Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Bài thơ Xuân Tân Mão của tôi

Tặng tất cả bạn bè, thân hữu, và bạn đọc blog này bài thơ con cóc mà tôi đã làm nhân dịp Xuân Tân Mão, để thay lời cám ơn và chúc mừng năm mới của tôi đến mọi người.

Thời gian qua tôi im ắng vì có nhiều việc quá, trong đó việc lớn nhất là sự qua đời của mẹ chồng tôi. Bà hưởng thọ 88 tuổi, qua đời rất nhẹ nhàng và nhanh chóng - hơi bất ngờ - như vậy có thể xem là có phúc, nhưng sự kiện ấy cũng làm tôi chùng đi và bận rộn và không thể viết lách gì. Bài thơ tôi đang làm dở dang vào những ngày sát Tết cũng ngưng lại và chỉ mới hoàn tất vào sáng nay thôi.

Chúc mọi người một năm an lành, hạnh phúc.
-----
Mùa Xuân ...
Gió đùa lay đám cỏ
Nụ mai vàng hé nở
Chợt thảng thốt: Xuân về!

Mùa Xuân ...
Trẻ con vui hớn hở
Người già thầm tiếc nhớ
Mộng ước của ngày qua.

Vẳng một tiếng chim ca
Lạc một đôi cánh bướm
Chút hơi sương buổi sớm
Chút giá lạnh trên vai.

Một chút nắng bồi hồi
Một chút xanh thấp thoáng
Một trời vàng bát ngát
Ô kia, Sài Gòn xuân!


Phương Anh 2011

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Đọc TBKTSG, số Tết

Đã trở thành một truyền thống, cứ đến Tết thì người dân Sài Gòn lại hưởng thú đọc báo Xuân. Tôi đang cầm trong tay một trong những tờ báo Xuân như thế, của tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG).

TBKTSG là một trong những tờ báo mà tôi đánh giá cao vì nhiều bài viết có giá trị và những ý tưởng độc đáo. Tuy nhiên, đọc số báo Xuân năm 2011 của tờ TBKTSG năm nay tôi vẫn hơi bất ngờ vì sự ... "không đụng hàng" của nó. Thường thì ngày Tết người ta sẽ nói những chuyện vui vẻ, nói về những điều tốt đẹp, hoặc nói về truyền thống văn hóa lễ hội, ẩm thực, hoặc vui chơi, du lịch, giải trí. Vậy mà “nằm chình ình" trên trang bìa của tờ báo Xuân TBKTSG là một dòng chữ nghe chẳng giống báo Xuân của một tờ báo kinh tế chút nào hết: “Xuân bàn việc thiện”!

Xuân bàn việc thiện, chuyện thật hay chơi vậy ta? Tò mò, tôi lật vào bên trong xem mục lục, quả nhiên thấy "một lèo" 6 bài viết dưới chủ đề "Xuân bàn việc thiện" được đặt ở những trang đầu tiên của tờ báo, từ trang 5 đến 19, với những bài "Cái thắng bên trong" của Nguyễn Ngọc Bích, "Từ chuyện 'tính' người đến chuyện trị nước" của Công Thắng, "Lại nói về 'Những hiến dâng lặng lẽ'" của Đoàn Khắc Xuyên, "Những ngụ ngôn về tình yêu" của Nguyễn Nghị, "Nhớ Chí Phèo" của Lưu Thị Lương, "Để cùng hướng thiện" của Minh Anh phỏng vấn TS Nguyễn Tường Bách với tư cách là nhà nghiên cứu Phật giáo.

Dừng lại đọc, và … tôi thực sự bị thu hút bởi những bài viết mang màu … đạo hạnh khác thường của tờ báo. Chẳng hạn như đây, một số đoạn trích ra từ bài viết đầu tiên, trang 5, của Nguyễn Ngọc Bích:

Ước mong hạnh phúc của chúng ta có các mức độ khác nhau; nhưng khi chúng ta đòi hỏi cao quá, khiến việc làm của chúng ta gây thiệt hại cho mình hay cho người khác thì được gọi là dục vọng, là lòng tham. [...] [L]àm sao để có cái thắng [bên trong] kia?

Thưa nó được "lắp ráp chầm chậm" từ khi ta còn bé. Lúc ấy ta thường tham; thấy trong mâm có món ngon mình thích thì gắp lia lịa, chẳng nghĩ đến ai. Mẹ ta khi ấy sẽ nắm tay ta lại và bảo: "Còn để cho người khác nữa chứ!" [..] Lớn lên, mẹ sẽ không giữ tay ta nữa mà bà chị sẽ lêu lêu để ta ngượng ngập. Sự xấu hổ sẽ là cái thắng bên trong ta. Và nó sẽ to dần. Nhiều tuổi hơn nữa ta sẽ được dạy bảo để sự xấu hổ biến thành sự tiết độ, hay sự tự chế. [...] Và từ xa xưa Platon đã nói: "Tiết độ không gì khác hơn là một trật tự, một cái phanh mà người ta đã đặt cho các khoái lạc và đam mê của mình."

Lạ quá, phải không? Báo Xuân, mà sao lại bắt đầu bằng một bài viết rất giống một bài giảng đạo đức, không khuyến khích ta ăn chơi thả cửa mà lại khuyên ta tiết độ, nghe lạ quá!

Chưa hết. Bài viết thứ hai, của Công Thắng, ở trang 7, thì bàn về "lẽ thiện - ác của thầy Mạnh, thầy Tuân" (tức Tuân Tử, Mạnh Tử). Chỉ nhắc đến tên hai vị này thôi thì cũng đủ biết là vấn đề khô khan rồi. Thông điệp chính của tác giả bài viết có thể tóm gọn trong câu này:

Dù lý tưởng như thầy Mạnh [với quan điểm "nhân chi sơ tính bản thiện"] hoặc thực tế như thầy Tuân [với quan điểm "con người vốn tính ác"] thì điều thú vị là cả hai cuối cùng cũng gặp nhau ở một điểm: con người có thể (và cần) sửa mình để ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Bài "Những hiến dâng lặng lẽ" thì không trực tiếp bàn về đạo đức, mà, như cái tựa bài viết đã nêu, nói về các thầy cô giáo ở miền Trung. Vâng, vào lúc này biết có ai còn nhớ “những cơn lũ dữ ập xuống dải đất miền Trung" trong năm 2010 đã cướp đi sinh mạng của không chỉ một thầy cô giáo của chúng ta hay không? Và liệu có ai có thể không xót xa khi đọc những dòng này:

Trên đường từ nhà đến trường để dạy tiết đầu giờ chiều, thầy Huỳnh Kim Anh [...] đã bị lũ cuốn trôi. Tai nạn xảy ra khi thầy băng qua cầu của thôn Xuân Hòa đúng lúc trời mưa lớn, đường vắng vẻ nên không ai biết để cứu. [...] [Đ]ến 14 giờ thi thể thầy đã được tìm thấy trong dòng lũ. "Thật xót xa khi thầy ra đi đúng ngày trường tổ chức kỷ niệm ngày nhà giáo VN 20-11", giáo viên đồng nghiệp nói.

[...]

Mỗi năm Ngày Nhà giáo được cử hành long trọng, nhưng bao nhiêu người nhớ đến tâm nguyện của những người thầy, bao nhiêu người có thể tự hài lòng rằng mình đã thực sự xứng đáng với sự dâng hiến lặng lẽ của thầy cô khi nền giáo dục vẫn loay hoay chưa tìm được lối đi?

Và rất đáng chú ý là những ý kiến của TS Nguyễn Tường Bách trong bài phỏng vấn về tình trạng “cái ác lấn cái thiện” dường như ngày càng phổ biến ở VN:

Gốc rễ sâu xa của hành vi bạo lực nằm trong sự xuống cấp về văn hóa, trong đó người ta sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề [...]. [Ở] chúng ta các hiện tượng bạo lực có liên quan đến quyền lực. Anh cảnh sát thấy mình có quyền lực trên người bị bắt, cô giáo thấy mình có quyền lực trên việc cho điểm học sinh, bác sĩ thấy mình có quyền lực trên bệnh nhân [...]. Từ quyền lực đi đến bạo lực chỉ là một bước nhỏ, nay đã bị bước qua. Cái khó của chúng ta là đây là một vấn đề văn hóa mà văn hóa thì bắt rễ sâu xa lắm.

[…]
Thời nào cũng vậy, tầng lớp trí thức phải là người nói về các nguy cơ văn hóa khi chúng vừa xuất hiện. Trong xã hội ta hiện nay có rất nhiều người có tâm huyết thuộc đủ các giới, trong Nam, ngoài Bắc, và ta cần có một cơ chế để trí thức có một tiếng nói và sức mạnh độc lập.

[…]

Nếu chúng ta phát triển kinh tế với tốc độ 7-8% mà văn hóa giáo dục không đồng bộ, cái ác ngày càng lan rộng thì […] rất nguy hiểm.

Ngoài cụm bài viết về chủ đề Xuân bàn điều thiện, những cụm bài còn lại cũng mang vẻ trầm tư, tĩnh lặng tương tự như cụm bài đầu tiên: “Xuân tư duy” và “Ôn cố tri tân”. Trong cụm có tên là “Xuân tư duy”, có thể thấy các tác giả tên tuổi như Trần Hữu Dũng, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyên Ngọc, trong đó 2 bài mà tôi đã đọc (vì tương đối ngắn hơn 2 bài kia) và rất thích là bài “Thời vắng những nhà văn hóa lớn” của THD và bài “Về Thăng Long và lên Yên Tử” của NN. Vài đoạn trích dẫn:

Chúng ta có rất nhiều nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư mọi ngành cần thiết cho sự phát triển của đất nước […]. Như vậy không đủ sao? Tôi nghĩ là không đủ. Đúng là chúng ta cần phát triển kinh tế, cần cơm ăn áo mặc, cần một đời sống văn hóa không đến nỗi nghèo nàn …. Nhưng chúng ta cũng cần những bông hoa vượt trội. Dù bầu trời đã lấp lánh muôn sao, chúng ta vẫn cần những ngôi sao thật sáng. Đó là những ngôi sao chỉ đường, bởi lẽ một xã hội phải biết hướng tiến cho văn hóa của xã hội ấy. (THD)

Đoạn trích lời phát biểu rất sâu sắc của Maxim Gorky trong bài viết của NN:

”CM đã gạt bỏ cản trở bên ngoài, trên bề mặt để cho phép tiến hành chữa trị những căn bệnh chí tử của thực tế Nga, nhưng công cuộc chữa trị chỉ được bắt đầu sau CM chứ không phải trong CM, bằng CM. CM đã thành công, nhưng những căn bệnh trầm kha thì vẫn còn nguyên đấy, thậm chí nếu trước kia nó ở trên bề mặt thì bây giờ CM đưa nó lặn vào trong nội tạng chứ không hề tiêu diệt được nó. Và như vậy thì lại còn nguy hiểm hơn, nếu coi mọi việc đã xong và dừng lại. Hoặc cứ tiếp tục theo cách ấy.

Còn đây là đoạn trích cuối cùng mà tôi đưa trong entry này trong bài viết có tên “Sự phản bội mơ hồ” của Nguyễn Quang Thiều. Không trích dẫn thêm, không phải là không có gì đáng đọc, mà vì còn phải để dành cho các bạn đọc nữa chứ:

Khi không có văn hóa thì không biết sống thế nào. Khi những công dân không hiểu văn hóa của dân tộc mình thì đó là những công dân bất hạnh.

[…]

Những di tích văn hóa ngày nay đang bị phá hoại vì lý do gì? Có hai lý do cơ bản: Một, phá hoại do không hiểu biết. Hai, phá hoại do lòng tham và vô trách nhiệm nếu không muốn nói là vô văn hóa. Có không ít những di tích ở một số địa phương đã và đang bị phá hoại. Những ai đã và đang phá hoại những di tích văn hóa này? Đó chính là những người quản lý ở những địa phương đó và những người trực tiếp phục chế hay trùng tu những di tích văn hóa đó.

Đấy, những gì đọng lại của năm 2010, dưới nét phác họa của tờ báo Xuân TBKTSG. Rất nhiều điều đáng suy nghĩ, phải không?

Xin mượn lời của nhà văn NN trong câu những kết bài viết của ông:
[…]Tại sao nền giáo dục của chúng ta cứ như “bỗng dưng” lại ngổn ngang như thế? Chỉ vì nó mãi loay hoay chưa xác định được nhiệm vụ bồi đắp nhận thức và tinh thần của một nền giáo dục cho sự phục hưng dân tộc. […] Nhiều lãnh vực khác cũng vậy. […]

Mùa Xuân này, hãy cùng nghiệm lại xem.

Vâng, chúng ta hãy cùng nghiệm lại. Một phút lắng trong xã hội quay cuồng, đôi khi điên đảo hiện nay. Để tìm thấy chính mình.

Cám ơn tờ TBKTSG Xuân với lời thông điệp rất ý nghĩa cho mùa Xuân này và cho cả năm 2011 sắp đến.