Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Bạn tôi viết (1): Về tôi

Tôi có một người "bạn già". Một người mà gia đình tôi xem như là người thân, và chiếm trọn vẹn sự tin tưởng của ông xã tôi - theo nghĩa là một người bạn tốt, có thể tin tưởng giao phó bà vợ "già nhưng vẫn khờ" của ông xã tôi cho người bạn ấy.

Người bạn ấy của tôi nhìn bên ngoài rất bình lặng, trầm tĩnh. Chẳng bù cho tôi, đi lên đâu là ... rối tinh rối mù lên đến đấy. Chẳng ai hiểu tôi đang nói gì, làm gì cả, rất khó hiểu. Đã thế lại rất "lớn lối" - chữ của bạn tôi đấy. Lớn lối như thế nào? À, như thế này này: "Tôi nói thế, anh (chị/bạn/em) cứ nghe và tin đi. Tôi không có thì giờ để giải thích nữa đâu. Rõ thế rồi mà cứ hỏi mãi, mệt quá. Để đấy rồi chừng nào tôi làm xong thì ... xong! Và chắc chắn là tốt, tôi đã nói tốt là phải tốt thôi!"

Thế đấy, đúng là ... lớn lối thật, ai mà chịu nổi tôi cơ chứ?

Vậy mà có đấy, ít ra là có 2 người (well, chắc chắn là nhiều hơn 2, nhưng cứ nói 2 thôi, cho nó ... khiêm tốn) ;-). Người thứ nhất là ông xã tôi, rõ rồi. Còn người thứ hai, là người bạn ấy.

Bọn tôi bây giờ già cả rồi, ai cũng 50 ngoài. Ngày xưa, thì thế là già lắm rồi. Nhưng ngày nay, người ta sống đến 70, 80 tuổi là chuyện thường. Riêng tôi thì tôi muốn sống đến năm 2060, tức 100 tuổi. Không phải là tham sống sợ chết, mà là vì muốn thấy một trường đại học của VN vào top 200 như ông Marginson ông ấy phán. ;-)

Ở VN thì nữ về hưu ở tuổi 55. Trẻ quá. Nhưng cũng ... rất tốt, nghỉ để chơi, vì có làm nữa (ấy là nói làm cho nhà nước) thêm vài năm thì cũng chẳng để làm gì. Không thay đổi gì được nữa. Cơ chế hiện nay của VN khiến cho mọi việc hết sức ... ổn định, theo nghĩa là không thể có những thay đổi nhanh, dù sự thay đổi đó có tốt hoặc có cần thiết hay không.

Vậy thì các bà già tuổi ngoài 50, nghỉ hưu rồi nhưng vẫn còn trẻ, thì họ làm gì nhỉ? Chẳng biết ai thế nào, chứ tôi thì tôi ... viết. Ngày còn trẻ, tôi muốn viết một vài cuốn tiểu thuyết, tự truyện, hoặc làm thơ, dịch văn. Đến nay thì già, sắp hưu rồi, tôi e rằng mình lười đến nỗi chẳng viết nổi tiểu thuyết hoặc dịch văn, thơ gì nữa đâu. Chỉ ... viết blog thôi. Như thế này này.

Không chỉ có mình tôi là bà già thích viết đâu nhé. Bà bạn già mà tôi hay nhắc tới đấy, chị ấy cũng viết, mà lại viết hay nữa. Nên tôi mới có loạt bài "Bạn tôi viết" này đây. Nhiều bài đấy, mà đây là bài số 1. Viết về tôi.

Mọi người đọc xem tôi dưới mắt bạn tôi là thế nào nhé! Đăng nguyên văn đấy, chỉ bỏ đi một vài giòng (chính xác là hai giòng) liên quan đến privacy của người khác.

Mọi người đọc xem các bà già viết có hay không nào?

--------------
Phương Anh thân mến,

Mình chẳng biết viết blog như thế nào cả. Đấy cũng là một khác biệt lớn giữa PA và mình.PA hi-tech bao nhiêu thì mình lạc hậu bây nhiêu. Ngày còn ở Khoa Anh, lúc PA mới ở Úc về, mình vẫn nói với Ngọc lúc ấy là thư ký Khoa “Tôi sợ cô PA bị bệnh mất thôi!” Ngọc nói: “Cô PA không sợ, việc gì cô phải sợ!” Đó là thời gian PA chì ngủ vài tiếng đồng hồ một đêm, và toàn thời gian còn lại là ngồi máy và vào mạng.

Ngọc nói thế hoá ra lại đúng. Mình đúng là bà già nhát gan, thấy cái gì cũng sợ. Lúc đó mình hay dặn Ngọc ngày nào cô PA trực thì nhớ đến trước mở cửa vì cô PA hay quên chìa khoá. Mình luôn muốn làm những việc vặt vãnh tỉ mỉ để PA có thời giờ bay bổng sáng tạo. Mình mong ở TT của PA các bạn trẻ cũng biết được chuyện này để PA có được sự thoải mái khi làm việc. Mình nhìn PA như nhìn một người phóng xe bạt mạng. Mình sợ nhắm cả mắt lại “Eo ôi, đi đâu mà nhanh thế không biết!” Nhưng mình lại có một niềm tin: PA sẽ làm được dù việc ấy có khó khăn đến đâu. Cái người phóng xe bạt mạng ấy hoá ra lại khéo léo thoát khỏi nguy hiểm khi sự cố xảy ra. Mình tin tưởng PA như thế đấy!

Mình biết PA có cả trăm ý tưởng mới trong một ngày. Mình cũng học để biết rằng cứ ngồi im đấy mà nghe. Ngày mai lại có những ý tưởng mới khác, chẳng nên vội vàng thực hiện. Mình vốn chậm chạp mà! Nếu mình bắt đầu thì có nghĩa là mình miệt mài theo đuổi cho đến cùng, khi mình làm xong thì PA đã quên mất từ lâu rồi!

Mình nhìn thấy PA khổ vì có tài. Cái khổ trước hết là ai cũng chống đối bởi họ cảm thấy sự kém cỏi của họ. PA cũng khổ vì làm được quá nhiều việc, đến nỗi phải khó khăn quyết định nên làm việc nào , còn mình ở các cực bên kia, một người chỉ làm được mỗi một việc, như con kiến xây tổ, nhàm chán nhưng ổn định. So với PA mình nhàm chán thật. Nhưng mình làm được một việc có ích. Mình cứ ở đấy, không thay đổi Khi cần cứ ới một tiếng là có ngay!

Cuộc sống bạt mạng của PA sẽ có lúc cần một chỗ bình yên – như một buổi tâm sự với người bạn già chẳng hạn! Thế là mình cũng làm được chút gì hữu ích.Giá thế giới này bao dung hơn thì PA đã bớt khổ. Người ta cũng lạ! Nhìn thấy khả năng của ngưòi khác như là sự thách thức cái tôi của họ. Thế là phải triệt hạ để nâng mình lên. Mình nhìn thấy khả năng thì lại muốn hợp tác, muốn học hỏi. PA lớn lối thật, nhưng mình lại thích cá tính ấy. Người có tài thì có quyền lớn lối chứ sao. Mình mà có tài thì mình cũng lớn lối ngay ấy chứ! Và có lẽ đó là lý do để mình làm bạn mấy chục năm nay mà không cãi vã xích mích gì!

PA là một đứa trẻ chơi đùa trên bãi cát cuộc đời , xây lên những toà nhà cát xinh đẹp cho vui, chẳng để làm gì cả. PA giải quyết những vấn đề khác của cuộc sống cũng nhẹ nhàng như vậy, như kiếm tiền chẳng hạn. PA sẽ không giàu được đâu vì không biết say mê kiếm tiền cho dù có thừa khả năng làm được việc đó. Mình nghĩ PA làm nghệ sĩ thì phù hợp hơn, nhưng mình lại cũng tiếc con người academic cuả PA. Mình đứng ngoài mà không biết chọn hướng nào, PA khổ là phải! PA không phải đang làm những điều mình tin là đúng. Con người của PA là chỉ làm những gì mình thích thôi! Đó mới đúng là PA. Mình không ngạc nhiên nếu ngày nào đó PA thành tác giả của một quyển sách, một quyển tiểu thuyết hay một tập thơ .

Chuyện buồn của mình, kể với PA rồi mình bỗng thấy nhẹ nhõm. Bây giờ nó trở thành một nỗi đau có thể chịu đựng được. Hơn một năm nay mình luôn hỏi vì sao điều đó xảy ra với mình, tại sao người mình thương yêu nhất đối xử với mình thua cả người dưng. Bạn bè còn cảm nhận được nỗi đau của mình, còn con người mình thương yêu đến thế lại làm tổn thương mình quá sâu như vậy. Cuối cùng mình cảm thấy chỉ tại mình không may. Cầu cho PA [...] nhiều may mắn hơn mình. Chỉ cần một chút may mắn cuộc đời mình sẽ khác. Cả cuộc đời mình đi tìm nửa kia của mình, nhưng không gặp. Và ở tuổi 55, mình kết luận rằng hoặc là mình thiếu may mắn, hoặc không có một người như thế trên đời.

Giòng buồn vẫn chảy – bởi đó là giòng chảy của cuộc đời. Mình lắng nghe giòng chảy miên man, và lúc nào cũng vậy mình biết mình phải trở lại cuộc sống vì cuộc đời là một con đường độc đạo, chỉ có thể tiến đến phiá trước mà không thể dừng lại . Mình vẫn sống và làm nhũng công việc hằng ngày. Bỗng dưng mình rất tự do và cũng rất cô đơn. Bây giờ mình tận hưởng sự nhàn hạ khi bệnh tật chưa đến để làm mình khốn khổ. Mình mong PA cũng hưởng được hạnh phúc ở hiện tại, chỉ có hạnh phúc là đáng giá.

Hững hờ để mặc sông trôi
Ta về khép cửa thảnh thơi một mình…


Nhưng không một mình đâu. vì ta còn bạn bè mà! ! Bạn như PA ấy, để cùng cười với nhau, để nói kệ mẹ cuộc đời! rằng mọi chuyện khác đều không quan trọng, chỉ có hạnh phúc là đang kể thôi. Ai làm mình đau khổ thì người đó không tốt. Còn mình vẫn ngồi đấy, để nhìn và thấy. Thế thôi. Không trách móc mà cũng chẳng giận hờn. Với cách đó mình đang làm cho cái người bên Đức kia khó chịu lắm đấy .Mình chắc vậy.

Cuộc đời quả là hư ảo. Mình yêu ông D. hơn 20 năm. Thế mà Tình trên hai tay, môt hôm biến mất! Đã từng có… đã biến mất. Đi hai mươi năm để trở lại chỗ cũ! Có buồn không chứ!

Cuộc đi vẫn còn đẹp, đâu đã kết thúc! Thôi ta còn bạn bè!
Mà bạn già đấy nhé!

3 nhận xét:

  1. Nguoi viet bai that hay, ma nguoi viet de dan cung hay. Nhung co oi, co bo bot "gia" trong "ban gia" di. Tu ki am thi, dan da de nghi thiet dzi thi chit.

    Trả lờiXóa
  2. Hi Thọ,

    1. Các bà già viết, lại là tôi và bạn ... già của tôi nữa, thì hay là ... đã quá rõ! Phải không em? ;-)

    2. "dần dà dễ nghĩ thiệt thì chít" --> dần dà mới nghĩ, ví dụ bây giờ 50, thì cũng phải nói đùa cho vui để nghĩ dần đi, thì đến 55 tuổi mới quen là mình già thật, thì nhà nước cho nghỉ hưu mới không bị shocked chứ em?

    Chứ không thôi thì shocked chết mất, tôi đã có kinh nghiệm về việc có người về hưu mà buổi cuối cùng trước ngày QĐ có hiệu lực còn ngồi ký cả nắm giấy. Rồi sau đó mang cái ghế mình vẫn ngồi khi có chức để đem về nhà, thì sao? Tôi không muốn lập lại thế, em ạ!

    Trả lờiXóa
  3. Co oi, sao co lai so minh "lap lai the"? De "duoc" nhu the, em nghi ho cung phai co gen, tich tu tu nhieu doi truoc, hoac it ra cung duoc "cultured" qua 1 thoi gian dai dai lam.

    Trả lờiXóa