Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Gò Vấp, mấy ngày cận Giáng Sinh ...

Hôm nay Chủ nhật ngày 22/12, chỉ còn 2 ngày nữa là đúng đêm Giáng Sinh. Năm nay đêm 24/12 không nhằm cuối tuần, đúng ngày ấy mọi người vẫn phải đi làm, đi học bình thường. Thành ra, Chủ nhật 22/12 sẽ là ngày Chủ nhật chộn rộn nhất trong năm 2013 này.

Đối với tôi, một người theo đạo Thiên Chúa - dù không phải là một con chiên ngoan đạo - thì những cận Giáng Sinh cũng tương tự như những ngày cận Tết ta. Có một chút gì đó ngậm ngùi, tống tiễn một năm nữa đã qua trong đời. Cuộc đời mà tôi đã quá nửa, để trở thành người tri thiên mệnh. Ngậm ngùi, vì thời gian đi nhanh quá.

Nhưng cũng luôn có một chút gì đó mong chờ, hy vọng. Như tinh thần của mùa Giáng Sinh, mùa của hy vọng. Mặc dù chẳng biết cơ sở của niềm hy vọng đó .... Thì, người ta bao giờ cũng cần có hy vọng để mà sống, chắc là thế.

Muốn viết một cái gì đó, nhưng chẳng hiểu sao tôi không viết được. Có thể là lòng ngổn ngang quá, chưa lắng đọng lại để viết. Nhưng cũng không thể không viết gì, vì sao cứ có gì đó thôi thúc. Thôi thì mượn hình ảnh để ghi lại cuộc sống quanh mình, và nói hộ lòng mình vậy.

Vâng, mấy tấm ảnh tôi và con gái chụp chiều hôm qua, khi đi xuống khu chợ Xóm Mới, xem quang cảnh chuẩn bị Giáng Sinh của những người lao động nghèo Công Giáo, những người di cư năm 54 và con cái của họ .... Con cái của Chúa, nói theo lời những người dân ngoan đạo ở đây.

Đây, những cây thông Giáng Sinh

Ngã năm (?), đường mới mở ở Gò Vấp (gần khu nhà tôi), chưa biết tên gì

Nhà thờ Xóm Thuốc, trên đường QuangTrung

Vẫn những hàng quán như thế này, như có thể tìm thấy ở bất kỳ xóm nghèo nào

Đường Thống Nhất, Gò Vấp

Hang đá Giáng Sinh mắc kẹt giữa đám dây điện, nhưng có hề gì!

Dấu hiệu của một gia đình có đạo

Chợ chiều, thứ Bảy cận Giáng Sinh

Ở một xóm nghèo

Ngôi sao dẫn đường cho Ba Vua đến với Hài Nhi

Cái gì cũng muốn mua!

Mua thêm mấy thứ đi mẹ!

Nhà thờ Hạnh Thông Tây, trên đường Quang Trung (ngã tư Lê Văn Thọ)
Giáng Sinh, chỉ còn 2 ngày nữa. Cuộc sống vẫn bộn bề, nhưng chúng ta vẫn cần hy vọng, phải không mọi người ơi. Ít ra là vào dịp Giáng Sinh ...

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Sài Gòn, tháng mười hai ...

(Bài viết cho báo, gửi đi từ đầu tháng 12, nay đăng lên blog cho bạn bè cùng đọc.)

Sài Gòn, tháng mười hai …

Phương Anh
------------

Sài Gòn, lúc này trời đã hơi lành lạnh. “Lạnh”ở đây là một khái niệm hết sức tương đối, khoảng chừng 24, 25 độ, nói theo cảm nhận của dân Sài Gòn, nơi thời tiết quanh năm nắng ấm. Một nơi không có mùa Đông, như câu thơ đẹp đã được phổ nhạc của một anh lính Bắc khi đón “mùa Xuân đầu tiên” đầy ấn tượng đẹp đẽ ở Sài Gòn sau năm 1975: Anh ở trong này chưa thấy mùa Đông/Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ....

Tháng 12, những tờ lịch cuối cùng của năm đã sắp rơi xuống hết. Bước ra đường, không khí Giáng Sinh đã tràn ngập. Các cửa hàng, tiệm ăn lớn nhỏ đều thấy đẹp đẽ, sáng sủa hơn, đón chờ một mùa ăn chơi, mua sắm mới. Dù năm 2013 không phải là một năm may mắn và thịnh vượng như những lời chúc tốt đẹp đầu Xuân mà mọi người Sài Gòn luôn hào phóng ban phát cho nhau.

