Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Người Hoa và lịch sử đàng trong

Đã từ lâu tôi luôn quan tâm và muốn tìm hiểu rõ hơn về lịch sử đàng trong, trong đó có vai trò của người Hoa. Sự quan tâm này bắt nguồn từ ngày tôi học lớp 6 ở trường Gia Long, một ngôi trường “đậm đà bản sắc Nam bộ”. Ngày ấy, ở SG có hai trường nữ trung học lớn là Gia Long và Trưng Vương, với sự phân chia (không chính thức) như sau: Trưng Vương là trường “Bắc”, đa số giáo viên (thời ấy gọi là “giáo sư”) và học sinh là người Bắc, nói tiếng Bắc, theo văn hóa Bắc. Còn Gia Long thì là trường “Nam”, với giáo viên và học sinh Nam, nói tiếng Nam, và theo văn hóa Nam.

Còn tôi, là người gốc Bắc, nhưng lại học trường Nam, nên từ năm lớp 6 đã thấy mình sao khác mọi người. Một sự khác biệt rõ rệt. Đặc biệt, tôi nhớ lớp 6-1 của tôi thời ấy có rất nhiều bạn người Việt gốc Hoa, và học rất giỏi (đa số sinh sống ở quận 5). Những cái tên đọc lên là đã thấy rõ nguồn gốc người Hoa của họ: Lâm Liễu Phương, Quán Thục Dinh, Trương Thể Hà … (tôi chỉ còn nhớ có vài tên như vậy).

Những người bạn gốc Hoa ấy có những thói quen về lời ăn tiếng nói, sinh hoạt, những suy nghĩ, những giá trị rất khác những gì tôi biết từ cộng đồng người Bắc di cư nhỏ bé mà tôi vẫn tiếp xúc từ nhỏ đến lúc ấy (11, 12 tuổi). Quả là một cuộc hội nhập văn hóa, trong đó tôi là thiểu số, và buộc phải hội nhập, còn nền văn hóa “chính thống” là văn hóa của những bạn người Nam, trong đó có nhiều người gốc Hoa. Những thói quen nghe cải lương, xem hát bội, thờ Quan công, cúng ông Táo vv là những gì tôi mới được tiếp cận lần đầu khi bắt đầu vào trường Gia Long. Sự khác biệt rất lớn và rõ nét ấy khiến tôi cứ tò mò mãi về nguồn gốc văn hóa đa dạng của người Việt nam, về đàng trong đàng ngoài, và về ảnh hưởng của các nền văn hóa bên ngoài đến lịch sử lập quốc của đất nước.

Theo tôi nhớ thì chương trình lịch sử của bọn tôi đến lớp 9 vẫn chưa học (hoặc chưa học kỹ) về lịch sử cận đại của VN, mặc dù thỉnh thoảng qua các môn học khác như địa lý hoặc văn học (hồi ấy gọi là môn Giảng văn) thì bọn tôi cũng thỉnh thoảng được nghe đề cập sơ qua. Nhưng bà chị tôi thì lúc ấy đang học cấp 3 (thời ấy không gọi như vậy, mà gọi là trung học đệ nhị cấp, còn bọn tôi cấp 2 thì là trung học đệ nhất cấp), và phần lịch sử đàng trong được học rất kỹ. Tôi nhớ chị tôi hay bàn bạc, tranh luận về lịch sử với những người bạn của mình, trong đó rất hay đề cập đến đàng trong, với những cái tên như Mặc Cửu, Dương Ngạn Địch, với làng Minh Hương, với phong trào “phản Thanh phục Minh” của cựu thần nhà Minh vào thế kỷ 17, vv. Và rất tò mò, muốn mau lên cấp 3 để được học thêm, tìm hiểu thêm nhiều nữa.

