Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Cơm nguội

Lại là một mẩu chuyện do bạn tôi, định cư ở nước ngoài, gửi cho tôi. Xin gửi lên đây để chia sẻ với các bạn.

Cơm nguội .... Ca dao VN cũng có một câu:
Chàng ơi giận thiếp làm chi
Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng
Nhưng bây giờ, đồ ăn thừa mứa, mọi người ai cũng sợ béo phì, cơm nguội đâu còn có giá như ngày xưa nhỉ? Chứ thời trước đây cơm nguội có giá lắm, cơm dư ăn không hết còn ghế vào nồi cơm mới nấu để cho khỏi phí, còn nếu hơi bị thiu rồi thì bỏ vào thùng nước gạo để cho những người đi xin nước gạo về nuôi heo.

Lại nhớ một mẩu bạn tôi mới viết dành cho những bà già sắp về hưu (tôi thì còn khoảng gần 5 năm nữa, nhưng cũng nên chuẩn bị cho nó đi là vừa rồi). Về hưu, có phải nó cũng giống như cơm nóng trở thành cơm nguội không nhỉ? Có một nồi cơm nóng khác sắp được nấu lên. Còn trong khi chờ nồi cơm mới, thì ... cơm nguội đây, ai cần thì dùng tạm vậy!

Mọi người thưởng thức mẩu cơm nguội bên dưới nhé!

---
Cơm Nguội -
Tiểu Tử


Ông già đó lái xe đưa hai thằng cháu nội sáu bảy tuổi đi ăn MacDonald's.

Bữa nay chúa nhựt, vợ chồng thằng con ông không có đi làm, nhưng vì phải đi dự đám cưới của một người bạn vào buổi trưa nên thằng con ông nhờ ông đến nhà vừa giữ nhà vừa trông chừng hai đứa nhỏ.

Nó đã điện thoại cho ông hôm tuần trước để…"xí chỗ" bởi vì nó biết hai đứa em của nó lâu lâu cũng nhờ ông làm như vậy.

Nhà ông chỉ cách nhà của các con ông có ba bốn chục phút xe hơi – nếu xa lộ không bị kẹt – nên việc đi lại không gây nhiều phiền phức.
Ông sống một mình, thành ra khi đứa con nào cần, gọi ông là ông " ừ " !
Trừ phi ông đã hẹn lỡ với mấy ông bạn già đi đánh bài ở nhà ông nào đó, hay đi ăn phở ở khu 13 chợ tàu Paris…

Giữ hai đứa cháu đến bốn giờ chiều vẫn chưa thấy cha mẹ chúng nó về.
Giờ này phải cho chúng nó ăn cái gì – quen giữ mấy đứa cháu nên ông rành thông lệ đó.
Ông đề nghị đưa chúng nó đi ăn MacDo's, hai đứa vỗ tay nhảy cẫng reo mừng.
Vậy là ông chở chúng nó đi, sau khi viết ít chữ để lại trên bàn ăn cho vợ chồng thằng con ông biết.

Nhà hàng nằm ngoài đồng nên có sân chơi rộng lớn với nhiều đu và cầu tuột.
Giờ này thật đông khách, nhứt là trẻ con. Nhờ có bãi đậu xe mênh mông nên ông già không phải khó khăn tìm chỗ.

Vừa xuống xe, hai thằng nhóc chạy thẳng ra sân chơi.

Ông già nói vói theo bằng tiếng Việt :
- Hai đứa muốn ăn cái gì để ông nội lấy.
Hai đứa không quay đầu lại nhưng nói to bằng tiếng Pháp :
- Hamburger và coca.
Ông lại hỏi :
- Không lấy happy meal hả ?

Hỏi như vậy, vì thông thường trẻ con hay lấy món đó để có đồ chơi.
Tụi nhỏ vừa trèo lên cầu tuột vừa nói lớn bằng tiếng Pháp :
- Không ! Cái đó của con nít !
Ông bật cười, vừa chửi thầm "cha tụi bây" vừa bước vào trong.
Nối đuôi một lúc rồi ông mang mâm đồ ăn ra ngồi ở một cái bàn ngoài sân dưới nắng, cho ấm.

Hai thằng cháu nội của ông đang chơi cầu tuột, la hét bằng tiếng Pháp, om sòm.
Trong đám trẻ tóc vàng, chúng nó tóc đen mắt hí nên dễ thấy. Ông nhìn theo tụi nó trèo lên tuột xuống, chen chúc với bầy tây con mà ông thấy thương.
Hai thằng cháu nội của ông chỉ hiểu chớ không nói được tiếng Việt.
Tiếng Việt, tụi nó nói được có hai tiếng " ông nội".( Đó là bây giờ, sau khi được ông sửa nhiều lần.

Chớ hồi còn bốn năm tuổi, tụi nó gọi ông bằng " ông nại", nghe thấy cười lắm !)
Thành ra, trong đối thoại giữa ông cháu, tụi nó nói tiếng Pháp, còn ông thì dùng tiếng Việt.

Ông nghĩ :" Cứ bắt tụi nó phải nghe tiếng Việt, kẻo không chúng nó sẽ quên.
Rồi mình sẽ đốc thúc ba tụi nó đưa tụi nó đi học nói và học viết nữa".

Một lúc sau, thấy hai đứa nhỏ chơi đủ lâu, ông đứng lên vẫy tay gọi :
- Tí ! Tú ! Lại ăn nè !
Tụi nhỏ còn ráng tuột thêm hai lần nữa rồi mới chạy vào, mặt mày đỏ ửng, mồ hôi mồ kê.

Ông nói :
- Vô toa-lét rửa tay rửa mặt rồi ra ăn.
Hai đứa gật đầu nhưng vẫn cầm ống hút chọc lủng nắp ly giấy, hút vài ngụm coca trước khi hí hửng đi vào bên trong.

Ông mỉm cười nhìn theo mà nghe tình thương dào dạt trong lòng
…Ông nhớ lại ở bên nhà hồi xưa, hồi thời mà cha chúng nó bằng tuổi chúng nó bây giờ, ông cũng hay dẫn đi " ăn cái gì " lúc bốn năm giờ chiều chúa nhựt.

Mà ở Việt Nam đâu cần phải lái xe đi cả chục cây số như ở xứ Pháp này.
Cứ thả bộ ra đầu ngõ là có đủ thứ để " bỏ bụng " : cháo lòng, mì, phở
…Hồi đó, khi được dẫn đi ăn, cha chúng nó cũng có bộ mặt hí hửng giống như tụi nó bây giờ.

Vậy mà cũng đã gần bốn chục năm…
Hai đứa nhỏ trở ra ngồi vào bàn ăn hamburger.

Thằng lớn, tên Tí, để ý thấy ông nội không có hộp MacDo's nào hết, bèn hỏi :
- Ông nội không ăn gì à ?
- Không, ông không có đói.

Ông cầm cái ly giấy đựng cà phê đưa lên :
- Ông uống một cái cà-phê là đủ rồi.

Thằng nhỏ, tên Tú, chen vào, miệng còn ngồm ngoàm hamburger :
- Mấy người già kỳ cục lắm ! Ăn uống không giống ai hết !
Thằng anh rầy :
- Nói bậy ! Mày nói như vậy là không có lễ độ !

Rồi nó lên giọng người lớn để dạy em, nói chậm rãi :
- Người ta nói : mấy người lớn tuổi không biết cách ăn uống. Mầy hiểu chưa ?
Ông bật cười, chửi đổng " Cha mầy " !

Thằng Tí không hiểu tiếng chửi đó nên hỏi :
Ông nội nói cái gì vậy ? " Cha mầy " là nghĩa gì ?
Ông đưa tay gãi cổ, tìm cách giải nghĩa :
- Ờ…ông muốn nói…Nghĩa là…Nghĩa là…

Thấy ông nội nó có vẻ gặp khó khăn trong tiếng Việt, thằng Tí đề nghị :
- Ông cứ giải nghĩa bằng tiếng Pháp đi, có lẽ dễ hơn đó !
Ông gật đầu, nói bằng tiếng Pháp :
- Ông muốn nói rằng…muốn nói rằng là … con dễ thương !
- Merci ! Merci !
Thấy thương quá, ông chồm qua mặt bàn hôn lên má phinh phính của nó. Thấy vậy thằng em đòi :
- Còn con ! Còn con !
Ông bèn đưa tay ôm hai cái đầu cụng lại rồi hôn chúng nó trơ trất. Hai đứa rụt cổ cười lên hắc hắc.

Trong khoảnh khắc đó, ông già cảm thấy không còn sự sung sướng nào bằng…
Ăn xong, thằng Tí xin phép ông nội cho tụi nó tiếp tục chơi một lúc nữa.
Ông vén tay áo nhìn đồng hồ rồi gật đầu. Hai đứa nhỏ vừa chạy đi vừa nói nửa tiếng tây nửa tiếng ta : " Merci ông nội !".

Ông mỉm cười nhìn theo một lúc rồi mới đi vào bên trong lấy thêm một ly cà phê.
Ngồi vào bàn, ông vừa nhăm nhi vừa nhớ lại thời ông còn nhỏ. Hồi đó, ông ở dưới quê với bà ngoại.

Chiều nào đi học về, cũng bước vào bếp bốc một cục cơm nguội to bằng nắm tay rồi ra ngồi ngoài hiên ăn với miếng đường mía màu nâu sặm đen nhỏ bằng ngón chân cái.

Vậy mà sao ngon vô cùng !
Và ngày nào cũng vậy.
Hể nghe đói – ngoài hai bữa cơm chánh – là cứ vô bếp lục cơm nguội.
Lúc nào nấu cơm, bà ngoại cũng nấu nhiều.

Bà nấu trong cái nồi đất và không biết nấu cách nào mà khi nguội cơm dính vào nhau chớ không bời rời.
Cho nên chỉ cần cầm chiếc đũa bếp xắn xuống một cái là có ngay một cục cơm gọn bân !
Nồi cơm nguội luôn luôn nằm trên đầu ông táo. "
Để kiến đừng bò vô, vì kiến sợ tro bếp". Hồi đó nấu bếp bằng củi nên bếp đầy tro.
Lâu lâu, bà ngoại có hốt tro đổ bớt, nhưng vẫn chừa lại một lớp dầy để giữ than cho âm ỉ dùng " ghế" nồi cơm.

Bà giải nghĩa :
" Sôi vừa cạn nước là dập tắt lửa ngọn rồi cời than với tro ra khỏi chưn ông táo, bắc nồi cơm xuống đặt lên đó cho gạo nở. Như vậy kêu là ghế nồi cơm.
Nấu cơm ngon hay không ăn thua ở cái chỗ biết ghế hay không biết ghế. Chỉ có vậy thôi !".

Bà coi chuyện nấu cơm trong nồi đất và bằng lửa củi là chuyện dễ ợt.
Điều quan trọng đối với bà ngoại là phải nấu dư dư ra một chút.
"Cho thằng nhỏ nó có cơm nguội nó ăn".

Nói như vậy chớ thỉnh thoảng bà cũng cho "thằng nhỏ" một khúc khoai mì hay một củ khoai lang. Những thứ không phải hiếm – nhứt là ở vùng quê – nhưng vì nhà nghèo nên những thứ như vậy cũng trở thành hiếm hoi cho lúc đói lòng của " thằng nhỏ"

…Nghĩ đến đó, ông già buông tiếng thở dài. Sao mà có thể nghèo như vậy được ?
Bà ngoại chỉ có mấy nọc trầu, vài hàng cau, đôi ba cây ổi cây mít…
Ngần đó thứ chỉ đủ cho hai bà cháu có hai bữa cơm rau khô mắm hằng ngày.
Vậy mà bà ngoại cũng ráng nuôi cho ông đi học. " Cái thứ mồ côi, Trời bù cho cái khác. Thằng nhỏ sáng dạ học giỏi, bắt nó ở nhà chăn trâu sao đành".

Vậy là ông phải cắp sách đến trường như mọi đứa trẻ khác và chiều về nếu không có củ khoai thì vẫn còn có nồi cơm nguội...
Thành ra, cơm nguội đối với thằng nhỏ nghèo là ông hồi đó, lúc nào cũng có giá trị như hamburger của hai thằng cháu nội của ông bây giờ.

Còn hơn thế nữa là nhờ có cơm nguội mà ông đã đi hết bậc tiểu học một cách trơn tru rồi sau đó thi đậu học bổng vào trường lớn ở Sàigòn, cũng dễ dàng như bà ngoại nấu cơm trong nồi đất !

