NĂNG LỰC SƯ PHẠM CỦA ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN THPT TỈNH AN GIANG: NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
Vũ Thị Phương Anh
(2006)
Bài viết phục vụ Hội thảo "Nghiên cứu xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông tỉnh An Giang" năm 2006 do tác giả làm chủ nhiệm đề tài. Sử dụng bài viết này xin liên hệ tác giả tại địa chỉ email: vtpanh@gmail.com
---
Mở đầu
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng các giải pháp nhằm nậng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông tỉnh An Giang” được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang giao cho TTĐG thuộc Viện NCGD, ĐHSP TP. HCM thực hiện trong thời gian 2 năm từ tháng 10/2004 đến hết tháng 9/2006. Như tên gọi của đề tài đã nêu rõ, mục tiêu của đề tài là tìm hiểu thực trạng năng lực đội ngũ giáo viên THPT tỉnh An Giang trong mối quan hệ với các yếu tố có liên quan nhằm xác định những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục chưa cao, từ đó xây dựng các giải pháp phù hợp cho việc nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên của tỉnh.
Với mục tiêu nêu trên, nhóm nghiên cứu đã đề ra 3 nội dung cụ thể của đề tài là (1) tìm hiểu thực trạng năng lực đội ngũ giáo viên thông qua việc khảo sát trình độ học sinh và năng lực sư phạm của giáo viên các trường THPT tỉnh An Giang; (2) xây dựng và thử nghiệm nội dung bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên để đáp ứng được điều kiện thực tế và yêu cầu ngày càng cao của ngành giáo dục tỉnh nhà; và (3) theo dõi, lấy ý kiến của chuyên gia cũng như các bên có liên quan khác và đánh giá mức độ hiệu quả của các biện pháp đã thử nghiệm nhằm phát triển thành những biện pháp chính thức để tư vấn cho lãnh đạo ngành giáo dục của tỉnh.
Tính đến nay, nhóm nghiên cứu đã thực hiện hoàn tất 2 nội dung đầu tiên của đề tài, và đang tiếp tục thực hiện nội dung thứ 3 cũng là mục tiêu quan trọng nhất của đề tài. Ở giai đoạn này, việc lấy ý kiến chuyên gia cũng như đánh giá mức độ hiệu quả của việc thử nghiệm là hết sức cần thiết để đảm bảo các đề xuất do nhóm nghiên cứu đưa ra là thực sự cần thiết và khả thi trong điều kiện của tỉnh nhà, và Báo cáo này đã được viết chính là nhằm mục đích trên. Báo cáo tập trung trình bày những kết quả và kết luận rút ra được từ nội dung nghiên cứu đầu tiên là tìm hiểu thực trạng năng lực sư phạm của giáo viên THPT tỉnh An Giang, cũng là cơ sở để nhóm nghiên cứu xây dựng một số các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên THPT tỉnh An Giang, trong đó một biện pháp quan trọng đã được thử nghiệm vào dịp hè năm 2005 vừa qua là thực hiện một số nội dung bồi dưỡng cho giáo viên. Kết quả của đợt tập huấn sẽ được trình bày trong một Báo cáo, cũng với mục đích để lắng nghe sự góp ý khác tiếp theo Báo cáo này.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, Báo cáo gồm 3 phần chính với các nội dung: (1) Một số nhận định tổng quát về thực trạng chất lượng giáo dục cấp THPT tỉnh An Giang; (2) Nội dung và phương pháp thực hiện khảo sát nhằm tìm hiểu thực trạng về năng lực giáo viên; (3) Các kết quả khảo sát cùng nguyên nhân của thực trạng vừa được khảo sát. Dựa trên các kết quả thu được, phần kết luận của Báo cáo đưa ra một số nhận định về năng lực giáo viên THPT tỉnh An Giang hiện nay so với yêu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, và đưa ra những đề xuất mang tính định hướng về công tác bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên.
I. Một số nhận định tổng quát về thực trạng chất lượng giáo dục THPT tỉnh An Giang
Theo Báo cáo của UNESCO năm 2004 với tựa đề "Chất lượng giáo dục: Có thể tốt hơn" (Quality of Education: Could Do Better" (truy cập ngày 1/5/2006 tại địa chỉ http://portal.unesco.org), 6 yếu tố dưới đây có thể được xem là các yếu tố then chốt có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục:
(1) điều kiện tài chính và cơ sở vật chất dành cho nhà trường;
(2) số lượng và chất lượng giáo viên;
(3) các môn học cốt lõi;
(4) phương pháp sư phạm;
(5) thời gian học thực sự của học sinh;
(6) sự lãnh đạo
Trong 6 yếu tố trên, yếu tố giáo viên được xem là yếu tố quan trọng nhất vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của học sinh. Điều này cũng dễ hiểu, vì giáo viên là người trực tiếp triển khai mọi hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu giáo dục đã đề ra thông qua nội dung chương trình đào tạo và được thể hiện cụ thể trong giáo trình chính thức. Tuy nhiên, để đem lại một sự thay đổi bền vững về chất lượng thì ngoài yếu tố giáo viên còn một yếu tố khác quan trọng hơn rất nhiều là yếu tố lãnh đạo, vì đây chính là cơ sở để tạo ra các yếu tố còn lại trong 6 yếu tố vừa nêu có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục (ngân quỹ và điều kiện vật chất; các chính sách thu hút, tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên; các điều kiện cần thiết để đổi mới phương pháp sư phạm của giáo viên; vv). Tóm lại, mặc dù không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của các điều kiện tài chính và cơ sở vật chất, nhưng chính yếu tố con người – giáo viên và lãnh đạo – mới thực sự là yếu tố quyết định trong việc đem lại chất lượng giáo dục mong muốn.
