủng hộ của người đồng chí tốt là Trung Quốc.

Không những thế, gần đây, Campuchia còn nổi tiếng là một địa chỉ ... đánh bài của người Việt, với các sòng bài được mở ra khắp nơi để đón chào những người Việt hoặc quá thừa tiền (những đồng tiền bất chính, của thiên trả địa?) hoặc quá ham hố, muốn không làm nhưng vẫn có ăn, kéo đến sát phạt đỏ đen suốt đêm ngày. Để đến khi thua bạc, thì tan cửa nát nhà, thật đúng câu ca dao răn đe mà chúng ta đã được nghe từ ngày đi học tiểu học: "Cờ bạc là bác thằng bần/Cửa nhà bán hết, tra chân vào cùm". Thì đó, chúng ta có hẳn một cái gương tày liếp, bà Thúy Liễu vợ nhà báo Hoàng Hùng. Đúng chính xác gần như đến từng lời, "cửa nhà (muốn) bán hết, tra chân vào cùm", với mức án chung thân. Bố chết, mẹ đi tù, con cái của bà Liễu quả là bất hạnh. Tất cả, ,chỉ vì mấy sòng bài trên đất nước láng giềng mà ta quen gọi là quê hương chùa Tháp.

Tóm lại, một cái nhìn không có gì là quá thiện cảm về đất nước Campuchia láng giềng gần gũi của chúng ta.

Đó là lý do tại sao mãi đến bây giờ tôi mới đi Campuchia để du lịch, dù chi phí cho việc đi Campuchia là rất mềm. Chỉ mãi đến dịp Tết vừa qua, một người bạn đi du lịch Campuchia về đã khen rối rít không tiếc lời và khuyên tôi phải đi Campuchia một lần cho biết, tôi mới có ý định đi thử cho biết. Và thế là tôi đã tranh thủ mấy ngày nghỉ lễ 2/9 vừa qua để đến xứ chùa Tháp một lần.

Một chuyến đi 4 ngày, 3 đêm đầy ắp, một điều không ngờ về một đất nước mà trước đó tôi không hề có ý định ghé thăm. Vậy mà trước khi rời Phnong Penh để về VN tôi lại cảm thấy mình còn quá nhiều điều muốn biết về đất nước láng giềng hiền hòa, nơi đã từng là một đế chế hùng mạnh với một nền văn minh rực rỡ mà giờ đây cả thế giới vẫn phải ngưỡng mộ. Đến nỗi trong số hành lý tôi mang về từ Campuchia, ngoài cá lóc khô, chuối sấy và đường thốt nốt, những sản vật quen thuộc của đất nước Campuchia, còn có cả 1 tấm bản đồ du lịch và 2 cuốn sách bằng tiếng Anh viết về lịch sử Campuchia và các đền chùa, cung điện nguy nga một thời của đế chế Angkor hùng mạnh. Để tiếp tục đọc và tự trả lời những câu hỏi đã hình thành trong đầu tôi qua chuyến đi thú vị này.

Một chuyến đi thực sự thú vị, bổ ích mà tôi sẽ phải mất nhiều ngày mới có thể viết hết ra để lưu lại cho mình và chia sẻ với các bạn. Các bạn cứ thư thả, nhẩn nha mà đọc dần nhé.

(còn tiếp)

Lần đầu thăm quê hương Chùa Tháp (1)

Tôi mới đi Campuchia về, với rất nhiều điều muốn viết.

Nhưng bây giờ đã 12 giờ đêm rồi, mà mai lại phải đi làm. Nên thôi, hãy cứ đưa vài tấm hình lên đã, rồi viết sau vậy.











Các bạn tạm xem hình đã nhé.