Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Lại một Noel nữa ...

Chụp ở hang đá của nhà dân gần Xứ Thánh Tịnh
Lại một Noel nữa/mấy mùa Giáng Sinh rồi/anh ở đồn biên giới/thương về một khung trời ...

Quay qua quay lại, một năm nữa đã hết, một Noel nữa đã lại đến rồi. Như vậy là đã 37 mùa Giáng sinh rồi đó, kể từ năm 1975, năm đầu tiên "giải phóng".

Tôi đã không định viết gì cho Noel năm nay, vì không hiểu sao tôi thấy không khí năm nay buồn buồn, không có gì là háo hức. Gần đến ngày Noel thì tự nhiên gặp phải một tin ... tức mình, đó là bài giảng của ông đại tá Trần Đăng Thanh trong đó nhắc nhở mọi người dân VN là phải không được "vong ân bội nghĩa" với TQ vì nó đã từng "nhường cơm xẻ áo" cho mình. Tình hình kinh tế thì không có gì đáng phấn khởi, nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa, công nhân mất việc .... Không những thế, năm nay đêm Noel lại  rơi vào thứ hai, ban ngày vẫn phải đi làm, lại là đầu tuần nữa chứ, nên chẳng ai có nhiều thì giờ và tâm trí đâu mà lo lễ Noel.

Nhưng rồi ngày 24/12 vẫn đến. Buổi chiều đi làm về, đi ngang khu có nhiều nhà thờ ở Gò Vấp và Bình Thạnh vẫn thấy có chút không khí Giáng Sinh, dù là Giáng Sinh nghèo. Một "ông già Noel" trẻ măng với thân hình gày gò trên chiếc xe gắn máy cà tàng vội vã lao đi với món quà trong tay để kịp giao món quà đến một cô bé hay cậu bé nào đó đi học về. Các cửa hàng thú nhồi bông cũng khá đông người chen chúc, các bà mẹ, ông bố đang chọn mua mấy món quà để kịp đem về giấu ở đâu đó trong nhà để tạo ra một niềm vui nho nhỏ cho con mình khi ngủ dậy vào buổi sáng. Dù sao đi nữa, Noel vẫn cứ là một ngày lễ quan trọng, "không chỉ cho người Công giáo" như một blogger nào đó đã nói.

Ừ thì thôi viết mấy dòng, ghi lại chút không khí của Noel 2012 vậy. Vẫn là Giáng sinh ở xóm nghèo thôi.


Thiệp do con gái làm

Cây thông, hang đá và ngôi sao dẫn đường tại nhà thờ Bác Ái gần nhà tôi



Kinh tế có khó khăn thì Noel vẫn phải cứ phải đèn nến tưng bừng
\



Và cuối cùng là những lời cầu chúc cho mùa Giáng Sinh năm nay, lấy từ bài hát Niềm tin mà tựa của nó tôi đã dùng đặt cho entry này: (link đây: https://www.youtube.com/watch?v=rUM3sOCEY84)

Cùng cầu cho thế giới/cho nhân loại hòa bình/cho chúng ta gặp lại/trong một mùa Giáng Sinh ....
---

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

"Lòng ta là những hàng thành quách cũ ..."

Tình cờ đọc lại được câu thơ này trên facebook của một người học trò cũ. Chợt nhớ lại, nhớ đến tê tái, một bài thơ của Ông đồ Vũ Đình Liên mà tôi đã đọc từ hồi bé trước năm 1975.

Nói thêm, tôi luôn cảm thấy có một cái gì đó thân thương và gắn bó với nhà thơ Vũ Đình Liên, là người cùng họ, cùng chữ lót với cha tôi mà tôi vẫn tự nhủ hẳn phải là bà con xa với mình.

Xin chép lại bài thơ ấy ở đây cho chính tôi, và cho những người bạn đọc blog này, những người mà tôi tin rằng có một chút gì đó đồng cảm với tôi.

Nhớ ngày xưa quá đỗi, nhớ da diết và tê tái.