Trong điều kiện cụ thể của tỉnh An Giang, các yếu tố kể trên có ảnh hưởng ra sao đến chất lượng giáo dục? Dựa vào các tư liệu bằng văn bản do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cung cấp, đồng thời dựa vào những quan sát và tiếp xúc thực tế của nhóm nghiên cứu thông qua các cuộc viếng thăm tại 6 trường được chọn làm đại diện cho các loại hình trường THPT tỉnh An Giang (Thủ Khoa Nghĩa, Long Kiến, Vĩnh Bình; Khuyến học, Vạn Xuân, Tiến Đức), nhóm nghiên cứu đã tạm rút ra được các đặc điểm cần lưu ý về thực trạng giáo dục ở cấp THPT tỉnh An Giang xét theo 6 yếu tố vừa nêu như sau:
1. Về điều kiện tài chính và cơ sở vật chất: Nói chung, điều kiện giảng dạy và học tập của thầy cô và học sinh tại các trường đã chọn còn rất hạn chế. Trừ trường Thủ Khoa Nghĩa có điều kiện khá tốt, tất cả các trường khác đều chỉ mới đảm bảo điều kiện giảng dạy và học tập hết sức tối thiểu cho học sinh; thư viện nghèo nàn, thiết bị dạy học thiếu thốn, lạc hậu. Điều này chắc chắn đã và đang có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giáo dục THPT của tỉnh.
2. Về đội ngũ giáo viên: Các trường bán công vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do chủ yếu sử dụng giáo viên thỉnh giảng có biên chế tại các trường công lập, và điều này hẳn là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng giáo dục tại các trường bán công có phần nào thấp hơn so với các trường công lập. Ngoài ra, theo Báo cáo tổng kết năm học 2003-2004 của Sở Giáo dục Tỉnh An Giang thì tỷ lệ giáo viên THPT của tỉnh được đào tạo chính quy chỉ đạt chưa đến 60% (tr. 19), vì vậy năng lực giảng dạy của một số giáo viên chắc chắn vẫn còn hạn chế, chưa kể những giáo viên hoặc thiếu tâm huyết với nghề hoặc quá bận rộn sinh kế nên chưa đầu tư thích đáng cho các giờ lên lớp cũng như cho việc tự nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm.
3. Về các môn học cốt lõi: Trong đề tài này, các môn học cốt lõi được xác định là 3 môn Toán, Văn và Tiếng Anh, vì 3 môn học này đại diện cho 3 khối kiến thức nền tảng quan trọng mà học sinh THPT cần có (Tự nhiên, Nhân văn, và Ngoại ngữ) để có thể tiếp tục học ở bậc cao hơn, cũng như để áp dụng trong môi trường làm việc sau này. Đây cũng là 3 môn học thường xuyên xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và là các môn thi quan trọng ở các khối thi khác nhau trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Các môn học này cũng tiêu biểu cho các loại môn học đòi hỏi những phương pháp và chiến thuật giảng dạy khác nhau. Việc thành công trong các môn học nói trên sẽ tạo cho học sinh sự tự tin và hứng thú trong việc học nói chung; vì vậy việc giảng dạy các môn này cần được đặc biệt chú trọng, và các giáo viên giảng dạy các môn học này cần được thường xuyên tiếp cận với các phương pháp giảng dạy mới. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay của tỉnh An Giang, điều kiện giao lưu học hỏi và tiếp cận thông tin mới đối với các giáo viên THPT của tỉnh nhà còn rất hạn chế, khiến cho giáo viên ít có cơ hội học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp trên cả nước để cải tiến phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy.
4. Về phương pháp sư phạm: Yếu tố phương pháp có liên quan chặt chẽ đến 2 yếu tố vừa nêu là giáo viên và môn học cốt lõi. Những hạn chế đã nêu của 2 yếu tố nói trên cho phép nhóm nghiên cứu nhận định sơ khởi rằng phương pháp sư phạm của các giáo viên đối với 3 môn học cốt lõi nói chung chưa đạt được hiệu quả cao cho đối tượng học sinh của tỉnh nhà.
