Phải nói là người giới thiệu cuốn sách đã viết rất hay, vả lại, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, cùng sự trỗi dậy của TQ như một cường quốc kinh tế trong khu vực và trên thế giới, cũng như quan hệ TQ-VN gần đây, tất cả đều là những điều tôi đã quan tâm từ trước, nên sau khi viết entry giới thiệu ấy thì tôi đã tự nhủ rằng hôm nào đó phải mua cuốn sách này về đọc mới được.
Nghĩ, là làm; trong chuyến công tác ở Ấn Độ (Bangalore) khoảng tháng 3 vừa qua, khi trông thấy cuốn sách ấy trong tiệm sách là tôi mua ngay lập tức mà không cần nhìn giá bìa. Cũng không đắt, bản bìa mềm (không hiểu có bản bìa cứng không nhỉ?) chưa đến 20 USD, cũng chỉ bằng giá sách ở VN (những cuốn sách mắc tiền ở VN cũng có thể lên đến 300, 400 ngàn chứ còn gì). Hơn 300 trang chính văn (nếu kể cả ghi chú vv thì hơn 400 trang), tha hồ mà đọc. Mà cũng dễ đọc thôi, vì tác giả viết theo kiểu phóng sự, với những câu chuyện tai nghe mắt thấy về thảm họa môi trường trên khắp đất nước TQ bao la kia.
Mua về, nhưng tôi chưa đọc hết, vì cũng chỉ đọc nhẩn nha mà thôi (thì cuốn sách ấy được viết theo kiểu như thế mà). Nhưng hôm nay, nhân dịp báo Tia Sáng có nhờ tôi và con trai dịch mấy bài viết về môi trường, tôi lại nhớ đến cuốn sách này. Đọc lại, thấy có rất nhiều điều khủng khiếp về thảm họa môi trường của TQ mà VN cần biết để mà tránh. Nên mới viết entry này, để chia sẻ với mọi người những gì mình biết.
Một vài ví dụ nhé. Đây này, ở Chương 1: "Những cái cây vô dụng" (Useless trees), nói về nạn phá rừng ở Vân Nam (sát biên giới VN).
Cho đến rất gần đây, cây cối là những nạn nhân lớn nhất của sự phát triển. Từ năm 1950 đến nay, diện tích rừng ở Vân Nam đã giảm đi hơn một nửa. Năm 1998 chính phủ TQ đã đưa ra luật kiểm soát khai thác gỗ, nhưng chỉ vài năm sau đó các công ty khai thác gỗ đã đốn 40 triệu mét vuông rừng, cao hơn đến 50 lần mức cho phép. Từ đó đến nay, các nỗ lực chống phá rừng vẫn bị cản trở bởi chính quyền địa phương vì họ chỉ muốn trồng những cây thu hoa lợi nhanh chóng. [...]
Đó không phải là một sự đầu tư dài hạn khôn ngoan. Những rừng cây cổ thụ đã tồn tại hàng ngàn năm. Sự đa dạng sinh học và sức sống của chúng giúp cho chúng đối phó được với những kẻ thù, hệt như một cơ thể có dinh dưỡng cân bằng sẽ chịu đựng tốt hơn với những bệnh tật. Ngày nay những khu rừng nhân tạo trồng rặt một loại cây và bị đốn đi sau 10 năm. Những hàng cây như vậy sẽ chẳng còn che chở được mấy sự sống dưới những tàn cây xanh của mình, và cây cối sẽ phải chịu trận trước những kẻ thù tấn công. Những khu rừng nhân tạo như vậy được gọi là "những sa mạc xanh", và cái tên ấy mới có ý nghĩa làm sao! [Ghi chú: ở đây, tác giả mỉa mai cách gọi những khu rừng trồng là "sa mạc xanh", trong đó ý gốc là tái tạo lại các đồi trọc, đất cằn (sa mạc) thành những khu rừng (xanh), nhưng tác giả lại đọc được nghĩa khác của từ này, đó là tuy là rừng, có cây xanh, nhưng thực chất vẫn là sa mạc, vì chẳng có mấy sự sống theo nghĩa cân bằng và đa dạng sinh học như những khu rừng tự nhiên.] (trang 16)
Hay ở Chương 3, "Still Waters, Moving Earth" (Nước lặng, đất rung), nói về sự tàn phá nguồn nước ngầm do những đập thủy điện gây ra, trong đó có đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam). Và đây là lời kể lại của tác giả Jonathan Watts về chuyến tham quan khu đập Tam Hiệp:
Đập thủy điện này, họ nói ["họ" ở đây là những hướng dẫn viên du lịch], không chỉ là đập thủy điện lớn nhất thế giới, mà còn là một công trình với số lượng bê tông cốt sắt khổng lồ nhất, và để thực hiện nó người ta đã phải di dời một số lượng dân cư rất lớn. Người hướng dẫn du lịch cứ khăng khăng nói rằng đây là một công trình thành công và những thách thức về môi trường đã được vượt qua. Nhưng sự phê duyệt công trình này của các cấp lãnh đạo dường như còn thiếu một cái gì đó. Trên tường, những bức hình của các vị lãnh đạo khi đến viếng thăm công trình và khen thưởng các kỹ sư thực hiện công trình, không thấy có tấm hình nào của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Cũng không thấy hình của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, một nhà địa chất được đào tạo cẩn thận, đến dự khánh thành đập thủy điện này vào năm 2006. Điều này khiến cho người ta nghi ngờ, phải chăng Chủ tịch Nước [Chú thích: Hồ Cẩm Đào vốn là kỹ sư thủy lợi nên có nickname là Chủ tịch Nước - tức là Water ấy ạ] và Thủ tướng Đất [cũng vậy, Ôn Gia Bảo là nhà địa chất] đã cố tình tránh xa một công trình mà chẳng bao lâu đã chứng tỏ mình là một tai họa cho dòng sông cũng như cho vùng đất ở đây.
Khi nước lên, sức nặng của nước chứa trong hồ bắt đầu tạo ra sạt lở và những con sóng tử thần. Điều này đã làm cho chính quyền địa phương lo lắng và hoãn lại kế hoạch nâng mức nước chứa trong đập lên mức tối đa. Chất lượng nước giảm đi nhanh chóng khi dòng sông không còn đủ sức để hấp thu những chất thải cũng như quét đi những rong tảo bám đầy lòng sông. Báo chí trong nước đã lên tiếng về sự ô nhiễm lan tràn như những tế bào "ung thư" và đe dọa đến các loài thủy sinh cũng như nguồn nước uống của 186 thành phố. [...] (trang 52].
Còn nữa, nhiều nhiều nữa. Tôi sẽ đọc từ từ và đưa lên, khi có thời gian. Hoặc là ai muốn đọc thì viết thư cho tôi. Còn bây giờ thì tôi đang lặng đi mà tự hỏi, những gì đang xảy ra ở khu vực Tây Nguyên, nơi có rất nhiều công ty TQ (với công nhân cũng là người TQ) đang khai thác bô-xít? Có phải họ đã rút ra bài học về cái giá của sự phát triển đối với môi trường thiên nhiên của họ, nên bèn outsource những thảm họa đó ra nước ngoài để giữ gìn những gì còn lại của thiên nhiên tươi đẹp của TQ?
Thế còn thiên nhiên tươi đẹp của VN? À, thì nước ta "rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu" mà, lo gì!!!!!! Phải không? (Chưa kể, ta lại còn có "các nước anh em giúp đỡ nhiều" nữa; thì người anh em 16 chữ vàng đang giúp đỡ đó thôi, họ đang khai thác giúp ta tài nguyên vô tận ở biển đông kia kìa!)
Đấy là chưa nói đến các đập thủy điện của VN đấy nhé, năm nào xả lũ cũng gây chết người. Rồi lại sắp có điện hạt nhân nữa chứ, nghĩ đến là đã đủ sợ rồi.
Biết làm sao đây?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét