Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Đọc lại “Có 500 năm như thế”

“Có 500 năm như thế” là cuốn sách của Hồ Trung Tú mà tôi có lần đã viết một blog entry để giới thiệu, cách đây ít lâu (và có hứa sẽ trở lại viết thêm về nó sau khi đọc kỹ hơn). Như tiểu tựa của cuốn sách đã nêu rõ, cuốn sách này nhằm xem xét “bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử”.

Đối với một người có quê gốc ở miền Bắc – cha Nam Định, mẹ quê gốc ở Bắc Ninh nhưng sống ở Hà Nội – và nơi chôn nhau cắt rốn ở tận … Sóc Trăng như tôi, Quảng Nam nói riêng, và “khúc ruột miền Trung” nói chung, là một nơi xa lạ. Có nhớ có thương gì, thì nếu không phải là làng quê miền Bắc “có cây đa cao vút từng xanh, có sông sâu lơ lững vờn quanh” cũng phải là vùng đồng bằng sông Cửu Long mênh mông sông nước, cây xanh trái ngọt, ruộng đồng trù phú, và những điệu lý ngọt ngào, rất đỗi thân thương.

Dù gốc Bắc – và nói tiếng Bắc, còn giữ nhiều nét văn hóa Bắc (do truyền thống gia đình quá mạnh, có lẽ thế), nhưng vì sinh ra ở tận Sóc Trăng, lại học trường Gia Long hồi bé, nên trong thâm tâm tôi tự nhận – và tự hào – rằng mình là người “đàng trong”, và vẫn cảm phục các vua chúa triều Nguyễn (trong đó tất nhiên là có vua Gia Long) đã mở cõi vào phía Nam để những người dân Bắc như gia đình tôi có cơ hội vào làm ăn sinh sống.

Thực ra thì tôi cũng có một thoáng kỷ niệm đẹp ấu thơ với miền Trung, vì gia đình tôi cũng có thời gian sống ở Phan Thiết trước khi vào Sài Gòn lúc tôi 5 tuổi. Ký ức của tôi về Phan Thiết rất mơ hồ vì lúc ấy tôi còn quá nhỏ, chỉ nhớ loáng thoáng những đồi cát mà bọn tôi thường chạy lên rồi tuột xuống để chơi. Một không gian rất rộng, rất khoảng khoát, với những cơn gió lồng lộng.

Tôi cũng nhớ màu hồng tim tím lẫn trắng của loài “hoa đồng hồ” mọc khắp nơi trên vùng đất cát này. Sau này tôi mới biết tên thực của nó là “bông dừa”, nhưng hồi ấy bọn tôi đều gọi là hoa đồng hồ. Tôi nghĩ cái tên này xuất phát từ trò chơi của trẻ con thời ấy: Loài hoa này có một cái nhụy dài rất mảnh, trên đầu có điểm một hạt nằng nặng dinh dính; khi rút cọng nhụy này ra để giữa lòng bàn tay rồi thổi thì đầu cọng nhụy sẽ dính lại một chỗ còn cái cọng dài mảnh mai sẽ xoay như kim giây đồng hồ vậy.

Nhưng miền Trung đối với tôi chỉ là một vùng đất lạ, với rất nhiều nắng, rất nhiều gió, rất nhiều biển, với những dân chài đen nhẻm, với cách sống khá xa lạ với dân gốc đồng bằng với lũy tre làng là gia đình tôi. Và khác biệt lớn nhất, xa lạ nhất, là giọng nói và cả từ ngữ nữa. Những mô (đâu), tê (kia), răng (sao), rứa (thế), ni (này), chi (gì) vv là những từ tôi đã phải học và dùng đúng từ bé để có thể giao tiếp với bọn trẻ con ở Phan Thiết, vì nếu nói khác thì chúng nó không cho chơi với. Tôi vẫn nhớ khi nào lỡ buột miệng nói “Làm sao?” thì ngay lập tức sẽ bị trả lời: “Sao, hỏi sao trên trời!”

Vâng, miền Trung trong ký ức của tôi chỉ có như thế thôi – xa lạ. Trong khi đó, miền Nam đối với tôi sao mà thân thuộc thế, dù tôi cũng có biết nhiều về nó đâu, trừ đất Sài Gòn nơi tôi sống. Nhưng có một câu hỏi mà tôi vẫn tự hỏi mình từ rất lâu rồi, đó là sự khác biệt rất lớn giữa hai miền Bắc Nam – khác cả về giọng nói, lẫn cách sinh hoạt, và nhất là tính cách, là do đâu mà ra?

Tất nhiên là do khác hoàn cảnh, và do sự chia cắt về chính trị (đàng trong, đàng ngoài) trong một thời gian dài. Nhưng chắc chắn cũng là do sự pha trộn của các dân tộc sinh sống trên vùng đất “đàng trong” này bên cạnh những người Việt vốn gốc gác từ cái nôi miền Bắc đã thực hiện cuộc Nam tiến. Những dân tộc mà tôi tin là có ảnh hưởng đến văn hóa đàng trong chính là người Hoa (người Minh Hương) và người Khmer.

Và tất nhiên, những nguồn ảnh hưởng đó không bao gồm người Chàm! Người Chàm, hay người Chăm, người Chiêm, theo như tôi hiểu, chỉ là một nhóm thiểu số còn sót lại từ vương quốc Chiêm Thành trước đây, giờ đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Bi hận lắm, nhưng nó đã là quá khứ rồi, mà tất nhiên là không ai có thể làm lại quá khứ được. Điều duy nhất mà những người Việt như tôi có thể làm được bây giờ, là tôn kính những di tích lịch sử còn sót lại, và tôn trọng bản sắc văn hóa của người Chăm như một trong nhiều dân tộc thiểu số ở VN, vậy thôi.

Vâng, tôi vẫn luôn nghĩ như thế. Cho đến khi tôi đọc “500 năm như thế” của Hồ Trung Tú.

Một cuốn sách nho nhỏ, xinh xinh, chỉ hơn 250 trang khổ nhỏ, trông như một cuốn tiểu thuyết tình yêu của tuổi dậy thì. Nhưng chưa có cuốn sách nào khiến tôi phải đọc lâu như thế.

Đọc lâu, không phải vì nó khó hiểu. Tác giả của cuốn sách thực ra chỉ có một thông điệp rất rõ ràng, dễ hiểu, đã được nêu rõ ngay từ cái tựa và lời dẫn nhập của cuốn sách: trong suốt 500 năm dài, người Chàm – chủ nhân cũ của vùng đất này – đã cùng sinh sống, lập gia đình, sinh con đẻ cái, và pha trộn huyết thống trong dòng máu Việt hiện nay của chúng ta. Một thông điệp bất ngờ, đáng kinh ngạc, nhưng không phải là không có lý.

Không phải là không có lý, nhưng cũng không dễ dàng được chấp nhận ngay, vì nó quá mới mẻ. Và toàn bộ cuốn sách – không dài – của Hồ Trung Tú được viết ra chỉ là để chứng minh luận điểm này của ông. Với rất rất rất nhiều chi tiết về lịch sử, về địa lý, về văn hóa, về gia phả – tất cả dưới “góc nhìn phân kỳ lịch sử”. Những chi tiết mà đối với tôi là hoàn toàn xa lạ, vì, như đã nói ở trên, cho đến trước khi đọc cuốn sách này, tôi chẳng quan tâm gì đến khúc ruột miền Trung của đất nước gì cả.

Đọc lâu là vì như thế. Tôi phải đọc đi đọc lại để có thể xâu nối lại các chi tiết mà tác giả đã nêu ra để hiểu xem ý nghĩa của chúng là gì, và liệu chúng có thực sự cho phép tác giả đưa ra lời khẳng định táo bạo nêu trên hay không. Hoàn toàn không có nghề lịch sử, văn hóa, hay khảo cổ gì cả, tôi không thể phán đoán những thông tin và lập luận của tác giả có gì sai sót không, nhưng với tư cách một người Việt xem xét nguồn gốc của mình, tôi tin là tác giả đã viết có lý – và tất nhiên, không phải là chỉ suy đoán, mà cũng có những cứ liệu. Còn việc cứ liệu như thế là nhiều hay ít, và chất lượng của chúng, xin để cho các nhà chuyên môn bàn cãi.

Cuối cùng, thì điều lớn nhất, và quan trọng nhất mà Hồ Trung Tú đã làm được với cuốn sách của mình, đó là làm cho các độc giả người Việt (hoặc đúng hơn, nghĩ mình chỉ là người Việt) băn khoăn, đứng ngồi không yên, về cái kết luận như bom nổ của mình, mà theo lời của Inra Sara, một học giả người Chăm đúng nghĩa, là “chúng ta là Chăm, đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”. Ít nhất, điều đó đã làm cho chúng ta – trong đó có tôi, một người miền Nam gốc Bắc – quan tâm hơn đến cái “đoạn” lịch sử bị đứt khúc của chúng ta, thời kỳ đàng trong, đàng ngoài, và những điều đã xảy ra âm thầm trong nửa thiên niên kỷ kỳ bí đó.

Một cuốn sách nho nhỏ, nhưng rất nặng, và không thể đọc nhanh, đối với tôi. Tôi vẫn còn đang đọc nó, 500 năm bị lãng quên của nguồn cội VN.

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Nhân đọc thơ Haiku của Basho

Một người bạn [...]* của tôi từ An Giang mới gửi tặng tôi cuốn Thơ Haiku Basho – Tác phẩm và nghiên cứu do anh ấy biên soạn.


Tôi đã biết loáng thoáng về thơ Haiku từ khá lâu rồi, từ cái thời mà tôi còn ở Trường ĐHKHXH-NV, nơi thấm đẫm tinh thần thi ca, văn học, nghệ thuật. Nhưng tôi là dân ngoại đạo – gốc dạy ngoại ngữ, là ngành bị mọi người cho là … kém nhất, ít trí tuệ nhất, vì chẳng biết nghiên cứu gì, chỉ biết nói ngoại ngữ, nhưng lại không có gì trong đầu để nói (nghe cứ giống như người ta hay nói về các cô gái tóc vàng ấy nhỉ), chỉ biết đọc và thích, và lâu lâu hứng hứng thì xổ ra vài câu thơ con cóc mà thôi. Chủ yếu là chơi với chữ nghĩa ấy mà, chứ … trong đầu rỗng tuếch của dân ngoại ngữ bọn tôi thì có cái gì đâu cơ chứ!!!!!!