Đã lại thấy xuất hiện, một năm đúng một lần tại Sài Gòn, cảnh mùa đông với thông xanh và tuyết phủ. Những cây thông xanh tươi được vẽ lên, dán lên cửa kính của các cửa hàng, các văn phòng ở khắp nơi. Những cây thông bạc trắng xóa làm bằng giấy kim loại lấp lánh dựng ở khu vực tiếp tân của các văn phòng hoặc đặt nơi sảnh của khách sạn, các trung tâm thương mại sang trọng mà nhữ người dân Sài Gòn một năm chỉ bước chỉ một vài lần, và trong khoảng chừng 5 lần bước vào thì chỉ có một lần mua một món đồ gì đó khi có big sale giảm giá còn dưới 50% so với giá gốc. Những cây thông xanh thẫm quanh những khu bán đồ Noel, những cây thông đắt tiền nhập từ nước ngoài và cả những cây thông “nội địa” rẻ tiền được làm thủ công bằng đôi bàn tay khéo léo của người Việt, với nhánh cây khô, những cọng rơm được tết lại và quét sơn xanh, hơi thô thô, xù xì mà lại tự nhiên hơn, giống thật hơn.

Cây thông ở khắp nơi, năm nào cũng thấy, dù chỉ là cây giả, nên hình ảnh của nó thân thuộc đối với người Sài Gòn như cây dừa, cây chuối. Thậm chí, có lẽ đối với đám trẻ con Sài Gòn thì cây thông còn quen thuộc hơn là cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, mùa này đang oằn mình trĩu nặng với những hạt lúa chín vàng ôm trong lòng những hạt gạo như những hạt ngọc trắng thơm tinh khiết.

Sài Gòn mùa này ở khu trung tâm Quận 1 có lẽ không khác lắm với những khu thương mại ở Singapore, Malaysia hay Philippines. Tưng bừng một mùa mua sắm, ăn chơi, và chuẩn bị đón mừng năm mới 2014. Nhưng để hiểu được không khí thật của tháng 12 tại Sài Gòn, bạn hãy đi ra khỏi trung tâm để đến những quận xa hơn, ở vùng ven. Vào mùa này, đi về phía Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Hóc Môn, những khu lao động nghèo có nhiều người Công giáo, ta mới nhận được đầy đủ cái cảm giác giao mùa.

Có một cái đó gì trong không khí, lúc thì mơ hồ khi lại rõ mồn một, như là sự chờ mong, sự tất tả chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng, một ánh lạc quan bừng lên trên những khuôn mặt xạm đen mà ngày thường vẫn chất chứa âu lo. Hình như ông xe ôm cộc cằn bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn, bà bán thịt đanh đá nói năng tử tế hơn, và con nhỏ bán rau cau có hàng ngày nay bỗng dễ thương hơn, thỉnh thoảng khi đưa bó rau cho khách còn biết nhoẻn một nụ cười, nhẹ nhàng nhận tiền từ tay khách chứ không giựt phăng thô lỗ làm cho khách chưng hửng như mọi hôm.

Đi qua các xứ đạo, đã thấy các nhà thờ chộn rộn chuẩn bị làm hang đá, ngôi sao. Những buổi lễ chủ nhật dường như đông đủ giáo dân hơn; mọi người ăn mặc có tươm tất hơn, ánh nhìn như tươi vui hơn, dù năm qua chắc chắn là một năm vô cùng vất vả. Sau buổi lễ, thanh niên nam nữ trong giáo xứ chưa vội về nhà mà còn nán lại, nhóm dọn dẹp sân nhà thờ, ngắm nghĩa chỗ đặt hang đá, nhóm lo làm thiệp, trang trí cây thông, các ca đoàn thì lo tập lại những bài hát sẽ hát trong đêm Giáng Sinh, tất cả với một không khí rộn ràng của một mùa lễ hội.