Lòng ta là những hàng thành quách cũ
(Vũ Đình Liên)

Dậy đi thôi con thuyền nằm dưới bến,
Vì đêm nay ta lại căng buồm đi
Mái chèo mơ để bâng khuâng trôi đến
Một phương trời mây lọc bóng trăng khuya

Gió không thổi, nước sông trôi giá lạnh
Thuyền đi trong bóng tối lũy thành xưa
Trên chòi cao, từ ngàn năm sực tỉnh
Trong trăng khuya bỗng vẳng tiếng loa mơ

Từ ngàn năm cả hồn xưa sực tỉnh
Tiếng loa vang giây lát động trăng khuya
Nhưng giây lát lại rơi im hiu quạnh
Cả hồn xưa im lặng trong trăng khuya

Trôi đi thuyền! cứ trôi đi xa nữa
Vỗ trăng khuya bơi mãi! cánh chèo mơ
Lòng ta là những hàng thành quách cũ
Từ ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa.


----
Cập nhật ngày 11/12/2012

Tôi nhận được comment của một bạn đọc blog có tên là levinhhuy với những góp ý rất hay, rất sâu sắc dưới đây, nên đăng lại nguyên văn ở đây để mọi người cùng đọc (vì không phải ai cũng có thói quen đọc comment). Các bạn đọc phần in nghiêng dưới đây nhé, chữ màu xanh là của nhà thơ Vũ Đình Liên, chữ màu đen là của levinhhuy.
------

Lúc nhỏ tôi cũng học thuộc lòng bài này trong Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh & Hoài Chân, nếu tôi nhớ không lầm thì chữ mơ trong “mái chèo mơ” được viết hoa; “mây lọc lóng trăng khuya” chứ không phải “bóng trăng khuya”, và “Tự ngàn năm” chứ không phải “Từ ngàn năm”… Tuy chỉ là đôi chữ thôi, nhưng ảnh hưởng lớn đến âm hưởng cùng hình ảnh được gợi lên trong bài thơ. Xin chép lại theo bản được trích trong Thi Nhân Việt Nam (Nxb Hoa Tiên, tái bản lần 2, SG 1968), có cả chú thích của chính Vũ Đình Liên.

Lòng ta là những hàng thành quách cũ(1)

Dậy đi thôi con thuyền nằm dưới bến,
Vì đêm nay ta lại căng buồm đi.
Mái chèo Mơ để bâng khuâng trôi đến
Một phương trời mây lọc lóng trăng khuya.

Gió không thổi, nước sông trôi giá lạnh,
Thuyền đi trong bóng tối lũy thành xưa.(2)
Trên chòi cao, tự ngàn năm sực tỉnh
Trong trăng khuya bỗng vẳng tiếng loa mơ.

Tự ngàn năm cả hồn xưa sực tỉnh,
Tiếng loa vang giây lát động trăng khuya,
Nhưng giây lát lại rơi im, hiu quạnh,
Cả hồn xưa yên lặng trong trăng khuya.

Trôi đi thuyền! Cứ trôi đi xa nữa!
Vỗ trăng khuya bơi mãi! Cánh chèo Mơ!
... Lòng ta là những hàng thành quách cũ,


Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa.
(báo Tinh Hoa)
_________
Chú thích:
(1) Làm sau khi xem lễ Nam Giao 1936.
(2) Đã nói: “Lòng ta là những hàng thành quách cũ”, rồi lại nói cỡi “thuyền đi trong bóng tối lũy thành xưa”, bài thơ tựa hồ vô nghĩa. Nhưng nếu ta nghĩ rằng chỉ hồn ta mới có thể đi du ngoạn trong hồn ta thì ta sẽ thấy là tự nhiên vậy.


Đọc lại bài thơ này quả là chợt sững người, nghe hồn dậy nhói nỗi sầu thế sự mang mang, chị Phương Anh ạ!


Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Thăm thầy cũ

Đây cũng là một entry không có chữ mà chỉ có hình. Nói cách khác, nó là một phóng sự bằng hình, nhân dịp bọn tôi (12A2 NTMK niên khóa 77-78) đến thăm thầy cũ tại tư gia của thầy.

