5. Về thời gian học thực sự của học sinh: Khái niệm "thời gian học thực sự của học sinh" ở đây được hiểu theo quan điểm sư phạm hiện đại là thời gian mà học sinh tham gia vào quá trình học tập tích cực (active learning), tức tư duy, tìm tòi và phát hiện được những kiến thức và kỹ năng mới và liên kết chúng lại trong hệ thống những kiến thức và sự hiểu biết vốn có của mình. Điều này có nghĩa là trong giờ học tại trường, học sinh phải có điều kiện để thực sự trải nghiệm những kiến thức và kỹ năng mới thông qua các hoạt động đa dạng lắng nghe, quan sát, đọc, tư duy, trao đổi, trình bày quan điểm, và thực hành những kiến thức và kỹ năng mới; ngoài giờ học, học sinh có điều kiện để nghiền ngẫm và rút ra những mối liên hệ giữa những điều đã học với thực tế của cuộc sống. Như vậy, yếu tố này chính là hệ quả trực tiếp của yếu tố giáo viên, vốn là người hướng dẫn và hỗ trợ quá trình học tập của học sinh. Thiếu một phương pháp đúng đắn thì tất cả những thời gian sử dụng cho việc học như nghe giáo viên giảng bài và ghi chép một cách thụ động, làm bài tập theo mẫu cho sẵn để ra được đáp số đúng mà không cần thực sự hiểu rõ bản chất của vấn đề cũng như các quy luật để giải quyết các vấn đề được nêu trong các bài luyện tập đều bi vô hiệu hóa hoặc chỉ đạt hiệu quả hết sức hạn chế.
6. Về sự lãnh đạo: Theo Báo cáo Tổng kết năm học 2003-2004 của Sở Giáo dục tỉnh An Giang thì 100% đội ngũ cán bộ quản lý cấp THPT tỉnh An Giang đều có trình độ đạt chuẩn (tr. 13). Những tiếp xúc của nhóm nghiên cứu với các cán bộ quản lý của Sở Giáo dục tỉnh An Giang cũng như của 6 trường được chọn để khảo sát cũng cho thấy đội ngũ nhà quản lý giáo dục đều có năng lực và tâm huyết đối với nghề. Bên cạnh đó, ngành giáo dục của tỉnh còn được sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, và điều này thể hiện rõ qua những thành tựu lớn của ngành giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nói trên, vai trò lãnh đạo chuyên môn ở một số trường vẫn chưa được phát huy ở mức tối ưu. Vai trò của bộ môn còn khá mờ nhạt, công việc chủ yếu đổ vào các thành viên của Ban Giám hiệu vốn vẫn kiêm nhiệm công tác giảng dạy, dẫn đến sự quá tải về thời gian và hạn chế hiệu quả lãnh đạo.
II. Nội dung và phương pháp thực hiện khảo sát
Trên cơ sở những nhận định ban đầu về thực trạng chất lượng giáo dục THPT tỉnh An Giang như đã nêu ở phần trên, nhóm nghiên cứu đã thiết kế và triển khai cuộc khảo sát trước thực nghiệm vào Học kỳ 2 năm học 2004-2005 để tìm hiểu thực trạng năng lực sư phạm của giáo viên THPT trước yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong những điều kiện cụ thể của tỉnh nhà. Nội dung của cuộc khảo sát bao gồm 3 thành phần chính:
(1) Khảo sát trình độ học sinh các lớp 10, 11, và 12 bằng phương pháp trắc nghiệm đối với 3 môn học đã chọn (Toán, Văn, Tiếng Anh);
(2) Tìm hiểu phương pháp sư phạm của giáo viên 3 môn cốt lõi thông qua việc dự giờ và thực hiện đánh giá các kỹ năng giảng dạy của giáo viên; và
(3) Điều tra bằng bảng hỏi với 3 đối tượng: nhà quản lý, giáo viên và học sinh về điều kiện giảng dạy và học tập tại các trường; quan điểm chất lượng giảng dạy hiện nay; và tìm hiểu quan điểm của nhà quản lý và giáo viên về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.
Công cụ thu thập thông tin cho các nội dung khảo sát nói trên gồm có:
(1) 9 bài trắc nghiệm 3 môn Toán, Văn, và Tiếng Anh các lớp 10, 11 và 12. Các bài trắc nghiệm này được thiết kế với chiều dài gồm 40 câu được thực hiện trong 45 phút (riêng môn Toán được thực hiện trong 60 phút vì học sinh cần thời gian để thực hiện một số tính toán trước khi đi đến quyết định về câu trả lời đúng). Nội dung của bài trắc nghiệm bám sát chương trình THPT và bao phủ toàn bộ chương trình học của HKI và 1 phần nhỏ chương trình HKII (do thời điểm được chọn để thực hiện khảo sát là tháng 4 để tránh các đợt thi cử vào cuối năm học (tháng 5 và tháng 6). Các bài trắc nghiệm đều được xây dựng với đa số các câu hỏi ở độ khó trung bình, với khoảng 20-25% câu hỏi có độ khó cao hơn một chút để tạo được độ phân cách cần thiết giữa học sinh giỏi và học sinh kém hơn (Phụ lục 1).