Và những bản nhạc Giáng Sinh đã bắt đầu vang lên rộn rã đó đây. Những bản nhạc cổ điển sang trọng và thánh thiện của nhà thờ phương Tây sáng tác từ cách đây mấy trăm năm nhưng giờ đã hoàn toàn Việt hóa (Đêm thanh nghe tiếng hát của thiên thần …), những bản nhạc do các nhạc sĩ-linh mục Việt sáng tác cho giáo dân Việt mang đậm chất tôn giáo, ca ngợi Thiên Chúa Giáng Sinh (Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa/ Trong hang Bê-lem, ánh sáng tỏa lan tưng bừng …) , và cả những bản nhạc của một nền “âm nhạc thị trường” miền Nam trước năm 1975, cả nhạc Tây lẫn nhạc ta, tiếng ta lẫn tiếng Tây (Bài thánh ca đó còn nhớ không em/ Nô-en năm nào chúng mình có nhau …; You’d better not cry I’m telling you why, Santa Claus is coming to town …), tất cả đều có cơ hội vang lên bình đẳng như nhau. Kể cả những bài hát Giáng Sinh mà trong đó có hình ảnh người lính Cộng hòa năm cũ:

Lại một Nô-en nữa/ Mấy mùa Giáng Sinh rồi/ Anh ở đồn biên giới/ Thương về một khung trời./ Chắc Đà Lạt vui lắm

Không rõ Đà Lạt có vui lắm không, nhưng chắc chắn mùa này Sài Gòn vui lắm. Tháng 12 ở Sài Gòn, mùa Giáng Sinh. Mùa của hy vọng, của niềm tin, của hòa bình. Hòa bình cho thế giới, hòa bình cho những người thiện tâm, hòa bình trong lòng người Sài Gòn, xóa đi mọi vách ngăn chia rẽ. Như trong những câu cuối cùng của bài hát Giáng Sinh đã lừng lẫy một thời trước năm 1975 và sẽ vẫn nổi tiếng mãi mãi về sau:

Cùng cầu cho thế giới/ Cho nhân loại hòa bình/ Cho chúng ta gặp lại/ Trong một mùa Giáng Sinh.

Thương yêu lắm, Sài Gòn tháng mười hai ….

(Viết xong 1/12/2013)

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Con gái, con trai (Alice Munro, PA dịch): Kỳ 7 (tiếp theo và hết)

Đọc các kỳ 1, 2, 3, 4, 5, 6 trong các entry trước trên blog này.

------------


Khi tôi trở về nhà, mẹ tôi hỏi, "Nãy giờ ồn ào gì thế?" Tôi trả lời rằng con Flora đã hất cái hàng rào và chạy đi mất rồi. “Tội nghiệp cha mày,” mẹ tôi nói, “giờ thì ông ấy lại phải chạy khắp vùng để đuổi bắt con ngựa ấy”. Thế là không hy vọng được ăn trưa trước 1 giờ rồi. Mẹ tôi đặt chiếc bàn ủi lên bàn. Tôi muốn kể sự thật cho mẹ tôi nghe, nhưng nghĩ sao lại thôi, và tôi đi lên lầu ngồi trên giường ngủ của mình.



