Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Tản mạn cuối tháng Tư (1)

Entry này của tôi sẽ dài, thậm chí có thể rất dài. Vì nói một cách nào đó, nó được viết không chỉ cho những ngày này của năm nay, 2012, mà là cho cả thời gian gần 40 năm tính từ tháng Tư lịch sử đó.

Vâng, tháng Tư, mà nhất là thời điểm cuối tháng Tư, đối với tôi và có lẽ đối với rất nhiều người VN khác nữa, luôn là một thời gian có nhiều cảm xúc. Mọi năm, cứ đến ngày này thì tôi lại viết một chút trên blog, hoặc chỉ để thổ lộ ra cho vơi bớt những cảm xúc đầy tràn cứ ứ lên mà không biết đổ vào đâu, hoặc là một nỗ lực ghi lại những ký ức của tôi như một nhân chứng, để bức tranh lịch sử ấy được đầy đủ các chi tiết hơn, và vì thế hy vọng sẽ chân thực hơn một chút. Dù vẫn biết chắc dù bức tranh có chi tiết và chính xác đến độ nào đi chăng nữa thì  mỗi người vẫn sẽ có những diễn giải và cảm xúc khác nhau về sự kiện lịch sử này.

Nhưng năm nay thì tôi cứ trăn trở mãi, không hiểu có nên viết thêm về ngày này nữa hay không. Một nửa của tôi đã tự nhủ thôi đừng viết nữa, vì nói đi nói lại mãi rồi cũng thế mà thôi. Sẽ vẫn là những ký ức đau buồn, bom đạn của chiến tranh, chết chóc và mất mát, rồi sau đó  là buổi loạn ly, thiếu ăn thiếu mặc, và với một số người kém may mắn hơn là thiếu cả cơ hội học hành và có công ăn việc tử tế. Mà hệ quả tất nhiên là những làn sóng vượt biên mà có lẽ bất kỳ ai ở Sài Gòn vào thời ấy cũng có ít nhiều dính líu – hoặc chính mình đã từng vượt biên.

Những người này, ai thành công thì giờ này đã là Việt kiều, hoàn toàn ổn định ở quê hương mới, ai không thành công, đi mãi không lọt thì đành chấp nhận ở lại VN, rồi trôi dạt vào đâu đó, sống qua kiếp đời bèo bọt. Còn những người kém may mắn hơn nữa thì chẳng bao giờ đến được “miền đất hứa”, mà cũng chẳng quay trở về. Một lần tiễn đưa bỗng trở thành thiên thu vĩnh biệt, đau đớn, đắng cay khôn xiết. Những ký ức u buồn, những vết thương mà dẫu gần 40 năm rồi nhưng khi chạm đến vẫn còn có khả năng làm đau buốt. Vậy thì nhắc nữa, nghĩ nữa để làm gì?

Vâng, một nửa của tôi đã bảo với tôi, “hãy cố quên đi mà sống”, như bấy lâu tôi vẫn làm, suốt gần 40 năm ròng rã, từ ngày tôi chỉ mới là một đứa trẻ 15, đúng bằng tuổi con gái tôi ngày nay, cho đến khi đã trở thành một bà già tuổi ngoại ngũ tuần. Nhưng nửa kia của tôi thì sao vẫn muốn viết, vì không khí của những ngày này – cái nóng cháy da cháy thịt, và những trận mưa hối hả của tháng Tư – sao vẫn gây cho tôi những cảm xúc mãnh liệt như bao giờ.


Và thế là tôi lại hì hục ngồi vào máy tính để viết.  Thực ra, tôi đã bắt đầu một bài viết cho tháng tư của năm nay được ít lâu rồi, một bài viết với tựa đề là “Cảm xúc tháng tư”. Nhưng quả thật, không hiểu sao năm nay tôi chỉ viết được vài giòng thì ngưng lại, không viết được nữa. Vì tôi thấy bài viết của mình sao nhạt nhẽo, dường như không còn cảm xúc thực sự nữa. Mà nếu không có cảm xúc thì viết để làm gì cơ chứ?

Tại sao, tại sao, tại sao nhỉ? Phải chăng vì thời gian đã đủ lâu để vết thương thành sẹo và không còn đau đớn nữa? Nhưng nếu thế thì tại sao chỉ mới năm ngoái thôi tôi vẫn còn viết được một bài dài, mà là viết liền một mạch trong xúc động, và bài viết đó cũng làm xúc động nhiều người? Hay tại năm nay ở thời điểm này có quá nhiều sự kiện khiến tôi bận rộn và không còn thì giờ để nghĩ đến cái gì khác nữa?

***

Có lẽ thế thật. Năm nay, rõ ràng là chủ đề 30/4 không còn chiếm ngôi vị hàng đầu trong tâm trí của tôi nữa. Có thể là vì chỉ mới vài tháng nay thôi, tôi bỗng tìm lại được một lúc đến mấy chục người bạn cũ cách đây đến gần 40 năm, những người cùng với tôi ngồi trong ngôi trường trung học cổ kính trăm tuổi ấy, cùng trải qua với tôi những ngày gian khó nhất của ngày đầu “giải phóng”. Trong số những người bạn ấy, đến quá nửa giờ đây đang sinh sống ở nước ngoài, những người đã (cảm thấy) không thể sống được ở quê hương, phải “bỏ xứ ra đi”, “tha phương cầu thực”. Chắc chắn là họ đã vô cùng vất vả trong những năm đầu, nhưng nay hoàn toàn hội nhập với quê hương thứ hai của mình, có thể giàu có hoặc chỉ đủ ăn, thậm chí chật vật, nhưng vẫn đĩnh đạc với tư cách là những công dân Âu Mỹ với những giá trị của xã hội ấy. Dù bên ngoài họ vẫn là người Việt (well, gốc Việt), vẫn nói tiếng Việt và ăn đồ ăn Việt, có lẽ với ít nhiều biến tấu, bắt buộc hoặc tự nguyện.



Trò chuyện (chủ yếu là qua mail), quan sát (theo nghĩa bóng, tức là chủ yếu qua những hình dung và tưởng tượng của tôi qua những gì mà các bạn ấy viết), và ngẫm nghĩ về những người bạn cũ nay lưu lạc khắp bốn phương trời đã ngốn hết của tôi không biết bao nhiêu thời gian. Những người bạn ấy sống trong một môi trường văn hóa-chính trị-xã hội hoàn toàn khác với chúng tôi, đã rất quen với một nền giáo dục tự do, nơi sự tự do về tư tưởng và ngôn luận là những quyền cơ bản không thể bị tước đi (unalienable rights đấy nhé), có quan điểm giáo dục cởi mở đối với con cái, chấp nhận và thậm chí khuyến khích sự độc lập của thế hệ trẻ.


Nói tóm tắt, tất cả những điều mà chúng tôi (hay ít ra là tôi, người làm trong lãnh vực giáo dục, và cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của nền giáo dục phương Tây mà tôi đã may mắn (rủi ro?) được hưởng) luôn đặt làm mục tiêu phấn đấu, luôn nói về nó như một đích đến cho mọi sự cải tổ, đổi mới, một ước mơ đẹp đẽ, ngọt ngào mà ai cũng mong ước nhưng trong thâm tâm thì cũng không dám tin chắc đến bao giờ cái thiên đường giáo dục ấy mới có thể đến được cho các thế hệ tương lai của VN, thì đối với họ, tất cả đã là một hiện thực hiển nhiên mà họ được hưởng free, không ai đánh thuế!



Nhìn sự phát triển ổn định của họ, và nhất là nhìn trưởng thành, tự tin, lạc quan và chững chạc của con cái họ, những người đã “chạy trốn” khỏi mảnh đất hình chữ S tang thương này vào những năm mà cuộc sống khó khăn đến tưởng chừng không vượt qua được, thì những ký ức về 30/4 và thời VNCH, về những khổ đau, mất mát mà chúng tôi – và tất cả chúng ta – đã trải qua, bỗng trở nên vô cùng mờ nhạt và vô nghĩa. Và điều thực sự đáng quan tâm, câu hỏi có ý nghĩa duy nhất đối với tôi  vào lúc này, vâng, vào dịp lễ kỷ niệm 30/4 năm nay, là, chúng ta, những con người VN đang ở VN và cả những người ở khắp nơi trên thế giới nữa, bất chấp khuynh hướng và quan điểm chỉnh trị, chúng ta cần làm gì và sẽ làm gì với tương lai sắp đến của chính chúng ta, của con cái chúng ta, của cộng đồng, và to tát hơn, trừu tượng hơn nhưng không kém phần chân thực, là của quê hương, đất nước chúng ta?



Viết đến đây tôi bỗng nhớ  lại lời của một người bạn học thời đại học, những lời đã tóm gọn được một cách những suy nghĩ tản mạn của tôi, điều mà tôi đang đau đáu hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong “mùa 30/4” năm nay, đó là , “Bọn mình phải làm gì  để thoát ra hả PA, hay là vẫn sẽ tiếp tục sống như thế này?” Một câu hỏi mà bạn tôi đã gửi bâng quơ trên facebook.



“Thoát ra, hay tiếp tục sống như thế này”, theo như tôi hiểu, hoàn toàn không giống như những năm 1980 khi những người VN ra đi trước hết là để tìm kế mưu sinh, mà là một tiếng kêu, một sự đòi hỏi khẩn thiết về những giá trị tinh thần, dù mơ hồ nhưng cũng rất thật, như sờ thấy được.


Thoát ra, hay tiếp tục chấp nhận những quyết định vô lý của những người có chút quyền hạn – kể cả dù chỉ cỏn con – trong hệ thống, chẳng hạn như bắt buộc đóng tiền mua đồng phục học sinh, bắt buộc đóng các loại phí cho nhà trường phổ thông một cách tự nguyện trong một đất nước xã hội chủ nghĩa, dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản thối nát, chấp nhận phải đổi giờ làm, giờ học vào những thời gian tréo ngoe và phi lý, phi sư phạm nhất, chấp nhận đóng thuế xe hơi, và chấp nhận không có quyền sở hữu đất đai vì nó đã thuộc sở hữu toàn dân (mặc dù trong số toàn dân ấy trên nguyên tắc đã có từng người trong chúng ta)….



Thoát ra, hay tiếp tục chấp nhận mọi thông tin đều phải được định hướng, mọi diễn giải ý nghĩa thông tin đều đã có người làm giúp, chấp nhận không nói khác, hoặc thậm chí nghĩ khác, những gì mà hệ thống đã phê duyệt và đưa ra làm những quan điểm chính thống. Chấp nhận đối phó, luồn lách, quan hệ, đút lót, mua chuộc, nếu không muốn chịu luôn luôn thua thiệt.

Chỉ kể ra sơ sơ thôi là tôi đã thấy ngột ngạt rồi, mặc dù từ lâu rồi tôi không còn phải quá lo lắng về cơm ăn, áo mặc hàng ngày như cách đây vào thập niên nữa. Vì vậy, câu hỏi lớn nhất, mối quan tâm lớn nhất của tôi trong dịp 30/4 năm nay là, chúng ta – những người VN hiện đang sinh sống trên dải đất hình chữ S thân yêu này, chúng ta sẽ làm gì, hay cứ tiếp tục sống như thế?



***

(còn tiếp)