Hôm nay đọc cuốn sách được tặng – tôi cũng chỉ đang đọc chơi chơi, với tinh thần giải trí thôi, chứ không phải đọc với tinh thần nghiên cứu để giảng dạy ở bậc đại học, anh PHN nhé – thì tự nhiên thấy cao hứng và muốn “tái chế” lại mấy bài thơ Haiku đã được dịch trong cuốn sách để nghe “êm tai” hơn – well, tai của tôi. Xem như tạo thêm các dị bản cho bản dịch thơ Basho vậy mà.

Entry này nhằm ghi vội lại mấy bài mà tôi đã thích thú và có hứng sửa lại đôi chút, xem như một chút tình cảm tặng lại người đã biên soạn cuốn sách và cất công gửi tặng cho tôi, từ An Giang xa xôi. Biết đâu vì tò mò, vì thấy tôi dịch dở quá (hoặc hay quá, hì hì), mọi người lại thích thú, đổ xô đi mua sách của anh thì sao, anh PHN nhỉ?

Và cám ơn anh rất nhiều vì tập thơ, anh PHN nhé!


*Ghi chú: Chỗ [...] là phần xóa đi 3 từ theo góp ý của anh PHN, tác giả cuốn sách.
--------
Trăng đầu núi
Những đỉnh mây
Vỡ dần thành mảnh vụn
Đầu núi trăng soi.
(Bài 28)
(Về câu cuối: đầu tiên tôi dịch đầu núi trăng treo - bắt chước đầu súng trăng treo - nhưng anh Ngọc góp ý là không hợp lý, và đề nghị dùng từ trăng soi. Tôi vừa sửa lại theo góp ý.)

Yudono
Không thể nói gì về em, Yudono,
Chỉ thấy cánh tay áo của anh
Đẫm đìa nước mắt.
(Bài 29)
(Ghi chú: Yudono là một địa danh, không phải là tên cô gái).

Yudono, nơi khách hành hương
Rải tiền buôn thần bán thánh
Tôi bước đi, nước mắt tuôn rơi.
(Sora)

Mimosa
Ở Kisakata
Tây Thi ngủ trong mưa
Mimosa ướt đẫm.
(Bài 32)
(Ghi chú: Theo soạn giả PHN, ở đây có sự chơi chữ. Trong tiếng Nhật, nebu là từ đồng âm, vừa có nghĩa là “ngủ” vừa có nghĩa là “hoa mimosa”.)

Đêm mưa
Đêm rằm
Mưa trên đất Bắc
Trời chẳng chiều người.
(Bài 50)

Chia tay
Như con sò tách ra khỏi vỏ
Tôi rời sang Futami
Mùa thu qua vàng úa.
(Bài 53)
(Con sò bị tách ra khỏi vỏ hẳn là đớn đau, day dứt lắm.)

Ao xưa
Ao xưa
Ếch nhảy vào
Vang tiếng nước.
(Bài 33)

Cá thấy gì
Cá thấy gì
Chim nghĩ sao, tôi chẳng rõ
Năm tàn.
(Bài 36)

Đông cô liêu
Đông cô liêu
Xam xám trời chiều
Hắt hiu tiếng gió.
(Bài 39)

------
Thông tin thêm: Cuốn Thơ Haiku Basho – Tác phẩm và nghiên cứu do NXB Hội Văn hóa – Văn nghệ TP HCM và Liên hiệp Văn học Nghệ thuật An Giang năm 2011, mới đây thôi. Do Phùng Hoài Ngọc dịch và biên soạn. Các bạn tìm đọc nhé!

Nhan tien, tang cac ban link nay, thu vi lam day: http://www.disol.com/poetry_generators.html

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Số SIM của bạn có nghĩa gì không?

Một người bạn gửi cho tôi đoạn thông tin này, chẳng biết lấy ở đâu ra. Thấy nó cũng … ngồ ngộ, và giải thích tại sao người ta lại thích mua SIM số đẹp, nên đưa lên đây cho các bạn cùng đọc và giải lao đỡ buồn (không phải để các bạn đổ xô đi mua SIM số đẹp đâu nhé, mà nó mắc lắm mua không được đâu! Đâu đến 4, 5 trăm triệu lận đó, nếu số thật đẹp. Mà mấy người mua SIM số đẹp đó, tiền ở đâu ra mà họ xài thoải mái, cứ như lá tre vậy ta?)

À, mà tôi tình cờ phát hiện, số điện thoại của tôi cũng có lộc phát, lộc phát tài trong đó đó nghe! Sao chờ mãi không thấy lộc phát hay là phát tài gì vậy ta? Hay … bài viết dưới đây không đúng?

Thôi kệ nó, đúng hay không cũng mặc, đọc chơi cho biết tâm lý (mê tín) của người Việt ta. Mà, hình như mấy cái trò mê tín này không phải do ta nắm giữ bản quyền đâu, bản quyền của nó là từ phương bắc đó, của người anh em đồng chí 16 chữ ấy mà. Nè, coi chừng đồ giả, đồ dỏm hết đó nghe, giả/dỏm từ thịt heo nạc, đến Ipod, Iphone, Ipad gì gì đó, đến đồ chơi trẻ em, dược phẩm, rồi đến cả triết lý (đầy mê tín) của họ coi chừng cũng dỏm đó, ai tin theo, sử dụng, chết ráng chịu. Ngộ páo chước dồi lớ!

Enjoy!

----


Giới mê tín, chủ yếu quan chức có tiền và giới mánh mung, cá độ, tài phiệt ở Việt Nam tạm quy ước với nhau về nghĩa của các con số, tất nhiên có dựa vào triết lý Đông phương, rằng:


0 = Tay trắng/ Bất (phủ định)
1 = Nhất/ Độc/ Sinh
2 = Mãi
3 = Tài
4 = Tử
5 = Phúc/ Sinh
6 = Lộc
7 = Thất
8 = Phát
9 = Trường/ Vĩnh cửu.


Cho nên, cần phải hiểu các con số theo kiểu suy luận như sau:


- 1102 = Nhất nhất không nhì/ Độc nhất vô nhị
- 4078 = 4 mùa không thất bát
- 2204 = Mãi mãi không chết
- 1486 = 1 năm 4 mùa phát lộc/ 1 năm 4 mùa lộc phát
- 01234 = Tay trắng đi lên: 1 vợ, 2 con, 3 tầng, 4 bánh
- 456 = 4 mùa sinh lộc
- 78 = Thất bát
- 4953 = 49 chưa qua 53 đã tới (số tử/tử vi)
- 68 = Lộc Phát
- 39 = Thần tài nhỏ
- 79 = Thần tài lớn
- 38 = Ông địa nhỏ
- 78 = Thất bát/ Ông địa lớn
- 83 = Phát tài
- 86 = Phát lộc
- 04 = Bất tử
- 94 = Thái tử
- 569 = Phúc - Lộc - Thọ
- 227 = Vạn vạn tuế
- 15.16.18 = Mỗi năm - mỗi lộc - mỗi phát
- 6886/ 8668 = Lộc phát phát lộc/ Phát lộc lộc phát
- 8386/ 8683 = Phát tài phát lộc/ Phát lộc phát tài
- 1368 = Nhất tài lộc phát/ Kim lâu (tử vi)
- 18.18.18 = Mỗi năm 1 phát
- 19.19.19 = 1 bước lên trời
….

---
Nè, cái số cuối cùng này hay quá nhen. Ai muốn một bước lên trời giơ tay coi, để tui đi lùng SIM số đẹp về bán kiếm lời chút chớ?

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Bất ngờ báo Tây bàn chữ ta

Thật bất ngờ, hôm nay tôi bắt gặp bài viết này trên trang blog chuyên viết về ngôn ngữ của tờ tạp chí The Economist, vốn được xem là một tờ báo chuyên nghiệp thuộc loại mẫu mực trong làng báo tiếng Anh.

Đối với một tờ báo như The Economist, những vấn đề như bảng chữ cái tiếng Việt quả là quá nhỏ, hoàn toàn không đáng để cho họ bận tâm. Nếu có nhắc đến VN, thì mấy tờ báo của bọn tư bản giãy chết như vậy chỉ nhắc đến chiến tranh (hoặc ký ức chiến tranh, chẳng hạn như với Mỹ trước đây, hoặc nguy cơ chiến tranh, như với TQ bây giờ), chứ có bao giờ nhắc đến chuyện chữ nghĩa. Ấy vậy mà lần này thì có đấy: chúng đang bàn tán về việc VN định đưa bốn mẫu tự f, j, w, và z vào trong bảng chữ cái của mình, rồi sau đó lại rụt lại không dám đưa vào nữa.

Mà chúng đưa cái tựa buồn cười lắm nhé: “Ô-rơ-voa, f, j, w, z” (xin lỗi các bạn, tôi phát âm tiếng Tây theo kiểu bồi ấy mà). Dịch ra tiếng Việt thì nó là “Tạm biệt nhé, f, j, w, z”, nhưng ở đây thì không được dịch mà phải để nguyên tiếng Tây, vì trong tiếng Anh nó đâu có dùng tiếng bản ngữ (tiếng Anh) mà cố tình để tiếng Tây trong cái tựa đấy chứ.

Nhưng tại sao nó lại dùng tiếng Tây trong cái tựa bài viết tiếng Anh nhỉ? Hừm, báo chí của bọn tư bản giãy chết, chúng thâm độc lắm. Chắc chắn là trong bài này nó lại nói xấu nhà nước và đất nước XHCN tươi đẹp của chúng ta (và là thiên đường của các con tôi, tất nhiên), chứ chẳng chơi đâu. Phải đọc kỹ mới được các bạn ạ.

Vâng, phát huy tinh thần “ai có súng dùng súng”, chúng ta cùng lao vào đọc bài này cho thật kỹ, ai đọc được thì đọc, ai không đọc được thì đem chép bài cho vào google dịch rồi vừa đọc vừa đoán, vừa đọc vừa xăm xoi xem chúng có kích động, xúi giục nhân dân ta, hoặc bêu xấu, bôi nhọ đảng và nhà nước ta không nhé. Có thì báo ngay cho Bộ 4 T, để tìm cách … cho hacker hack cái trang đó, hoặc ít nhất cũng firewall đi chứ, chẳng lẽ ta chịu thua sao, dân tộc hào hùng thế mà? Tôi cũng sẽ đọc với tinh thần đó, các bạn ạ.

Đây rồi, biết ngay mà! Mục đích của chúng rõ ràng là chỉ nhằm bôi nhọ VN, đất nước xã hội chủ nghĩa tươi đẹp, cùng Cuba canh gác cho hòa bình thế giới thôi.

Thế chúng nói cái gì? Ừ, thì đại khái ban đầu chúng (giả vờ) nêu về lịch sử chữ viết VN, từ chữ Hán thời Bắc thuộc sang chữ Nôm rồi sau đó là chữ quốc ngữ. Nghe có vẻ khoa học, khách quan lắm. Nhưng ngay sau đó thì tâm địa xấu xa của chúng lộ ra, khi chúng bảo là chữ quốc ngữ thực ra là sản phẩm của bọn thực dân đế quốc làm ra mà VN chỉ vay mượn của chúng mà dùng thôi. Hừm hừm, láo thật láo thật – nhưng tức lắm mà không cãi được, vì nó nói … cũng đúng mà.

Tóm lại, chữ quốc ngữ ta đang dùng là sản phẩm bọn thực dân đế quốc, và chính bọn Tây (thực dân xâm lược) đã đưa ra chính sách sử dụng chữ quốc ngữ thay cho chữ Nôm, chữ Hán để dễ dàng cai trị dân ta. Mà bảng chữ cái của bọn Tây thì có các mẫu tự f, j, w, z. Không những thế, trong tiếng Việt hiện nay người ta cũng đang dùng các mẫu tự đó, ví dụ như từ “café” thì ai cũng viết là “café” với mẫu tự F ngoại lai đó, chứ có ai viết là “cà phê” đâu.

Ấy thế mà khi có người đề nghị đưa thêm 4 mẫu tự f, j, w, z vào bảng chữ cái tiếng Việt thì người ta cãi ầm lên, cho rằng làm như thế là làm mất cái “di sản văn hóa” của đất nước. Mà những người đưa ra ý kiến như vậy có phải là tầm thường, ít học đâu. Cái ý kiến về “di sản văn hóa” mà bài báo của bọn Tây (tư bản giãy chết) này nhắc đến thực ra là trích lời phát biểu của một nhà ngôn ngữ học thuộc Viện Nghiên cứu Từ vựng và Tự điển học (hay một cái gì đại loại như thế) tên là Phạm Văn Tỉnh (hay Tĩnh, Tịnh gì đó) đấy chứ [Ghi chú: chỗ này tôi đọc không kỹ nên trích sai rồi, các bạn đọc phần cập nhật bên dưới nhé]. Nhưng bọn nhà báo cũng đểu, trích xong như thế thì bèn thòng thêm một câu: “khi nói vậy, có lẽ ông ấy quên rằng chữ quốc ngữ cũng chỉ là mượn từ bên ngoài vào thôi”!

Nhưng tức nhất là cái đoạn kết luận. Tôi xin trích nguyên văn dưới đây cho mọi người cùng đọc này:

In the end, inertia won out. Changing the alphabet would have taken a lot of work and cost. Add to that the fact that Vietnam has a habit of ignoring its own legislation, whether on public smoking or motorcycle helmets. Getting another generation to sing a new alphabet song and under-resourced schools to print up new alphabet posters would have taken scarce time and money. Those who want to use f and the rest are just going to have to do it without official sanction.
Xin dịch tóm tắt, và dịch thoát: Cuối cùng thì không ai thay đổi gì, vì làm như thế sẽ mất công và tốn kém. Trong khi đó, VN vốn đã quá quen việc “trên bảo dưới không nghe”, và “sống và làm việc (không) theo pháp luật” rồi, nên ai muốn dùng “F” hoặc các mẫu tự khác không có trong bảng chữ cái thì cứ thoải mái dùng chui đi, không sao đâu!

Chúng nói ta thế đấy, có tức (ói máu) không cơ chứ!
----
Cập nhật 11g32 sáng 9/9 (cũng là ngày sinh nhật trang Anh Ba Sàm, lá cờ đầu của báo lề trái, chuyên … “nói bậy nói bạ”nhưng … trúng tá lả):

Có một bạn đọc blog đã góp ý cho tôi như sau (gửi qua mail), xin đưa nguyên văn dưới đây:

Chào cô
Dạo này cô viết blog đều trở lại, em cũng mừng (vì có cái để đọc hehe).
Entry về chữ quốc ngữ rất thú vị, chỉ có một chỗ có lẽ nên sửa lại: người đưa ra ý kiến về di sản văn hóa thật ra không phải là ông Pham Van Tinh nào đó, mà là một giáo sư khác.


Pham Van Tinh, of the Institute of Lexicography and Encyclopaedia, argued that “these letters are very popular in many languages in the world” and that people already come across them in science and other areas. But another professor said that scripts are part of a country’s “cultural heritage”, perhaps forgetting for a moment how recently quoc ngu had been adopted.
Cám ơn bạn đọc đã bắt được lỗi to này, và xin lỗi Ông PVT nào đó mà tôi đã đưa sai trong entry.

Nhận xét bên lề: Rõ ràng là chỉ có tự do ngôn luận thì mới có hy vọng tiếp cận sự thật, các bạn nhỉ.

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Tản mạn nhân đọc “Có 500 năm như thế” của Hồ Trung Tú

Tôi biết đến tác giả Hồ Trung Tú và cuốn sách này của anh một cách hết sức tình cờ, dù trước đó cái tên HTT đối với tôi nghe cũng quen quen, chẳng biết do thấy ở đâu. Nói là biết tác giả, là vì tôi cũng đã có “thư từ qua lại” với tác giả rồi đấy, dù chỉ một lần, vài giòng qua email.

Chẳng là gần đây, tôi có tình cờ đọc được bài viết của anh có tựa là “Anh đã sống thay đồng đội” trên blog của anh Huỳnh Ngọc Chênh (sau mới biết bài này đã đăng trên báo Thanh Niên ngày 28/8, có thể đọc ở đây). Một bài viết hết sức cảm động, vì nó kể về một câu chuyện có thật với những con người có thật, đang sống, và là người đương thời của tôi (= cùng độ tuổi), có vẻ thế.

Vì muốn làm một cái gì đó để biểu lộ lòng yêu nước trong cái thời mà yêu nước cũng phải đúng cách (và tốt nhất là nên yêu một mình, lặng lẽ, không ồn ào, cũng không nên biểu lộ quá rõ ràng ra ngoài, hình như thế), tôi đã hỏi thăm anh HNC xem có cách nào liên lạc được với anh Dũng hay không. Nên mới nhận được mail của HTT. (Nhân tiện, anh HTT ạ, tôi cũng đã liên lạc được với anh Dương Văn Dũng rồi đấy, cám ơn anh nhé.)

Rồi lại tình cờ nữa, hôm nghỉ lễ 2/9 tôi đi Đà Lạt, lúc về khi chờ lên máy bay ở sân bay tôi bắt gặp cuốn sách đó ở trong tiệm sách nhỏ ở sân bay. Vì nhìn thấy tên tác giả là “người quen” (thì tôi đã nói ở trên rồi, có “thư từ qua lại” rồi còn gì, tội gì mà không bắt quàng làm họ), nên tôi tò mò cầm cuốn sách lên. Một cuốn sách viết về lịch sử Quảng Nam, một vùng đất từ trước đến nay vẫn rất xa lạ đối với một người gốc Bắc, sinh ở Sóc Trăng, và sống ở Sài Gòn từ 5 tuổi như tôi.

Nhưng sau sự kiện Biển Đông gần đây thì có lẽ vùng đất miền Trung khô cằn, sỏi đá sát kề vùng biển đảo của VN không còn xa lạ với người dân Việt trên mọi miền đất nước nữa. Vậy thì thử đọc xem, để hiểu thêm một chút về “khúc ruột miền Trung” chứ.

Lật mấy trang đầu đọc lời dẫn nhập, tôi thấy thích thú ngay lập tức, vì có những thông tin rất thú vị, ví dụ như lý giải về việc tại sao ở SG có chợ Bình Tây nằm ở phía Đông và chợ Bình Đông nằm ở phía Tây, hoặc về hình ảnh ông Ba Bị (mà hồi nhỏ tôi vẫn nghe: “Ba Bị chín quai/ mười hai con mắt/ đi bắt trẻ con/ bỏ vào cái bị”), theo tác giả thì đó chính là những người miền Bắc (Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương …) bỏ quê hương làng xóm để vào Nam lập nghiệp. Và còn nữa, những lý giải về giọng nói khác biệt kỳ lạ của dân Quảng Nam, với những nguyên âm bị biến dạng nặng nề. Tôi nhớ hồi còn đi học ở Úc bọn tôi cứ so sánh giọng Úc của tiếng Anh – vốn bị mọi người chê là dở thậm tệ – với giọng Quảng Nam của tiếng Việt.

Và thế là tôi mua, và đọc hết một lượt, chỉ trong thời gian chờ máy bay và trên chuyến bay mà thôi. Tôi có thói quen đọc rất nhanh một lần, rồi sau đó mới đọc lại nếu quả thật là thích. Còn nếu không đọc lại nữa thì … xem như là đã đọc xong.

Cuốn “Có 500 năm như thế” là một trong (không nhiều) những cuốn sách tôi có bỏ thì giờ ra để đọc lại (hiện vẫn còn chưa đọc xong). Nói như thế để thấy nó là một cuốn sách đáng đọc, ít ra là đối với tôi.

Vâng, hãy tìm và đọc cuốn sách này các bạn ạ, để hiểu hơn một chút về “khúc ruột miền Trung” ấy. Và để suy nghĩ thêm một chút về lịch sử nước nhà, về việc tại sao Chiêm Thành mất nước, về mảnh đất phương Nam hào phóng đã chứa chấp những người như tôi, như cha mẹ tôi, và nhiều người Việt khác trên con đường Nam tiến. Và về giòng máu Chăm, tính cách Chăm, tâm hồn Chăm, văn hóa Chăm có thể đang ẩn giấu trong mỗi người Việt của chúng ta hôm nay. Để có thể, giống như HTT, dám nhận những di sản văn hóa Chăm còn lại trên đất Việt của ta hôm nay, là những di sản của cha ông (mẹ bà?), chứ không phải là của những người xa lạ.

Tôi sẽ còn viết tiếp một chút về cuốn sách này, các bạn ạ, khi có thêm một chút thời gian, và khi đọc xong (đọc lại) cuốn sách này, các bạn nhé.
----
Viết thêm tối ngày 7/9

Nhân đang đọc cuốn sách của HTT, tôi tò mò tìm hiểu xem dư luận lâu nay về cuốn sách này như thế nào. Mới biết rằng cuốn sách ấy tạo nên rất nhiều dư luận, như có thể thấy qua những bài viết giới thiệu sách mà tôi đưa links dưới đây, mặc dù trước khi mua cuốn sách này thì tôi hoàn toàn không hề mảy may hay biết về chúng.

1. Trên báo Lao động, ở đâyở đây.

2. Trên trang của nhà thơ Chăm Inrasara, ở đây. Đặc biệt, có cả những comments, đa số của người Việt gốc Chăm, rất hay.

3. Bài cảm nhận của một người Chăm, đọc rất cảm động, cũng ở trên trang của nhà thơ Inrasara, ở đây. Cũng vậy, đọc cả các comments bên dưới các bạn nhé.

4. Bài viết của chính Inrasara, ở đâyở đây. Rất đáng đọc và suy nghĩ.

5. Trên báo Quảng Nam, ở đây.

6. Khen thì tôi cũng đã khen rồi, và các bài tôi giới thiệu ở trên cũng là khen. Nhưng cuốn sách ấy cũng có những người chê nữa. Các bạn đọc thử bài này, ở đây nhé. Tôi không đồng tình với người viết bài này, nhưng cũng là một góc nhìn khác.

Cứ tạm thế đã, rồi tôi sẽ viết cảm nhận của tôi, sau khi đọc kỹ.

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Những nẻo đường Việt Nam ...


Mẹ già như chuối ba hương ...
Có một bài hát trước năm 1975 mà tôi rất thích, hình như của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, với những câu đầu tiên mà tôi còn nhớ: "Những nẻo đường Việt Nam/ suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan/ ơi những nẻo đường Việt Nam ...".

Chẳng hiểu do trời xui đất khiến như thế nào, có thể là do bản chất công việc, mà cũng có thể là do tính cách thích một chút phiêu lưu, quan sát và trải nghiệm, nên tôi hay có cơ hội đi xa nhà. Chỉ có điều lúc nào tôi đi cũng vội, nên chẳng ghi chép, lưu giữ lại cho cẩn thận gì cả.

Nói cho đúng, tôi luôn luôn sống trọn phút giây mà mình trải qua, và khi còn trẻ, cứ mỗi lần trải qua điều gì làm tôi có cảm xúc là lại còn làm thơ được nữa cơ. Thơ (con cóc) của tôi rơi rụng khắp nơi, có bài hay (ít thôi), và cũng có rất nhiều bài thật dở, vì tôi làm thơ thấy cũng dễ dàng như giải mấy bài toán đố thời tiểu học (hồi ấy tôi rất giỏi toán đố, vì con nhà buôn bán mà, nên việc cộng trừ nhân chia, làm tính nhẩm, và tính toán lời lỗ thì tôi thấy rất bình thường, như ăn cơm vậy). Vì vậy, tôi cứ ỷ y, cho rằng mình sẽ nhớ tất cả những bài thơ mình đã làm, mà nếu không nhớ thơ đã làm thì cũng không sao, vì sẽ vẫn còn nhớ những gì mình đã trải nghiệm. Nhưng không phải thế, vì bây giờ mới thấy có nhiều điều mình đã quên mất.

May là sau này đã có đủ loại công nghệ giúp người ta làm cái việc lưu giữ đó, chẳng hạn như máy chụp ảnh kỹ thuật số mà bây giờ điện thoại di động nào dù rẻ tiền nhất cũng có. Hoặc blog, như trang blog này của tôi. Nên tôi mới có thể lưu lại một số hình ảnh, để hỗ trợ cho cái trí nhớ ngày càng kém đi của mình.

Và hôm nay, nhân ngày nghỉ lễ 2/9 (long weekend), tôi có một ít thời gian để xem lại các hình ảnh mà tôi đã chụp trong thời gian gần đây, trong mấy chuyến đi gần đây ở một số nơi dọc trên chiều dài đất nước. Những nẻo đường Việt Nam, từ Hà Nội, vào đến Đà Nẵng, rồi Cần Thơ, rồi ra tận Phú Quốc. Và cả những tấm hình chụp ở SG, quanh khu nhà tôi, và trên con đường đi đến nơi làm việc của tôi nữa. Những tấm hình chụp vội trên điện thoại di động, với những cảm xúc thoáng qua. Hình không đẹp, nhưng nó ghi lại những khoảnh khắc có thật lúc ấy.

Thôi thì cứ đưa lên đây với vài ghi chú vội, cho khỏi quên cái đã. Sẽ viết nhiều hơn, khi tôi có nhiều thì giờ hơn. Riêng tấm hình mà tôi để trên đầu của entry này là tấm hình tôi nhớ rất rõ, vì nó chụp hình một bà cụ gần nhà tôi. Năm nay cụ đã ngoài 80 rồi, nhưng hàng ngày vẫn còn bán hàng ở vỉa hè gần một ngôi chùa trên đường Nguyễn Thượng Hiền gần nhà tôi. Bà bán chuối, khoai lang, mít, ổi vv, toàn là những thứ rẻ tiền và không ngon lắm, nhưng tôi hay mua của bà để giúp bà. Hình này là tôi chụp cách đây cũng gần một năm rồi, nhân dịp gần Tết ta năm nay.

Còn những tấm hình dưới đây là tôi lượm lặt trên những chuyến đi, trên những nẻo đường Việt Nam ...

Đây là hình tôi chụp ở đảo Phú Quốc, trong chuyến viếng thăm trại nuôi ngọc trai. Hình một tảng đá (đá cuội?) có hình thù kỳ lạ giống như một con thú, được trưng bày trong cửa hàng bán ngọc trai trên đảo mà tôi chẳng nhớ rõ tên cửa hàng ấy là gì. Một tảng đá vô tri vô giác, nhưng dưới mắt con người lại trở thành một con thú lạ lùng, ngô nghê, và thân thương lạ.

Cũng ở Phú Quốc, dấu vết chiến tranh vẫn còn in đậm. Chiến tranh tàn ác, và tôi muốn quên, nhưng để có thể quên thì người ta cũng cần phải nhớ, dù chỉ để tránh.

Hình này chụp ở Cần Thơ trong chuyến đi công tác vội của tôi cách đây vài tuần. Buổi trưa, trời nắng chang chang, tôi đi tìm một quán ăn, và tình cờ gặp quán này trong hẻm nhỏ. Một quán bún mắm và một xe nước mía, cùng một chủ, và thực khách chỉ có một mình tôi. Quán vỉa hè trong hẻm, bình dân và giá rẻ, nhưng sạch sẽ đến bất ngờ. Và hương vị rất đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long...

Máy ép nước mía tự chế của các nhà khoa học chân đất, những người dám chế cả máy bay, dù ở một vùng vẫn bị mang tiếng (không oan uổng gì) là học dốt nhất nước. Học dốt nhất, nhưng cũng nhiều sáng kiến có ích nhất, và nhiều hoài bão về công nghệ nhất. Một trong rất nhiều nghịch lý ở VN, khi số nhà khoa học ở Hà Nội thì nhiều nhất, cơ quan trung ương cũng nhiều nhất, cả số lượng các viện khoa học vv, và được ngân sách nhà nước đầu tư với mức độ cao nhất, nhưng hiệu quả thì ...????

Nhắc đến Hà Nội, hình dưới đây tôi chụp bên ngoài BV Phụ sản ở HN vào tháng 7/2011. Đến thăm một chị bạn đang nuôi con gái và cháu ngoại ở BV. Cảm giác: BV quá tải, bên ngoài BV buôn bán hỗn loạn, hơi mất trật tự và ... thiếu vệ sinh. Mà ngay ở trung tâm thủ đô. Biết làm sao được, nước ta còn nghèo (nhưng bao giờ thì hết nghèo nhỉ?)



Nhưng không phải cái gì cũng xấu. Hình trên là con đường gốm sứ, có lẽ là duy nhất trên thế giới? Tôi không rõ, nhưng tôi rất thích đoạn đường này. Rất đẹp, rất độc đáo. Ai chưa biết đoạn đường này thì nên đến Hà Nội để xem, ít nhất một lần. Ví dụ như đoạn trong hình dưới đây.

Và những tấm hình gần đây nhất tôi mới chụp ở Đà Lạt, thành phố hoa mà tôi cho là có thiên nhiên đẹp nhất nước. Hoa ở khắp nơi, không chỉ có hoa trên giàn, hoa trong công viên, trên đỉnh đồi, bên bờ hồ, mà cả trên vệ đường, góc phố, sân nhà, cả những chậu kiểng đã bể bỏ ở góc vườn không người chăm sóc. Đà Lạt mơ, với hoa Mi-mô-sa nở vàng khắp nơi tỏa mùi hương ngai ngái ... Mimosa từ đâu em tới đất này?

Nhưng tôi sẽ không đưa hình hoa của Đà Lạt lên đây, mà sẽ để dành một entry riêng về hoa (mà có lẽ phải là vài entry mới hết nhỉ?). Còn dưới đây là những hình ảnh khác của Đà Lạt.

Chiều rơi trên Hồ Xuân Hương. Cả mây và nước cùng một màu xanh pha xám, rất lạ lùng. Nước lặng, trời êm, gió nhẹ, tôi và một chị bạn gốc Đà Lạt ngồi trong quán cafe Thanh Thủy ngay bên bờ hồ. Tự hỏi, trên thế giới có nơi nào đẹp hơn thế này để hai người yêu nhau ngồi tình tự không nhỉ?

Còn dưới đây là hình chụp trong quán cafe sách của PNC (một công ty phát hành sách ở Sài Gòn, Phương Nam Company) tại gần khu chợ Đà Lạt. Những chiếc dù treo ngược trên trần, in những dòng chữ trên các tờ báo bán rất chạy ở Sài Gòn. Một ý tưởng rất lạ lùng, kỳ thú. Buổi tối, trời bên ngoài lành lạnh, mưa lất phất, bên trong quán cafe ngay trong tiệm sách rất đông, cả người mua sách lẫn người uống cafe ...


Chợt nhớ một câu tập đọc thời tiểu học mà tôi đã đọc trong Quốc văn giáo khoa thư: "Chốn quê hương là đẹp hơn cả..." Chẳng thế mà khi bố tôi sắp rời VN để sang Mỹ chữa bệnh (ông sang và mất ở đó), ông đã khóc rất nhiều khi hát bài hát mà tôi không nhớ tên, chỉ nhớ lời: "Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh/ có sông sâu lơ lững vờn quanh/ êm xuôi về Nam. Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau/ bóng tre lu bên mấy hàng cau/ đồng quê mơ màng ..."

Lại nhớ mấy câu thơ của chính tôi trong bài thơ (con cóc) mà tôi đã làm khi lần đầu đi qua phà trên sông Hậu Giang năm 1979, khi tôi 19 tuổi:

Nỗi niềm yêu quê hương bất diệt
Gợn êm như sóng nước Hậu Giang

Nhè nhẹ trôi, thời gian ơi thời gian
Trên giòng sông mênh mang...