Gần đây tôi đã cố gắng sửa sang bài trí cái góc riêng của tôi trong phòng để làm cho nó đẹp đẽ ưa nhìn hơn.Tôi sửa tấm màn cửa bằng ren cũ thành khăn trải giường, tự sửa cho mình một cái bàn trang điểm và còn tận dụng miếng vải cretone bọc nệm còn thừa để may cho mình một chiếc váy. Tôi còn dự định sẽ tạo ra một đường phân cách giữa giường của tôi và của Laird, để giữ cho phần của tôi được tách biệt. Trong ánh nắng, những tấm màn treo cửa bằng ren trông chỉ như những miếng giẻ rách bụi bặm. Chúng tôi không còn hát vào ban đêm như trước đây nữa. Lần đó tôi cất tiếng hát khi nằm trên giường trước khi ngủ như lúc chúng tôi  còn bé thì thằng Laird bỗng nhận xét, "Chị hát nghe ngớ ngẩn lắm,” và mặc dù hôm ấy tôi vẫn hát tiếp như không có gì xảy ra, nhưng những đêm sau tôi đã thôi không hát nữa. Mà thực ra cũng không còn cần thiết: chúng tôi đã không còn sợ bóng tối. Chúng tôi biết ở phía bên kia chỉ là những bàn ghế cũ, những đống giẻ và những thứ lộn xộn khác. Tôi vẫn giữ thói quen thức  và tự kể chuyện cho mình sau khi thằng Laird đã ngủ say, nhưng ngay cả trong những câu chuyện đó mọi thứ bây giờ cũng đã khác, có những điều kỳ lạ, bí ẩn đã diễn ra khác với thời xưa. Những câu  chuyện ấy có thể bắt đầu giống như trước đây, cũng có những điều hiểm nguy kỳ thú,  những đám cháy hoặc động vật hoang dã; nhưng rồi sau đó mọi vật bỗng thay đổi, và thay vì tôi là một vị anh hùng cứu người như ngày xưa thì tôi lại trở thành người được giải cứu. Người cứu vớt tôi có thể là một thằng bé học cùng lớp với tôi ở trường,  hoặc thậm chí là ông Campbell , thầy giáo của chúng tôi , người có thói quen cù léc các cô học trò của mình ở dưới cánh tay. Và đến lúc ấy thì tự nhiên câu chuyện lại có liên quan đến diện mạo của tôi – tóc tai thế nào, quần áo ra sao, và đến lúc tôi đã hình dung ra mọi chi  tiết về diện mạo của mình thì câu chuyện cũng mất hết sự hồi hộp hấp dẫn.

    

 Quá một giờ trưa chiếc xe tải của cha tôi mới trở về. Phía sau xe che tấm bạt – như thế có nghĩa là chiếc xe có chở thịt. Mẹ tôi hâm nóng lại thức ăn. Chú Henry và cha tôi đã cởi bỏ bộ đồ bảo hộ lao động bê bết máu và mặc vào bộ quần áo thường mặc khi làm việc trong nhà kho; họ rửa ráy chân tay mặt mũi và hất nước lên đầu và chải tóc. Thằng Laird cánh giơ tay lên vẫn còn dính máu lên. “Mọi người đã bắn con Flora và xẻ thịt nó ra thành 50 mảnh đấy”, Laird khoe. 

"Thôi đừng nhắc tới chuyện đó nữa”, mẹ tôi bảo. “Rửa chân tay cho sạch đi rồi mới ngồi vào ăn chứ!”


Cha tôi bắt Laird đi ra ngoài rửa cho hết dính máu rồi mới được vào bàn.



Chúng tôi ngồi vào bàn ăn, cha tôi đọc kinh cầu nguyện, còn chú Henry thì nghịch ngợm dán miếng bã kẹo cao su vào cái nĩa như chú vẫn thường làm thế, để khi chú kéo miếng cao su ra thì nó sẽ tạo thành những đường sọc làm chúng tôi thích thú. Chúng tôi bắt đầu chuyển cho nhau những bát rau luộc nhừ còn đang bốc khói. Laird nhìn thẳng vào mặt tôi đang ngồi phía đối diện  và kiêu hãnh nói rõ từng chữ:  “Dù sao,  con Flora chạy đi như thế cũng là do lỗi của chị ấy.”



Cái gì?” Cha tôi hỏi lại.

Lẽ ra chị ấy đã kịp đóng cổng nhưng lại không chịu đóng. Chị ấy còn mở cổng cho con Flora chạy ra.


Thật à?” Cha tôi nói.


Mọi  người nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi gật đầu, nuốt nghẹn thức ăn trong miệng. Tôi cảm thấy hổ thẹn và nước mắt bỗng tuôn ra.



Cha tôi kêu lên một tiếng trong họng với vẻ rất khinh bỉ. “Mày làm như vậy để làm gì, hả con?”



Tôi không trả lời. Tôi ngừng ăn, bỏ cái nĩa xuống và chờ được cho phép rời bàn, mặt vẫn không ngẩng lên.


Nhưng không ai bảo tôi rời bàn ăn cả. Mọi người không ai nói gì một lúc lâu. Rồi Laird bỗng nói một cách bình thản: “Chị ấy khóc kìa.”


Thôi không sao,” bố tôi bảo. Với một vẻ  dứt khoát  và thậm chí còn hơi vui vẻ, ông thốt lên những lời đối với tôi vừa là lời giải thoát và cũng là lời xua đuổi vĩnh viễn.  Nó là con gái ấy mà,” ông bảo.


Tôi đã không hề phản đối những lời ấy của cha tôi, ngay cả trong thâm tâm cũng không. Có lẽ cha tôi đã nói đúng.
[1968]

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Con gái, con trai (Alice Munro, PA dịch): Kỳ 6 (còn 1 kỳ)

Xem kỳ 1, 2, 3, 4, 5 trong những entry trước trên blog này.
----------


Hai tuần sau đó tôi biết họ sẽ bắn Flora. Tôi biết từ đêm hôm trước, khi tôi nghe mẹ tôi hỏi cha tôi xem có còn đủ cỏ khô để cầm cự thêm một thời gian nữa hay không, và cha tôi nói: "Không sao, sau ngày mai thì cũng chỉ còn  con bò, và hơn một tuần nữa là ta có thể thả nó ra đồng ăn cỏ được rồi. Và tôi biết sáng hôm sau là đến lượt Flora.

Lần này thì tôi không có ý định xem người ta bắn con ngựa nữa. Việc ấy chỉ cần xem một lần thôi. Tôi không thường xuyên nghĩ về việc này,  nhưng đôi khi tôi trong lúc  bận rộn , khi đi học ở trường, hay khi đứng trước gương chải tóc và tự hỏi không biết khi lớn lên mình  có xinh đẹp hay không, thì toàn bộ cái cảnh ấy lại trở về trong  tâm trí  tôi: tôi bỗng nhớ lại cảnh cha tôi cha tôi nâng súng  với một vẻ dễ dàng  điêu luyện, và tiếng chú Henry cười khi con Mack dẫy dụa  đá chân trong không khí. Tôi không cảm thấy quá xúc động vì kinh hãi hay bất bình,  như một đứa trẻ thành phố trẻ có thể đã cảm thấy , vì tôi đã quá quen với những cái chết của động vật như một điều cần thiết trong cuộc sống của gia đình tôi . Tuy nhiên, tôi cảm thấy một chút hổ thẹn, và trong tôi có một sự cảnh giác mới, một cảm giác e dè ngần ngại , trong thái độ của tôi với cha tôi và công việc của ông.
 
Hôm ấy trời đẹp; chúng tôi đang đi dạo quanh sân và nhặt cành cây gẫy  trong cơn bão mùa đông. Từ bé chúng tôi đã được dạy phải làm như vậy, vả lại chúng tôi cũng cần những cành cây này để dựng một cái lều. Rồi chúng tôi nghe tiếng hí của con Flora, liền sau đó là giọng nói của cha tôi và tiếng la của chú Henry, và thế là chúng tôi chạy xuống chuồng để xem những gì đang xảy ra.
    
 Cửa chuồng đã được mở. Chú Henry vừa dẫn con Flora ra khỏi chuồng, và nó vùng vẫy bứt được khỏi dây cương. Nó lồng lên chạy trong sân nuôi gà vịt , từ đầu này đến đầu khác . Chúng tôi leo lên trên hàng rào. Thật thú vị khi thấy nó vừa chạy vừa hí , đứng lên trên hai chân sau, rồi nhảy dựng lên và tỏ ra dữ tợn như một con ngựa trong một bộ phim cao bồi miền Viễn Tây, một con ngựa  trong trang trại chưa được thuần phục , mặc dù nó chỉ là một con ngựa cưỡi và lại là ngựa cái. Cha tôi   chú Henry cố chạy theo nó để nắm lấy sợi dây cương đang treo lơ lửng trên cổ nó. Họ cố gắng dồn nó vào trong một góc và gần như đã bắt được nó thì bỗng nó vụt chay xen vào giữa hai người, mắt long xòng xọc , và biến mất trong một góc chuồng. Chúng tôi nghe thấy tiếng móng guốc nện  xuống đường ray khi con Flora phóng qua hàng rào , và chú Henry hét lên ."Nó chạy ra ngoài  đồng rồi!"
    
Như thế là con ngựa đã thoát ra nơi cánh đồng hình L dài bọc theo căn nhà. Nếu nó chạy đến giữa cánh đồng thì chỗ ấy sẽ có cánh cổng dẫn ra đường đang mở sẵn, vì sáng hôm ấy người ta vừa đánh xe tải ra ruộng. Cha tôi hét lên bảo tôi, vì lúc ấy tôi  đang ở phía bên kia của hàng rào  nơi gần đường nhất, "Ra đóng cổng ngay!"
    
