Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Tại chức, thị trường, gậy và cà rốt

Tựa của entry này chắc chắn là cần được giải thích. Vâng, "các bác" xem bên dưới ạ.

Tại chức, là vụ om xòm từ mấy ngày nay trên báo chí, xuất phát việc TP Đà Nẵng "nói không với bằng tại chức". Tức là không tuyển những người tốt nghiệp hệ tại chức về làm việc trong cơ quan nhà nước.

Chuyện này vừa được đưa lên báo là ngay lập tức trở thành một cuộc tranh luận dữ dội. Người thì khen Đà Nẵng dũng cảm. Kẻ thì nói Đà Nẵng sai luật, và kỳ thị. Tranh cãi mấy ngày liền, đến nay vẫn chưa thể phân thắng bại. Ai nói cũng có lý cả, không có ai sai. Nhưng chân lý thì chỉ có một, vậy biết tin ai bây giờ đây.

Hãy cứ gác vụ tại chức lại đấy đã. Bây giờ đến thị trường. Thị trường, chắc là không cần định nghĩa nữa nhỉ. Tôi hiểu nó là việc trao đổi tự do giữa người mua và người bán. Tôi cần, anh có, chúng ta trao đổi, thuận mua vừa bán thì thôi, không cần ai can thiệp. Tất nhiên là vẫn cần có nhà nước để chắc chắn rằng không ai lừa ai, không ai bắt nạt ai.

Ví dụ, anh bảo cứ thi được vào, đóng đầy đủ học phí 4 năm, thi cử cho có đầy đủ điểm số, thi tốt nghiệp đàng hoàng, đạt điểm tối thiểu, thì anh sẽ cấp cho cái bằng đại học tại chức. Tôi thì cần cái bằng, vì bây giờ đi làm ở đâu hầu như người ta cũng đòi có bằng đại học. Mà thi rớt đại học chính quy rồi (thì mỗi năm chỗ học cho chính quy chỉ khoảng 20% số người muốn học mà lại), bây giờ muốn học lên để cải thiện triển vọng nghề nghiệp của mình, thấy anh đang mở và tuyển đại học tại chức, thì tôi đi học quá đi chứ, tại sao không?

Mà bằng tại chức hoàn toàn nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, được nhà nước công nhận, phôi bằng do Bộ Giáo dục cẩn thận, chứ không phải là bằng dỏm, bằng giả, trường ma gì đâu nhé. Trường có tên có tuổi đàng hoàng. Thầy cô giáo cũng là những người dạy chính quy ban ngày, đồng lương không đủ sống nên mới chịu bỏ công ra mà ... cày thêm vào buổi tối (thì đã có người nói tại chức là nồi cơm của các thầy rồi còn gì), tham gia vào cái "thị trường giáo dục đại học" ngày càng đang mở rộng kia. Thị trường, bàn tay vô hình, nó tự điều tiết giỏi lắm!

Tất nhiên vẫn cần có nhà nước. Lỡ nhà trường lừa người học thì sao? Đưa tên thầy này, nhưng thực tế lại là thầy khác dạy. Nói học 60 tiết, nhưng thực tế thầy nghỉ, đi trễ về sớm, còn chừng ... 35 tiết. Hoặc thi xong, chẳng thấy điểm đâu hết, hỏi mãi không được, bỏ quên luôn, đến khi ra trường thì bị thiếu điểm .... Ráng học lại, thi lại vậy, ai bảo có thân không lo!

Những lúc ấy, thì người học biết kêu với ai, nếu không phải là nhà nước?

Cũng có khi là người học lừa nhà trường. Luận văn tốt nghiệp không phải là do mình làm, mà chép của nơi khác, nhưng trường chẳng biết gì. Vẫn cấp bằng, có khi còn là loại giỏi cẩn thận. Sau đó, có người phát hiện. Vậy biết kêu với ai, nếu kêu với trường nhưng trường ... lờ đi vì không muốn có scandal? Dạ, đã có nhà nước ạ!