Ông già vén tay áo xem đồng hồ rồi đứng lên gọi :
- Tí ! Tú ! Về, tụi con !
Hai đứa chạy lại mang mâm hộp không ly không dẹp vào trong rồi theo ông nội chúng nó ra xe.

Về đến nhà thì ba mẹ của hai thằng nhỏ cũng đã về rồi. Ba chúng nó hỏi bằng tiếng Việt :
- Tụi con đi chơi có vui không ?
Hai đứa gật đầu. Thằng Tí giành nói :
- Ông nội cho tụi này chơi cầu tuột, chơi đu, lâu thật lâu. Đã luôn !

Ba chúng nó quay sang ông già :
- Tụi nó có ngoan không, ba ?
- Ngoan chớ. Dễ dạy lắm.
Mẹ chúng nó vừa đưa cho mỗi đứa một cái bánh sô-cô-la vừa nói bằng tiếng Pháp:
- Mẹ tưởng tụi con không có đi ra ngoài nên mẹ mua bánh cho tụi con đây.
Hai đứa vừa ôm mẹ hôn vừa nói
" Cám ơn ! Cám ơn !" tía lia. Thằng Tú bẻ cái bánh của nó ra làm hai rồi đưa phân nửa cho anh nó :
- Ăn với Tú nè !
Để dành cái bánh của Tí lát nữa ăn !

Thằng anh vui vẻ cầm lấy phần bánh nói " merci" rồi vừa hôn lên má em vừa nói bằng tiếng Việt : Cha mầy !
Mẹ nó giật mình, trừng mắt, la lên bằng tiếng Pháp :
- Tí ! Sao con chửi nó ?
- Con đâu có chửi. Con nói nó dễ thương mà !
- " Cha mầy " là tiếng chửi đó !
- Hồi nãy, ông nội nói " cha mầy là dễ thương " !

Ông già bật cười trong lúc mọi người đều ngạc nhiên nhìn ông không hiểu. Ông nói :
- Ờ ! Hồi nãy ba có giải nghĩa như vậy khi thằng Tí nói một câu dễ thương.
Thật ra, hai tiếng đó tùy trường hợp và tùy cách nói mà thành tiếng chửi hay tiếng mắng yêu, tụi con hiểu không ?

Mẹ chúng nó quay sang hai con, nói bằng tiếng Pháp :
- Tiếng đó chỉ có người lớn mới có quyền dùng thôi. Tụi con không được nói, nghe chưa ?
Thằng Tí gật đầu, rồi vừa kéo thằng em đi vào trong vừa càu nhàu :
- Ồ…tiếng Việt Nam rắc rối quá !

Mấy người lớn nhìn nhau mỉm cười. Ông già nói, giọng nghiêm trang :
- Ba nghĩ tụi con nên sắp xếp thì giờ để chở tụi nhỏ đi học nói và học viết tiếng Việt. Ở Paris thiếu gì chỗ dạy.
Ngoài ra, ba cũng muốn nhắc tụi con thường xuyên nói tiếng Việt với chúng nó thay vì dùng tiếng Pháp.
Để cho chúng nó đừng quên. Mình đi lưu vong, bỏ hết mất hết.
Chỉ còn có tiếng nói mang theo mà cũng để cho mất luôn…thì mình sẽ thành ra cái giống gì, hả các con ?

Giọng ông già bỗng như nghẹn lại.
Ba mẹ tụi nhỏ chừng như xúc động , làm thinh. Yên lặng một lúc, mẹ thằng Tí vừa đi vào bếp vừa nói :
- Để con đi làm cơm. Ba ở lại ăn với tụi con nghen.
- Không, con. Chơi một chút rồi ba về.

Ba tụi nhỏ rót trà vào tách đưa cho ông già :
- Biết ba thích uống trà nên con có pha sẵn bình Ô long cho ba đây.
- Ờ…Cám ơn con !

Ông già hớp một hớp, đặt tách xuống, gật gù :
- Ùm…Ngon !
Rồi ông tiếp :
- Hồi nãy, ở ngoài Mac Do's, tự nhiên sao ba nhớ lại ba hồi nhỏ. Hồi đó, vì nghèo nên ba đâu có quà bánh gì để ăn.

Ba chỉ biết có cơm nguội ăn với đường mía, loại đường cục đậm đen nhìn không thấy thèm mà khi cắn vô mùi mật mía thơm phức làm tươm nước miếng.

Ông già ngừng nói đưa tách lên môi hớp một hớp trà, làm như ông vừa bắt gặp lại vị ngọt đậm đà của cục đường đen và ông cần một hớp trà để đẩy đưa cho hậu vị…

Người con ông ngồi đối diện, uống trà trong im lặng. Anh biết cha anh đang sống lại với dĩ vãng nên không dám làm xáo trộn giòng suy tư của cha.

Ông già nói tiếp :
- Hồi thời đó bà ngoại của ba nấu cơm trong nồi đất, nhúm lửa bằng giăm bào, chụm bằng củi.
Muốn cho lửa bắt phải hít hơi đầy phổi rồi dùng ống trúc mà thổi nhiều lần.
Ống trúc đó gọi là " ống thổi". Khi sử dụng, phải để ý. Bởi vì ống thổi có một đầu sạch và một đầu dơ.
Đầu sạch là đầu mà mình chúm môi kê vào để thổi, còn đầu dơ là đầu mà mình thọc vào chỗ có lửa.

Đầu đó luôn luôn bị cháy nám đen và dính tro bụi.
Người không biết, thổi ở đầu dơ, một lúc sau mồm mép dính lọ đen thui mà không hay !
Ông già khịt mũi cười rồi mới tiếp :
- Rồi phải đợi cơm sôi để hạ lửa, sớm một chút là cơm nhão, trễ một chút là cơm khê.
Nấu cơm cực lắm chớ không phải như bây giờ nấu bằng nồi điện, chỉ cần nhận có cái nút !
Ông ngừng nói, cầm tách lên hớp mấy hớp trà. Ba thằng Tí cũng đẩy đưa :
- Như vậy mới là tiến bộ, chớ ba.
- Dĩ nhiên. Đó là điều cần thiết cho cuộc sống. Bây giờ mà bắt mấy bà mấy cô nấu cơm bằng nồi đất, bằng lửa củi…chắc họ nổi loạn !

Ba muốn nhắc lại chuyện nấu cơm hồi trước là để cho con thấy trong hột cơm hồi đó có chút công sức
của người nấu, có chút tình người làm cho hột cơm có giá trị hơn hột cơm " nhận nút " của thời bây giờ.

Chỉ có vậy thôi.
Ông già ngừng nói, nhìn thằng con một chút rồi tiếp :
- Nhưng chuyện mà ba muốn nói ở đây là chuyện " cơm nguội" . Cơm nguội là một thứ chẳng có gì hấp dẫn !
Cho dù nó có nằm trong nồi đất hay trong nồi điện gì, nó cũng không gợi thèm như tô phở hay tô mì.

Nó không có chỗ đứng trong hàng quà bánh. Chẳng ai để ý tới nó hết !
Vậy mà khi mình đói và chẳng có gì ăn thì cục cơm nguội lại trở thành " có giá" !
Nó như loại bánh xe xơ-cua của xe hơi : bình thường chẳng ai nhìn đến, nhưng khi bị xẹp bánh mới thấy cái bánh xơ-cua, dù đã mòn lẵn, thật hữu ích vô cùng.

Ông già lại ngừng nói, tự tay rót trà vào tách, chậm rãi như để cho thằng con có thời giờ " thấm " những gì ông muốn nói. Sau một hớp trà, ông tiếp :
- Con thấy không ?
Cục cơm nguội cũng có cái giá trị của nó đó chớ ! Ngoài ra, khi ăn cục cơm nguội, đối với những ai chỉ biết nồi cơm điện chớ chưa từng biết cái nồi đất như tụi con chẳng hạn, thì cục cơm nguội chẳng gợi lên hình ảnh gì khác.

Nhiều lắm là chỉ gợi lên hình ảnh cái bánh xơ-cua thôi !
Còn như đối với những người như ba, nhai cục cơm nguội là nhớ công ơn người thổi lửa nấu cơm nuôi mình. Nhai cục cơm nguội là nhớ cái gốc nghèo của mình.

Cái gốc mà từ đó ba đã cố gắng vươn lên để về sau, ở Sàigòn, tụi con mới có đủ thứ quà bánh bỏ vào bụng khi cần, và để bây giờ, ở đây, tụi thằng Tí thằng Tú mới có hamburger . Con thấy không ? Cơm nguội đâu phải chỉ là cơm nguội !
Dứt lời, ông già đứng lên cầm tách trà uống một hơi. Ông đặt tách xuống rồi nhìn ra ngoài :
- Thôi, ba về kẻo tối. Già rồi, mắt mũi dở lắm, con à.
Rồi ông hướng vào trong, nói lớn :
- Ông nội về nghe tụi con !
Tụi nhỏ ló đầu ra cửa buồng nói nửa tiếng Pháp nửa tiếng Việt " Au revoir Ông Nội".

Có tiếng mẹ chúng nó từ trong bếp vọng ra
:" Dạ ! Ba về. Lái xe cẩn thận nghen ba !"

Ra đến cửa, ông già đưa tay bắt tay thằng con. Anh ta cầm tay cha, vừa siết mạnh vừa nói : Cám ơn ba ! Cám ơn !
Trong cái siết tay đó, hình như người con muốn nói lên một điều gì…
Anh ta đưa ông già ra xe, đứng nhìn theo chiếc xe đi lần ra ngõ trong ánh hoàng hôn chập choạng.

Xe đã đi khuất mà anh ta vẫn còn nhìn theo hướng đó, ân hận sao hồi nãy mình không nói được một lời gì để cho cha hiểu rằng mình thương cha vô cùng…thương vô cùng…

Trên đường về nhà, ông già lái xe chậm rãi. Hình ảnh cục cơm nguội vẫn còn vươn vấn đâu đó ở trong lòng.
Bỗng ông thở dài, lẩm bẩm

:" Mình, bây giờ, cũng chỉ là một thứ cơm nguội đối với các con.
Tụi nó chỉ phone tới, khi nào tụi nó cần…"
Con đường trước mặt ông sao thấy như dài thăm thẳm…

Tiểu Tử

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Bữa cơm của Khổng Tử

Một người bạn cũ gửi cho tôi mẩu truyện này về Khổng Tử, nhưng không ghi nguồn (hic hic!!!)

Tôi đọc, thấy rất hay, đặc biệt là câu kết luận ở cuối cùng mà tôi đã tô đậm (bold) để nhấn mạnh.

Méo mó nghề nghiệp chút: Theo tôi, câu kết ấy bộc lộ sự khác biệt cơ bản giữa quan điểm "thực chứng" (positivist), định lượng và quan điểm "diễn giải" (interpretive), định tính trong nghiên cứu. (Ai không đồng tình về cái "kết luận" to lớn này của tôi thì tranh luận nhé!) Và Khổng Tử rõ ràng là định tính: Không có một sự thật khách quan nào tồn tại độc lập với chủ ý của con người cả. Ý nghĩa của mọi sự vật đều bị ảnh hưởng bởi chủ thể diễn giải sự vật đó. Và chỉ có người trong cuộc mới biết thực ra sự vật đó la gì.

Mà không rõ bạn tôi gửi cho tôi bài này là có ý gì đây nhỉ? Không hiểu có định răn dạy tôi gì không? Chỉ có người gửi mới biết được!

Thôi thì đưa lên đây cho mọi người cùng thưởng thức vậy. Các bạn đọc nhé!

--------
Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học
trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là 2 học trò yêu của Khổng
Tử.

Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc,
dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử
cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn
đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều
quyết tâm theo thầy đến cùng.

May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã
nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử liền
phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi đảm
nhận việc thổi cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng
mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ,
trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý
nhất.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở
nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách
một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử
ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa
xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ. Xong, Nhan Hồi đậy vung
lại, liếc mắt nhìn chung quanh rồi từ từ đưa cơm lên miệng.

Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính.
Khổng Tử thở dài… ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò
nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư?
Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về. Nhan Hồi lại luộc
rau. Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ.

Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên: tất cả
các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.

Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang
Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi
nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng
trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ
theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước.

Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có
được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến
quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy, cho nên thầy muốn xới một
bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?”

Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa
thầy, nên ạ!” Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch
hay không?”

Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau.
Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: Dạ thưa thầy, nồi cơm này
không được sạch.”

Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”

Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều
chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi
xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không
kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra định vất đi nhưng lại nghĩ:
cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình chung
làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã
mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm
sạch để dâng thầy và tất cả anh em.

Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi. Bây giờ, con xin phép
không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và thưa thầy, nồi cơm đã ăn
trước thì không nên cúng nữa ạ!”

Nghe Nhan Hồi nói xong. Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao
ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành
rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là
Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!

Muốn hiểu biết tường tận một vấn đề gì, cần phải là người trong cuộc.

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Tân Gia Ba ký sự (3)

Tượng Sư tử biển ở đảo Sentosa
3. Sentosa

Vào wikipedia tìm mục từ Sentosa, bạn sẽ được giải thích: Sentosa là một từ gốc Malay, có nghĩa là peace and tranquility. Yên bình và thanh tịnh.

Đó là tên một hòn đảo du lịch của Singapore, một trong những điểm du lịch mà mọi du khách đến Singapore lần đầu đều được giới thiệu phải ghé qua. Mặc dù theo bài viết giới thiệu về Sentosa trên wikipedia thì đối với dân địa phương, những gì có trên đảo này để thu hút du khách thực ra rất boring, đến nỗi người ta giải thích Sentosa là So Expensive & Nothing TO See Also! (Quá mắc, và cũng chẳng có gì mà xem).

Thử ngẫm nghĩ xem tại sao lại thế, thì thấy có lẽ cái tên ấy cũng không oan uổng gì lắm: ở trên hòn đảo này chỉ có Viện bảo tàng (có tên là Images of Singapore), rồi nhạc nước, Sky Tower (tạm dịch là Tháp trời), công viên bướm, thủy cung, bãi biển, sân golf .... Rặt chỉ toàn là những trò ... giải trí lành mạnh, chẳng hấp dẫn tí nào, quả thực thế!

Boring thế, nhưng lại hợp với những người boring giống như tôi. Hơi mọt sách, có lẽ thế, vì ở trong môi trường giáo dục cả đời mà (giống như học sinh học mãi mà không được ra trường vậy, bạn tôi nói thế).

Tôi đến Sentosa lần đầu cách đây 10 năm, rất có ấn tượng với Viện bảo tàng đặt ở đây, nên lần này đến Singapore cùng với một bạn nhỏ ở cơ quan - chưa đến Singapore lần nào - tôi bèn cùng bạn ấy trở lại hòn đảo yên bình và thanh tịnh ấy. Có lẽ để tìm chút thanh tịnh cho tâm hồn mình chăng?

Một tour đi thăm Sentosa trong vòng khoảng hơn 4 tiếng đồng hồ, bao gồm đi lại từ khách sạn, đi cáp treo vào đảo, và thăm 3 địa điểm tham quan, bọn tôi phải trả 69 đô la Singapore cho một người. Tính ra tiền Việt là khoảng hơn 1 triệu đồng, mất đứt 1/3 tháng lương của mấy bạn nhỏ mới ra trường ở trung tâm tôi rồi! Đúng là So Expensive (and Nothing TO See Also)!!!
Cáp treo đến đảo Sentosa
Trên đường lên đảo, nhìn xuống cảng

Ba địa điểm tham quan ấy là gì? Là Viện bảo tàng (tôi chấm điểm tối đa cho địa điểm này), rồi thủy cung (well, cái này ở đâu cũng giống nhau, hồi đi học ở Úc tôi cũng đi nhiều rồi, đặc biệt là ở Queensland, rất kỳ thú, nên không mấy có ấn tượng về điểm này), và cuối cùng là một show biểu diễn có tên là Songs of the Sea, một loại nghệ thuật tạo hình thị giác bằng cách phun nước và chiếu tia lazer, kèm âm nhạc làm nền, khá hoành tráng, nhưng không mấy hấp dẫn đối với một người ... già như tôi. Tóm lại, chỉ có cái bảo tàng là đáng giá!

Bảo tàng ấy có gì? Ừ, thực ra thì cũng thường thôi. Chỉ là lịch sử Singapore từ thời thuộc địa đến khi lập quốc. Singapore chỉ mới dành độc lập vào năm 1965, 10 năm trước ngày VN hoàn toàn thống nhất. Nhớ lại, hồi ấy ở Sài Gòn có ai xem Singapore là cái gì lắm đâu nhỉ? Vì những cái gì Singapore có thì Sài Gòn đều có cả: thì đấy, cảng biển, tự do thương mại, người Ấn người Hoa vv - à quên, còn người Mã, thì ta không có, nhưng bù lại đã có người Việt, chăm chỉ mà thông minh hơn người Mã nhiều (tự khen tí!).

Nhưng cái cách họ lưu giữ, sắp xếp và diễn giải các hình ảnh và sự kiện lịch sử, và đặc biệt là những hình ảnh về truyền thống văn hóa của các dân tộc tạo nên nước Singapore ngày nay, Ấn, Hoa và Mã, và cả những ảnh hưởng của Âu nữa chứ, lần nào tôi vào xem cũng cảm thấy xúc động, và thực sự thấy ... phục những người lãnh đạo đất nước này, đã đưa một đảo quốc bé tí ti với những người dân nghèo nàn lạc hậu trở thành một đất nước thịnh vượng, chỉ vài triệu dân nhưng có đến mấy trường đại học trong top 100 thế giới như hiện nay.

Những hình ảnh trong viện bảo tàng ấy tôi chụp bằng điện thoại di động, không rõ lắm, có lẽ cũng không đẹp. Nhưng đó là những tấm hình đối với tôi là có ý nghĩa. Nó cho thấy sự phát triển vượt bực của một dân tộc trên một đất nước vốn chẳng có gì ngoài con người, với một lịch sử thuộc địa cũng tang thương không kém gì VN. Những hình ảnh đối với tôi thật gần gũi, như ngày tết truyền thống, các trò chơi của trẻ em như con vụ, hay cảnh hớt tóc cho con nít thời xưa - mẹ ẵm ngửa cho ông thợ cạo tóc, còn em bé thì la khóc. Nhìn vào, cứ thấy một VN thời xưa mà tôi còn nhờ được, khoảng thập niên 1960 của thế kỷ trước.
Phu phen thời thuộc địa
Người lao động
Người lao động 2
Truyền thống
Ngày tết
Lì xì
Đất nước đứng lên!

Không, không phải đánh đuổi thực dân đế quốc gì đâu, mà là bị Malaysia "đuổi" ra khỏi khối liên hiệp Mã Lai thời ấy, vì những bất đồng trong quan điểm về chính sách dân tộc - sự phân biệt đối xử đối với người gốc Hoa của Mã Lai. Xem thêm ở đây.

Tôi chợt nhớ một người bạn Singapore mà tôi quen vào đầu thập niên 1990, khi VN mới mở cửa. Người bạn này thực ra là một "học trò" học tiếng Việt với tôi, vì lúc ấy những người nước ngoài vào làm ăn tại VN cần học tiếng Việt nhưng chỉ có thể dạy qua tiếng Anh, nên nhiều giáo viên tiếng Anh có thêm cái nghề dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Anh ấy lớn hơn tôi cả chục tuổi, học với tôi rồi thành bạn.

Môt người Hoa, self-made, rất dễ thương, không có bằng đại học, nhưng vì làm lâu năm trong hãng lớn (hãng Shell) nên anh cũng có một vị trí tương đối trong công ty.

Và một trong những lời tâm sự của anh ấy từ những năm đầu thập niên 1990 mà tôi còn nhớ, đó là: "Nhìn thấy VN ngày nay (thập niên 1990), tôi nhớ Singapore những năm đầu độc lập quá! Cũng những kênh nước đen, dân chúng khạc nhổ bừa bãi .... Lúc ấy, chúng tôi nghèo khổ lắm. VN mở cửa, đi đúng hướng, rồi thì sẽ còn thịnh vượng hơn chúng tôi nhiều!"

Tôi vẫn nhớ mãi, và vẫn tin. Singapore đã từng nghèo nàn và lạc hậu như thế, và nay họ như thế. Tôi vẫn chờ, và đến nay là 20 năm rồi. VN ơi, VN, VN! Chúng ta đang ở đâu trên bản đồ của thế giới ngày nay?

(còn tiếp)

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Thơ của bạn tôi (1)

Vâng, vẫn là người bạn ấy.

Hôm nay Sài Gòn lại mưa. Mưa cuối mùa, luôn rơi vào buổi chiều, giờ tan sở. Đường ngập (nhờ trời, hôm nay ngập ít, không giống như hôm thứ sáu tuần rồi lúc tôi còn ở Singapore. Về nhà đọc báo mới hay, có hai cha con ngồi chờ tạnh mưa và chờ nước rút đi, 5 tiếng đồng hồ ở ngoài đường, đứa bé bị lạnh đến lên cơn sốt. Mà vẫn phải ... kiên nhẫn chờ thôi, chứ biết sao giờ?)

Mưa, thì người ta hay buồn. Và nghĩ miên man. Bạn tôi cũng thế. Và chị ấy gửi cho tôi nhiều bài viết của mình mà tôi sẽ "sử dụng" dần dần. Nhưng hôm nay, hãy đăng lên bài thơ này đã. Ngăn ngắn thôi, nhưng mà ... hay! Ấy là tôi thấy thế.

Các bạn đọc ở bên dưới nhé!

-----
Đọc Thơ Người Khác

Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng...
(Động hoa vàng – Phạm Thiên Thư)


Người không yêu nữa thì thôi
Ta về nhỏ lệ khóc người, thương thân
Trăm năm một dải phù vân
Ta nhìn mây trắng hỏi lòng buồn, vui?

Người không yêu nữa thì thôi,
Ta về đếm lại sao trời mà thương
Chân đi mãi một con đường
Tần ngần lại hỏi: vô thường... về đâu?

Thôi đừng nhớ nữa, lòng đau
Chuyện muôn năm cũ bể dâu kiếp người
Hững hờ để mặc sông trôi
Ta về khép cửa, thảnh thơi một mình.

Tháng 9/2009
-----
Thơ .... Theo tôi, thơ chính là sự kết tinh, lắng đọng của tình cảm thực. Như trái tim Trương Chi kết lại thành khối ngọc. Còn nhỏ, tôi cũng rất yêu mến Trương Chi với trái tim son chứa một tình yêu vĩ đại, dù ... hơi viển vông.

Thơ .... Có một bài thơ, hình như của Nam Trân thì phải, nhà thơ thời tiền chiến, với cái tựa là "Huế, đẹp và thơ". Tôi vẫn tự hỏi, phải chăng cái đẹp luôn làm cho tâm hồn con người thánh thiện hơn, và thanh thoát hơn? Sao ngày nay người ta không còn làm cho học sinh cảm nhận được cái hay của văn thơ nữa nhỉ?

Môn văn lẽ ra phải làm cho học sinh mê mẩn - thời của tôi, thầy giáo dạy văn được các cô nữ sinh ái mộ ghê gớm - sao bây giờ người ta lại phải học thuộc lòng để kiếm điểm trong các kỳ thi? Có cách nào giết văn dễ hơn thế nữa hay không?

Lại sực nhớ một bài thơ thời tiểu học, không nhớ trọn vẹn, nhưng có mấy câu hay quá, phải chép vào đây cho mình nhớ. Ai học cùng thời với tôi mà nhớ thì nhắc giúp nhé!

Mưa

Mưa!
Giọt mưa rơi tí tách
Đầy vũng con trâu đầm
Tràn khe con cá lách.

[...]
Mưa...
Nước mưa chảy róc rách
...
Khổ thân người hành khách
Trên đường lội ì ạch
Ướt cả khăn đội đầu
Ướt cả gói cắp nách

Nhưng không ai oán trách
Thường vẫn phải van trời!

Ơ, mà bài thơ ấy tôi học từ thời tiểu học, đến nay đã đến 40 năm rồi, sao mọi việc vẫn thế nhỉ? Vẫn lội ì ạch, ướt khăn đội đầu, ướt gói cắp nách, và vẫn không ai oán trách, mà (thường) vẫn phải van trời? Lạ quá!

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Tân Gia Ba ký sự (2)

Đường phố Tiểu Ấn Độ
2. Tiểu Ấn Độ (Little India)

Khách sạn tôi ở tại Singapore là một khách sạn nhỏ và rẻ tiền, nằm gần khu Tiểu Ấn Độ. Một buổi sáng bỏ một phiên tại hội nghị, tôi đi bộ đến khu này để nhìn ngắm và mua sắm vài món linh tinh.

Người Singapore có một diểm độc đáo, đó là mặc dù vốn là một nước cựu thuộc địa nhưng họ hoàn toàn chấp nhận, thậm chí tự hào về những nét văn hóa của thời thuộc địa mà người châu Âu đã để lại trên đất nước mình. Trong bảo tàng lịch sử của họ tại khu Sentosa, họ chụp hình 4 người đại diện cho 4 dòng ảnh hưởng tạo ra những nét văn hóa độc đáo của mình, đó là người Âu, người Ấn, người Mã, và người Hoa (là chủng tộc chiếm đại đa số ở đây).

Riêng về người Ấn, thì họ chỉ là một thiểu số, dù là một thiểu số có số lượng kha khá, là nhóm chủng tộc lớn thứ ba sau người Hoa và người Mã.

Cảm giác chung của tôi khi đến khu Tiểu Ấn Độ là họ nghèo, nghèo hơn mức trung bình chung của Singapore. Nhưng khi nói điều này với một người bạn nhỏ của tôi đang học ở đây, và đã ở Sing tổng cộng đến 7 năm, thì người bạn tôi nói, thực ra người Ấn còn khá hơn người Mã. Số người Ấn đi học và có bằng đại học khá cao.

Tôi đọc thêm thông tin trên wikipedia thì cũng thấy nói như vậy. Một điều có thể rút ra được, đó là sự phân hóa xã hội của người Ấn là rất cao: người giàu, có học cũng nhiều, mà người rất nghèo lại càng nhiều hơn.

Và hình như những người nghèo khổ đó cần tôn giáo - thuốc phiện của quần chúng, như Marx đã từng phán. Dọc đường đi tôi tình cờ thấy một ngôi đền thờ và vào thăm, chụp một số hình ảnh. Có hình rồi, mới tò mò lên wikipedia đọc, thì ra đây là một đền thờ khá nổi tiếng và đã tồn tại gần 2 thế kỷ nay.

Gần 2 thế kỷ! Lúc ấy, VN ta đang ở đâu nhỉ? Và những đền thờ, những di tích của thời ấy, nay có còn gì không? Tôi chợt nhớ đến "Lăng đức tả quân Lê Văn Duyệt" (đây là tên chính thức mà tôi biết về lăng này, hình như được ghi trên cổng Lăng hồi trước năm 1975, còn dân thường thì gọi một cách tôn kính là Lăng Ông) ở gần nhà tôi.

Thời trước năm 1975 được xem là một nơi linh thiêng, đến dịp tết khói hương nghi ngút, mọi người đổ xô đến xin xăm, cầu khấn. Rồi đến sau năm 1975, thời gian đầu nhà nước quan niệm tôn giáo là lạc hậu, là một loại tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan vv, nên lăng bị bỏ phế, xuống cấp, mặt bằng phía sau lăng bị sử dụng vào các mục đích khác như giữ xe, bán cây cảnh, vv, và sự linh thiêng của lăng bị giảm đi đáng kể.

Nhìn những tấm hình người dân Sing gốc Ấn trong đền, nhớ lại sự thành kính của họ khi ở trong đền, tôi chợt hỏi, dân nghèo ở quanh vùng Lăng Ông gần nhà tôi, giờ đây thuốc phiện không còn linh nữa, thì những nỗi đau của họ sẽ được xoa dịu bằng gì nhỉ? Hay là ... họ không còn đau khổ nữa, vì thiên đường hạ giới, thiên đường cộng sản mà nhiều người đã bỏ cả cuộc đời để hy sinh cho nó và đi tìm nó, đã đến với họ rồi?

Những tấm hình tôi chụp ở Tiểu Ấn Độ đây, mọi người ngắm và nghĩ nhé.
Tiệm bán hương hoa dành cho người đi đền
Nóc đền thờ - hình này tôi không chụp được vì buổi trưa nắng gắt, và chụp bằng điện thoại di động nên rất hạn chế, nhưng có nhìn thấy tượng thần trên nóc đền. Giờ về nhà lên wikipedia mới biết đền này nổi tiếng thế, nên lấy hình của wikipedia đưa vào đây xem cho ... đỡ tiếc!

Vị nữ thần trên nóc đền hình như là thần Kali, vợ của thần Shiva? Ai biết rõ hơn thì bảo cho tôi với nhé!
Lịch sử đền thờ
Bỏ giày dép trước khi vào đền thờ
Lại cũng bỏ giày dép. Tôi thích cảnh anh chàng người Âu có thái độ thành kính khi vào đền, nên chụp đến 2 tấm.
Trong đền thờ

Nhân tiện, một người bạn mới gửi cho tôi đường link này về con sông Hằng và đất nước Ấn Độ (đây là Đại Ấn Độ, không phải Tiểu Ấn Độ be bé xinh xinh ở Singapore đâu). Đọc xong, thấy rùng rợn quá, nếu những tin và ảnh đó là đúng. Các bạn xem ở đây này.

Như vậy, người Ấn ở Sing phải rất biết ơn đất nước đảo quốc bé tí ti này: họ giữ gìn được những truyền thống tốt đẹp nhất của mọi dân tộc đã từng sinh sống ở đây (Ấn, Âu, Hoa, Mã), và cũng rất văn minh và phát triển.

Còn VN? Bao nhiêu là truyền thống tốt đẹp, rồi thiên nhiên xinh tươi, đúng là "một giải sơn hà gấm vóc", với những Hạ Long hùng vĩ, những cao nguyên trung phần thơ mộng, bãi biển dài xinh đẹp ở Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết ...

Bây giờ, chúng ở đâu cả rồi? Nha Trang và Mũi Né đã lên National Geographic với "danh hiệu" bãi biển tồi tệ nhất! Chúng ta sẽ để gì lại cho các thế hệ sau?

(còn tiếp)

Tân Gia Ba ký sự (1)

1. Tân Gia Ba và Tân Đảo

Đây là mẩu chuyện cuối cùng trong chuyến đi Tân Gia Ba của tôi tuần trước.

Đứng trước tôi trong hàng người chờ kiểm tra giấy tờ nhập cảnh ở quầy hải quan (immigration) là một người đàn ông có lẽ khoảng 50-60 tuổi, da đen dòn, trông khỏe mạnh, nhưng dáng điệu trầm tĩnh, suy tư. Một con người từng trải, tôi nghĩ vậy.

Anh công an hải quan, còn trẻ, có lẽ khoảng 30 ngoài, hỏi người khách đứng trước tôi từ đâu về. Câu trả lời: Tân Đảo.

"Tân Đảo? Chưa nghe thấy tên này bao giờ cả!" Anh công an nói. Và anh gọi cho bạn mình ở quầy kế bên. Anh bạn đó nói: "Có phải New Zealand không? Tên cũ trước 1975?"

Còn tôi, thì tôi mang máng nhớ nó là Tân Caledonie, trước đây đã được học trong sách Địa lý trước năm 1975, chẳng nhớ là học hồi lớp mấy nữa. Nhưng vì không chắc, nên tôi không nói gì. Còn người khách đứng trước tôi thì giải thích đó là một nước rất nhỏ, chẳng hiểu ở VN gọi là gì. Rồi trong khi chờ đợi anh công an tìm được câu trả lời thì ông nhìn quanh, hơi ngơ ngác.

Cuối cùng, hỏi qua hỏi lại rồi thì anh công an cũng biết được Tân Đảo là New Caledonia, hay Tân Caledonie như tôi nhớ.

Tự nhiên tôi nghĩ, phải chăng người khách này mới về VN lần đầu từ Tân Đảo? Mà ông có thể là ai nhỉ, con cháu của những người Việt Nam lưu lạc ở xứ người từ cách đây gần thế kỷ, thời của 2 cuộc thế chiến, của thực dân và thuộc địa, thời người dân bản địa bị đối xử như nô lệ, làm phu phen hoặc công nhân đồn điền, ở những nơi rừng thiêng nước độc?

Lại nhớ đến chị ruột của tôi lần đầu về VN vào đầu thập niên 1990, chị ấy đi chuyến bay của hãng hàng không Singapore và phải bỏ một buổi vào thư viện để tìm từ điển cũ tra xem Singapore tiếng Việt là gì. Để tìm thấy: Tân Gia Ba.

Về đến cửa khẩu, khi được hỏi quá cảnh từ đâu, chị trả lời Tân Gia Ba, và cũng không ai biết là gì. Khi chị nói, Singapore, thì mọi người ồ lên: Singapore! Vậy mà nói là Tân Gia Ba, thì ai biết nó là cái gì!

Nhưng với tôi, thì từ Tân Gia Ba có ý nghĩa lắm. Bởi vì mặc dù lần đầu tiên tôi đi Tân Gia Ba là cách đây 10 năm (năm 2000), nhưng câu thơ về chuyến đi của các quan triều Nguyễn tại Tân Gia Ba thì tôi đã thuộc lòng từ nhỏ:

Không đi khắp bốn phương trời
Vùi đầu án sách uổng đời làm trai!


Vì tôi cũng mới đi Tân Gia Ba về đây. Một Tân Gia Ba nhỏ xíu, nói theo kiểu xem thường của VN là "nhỏ như cái lỗ mũi", tài nguyên chẳng có gì, nhưng việc tổ chức quản lý xã hội, ý thức vươn lên, không mặc cảm tự tôn hoặc tự ti dân tộc, biết học của phương tây để làm cho mình mạnh lên, và đặc biệt là nền giáo dục của đất nước này thì ta sẽ còn phải học dài dài.

Mọi người đọc thêm về chuyến đi Tân Gia Ba của Cao Bá Quát tại đâytại đây. Và cũng nên đọc thêm về người Việt ở Tân Đảo, tại đây.

Và xem tấm hình này, chụp trong bảo tàng lịch sử của Singapore trong khu Sentosa. Để nhớ lại một thời đầy những biến động kinh hoàng của lịch sử thế giới tại khu vực Đông Nam Á này.

Tôi bỗng nhớ đến một bài viết nào đó ở trên báo chí Việt gần đây, với cái tựa có hai chữ "lỡ tàu". Chúng ta cứ chấp nhận mãi mãi lỡ tàu như thế này sao?

(còn tiếp)

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Lời tỏ tình dễ thương ...

Một người bạn cũ gửi cho tôi qua mail những tấm hình này, kèm những lời chú thích. Tựa đầy đủ của bài viết là "Lời tỏ tình dễ thương ... của loài vật"! ;-)

Hơi thất vọng, phải không các bạn? Nhưng dù của loài vật, nó vẫn rất dễ thương. Tôi chỉ chọn đưa lên đây một số tấm tôi thích, và có đôi chỗ chú thích lại theo ý mình. Bài gốc và hình ảnh do Thái Phiên sưu tầm (nhưng chẳng biết Thái Phiên là ai?)

Các bạn xem bên dưới nhé. Chỗ nào in đậm là phần của tôi, còn lại đều là của tác giả Thái Phiên hết.

------------
Cũng giống như con người, các loài vật cũng có những giây phút thật lãng mạn, những lời tỏ tình dễ thương, những cử chỉ âu yếm và những nụ hôn thật ngọt ngào và tình tứ...
Lời thì thầm mùa xuân

Dù cho mưa, tôi xin đưa em ...

Ấm áp cuộc đời

Tìm môi nhau

Mấy núi cũng trèo!
-----
Dễ thương thật, phải không các bạn? Chút thư giãn cuối tuần, để rồi lại một tuần mới vất vả...

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Bạn tôi viết (4): Ngôi trường và tôi

Đây là một bài viết khác của bạn tôi. Người bạn mà tôi âm thầm yêu quý, dù ít nói ra bằng lời. Mọi người đọc và chia sẻ với chị ấy nhé.
----------
Ngôi trường và tôi

Tôi làm việc ở đó đã 29 năm. Bây giờ tôi đã 53 tuổi. Hiểu một cách nào đó, sự nghiệp nhà giáo của tôi là đời học sinh kéo dài ra. Tôi chưa bao giờ ra trường bởi tôi cứ quanh quẩn nơi trường học. Nhưng ngôi trường này đã ở cùng tôi lâu nhất. Gần 5 năm là sinh viên và 29 năm làm giáo viên. Thật không thể tưởng tượng nổi một đời người có thể ở cùng một nơi lâu đến thế!