Tôi vốn chạy rất nhanh. Tôi chạy khắp khu vườn , qua các rặng cây nơi có treo ghế xích đu, và nhảy qua một con mương để ra  đường. Cánh cổng kia rồi.  Con Flora hẳn chưa chạy ra ngoài, vì tôi không nhìn thấy nó trên đường, vậy hẳn là nó ở phía bên kia cánh đồng. Cánh cổng rất nặng. Tôi nhấc cánh cổng lên khỏi nền đường lát sỏi và kéo lê nó trên đường. Tôi đang kéo nửa chừng thì chợt thấy con Flora  đang  phi nước đại thẳng về phía tôi. Tôi còn đủ thời gian để kịp gài cánh cổng. Thằng Laird cũng đã vội chạy đến để phụ tôi.
 
Nhưng thay vì đóng cửa , tôi bỗng quyết định dùng hết sức để mở toang cánh cổng. Tôi làm điều ấy chẳng phải để thực hiện một ý đồ nào đó có từ trước,  mà đó chỉ là một hành động bột phát vào lúc ấy. Con Flora không để lỡ cơ hội, nó phi nước đại thẳng qua chỗ tôi đứng, và Laird vừa nhảy cẫng lên vừa hét liên tục, "Đóng cổng lại, đóng cổng lại !", ngay cả đến lúc con Flora đã phóng ra ngoài. Rồi thì cha tôi và chú Henry hiện ra trên cánh đồng, nhưng họ đến khi đã quá muộn, chỉ còn kịp thấy những gì đã xảy ra. Họ chỉ  kịp nhìn thấy Flora chạy theo hướng dẫ ra thị trấn.  Có lẽ họ nghĩ  rằng tôi không có đủ thời gian để đóng cổng.  

Cha tôi và chú Henry không bỏ phí một chút thời gian nào để hỏi chuyện gì đã xảy ra. Họ lập tức quay trở lại nhà kho để lấy súng và dao  bỏ lên chiếc xe tải, rồi sau đó họ lên xe, quành xe lại  và lái chiếc xe đến gần chỗ chúng tôi. Thằng Laird gọi với theo , "Cho con đi với, cho con đi với!" và chú Henry dừng xe lại cho Laird leo lên. Tôi đóng cổng lại sau khi họ đã ra khỏi cổng.

Tôi nghĩ thế nào thằng Laird  cũng sẽ mách cha tôi, và tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với tôi lúc ấy. Trước nay tôi chưa bao giờ không vâng lời cha tôi, và tôi không thể hiểu được tại sao tôi đã làm điều đó. Chỉ biết là tôi đã làm. Thực ra Flora rồi cũng sẽ chẳng thoát được.  Họ sẽ bắt được nó và chở nó về trong chiếc xe tải . Hoặc nếu họ không bắt được nó trong buổi sáng thì thế nào cũng sẽ có người nhìn thấy nó và gọi điện thoại cho cha tôi chiều nay hoặc ngày mai .Quanh đây không có rừng hoang để Flora có thể trốn thoát, ngoài ra chúng tôi cũng cần thịt để nuôi những con cáo , và chúng tôi cần có cáo để sinh sống.  Tất cả  những gì tôi đã làm  được chẳng qua là tạo ra thêm công việc nhiều hơn cho cha tôi, vốn đã rất bận rộn rồi . Cha tôi mà phát hiện ra điều tôi đã làm thì  sẽ còn không tin tưởng tôi nữa , ông sẽ biết rằng tôi không hoàn toàn đứng về phía ông . Tôi đã chọn đứng về phía Flora, và điều đó làm cho tôi  trở nên vô dụng dưới mắt tất cả mọi người, mà cũng chẳng giúp được gì cho con ngựa. Nhưng cũng chẳng sao;  tôi đã không hối tiếc. Khi Flora chạy đến chỗ tôi thì tôi đã mở cổng để mong cứu nó, và đó là điều duy nhất tôi có thể làm.

(còn một kỳ)

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Con gái, con trai (Alice Munro, PA dịch): Kỳ 5

(Xem các kỳ 1, 2, 3, 4 trên blog này)
-----


Cha tôi đuổi Laird ra khỏi chuồng ngựa. Tôi nói nhỏ với Laird, "Mày có muốn nhìn họ bắn con Mack không?" và không chờ  nó trả lời, tôi dẫn nó đến cửa trước cửa nhà kho, khẽ khàng mở  cửa, rồi bước vào. " Suỵt, đừng nói gì nhé, kẻo mọi người nghe đấy”" tôi bảo. Chúng tôi nghe thấy tiếng chú Henry và cha tôi nói chuyện trong  chuồng ngựa, rồi sau đó nghe tiếng chân bước nặng nề của con  Mack đang được dắt ra khỏi chuồng.

    

Trong nhà kho trời rất lạnh và tối. Những tia sáng mặt trời đan dích-dắc chiếu xuyên qua những khe hở trên tường.  Đụn cỏ khô đã thấp đi. Ngoài kia là đồng đất nhấp nhô, chỗ thì đồi cao chỗ thì thung lũng, trải dài trước mặt chúng tôi. Trên đầu chúng tôi khoảng 4 bộ có một cái xà bắt ngang qua tường. Chúng tôi chất đống cỏ khô lên cao, rồi tôi đẩy cho Laird leo lên trên đó rồi kéo cho tôi cùng lên. Cái xà không đủ rộng, chúng tôi vừa di chuyển trên đó vừa bám chặt tay vào tường. Có khá nhiều lỗ  thông hơi, và tôi tìm được một chỗ cho phép tôi thấy khá rõ những gì đang diễn ra bên ngoài – một góc sân nuôi gà vịt , cánh cổng , một phần của cánh đồng. Laird không tìm được cái lỗ nào để nhìn,  và bắt đầu phàn nàn .

    

Tôi chỉ cho nó một khe nứt to giữa hai thanh gỗ. "Đừng nói gì cả, hãy chờ đi. Mọi người mà biết mình ở đây thì lôi thôi đấy "

    

Cha tôi bắt đầu xuất hiện, tay mang súng . Chú Henry đi sau, tay cầm dây cương dắt theo con Mack . Chú buông dây và lấy ra tờ giấy cuốn thuốc lá và hộp thuốc lá, rồi cuộn hai điếu cho cha tôi và cho chính mình. Trong khi điều này đang diễn ra thì Mack sục mũi vào trong đám cỏ héo úa dọc theo hàng rào. Rồi cha tôi mở cổng và họ dắt Mack ra ngoài . Chú Henry dẫn con Mack đi trên đường mòn đến một mảnh đất trống  và nói gì đó với cha tôi, hai người nói chuyện nho nhỏ nên chúng tôi không nghe được họ đã nói gì. Mack lại bắt đầu sục mũi tìm kiếm một miếng cỏ tươi, nhưng không tìm thấy. Cha tôi bước ra xa theo một  đường thẳng, và dừng lại ở một khoảng cách  mà dường như  ông thấy là phù hợp. Henry cũng đi ra xa, nhưng là bước sang một bên chứ không đi thẳng như cha tôi, tay vẫn giữ sợi dây cương một cáchllơ là. Cha tôi đưa khẩu súng lên nhắm vào Mack, con ngựa lúc này nhìn lên như thể nó đã nhận thấy cái gì đó, và cha tôi bóp cò.

    

 Con Mack đã không đổ sụp xuống ngay mà  lảo đảo bước sang một bên rồi mới ngã xuống, mới đầu nằm nghiêng một bên, rồi sau đó xoay người lại và nằm ngửa ra có vẻ rất ngạc nhiên, chân đá lung tung lên trời. Đến lúc này chú Henry bỗng cười phá lên, như thể Mack đang diễn trò cho chú xem. Thằng Laird , nãy giờ nín thở theo dõi khi cha tôi bắn con ngựa, bỗng buông ra tiếng  thở dài rền rĩ bất ngờ và kêu lên, "Nó không chết ." Và đối với tôi dường như Laird đã nói đúng. Nhưng rồi chân của con ngựa dừng lại, con ngựa lại ngả sang một bên lần nữa,  cơ bắp trên mình nó rung lên và rồi ngừng hẳn . Cha tôi và chú Henry đến gần con ngựa và nhìn nó một cách thản nhiên,  họ cúi xuống kiểm tra trên trán con ngựa nơi viên đạn đã xuyên qua, và lúc ấy tôi nhìn thấy máu của con ngựa đổ ra trên thảm cỏ màu nâu .

    

" Bây giờ họ sẽ lột da và xẻ thịt nó”,  tôi nói. "Mình đi thôi." Chân tôi hơi run và tôi  nhảy xuống đụn cỏ khô, trong lòng thấy mừng vì công việc đã xong. “Mày đã thấy họ bắn một con ngựa  như thế nào rồi đấy," tôi chúc mừng Laird như thể tôi đã nhìn thấy việc ấy nhiều lần rồi . "Giờ thì bọn mình tìm thử xem có bầy mèo con mới đẻ nào trong đụn cỏ này không.”  Laird cũng nhảy  xuống. Lúc này trông nó như nhỏ lại và có vẻ ngoan ngoãn như xưa. Đột nhiên tôi nhớ lại khi Laird còn nhỏ, tôi đã từng dắt nó vào nhà kho và giúp nó leo lên từng bậc thang để trèo lên cái xà ngang này.  Lúc ấy cũng vào mùa xuân , khi đụn cỏ cũng thấp như thế này . Lúc ấy tôi làm như vậy vì đang cần có một trò vui gì đấy để sau này còn có cái mà kể. Laird mặc một cái sọc ca-rô hai màu nâu và trắng, cắt lại từ một cái áo cũ của tôi. Nó đã leo lên đến tận đầu thang và ngồi lên một thanh dầm cách rất xa đụn cỏ và mấy cái máy cũ ở bên dưới. Sau đó tôi chạy ra ngoài và la lên để mách cha tôi. "Thằng Laird  leo lên trên xà nhà kìa! " Cha tôi đến, mẹ tôi cũng đến, cha tôi leo lên các bậc thang nói chuyện rất nhẹ nhàng và nói gì đó rất khẽ rồi đưa hai tay đỡ Laird  để đưa nó xuống, còn mẹ tôi thì dựa vào các bậc thang và bắt đầu khóc . Cha mẹ tôi mắng:  "Sao không chịu trông em ?" nhưng không ai biết sự thật là gì. Còn Laird chưa đủ lớn để hiểu và nói lại . Nhưng sau này bất cứ khi nào tôi nhìn thấy chiếc áo khoác caro hai màu nâu và trắng treo trong tủ quần áo , và sau đó biến thành giẻ rách,  tôi vẫn cảm thấy trong lòng nặng trĩu, nỗi buồn của tội lỗi chưa được gột rửa.
---
Cập nhật lúc 17:00 cùng ngày


Tôi nhìn Laird, nó có vẻ như chẳng hề nhớ gì cả, nhưng tôi thấy lo lắng vì vẻ mặt tái xám như bị lạnh của nó. Nó không có biểu hiện gì là hoảng sợ hay bực tức, mà có một vẻ xa xăm như đang tập trung suy nghĩ về việc gì đó. "Nghe này," tôi bỗng nói với nó bằng một giọng vui vẻ và thân thiện khác thường, “Này, nếu ai thì mày sẽ nói là không biết gì đấy nhé.”

    "Ừ, không biết gì hết," Laird lơ đãng trả lời.
    "Hứa rồi đấy nhé".

    "Hứa mà," nó nói. Tôi bắt lấy cánh tay đang để ​ sau lưng của nó để kiểm tra xem nó có đang làm dấu hiệu bắt tréo 2 ngón tay lại với nhau không – đấy là một dấu hiệu mà người ta thường làm khi cầu xin những điều may mắn hoặc tai qua nạn khỏi[1]. Mặc dù vậy, có thể thằng Laird sẽ nằm mơ thấy ác mộng, tôi nghĩ mọi việc có thể thành ra như thế. Tôi quyết định là mình cần làm mọi cách để xóa đi những hình ảnh mà nó vừa thấy ra khỏi đầu óc nó – vì dường như nó không cùng một lúc chứa quá nhiều thứ trong đầu. Tôi đang có một ít tiền để dành và chiều hôm ấy chúng tôi đi vào khu Julibee để xem một màn biểu diễn của Judy Canova, và cả hai chúng tôi đã cười rất nhiều. Sau buổi đó tôi tin rằng thằng Laird sẽ quên đi và sẽ ổn thôi.


(còn tiếp)