Còn gậy và cà rốt? Ai mà chẳng biết đó là thành ngữ carrots and sticks trong tiếng Anh, phải không? Và định nghĩa của thành ngữ này, lấy từ wikipedia, là như thế này đây:
Carrot and stick (also "carrot or stick") is an idiom that refers to a policy of offering a combination of rewards and punishment to induce behavior.
Nói ngắn gọn, thì nó là cách sử dụng sự tưởng thưởng hoặc hình phạt để thay đổi hành vi của con người. Chính sách này thì chú Sam nhà ta hay dùng lắm. Cải tổ chính trị theo hướng nới rộng dân chủ và nhân quyền đi, ta sẽ cho ăn cà rốt viện trợ. Còn nếu cứ đóng cửa, đàn áp dân chúng, bóp nghẹt tự do ... thì ta sẽ tặng cho mấy cây gậy cấm vận, hoặc thậm chí là cho Interpol lùng bắt... Như vụ chiến tranh tại Iraq mới đây.

Thế gậy và cà rốt liên quan đến tại chức và thị trường như thế nào? Hừm .... Xem nào. Gậy và cà rốt. Carrots and sticks. Này nhé, các bạn có chú ý không, tiếng Anh, nguyên bản của thành ngữ này, nó để cà rốt trước, rồi mới đến gậy. Còn mình, đi mượn của người ta về, nhưng vì tiếp thu sáng tạo mà, nên mình đổi lại, gậy trước, cà rốt sau! Cũng có nghĩa là mình ... thiên về dùng gậy hơn là dùng cà rốt!

Vậy mà trong tâm lý giáo dục hoặc tâm lý tổ chức thì người ta luôn khuyên là để thay đổi hành vi người khác thì nên thiên về sử dụng positive incentives - kích thích tích cực, tức là khen thưởng ấy - hơn là negative incentives, tức trừng phạt.

Nói gần nói xa, đi loanh quanh thế, đủ rồi. Bây giờ thì đến phần ... nói thật của tôi về cái vụ tại chức và thị trường này.

Theo tôi, nhu cầu học là có thật, và nhu cầu dạy - cung cấp dịch vụ giáo dục - để tăng thêm thu nhập cho giáo viên cũng là có thật. Có người cần mua, có người cần bán, thì theo cái nhìn của thị trường, đó là một điều rất tốt. Đáng mừng, vì các chỉ tiêu về tỷ lệ dân số có bằng đại học sẽ tăng lên, thu nhập của giáo viên cũng tăng mà không phải chờ nhà nước tăng lương. Vậy, cớ sao lại muốn cấm hệ tại chức?

Ừ nhưng mà tại chức chất lượng kém lắm. Thì cũng đúng, tôi đã tả ở trên rồi đó.

Có điều, chất lượng kém đâu phải lỗi tại người học? Nếu người học đã đáp ứng đủ các yêu cầu của nhà trường để được cấp bằng, thì bây giờ nếu chất lượng kém đó là tại nhà trường chứ? Có trừng phạt, thì trừng phạt nhà trường, chứ sao lại trừng phạt người được cấp bằng?

Mà nhà trường thì cũng đã làm đúng theo quy định của nhà nước, không phát hiện ra sai phạm gì nên mới tồn tại và dược phép cấp bằng. Vậy bằng cấp dỏm, thì nhà nước cũng có phần lỗi vì thiếu giám sát, mà trước hết là lỗi ngay với người học ấy. Chứ lấy lý do gì để bây giờ trừng phạt người có bằng tại chức nhỉ? Không nhận người có bằng tại chức, đó chính là kỳ thị, ở phương tây người ta kiện ra tòa chứ chẳng chơi đâu!

Cấm tại chức, không nhận bằng tại chức, đấy là dùng cây gậy. Đà Nẵng đang dùng cây gậy nói không với bằng tại chức để hy vọng cho đội ngũ cán bộ công chức ở đây khá hơn. Từ nay, Đà Nẵng sẽ chỉ toàn công chức có bằng chính quy loại giỏi mà thôi. Chà, hay quá. Nghe sao cứ hao hao việc trước đây ở Hà Nội người ta muốn cán bộ phải là 100% có bằng tiến sĩ ấy nhỉ?

Ừ thì nói không với bằng tại chức. Đố ai biết sau đó, đội ngũ công chức ở Đà Nẵng có tốt lên không, nếu vẫn cái cơ chế sử dụng nhân tài như thế này đây: Đã vào cơ quan nhà nước rồi, thì ai sống lâu sẽ lên lão làng, người giỏi người dở gì cũng như nhau cả, cứ hiền lành vui vẻ ngoan ngoãn, không sai phạm gì thì cuối năm sẽ được tiên tiến, còn ai mà tích cực quá, muốn thay đổi thì lại đụng chạm, bình bầu gì thì người ta đều gạt cả, thế là ... toi!

Còn đồng lương thì chết đói ấy mà, cho nên cũng chẳng ai đòi hỏi gì. Cố gắng làm gì cho mệt, việc nhà nước, hôm nay chưa xong thì mai làm, mai chưa xong thì mốt làm, dân có cần nhưng quan chưa vội ...

Cho nên tôi chẳng tin vào cách làm của Đà Nẵng một chút nào. Chỉ mang tiếng kỳ thị thôi, chưa kể, lại còn vô tình chống lại chủ trương của nhà nước là mở rộng tiếp cận giáo dục, tăng tỷ lệ người có bằng đại học trên đầu vạn dân nữa. Cả như tôi thì tôi nghĩ, chẳng cần gì phải cấm bằng tại chức, cấm hệ tại chức. Mà hãy tạo ra một cơ chế sàng lọc thực sự trong công việc, tạo điều kiện tối đa cho người có năng lực phát huy, hãy trân trọng họ đúng mức, để họ thành các role model, làm gương cho người khác.

Nói cách khác, hãy suy nghĩ đến việc dùng cà rốt để tưởng thưởng cho những người có năng lực, hơn là dùng gậy để loại trừ những người có bằng tại chức từ đầu. Vì làm như thế, cũng có khi phải xô đẩy người ta đến chỗ làm bằng (chính quy) giả, mua bằng dỏm chứ chẳng chơi. Vì triệt đường của người ta mà, thì họ phải đối phó chứ!

Nếu có cơ chế chính sách đúng về sử dụng người tài, thì những người kém năng lực, cho dù họ có bằng tại chức hay chính quy, cử nhân hay tiến sĩ, cũng sẽ bị tự động đào thải. Giả sử nếu cho rằng ai có bằng tại chức cũng đều kém cả, thì số lượng người bị đào thải sẽ chỉ toàn là người học tại chức. Thế là thị trường sẽ thấy ngay thôi. Người học sẽ bảo nhau: đừng học hệ tại chức nữa, vì nó kém lắm, học xong chẳng ai sử dụng! Nếu đã học, thì lo mà học lấy cái bằng nào tốt tốt ấy, ví dụ như là bằng chính quy ...

Cứ thế, thì hệ tại chức sẽ chết dần ấy mà. Tất nhiên là nếu nó thực sự dỏm. Còn nếu không, thậm chí nếu người học tại chức còn tốt hơn người học chính quy (vì họ có kinh nghiệm sống nhiều hơn), thì hệ tại chức sẽ tồn tại và phát triển tốt. Nhà nước không cần lo lắng nhiều, vì đã có thị trường điều tiết. Dưới sự điều khiển của bàn tay vô hình của Adam Smith ấy, hình như thế ...

Chẳng hiểu tôi có đang ngủ mơ không ấy nhỉ?

2 nhận xét:

  1. Xin lỗichị PA đang ngủ mơ vì bàn chuyện tại chức hay chính quy.Tôi thì lai nghĩ khác,có lẽ việc Đà nẵng làm là đúng...Cứ nói toạc móng heo con hơn cứ ù ờ ko dám nói ra.Ko tuyến những người tốt nghiệp ĐHTaị chức vao cơ quan nhà nước ,vì nếu ko đám con ông cháu cha chắng hoc. hành gì cũng có chỗ ngon trong cơ quan,mà đám quan lại ngu ngơ nầy còn hại cho đất nước nữa!
    Còn tấm bằng DHTC thi ai cũng biết rồi,so sánh chỉ là khập khếnh,tất nhiên ko phú nhận có 1 số người học tại chức có năng lực nhưng chí là số ít. Thôi tạm biệt ĐHTC là vừa....

    Trả lờiXóa
  2. Chuyện Đà Nẵng là "chữa cháy" ấy mà, không hệ thống, không triệt để. Nhưng "tức thời" thì phải dùng kế đó thôi. Chị à, chuyện "tạo ra một cơ chế sàng lọc thực sự trong công việc, tạo điều kiện tối đa cho người có năng lực phát huy,abc..." nghe thì hay lắm, song... Thì chị nói, chỉ chẳng mơ ngủ còn gì?!

    Trả lờiXóa