Tôi thường đứng ở hành lang của một dãy nhà nào đó và tự hỏi;”Bây giờ là lúc nào nhỉ? Tôi vừa ra trường, còn bận tâm về giáo án và tràn trề nhiệt huyết của một giáo viên trẻ hay đã 8 năm sau, tôi vừa lấy bằng diploma ở Úc về với lòng tự tin được củng cố?”. Cái sân trường lát gạch bằng phẳng kia, ngày xưa là một cái sân trải nhựa đường lỗ chỗ, có một cây ổi mọc dưới chân cầu thang dẫn xuống sân, nơi các bạn tôi và tôi, lúc bấy giờ là SV năm 2 hay năm 3 gì đó đang làm lao động. “Bây giờ là bao giờ nhỉ?” Nhiều khi tôi ngơ ngẩn tự hỏi bởi tôi ở đó quá lâu, trải qua bao năm tháng. Tưởng tượng mà xem, từng ngày, từng ngày qua, ở mỗi nơi đó, trong 29 năm!

Sáng nay tôi vào trường lo vài việc. Lần đầu tiên tôi vào trường sau cái ngày kinh khủng đó! Trời vẫn âm u như bầu trời của nhiều ngày nay. Tôi đi trên cầu thang dẫn lên Khoa và tôi bỗng ứa nước mắt. Tôi có còn là tôi không? Nếu những người đồng nghiệp tôi gặp ở đây biết được điều gì đã xảy ra với tôi thì họ sẽ nghĩ gì nhỉ?

“I knew before!”
“That’s inevitable. They lived thousands of miles apart!”
“ That’s understandable! She can’t bear children!”
“An unmatched couple! He’s so handsome! She’s so plain!”

Dĩ nhiên họ nghĩ gì chẳng quan trọng. Khi đi trong sân trường tôi thây tôi là một người lẻ loi, một người đàn bà bị bỏ rơi! Tôi đã từng hãnh diện về mối tình của tôi. Bây giờ tôi trắng tay như một người bị phá sản.

Tôi nhìn ngôi trường, nhân chứng thầm lặng của cuộc tình dữ dội của tôi. Nó đã chứng kiến tôi trong những ngày tôi gặp lại anh năm 1990. Nó chứng kiến mối tình âm thầm của tôi kéo dài suốt 7 năm trời. Nó biết tôi hạnh phúc thế nào khi anh trở lại 5 năm sau, nó biết cả nỗi đau âm ỷ của tôi khi anh yêu những người đàn bà khác! Nó biết hết bởi hàng ngày tôi đã đến đó và đem theo tôi những tâm trạng buồn vui, đau đớn hay cay đắng.

Bây giờ nó đứng nhìn tôi, người đàn bà cô đơn vì bị bỏ rơi, đang nặng nề bước lên cầu thang. Nếu biết nói, nó sẽ nói gì với tôi? Rằng tôi đã dại dột hoang phí tháng ngày và trái tim cho một ảo ảnh? Có phải lá cây trong sân rì rào “Tội nghiệp quá! Tội nghiệp quá!”?

Tất cả chỉ là tưởng tượng. Chỉ có tôi bước đi một mình trên dãy hành lang và nghĩ về mối tình của mình và tưởng rằng những bức tường vô tri kia cũng có cảm xúc.

Tôi chợt hiểu ra cõi lòng cô đơn của tôi đang tìm kiếm niềm an ủi. Tôi đã tìm thấy ở những người yêu thương tôi, cả ở những người xa lạ tôi gặp trên đường: có người mỉm cười với tôi, có những đứa trẻ mắt tròn xoe nhìn tôi đi qua. Tôi tìm thấy trong ngôi trường sừng sững đứng với thời gian qua kia một sự gần gũi, tôi chỉ cần chạm tay vào tường lạnh để nghe những viên gạch xao xác nói với tôi rằng thời gian vẫn qua, mọi chuyện sẽ cũ kỹ và bị lãng quên! Gạch đá cũng có một lời dành cho tôi. Tôi muốn hỏi chúng vì sao người đàn ông tôi yêu thương nhất lại lạnh lùng và tàn nhẫn gạt tôi ra khỏi cuộc đời người ấy.

Tan vỡ hết rồi. Chẳng còn cơ may nào hàn gắn được nữa. Anh nói anh đã trăn trở nhiều năm để đi đến quyết định đẩy tôi ra khỏi đời. Vậy điều duy nhất còn lại cho tôi là dứt khoát bước ra khỏi cuộc đời người ấy mà không do dự cho dù có đau đớn đến đâu. Anh đủ nhẫn tâm làm cho một người đàn bà yêu anh bằng cả cuộc đời mình phải đau đớn. Anh đã bỏ lại tôi bơ vơ bên đường để theo đuổi những hình bóng khác. Tôi hỏi vì sao, nhưng những viên gạch im lặng không trả lời.

Nhưng tôi vẫn nói và lắng nghe. Ngôi trường đứng im dưới bầu trời cũ, nhưng tôi cảm thấy nó gần gũi vì tôi đã thân thiết với nó bao năm. Bây giờ tôi nhìn nó ngương ngùng: ”Tình trên hai tay, môt hôm biến mất!” và nó nhìn tôi thở dài!
--------
Nhưng, chị đọc lại mà xem, có phải gạch đá đã trả lời đúng đó không?
những viên gạch xao xác nói với tôi rằng thời gian vẫn qua, mọi chuyện sẽ cũ kỹ và bị lãng quên
Mọi điều rồi sẽ qua đi, chị ạ. Nếu có còn gì nữa, thì là chính mỗi giây phút của đời ta mà thôi. Hãy tận hưởng nó theo cách của mình, ch ạ. Với em thì đó là đọc, nghĩ, và viết. Rồi lại thấy cuộc đời dù sao vẫn đáng yêu, đáng sống làm sao!

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Hai con người, và một bi kịch Mỹ

"Hai con người", là tựa của một entry mới trên blog của BS Lê Đình Phương, tức Dr Nikonian.

Một entry cực ngắn, chỉ có một tấm hình và 2 đoạn văn cũng cực ngắn, nhưng ý nghĩa của phần không nói ra thì rất dài. Entry có liên quan đến người tử tù Nguyễn Đức Nghĩa. Có thể tìm thấy entry ấy ở đây.

Tôi thì không dám nói gì về vụ này, vì đây quả là một ca khó, nói gì cũng có thể gây tranh cãi. Nhưng dù có vụ NĐN hay không thì tôi vẫn luôn thiên về khuynh hướng không ủng hộ án tử hình.

Án tử hình có tác dụng răn đe, những người ủng hộ nó lý luận như thế. Nhưng những nước không áp dụng hình phạt tử hình, những nước ấy phải chăng có tỷ lệ tội ác cao hơn những nước có tử hình? Tôi không nghĩ thế, vì mọi quốc gia khi xóa bỏ án tử hình cũng đều đã cân nhắc kỹ. Nếu có ai đó có số liệu so sánh về việc này thì tốt quá nhỉ?

Tôi cũng khá dị ứng với cách báo chí - đặc biệt là tờ Vietnamnet - khai thác các chi tiết "giật gân" về vụ án này để ... bán báo. Nào là tiếng vỗ tay khi kết thúc phiên tòa, nào là tiếng nức nở của phạm nhân khi nghe tin cha mất, nào là phát biểu của cha nạn nhân, rồi lại việc luật sư của hai bên nhắc đến áp lực của dư luận vv. Cứ y như viết một cuốn tiểu thuyết vậy, và người viết tiểu thuyết thì phải dẫn dắt trước các chi tiết cho kết cục của nhân vật sao cho hợp lý. Chẳng hiểu HĐXX có bị ảnh hưởng bởi dư luận không nhỉ, chắc là khó tránh!

Và tôi chợt nhớ đến một cuốn tiểu thuyết của Mỹ mà tôi đã đọc cách đây vài chục năm, từ lúc tôi mới vào đại học. Cuốn An American Tragedy - Một bi kịch Mỹ. Tác giả cuốn tiểu thuyết này là Theodore Dreisser

.Một cuốn tiểu thuyết rất hay, nhiều chi tiết hồi hộp, và rất đáng suy nghĩ. Ai chưa đọc cuốn tiểu thuyết này thì có thể đọc bài viết giới thiệu và tóm tắt nội dung trên wikipedia ở đây. Cũng có một án mạng liên quan đến người tình của nhân vật chính trong tiểu thuyết, rồi thủ phạm bị phát hiện, bị kết án tử hình, và cuối cùng bị đưa lên ghế điện.

Câu chuyện rất dài, và lâu quá rồi nên tôi không còn nhớ rõ từng chi tiết nữa. Nhưng tôi vẫn nhớ anh chàng Clyde, nhân vật chính trong truyện, mặc dù rõ là một kẻ không tốt, vẫn cứ đáng thương nhiều hơn là đáng ghét. Và suy cho cùng thì không chỉ mình anh ta chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình, mà hoàn cảnh cũng đưa đẩy anh ta đến chỗ thành kẻ phạm tội. Điều mỉa mai hơn nữa là anh ta thuộc một gia đình vô cùng đạo đức nhưng (bởi vì thế nên mới) nghèo.

Hình như cha anh ta là mục sư, gia đình sống rất thanh đạm, thậm chí khắt khe, khắc kỷ. Nhưng cũng vì thế mà anh ta khao khát một cuộc sống sung túc hơn. Nên khi cơ hội đến thì anh ta không thể cưỡng lại được, và gần như bất chấp mọi việc để nắm lấy cơ hội. Và hậu quả là ... anh ta trở thành kẻ sát nhân. Chỉ có điều, không ai biết được đó là ngộ sát hay cố sát. Cũng hơi giống với việc tranh cãi xem NĐN giết người man rợ hay không man rợ.

Quá trình xử án cũng rất ly kỳ, hồi hộp như vụ án của VN vậy. Và đọc tới trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết rất dài ấy, độc giả vẫn không khỏi có chút băn khoăn, rằng mặc dù nhân vật chính có tội và vì thế phải trừng phạt là điều đã rõ, nhưng phải chăng quan tòa đã quá khắt khe, do chịu ảnh hưởng dư luận? Xin đọc đoạn trích dưới đây lấy từ trang wikipedia:
However, the trail of circumstantial evidence points to murder, and the local authorities are only too eager to convict Clyde, to the point of manufacturing additional evidence against him. Following a sensational trial before an unsympathetic audience, and despite a vigorous defense mounted by two lawyers hired by his uncle, Clyde is convicted, sentenced to death, and executed.
Tôi không biết mình muốn nói gì trong entry này nữa. Chỉ biết rằng cảm giác của tôi về vụ án NĐN sao rất giống như lúc đọc cuốn tiểu thuyết kia. Một sự băn khoăn về sự cần thiết của hình phạt tử hình, và đôi chút bất bình về những người vô tình hay cố ý đã có những tác động lên kết quả xét xử.

Và trên hết là sự đau xót vì nhìn thấy ảnh hưởng rõ ràng của hoàn cảnh và môi trường xã hội xung quanh lên việc hình thành tính cách của nhân vật chính, kẻ sát nhân và cũng là tên tử tội kia. Hình như sau khi tạo ra một con người hỏng hóc rồi thì cái xã hội kia cảm thấy bằng mọi giá phải xóa bỏ sản phẩm khiếm khuyết đi, vì nếu không nó sẽ là bằng chứng cho cái hỏng hóc bên trong của chính xã hội ấy.

Nên vụ xử án có chút không khí hằn học và hả hê của một số người mang tiếng là đại diện cho điều tốt để phán xử và trừng phạt cái xấu. Mà không nghĩ rằng chính mình cũng đang vô tình củng cố quan niệm về sự trả thù, "mắt đổi mắt, răng đổi răng" - và, tất nhiên, "mạng đổi mạng". Một điều có lẽ không thực sự cần thiết trong một xã hội vốn đã quá nhiều bạo lực.

Đúng là một bi kịch, một bi kịch Mỹ. Và hiện nay cũng đang có một bi kich Việt Nam.
----
Cập nhật chiều 14/11/2010
Mới đọc được bài này trên blog Mẹ Nấm, cũng rất đáng đọc. Ở đây.

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Bạn tôi viết (3): Về niềm đau

Mấy ngày nay, số người đọc blog của tôi bỗng tăng lên một cách ... âm thầm (tức không đột biến) nhưng đều đặn. Mà điều này lại trùng với việc mấy ngày nay tôi có đăng lên câu chuyện của bạn tôi và mấy bài viết của chị ấy.

Còn nữa, "nhà văn-bạn già" của tôi ơi, cảm động chưa và cũng vui mừng chưa, hôm qua tôi còn có được điện thoại tận bên Úc của một người, tạm gọi là bạn nhỏ (lẽ ra phải gọi là "bạn trẻ" cho nó đối lại với "bạn già"), quá cảm động sau khi đọc bài "Bạn tôi viết (2)", để chia sẻ những cảm xúc với tôi. Vì bạn ấy cũng "đồng cảnh ngộ", ấy là theo lời của bạn ấy, nhưng mà là người ở đầu bên kia, chứ không phải là ở đầu VN như chị bạn tôi.

Đưa ra mấy chi tiết này, để thấy rằng câu chuyện của chị bạn tôi có khá nhiều người quan tâm. Và để thấy rằng chị ấy đúng là có văn tài thật sự. Vì chị ấy viết rất bình thản, "như rượu được cất, chắt ra từng giọt" - đấy là lời của người bạn nhỏ của tôi trên điện thoại hôm qua.

Đấy nhé, thế là lại thêm một lần nữa, tôi đã giúp "phát hiện nhân tài" - lần này là nhân tài văn học - cho đất nước. Từ xưa đến giờ, tôi vẫn có một niềm tự hào âm thầm rằng mình có tài ... phát hiện nhân tài. Ai không tin thì hỏi bạn bè hoặc đồng nghiệp của tôi mà xem, thì sẽ rõ. Ai đã từng làm việc với tôi, "qua tay tôi", thì sau đó đều phát triển rất tốt, đến nỗi tôi đã có lần "vênh váo" nói rằng, "tôi chạm đến ai thì người ấy nở hoa". Lớn lối quá, tôi nghĩ bà bạn già của tôi sẽ nghĩ thế khi chị ấy đọc. Nhưng mà ... nó đúng mà, phải không chị?

Thôi nói lăng nhăng thế đủ rồi. Bây giờ thì mọi người đọc nhé. Bài này chị ấy viết cách đây hơn một năm, khi nhận được tin xa. Tin ấy là gì, có lẽ tôi không cần tôi giới thiệu nhiều. Tự nó đã đủ cho nó. Cũng đâu có cần biết cụ thể hơn nữa phải không, nỗi đau là nỗi đau, dù hoàn cảnh gây ra nó là như thế nào thì cũng thế thôi mà.

----------------
Đã buồn chết theo sau ngày vực sâu

Chuyến đi An Giang ngày 19 tháng 7 năm 2009

Suốt đêm tôi chỉ ngủ chãp chờn. Mỗi lần tỉnh dậy là một lần đau đớn -- khi ý thức trở về và tôi biết tôi đang phải đối mặt với điều gì... 3 giờ sáng . Chuông báo thức reo. Tôi thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi.

Trời vẫn còn tối. Xe đi trên những phố sáng đèn mà vắng lặng. Sáng chủ nhật, người ta dậy trễ. Rồi trời sáng dần. Môt ngày âm u, se lạnh. Bầu trời có những đám mây lông cừu. Tôi đi... đi mãi. Rồi nắng lên nhợt nhạt trên nền bầu trời mây mù. Một thứ ánh sáng lạ. Tôi đi qua không biết bao nhiêu cây cầu. Tôi rải nỗi- buồn của tôi đi suốt con đường Tôi nhờ giòng sông chở nôi buồn của tôi ra biển. Nhưng sao lòng tôi vẫn nặng nề? Dân chúng hai bên đường bắt đầu một ngày bình thường của họ, họ đi lại, mua bán bình thản và tự nhiên biết bao nhiêu! Sao tôi không được như họ?

Buổi trưa, nắng lên gay gắt. Tôi ngủ gà ngủ gật, nhưng lòng vẫn mơ hồ biết mình đang đau đớn. Đến chùa Bà, tôi cầu cho tôi được bình an, công việc thuận lợi, Tôi cầu cho Phương và Quang có được một đứa con. Tôi đã muốn cầu xin một phép lạ, nhưng tôi biết tất cả đã quá muộn, đã vô vọng. Sẽ không còn hy vọng gì nữa cho đến ngày tôi hồi sinh.

Rồi tôi lại lên đường trở về. Tôi nhìn nhưng căn nhà xinh xắn nằm ẩn khuất sau nhưng lùm cây và ao ước có một nơi trú ẩn yên tĩnh, để tôi bước vào và đóng cửa lại, ngăn cách tôi với thế giới bên ngoài. Buổi chiều. Xe đi trong hoàng hôn âm u, Trời như muốn đổ mưa. Hai bên đường tôi bắt gặp những người đàn ông ngồi thong dong trước hiên nhà, những người đàn bà ngồi chơi với đứa con nhỏ. Họ có được bình an mà tôi đã đánh mất không biết đến bao giờ mới tìm lại được. Tôi đã mất sự yên bình từ ngày yêu Anh...

Rồi trời tối dần. Bỗng dưng tôi thấy tôi đang đi trong đêm. Đêm tối như đôi cánh che chở tôi, để tôi môt mình với nỗi bất hạnh của mình, không phải nhìn thấy ai, không phải che dấu nỗi đau của mình. Tôi biết ngày mai sẽ đến, ngày sẽ lên mà không cần biết tôi như thế nào. Cuộc sống là con đường độc đạo ngay dưới chân mình, chỉ có thể bước đi mà không thể dừng hay quay lại. The way is one. Nỗi bất hạnh lớn hơn là ngày mai tôi sẽ tiếp tục đi, mang theo nỗi buồn của tôi. Rồi có một ngày tôi sẽ bỏ nó lại bên đường và bước đi thanh thản. Nhưng ngày đó bao giờ mới đến? —không phải ngày mai hay ngày mốt. Một ngày rất xa ngày hôm nay.

Tôi muốn nhìn thấy tôi ngày này năm sau.

Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Bạn tôi viết (2): Về chia tay

Bạn tôi, mọi người chắc đã thấy quen quen rồi. Còn những người biết tôi thì đều nhận ngay ra là ai ngay từ bài viết đầu tiên của tôi khi nhắc đến chị ấy.

Nhưng có nhiều điều về chị ấy mà tôi chưa biết hết. Tôi nghĩ, có lẽ nửa kia của chị ấy cũng không biết hết. Và sẽ không còn cơ hội để biết thêm nữa.

Ví dụ, chị ấy là một nhà văn thật có tài. Mọi cái chị ấy viết ra trong thư gửi cho bạn bè đều có thể xem là những tác phẩm - well, những tiểu phẩm. Như bài tôi sắp đăng dưới đây.

Bài này được viết trước ngày chị ấy ra tòa để chia tay với cái mà chị ấy tin là nửa kia của mình. Viết để gửi cho bạn bè, vì trước sau gì thì cũng phải nói ra cho bạn bè biết. Vì khi chị ấy lập gia đình, ở tuổi không còn trẻ nữa, bọn tôi mừng cho chị ấy biết bao.

Dù biết rằng sẽ có những khó khăn cho chị ấy, khi vợ chồng rơi vào cảnh Ngưu Lang - Chức Nữ. Vì người ở VN, người thì ở Đức.

Vì Ngưu Lang - Chức Nữ như thế, nên mỗi lần chị ấy đi sang Đức thăm chồng, hoặc chồng chị ấy về VN, thì bọn tôi đều được biết trước cả ... nửa năm. Vì chị là người cẩn thận, làm gì cũng chuẩn bị trước, có kế hoạch tỉ mỉ. Và cũng vì những chuyến viếng thăm như vậy thực sự là những sự kiện trong cuộc sống của chị, đó là tôi thấy như thế.

Chúng tôi cũng xem chồng chị như một người thân trong nhóm bạn của mình. Và rất hay hỏi thăm về anh. Nhưng có một dạo khi hỏi về anh thì chị tránh không nói, hoặc bảo là anh ấy lúc này thế nào ấy, bận rộn, ít xuất hiện, không gặp vv. Nhưng chị nói về điều ấy rất bình thản, nên bọn tôi chẳng bao giờ nghĩ gì cả.

Thế rồi đùng một cái, chị tâm sự với tôi và một bạn già khác. Chính chị nói ra. Và ... khóc. Đấy, dưới bề ngoài trầm tĩnh, bình thản của chị, là một con người khác. Sóng ngầm dữ dội và dường như không bao giờ yên.

Nếu không thế, thì chị không thể nào viết được nhanh như thế - chỉ một buổi tối - mà thành một "tác phẩm" tuyệt vời như thế. Chị viết quá dễ dàng, vì chị chỉ cần viết ra cái vẫn ở trong lòng mình mà thôi.

Tôi đọc, và thấy rất cảm động. Nên nhất định đòi đăng lên blog cho mọi người đọc. Và chị đã đồng ý. Bình thản. Cứ như chị đã hết đau. Mọi việc dường như đã qua như một cơn gió thoảng.

Nhưng, các bạn chú ý nhé, chỉ là "dường như" thôi. Dường như ... Giống như trong câu hát: "Dường như ai đi ngang cửa/Gió mùa đông bắc se lạnh/Chiếc lá thu vàng đã rụng/Chiều nay cũng bỏ ta đi".

Bài hát rất hay, lời rất đẹp, nhưng mà buồn.

Như "tác phẩm" của bạn tôi. Dưới đây. Các bạn thưởng thức nhé.

-----------------
… nghe tim nức nở trở về….

Một đêm mất ngủ, bỗng dưng tôi nghĩ đến hai chữ “khánh tận”.

Năm 1945, ba má tôi từ Sàigòn tản cư về Cần Thơ. Sau chiến tranh ba má tôi trở lại nhà, thấy nhà cửa hoang tàn, tiền bạc, đồ đạc mất sạch.. Mất hết mọi thứ, chỉ còn hai ông Phật Di-lặc bằng sứ bị mối xông nên bọn hôi của không để ý đến., và một tấm màn cửa, má tôi lấy may áo cho chị tôi. Bây giờ vẫn còn hai tượng Phật Di-lặc mà cả nhà tôi đều trân trọng. Đó là nhân chứng thầm lặng của một thời loạn lạc với những số phận long đong. Hai cái tượng sứ vô tri mà kể được cả một câu chuyện về một quãng đời. Ba má tôi trắng tay, nhưng cũng như tất cả mọi người thời đó, ba má tôi đã vượt qua những thăng trầm của số phận để xây dựng lại từ đầu, để sau này các chị em tôi lần lượt ra đời, có nhà để ở, và được học hành. Quả là “người còn thì của vẫn còn…”

Tôi nghĩ đến tôi bây giờ. Tôi cũng đang trắng tay. Tôi đã đầu tư tình yêu vào một cuộc tình 20 năm và đã mất sạch. Nhưng tôi không thể làm lại từ đầu. Không còn thời gian, không còn niềm tin thì làm sao bắt đầu trở lại? Ngày xưa tôi đã đem tặng trái tim mình, để bây giờ nó khóc lóc trở về và tôi chẳng biết phải làm gì với nó. Nó đem về những tình yêu-không- cần -đến, những hạnh- phúc- chưa- từng -sống –qua, nhưng tôi bây giờ là một cỗ xe già nua làm sao chở nổi một kiện hàng nặng như thế? Tôi biết trao cho ai cái hạnh phúc tôi để dành bấy lâu, nặng dần theo ngày tháng qua?

If I could save time in a bottle
The first thing I’d like to do
Is to save every day till eternity passes away
Just to spend them with you

If I could make days last forever,
If words could make wishes come true
I’d save every day like a treasure and then gain
I would spend them with you.


Ờ, ngày xưa yêu nhau, tôi cũng muốn làm như thế. Tôi muốn chứa thời gian thừa thãi và vô vị khi xa nhau vào những cái chai, để bao giờ gần nhau thì trút ra mà hưởng thụ! 20 năm…. Tôi đã để dành được bao nhiêu thời gian rồi nhỉ? Những cái chai chứa thời gian đã chất đầy các ngăn kệ rồi. Và bây giờ cái hạnh phúc tôi chưa hưởng được ấy sẽ dành cho ai? Nếu tôi có con, tôi sẽ dành hết cho con tôi. Con tôi sẽ sống những ngày tôi chưa sống. Em sẽ là muà xuân của mẹ… Phải rồi, con sống giùm mẹ mùa xuân mà mẹ đã bỏ lỡ để mẹ nhìn thấy lại mùa xuân của mình. Bây giờ tôi hiểu vì sao ông Trịnh Công Sơn lại đi tìm môi nào hãy còn thơm, tóc nào hãy còn xanh, tim nào có bình yên… ấy là đi tìm một trái tim trẻ trung chứa hộ cái tình yêu quá nồng nàn , không dành cho người già. Nhưng người trẻ thì đã có quá nhiều, chỗ đâu mà chứa hộ cho người khác? Cuộc đời như thế đấy. Tuổi trẻ thì không cần, tuổi già thì không thể!

Này H. ơi, đừng để dành hạnh phúc. Hạnh phúc như chiếc bánh thơm ngon, hãy thưởng thức ngay đi. Đừng để dành làm gì. Hạnh phúc để dành giống như chiếc bánh cũ nhạt nhẽo, chẳng còn hương vị gì nữa.

Tôi ngồi đây như một người chơi cổ phiếu bị phá sản, trong tay cầm hàng đống những tấm phiếu không còn giá trị gì nữa. Đó là tình yêu tràn đầy trong trái tim trở về của tôi. Nhưng rôi không thể cho mà cũng chẳng ai cần đến.

Tôi đi tìm hạnh phúc nhưng lại tìm thấy nỗi bất hạnh của mình, Các bạn của tôi ơi! Mỗi lúc ngồi giữa gia đình êm ấm của các bạn, các bạn nhớ đó không phải là ngẫu nhiên mà là một điều rất đặc biệt, một sự may mắn hiếm có, bởi có người đi tìm suốt đời không gặp.

Ngày mai tôi ra toà. Mọi chuyện sẽ kết thúc ở đó. Mũi tên đã bắn đi , sẽ miệt mài bay theo hướng định sẵn, và đến chỗ phải đến.

Tôi đang rời bỏ một căn nhà, khép cửa lại phiá sau.

Tôi đi
Biết rằng sau lưng không ai gọi
Và bầu trời trước mặt bỗng mênh mông.


Tôi nói với các bạn: Tôi là người phá sản và không thể bất đầu làm lại được nữa.

Các bạn nhớ nhé: Hạnh phúc của các bạn là sự may mắn hiếm có.

Và điều này nữa: các bạn – giống như hai ông Phật Di-lặc , là những gì còn lại sau khi tôi đã mất hết mọi thứ khác.

I love you all.

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Bạn tôi viết (1): Về tôi

Tôi có một người "bạn già". Một người mà gia đình tôi xem như là người thân, và chiếm trọn vẹn sự tin tưởng của ông xã tôi - theo nghĩa là một người bạn tốt, có thể tin tưởng giao phó bà vợ "già nhưng vẫn khờ" của ông xã tôi cho người bạn ấy.

Người bạn ấy của tôi nhìn bên ngoài rất bình lặng, trầm tĩnh. Chẳng bù cho tôi, đi lên đâu là ... rối tinh rối mù lên đến đấy. Chẳng ai hiểu tôi đang nói gì, làm gì cả, rất khó hiểu. Đã thế lại rất "lớn lối" - chữ của bạn tôi đấy. Lớn lối như thế nào? À, như thế này này: "Tôi nói thế, anh (chị/bạn/em) cứ nghe và tin đi. Tôi không có thì giờ để giải thích nữa đâu. Rõ thế rồi mà cứ hỏi mãi, mệt quá. Để đấy rồi chừng nào tôi làm xong thì ... xong! Và chắc chắn là tốt, tôi đã nói tốt là phải tốt thôi!"

Thế đấy, đúng là ... lớn lối thật, ai mà chịu nổi tôi cơ chứ?

Vậy mà có đấy, ít ra là có 2 người (well, chắc chắn là nhiều hơn 2, nhưng cứ nói 2 thôi, cho nó ... khiêm tốn) ;-). Người thứ nhất là ông xã tôi, rõ rồi. Còn người thứ hai, là người bạn ấy.

Bọn tôi bây giờ già cả rồi, ai cũng 50 ngoài. Ngày xưa, thì thế là già lắm rồi. Nhưng ngày nay, người ta sống đến 70, 80 tuổi là chuyện thường. Riêng tôi thì tôi muốn sống đến năm 2060, tức 100 tuổi. Không phải là tham sống sợ chết, mà là vì muốn thấy một trường đại học của VN vào top 200 như ông Marginson ông ấy phán. ;-)

Ở VN thì nữ về hưu ở tuổi 55. Trẻ quá. Nhưng cũng ... rất tốt, nghỉ để chơi, vì có làm nữa (ấy là nói làm cho nhà nước) thêm vài năm thì cũng chẳng để làm gì. Không thay đổi gì được nữa. Cơ chế hiện nay của VN khiến cho mọi việc hết sức ... ổn định, theo nghĩa là không thể có những thay đổi nhanh, dù sự thay đổi đó có tốt hoặc có cần thiết hay không.

Vậy thì các bà già tuổi ngoài 50, nghỉ hưu rồi nhưng vẫn còn trẻ, thì họ làm gì nhỉ? Chẳng biết ai thế nào, chứ tôi thì tôi ... viết. Ngày còn trẻ, tôi muốn viết một vài cuốn tiểu thuyết, tự truyện, hoặc làm thơ, dịch văn. Đến nay thì già, sắp hưu rồi, tôi e rằng mình lười đến nỗi chẳng viết nổi tiểu thuyết hoặc dịch văn, thơ gì nữa đâu. Chỉ ... viết blog thôi. Như thế này này.

Không chỉ có mình tôi là bà già thích viết đâu nhé. Bà bạn già mà tôi hay nhắc tới đấy, chị ấy cũng viết, mà lại viết hay nữa. Nên tôi mới có loạt bài "Bạn tôi viết" này đây. Nhiều bài đấy, mà đây là bài số 1. Viết về tôi.

Mọi người đọc xem tôi dưới mắt bạn tôi là thế nào nhé! Đăng nguyên văn đấy, chỉ bỏ đi một vài giòng (chính xác là hai giòng) liên quan đến privacy của người khác.

Mọi người đọc xem các bà già viết có hay không nào?

--------------
Phương Anh thân mến,

Mình chẳng biết viết blog như thế nào cả. Đấy cũng là một khác biệt lớn giữa PA và mình.PA hi-tech bao nhiêu thì mình lạc hậu bây nhiêu. Ngày còn ở Khoa Anh, lúc PA mới ở Úc về, mình vẫn nói với Ngọc lúc ấy là thư ký Khoa “Tôi sợ cô PA bị bệnh mất thôi!” Ngọc nói: “Cô PA không sợ, việc gì cô phải sợ!” Đó là thời gian PA chì ngủ vài tiếng đồng hồ một đêm, và toàn thời gian còn lại là ngồi máy và vào mạng.

Ngọc nói thế hoá ra lại đúng. Mình đúng là bà già nhát gan, thấy cái gì cũng sợ. Lúc đó mình hay dặn Ngọc ngày nào cô PA trực thì nhớ đến trước mở cửa vì cô PA hay quên chìa khoá. Mình luôn muốn làm những việc vặt vãnh tỉ mỉ để PA có thời giờ bay bổng sáng tạo. Mình mong ở TT của PA các bạn trẻ cũng biết được chuyện này để PA có được sự thoải mái khi làm việc. Mình nhìn PA như nhìn một người phóng xe bạt mạng. Mình sợ nhắm cả mắt lại “Eo ôi, đi đâu mà nhanh thế không biết!” Nhưng mình lại có một niềm tin: PA sẽ làm được dù việc ấy có khó khăn đến đâu. Cái người phóng xe bạt mạng ấy hoá ra lại khéo léo thoát khỏi nguy hiểm khi sự cố xảy ra. Mình tin tưởng PA như thế đấy!

Mình biết PA có cả trăm ý tưởng mới trong một ngày. Mình cũng học để biết rằng cứ ngồi im đấy mà nghe. Ngày mai lại có những ý tưởng mới khác, chẳng nên vội vàng thực hiện. Mình vốn chậm chạp mà! Nếu mình bắt đầu thì có nghĩa là mình miệt mài theo đuổi cho đến cùng, khi mình làm xong thì PA đã quên mất từ lâu rồi!

Mình nhìn thấy PA khổ vì có tài. Cái khổ trước hết là ai cũng chống đối bởi họ cảm thấy sự kém cỏi của họ. PA cũng khổ vì làm được quá nhiều việc, đến nỗi phải khó khăn quyết định nên làm việc nào , còn mình ở các cực bên kia, một người chỉ làm được mỗi một việc, như con kiến xây tổ, nhàm chán nhưng ổn định. So với PA mình nhàm chán thật. Nhưng mình làm được một việc có ích. Mình cứ ở đấy, không thay đổi Khi cần cứ ới một tiếng là có ngay!

Cuộc sống bạt mạng của PA sẽ có lúc cần một chỗ bình yên – như một buổi tâm sự với người bạn già chẳng hạn! Thế là mình cũng làm được chút gì hữu ích.Giá thế giới này bao dung hơn thì PA đã bớt khổ. Người ta cũng lạ! Nhìn thấy khả năng của ngưòi khác như là sự thách thức cái tôi của họ. Thế là phải triệt hạ để nâng mình lên. Mình nhìn thấy khả năng thì lại muốn hợp tác, muốn học hỏi. PA lớn lối thật, nhưng mình lại thích cá tính ấy. Người có tài thì có quyền lớn lối chứ sao. Mình mà có tài thì mình cũng lớn lối ngay ấy chứ! Và có lẽ đó là lý do để mình làm bạn mấy chục năm nay mà không cãi vã xích mích gì!

PA là một đứa trẻ chơi đùa trên bãi cát cuộc đời , xây lên những toà nhà cát xinh đẹp cho vui, chẳng để làm gì cả. PA giải quyết những vấn đề khác của cuộc sống cũng nhẹ nhàng như vậy, như kiếm tiền chẳng hạn. PA sẽ không giàu được đâu vì không biết say mê kiếm tiền cho dù có thừa khả năng làm được việc đó. Mình nghĩ PA làm nghệ sĩ thì phù hợp hơn, nhưng mình lại cũng tiếc con người academic cuả PA. Mình đứng ngoài mà không biết chọn hướng nào, PA khổ là phải! PA không phải đang làm những điều mình tin là đúng. Con người của PA là chỉ làm những gì mình thích thôi! Đó mới đúng là PA. Mình không ngạc nhiên nếu ngày nào đó PA thành tác giả của một quyển sách, một quyển tiểu thuyết hay một tập thơ .

Chuyện buồn của mình, kể với PA rồi mình bỗng thấy nhẹ nhõm. Bây giờ nó trở thành một nỗi đau có thể chịu đựng được. Hơn một năm nay mình luôn hỏi vì sao điều đó xảy ra với mình, tại sao người mình thương yêu nhất đối xử với mình thua cả người dưng. Bạn bè còn cảm nhận được nỗi đau của mình, còn con người mình thương yêu đến thế lại làm tổn thương mình quá sâu như vậy. Cuối cùng mình cảm thấy chỉ tại mình không may. Cầu cho PA [...] nhiều may mắn hơn mình. Chỉ cần một chút may mắn cuộc đời mình sẽ khác. Cả cuộc đời mình đi tìm nửa kia của mình, nhưng không gặp. Và ở tuổi 55, mình kết luận rằng hoặc là mình thiếu may mắn, hoặc không có một người như thế trên đời.

Giòng buồn vẫn chảy – bởi đó là giòng chảy của cuộc đời. Mình lắng nghe giòng chảy miên man, và lúc nào cũng vậy mình biết mình phải trở lại cuộc sống vì cuộc đời là một con đường độc đạo, chỉ có thể tiến đến phiá trước mà không thể dừng lại . Mình vẫn sống và làm nhũng công việc hằng ngày. Bỗng dưng mình rất tự do và cũng rất cô đơn. Bây giờ mình tận hưởng sự nhàn hạ khi bệnh tật chưa đến để làm mình khốn khổ. Mình mong PA cũng hưởng được hạnh phúc ở hiện tại, chỉ có hạnh phúc là đáng giá.

Hững hờ để mặc sông trôi
Ta về khép cửa thảnh thơi một mình…


Nhưng không một mình đâu. vì ta còn bạn bè mà! ! Bạn như PA ấy, để cùng cười với nhau, để nói kệ mẹ cuộc đời! rằng mọi chuyện khác đều không quan trọng, chỉ có hạnh phúc là đang kể thôi. Ai làm mình đau khổ thì người đó không tốt. Còn mình vẫn ngồi đấy, để nhìn và thấy. Thế thôi. Không trách móc mà cũng chẳng giận hờn. Với cách đó mình đang làm cho cái người bên Đức kia khó chịu lắm đấy .Mình chắc vậy.

Cuộc đời quả là hư ảo. Mình yêu ông D. hơn 20 năm. Thế mà Tình trên hai tay, môt hôm biến mất! Đã từng có… đã biến mất. Đi hai mươi năm để trở lại chỗ cũ! Có buồn không chứ!

Cuộc đi vẫn còn đẹp, đâu đã kết thúc! Thôi ta còn bạn bè!
Mà bạn già đấy nhé!

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Tháng ngày qua, còn đây mình tôi ...

Tôi đang ngồi trong phòng họp.

Họp, tức là có nhiều người, mỗi người có một mối quan tâm riêng. Không phải mối quan tâm nào cũng liên quan đến mình. Ý tôi nói là có những khoảng thời gian trắng.

Khi có thời gian trắng, thì ta làm gì? Tôi không rõ người khác thế nào, chứ hễ rảnh mà không rảnh (rảnh vì đầu óc không phải suy nghĩ gì, nhưng không rảnh vì vẫn phải ngồi đó, nghe - cho dù là nghe mà không nghe thấy - chứ không phải là muốn làm gì thì làm), thì tôi ... làm thơ.

Hoặc dịch thơ. Mà tôi thì đang có một bài thơ muốn dịch. Bài "Dưới cầu Mirabeau" mà tôi lấy làm tựa cho entry mới đây.

Đây nhé, chỉ mới họp được 1 tiếng thôi, tôi cũng nghe hết ai đã nói gì chứ không phải là không nghe đâu, nãy giờ nói về chuyện ... tiền, rồi đang chuyển dần sang an ninh, vệ sinh môi trường nhé. Thế mà tôi đã hoàn tất xong bài dịch rồi đây này. Mọi người thưởng thức nghe, và chỉ được khen nhé, không được chê!

À mà tôi đặt tựa khác cho bài này nhé. "Tháng ngày qua, còn đây mình tôi..."

Tháng ngày qua, còn đây mình tôi ...

Sông trôi dưới cầu Mirabeau
Người xa trên cầu Mirabeau
Ai có quên cho tôi nhắc nhớ
Đớn đau rồi sẽ được yên vui.

Đêm thong thả đồng hồ gõ nhịp
Tháng ngày qua, còn đây mình tôi ...

Em bên anh ta tay trong tay
Dưới chân cầu dòng sông lặng trôi
Hờ hững nhìn, những con mắt sóng
Nụ hôn kia rồi mai tàn phai.

Đêm thong thả đồng hồ gõ nhịp
Tháng ngày qua, còn đây mình tôi ...

Dòng sông trôi, tình ta cũng trôi
Tính trôi đi, còn đây mình tôi
Đời mệt nhoài, tình xa vời vợi
Dữ dội chi tiếng sóng lòng ơi!

Đêm thong thả đồng hồ gõ nhịp
Tháng ngày qua, còn đây mình tôi ...

Ngày ngày qua và tuần tuần qua
Thời gian qua không buồn trở lại
Tình yêu qua thôi đành vuột mất
Dòng sông xưa mãi lững lờ trôi

Đêm thong thả đồng hồ gõ nhịp
Tháng ngày qua, còn đây mình tôi ...


Nói thêm: Bài này tôi dịch để tặng riêng một bà bạn già của tôi đấy. Và chia sẻ thêm với mọi người khác, đặc biệt là các bà bạn già của tôi (vì tôi là một bà già mà, nên có nhiều bà bạn già cũng là dễ hiểu thôi phải không?)

Dưới cầu Mirabeau ...


Trước hết, xin thưa rằng tôi không biết tiếng Pháp, dù chỉ là một chữ cắn đôi!

Điều này đối với tôi thật đau khổ, vì hồi còn nhỏ, tôi có bà chị ruột học ban C thời trước năm 1975, nếu tôi nhớ không lầm thì đấy là ban Văn chương - Sinh ngữ. Vì vậy, chị tôi được học 2 sinh ngữ, trong đó tiếng Anh là sinh ngữ chính thì không nói làm gì, nhưng tiếng Pháp là sinh ngữ phụ thì chị cũng được học đến 3 năm ở cấp 3, nên cũng kha khá.

Không chỉ chị tôi học ban C, mà hình như bố tôi cũng học ban C nữa, có điều ông học tiếng Pháp là sinh ngữ chính, hình như vậy. Thời ấy, học xong lớp 11 (Tú tài 1) là đã có thể đi làm, nên bố tôi đi làm một hồi rồi quay lại học lớp 12 để thi Tú tài 2, hình như đâu đó cùng thời gian với chị tôi, chỉ trước sau vài năm mà thôi. Tức là cả bố lẫn con gái đầu lòng cùng học một chương trình lớp 12 của Bộ Giáo dục thời ấy thì phải.

Lâu quá rồi, mà hồi ấy thì tôi còn bé, nên cũng không nhớ rõ lắm, chỉ biết là bố tôi ngày đi làm, tối đi học, còn mẹ tôi thì buôn bán phụ thêm vào, nhà đến 8 anh em, lúc nào cũng ... nheo nhóc (chắc thế, có điều hồi ấy tôi không cảm thấy rõ như vậy). Nghĩ lại, thấy thương mẹ tôi, bố tôi, cả bà chị tôi vì bà ấy lớn phải phụ công việc gia đình với mẹ, mà cũng thương ... chính mình quá đi mất!

Quay lại ban C, tiếng Pháp, và bài thơ của Apollinaire. Lúc ấy, bố tôi với chị tôi thỉnh thoảng lại nói về tiếng Anh, tiếng Pháp, về vai trò của sinh ngữ (tôi nhớ bố tôi hay nói, học thêm một sinh ngữ là mở thêm một cánh cửa vào cuộc đời, hình như thế), và thỉnh thoảng cũng nói về thơ, về văn học của mấy nước Anh, Pháp ấy.

Tôi thì vốn thích thơ mà, nên cứ lẳng lặng nghe, lẳng lặng đọc mấy cuốn sách mà bố tôi hoặc chị tôi mua. Tôi nhớ hồi ấy có tạp chí Văn, hay lắm, từ tạp chí này tôi đọc được thơ Quang Dũng, lại còn nhớ có một bài viết có cái tựa rất hay là "Những dấu hỏi trong thơ Quang Dũng", trong đó nhắc đến một loạt những câu thơ kết thúc bằng dấu chấm hỏi của nhà thơ này. Quả là thơ ông có nhiều dấu hỏi thật, như:

Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?
Em có bao giờ em nhớ thương?
Em có bao giờ lệ chứa chan?

(Những câu này trong bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của QD)

Hoặc

Mắt kia em có sầu cô quạnh/Khi chớm thu về một sớm mai?
Em đi áo mỏng buông hờn tủi/Giòng lệ thơ ngây có dạt dào?

(Trong bài thơ Đôi bờ)

Tóm lại, lúc ấy tôi đang háo hức chờ đến khi vào lớp 10 thì sẽ chọn ban C giống chị tôi cho lãng mạn, thì đùng một cái, "giải phóng"! Nên tôi chưa bao giờ được học hành cẩn thận về thơ lãng mạn cả, dù là Việt hay Pháp (Việt thì chỉ học thơ Tố Hữu là nhiều, thơ lãng mạn chỉ nói lướt qua, còn Pháp thì đã nói là không biết một chữ cắn đôi rồi mà).

Chỉ là học lóm, đọc lén thế thôi, mà sao nhớ từ thời đó 10, 15 tuổi, đến tận bây giờ 50 tuổi rồi (trong khi có nhiều thứ bị bắt học quá trời quá đất, ví dụ như tiếng Nga, hay là ... Triết học Mác-Lenin, mà nay có còn nhớ chữ nào đâu kia chứ!) May là học tiếng Anh, còn biết chút văn học Anh-Mỹ, nên cũng còn đỡ!

Tôi biết đến thơ Appolinaire là theo cách đọc lén, học lóm mà tôi đã kể ở trên. Chẳng biết có phải qua tạp chí Văn hay không nữa?

Khi vào cấp 3, sau năm 1975, may quá, tôi lại chơi với một đứa bạn, dân Nam tập kết, từ Hà Nội vào, cũng rất lãng mạn (bây giờ nghĩ lại, chẳng hiểu sao mà thời ấy chiến tranh 2 miền mà ai cũng lãng mạn thế, tử tế thế, còn giờ hòa bình rồi lại ... xôi thịt, nữ sinh đánh nhau, rồi đạo văn đạo nhạc đạo phim loạn cả lên thế kia nhỉ?). Nhỏ bạn tôi, tên là Thu Ba - sóng mùa thu đấy nhé - có hẳn một cuốn sổ tay chép đủ loại thơ, trong đó có bài thơ Cầu Mirabeau (mà hôm trước tôi có chép vài câu, lại chép sai thành cầu Maribeau, bị sửa lưng, quê ơi là quê, hic hic). Tôi đọc một lần là thích luôn, nhớ luôn (một vài câu) của bài ấy.

Sau khi tôi chép lên rồi thì một người bạn ảo (người đã sửa lưng tôi) gửi cho tôi bài thơ ấy bằng tiếng Pháp. Ức quá, vì có đọc được đâu, nên hôm nay tôi phải đi tìm bản dịch tiếng Anh, và thấy ngay ở đây, các bạn đọc nhé:

The Mirabeau Bridge
Under Mirabeau Bridge the river slips away
And lovers
Must I be reminded
Joy came always after pain

The night is a clock chiming
The days go by not I

We're face to face and hand in hand
While under the bridges
Of embrace expire
Eternal tired tidal eyes

The night is a clock chiming
The days go by not I

Love elapses like the river
Love goes by
Poor life is indolent
And expectation always violent

The night is a clock chiming
The days go by not I

The days and equally the weeks elapse
The past remains the past
Love remains lost
Under Mirabeau Bridge the river slips away

The night is a clock chiming
The days go by not I
Đấy nhé, thế là nay tôi cũng biết bài thơ này rồi, ít nhất là biết đại khái. ;-) Nhưng vậy là mấy câu thơ hôm trước tôi chép, khéo mà râu ông nọ cắm cằm bà kia rồi quá? Đâu có thấy Tôi đi trên bờ sông/Tay cầm cuốn sách cũ... gì đâu?

Cao hứng, tôi cũng muốn dịch (từ tiếng Anh) ra vài câu xem nào:

Ngày ngày qua và tuần tuần qua
Thời gian qua không buồn trở lại
Tình yêu qua thôi đành vuột mất
Dòng sông xanh vẫn hững hờ trôi

Đêm thong thả đồng hồ gõ nhịp
Tháng ngày qua, còn đây mình tôi ...


Đấy là đoạn thơ chót trong bài thơ (dịch) tiếng Anh ở trên, các bạn thấy tôi dịch có ... nghe được không? (Nếu tôi hỏi ông xã, ông ấy sẽ hỏi lại: "Theo em thì anh có cách trả lời nào khác hay không?", nghe có ... tức mình không kia chứ?)

Bản tiếng Anh, tôi tìm được ở đây.

Ơ mà lạ quá đi. Tôi đi tìm bài thơ này vì một sự tò mò rất lý trí, xem thử mình có nhớ đúng không. Rồi tìm được bài thơ, đọc lên thấy cũng hay, bèn dịch thử xem mình có thể dịch ra thơ không, cũng rất lý trí. Tự mình dịch, rồi tự mình đọc, đọc xong lại thấy ... buồn buồn. Thời gian qua không buồn trở lại ... Dòng sông xanh cứ hững hờ trôi ... Tháng ngày qua, còn đây mình tôi ... Sao lại thế này được cơ chứ? Chẳng lẽ ... ta không là cái quái quỷ gì trên cuộc đời này sao?

Lại nhớ câu thơ của Longfellow, Gã dài như bọn tôi đã nghịch ngợm dịch:

And the tide rises, the tide falls ...
Và thủy triều lên, thủy triều dần xuống ...


Và nhớ TCS:

Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ?

Ừ, có bao lâu? Với tôi, thì biết còn bao lâu nữa nhỉ? Ơ mà tôi sinh cùng ngày với Tướng Giáp, vậy ông sống đến 100 tuổi thì chắc tôi ... cũng thế? Thì cũng phải sống đến năm 2060 để xem VN có trường nào lọt vô top 200 của thế giới như tiên đoán của ông Marginson bên Úc không chớ? ;-)