 
 

(Như là) Sài Gòn vào thu

Sài Gòn, tất nhiên là không có mùa thu như mùa thu của Hà Nội, vốn rất nổi tiếng với những bài hát, với những ca từ rất đẹp như "Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta ...".

Sài Gòn, chỉ hai mùa mưa nắng. Nắng thì chang chang, mưa cũng xối xả. Như ai đó đã nói, hệt như tính cách của người Sài Gòn, giận thì đùng đùng mà yêu thì tới tấp. Thật chẳng có chút gì ý tứ, nhẹ nhàng, hoặc dịu dàng, e ấp, như những cô gái ở những nơi khác, ví dụ như Hà Nội, hay là Huế. Mà cũng chẳng được sắc sảo, tinh quái, giỏi giang và suy nghĩ sâu xa như những cô gái quan họ Bắc Ninh.

Nói gọn lại trong một câu là ... rất bình thường, thậm chí có thể có người còn cho là tầm thường, thô thiển. Xin lỗi các bạn Sài Gòn, tôi không hề có ý định xúc phạm người SG vì tôi tự nhận mình là người Sài Gòn, người "đàng trong" đấy ạ. Vì dù cha mẹ là người Bắc - di cư - nhưng tôi sinh ra ở tận Sóc Trăng, tuổi nhỏ ở Phan Thiết, và lớn lên, trưởng thành và lập nghiệp ở Sài Gòn từ 5 tuổi đến giờ. Nên những nhận xét của tôi chỉ là nhận xét của một người tự xem xét mình, chứ không phải là của một người nhìn từ bên ngoài rồi phê phán những cái gì khác mình nên mình không thích.

Tính cách người Sài Gòn, nếu có gì đó nổi bật đáng khen, thì có lẽ chỉ là sự thực tình. Nghĩ sao thì nói vậy, không lòng vòng rào đón, thấy rằng đáng chê thì phang luôn thẳng thừng chứ không bọc vào đấy những lời đường mật để dễ lọt tai. Mà nếu thấy đáng khen thì cũng cứ thế mà ca ngợi, không cần cân nhắc xem có ai hiểu lầm rằng mình đang nịnh bợ hoặc quá lời hay không.

Thời tiết Sài Gòn cũng như tính cách người Sài Gòn là như thế đó: Nắng thì vỡ đầu, mà mưa thì thối đất. Nên hôm qua, buổi sáng khi ra đường đi làm, tôi rất ngỡ ngàng khi bắt gặp bầu trời màu xam xám, đùng đục hơi nước, và, chao ơi lạ quá, trời Sài Gòn đang có mưa phùn, li ti, li ti từng hạt từng hạt nhẹ nhàng rơi ...

Bầu trời trắng xám, lất phất mưa rơi, có ai tưởng tượng được đó lại là những lời mô tả thời tiết của Sài Gòn không nhỉ? Chỉ có thể là Hà Nội, hoặc Đà Lạt (là những nơi tôi đã đến và đã trải nghiệm thời tiết giống như vậy). Còn Sài Gòn ư, hoặc là rực rỡ trời xanh mây trắng nắng vàng, hoặc đen kịt mây vần vũ báo hiệu cơn mưa, hoặc xám xịt trong màn mưa dày đặc, gió quất, sấm sét thét gào...

Đi dưới cơn mưa li ti, dưới bầu trời trắng xám, trong một vài phút tôi cứ ngỡ mình đang chạy xe ở Hà Nội. Vì đó đúng là thời tiết Hà Nội cách đây một tuần, khi tôi ở đó công tác.

Nhưng thực ra đấy cũng chỉ là do tôi muốn thế, chứ bất cứ ai cũng có thể chỉ ra rằng cảnh vật ở đây không phải là ở Hà Nội, mà chỉ có thể là Sài Gòn.