(2) Phiếu dự giờ và đánh giá tiết học: Gồm 21 câu hỏi, trong đó có 1 câu đánh giá chung và 20 câu nhằm đánh giá 3 khía cạnh của khả năng sư phạm của giáo viên là phương pháp giảng dạy, quản lý lớp học, tác phong và hành vi sư phạm. Thang điểm được sử dụng để đánh giá là thang 5 với quy ước: 5 = tốt, 4 = khá, 3 = trung bình, 2 = yếu , 1 = kém. (Phụ lục 2).
(3) Các Phiếu thu thập ý kiến cho 3 đối tượng khảo sát là học sinh, giáo viên và nhà quản lý, với tổng cộng khoảng trên dưới 30 câu hỏi về các vấn đề có liên quan đến điều kiện và chất lượng học tập/ giảng dạy của học sinh và giáo viên, cùng một số câu hỏi về các giải pháp cần thực hiện để nâng cao chất lượng giáo dục tại đơn vị (Phụ lục 3).
Thiết kế khá công phu và phức tạp nói trên của cuộc khảo sát cùng quy mô thực hiện khá lớn với tổng cộng gần 3.000 bài kiểm tra khảo sát trình độ, trên 50 lượt giáo viên dự giờ và đánh giá chất lượng giảng dạy, và gần 1.200 phiếu hỏi điều tra về chất lượng giảng dạy cho cả 3 đối tượng nhà quản lý, giảng viên và học sinh (Bảng 1 và Bảng 2) đã cung cấp cho nhóm nghiên cứu một số thông tin hữu ích để phục vụ cho đề tài. Kết quả khảo sát sẽ được thảo luận ở phần III của Báo cáo.
Nội dung khảo sát Đối tượng khảo sát Phương pháp khảo sát Tổng số phiếu thu được
Tìm hiểu quan điểm về điều kiện/ chất lượng học tập & giảng dạy; các giải pháp nâng cao CL (1.267 phiếu) Nhà quản lý, giáo viên và học sinh Bảng hỏi điều tra riêng cho từng đối tượng (3 loại phiếu) Nhà quản lý: 66 phiếu
Giáo viên: 303 phiếu
Học sinh: 898 phiếu
Bảng 1: Thông tin chung về việc điều tra ý kiến các đối tượng về điều kiện/ chất lượng giảng dạy/ học tập và các giải pháp nâng cao chất lượng
Nội dung khảo sát Đối tượng khảo sát Phương pháp khảo sát Số lượng người tham gia tại các đơn vị
Thủ Khoa Nghĩa (CL) Long Kiến (CL) Vĩnh Bình (CL) Khuyến học (BC) Vạn Xuân (BC) Tiến Đức (BC)
Khảo sát trình độ học sinh (2.916 bài kiểm tra) Học sinh lớp 10, 11, 12 Bài trắc nghiệm trình độ (Toán: 40 câu 60 phút, Văn & Tiếng Anh 40 câu 45 phút) L10: (85x3)
L11: (43x3)
L12:
(40x3)
TC: 168x3= 504 bài L10: (38x3)
L11: (44x3)
L12: (73x3)
TC: 155x3 = 465 bài L10:
(41x3)
L11:
(45x3)
L12:
(84x3)
TC: 170x3 = 510 bài L10:
(48x3)
L11:
(49 x3)
L12:
(79x3)
TC : 176x3 = 528 bài L10: (49x3)
L11: (42x3)
L12: (81x3)
TC: 172x3 = 516 bài L10:
(47x3)
L11:
(38x3)
L12:
(46x3)
TC: 131x3 = 393 bài
Khảo sát năng lực giáo viên (52 phiếu) Giáo viên 3 môn Văn, Tiếng Anh, Toán Dự giờ và đánh giá theo Phiếu dự giờ được cung cấp sẵn 9 phiếu 9 phiếu 9 phiếu 9 phiếu 8 phiếu 9 phiếu
Bảng 2: Thông tin chung về việc khảo sát trình độ học sinh và năng lực giáo viên
III. Các kết quả khảo sát cùng nguyên nhân của thực trạng năng lực giáo viên tỉnh An Giang
Kết quả thu được từ các nội dung khảo sát vừa nêu cung cấp cho nhóm khá nhiều thông tin hữu ích về nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến chất lượng giảng dạy và học tập cấp THPT tỉnh An Giang, trong đó yếu tố được chú trọng nhất là năng lực giáo viên để phục vụ mục tiêu đề tài. Kết quả của từng nội dung khảo sát sẽ được trình bày chi tiết dưới đây.
1. Kết quả khảo sát năng lực trình độ học sinh trên 3 môn Toán, Văn và Tiếng Anh
Kết quả điều tra trình độ của học sinh THPT tỉnh An Giang trên 3 môn học cốt lõi là Toán, Văn, và Tiếng Anh cho thấy học sinh THPT tỉnh An Giang nhìn chung chỉ đạt mức trung bình và thậm chí hơi yếu. Khi xét từng môn học, có thể thấy học sinh THPT tỉnh An Giang tương đối khá môn Văn (đây là môn có điểm khá nhất trong 3 môn, và đa số các trường đạt điểm trên trung bình) nhưng đặc biệt yếu môn Toán (điểm trung bình của toàn bộ 6 trường đều dưới mức trung bình, và nếu tính trên thang điểm 10 thì chỉ đạt mức trên dưới 3 điểm). Đây là một kết quả rất đáng được quan tâm để tìm ra các biện pháp khắc phục, vì môn Toán luôn được xem là một môn học quan trọng trong toàn bộ các bậc học phổ thông cũng như trong các kỳ thi quan trọng, vì thế học kém hoặc mất căn bản ở môn học này rất dễ làm cho học sinh nản chí và mất động cơ học tập.
Để có cơ sở kết luận về trình độ học sinh tỉnh An Giang, nhóm nghiên cứu cũng đã thực hiện kiểm tra đối chứng học sinh lớp 12 tại 2 trường công lập thuộc 2 tỉnh lân cận với TP. HCM là Trường chuyên Hùng Vương (tỉnh Bình Dương) và Trường Ngô Quyền (tỉnh Đồng Nai). Kết quả kiểm tra tại các trường đối chứng cũng tiếp tục khẳng định lại nhận định nêu trên, đặc biệt là đối với kết quả môn Toán.
Điểm TB môn học (thang điểm 40) Thủ Khoa Nghĩa (CL) Long Kiến (CL) Vĩnh Bình (CL) Khuyến học (BC) Vạn Xuân (BC) Tiến Đức (BC)
Hùng Vương (CL),
Bình Dương Ngô Quyền (CL),
Đồng Nai
Toán 10 12,34 10,27 11,39 10,04 8,29 7,72 X X
Văn 10 20,31 18,59 22,17 17,60 16,65 16,43 X X
Anh 10 18,09 15,65 17,07 13,38 11,02 12,02 X X
Toán 11 12,35 12,26 12,24 12,15 7,71 7,37 X X
Văn 11 23,07 23,47 22,20 20,96 18,10 21,53 X X
Anh 11 17,98 18,81 17,24 16,60 10,24 10,39 X X
Toán 12 13,33 11,65 10,62 8,39 8,91 8,39 19,35 21,36
Văn 12 24,18 23,37 20,44 19,73 19,91 16,43 25,24 19,53
Anh 12 22,38 14,82 13,99 14,58 12,31 12,20 27,26 21,96
TB chung 18.23 16.54 16.37 14.83 12.57 12.50
Bảng 3 - Kết quả khảo sát trình độ học sinh trên 3 môn Toán, Văn và Tiếng Anh
2. Kết quả khảo sát năng lực sư phạm của giáo viên 3 môn Văn, Toán và Tiếng Anh
Kết quả đánh giá việc thực hiện tiết học của giáo viên ở một số môn học cốt lõi đã cung cấp cho đề tài một cái nhìn sơ bộ về năng lực giáo viên THPT tỉnh An Giang (Bảng 4). Như đã mô tả trong phần II của Báo cáo, việc đánh giá năng lực sư phạm của giáo viên được thực hiện thông qua dự giờ và cho điểm trên từng yếu tố Nhìn chung, năng lực sư phạm của giáo viên THPT tỉnh An Giang được đánh giá bình quân là đạt mức trung bình khá, với điểm đánh giá chung đạt 3.6 điểm trên thang điểm 5. Kết quả đánh giá từng khía cạnh đánh giá hoàn toàn thống nhất với đánh giá chung nói trên, với điểm bình quân của tất cả 20 yếu tố thuộc 3 khía cạnh đánh giá đều đạt điểm trên 3, trong đó có một số yếu tố đạt mức khá với mức điểm từ 4.0 trở lên. Điều này cho thấy đội ngũ giáo viên THPT của tỉnh đều có đủ năng lực sư phạm để thực hiện công tác, và điều này cũng phù hợp với số liệu đã nêu trong Báo cáo tổng kết năm học 2004-2005 của Sở Giáo dục Tỉnh An Giang theo đó tỷ lệ giáo viên THPT đạt chuẩn đạt đến 98,37% (tr. 15).
Tuy nhiên, khi xét riêng từng yếu tố của 3 khía cạnh trong cấu trúc năng lực sư phạm đang được khảo sát theo phiếu dự giờ là (1) phương pháp giảng dạy, (2) kỹ năng quản lý lớp học, và (3) tác phong và hành vi sư phạm, ta có thể thấy giáo viên được đánh giá tốt hơn ở các yếu tố thuộc 2 khía cạnh quản lý lớp học và tác phong sư phạm (tất cả mọi yếu tố đều đạt trên mức điểm 3.5 tức mức trung bình khá theo quy ước), nhưng về phương pháp giảng dạy thì vẫn còn một số yếu tố chỉ đạt mức trung bình (có điểm từ 3.0 đến cận 3.5) và cần được chú ý cải thiện , trong đó đặc biệt là những yếu tố có liên quan đến quan điểm giảng dạy hiện đại nhằm tăng tính chủ động của người học (Bảng 4).
3. Kết quả điều tra ý kiến các bên có liên quan về thực trạng chất lượng giáo dục
Việc điều tra ý kiến các bên liên quan về thực trạng chất lượng giáo dục được tiến hành trên 3 đối tượng là nhà quản lý, giáo viên và học sinh. Trong khuôn khổ hạn chế của một bài báo cáo chúng tôi chỉ xem xét kết quả điều tra dưới quan điểm của học sinh, vốn là đối tượng thường xuyên bị bỏ quên trong các cuộc thảo luận về chất lượng giáo dục. Cần phải mở ngoặc ở đây để nói rằng việc đưa học sinh vào như một đối tượng cần điều tra ý kiến chính là góp ý của một vị lãnh đạo tỉnh An Giang đối với nhóm nghiên cứu trong buổi bảo vệ đề cương của đề tài, và kết quả thu được (sẽ được phân tích bên đây) cho thấy ý kiến của đối tượng này cần được quan tâm hơn nữa để có thể nâng cao hiệu quả của các nỗ lực cải cách trong ngành giáo dục.
Khía cạnh đánh giá Tổng số phiếu Điểm trung bình Độ lệch chuẩn
Phương pháp giảng dạy
gioi thieu muc tieu 53 3.11 1.086
on tap dau gio 53 3.40 1.405
chuan bi bai giang tot 53 3.96 .980
trinh bay tot 53 3.74 .944
lien he kien thuc cu moi 53 3.51 .953
lien he thuc te 53 3.04 .919
dat cau hoi dan dat 53 3.43 .772
su dung tot thiet bi 53 3.49 1.219
cu chi net mat 53 4.04 .898
dieu chinh toc do phu hop 53 3.87 .900
Quản lý lớp học
huy dong tham gia 53 3.62 .814
duy tri hung thu 53 3.55 .889
su dung thoi gian hop ly 52 3.58 .915
xu ly bat ngo 49 3.86 1.190
dam bao tot gio len lop 53 4.45 1.084
Tác phong và hành vi sư phạm
trang phuc lich su 53 4.85 .411
phong cach tu tin 53 4.53 .639
thai do than thien 53 4.28 .818
cong bang ton trong 53 4.34 .678
lang nghe phan hoi 50 3.98 1.000
danh gia chung 53 3.60 .793
Bảng 4 - Kết quả khảo sát năng lực sư phạm của giáo viên 3 môn Toán, Văn và Tiếng Anh
Kết quả điều tra ý kiến học sinh (Bảng 5) một mặt khẳng định lại những kết quả đã nêu ở 2 nội dung khảo sát trên về trình độ học sinh và năng lực sư phạm của giáo viên, mặt khác cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích cho phép xác định nguyên nhân của chất lượng giáo dục chưa cao tại tỉnh An Giang. Dưới đây là một số kết quả đáng chú ý:
- Trong 3 môn học cốt lõi được khảo sát, môn Văn là môn học sinh tỏ ra yêu thích nhất và môn Tiếng Anh là môn học sinh ít yêu thích nhất. Điều này được thể hiện nhất quán qua đánh giá của các em về khả năng khơi gợi sự yêu thích môn học ở học sinh của giáo viên (các câu 7.1.7, 7.2.7 và 7.3.7) ý kiến của các em về sự yêu thích đối với môn học (các câu 7.1.11, 7.2.11, và 7.3.110). Môn Toán cũng là môn mà học sinh không mấy yêu thích, nhưng dù sao vẫn còn được các em cho điểm cao hơn một chút về sự yêu thích so với môn Tiếng Anh. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả khảo sát trình độ học sinh trong đó môn Văn là môn có kết quả tốt nhất.
- Tương tự như kết quả đánh giá của các chuyên gia về năng lực sư phạm của giáo viên, hầu hết các khía cạnh năng lực của giáo viên được các em đánh giá ở mức trung khá (đạt điểm > 3 trên thang điểm 4), nhưng cũng có một số khía cạnh được đánh giá chưa cao và cần chú ý cải thiện. Hai khía cạnh được học sinh đánh giá chưa cao gồm có: "thực hiện những bài kiểm tra ngắn để nắm trình độ học sinh sau mỗi bài học" ở cả 3 môn (các câu 7.1.5, 7.2.5, 7.3.5, tất cả đều đạt điểm dưới 3); và "có những biện pháp hữu hiệu giúp các học sinh yếu bắt kịp với trình độ chung" (các câu 7.1.6, 7.2.6, 7.3.6, trong đó riêng môn Toán đạt mức dưới 3, còn 2 môn Văn và Tiếng Anh chỉ xấp xỉ trên 3 – 3.07 cho môn Văn và 3.02 cho môn Tiếng Anh). Điều này cho thấy việc giảng dạy của giáo viên chưa thực sự dựa trên trình độ tiếp thu và nhu cầu học tập (learning needs) của học sinh, đặc biệt là những học sinh yếu, trong khi đây chính là một điểm cần rất cần lưu ý của ngành giáo dục tỉnh An Giang do đặc điểm đầu vào của học sinh còn tương đối thấp như nhận định của chính ngành giáo dục của tỉnh trong các báo cáo tổng kết năm học liên tục từ năm 2001 đến nay.
Số thứ tự câu hỏi Khía cạnh đánh giá Tổng số phiếu Trung bình Độ lệch chuẩn
Môn Toán
7.1.1 TPP 775 3.36 .633
7.1.2 TMT 773 3.21 .649
7.1.3 TPVAN 755 3.20 .736
7.1.4 TTGIAN 802 3.23 .735
7.1.5 TKT 679 2.88 .850
7.1.6 TDOT 688 2.96 .853
7.1.7 TTHICH 747 3.05 .850
7.1.8 TTHI 801 3.44 .685
7.1.9 TCBANG 737 3.17 .982
7.1.10 TTHAY 688 3.27 .750
7.1.11 TMON 716 2.99 .887
Môn Văn
7.2.1 VPP 805 3.46 .658
7.2.2 VMT 775 3.34 .656
7.2.3 VPVAN 768 3.34 .694
7.2.4 VNNGU 781 3.37 .671
7.2.5 VKT 650 2.82 .862
7.2.6 VDOT 699 3.07 .799
7.3.7 VTHICH 734 3.28 .726
7.2.8 VTHI 786 3.39 .686
7.2.9 VCBANG 733 3.34 .797
7.2.10 VTHAY 750 3.48 .606
7.2.11 VMON 749 3.02 .853
Môn Tiếng Anh
7.3.1 APP 839 3.22 .777
7.3.2 AMT 815 3.10 .718
7.3.3 ANHOM 749 2.76 .976
7.3.4 APAM 827 3.10 .807
7.3.5 AKT 722 2.92 .777
7.3.6 ADOT 778 3.03 .819
7.3.7 ATHICH 707 2.95 .865
7.3.8 ATHI 817 3.30 .716
7.3.9 ACBANG 764 3.23 .861
7.3.10 ATHAY 710 3.24 .788
7.3.11 AMON 736 2.89 .960
Bảng 5 - Kết quả điều tra ý kiến học sinh về thực chất lượng giảng dạy và học tập 3 môn Toán, Văn và Tiếng Anh
- Một điều khá mâu thuẫn nhưng thật ra đã phản ánh rất đúng thực chất của một nền giáo dục quá chú trọng thi cử (nền giáo dục "ứng thí", "lều chõng" như phát biểu của một số nhà nghiên cứu giáo dục trong nước) là mặc dù giáo viên việc giảng dạy của giáo viên chưa thực sự dựa vào trình độ và nhu cầu của học sinh như đã nêu ở trên, nhưng vẫn được đánh giá khá cao về "kinh nghiệm chuẩn bị cho học sinh vượt qua các kỳ thi quan trọng" (đạt điểm trên 3.3 cho cả 3 môn)!
Kết luận
Những kết quả được trình bày ở trên chỉ mới là một phần nhỏ trong số những thông tin đã thu thập được từ Đề tài “Nghiên cứu xây dựng các giải pháp nhằm nậng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông tỉnh An Giang”. Tuy còn nhiều thông tin khác cần được phân tích và góp ý trước khi đi đến kết luận, trên cơ sở những thông tin đã được phân tích trong Báo cáo chúng tôi tam đưa ra hai kết luận và đề xuất như sau, rất mong được sự đóng góp của toàn thể Hội thảo.
1. Điều kiện tài chính và cơ sở vật chất thiếu thốn của ngành giáo dục tỉnh An Giang chắc chắn có những ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực sư phạm của giáo viên, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục tỉnh của tỉnh An Giang. Điều này thể hiện rõ qua một yếu tố năng lực sư phạm của giáo viên đã được đánh giá chưa cao là năng lực "sử dụng thiết bị dạy học" (Bảng 4).
Việc đẩy tăng cường điều kiện tài chính và cơ sở vật chất cho ngành giáo dục của tỉnh tất nhiên còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố và không thể thực hiện một sớm một chiều. Tuy nhiên, theo ý kiến của chúng tôi thì không nhất thiết phải có thật nhiều tiền mới có thể đầu tư vào cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ dạy học. Theo thiển ý, hiện nay ngành giáo dục của tỉnh nên chú trọng đầu tư vào việc nối mạng Internet cho các trường có điều kiện (khu vực trung tâm, gần thị xã vv) và có những chính sách khuyến khích giáo viên tự tìm hiểu thông tin về nghề nghiệp hoặc trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp trong cùng địa phương hoặc từ những địa phương khác. Đây là một việc làm không mấy tốn kém mà hiệu quả lại khá cao trong việc nâng cao trình độ của giáo viên (tự bồi dưỡng) cũng như sự hài lòng về nghề nghiệp của họ.
Một ý tưởng mà chúng tôi đã đề xuất thực hiện trong đề cương đầu tiên của đề tài là thiết lập những mối quan hệ "ảo" (qua mạng) giữa các trường THPT của tỉnh An Giang với các trường THPT tại các địa phương khác. Ý tưởng này đã không có cơ hội được thực hiện trong đề tài do không được ủng hộ vào thời điểm mà đề cưong được duỵệt, nhưng chúng tôi vẫn xin bảo lưu như một đề xuất của đề tài sau khi hoàn tất, đặc biệt là trước bối cảnh chương trình và sách giáo khoa cải cách lớp 10 trong đó nhấn mạnh tính tích cực của người học sắp được bắt đầu vào năm học 2006-2007 sắp đến.
