Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Nhân đọc thơ Haiku của Basho

Một người bạn [...]* của tôi từ An Giang mới gửi tặng tôi cuốn Thơ Haiku Basho – Tác phẩm và nghiên cứu do anh ấy biên soạn.


Tôi đã biết loáng thoáng về thơ Haiku từ khá lâu rồi, từ cái thời mà tôi còn ở Trường ĐHKHXH-NV, nơi thấm đẫm tinh thần thi ca, văn học, nghệ thuật. Nhưng tôi là dân ngoại đạo – gốc dạy ngoại ngữ, là ngành bị mọi người cho là … kém nhất, ít trí tuệ nhất, vì chẳng biết nghiên cứu gì, chỉ biết nói ngoại ngữ, nhưng lại không có gì trong đầu để nói (nghe cứ giống như người ta hay nói về các cô gái tóc vàng ấy nhỉ), chỉ biết đọc và thích, và lâu lâu hứng hứng thì xổ ra vài câu thơ con cóc mà thôi. Chủ yếu là chơi với chữ nghĩa ấy mà, chứ … trong đầu rỗng tuếch của dân ngoại ngữ bọn tôi thì có cái gì đâu cơ chứ!!!!!!

Hôm nay đọc cuốn sách được tặng – tôi cũng chỉ đang đọc chơi chơi, với tinh thần giải trí thôi, chứ không phải đọc với tinh thần nghiên cứu để giảng dạy ở bậc đại học, anh PHN nhé – thì tự nhiên thấy cao hứng và muốn “tái chế” lại mấy bài thơ Haiku đã được dịch trong cuốn sách để nghe “êm tai” hơn – well, tai của tôi. Xem như tạo thêm các dị bản cho bản dịch thơ Basho vậy mà.

Entry này nhằm ghi vội lại mấy bài mà tôi đã thích thú và có hứng sửa lại đôi chút, xem như một chút tình cảm tặng lại người đã biên soạn cuốn sách và cất công gửi tặng cho tôi, từ An Giang xa xôi. Biết đâu vì tò mò, vì thấy tôi dịch dở quá (hoặc hay quá, hì hì), mọi người lại thích thú, đổ xô đi mua sách của anh thì sao, anh PHN nhỉ?

Và cám ơn anh rất nhiều vì tập thơ, anh PHN nhé!


*Ghi chú: Chỗ [...] là phần xóa đi 3 từ theo góp ý của anh PHN, tác giả cuốn sách.
--------
Trăng đầu núi
Những đỉnh mây
Vỡ dần thành mảnh vụn
Đầu núi trăng soi.
(Bài 28)
(Về câu cuối: đầu tiên tôi dịch đầu núi trăng treo - bắt chước đầu súng trăng treo - nhưng anh Ngọc góp ý là không hợp lý, và đề nghị dùng từ trăng soi. Tôi vừa sửa lại theo góp ý.)

Yudono
Không thể nói gì về em, Yudono,
Chỉ thấy cánh tay áo của anh
Đẫm đìa nước mắt.
(Bài 29)
(Ghi chú: Yudono là một địa danh, không phải là tên cô gái).

Yudono, nơi khách hành hương
Rải tiền buôn thần bán thánh
Tôi bước đi, nước mắt tuôn rơi.
(Sora)

Mimosa
Ở Kisakata
Tây Thi ngủ trong mưa
Mimosa ướt đẫm.
(Bài 32)
(Ghi chú: Theo soạn giả PHN, ở đây có sự chơi chữ. Trong tiếng Nhật, nebu là từ đồng âm, vừa có nghĩa là “ngủ” vừa có nghĩa là “hoa mimosa”.)

Đêm mưa
Đêm rằm
Mưa trên đất Bắc
Trời chẳng chiều người.
(Bài 50)

Chia tay
Như con sò tách ra khỏi vỏ
Tôi rời sang Futami
Mùa thu qua vàng úa.
(Bài 53)
(Con sò bị tách ra khỏi vỏ hẳn là đớn đau, day dứt lắm.)

Ao xưa
Ao xưa
Ếch nhảy vào
Vang tiếng nước.
(Bài 33)

Cá thấy gì
Cá thấy gì
Chim nghĩ sao, tôi chẳng rõ
Năm tàn.
(Bài 36)

Đông cô liêu
Đông cô liêu
Xam xám trời chiều
Hắt hiu tiếng gió.
(Bài 39)

------
Thông tin thêm: Cuốn Thơ Haiku Basho – Tác phẩm và nghiên cứu do NXB Hội Văn hóa – Văn nghệ TP HCM và Liên hiệp Văn học Nghệ thuật An Giang năm 2011, mới đây thôi. Do Phùng Hoài Ngọc dịch và biên soạn. Các bạn tìm đọc nhé!

Nhan tien, tang cac ban link nay, thu vi lam day: http://www.disol.com/poetry_generators.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét