Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Hai con người, và một bi kịch Mỹ

"Hai con người", là tựa của một entry mới trên blog của BS Lê Đình Phương, tức Dr Nikonian.

Một entry cực ngắn, chỉ có một tấm hình và 2 đoạn văn cũng cực ngắn, nhưng ý nghĩa của phần không nói ra thì rất dài. Entry có liên quan đến người tử tù Nguyễn Đức Nghĩa. Có thể tìm thấy entry ấy ở đây.

Tôi thì không dám nói gì về vụ này, vì đây quả là một ca khó, nói gì cũng có thể gây tranh cãi. Nhưng dù có vụ NĐN hay không thì tôi vẫn luôn thiên về khuynh hướng không ủng hộ án tử hình.

Án tử hình có tác dụng răn đe, những người ủng hộ nó lý luận như thế. Nhưng những nước không áp dụng hình phạt tử hình, những nước ấy phải chăng có tỷ lệ tội ác cao hơn những nước có tử hình? Tôi không nghĩ thế, vì mọi quốc gia khi xóa bỏ án tử hình cũng đều đã cân nhắc kỹ. Nếu có ai đó có số liệu so sánh về việc này thì tốt quá nhỉ?

Tôi cũng khá dị ứng với cách báo chí - đặc biệt là tờ Vietnamnet - khai thác các chi tiết "giật gân" về vụ án này để ... bán báo. Nào là tiếng vỗ tay khi kết thúc phiên tòa, nào là tiếng nức nở của phạm nhân khi nghe tin cha mất, nào là phát biểu của cha nạn nhân, rồi lại việc luật sư của hai bên nhắc đến áp lực của dư luận vv. Cứ y như viết một cuốn tiểu thuyết vậy, và người viết tiểu thuyết thì phải dẫn dắt trước các chi tiết cho kết cục của nhân vật sao cho hợp lý. Chẳng hiểu HĐXX có bị ảnh hưởng bởi dư luận không nhỉ, chắc là khó tránh!

Và tôi chợt nhớ đến một cuốn tiểu thuyết của Mỹ mà tôi đã đọc cách đây vài chục năm, từ lúc tôi mới vào đại học. Cuốn An American Tragedy - Một bi kịch Mỹ. Tác giả cuốn tiểu thuyết này là Theodore Dreisser

.Một cuốn tiểu thuyết rất hay, nhiều chi tiết hồi hộp, và rất đáng suy nghĩ. Ai chưa đọc cuốn tiểu thuyết này thì có thể đọc bài viết giới thiệu và tóm tắt nội dung trên wikipedia ở đây. Cũng có một án mạng liên quan đến người tình của nhân vật chính trong tiểu thuyết, rồi thủ phạm bị phát hiện, bị kết án tử hình, và cuối cùng bị đưa lên ghế điện.

Câu chuyện rất dài, và lâu quá rồi nên tôi không còn nhớ rõ từng chi tiết nữa. Nhưng tôi vẫn nhớ anh chàng Clyde, nhân vật chính trong truyện, mặc dù rõ là một kẻ không tốt, vẫn cứ đáng thương nhiều hơn là đáng ghét. Và suy cho cùng thì không chỉ mình anh ta chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình, mà hoàn cảnh cũng đưa đẩy anh ta đến chỗ thành kẻ phạm tội. Điều mỉa mai hơn nữa là anh ta thuộc một gia đình vô cùng đạo đức nhưng (bởi vì thế nên mới) nghèo.

Hình như cha anh ta là mục sư, gia đình sống rất thanh đạm, thậm chí khắt khe, khắc kỷ. Nhưng cũng vì thế mà anh ta khao khát một cuộc sống sung túc hơn. Nên khi cơ hội đến thì anh ta không thể cưỡng lại được, và gần như bất chấp mọi việc để nắm lấy cơ hội. Và hậu quả là ... anh ta trở thành kẻ sát nhân. Chỉ có điều, không ai biết được đó là ngộ sát hay cố sát. Cũng hơi giống với việc tranh cãi xem NĐN giết người man rợ hay không man rợ.

Quá trình xử án cũng rất ly kỳ, hồi hộp như vụ án của VN vậy. Và đọc tới trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết rất dài ấy, độc giả vẫn không khỏi có chút băn khoăn, rằng mặc dù nhân vật chính có tội và vì thế phải trừng phạt là điều đã rõ, nhưng phải chăng quan tòa đã quá khắt khe, do chịu ảnh hưởng dư luận? Xin đọc đoạn trích dưới đây lấy từ trang wikipedia:
However, the trail of circumstantial evidence points to murder, and the local authorities are only too eager to convict Clyde, to the point of manufacturing additional evidence against him. Following a sensational trial before an unsympathetic audience, and despite a vigorous defense mounted by two lawyers hired by his uncle, Clyde is convicted, sentenced to death, and executed.
Tôi không biết mình muốn nói gì trong entry này nữa. Chỉ biết rằng cảm giác của tôi về vụ án NĐN sao rất giống như lúc đọc cuốn tiểu thuyết kia. Một sự băn khoăn về sự cần thiết của hình phạt tử hình, và đôi chút bất bình về những người vô tình hay cố ý đã có những tác động lên kết quả xét xử.

Và trên hết là sự đau xót vì nhìn thấy ảnh hưởng rõ ràng của hoàn cảnh và môi trường xã hội xung quanh lên việc hình thành tính cách của nhân vật chính, kẻ sát nhân và cũng là tên tử tội kia. Hình như sau khi tạo ra một con người hỏng hóc rồi thì cái xã hội kia cảm thấy bằng mọi giá phải xóa bỏ sản phẩm khiếm khuyết đi, vì nếu không nó sẽ là bằng chứng cho cái hỏng hóc bên trong của chính xã hội ấy.

Nên vụ xử án có chút không khí hằn học và hả hê của một số người mang tiếng là đại diện cho điều tốt để phán xử và trừng phạt cái xấu. Mà không nghĩ rằng chính mình cũng đang vô tình củng cố quan niệm về sự trả thù, "mắt đổi mắt, răng đổi răng" - và, tất nhiên, "mạng đổi mạng". Một điều có lẽ không thực sự cần thiết trong một xã hội vốn đã quá nhiều bạo lực.

Đúng là một bi kịch, một bi kịch Mỹ. Và hiện nay cũng đang có một bi kich Việt Nam.
----
Cập nhật chiều 14/11/2010
Mới đọc được bài này trên blog Mẹ Nấm, cũng rất đáng đọc. Ở đây.

7 nhận xét:

  1. Dạo này cô đưa văn học vào social criticism nữa nhỉ! hehehe, lấn sân, lấn sân!

    Trả lờiXóa
  2. Hi L.,
    Em đâu có biết rằng hồi làm luận văn tốt nghiệp tôi muốn làm về văn học Mỹ và xin thầy Diệm hướng dẫn, thầy đồng ý nhưng ngại cô Hoa không có ai để hướng dẫn nên ... thôi! Nên tôi buộc phải làm về Linguistics, rồi sau đó lại được cử đi học về Education, rồi lại làm về Measurement và bây giờ là làm về chất lượng!

    Cuối cùng thì cái gì cũng biết mà hình như không biết cái gì cho thật sâu. Vậy em bảo lấn sân, thì thực ra sân của tôi ở đâu?

    Trả lờiXóa
  3. Con người vốn bản chất là hướng thiện và có Trách nhiệm hướng thiện cho dù bạn có ở đâu làm việc gì. Vì thế, khi gây tội ác có nghĩa là bạn đã bất chấp tất cả (dĩ nhiên tuỳ teo mức độ) và cái giá phải trả phải rất đắt.

    Trả lờiXóa
  4. Vâng, có lẽ thế bạn Củ chuối ạ. Nào có ai dám bênh vực NĐN đâu. Hậu quả của việc làm ấy, có lẽ chính anh ta cũng biết khi bị phát hiện mà.

    Tôi chỉ bất bình với cách hành xử của một số người, mà nhất là những người thuộc cánh nhà báo, mà thôi. Nhất là sự hả hê như có thể thấy trong tấm hình ấy. Còn việc chống tử hình của tôi thì không liên quan gì đến NĐN.

    Vả lại, tôi cho rằng loại trừ thì dễ, mà cải hóa để những phạm nhân trở thành những người có ích và ít nhiều khắc phục được tội lỗi của mình, thì khó hơn và cũng là điều đáng làm hơn, vậy thôi.

    Trả lờiXóa
  5. Chào chị Phương Anh,
    Em là một "độc giả" của chị cách đây chưa lâu. Hôm nay vào blog thấy bài này, xin cung cấp thêm một vài số liệu tham khảo. Trong blog echxanh1968 em có bài viết về đề tài này.
    Từ sau Đại chiến thế giới lần thứ Hai diễn ra xu hướng bỏ án tử hình, nhất là khoảng hơn 20 năm gần đây. Vào năm 1977 mới chỉ có 16 quốc gia bỏ án tử hình, nhưng đến giữa năm 2009 con số này đã lên đến 94 quốc gia, 35 quốc gia vẫn giữ án tử hình nhưng chưa xử tử người nào trong 10 năm qua, 10 quốc gia chỉ áp dụng án tử hình trong các trường hợp đặc biệt (như tội ác chiến tranh), 54 quốc gia vẫn còn áp dụng nó. Togo là quốc gia hủy bỏ án tử hình gần đây nhất vào 23/6/2009. Theo một con số thống kê, vào năm 2008 có ít nhất 5727 tử tù bị xử tử ở 26 quốc gia, trong đó nhiều nhất ở Trung Quốc, Iran, Mỹ. Trong hầu hết các quốc gia có án tử hình, nó chỉ được áp dụng cho tội giết người và tội liên quan đến chiến tranh. Trong một số quốc gia khác, như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore, Ả Rập Saudi, Việt Nam, nó còn được áp dụng cho các tội bất bạo động như buôn lậu ma túy, tham nhũng...
    Gương mặt NĐN nhìn ám ảnh quá. Còn gương mặt cười toe kia thì không còn gì để nói.