2. Năng lực của đội ngũ giáo viên THPT tỉnh An Giang là khá tốt, phản ánh đúng tỷ lệ gần 100% giáo viên THPT của tỉnh có trình độ đạt chuẩn. Nhận định này có thể được khẳng định thông qua kết quả khảo sát khi cả các chuyên gia lẫn học sinh đều có đánh giá chung về năng lực của giáo viên đạt trên mức trung bình. Điều này cho thấy sự quyết tâm cao độ và những nỗ lực to lớn của toàn tỉnh nói chung và toàn ngành giáo dục của địa phương nói riêng. Bên cạnh đó, trình độ học sinh của tỉnh vẫn thuộc tốp thấp, như đã được khẳng định nhiều lần trong qua các kỳ thi quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh đại học, và tiếp tục được khẳng định lại trong đợt khảo sát lần này. Tất nhiên trình độ đầu vào thấp, thiếu điều kiện kinh tế và truyền thống học hành của gia đình, cũng như động cơ học tập thấp của học sinh sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả giảng dạy của giáo viên, và đó là một lời giải thích cho chất lượng giáo dục chưa cao của tỉnh hiện nay.
Tuy nhiên, với tư cách là những nhà nghiên cứu giáo dục, chúng tôi vẫn chia sẻ sâu sắc quan điểm của lãnh đạo tỉnh An Giang khi giao đề tài này cho chúng tôi thực hiện, đó là năng lực của giáo viên vẫn là yếu tố then chốt trong chất lượng giáo dục, và vì thế để nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh thì không thể không xem xét tìm tòi các giải pháp nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên. Theo những kết quả đã nêu, có thể thấy rằng mặc dù năng lực của giáo viên nói chung là ổn, nhưng khi xem xét từng khía cạnh cụ thể thì vẫn thấy còn tồn tại một số điểm cần tập trung giải quyết. Theo chúng tôi, những điều mà ngành giáo dục tỉnh An Giang cần tập trung giải quyết trong năm học sắp tới (và cả những năm sau nữa) là:
- Tiếp tục đầu tư vào việc bồi dưỡng năng lực sư phạm của giáo viên, trước mắt là giáo viên các môn học then chốt, mà đặc biệt là môn Toán. Nội dung bồi dưỡng cần tập trung vào năng lực kiểm tra đánh giá của giáo viên để giúp giáo viên có thể nắm được nhu cầu và trình độ của học sinh để có thể điều chỉnh nội dung và phương pháp sao cho phù hợp nhất với học sinh. Một nội dung khác cần đặc biệt chú ý là các phương pháp giảng dạy phù hợp cũng như khả năng động viên và thu hút các học sinh trung bình và yếu, vốn chiếm tỷ lệ khá cao ở cấp THPT tỉnh An Giang (bình quân toàn tỉnh là trên 40% ở các trường công lập và lên đến trên 70% ở các trường bán công và dân lập).
- Nâng cao vai trò và đẩy mạnh hoạt động của Tổ Bộ môn, khuyến khích sự chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giảng dạy của các giáo viên trong cùng một bộ môn; đẩy mạnh việc chia sẻ tài liệu giảng dạy và giáo án, đặc biệt là các giáo án điện tử giữa các giáo viên cùng trường và giữa các trường khác nhau.
- Thiết kế và triển khai thực hiện đề án xây dựng các ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan phục vụ giảng dạy cho các môn học cốt lõi do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh quản lý. Ngân hàng câu hỏi này cần được đưa lên mạng và cho phép tất cả các trường sử dụng cũng như tiếp tục xây dựng để đóng góp thêm vào, nhằm giúp các giáo viên có các công cụ hỗ trợ để kịp thời đánh giá hiệu quả giảng dạy của mình, đồng thời cũng giúp học sinh tó tài liệu để thường xuyên ôn tập nâng cao kiến thức. Ngay trong năm học này, chúng tôi đề nghị xây dựng ngân hàng đề thi cho môn Toán, trong đó gồm 2 phần: Phần ôn tập và củng cố kiến thức môn Toán cấp THCS (đặc biệt là lớp 9), và phần kiểm tra phản hồi kiến thức môn Toán lớp 10. Có như vậy thì khả năng tiếp thu của học sinh THPT tỉnh An Giang cho môn Toán mới có thể được nâng cao, tạo thêm sự tự tin và động cơ học tập, cùng nâng cao khả năng đạt các kỳ thi quan trọng cho học sinh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang (2006). Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang giai đoạn 2006-2010" (dự thảo lần 2).
2) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang (2003). Đề án "Xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL ngành giáo dục – đào tạo (giai đoạn 2003-2010)"
3) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang. Các Báo cáo tổng kết năm học 2001-2002, 2002-2003, 2003-2004 và 2004-2005.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét