Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Những nẻo đường Việt Nam ...


Mẹ già như chuối ba hương ...
Có một bài hát trước năm 1975 mà tôi rất thích, hình như của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, với những câu đầu tiên mà tôi còn nhớ: "Những nẻo đường Việt Nam/ suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan/ ơi những nẻo đường Việt Nam ...".

Chẳng hiểu do trời xui đất khiến như thế nào, có thể là do bản chất công việc, mà cũng có thể là do tính cách thích một chút phiêu lưu, quan sát và trải nghiệm, nên tôi hay có cơ hội đi xa nhà. Chỉ có điều lúc nào tôi đi cũng vội, nên chẳng ghi chép, lưu giữ lại cho cẩn thận gì cả.

Nói cho đúng, tôi luôn luôn sống trọn phút giây mà mình trải qua, và khi còn trẻ, cứ mỗi lần trải qua điều gì làm tôi có cảm xúc là lại còn làm thơ được nữa cơ. Thơ (con cóc) của tôi rơi rụng khắp nơi, có bài hay (ít thôi), và cũng có rất nhiều bài thật dở, vì tôi làm thơ thấy cũng dễ dàng như giải mấy bài toán đố thời tiểu học (hồi ấy tôi rất giỏi toán đố, vì con nhà buôn bán mà, nên việc cộng trừ nhân chia, làm tính nhẩm, và tính toán lời lỗ thì tôi thấy rất bình thường, như ăn cơm vậy). Vì vậy, tôi cứ ỷ y, cho rằng mình sẽ nhớ tất cả những bài thơ mình đã làm, mà nếu không nhớ thơ đã làm thì cũng không sao, vì sẽ vẫn còn nhớ những gì mình đã trải nghiệm. Nhưng không phải thế, vì bây giờ mới thấy có nhiều điều mình đã quên mất.

May là sau này đã có đủ loại công nghệ giúp người ta làm cái việc lưu giữ đó, chẳng hạn như máy chụp ảnh kỹ thuật số mà bây giờ điện thoại di động nào dù rẻ tiền nhất cũng có. Hoặc blog, như trang blog này của tôi. Nên tôi mới có thể lưu lại một số hình ảnh, để hỗ trợ cho cái trí nhớ ngày càng kém đi của mình.

Và hôm nay, nhân ngày nghỉ lễ 2/9 (long weekend), tôi có một ít thời gian để xem lại các hình ảnh mà tôi đã chụp trong thời gian gần đây, trong mấy chuyến đi gần đây ở một số nơi dọc trên chiều dài đất nước. Những nẻo đường Việt Nam, từ Hà Nội, vào đến Đà Nẵng, rồi Cần Thơ, rồi ra tận Phú Quốc. Và cả những tấm hình chụp ở SG, quanh khu nhà tôi, và trên con đường đi đến nơi làm việc của tôi nữa. Những tấm hình chụp vội trên điện thoại di động, với những cảm xúc thoáng qua. Hình không đẹp, nhưng nó ghi lại những khoảnh khắc có thật lúc ấy.

Thôi thì cứ đưa lên đây với vài ghi chú vội, cho khỏi quên cái đã. Sẽ viết nhiều hơn, khi tôi có nhiều thì giờ hơn. Riêng tấm hình mà tôi để trên đầu của entry này là tấm hình tôi nhớ rất rõ, vì nó chụp hình một bà cụ gần nhà tôi. Năm nay cụ đã ngoài 80 rồi, nhưng hàng ngày vẫn còn bán hàng ở vỉa hè gần một ngôi chùa trên đường Nguyễn Thượng Hiền gần nhà tôi. Bà bán chuối, khoai lang, mít, ổi vv, toàn là những thứ rẻ tiền và không ngon lắm, nhưng tôi hay mua của bà để giúp bà. Hình này là tôi chụp cách đây cũng gần một năm rồi, nhân dịp gần Tết ta năm nay.

Còn những tấm hình dưới đây là tôi lượm lặt trên những chuyến đi, trên những nẻo đường Việt Nam ...

Đây là hình tôi chụp ở đảo Phú Quốc, trong chuyến viếng thăm trại nuôi ngọc trai. Hình một tảng đá (đá cuội?) có hình thù kỳ lạ giống như một con thú, được trưng bày trong cửa hàng bán ngọc trai trên đảo mà tôi chẳng nhớ rõ tên cửa hàng ấy là gì. Một tảng đá vô tri vô giác, nhưng dưới mắt con người lại trở thành một con thú lạ lùng, ngô nghê, và thân thương lạ.

Cũng ở Phú Quốc, dấu vết chiến tranh vẫn còn in đậm. Chiến tranh tàn ác, và tôi muốn quên, nhưng để có thể quên thì người ta cũng cần phải nhớ, dù chỉ để tránh.

Hình này chụp ở Cần Thơ trong chuyến đi công tác vội của tôi cách đây vài tuần. Buổi trưa, trời nắng chang chang, tôi đi tìm một quán ăn, và tình cờ gặp quán này trong hẻm nhỏ. Một quán bún mắm và một xe nước mía, cùng một chủ, và thực khách chỉ có một mình tôi. Quán vỉa hè trong hẻm, bình dân và giá rẻ, nhưng sạch sẽ đến bất ngờ. Và hương vị rất đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long...

Máy ép nước mía tự chế của các nhà khoa học chân đất, những người dám chế cả máy bay, dù ở một vùng vẫn bị mang tiếng (không oan uổng gì) là học dốt nhất nước. Học dốt nhất, nhưng cũng nhiều sáng kiến có ích nhất, và nhiều hoài bão về công nghệ nhất. Một trong rất nhiều nghịch lý ở VN, khi số nhà khoa học ở Hà Nội thì nhiều nhất, cơ quan trung ương cũng nhiều nhất, cả số lượng các viện khoa học vv, và được ngân sách nhà nước đầu tư với mức độ cao nhất, nhưng hiệu quả thì ...????

Nhắc đến Hà Nội, hình dưới đây tôi chụp bên ngoài BV Phụ sản ở HN vào tháng 7/2011. Đến thăm một chị bạn đang nuôi con gái và cháu ngoại ở BV. Cảm giác: BV quá tải, bên ngoài BV buôn bán hỗn loạn, hơi mất trật tự và ... thiếu vệ sinh. Mà ngay ở trung tâm thủ đô. Biết làm sao được, nước ta còn nghèo (nhưng bao giờ thì hết nghèo nhỉ?)



Nhưng không phải cái gì cũng xấu. Hình trên là con đường gốm sứ, có lẽ là duy nhất trên thế giới? Tôi không rõ, nhưng tôi rất thích đoạn đường này. Rất đẹp, rất độc đáo. Ai chưa biết đoạn đường này thì nên đến Hà Nội để xem, ít nhất một lần. Ví dụ như đoạn trong hình dưới đây.

Và những tấm hình gần đây nhất tôi mới chụp ở Đà Lạt, thành phố hoa mà tôi cho là có thiên nhiên đẹp nhất nước. Hoa ở khắp nơi, không chỉ có hoa trên giàn, hoa trong công viên, trên đỉnh đồi, bên bờ hồ, mà cả trên vệ đường, góc phố, sân nhà, cả những chậu kiểng đã bể bỏ ở góc vườn không người chăm sóc. Đà Lạt mơ, với hoa Mi-mô-sa nở vàng khắp nơi tỏa mùi hương ngai ngái ... Mimosa từ đâu em tới đất này?

Nhưng tôi sẽ không đưa hình hoa của Đà Lạt lên đây, mà sẽ để dành một entry riêng về hoa (mà có lẽ phải là vài entry mới hết nhỉ?). Còn dưới đây là những hình ảnh khác của Đà Lạt.

Chiều rơi trên Hồ Xuân Hương. Cả mây và nước cùng một màu xanh pha xám, rất lạ lùng. Nước lặng, trời êm, gió nhẹ, tôi và một chị bạn gốc Đà Lạt ngồi trong quán cafe Thanh Thủy ngay bên bờ hồ. Tự hỏi, trên thế giới có nơi nào đẹp hơn thế này để hai người yêu nhau ngồi tình tự không nhỉ?

Còn dưới đây là hình chụp trong quán cafe sách của PNC (một công ty phát hành sách ở Sài Gòn, Phương Nam Company) tại gần khu chợ Đà Lạt. Những chiếc dù treo ngược trên trần, in những dòng chữ trên các tờ báo bán rất chạy ở Sài Gòn. Một ý tưởng rất lạ lùng, kỳ thú. Buổi tối, trời bên ngoài lành lạnh, mưa lất phất, bên trong quán cafe ngay trong tiệm sách rất đông, cả người mua sách lẫn người uống cafe ...


Chợt nhớ một câu tập đọc thời tiểu học mà tôi đã đọc trong Quốc văn giáo khoa thư: "Chốn quê hương là đẹp hơn cả..." Chẳng thế mà khi bố tôi sắp rời VN để sang Mỹ chữa bệnh (ông sang và mất ở đó), ông đã khóc rất nhiều khi hát bài hát mà tôi không nhớ tên, chỉ nhớ lời: "Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh/ có sông sâu lơ lững vờn quanh/ êm xuôi về Nam. Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau/ bóng tre lu bên mấy hàng cau/ đồng quê mơ màng ..."

Lại nhớ mấy câu thơ của chính tôi trong bài thơ (con cóc) mà tôi đã làm khi lần đầu đi qua phà trên sông Hậu Giang năm 1979, khi tôi 19 tuổi:

Nỗi niềm yêu quê hương bất diệt
Gợn êm như sóng nước Hậu Giang

Nhè nhẹ trôi, thời gian ơi thời gian
Trên giòng sông mênh mang...

4 nhận xét:

  1. Chủ nhà ơi!
    Thân mến đề nghị chủ nhà cho mục bài mới lên trên mục "Recent Comments" và mục "Danh sách Blog của Tôi" được không ạ?
    Như vậy khách đọc tìm bài mới có thể nhanh hơn!
    Cám ơn và chúc chủ nhật yêu nước nhiều tình yêu!

    Trả lờiXóa
  2. Bài Những Nẻo Đường VN tôi được hát lúc tôi 8 tuổi (năm nay tôi gần 70) của nhạc sĩ Thanh-Bình. Bài Làng Tôi trong bài chủ là bài của nhạc sĩ Chung Quân (tức là cố giáo sư Nguyễn Đức Tiến). Nhạc sĩ Chung Quân đã dạy nhạc tại các trường trung học nổi tiếng ở miền Nam trước 1975 (như trường Nguyễn Trãi và trường Chu Văn An).

    Trả lờiXóa
  3. Hì hì, ý kiến đóng góp của bạn thanhvdgt1 rất có lý. Với lại hổm rày chôm bài của chủ nhà hơi bị nhiều. Bửa nay qua tự thú đây :)

    Trả lờiXóa
  4. Đêm qua nằm nghĩ đi nghĩ lại, nếu nhạc sĩ Thanh-Bình còn sống chắc anh (hay chị ?) ấy sẽ phải viết lại bài Những Nẻo Đường VN như sau :
    Những nẻo đường Việt Nam
    Suốt từ Cà Mau đến cạnh Nam Quan
    Ôi những nẻo đường VN...
    NDV, giáo sư già về hưu

    Trả lờiXóa