    Trả lờiXóa
  6. Em thiết nghĩ, trong vụ NDN không chỉ có vấn đề tranh cãi về man rợ, mà vấn đề cố sát hay ngộ sát cũng không rõ ràng

    Em xin post lại bài đã đăng trên blog Dr. Nikonian

    Việc ket án dựa trên những suy luận khá chủ quan, vì Linh đã chết và ngoài ra không còn 1 nhân chứng nào khác … Cho nên em rất nghi ngờ sự chuẩn xác cúa lời phán xét …

    Thế này nhé, N bảo, N giết Linh vì ghen, N bán đồ đạc của L chỉ để phi tang

    Toà bảo, N giết L vì cướp của, bằng chứng là N gọi điện bảo L mang laptop tới trong khi nhà Yến cũng có laptop. N lại từng có thành tích lường gạt bạn gái để lấy tiền … Nghĩa hiện đang cầm xe cúa Yên và có những số nợ khác … Sau khi giết L thì N bán đồ đạc cúa L để trả nợ … Người gọi điện cho L hôm đó không phải là người yêu của L vì L chưa có người yêu mới

    Theo em, những bằng chứng của không đủ sức bác bỏ lời khai của Nghĩa … bởi vì:

    Nghĩa gốc gác gia đình khá giả, nợ nần không lớn, bố mẹ thương con như vậy, có thừa sức và sẵn sàng trả nợ cho N nếu N hỏi đến … N là người có ăn có học, chắc chắn biết đến cái hậu quả của việc giết người như thế nào (chính vì biết hậu quả nên khi lỡ tay mới nghĩ ra chuyện phi tang dã man). Cho nên lập luận cho rằng N chủ mưu giết Linh để cướp của là vô căn cứ …

    Theo em, rất có thể N chỉ có ý gạt tiền L (khi bảo L mang labtop tới) như N đã gạt bao nhiêu cô trước đó, L vẫn còn yêu N, lại cũng khá, chắc chả ngại gì … Nhưng hôm đó, hai người có chuyện xung đột kịch liệt … Cho dù L chưa có người yêu, nhưng không thể loại khả năng L chọc tức N bằng cách nói rằng người phone tới là người yêu … Thế là tự ái nổi lên … cho dù đã chia tay, nhưng thói đời ich kỷ, cái món đồ mình không dùng nữa, kẻ khác mò tới, vẫn không chịu, không thich. Trong cơn nóng giận nhất thời, N xuống tay hạ sát Linh …

    Và nếu N giết Linh không phải là cố sát mà chỉ là ngộ sát thì tội chỉ chung thân là cùng (đó là cộng luôn cái tội phi tang dã man rồi)vì ngộ sát thông thường chỉ bị án vài năm thôi …


    Nhưng khi tôi muốn gửi suy diễn này của tôi lên báo thì không được đăng … Lý do là sao vây????



    Một lý do quan trọng khác để biện minh cho việc bãi bỏ án tử hình là sự lầm lẫn trong phán quyết … Đó là một trong những nguyên chính (mà chưa thấy đề cập ra ở đây) mà nhiều nước bãi bỏ án tử hình … Việc xử án lầm xảy ra hoài, có khi vì thiếu nhân chứng, nên đàng phải dựa trên kinh nghiệm và phán đoán chủ quan của các điều tra viên, có khi gặp vụ án khó gỡ, nhưng mang tính cách vô cùng nghiêm trọng, gây hoang mang trong dư luận, nhà chức trách bị áp lực từ phía dân chúng phải tìm cho ra thủ phạm, nên các nhà điều tra bắt bừa 1 hay vài người có vẻ khả nghi rồi ép cung, gán ghép tội cho người ta … Những lầm lẫn này không thể tránh khỏi trong việc phá án, xét đến những khía cạnh khó khăn của nó … Vì thế, chúng ta cần phải hạn chế hậu quả tai hại của nó, một khi phán quyết sai lầm được đưa ra … Vói án tử hình, thì không có cách gì cứu chữa cả …

    Trả lờiXóa
  7. Sinh mạng của Linh chỉ bằng phân nửa của Nghĩa, Nghĩa phải giết Hoàng Thị Yến nữa thì bị xử tử mới công bằng.

    Trả lờiXóa