Sao thế? Này nhé, nếu là Hà Nội, thì những người đi bộ trên đường chắc chắn phải cầm dù (à quên, không phải dù, mà là "ô" chứ), bước đi thong thả. Còn ở Sài Gòn, mưa thế chứ mưa nữa thì người đi đường cũng cứ phong phanh đầu trần, đi hối hả để nhanh chóng thoát khỏi cơn mưa.

Rồi đến trang phục của những cô gái. Hà Nội ư, trời vào thu hơi se se lạnh thì các cô gái đã khoe ra nào áo khoác, khăn quàng, giày bốt, đủ màu đủ kiểu xinh tươi. Còn Sài Gòn dù có mưa, trời có mát dịu hơn một chút nhưng không lạnh, nên mọi người vẫn trang phục bình thường, nếu có thì cũng chỉ poncho (tức áo mưa trùm kín), trông chẳng khác mấy cô gái Ả Rập trong khăn áo chùm đầu kín mít là mấy.

Nhưng dù không hoàn toàn giống với mùa thu của Hà Nội thì những giây phút buổi sáng dưới cơn mưa phùn li ti và bầu trời xam xám vẫn cứ làm cho tôi có vài phút mơ màng, nhớ đến và nghĩ đến cảm giác nhẹ nhàng của những mùa thu trong trí tưởng tượng, qua những bài văn, bài thơ và ca từ của những bài nhạc mà tôi đã đọc, đã nghe.

Vâng, vì Sài Gòn ồn ào náo nhiệt của tôi vẫn cần có, và vẫn mong có những giây phút chớm thu nhẹ nhàng như thế. Nhưng có lẽ cũng chỉ cần một chút thôi, chứ cứ chầm chậm, mơ mơ như thế mãi thì dân Sài Gòn vốn quen với nhịp sống hối hả chắc phát điên mất.

Và trời cũng chiều người. Chẳng hiểu sao, sau khi đi khoảng 15 phút dưới bầu trời tưởng chừng của HN mùa thu, thì khi tôi dừng xe lại chờ đèn đỏ ở trên đường Mạc Đĩnh Chi (góc Nguyễn Đình Chiểu), những hạt mưa rơi xuống bỗng nặng hạt hơn. Dù đó vẫn là một cơn mưa nhẹ chứ không phải là mưa rào xối xả quen thuộc của Sài Gòn. Vẫn chỉ lâu lâu mới rơi xuống một hạt, nhưng không phải là hạt nhỏ li ti lất phất như hạt bụi, mà là hạt nặng lộp bộp như những hạt đậu xanh. Và dù không làm cho người ta ướt sũng đến phải dừng lại để trú, nhưng những hạt mưa ấy chắc chắn cũng đủ làm cho ta tỉnh giấc mơ màng, trở về thực tại.

Và chỉ như thế, cũng đủ để cho ta nhớ rằng Sài Gòn. "quê em hai mùa mưa nắng", làm gì có mùa thu? Cơn mưa bụi ấy, chỉ là vài phút làm duyên thế thôi.

Tự nhiên tôi nghĩ, những phút "(như là) Sài Gòn vào thu" ấy thật giống kiểu làm dáng của như một cô bé 15, 16 tuổi, cao ngồng, lớn xác nhưng vẫn rất trẻ con, một hôm muốn đóng vai người lớn khi đi ăn đám cưới. Cũng đầm dài tha thướt, cũng bóp cũng giầy, cũng môi son má phấn. Trông ra dáng thiếu nữ lắm.

Nhưng chỉ một chốc, khi nhập tiệc cưới rồi, thì nhìn lại cô bé, đã thấy son môi dính lem luốc quanh miệng vì khi ăn uống cô bé của chúng ta đã không biết giữ gìn làm điệu. Thì mới tập tành, học đòi làm dáng thôi mà.

Thì cũng hệt như cơn mưa bụi sáng hôm qua của Sài Gòn. Lất phất, li ti làm điệu được một lúc, rồi không giữ được (vì không quen mà), nên những hạt mưa lại lộp bộp rơi xuống như ngày thường, dù đã cố gắng để cho khác với những cơn mưa rào thường lệ.

Nhưng như thế, cũng đủ cho Sài Gòn vào thu rồi, phải không? Và cũng đủ cho những hồn thơ của Sài Gòn có chất liệu để sáng tác rồi đó.

Ít nhất, nó cũng đủ cho tôi có một entry lảm nhảm trên blog vào một buổi sáng cuối tuần (tự cho phép mình) rảnh rỗi như hôm nay, dù công việc vẫn đầy ắp, ngổn ngang lộn xộn trên bàn...

Ừ Sài Gòn, ai cấm SG không được mơ màng, vào thu theo cách của mình cơ chứ?

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Viết về thầy cũ

Rất tình cờ, tôi mới liên lạc được - dù chỉ qua mail - với người thầy cũ thời trung học.

Đi học, có lẽ ai cũng sẽ có ít nhất là một người thầy (cô) mà họ nhớ mãi, vì sự kính phục, hâm mộ, yêu mến, do những nét tính cách và/hoặc hành vi mà người thầy (cô) ấy đã tạo ra trong thời gian thầy trò cùng làm việc, ít ra cũng cả năm trời. Người thầy mà tôi nhắc đến ở đây là một người như thế: đã học qua rất nhiều thầy cô nhưng tôi chỉ có ấn tượng sâu sắc nhất với một vài người, trong đó có thầy. Và hình như cả lớp tôi đều như thế.

Chúng tôi, như nhiều học sinh (bội bạc) khác, rất yêu mến thầy. Nhưng chúng tôi học xong rồi đi, thầy ở lại. Bọn học trò đi, chẳng mấy khi có đứa quay về thăm trường cũ. Như ai đó đã nói, các thầy cô (phổ thông) như những người đưa đò, hàng ngày cần mẫn đưa khách qua sông. Khách qua sông, lên bờ rồi tỏa đi khắp nơi, đến những chân trời xa lạ. Còn người đưa đó thì cứ vậy, ngày qua ngày, lưng còng dần dưới sức nặng của tháng năm, mắt mờ, chân chậm, vẫn bến đò xưa, cây đa cũ, và giòng nước vẫn miệt mài trôi.

Thầy tôi người Bắc (di cư), nói tiếng Bắc, văn hóa Bắc, nên tôi nhận thấy ở thầy có chút gì đó giống ba tôi. Rất nhiều ký ức và cảm xúc về quê cha đất tổ, về hiện tình đất nước, về cuộc đời, về trách nhiệm phải làm gì đó cho cuộc sống của mình có ý nghĩa. Và đặc biệt là rất thích học hỏi, thích kiến thức, thích cập nhật mọi việc - to be in the know as they say in English. Dưới mắt tôi, thầy là một lớp người hơi cổ, hơi như một ông đồ, giấy rách phải giữ lấy lề. Một cái gì đó không lẫn vào đâu được, dù không biết phải gọi đó là cái gì.

Vâng, chúng tôi học với thầy một năm rồi đi. Nhưng những gì thầy đã gieo vào lòng chúng tôi trong những năm tháng trẻ thơ ấy, khi tính cách đang được hình thành, sẽ còn mãi và đi theo chúng tôi suốt cả cuộc đời. Còn thầy thì vẫn ở đó, vẫn trường xưa, vẫn nhà cũ, vẫn miệt mài sách vở, lấy việc gieo kiến thức làm vui. Và lặng lẽ dõi theo, vui mừng với những thành đạt của học trò cũ, dù chúng có thể chẳng còn nhớ tới mình.

Thầy ơi, chúng em chắc chắn sẽ ghé thăm thầy, thầy nhé. Có rất nhiều việc chúng em cần phải làm, trước khi quá muộn. Như một người thầy (cô) cũ đã vừa nằm xuống, theo quy luật của muôn đời. Rồi cũng đến từng người trong chúng em thôi, như một bạn cũng vừa đi xa.

Dù sao thì làm nghề thầy cũng rất tự hào (dù nhiều cơ cực), phải không thầy?