(Bài viết cho báo, gửi đi từ đầu tháng 12, nay đăng lên blog cho bạn bè cùng đọc.)
Sài Gòn, tháng mười hai …
Phương Anh
------------
Sài Gòn, lúc này trời đã hơi lành lạnh. “Lạnh”ở đây là một khái niệm hết sức tương đối, khoảng chừng 24, 25 độ, nói theo cảm nhận của dân Sài Gòn, nơi thời tiết quanh năm nắng ấm. Một nơi không có mùa Đông, như câu thơ đẹp đã được phổ nhạc của một anh lính Bắc khi đón “mùa Xuân đầu tiên” đầy ấn tượng đẹp đẽ ở Sài Gòn sau năm 1975: Anh ở trong này chưa thấy mùa Đông/Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ....
Tháng 12, những tờ lịch cuối cùng của năm đã sắp rơi xuống hết. Bước ra đường, không khí Giáng Sinh đã tràn ngập. Các cửa hàng, tiệm ăn lớn nhỏ đều thấy đẹp đẽ, sáng sủa hơn, đón chờ một mùa ăn chơi, mua sắm mới. Dù năm 2013 không phải là một năm may mắn và thịnh vượng như những lời chúc tốt đẹp đầu Xuân mà mọi người Sài Gòn luôn hào phóng ban phát cho nhau.
Đã lại thấy xuất hiện, một năm đúng một lần tại Sài Gòn, cảnh mùa đông với thông xanh và tuyết phủ. Những cây thông xanh tươi được vẽ lên, dán lên cửa kính của các cửa hàng, các văn phòng ở khắp nơi. Những cây thông bạc trắng xóa làm bằng giấy kim loại lấp lánh dựng ở khu vực tiếp tân của các văn phòng hoặc đặt nơi sảnh của khách sạn, các trung tâm thương mại sang trọng mà nhữ người dân Sài Gòn một năm chỉ bước chỉ một vài lần, và trong khoảng chừng 5 lần bước vào thì chỉ có một lần mua một món đồ gì đó khi có big sale giảm giá còn dưới 50% so với giá gốc. Những cây thông xanh thẫm quanh những khu bán đồ Noel, những cây thông đắt tiền nhập từ nước ngoài và cả những cây thông “nội địa” rẻ tiền được làm thủ công bằng đôi bàn tay khéo léo của người Việt, với nhánh cây khô, những cọng rơm được tết lại và quét sơn xanh, hơi thô thô, xù xì mà lại tự nhiên hơn, giống thật hơn.
Cây thông ở khắp nơi, năm nào cũng thấy, dù chỉ là cây giả, nên hình ảnh của nó thân thuộc đối với người Sài Gòn như cây dừa, cây chuối. Thậm chí, có lẽ đối với đám trẻ con Sài Gòn thì cây thông còn quen thuộc hơn là cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, mùa này đang oằn mình trĩu nặng với những hạt lúa chín vàng ôm trong lòng những hạt gạo như những hạt ngọc trắng thơm tinh khiết.
Sài Gòn mùa này ở khu trung tâm Quận 1 có lẽ không khác lắm với những khu thương mại ở Singapore, Malaysia hay Philippines. Tưng bừng một mùa mua sắm, ăn chơi, và chuẩn bị đón mừng năm mới 2014. Nhưng để hiểu được không khí thật của tháng 12 tại Sài Gòn, bạn hãy đi ra khỏi trung tâm để đến những quận xa hơn, ở vùng ven. Vào mùa này, đi về phía Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Hóc Môn, những khu lao động nghèo có nhiều người Công giáo, ta mới nhận được đầy đủ cái cảm giác giao mùa.
Có một cái đó gì trong không khí, lúc thì mơ hồ khi lại rõ mồn một, như là sự chờ mong, sự tất tả chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng, một ánh lạc quan bừng lên trên những khuôn mặt xạm đen mà ngày thường vẫn chất chứa âu lo. Hình như ông xe ôm cộc cằn bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn, bà bán thịt đanh đá nói năng tử tế hơn, và con nhỏ bán rau cau có hàng ngày nay bỗng dễ thương hơn, thỉnh thoảng khi đưa bó rau cho khách còn biết nhoẻn một nụ cười, nhẹ nhàng nhận tiền từ tay khách chứ không giựt phăng thô lỗ làm cho khách chưng hửng như mọi hôm.
Đi qua các xứ đạo, đã thấy các nhà thờ chộn rộn chuẩn bị làm hang đá, ngôi sao. Những buổi lễ chủ nhật dường như đông đủ giáo dân hơn; mọi người ăn mặc có tươm tất hơn, ánh nhìn như tươi vui hơn, dù năm qua chắc chắn là một năm vô cùng vất vả. Sau buổi lễ, thanh niên nam nữ trong giáo xứ chưa vội về nhà mà còn nán lại, nhóm dọn dẹp sân nhà thờ, ngắm nghĩa chỗ đặt hang đá, nhóm lo làm thiệp, trang trí cây thông, các ca đoàn thì lo tập lại những bài hát sẽ hát trong đêm Giáng Sinh, tất cả với một không khí rộn ràng của một mùa lễ hội.
Và những bản nhạc Giáng Sinh đã bắt đầu vang lên rộn rã đó đây. Những bản nhạc cổ điển sang trọng và thánh thiện của nhà thờ phương Tây sáng tác từ cách đây mấy trăm năm nhưng giờ đã hoàn toàn Việt hóa (Đêm thanh nghe tiếng hát của thiên thần …), những bản nhạc do các nhạc sĩ-linh mục Việt sáng tác cho giáo dân Việt mang đậm chất tôn giáo, ca ngợi Thiên Chúa Giáng Sinh (Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa/ Trong hang Bê-lem, ánh sáng tỏa lan tưng bừng …) , và cả những bản nhạc của một nền “âm nhạc thị trường” miền Nam trước năm 1975, cả nhạc Tây lẫn nhạc ta, tiếng ta lẫn tiếng Tây (Bài thánh ca đó còn nhớ không em/ Nô-en năm nào chúng mình có nhau …; You’d better not cry I’m telling you why, Santa Claus is coming to town …), tất cả đều có cơ hội vang lên bình đẳng như nhau. Kể cả những bài hát Giáng Sinh mà trong đó có hình ảnh người lính Cộng hòa năm cũ:
Lại một Nô-en nữa/ Mấy mùa Giáng Sinh rồi/ Anh ở đồn biên giới/ Thương về một khung trời./ Chắc Đà Lạt vui lắm …
Không rõ Đà Lạt có vui lắm không, nhưng chắc chắn mùa này Sài Gòn vui lắm. Tháng 12 ở Sài Gòn, mùa Giáng Sinh. Mùa của hy vọng, của niềm tin, của hòa bình. Hòa bình cho thế giới, hòa bình cho những người thiện tâm, hòa bình trong lòng người Sài Gòn, xóa đi mọi vách ngăn chia rẽ. Như trong những câu cuối cùng của bài hát Giáng Sinh đã lừng lẫy một thời trước năm 1975 và sẽ vẫn nổi tiếng mãi mãi về sau:
Cùng cầu cho thế giới/ Cho nhân loại hòa bình/ Cho chúng ta gặp lại/ Trong một mùa Giáng Sinh.
Thương yêu lắm, Sài Gòn tháng mười hai ….
(Viết xong 1/12/2013)