Tiếc một nỗi là khi tôi lên cấp 3 thì … “giải phóng”. Chương trình thay đổi khá nhiều, đặc biệt là các môn khoa học xã hội và nhân văn. Lịch sử các lớp 10, 11 học gì tôi không còn nhớ nữa, nhưng chắc chắn lớp 12 thì chỉ tập trung học (rất nhiều, rất chi tiết) về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng tuyệt nhiên là trong suốt chương trình sử cấp 3 hoàn toàn không thấy nói gì đến lịch sử khẩn hoang miền Nam và mở cõi ở đàng trong của nhà Nguyễn. Nhắc đến nhà Nguyễn thì chỉ thấy toàn là “bán nước” mà thôi, còn mở nước thì chẳng thấy đâu.

Rồi sau khi “giải phóng” được một vài năm, vấn đề người Hoa ở VN lại nổi lên – phải nói là nổi cộm – một lần nữa. Trước hết là mấy vụ “đánh tư sản”, đa số trúng vào người gốc Hoa ở VN. Tôi nhớ năm ấy lớp tôi có một bạn người gốc Hoa, nhà ở đường Trần Quang Khải Quận 1, tên có hai chữ cụt ngủn là Trần Huệ. Bạn Huệ bảo, hồi sinh ra cha mẹ định đặt tên bạn là Trần Huệ Hương, nhưng không hiểu viên thư lại ghi chép thế nào mà khi khai sinh in ra chỉ còn có chữ Trần Huệ, đành chấp nhận làm tên luôn (ở nhà vẫn gọi là Huệ Hương). Bạn Huệ người mảnh mai, cao 1,70m, tức là rất cao so với thế hệ của tôi, mắt một mí, da trắng, ăn nói chậm rãi dễ thương, hơi giống tài tử Hồng Kông thời ấy (hoặc nữ diễn viên Hàn Quốc bây giờ).

Năm bọn tôi học lớp 11, 12 gì đó (khoảng năm 1976-1977) thì đánh tư sản, có mấy bạn  đi học mà đầu tóc rối bời, mặt mày thờ thẫn, thỉnh thoảng lại kể vài câu về việc các “cán bộ” kiểm kê đóng chốt tại nhà bạn ấy, lục tung đồ đạc để kiểm kê tài sản, ghi biên bản và tịch thu …. Tôi vẫn nhớ, có bạn đem vào trong lớp một vài cuốn sổ chép nhạc (nhạc vàng), chép thơ, nhật ký của mình thời cũ, gửi bạn bè trong lớp giữ giùm vì sợ bị tịch thu mất. Nhớ lại, vẫn cảm thấy rùng mình với ký ức của một thời ấu trĩ đã qua – mà không rõ nó đã thực sự qua chưa nhỉ?

Rồi lên đại học, năm thứ nhất lại nổ ra vụ “nạn kiều” và người Hoa “di tản” sang Trung Quốc. Tôi cũng chẳng rõ cái vụ này thực sự là như thế nào; hình như chưa có tài liệu chính thức nào của VN nói rõ ràng về điều này cả. Nhưng theo những gì tôi biết qua những sự việc xảy ra cho bạn bè cùng lớp, cùng khóa thì sự kiện này cũng có tác động rất lớn và làm lung lạc ý chí của rất nhiều người Việt gốc Hoa. Lúc ấy trong khóa của tôi, lớp tiếng Nga (tôi là tiếng Anh) có một bạn trai tên là Bành Văn Tín (hay Bành Trung Tín) gì đấy, tôi quên rồi, là Đoàn viên, cán bộ Đoàn (hình như Bí thư Đoàn khoa), nhưng là người gốc Hoa, nên đến năm thứ 4 dù học giỏi nhưng không được giữ lại trường, và có vẻ lận đận lắm. Bạn Tín vốn tháo vát, vui vẻ, mau mồm mau miệng, nhưng đến lúc ấy thấy trầm hẳn, ít nói, mặt buồn buồn, rồi về sau tôi không còn thấy đâu nữa, chẳng rõ có ra trường hay đã nghỉ học từ trước. Một thời loạn lạc.

Và rồi sau này, ra trường đi dạy, tôi vẫn còn nhiều dịp được tiếp xúc với những gia đình người Việt gốc Hoa. Có một dạo tôi dạy tiếng Anh vào buổi tối ở Trường Tân Trang Quận Tân Bình, giáp ranh Quận 11, có nhiều học trò người gốc Hoa. Có một cô học trò rất quý tôi, hay rủ tôi đến nhà chơi. Vào dịp gần Tết, đến khu nhà người (gốc) Hoa ở quận 11, đa số là người lao động, tôi thấy rất đông đúc, nhộn nhịp, ồn ào, màu đỏ khắp nơi, bàn thờ màu đỏ, đèn màu đỏ trên bàn thờ, Quan công cũng mặt đỏ (râu đen dài), đám múa lân cũng màu đỏ, cờ đỏ rợp trời, tiếng trống gõ, tiếng chập cheng ầm ĩ. Lạ lắm.

Bạn bè tôi cũng nhiều người gốc Hoa. Trong ấy, có nhiều người đã đi định cư ở nước ngoài, với nguồn gốc là công dân Việt. Còn trong số bạn bè còn ở VN hiện nay thì tôi có quen một cặp vợ chồng, cả bên chồng lẫn bên vợ đều bố gốc Hoa mẹ Việt, hai đứa lấy nhau sinh ra con trông y xì là người Hoa 100%: da trắng, mập mạp, mắt một mí, trông không ai bảo là người Việt. Nhưng họ thì hoàn toàn suy nghĩ như Việt, nói tiếng Việt (tiếng miền Nam), viết chữ Việt, đọc sách Việt, thậm chí không biết nói tiếng Hoa, không biết đọc tiếng Trung. Và đối với tôi, cũng như với họ, thì tất cả đều là người Việt Nam, chẳng có một chút phân biệt gì hết, dù nguồn gốc thì khác nhau. Cũng như tôi là người gốc Bắc, nhưng sinh ra và lớn lên ở miền Nam, ăn vị Nam, dùng từ Nam (mặc dù nói theo giọng Bắc).

Tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc nhà nước Việt Nam phải nghĩ đến việc viết lại rõ ràng hơn trong lịch sử Việt Nam về vai trò và lịch sử phát triển, suy vong, hội nhập vào văn hóa Việt của các dân tộc khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện nay. Và chắc chắn là phải nhìn nhận sự đóng góp của người gốc Hoa trong sự phát triển của đàng trong và của đất nước. Vì nếu để cho dân chúng mù mờ về lịch sử Việt thì sẽ có nhiều hệ quả không ngờ, tôi nghĩ thế. Ít nhất là sẽ không thu phục được nhân tâm, kêu gọi mọi người phát huy hết mọi khả năng để tiếp tục xây dựng đất nước.

Trong entry tới tôi sẽ gửi lên một bài viết mà tôi mới tìm thấy trên mạng về vấn đề tôi vừa đề cập đến. Để lưu cho tôi, và để cho mọi người cùng đọc và chia sẻ. Có lẽ tôi sẽ còn đề cập đến vấn đề này nhiều nhiều nữa trên blog này.
----

8 nhận xét:

  1. Em rất thích các bài viết của cô, đặc biệt là các kỷ niệm rất đặc sắc của cô.

    Đọc bài viết này, em nghĩ rằng, phải công nhận chuyện lịch sử nhiều điều khó nói lắm. Đồng ý là chúng ta ai cũng muốn biết rạch ròi những sự thật lịch sử. Nhưng trong thực tế, những gì được công bố cho mọi người chỉ là một phần nhỏ sự thật lịch sử mà thôi. Ở Mỹ cũng có cả núi sự thật mà chỉ được công bố 40 năm sau. Lại còn có chuyện tùy theo xu hướng phát triển của xã hội mà người ta nâng lên hoặc đạp xuống các sự kiện lịch sử hoặc giá trị lịch sử khác nhau. Ví dụ Pháp đã viết lại lịch sử thuộc địa và bắt buộc các giáo viên phải dạy rằng chế độ thuộc địa của Pháp là một điều tốt đẹp đối với người dân các xứ thuộc địa. Đúng hay sai? Mỗi người có quan điểm riêng của mình, nhưng là dân một nước từng là thuộc địa, em phỉ nhổ vào chính sách thuộc địa mới nhỏ mọn này của Pháp.

    Trong tình hình hiện nay khi mà quan hệ giữa Tàu và các nước khác trên thế giới đang căng thẳng, em hy vọng qua bài viết này cô không khuyến khích nhà nước Việt Nam ca ngợi công trạng người Hoa trong lịch sử Việt Nam. Nếu thế thì có nên đả kích mạnh mẽ hơn (thật ra em không biết trong sách sử Việt Nam đã viết chuyện này chưa), viết rõ ràng, chính xác hơn nữa về việc người Hoa, chủ yếu là khu Chợ Lớn, đã khuynh đảo nền kinh tế Việt Nam như thế nào từ xưa tới nay? Chắc chắn là phải có. Rồi bao nhiêu chuyện hiếp đáp, dã man của người Hoa đối với người Việt qua ngàn năm đô hộ, phải có phim ảnh sách báo miêu tả rõ ràng chớ, bởi vì nếu người Việt biết được rõ ràng là người Tàu đã dã man như thế nào đối với tổ tiên mình thì không thể gần gũi, tôn thờ Tàu như ngày nay. Tất cả đều là các vấn đề lịch sử cả đó thôi. Ngay tại thời điểm này, người Tàu vẫn đang đầu độc (poison) người Mỹ, người Việt Nam, khắp thế giới v.v… qua các sản phẩm đầy thuốc độc đủ kiểu của họ. Không có lý do gì lại đi ca ngợi Tàu.

    Ngoài ra, kinh nghiệm bản thân cho thấy người dân sống ở miền Nam xa “mặt trời” thật và bị bưng bít thông tin hoặc tẩy não về nhiều vấn đề chính trị; trong khi người dân sống ở miền Bắc thì có tinh thần chính trị cao hơn và hiểu được một số sự thật lịch sử rất rõ ràng hơn - nhiều khi chỉ qua hành động mà không phải đọc ở sách vở hoặc báo chí chính thức gì cả. Nếu cô có dịp hỏi chuyện những người sống ở Hà Nội chẳng hạn, cô sẽ biết được thái độ của họ đối với Tàu như thế nào và tại sao. Ở Hà Nội không có một quán ăn Tàu nào cả, và họ có lý do chính đáng để làm như vậy.

    Em đồng ý với cô là về mặt cá nhân, người nào cũng là con người và có những quyền lợi con người nhất định. Nhưng xét về mặt dân tộc thì phải khác. Lịch sử các nước châu Á cho thấy nước nào xa Tàu và ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Tàu thì có tinh thần dân tộc mạnh và có cơ hội phát triển lên (Nhật, Thái Lan, Đại Hạn đang nối bước). Việt Nam đã chịu ảnh hưởng Tàu quá nhiều. Nếu muốn đất nước mạnh lên, phải tự ý thức từ bỏ những ảnh hưởng Tàu nào mà mình có thể bỏ được, sử dụng những gì mình biết là dân dã Việt Nam và tạo ra truyền thống Việt Nam MỚI, thay vì là xào tới xào lui đồ cũ. Bản thân em đã và đang làm những chuyện này. Thật xấu hổ khi người Việt vẫn xài những từ Hán-Việt mà tiếng Việt đã có, hoặc tung hô văn hóa Tàu!

    anvi

    Trả lờiXóa
  2. @anvi:
    Tôi có phần chia sẻ với suy nghĩ của bạn. Chúng ta tồn tại bên cạnh nền văn hóa lớn Trung Hoa với các triều đại nhiều dã tâm, luôn muốn thôn tính và đồng hóa các nước lân cận. Do đó, là một người Việt có ý thức dân tộc thì việc đề cao cảnh giác với sự xâm lấn của văn hóa trung hoa trong đời sống sinh hoạt thường nhật cũng là dễ hiểu và cần thiết.
    Tuy vậy, sự giao thoa văn hóa Việt-Trung là sự thật, và có nhiều điều tích cực làm phong phú và đa dạng văn hóa dân tộc Việt trong quá trình phát triển. Cộng đồng người Việt gốc Hoa cần được ghi nhận xứng đáng vì đã góp phần trong tiến trình đó. Chúng ta cần phân biệt dân tộc Trung Hoa và người Việt gốc Hoa với chính quyền bành trướng Trung Quốc.

    Trả lờiXóa
  3. Ở Tìên Giang có một nhân vật lịch sử có công mở đất khai hoang vùng Nam Bộ nhưng "bị bỏ rơi" đó là Lê Văn Duyệt , một viên quan thời nhà Nguyễn . Nhà nước "làm lơ" nhưng người dân thì không, họ dù là con cháu mấy đời , là những người chân lấm tay bùn nhưng người có công với tổ quốc họ vẫn tôn thờ , họ gọi ông là Ông Lớn.
    Lê Văn Duyệt là người mở đất khai hoang vùng Nam Bộ, ngòai người Việt , người Hoa và cả những người theo đạo hiện nay vẫn coi ông là "vị thần", khi nhà Nguyễn cấm truyền đạo thì ông lại tạo điều kiện cho truyền đạo , chính vì vậy vua Minh Mạng rất ghét ông và sau khi ông chết cho xiềng mộ ông (Ở Lăng Ông-Sài Gòn). . .

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Chào anh nguyenxn

    Tôi đã đọc comment của anh và xóa đi như anh đề nghị. Rất vui mỗi khi nhận được comment của anh, dù đôi khi tình cờ thành … nặc danh. Có khi như thế lại càng thú vị hơn anh ạ, vì sẽ hồi hộp để đoán, nặc danh có phải là nguyenxn không? ;-)

    Trả lờiXóa
  6. toi cung da suy nghi nhu ban khi viet mot bai nha de nguoi viet nam co bai hoa khong dang tren nguyen xuan dien blog /

    Trả lờiXóa
  7. Hông biết là cô Phương Anh có thực tế không khi mà có ý tưởng :Tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc nhà nước Việt Nam phải nghĩ đến việc viết lại rõ ràng hơn trong lịch sử Việt Nam về vai trò và lịch sử phát triển, suy vong, hội nhập vào văn hóa Việt của các dân tộc khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện nay. Và chắc chắn là phải nhìn nhận sự đóng góp của người gốc Hoa trong sự phát triển của đàng trong và của đất nước. Vì nếu để cho dân chúng mù mờ về lịch sử Việt thì sẽ có nhiều hệ quả không ngờ, tôi nghĩ thế. Ít nhất là sẽ không thu phục được nhân tâm, kêu gọi mọi người phát huy hết mọi khả năng để tiếp tục xây dựng đất nước.
    Tôi đồ rằng không còn những con người đủ tri thức , đủ tâm để viết được 1 chương lịch sử đã qua của dân tộc ta 1 cách công tâm, và chân thật.Và cũng sẽ đâỳ những con người mà não họ trống rỗng nhưng hay ảo tưởng hoành tráng rằng họ là nhân văn là tri thức nên họ sẵn sàng bêu xấu tổ tiên, hiền nhân tranh công với tổ tiên và miệng leo lẽo rằng họ đúng còn phần còn lại đều ngu dốt hãy xem cái còm của anvi thì rõ
    "Nặc danh nói...
    ... phải công nhận chuyện lịch sử nhiều điều khó nói lắm. Đồng ý là chúng ta ai cũng muốn biết rạch ròi những sự thật lịch sử. Nhưng trong thực tế, những gì được công bố cho mọi người chỉ là một phần nhỏ sự thật lịch sử mà thôi.... Ngoài ra, kinh nghiệm bản thân cho thấy người dân sống ở miền Nam xa “mặt trời” thật và bị bưng bít thông tin hoặc tẩy não về nhiều vấn đề chính trị; trong khi người dân sống ở miền Bắc thì có tinh thần chính trị cao hơn và hiểu được một số sự thật lịch sử rất rõ ràng hơn - nhiều khi chỉ qua hành động mà không phải đọc ở sách vở hoặc báo chí chính thức gì cả. Nếu cô có dịp hỏi chuyện những người sống ở Hà Nội chẳng hạn, cô sẽ biết được thái độ của họ đối với Tàu như thế nào và tại sao. Ở Hà Nội không có một quán ăn Tàu nào cả, và họ có lý do chính đáng để làm như vậy.

    Em đồng ý với cô là về mặt cá nhân, người nào cũng là con người và có những quyền lợi con người nhất định. Nhưng xét về mặt dân tộc thì phải khác. Lịch sử các nước châu Á cho thấy nước nào xa Tàu và ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Tàu thì có tinh thần dân tộc mạnh và có cơ hội phát triển lên (Nhật, Thái Lan, Đại Hạn đang nối bước). Việt Nam đã chịu ảnh hưởng Tàu quá nhiều. Nếu muốn đất nước mạnh lên, phải tự ý thức từ bỏ những ảnh hưởng Tàu nào mà mình có thể bỏ được, sử dụng những gì mình biết là dân dã Việt Nam và tạo ra truyền thống Việt Nam MỚI, thay vì là xào tới xào lui đồ cũ. Bản thân em đã và đang làm những chuyện này. Thật xấu hổ khi người Việt vẫn xài những từ Hán-Việt mà tiếng Việt đã có, hoặc tung hô văn hóa Tàu!

    anvi
    23:29 Ngày 08 tháng 1 năm 2012
    kẻ bị tãy não tưởng rằng mình uyên thâm và chỉ biết ăn theo ai đó thôi, lúc thì ca ngợi TQ không biết ngượng miệng "TRĂNG TQ TRÒN HƠN TRĂNG NƯỚC MỸ" láo đến cỡ đó là cùng nay thì bất chấp tất cả chỉ để xóa bỏ tất cả làm ra vẽ ......
    BỊ TẢY NÃO LÀ DÂN MB CHỨ MẤY THẰNG NAM BỘ NHÁ, CÁI NÃO TRẠNG COI THƯỜNG DÂN MN TỪ 1975 ĐẾN GIỜ NÓ VẪN CHƯA BUÔN THA CHO DÂN MN. ĐỐI VỚI HẦU HẾT DAN MN THẰNG MỸ, LIÊN XÔ,TQ THẰNG NÀO CŨNG KO BẰNG THẰNG VN NHÁ, CÒN NHỮNG KẺ COI TQ ,LX LÀ THÁNH THÌ CHƯA ĐỦ TƯ CÁCH NHÁ ANVI

    Trả lờiXóa
  8. Cám ơn cô vì bài viết rất thú vị. Thực ra những người trẻ như bọn em sinh ra sau thời loạn lạc cũng rất tò mò về lịch sử cha ông ngày xưa. Do đó, lúc đi học rất thích học lịch sử nhưng sau này hình như càng dần môn lịch sử càng trở nên nhàm chán vì toàn là các cuộc chiến, số liệu về máy bay, vũ khí...phân tích nguyên nhân chiến thắng, thất bại...Thế nên lúc nào cũng phải thuộc lòng một cách máy móc mà chẳng thấy có ý nghĩa gì cả. Thế nên giá như mà môn lịch sử gắn nhiều tới văn hóa, con người, cuộc sống thì hay biết mấy....

    Trả lờiXóa