Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Rudyard Kipling và lá diêu bông

Lá diêu bông thì chắc chắn là ở VN ai cũng biết. Đó là bài thơ của thi sĩ tiền bối Hoàng Cầm, nói về tình yêu đầu tiên của một cậu bé với một người con gái lớn hơn mình mà cậu gọi bằng chị. Chỉ một câu nói bâng quơ của chị thôi, "đứa nào tìm được lá diêu bông/từ nay tao sẽ gọi là chồng (lời của Phạm Duy) thế là cậu bé tội nghiệp bỏ cả thời trai trẻ để "mình tôi lang thang muôn nơi, đi tìm lá cho em tôi" (lời của Trần Tiến).

Trong khi em mải miết đi tìm lá thì ở quê nhà, khốn thay, chị lại đi lấy chồng mất (mà chẳng cần lá diêu bông gì cả), để cậu em khi trở về với chiếc lá trên tay thì chỉ còn cõi lòng tan nát vói mối tình câm lặng suốt bao năm. Một chuyện tình buồn nhưng rất nên thơ, và bài thơ đã được đến hai nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc: bản Lá diêu bông do Phạm Duy, và bản Sao em nỡ vội lấy chồng của Trần Tiến mà tôi nhắc đến ở đoạn trên.

Cả hai bài hát đều rất hay, nhưng bài thơ theo tôi vẫn hay hơn rất nhiều, vì nó toát lên được sự vụng về, câm lặng nhưng rất lớn lao và sâu sắc của mối tình đầu không may và không bao giờ quên được của nhân vật xưng tôi trong bài thơ. Ai chưa đọc, xin google mấy từ "bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm", chắc chắn sẽ ra ngay.

Còn Ruyard Kipling thì chắc chắn là rất nổi tiếng ở Anh và tất nhiên còn ở cả nhiều nước khác nữa, trong đó có Việt Nam. Tôi đã có đề cập đến ông một chút trong bài "Được mùa thơ" của tôi cách đây vài ngày. Ông rất đa tài, vừa làm thơ vừa viết văn (và còn làm nhiều nghề khác nữa nhưng tôi không nhớ rõ), và là tác giả của bài thơ rất nổi tiếng có tựa là "If" tức là "Nếu". Bài thơ này cũng đã được nhiều người dịch sang tiếng Việt, trong đó có bản khá nổi tiếng mà tôi biết, với 4 câu đầu như sau:

Nếu bỗng thấy tan tành sự nghiệp
Mà nín thinh xây tiếp cuộc đời
Hay trong một ván bạc thôi
Mất hàng trăm tiếng không lời thở than ...

Cả bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm lẫn tác giả của bài thơ If đều đã rất nổi tiếng với mọi người rồi, nên chẳng cần giới thiệu thêm nữa. Nhưng liên hệ Rudyard Kipling với Lá diêu bông thì hẳn là chỉ mới có một người đề cập đến thôi. Người ấy chính là người bạn thơ của tôi, anh Hoàng Anh Dũng mà tôi đã giới thiệu trên blog này một lần rồi, và cũng đã úp úp mở mở trong entry "Được mùa thơ" của tôi cách đây vài ngày. Nên tôi cũng sẽ không nói gì thêm nữa. Mời các bạn thưởng thức thôi.

Các bạn đọc dưới đây nhé.
---------

RUDYARD KIPLING
đi tìm diêu bông

Nhiều thân hữu hỏi tôi Ruyard Kipling thì có mắc mớ gì đến cái lá diêu bông bất tử của Hoàng Cầm kia chứ ? Vậy mà có đấy thưa các bạn : Ruyard Kipling thực sự có một bài thơ gần như diêu bông ! Vâng Rudyard Kipling là một tên tuổi lớn của thế giới , và khi nói đến ông người ta thường nhắc đến bài thơ  If .Đây là bài thơ Anh được bình chọn hay nhất mọi thời đại. ( theo khảo sát của BBC năm 1995 ).Cũng bởi danh tiếng If quá dữ, nên đôi khi người ta quên rằng Ruyard Kipling còn nhiều bài thơ nổi tiếng khác nữa, và một trong số đó là Blue Roses :

Blue Roses

Roses red and roses white
Plucked I for my love's delight.
She would none of all my posies
Bade me gather her blue roses.

Half the world I wandered through,
Seeking where such flowers grew.
Half the world unto my quest
Answered me with laugh and jest.

Home I came at wintertide,
But my silly love had died,
Seeking with her latest breath
Roses from the arms of Death.

It may be beyond the grave
She shall find what she would have.
Mine was but an idle quest—
Roses white and red are best.

Tôi biết bài thơ này khá lâu , nhưng bỏ qua liền .Chỉ là một chuyện tình buồn : chàng trai, cô gái quen nhau rồi xa nhau, rồi một người bệnh chết, rồi một người đứng bên mộ ...  Tôi cho rằng mô típ cổ điển này thua xa lắc Những Đồi Sim của Hữu Loan, hay Bài Thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm. Nhưng trong một lần về quê , chiều ngồi bên mộ thầy tôi,  tôi thấy một chiếc lộc bình đất cũ cắm đơn sơ mấy cánh hồng trắng và mấy cánh hồng đỏ héo úa, tự nhiên tôi nhớ tới bài Blue Roses, và phát hiện ra một chi tiết khá lạ là chàng trai đem tặng cô gái có đủ cả hồng trắng,hồng đỏ. Lạ là bởi vì thường thấy những người yêu nhau tặng toàn hồng đỏ thôi !

Từ cảm xúc đó, về sau tôi lại thấy Blue Roses thực sự hay và thú vị, nhưng thực sự quá khó diễn đạt, bởi vậy phải gần hai năm, bản dịch mới hoàn thành :

NHỮNG NỤ HỒNG XANH

Nhớ thuở hoa hồng hái tặng nhau, 
những màu trắng đỏ gợi mai sau,  
rồi em hờ hững màu hoa cũ,
em thích hồng xanh ở tận đâu !

Từ đó trầm luân cuộc bể dâu, 
tôi đi dường bốn bể năm châu,
tìm nơi có mọc loài hoa ấy, 
năm tháng thêm đầy những nỗi đau…

Một mùa Đông tôi trở lại bên cầu,  
người yêu dấu năm xưa không còn nữa, 
phút cuối em vẫn nhìn ra phía cửa, 
đợi anh về với những nụ hồng xanh !

Này em hỡi, dưới suối vàng hoang lạnh,
nguyện cầu em thấy cánh hoa mơ,
điều tôi tìm giờ vẫn hư vô, 
trần thế vẫn rực rỡ những màu hoa dạo nọ…

Ruyard Kipling
Hoàng Anh Dũng dịch
tháng 10/ 2006

Người dẫn chuyện : Tâm hồn thì không thể dịch được, nhưng mỗi lần đọc lại bài thơ này, tôi vẫn thấy dâng lên cái cảm giác bâng khuâng. Tôi vẫn như thấy hình ảnh một đóa hồng xanh. Tôi vẫn thấy một cách sinh động, hình ảnh nhỏng nhẻo, phụng phịu của cô gái đòi nụ hồng xanh, cái hình ảnh co ro của một gã trai đi trong mịt mùng rét mướt để tìm một cái Ảo cho một Tình Yêu Thực, thế nên đời mới có cái bi tráng uy mãnh của những gã Kinh Kha trong tình yêu :

 Đời vẫn nhớ
 những  gã Kinh Kha
khóc dưới hoàng  hôn.
một lá diêu bông
khóc trong chiều tiễn biệt !
( HAD)

Tôi thầm nghĩ , nếu gã trai trong Blue Roses còn sống tới giờ này thì anh có thể ra phố rồi : hoa hồng xanh bán đầy luôn ! Nhưng như thế thì không còn diêu bông ! Nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ biết tới những chuyện tình diêu bông đầy nước mắt như trong chính Blue Roses, và trong chính cuộc đời cát bụi này .
Liệu chúng ta có cần một chút diêu bông ?

HOÀNG ANH DŨNG
     Cuối Thu 2012
 ---------------
Cả bài thơ lẫn lời dẫn của dịch giả ở trên đều rất hay và hoàn toàn không cần tôi can thiệp vào nữa phải không các bạn. Nhưng tôi vẫn muốn thêm một chút ở đây: Anh HAD không chỉ dịch bài Blue roses một lần như ở trên, mà đã dịch đến mấy lần cơ. Dưới đây là một bản dịch khác, thơ ngũ ngôn. Theo dịch giả thì các bạn trẻ thích bản dịch này hơn vì thấy bài thơ 8 chữ ở trên khá nghiêm trang. Thơ ngũ ngôn thì bao giờ cũng đơn giản hơn, dễ đọc hơn mà. Và tôi, tôi cũng thích bài này hơn dù bài ở trên cũng rất hay. Các bạn đọc nhé.


CHUYỆN ĐÓA HỒNG XANH

Thuở nào hồng đỏ trắng,
tặng nhau mình bâng khuâng !  
chợt một ngày em bảo,
hái hồng xanh cho em !

Từ đó tôi đi tìm, 
đóa hồng xanh mơ ước,
khắp tinh cầu lưu lạc,
đời cười một gã ngông…

Tôi trở về mùa Đông,
em ra người thiên cổ
phút cuối bên khung cửa,  
em có đợi hồng xanh?

Em ơi chốn u linh,   
hẳn có loài hoa ấy,
trần gian thì vẫn vậy,  
đỏ trắng sắc hoa xưa …

Blue Roses
Ruyard Kipling
Hoàng Anh Dũng dịch
          ( 2010)
--------
Bông hồng xanh, bông hồng xanh.... Tôi bâng khuâng tự hỏi, chẳng biết trên cuộc đời này có gã trai khờ khạo nào đã từng đi tìm một bông hồng xanh vì những câu nói bâng quơ của tôi chưa nhỉ? Ai biết đâu đấy?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét