Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Kẻ thù ta đâu có phải là người ...

Đó là câu đầu tiên, cũng là câu được nhắc lại nhiều lần, trong bài hát có tựa là "Kẻ thù ta" của Phạm Duy sáng tác năm 1965. Vào thời điểm mà chiến tranh Việt Nam bắt đầu leo thang trên toàn quốc, kéo theo cả một thập niên máu lửa tơi bời, khi người Việt hai miền lao vào bắn giết lẫn nhau trong cuộc chiến mà lúc ấy ở miền Nam vẫn được gọi là chiến tranh ý thức hệ, còn miền Bắc thì gọi là chiến tranh giải phóng dân tộc, một cuộc máu chảy đầu rơi khốc liệt chưa từng có trong lịch sử của đất nước.

Bài hát này hồi ấy tôi không thấy hay, một phần có thể là vì tôi còn nhỏ quá chưa hiểu hết ý nghĩa của nó (năm 1965 tôi mới 5 tuổi, theo gia đình từ Phan Thiết vào SG, mặt bầu bĩnh mắt tròn ngơ ngác như trong mấy tấm hình mà đến giờ tôi vẫn còn giữ sau gần nửa thế kỷ). Nhưng rõ ràng bài hát ấy không mấy nổi tiếng vì không thấy phổ biến lắm, trừ hai câu đầu tiên rất có ý nghĩa mà tôi nghĩ ai đã sống qua thời VNCH ở miền Nam đều biết. Nhưng hôm nay nghe lại bài hát này trong bối cảnh Việt Nam đang bị người "bạn vàng, đồng chí tốt" xâm lấn, và nhiều vấn đề của cuộc chiến tranh 54-75 đang được chính thức hoặc không chính thức đặt lại và nhận thức lại, tôi thấy bài hát quá thâm thúy. 

Không chỉ sâu sắc về lời, mà giai điệu cũng rất phù hợp với hoàn cảnh của thời ấy. Nó gợi nhớ phong trào phản chiến thời thập niên 1960s ấy (thập niên mà tôi sinh ra và lớn lên cùng, một thế hệ lầm lạc - lost generation), và làm cho lòng ta nặng trĩu khi nhớ lại một thời đã xa và những cơ hội đã bị bỏ lỡ.

Vâng, kẻ thù ta .... Kẻ thù ta đâu có phải là người? Nó nằm đây nằm đây ở mỗi ai, người Việt ơi!

Xin chép lại để lưu và để mọi người VN cùng suy ngẫm.

-----------------
Kẻ Thù Ta (Tâm ca số 7)
Phạm Duy (1965)
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Kẻ thù ta tên nó là gian ác
Kẻ thù ta tên nó là vô lương
Tên nó là hận thù
Tên nó là một lũ ma (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Kẻ thù ta mang áo mầu chủ nghĩa
Kẻ thù ta mang lá bài tự do
Mang cái vỏ thật to
Mang cái rổ danh từ
Mang cái mầm chia rẽ chúng ta (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Người người ơi thương xót người nhỏ bé
Người người ơi thương xót người ngây thơ
Thương xót người bị mua
Thương xót người bị lừa
Thương xót người thương xót ta (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai  
Kẻ thù ta tên nó là vu khống
Kẻ thù ta tên nó là vô minh
Tên nó là lòng tham
Tên nó là tị hiềm
Tên nó là sự ghét ghen (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai  
Kẻ thù ta trong mắt thèm lơ láo
Kẻ thù ta trong góc đầu tự kiêu
Trong cõi lòng quạnh hiu
Trong óc hẹp tiêu điều
Trong giấc mộng xâm chiếm nhau (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nẵm đây nẵm ngay ở mỗi ai  
Người người ơi yêu mến người mãi mãi
Người người ơi yêu mến người không nguôi
Yêu mến người đầy vơi
Yêu mến người đêm ngày
Yêu mến người ta nắm tay (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai.


https://www.youtube.com/watch?v=79MzqJaG4AQ


Trung Hoa nhật báo lại viết gì về Biển Đông thế ạ?

Cả ngày nay - nói đúng hơn là cả hơn tháng nay - tôi chẳng làm gì được ngoài việc mò mẫm thông tin trên mạng về Biển Đông. Chẳng biết là may hay là rủi, mới sáng ra tôi đã vớ được bài viết mới của một "học giả" Trung Quốc đăng trên China Daily với nhiều lập luận mà đọc lên thì biết ngay là ngụy biện nhưng cũng khá nguy hiểm đối với những người vẫn còn mơ hồ và vẫn giữ cách tư duy như cũ. Tất nhiên là tôi rất bực, và vì thế cứ quanh đi quẩn lại với bài viết ấy, mất hết cả ngày.

Bài viết ấy ở đây: http://usa.chinadaily.com.cn/opinion/2014-06/14/content_17587122_2.htm

Xin trích dịch vài đoạn để các bạn có thể hiểu được tại sao tôi lại khó chịu đến thế:

Các nhà lãnh đạo VN nói rằng TQ đã cưỡng chiếm toàn bộ "quần đảo Hoàng Sa" vào năm 1974, lúc ấy còn đang được kiểm soát bởi chế độ Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn đã tổ chức một cuộc hải chiến năm 1974 tại quần đảo Hoàng Sa và kêu gọi sự giúp đỡ của đồng minh của mình lúc ấy là Mỹ, đồng thời yêu cầu Hội đồng bảo an LHQ can thiệp. Nhưng cả Mỹ lẫn Hội đồng bảo an LHQ đều không ủng hộ yêu cầu này. Điều này có nghĩa là cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Mỹ, chưa bao giờ tin vào cáo trạng hoặc yêu sách của chế độ này.
[...]
Vậy bây giờ, 39 năm sau khi đánh bại nước Mỹ, tại sao CHXHCN Việt Nam lại muốn sử dụng yêu sách của VNCH để gây xung đột ở biển Hoa Nam? Phải chăng các lãnh đạo hiện nay của VN đang phản bội Hồ Chí Minh và những chiến sĩ cách mạng khác, xúc phạm đến sự hy sinh của hàng trăm ngàn đồng bào đã ngã xuống để chống ngoại xâm, và phủ nhận sự ủng hộ quý báu của các đồng minh trong cuộc chống lại chủ nghĩa thực dân khi dùng lại yêu sách của chế độ Sài Gòn tay sai bán nước?
 [...]
Các nhà lãnh đạo VN tuyên bố rằng không có quốc gia nào thừa nhận rằng quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc về Trung Quốc. Đây là một lời nói dối trắng trợn, vì chính VNDCCH  là nước đứng đầu danh sách các quốc gia công nhận chủ quyền của TQ trên các quần đảo này.

Còn đây là đoạn kết, giọng điêu đầy thách thức:

Việt Nam đã tuyên bố rằng nó có sẵn bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh yêu sách của mình tại biển Hoa Nam, và đang chờ đến lúc thuận tiện để đưa TQ ra tòa án công lý quốc tế. Nếu quả là như thế thì VN chớ quên đưa ra công hàm PVĐ và tuyên bố của VNDCCH (năm 1965) cũng như các bản đồ và sách giáo khoa mà nó xuất bản trước năm 1975, cùng với bản cáo trạng ấy.

Các bạn thấy sao? Ban đầu khi đọc bài này, tôi vừa tức giận vừa cảm thấy lo sợ. Có vẻ như chúng ta yếu thế quá, còn họ thì mạnh quá. Thì họ đã lấy ngay chính chúng ta để chống chúng ta rồi đó: nào là công hàm PVĐ, nào là bản đồ và SGK, rồi tuyên bố năm 1965 gì đấy. Kiểu này thì VN chỉ có nước thua mất thôi.

Nhưng rồi tôi bình tĩnh đọc lại, và thấy buồn cười. Ừ thì TQ có mấy thứ "bảo bối" mà bài viết đã nêu ra, trong đó nặng ký nhất là công hàm PVĐ, còn những thứ kia chỉ phụ thêm. Đúng là VN có chút ít khó khăn với công hàm PVĐ thật, nhưng chẳng lẽ chỉ với công hàm đó thôi rồi đưa ra tòa thì quốc tế sẽ công nhận chủ quyền cho TQ dược ư? Vậy những bằng chứng hùng hồn và có tính pháp lý của VN về chủ quyền trên Hoàng Sa thì họ định bỏ đi đâu?

Nếu chủ quyền lãnh thổ mà quốc tế lại công nhận dễ dàng đến thế, thì sau vụ này các nước sẽ ra sức nhắm vùng lãnh thổ nào đó thuộc chủ quyền của nước khác nhưng vẫn còn hoang vắng ít người, sau đó xúi một nước thứ ba viết giấy công nhận chủ quyền cho mình, rồi sau đó sẽ được quốc tế công nhận hết chăng? Vớ vẩn quá.

Tôi không phải là luật gia, cũng chẳng phải là chuyên gia về quan hệ quốc tế, nên không thể và cũng không nên lạm bàn thêm. Chỉ xin có vài lời phản biện dựa trên chính logic của bài viết thôi.

1. Chính quyền Sài Gòn đã tổ chức một cuộc hải chiến năm 1974 tại quần đảo Hoàng Sa và kêu gọi sự giúp đỡ của đồng minh của mình lúc ấy là Mỹ, đồng thời yêu cầu Hội đồng bảo an LHQ can thiệp. Nhưng cả Mỹ lẫn Hội đồng bảo an LHQ đều không ủng hộ yêu cầu này. Điều này có nghĩa là cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Mỹ, chưa bao giờ tin vào cáo trạng hoặc yêu sách của chế độ này.

Đây là điều hoàn toàn ngụy biện. Khi anh kêu gọi mà người khác không giúp đỡ, thì có thể có rất nhiều lý do, mà đơn giản nhất là do họ cảm thấy không có lợi gì khi giúp anh, thế thôi. Một lý do khác là họ muốn nhưng không đủ điều kiện để giúp. Không thể dùng việc họ không giúp để làm "chứng cớ" rằng Hoàng Sa không thuộc về VNCH được.

2. Vậy bây giờ, 39 năm sau khi đánh bại nước Mỹ, tại sao CHXHCN Việt Nam lại muốn sử dụng yêu sách của VNCH để gây xung đột ở biển Hoa Nam? 

Tại sao đánh bại nước Mỹ rồi thì không sử dụng yêu sách của VNCH để đòi lại một phần lãnh thổ của VN được nhỉ? "Logic" này khó hiểu quá. Việc nào ra việc đó chứ? Nói thẳng ra, thưa ông "học giả", đây là một chiêu nhằm chia rẽ dân tộc VN, nhưng trò này vừa cũ vừa thô thiển quá, chúng tôi không mắc bẫy đâu ạ. VN với Mỹ, Pháp, Nhật đều là cựu thù đấy thôi, mà giờ còn trở thành bạn tốt của nhau được, thì dân VN hai miền sao lại không thể quên đi quá khứ nhỉ? Còn riêng TQ thì không những từ thù thành bạn, mà còn là bạn vàng bạn tốt nữa kia, ông quên rồi sao?

3. Các nhà lãnh đạo VN tuyên bố rằng không có quốc gia nào thừa nhận rằng quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc về Trung Quốc. Đây là một lời nói dối trắng trợn, vì chính VNDCCH  là nước đứng đầu danh sách các quốc gia công nhận chủ quyền của TQ trên các quần đảo này.

Ở đây, chỉ xin hỏi ông "học giả" một câu: ông có thể kể ra thêm một vài quốc gia khác ngoài VNDCCH (hoặc các nước trong khối "XHCN anh em") đã "công nhận chủ quyền" của TQ trên hai quần đảo HS-TS không? Nếu ông không kể được, thì chính ông mới là người nói dối trắng trợn đó ạ.

Buồn cười thật, phải không các bạn?

Nói thêm: Buồn cười thì buồn cười, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể xem thường những bài viết như thế này. Nước chảy đá mòn, họ nói mãi thì thế giới sẽ nghe. Nhà nước Việt Nam cần nhanh chóng hoàn tất hồ sơ kiện TQ ra tòa án quốc tế đi ạ (tất nhiên là phải cẩn thận và chuyên nghiệp), vì làm như thế chẳng mất gì, chỉ được thêm sự ủng hộ của người dân mà thôi.  

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Nghĩ vụn về những gã đàn ông và một cô gái nhỏ

Nhã Thuyên:
Tôi không nói những lời này để kết thúc một sự việc, chỉ là để khép lại một đoạn đường. Và dù tôi đã làm bạn thất vọng lẫn lo âu, tôi chỉ muốn nói cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn… Cảm ơn vì đã gặp, đã biết, đã nghe, đã va chạm, đã hiểu, đã yêu nhau, dù chỉ trong những khoảnh khắc.

Lúc này, tôi chỉ muốn nói yêu.
-----------
Tôi chưa bao giờ nặng lời về đàn ông VN. Vì tôi nghĩ như thế là vơ đũa cả nắm, và bất công. Vì tôi kính trọng cha tôi, yêu người đàn ông duy nhất của đời tôi, cũng như quý mến những người đàn ông khác là thầy, là bạn, là đồng nghiệp mà tôi biết.

Nhưng đọc xong những dòng "Thư cuối năm", cũng là entry gần đây nhất (dù đã cách đây hơn 3 tháng) trên blog của Nhã Thuyên, cô gái vừa bị tước bằng thạc sĩ ở ĐH SP Hà Nội (ai chưa biết có thể google để biết) rồi nhớ lại những gì người ta đã viết và đã làm với cô gái nhỏ ấy (trong độ tuổi 20, vừa bằng tuổi con tôi), thì tôi bỗng thấy vừa phẫn nộ vừa ghê sợ những gã đàn ông có liên quan đến "vụ Nhân văn Giai phẩm hiện đại" này. Và ghê sợ đàn ông Việt Nam nói chung, vì quả thật những gã đàn ông như vậy ở VN sao nhiều quá.

Thử nghĩ xem: Một bên là rất đông những kẻ có tuổi bằng cha cô ấy, có bằng cấp, có chức vụ, có quyền lực, có cả truyền thông và đám đông sẵn sàng hùa theo tung hô đả đảo. Một bên là một cô gái trẻ, yêu văn học, liều lĩnh tìm cho mình một con đường mới, chọn một góc nhìn mới, và nói lên những điều mình tin với một sự can đảm không ngờ. Cô ấy chỉ có một mình - hoặc đúng hơn, là còn một phụ nữ khác đồng cảnh ngộ, người hướng dẫn của cô ấy, bà Nguyễn Thị Bình, giờ đã bị buộc nghỉ hưu trong khi lẽ ra bà còn có thể làm việc thêm 7 năm nữa. Hai người phụ nữ chân yếu tay mềm, một thầy một trò, bị một bọn (xin lỗi về từ này) đàn ông xúm vào đánh hội đồng. Thật không thể tưởng tượng được.

Tôi nặng lời quá phải không? Không đâu, hãy đọc những lời lẽ của Nguyễn Văn Lưu, Vũ Hạnh, Đông La ... khi viết về Nhã Thuyên (có thể tìm trên mạng), rồi đọc lời lẽ trong bài viết của cô gái trẻ ấy, để đánh giá xem sự phẫn nộ và ghê sợ của tôi như trong những dòng chữ này đã đủ nặng nề chưa.

Vâng, cô gái ấy chân yếu tay mềm và không có một tấc sắt trong tay làm vũ khí. Họ, những gã đàn ông ấy, đã không hề run tay hoặc có chút mủi lòng khi triệt hạ cô, đã ra sức sử dụng những ngôn ngữ thô bỉ và lý lẽ khốn nạn nhất để đạt được mục đích. Họ đã xúm nhau vào, những gã đàn ông sức dài vai rộng, trổ hết những ngón nghề lừa lọc xảo trá của mình để tước đi của cô ấy nghề nghiệp, bằng cấp, niềm tin vào cuộc đời, vào lòng tốt của con người, vào sự tồn tại của lẽ công bằng và điều thiện. Giờ đây, chắc họ đã rất hài lòng, bởi họ đã tước đi của cô ấy gần như không còn gì cả. Chỉ còn mỗi một điều họ không làm được, đó là tước đi của cô ấy sự lương thiện và lòng tự trọng. Mà những cái ấy thì họ cho là không có giá trị, không đáng quan tâm, vì bản thân họ không thấy cần đến chúng bao giờ!

Còn cô gái ấy thì chỉ nói cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn. Và bây giờ, cô chỉ muốn nói yêu ...
--------------

Đọc lời tâm sự của Nhã Thuyên ở đây: http://junglepoetry.wordpress.com/2013/12/23/thu-cuoi-nam/

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Friends, there is no escape!

Tôi chưa bao giờ làm thơ bằng tiếng Anh, nên đây là bài thơ tiếng Anh đầu tay của tôi, dù tôi đã đụng chạm đến văn chương viết bằng tiếng Anh từ năm 18 tuổi - tức là cho đến nay đã 36 năm rồi.

Làm thơ tất nhiên phải có cảm hứng. Mà cảm hứng chỉ đến với tôi bằng tiếng Việt chứ chưa bao giờ bằng tiếng Anh cả. Là vì bạn bè tôi, người thân của tôi vv đều nói tiếng Việt.

Chỉ riêng có một nhóm bạn nho nhỏ của tôi - vài chục đứa - thì khi nhớ về nhau lại có thể có cảm xúc bằng tiếng Anh. Là vì chúng tôi học với nhau, giao tiếp với nhau 4 năm trời, bằng thứ tiếng ấy.

Chẳng phải chúng tôi vọng ngoại hay lên mặt với ai. Mà vì thời ấy - năm 78 đến 82 - nếu chúng tôi không cố nói tiếng Anh với nhau, thì có nghĩa là chúng tôi đang học một tử ngữ chứ không phải là sinh ngữ. Tức là chỉ nhìn trong cuốn sách, tra từ điển, đọc dịch, ngữ pháp vv mà không có chút giao tiếp nào giữa những người nói cùng thứ tiếng. (Nói theo kiểu bây  giờ thì đó là học ngoại ngữ bằng phương pháp câm điếc đấy ạ!)

Và cũng chính nhờ đã từng nói tiếng Anh với nhau mà chúng tôi đều khá. Ra trường, trừ tôi ở lại với nghề "bán rẻ cháo phổi ế" (well, thời ấy có ai thèm học tiếng Anh, người ta đổ xô học tiếng Nga mà lúc ấy VN còn đang nhìn như một mẫu hình lý tưởng để phấn đấu), thì bạn bè tôi với vốn liếng ngoại ngữ mà chủ yếu là tự học (vì thầy thì đi vượt biên cả, sách báo TV radio vv hoàn toàn không có) đều thành đạt trong những nghề nghiệp mà mình đã chọn.

Nên bây giờ tôi mới có hứng làm thơ tặng bạn bè của lớp cũ bằng tiếng Anh. Làm một mạch, chẳng cần trau chuốt. Đọc lại, tôi thấy cũng ... hay, ha ha ha! Dù chẳng hiểu người khác thấy thế nào.

Thôi, đã làm rồi, thì cứ chia sẻ thôi. May thì được comment khen, rủi thì bị comment chê là viết dở thế mà cũng khoe. Tệ nhất là không ai thèm đọc, cái ấy mới là đáng sợ, nhỉ.

Riêng tặng những người bạn lớp AV78 của tôi.

-----------------------------------
We call one another friends
Because we were in the same class
In Vietnamese we have a word and a category for that
"Bạn học của tôi"
We are a special kind of friends, and there is no escape
Because we have shared all the fun 
And the joys and the pains in times past
Because we have added to one another's successes
(Often not knowingly)
And because we have been there in one another's tragedies
Making them a lot lighter when they lasted
Being a friend is a fate, mind you
And there is no escape!

So friends, please bear with me
When you are angry, don't forget
We have laughed together
We have cried together
We have even quarrelled with one another
And said many times that we would forever end our friendship 
But when we refer to one another as a category, we still have to say
He or she or they - named such and such - are my friend(s)
Because in Vietnamese we have a special name for people like that
It's so frighteningly true
That there is no escape
And the only thing you can do, dear friends
Is to make our friendship better while it lasts
Because there will never be an escape!

(19/3/2014)

Bài thơ chân thật (A true poem by Lloyd Schwartz - PA dịch)

Bạn bè cũ thời đại học của tôi, giờ đã 32 năm rồi kể từ khi bọn tôi ra trường.

Cái lớp ấy, mỗi người một tính nết. Lắm tài, nhiều tật. Trong đám nhiều tật nhất (dù không phải là nhiều tài), chắc chắn có tôi.


Bọn lắm tài nhiều tật ấy, giờ đang xích mích giận hờn, chỉ vì những điều vô cùng nhỏ nhặt, vớ vẩn. Giận nhau, có người tuyên bố không còn xem những người khác là bạn. Trong khi tận thâm tâm từng người, tôi tin rằng ai cũng biết mọi người đều là những người bạn thật tốt, vì mấy chục năm vẫn còn quan tâm giúp đỡ nhau.

Khi tin rằng bạn mình nghĩ sai, hành động sai, thì ta cần làm gì nhỉ? Tôi không rõ. Mỗi người có một cách làm, cách nói .... Còn tôi, tôi chỉ biết nói toạc ra. Well, nói một cách mềm mỏng, lịch sự nhất có thể được, nhưng vẫn chỉ nói đúng những điều mình nghĩ, không thể khác. Chắc chắn tôi cũng có những chỗ sai. Nhưng nếu tôi sai, thì tốt nhất là các bạn cũng nói huỵch toẹt ra như thế, mọi việc sẽ dễ biết bao!

Nhưng mà thôi .... Khi không biết làm gì nữa, thì tôi làm thơ. Hoặc dịch thơ, khi khả năng sáng tạo đã không còn. Nó cạn kiệt rồi, bởi cuộc sống mải mê. "Mệt quá thân ta này ..."

Tôi đi tìm một bài thơ để nói hộ tâm trạng của tôi, và tìm thấy bài này. Cám ơn tác giả đã nói giúp, hoàn toàn trùng khớp những gì tôi nghĩ. Dưới đây là bản dịch của tôi.

Xin tặng bài thơ dịch này cho các bạn AV78, khi nào các bạn tình cờ tìm thấy. Đặc biệt, riêng tặng người bạn vừa tuyên bố chấm dứt tình bạn với tôi và với những người trong lớp cũ. Bạn hãy nhìn ngày tôi dịch, một ngày gần cuối tháng ba, năm hai ngàn không trăm mười bốn. 
-------------
Bài thơ chân thật

Tôi đang làm thơ, một bài thơ chân thật
Chẳng hề dám gửi nó cho ai
Thơ bộc lộ lòng tôi, làm tôi run sợ
Đôi khi nó cũng khiến tôi vui

Dẫu nhìn chung tôi chỉ thấy bùi ngùi
Thơ đã nói giúp tôi điều tôi nghĩ
Nghĩ về mình,
về bạn, về người yêu
Thơ nói hết.
Đọc bài thơ cũng có khi bạn thích
Có đôi khi hoảng sợ hoặc nhói đau
Tôi chẳng muốn làm bạn đau, không tôi chẳng muốn
Chẳng muốn làm dù chỉ một người đau
Tôi chỉ muốn mọi người yêu tôi mãi
Nhưng bài thơ tôi vẫn không thể dứt
Vì sao?
Sao mãi làm bài thơ không ai thích?
Bài thơ tôi chẳng dám gửi ai
Bài thơ không có độc giả nào

Tôi vẫn viết bài thơ không người đọc
Bài thơ mà khi đọc có người đau .... 

------------------

A True Poem
 
by Lloyd Schwartz

I'm working on a poem that's so true, I can't show it to anyone.
I could never show it to anyone. 
Because it says exactly what I think, and what I think scares me. 
Sometimes it pleases me. 
Usually it brings misery. 
And this poem says exactly what I think. 
What I think of myself, what I think of my friends, what I think about my lover.
Exactly.
Parts of it might please them, some of it might scare them. 
Some of it might bring misery. 
And I don't want to hurt them, I don't want to hurt them. 
I don't want to hurt anybody. I want everyone to love me. 
Still, I keep working on it. 
Why?
Why do I keep working on it? 
Nobody will ever see it. 
Nobody will ever see it. 
I keep working on it even though I can never show it to anybody. 
I keep working on it even though someone might get hurt.

https://www.poets.org/viewmedia.php/prmMID/19638

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Nghĩ từ đất Thái

Biết gia đình tôi đăng ký đi du lịch Thái Lan trong dịp Tết vừa qua, người quen ai cũng hỏi: Sao lại đi Thái Lan? Không sợ biểu tình à? Hoặc tệ hơn, với một vẻ chế diễu: Thái Lan thì có gì đáng để xem đâu, ngoài mấy khu đèn đỏ? (!)

Ừ, có lẽ cũng đúng chăng? Thực ra, trước khi đi có lúc tôi cũng phân vân, thậm chí còn định hủy đăng ký, lấy cớ biểu tình. Dù thật ra tôi không hề sợ. Hồi năm 2010, biểu tình ở Thái Lan còn dữ dội và bạo động hơn lần này, nhưng khi có việc phải đi Bangkok tôi thấy an ninh vẫn tốt, chỗ nào biểu tình thì biểu tình nhưng những nơi khác vẫn hoạt động bình thường. Lần này thậm chí còn ít bạo động hơn, thì chẳng có gì phải lo ngại.

Không, tôi phân vân vì một lý do khác: Ngay từ đầu tôi đã không mấy hứng thú về chuyến đi Thái Lan, vì những kỷ niệm cũ của tôi về đất nước này hầu như chẳng để lại cho tôi một ấn tượng gì. Xin nói thêm là tôi đã đến Thái Lan rất nhiều lần, đặc biệt là hồi VN mới mở cửa. Lúc ấy muốn đi đâu đều phải qua Bangkok, hoặc để xin visa vì một số nước như Mỹ thậm chí còn chưa có quan hệ ngoại giao với VN, hoặc để quá cảnh vì đường bay trực tiếp đến các nơi lúc ấy còn rất ít. Vì thế, tôi tự cho là mình đã quá biết về Thái Lan để không còn gì mới mẻ cho tôi khám phá về đất nước này nữa.

Cũng phải nói thật, lần đầu tiên tôi đến Bangkok (tận năm 1989), tôi đã có một cảm giác rất đau xót vì sự thua sút của VN đối với Thái Lan, trong khi TL vốn chỉ là một nước mà trước năm 75 thì VNCH chẳng coi là cái thá gì hết. Thật vậy, lần ấy khi ra khỏi một VN nghèo đói đến thê thảm, khi việc sở hữu một chiếc xe Honda Cub cũng đã khiến cho mọi người nhìn bạn bằng con mắt nể nang vì nó tương đương với một gia tài nho nhỏ, thì làm sao tôi không ngợp trước một Bangkok với các ngôi nhà cao tầng san sát, với đường xá tấp nập nhiều làn xe (chủ yếu là xe hơi) và các siêu xa lộ (superhighway) với các cầu vượt mà tôi trước năm 1975 tôi chỉ mới được nghe nhắc đến trong một bài học tiếng Anh trong cuốn English for Today, với các biển hiệu quảng cáo lắp bóng đèn nhấp nháy ở khắp nơi .... Một cảm giác nghẹn ngào vì sự tụt hậu của VN. Ký ức về lần đầu tiên đến BKK tôi cũng có ghi lại trên blog này, mọi người có thể đọc ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2010/02/vong-cac-va-nhung-hoai-niem.html.

Nhưng đó là cảm giác lần đầu thôi. Sau lần ấy tôi còn đến Thái nhiều lần, nhưng sự choáng ngợp không còn nữa. Đối với tôi, đi Thái Lan chẳng có gì là thú vị cả, vì ngoài việc có thể mua sắm với giá cả hợp lý những đồ dùng như quần áo, dày dép (thời ấy hàng hóa ở VN còn khan hiếm, và chưa có hàng Tàu tràn lan như bây giờ) hoặc sách vở (VN lúc ấy chưa có đại lý của các nhà xuất bản lớn), thì Thái Lan chỉ có nạn kẹt xe khủng khiếp không thể chịu nổi, có khí hậu nắng nóng đến tệ hại vào mùa hè, có bụi bặm và ô nhiễm đến mức báo động, còn mọi thứ khác thì ở mức trung bình, chẳng có gì để VN phải ngưỡng mộ cả. Chẳng qua tôi đăng ký đi Thái Lan là để cho có một điểm mà đến, để cả gia đình có dịp cùng đi chung với nhau trong dịp Tết, thay vì cứ ở nhà đi ra đi vào rồi đến bữa lại bày ra ăn uống với những món ăn năm nào cũng như năm ấy, mà cũng là những món đã ăn hàng ngày thôi.

Nói ngắn gọn lại thì tôi không mong đợi gì nhiều ở chuyến đi Thái Lan năm nay, ngoài việc cả gia đình cùng đi đâu đó với nhau. Vậy mà thật bất ngờ, chuyến đi Thái Lan lần này đã để lại cho tôi rất nhiều thiện cảm về con người và đất nước Thái. Và, một lần nữa tôi lại cảm nhận sự thua sút của VN so với Thái Lan, chỉ có điều lần trước sự thua sút đó là ở khía cạnh vật chất mà giờ đây không khoảng cách đã được rút ngắn rất nhiều, còn lần này là ở khía cạnh tinh thần - một khoảng cách mênh mang mà không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể rút ngắn được, hay là đang ngày lại rộng thêm ra, thế mới đau chứ!

Tôi không quá lời đâu các bạn ạ. Xin chứng minh sự thua sút về tinh thần giữa VN so với Thái Lan thông qua 2 việc nho nhỏ như thế này thôi: Biểu tình & bầu cử; và Đi chùa.

1. Biểu tình & bầu cử
Ở trên, tôi đã nhắc việc tôi có mặt ở BKK vào năm 2010 khi đang có biểu tình, thậm chí bạo động, nhưng vẫn yên ổn. Vì đã có kinh nghiệm nên tôi không có ấn tượng gì lớn. Nhưng ông xã tôi thì ấn tượng lắm, và cứ tiếc rẻ mãi là đã quên không lấy máy chụp hình ghi lại những gì đã xem trên TV.

Sao lại ghi hình từ TV nhỉ? À, là thế này. Như mọi người đều biết qua tin tức trên báo chí, biểu tình có diễn ra trong mấy ngày diễn ra bầu cử ở Thái Lan, nhưng tất nhiên là hướng dẫn viên đã sắp xếp để tránh đến những nơi có biểu tình. Phe biểu tình đã cố gắng phá bầu cử, nhưng cuộc bầu cử vẫn diễn ra vào ngày 2/2 (mùng 3 Tết), dù không hoàn hảo. Có một ít bạo động, có cả một vụ nổ súng vào đám đông và kẻ thủ phạm đã bị cảnh sát khống chế, có đưa tin trên TV với đoạn phim quay lại làm chứng cứ, quay cả nơi nhặt được đầu đạn .... Cách đưa tin này làm ông xã tôi rất thích, ông ấy bảo, "Phải rồi, muốn kết tội ai phải có chứng cứ và phải thông tin rõ ràng minh bạch cho người dân, vì nếu không người ta có thể nghi ngờ là chính phủ đàn áp hoặc vu khống những nhân vật chủ chốt của phe đối lập. Cứ phải minh bạch thế, thì dân mới tin chứ!"

Cảnh biểu tình cũng được đưa lên TV, với những phát biểu của Suthep và các thủ lĩnh biểu tình khác, có cả cảnh những cảm tình viên ủng hộ tiền cho nhóm biểu tình, rồi cảnh ca hát,  nhảy nhót "như một cuộc picnic" mà thực chất là để thu hút người dân đến tham dự và ngăn cản bầu cử diễn ra. Nhưng cảnh sát vẫn chỉ thúc thủ, canh giữ an ninh trật tự nhưng hoàn toàn kiềm chế và không hề có đàn áp đối với người biểu tình. Bởi vì, như trên báo chí đưa tin, Thái Lan đã quá sợ và chán ngán việc xô xát, đổ máu của lần biểu tình trước đó.

Tôi không ngờ là ông xã tôi theo dõi vụ biểu tình rất kỹ, tối nào cũng mở TV để xem, dù chỉ có kênh địa phương của Thái, nói tiếng Thái nên không hiểu được hết mà phải xem hình và đoán. Đại khái là bầu cử vẫn diễn ra ở đa số các địa phương, và Yingluck vẫn đạt được đa số dù không áp đảo, nhưng kết quả đến ngày 23/2 mới công bố. Nhìn chung, được nhìn tận mắt nghe tận tai nên ông xã tôi thấy ấn tượng lắm về chính trường nước Thái, và tỏ ra rất phục họ, vì những gì đã xảy ra cho thấy trình độ của người Thái Lan: Họ biết học hỏi từ những sai lầm của mình và lựa chọn những điều mà họ tin là tốt nhất cho họ và cho đất nước. Nói gì thì nói, dù nền dân chủ của họ chưa hoàn hảo thì nó vẫn rất lành mạnh và chắc chắn đất nước của họ sẽ thoát được khủng hoảng hiện nay để tiếp tục phát triển.

2. Đi chùa
Về vụ đi chùa ở Thái thì trước đây (năm 2010) tôi cũng đã viết trên blog này một lần rồi. Các bạn có thể đọc bài cũ ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2010/03/i-le-chua-tai-bangkok.html. Lần này, đi chùa ở Thái Lan vẫn cho tôi những cảm giác ấy: Thanh thoát, nhẹ nhàng, không vướng mùi trần tục, và sự thành kính toát ra từ mọi người, kể cả các du khách chỉ đến vãn cảnh. Những chỗ đông người cũng không bao giờ có sự hỗn loạn như ở VN.

Trăm nghe không bằng một thấy, nên tôi xin đưa lên đây vài tấm hình tôi chụp tại chùa Núi Vàng và chùa Phật Vàng mà tôi đã ghé thăm trong dịp đến Bangkok.


 



 















Những ấn tượng của tôi về Thái Lan qua chuyến du lịch lần này không chỉ có hai điều trên. Còn có rất nhiều điều khác, ví dụ như cách làm du lịch của họ, với những điểm tham quan độc đáo, giúp ta hiểu biết về cuộc sống, về văn hóa và về lịch sử của địa phương.Hoặc cách ứng xử của những người dân ở đây, kể cả những người buôn bán: không bon chen, không vội vã, cáu gắt, mà từ tốn, khoan hòa. Không hề có chuyện đến xem cho đã mà không mua thì bị mắng té tát vào mặt như ở VN. Cũng không có chuyện trả giá thấp thì bị chửi hoặc ít ra là lườm nguýt. Tôi cũng rất ấn tượng về thái độ yêu kính tự nhiên và rất thật lòng mà người Thái dành cho các quốc vương của họ, cùng chạnh lòng nghĩ đến số phận của vị vua cuối cùng của Việt Nam. Và một điều khác mà tôi có thể nhận thấy là cơ sở hạ tầng, đường xá của Thái Lan rất tốt, chạy rất êm, không ổ gà, giao thông khá trật tự mà chẳng thấy bóng dáng một người cảnh sát nào, mặc dù vẫn có nạn kẹt xe.

Đén Thái Lan, nhìn tận mắt những gì đang diễn ra, tự nhiên tôi nghĩ: Ngay cả trong tình hình chính trị rối ren như hiện nay mà báo chí VN hay có khuynh hướng cho đó  là mặt trái, là món hàng kèm không ai muốn của dân chủ (!), đất nước Thái Lan chắc chắn vẫn sẽ tìm được cách thoát ra để phát triển, và vẫn sẽ phát triển bền vững và khôn ngoan như họ đã phát triển trong thế kỷ 20 đầy biến động.

Còn VN? Đọc trên báo, chỉ thấy hỗn loạn, chém giết,  hôi của, buôn thần bán thánh, lừa đảo vv. Xã hội quá nhiều vấn đề, đạo đức xuống cấp .... Buồn, đến nỗi không muốn nói nữa. Tôi nhớ một câu tôi đã nói với ông xã trong thời gian còn đang ở Thái: Dù rất đau lòng nhưng vẫn phải thừa nhận, người của họ hơn hẳn người của mình. Và cũng nhớ một nhận xét đau đớn của một vị phó hiệu trưởng một trường đại học lớn ở TP HCM đã thốt lên cách đây nhiều năm khi nói về tương lai của đất nước: "Thua con người là thua tất cả."

Nhưng chúng ta không được quyền tuyệt vọng, phải không? Đặc biệt là vào dịp đầu năm mới. Chỉ cần chúng ta hành động. Hãy bắt đầu với những việc nhỏ nhất, và bắt đầu từ chính chúng ta.

Xin đăng thêm vài tấm hình để các bạn cảm nhận thêm về nước Thái.:














Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Chợ Tết Giáp Ngọ

Đi chợ Tết, đối với tôi bao giờ cũng là một điều thú vị. Không phải vì tôi thích mua sắm - thực ra là ngược lại - mà vì chợ Tết bao giờ cũng cho tôi biết thêm được rất nhiều điều về cuộc sống xung quanh mình. Như mẹ tôi đã từng nói khi bà còn sống: "Người dân giàu hay nghèo, kinh tế của cả nước cả năm có khấm khá hay không, cứ xem chợ Tết thì biết".

Điều mẹ tôi nói, năm nay đã được chứng thực: Chợ Tết Giáp Ngọ 2014 năm nay thật buồn. Không chỉ vẻ buồn buồn, nghèo nghèo, quạnh quẽ của một vùng ven không mấy khá giả ở chợ Cây Quéo nơi gần nhà tôi (mà một năm nào đó tôi đã chụp hình và đưa lên blog này), mà ngay cả chợ Bà Chiểu, ngôi chợ lớn nhất của khu vực này (trước năm 75 được xem là thủ phủ của Tỉnh Gia Định) cũng không thấy có gì khấm khá. Ở khu chợ lúc nào cũng đông này, ngày 28 Tết mà lượng khách cũng chẳng đông hơn ngày thường là mấy; hàng hóa thì ngoại trừ trái cây, hoa và mứt, mọi thứ cũng thấy như ngày thường. Giá cả cũng hợp lý, không có hiện tượng tăng nhiều, trừ đồ ăn (vì điều này đã trở thành truyền thống).

Tết Giáp Ngọ năm nay là một cái tết buồn buồn ....

Đăng lên đây vài tấm  hình để lưu lại hình ảnh của thời tôi đang sống.