Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Tản mạn nhân đọc “Có 500 năm như thế” của Hồ Trung Tú

Tôi biết đến tác giả Hồ Trung Tú và cuốn sách này của anh một cách hết sức tình cờ, dù trước đó cái tên HTT đối với tôi nghe cũng quen quen, chẳng biết do thấy ở đâu. Nói là biết tác giả, là vì tôi cũng đã có “thư từ qua lại” với tác giả rồi đấy, dù chỉ một lần, vài giòng qua email.

Chẳng là gần đây, tôi có tình cờ đọc được bài viết của anh có tựa là “Anh đã sống thay đồng đội” trên blog của anh Huỳnh Ngọc Chênh (sau mới biết bài này đã đăng trên báo Thanh Niên ngày 28/8, có thể đọc ở đây). Một bài viết hết sức cảm động, vì nó kể về một câu chuyện có thật với những con người có thật, đang sống, và là người đương thời của tôi (= cùng độ tuổi), có vẻ thế.

Vì muốn làm một cái gì đó để biểu lộ lòng yêu nước trong cái thời mà yêu nước cũng phải đúng cách (và tốt nhất là nên yêu một mình, lặng lẽ, không ồn ào, cũng không nên biểu lộ quá rõ ràng ra ngoài, hình như thế), tôi đã hỏi thăm anh HNC xem có cách nào liên lạc được với anh Dũng hay không. Nên mới nhận được mail của HTT. (Nhân tiện, anh HTT ạ, tôi cũng đã liên lạc được với anh Dương Văn Dũng rồi đấy, cám ơn anh nhé.)

Rồi lại tình cờ nữa, hôm nghỉ lễ 2/9 tôi đi Đà Lạt, lúc về khi chờ lên máy bay ở sân bay tôi bắt gặp cuốn sách đó ở trong tiệm sách nhỏ ở sân bay. Vì nhìn thấy tên tác giả là “người quen” (thì tôi đã nói ở trên rồi, có “thư từ qua lại” rồi còn gì, tội gì mà không bắt quàng làm họ), nên tôi tò mò cầm cuốn sách lên. Một cuốn sách viết về lịch sử Quảng Nam, một vùng đất từ trước đến nay vẫn rất xa lạ đối với một người gốc Bắc, sinh ở Sóc Trăng, và sống ở Sài Gòn từ 5 tuổi như tôi.

Nhưng sau sự kiện Biển Đông gần đây thì có lẽ vùng đất miền Trung khô cằn, sỏi đá sát kề vùng biển đảo của VN không còn xa lạ với người dân Việt trên mọi miền đất nước nữa. Vậy thì thử đọc xem, để hiểu thêm một chút về “khúc ruột miền Trung” chứ.

Lật mấy trang đầu đọc lời dẫn nhập, tôi thấy thích thú ngay lập tức, vì có những thông tin rất thú vị, ví dụ như lý giải về việc tại sao ở SG có chợ Bình Tây nằm ở phía Đông và chợ Bình Đông nằm ở phía Tây, hoặc về hình ảnh ông Ba Bị (mà hồi nhỏ tôi vẫn nghe: “Ba Bị chín quai/ mười hai con mắt/ đi bắt trẻ con/ bỏ vào cái bị”), theo tác giả thì đó chính là những người miền Bắc (Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương …) bỏ quê hương làng xóm để vào Nam lập nghiệp. Và còn nữa, những lý giải về giọng nói khác biệt kỳ lạ của dân Quảng Nam, với những nguyên âm bị biến dạng nặng nề. Tôi nhớ hồi còn đi học ở Úc bọn tôi cứ so sánh giọng Úc của tiếng Anh – vốn bị mọi người chê là dở thậm tệ – với giọng Quảng Nam của tiếng Việt.

Và thế là tôi mua, và đọc hết một lượt, chỉ trong thời gian chờ máy bay và trên chuyến bay mà thôi. Tôi có thói quen đọc rất nhanh một lần, rồi sau đó mới đọc lại nếu quả thật là thích. Còn nếu không đọc lại nữa thì … xem như là đã đọc xong.

Cuốn “Có 500 năm như thế” là một trong (không nhiều) những cuốn sách tôi có bỏ thì giờ ra để đọc lại (hiện vẫn còn chưa đọc xong). Nói như thế để thấy nó là một cuốn sách đáng đọc, ít ra là đối với tôi.

Vâng, hãy tìm và đọc cuốn sách này các bạn ạ, để hiểu hơn một chút về “khúc ruột miền Trung” ấy. Và để suy nghĩ thêm một chút về lịch sử nước nhà, về việc tại sao Chiêm Thành mất nước, về mảnh đất phương Nam hào phóng đã chứa chấp những người như tôi, như cha mẹ tôi, và nhiều người Việt khác trên con đường Nam tiến. Và về giòng máu Chăm, tính cách Chăm, tâm hồn Chăm, văn hóa Chăm có thể đang ẩn giấu trong mỗi người Việt của chúng ta hôm nay. Để có thể, giống như HTT, dám nhận những di sản văn hóa Chăm còn lại trên đất Việt của ta hôm nay, là những di sản của cha ông (mẹ bà?), chứ không phải là của những người xa lạ.

Tôi sẽ còn viết tiếp một chút về cuốn sách này, các bạn ạ, khi có thêm một chút thời gian, và khi đọc xong (đọc lại) cuốn sách này, các bạn nhé.
----
Viết thêm tối ngày 7/9

Nhân đang đọc cuốn sách của HTT, tôi tò mò tìm hiểu xem dư luận lâu nay về cuốn sách này như thế nào. Mới biết rằng cuốn sách ấy tạo nên rất nhiều dư luận, như có thể thấy qua những bài viết giới thiệu sách mà tôi đưa links dưới đây, mặc dù trước khi mua cuốn sách này thì tôi hoàn toàn không hề mảy may hay biết về chúng.

1. Trên báo Lao động, ở đâyở đây.

2. Trên trang của nhà thơ Chăm Inrasara, ở đây. Đặc biệt, có cả những comments, đa số của người Việt gốc Chăm, rất hay.

3. Bài cảm nhận của một người Chăm, đọc rất cảm động, cũng ở trên trang của nhà thơ Inrasara, ở đây. Cũng vậy, đọc cả các comments bên dưới các bạn nhé.

4. Bài viết của chính Inrasara, ở đâyở đây. Rất đáng đọc và suy nghĩ.

5. Trên báo Quảng Nam, ở đây.

6. Khen thì tôi cũng đã khen rồi, và các bài tôi giới thiệu ở trên cũng là khen. Nhưng cuốn sách ấy cũng có những người chê nữa. Các bạn đọc thử bài này, ở đây nhé. Tôi không đồng tình với người viết bài này, nhưng cũng là một góc nhìn khác.

Cứ tạm thế đã, rồi tôi sẽ viết cảm nhận của tôi, sau khi đọc kỹ.

3 nhận xét:

  1. Sao mà lăng xê Hồ Trung Tú quá vạy? nghe PA nói mà mình cũng muốn tìm lại cuốn sách ấy đọc lại. Đã đọc 1 lần rồi, thấy cũng rất hay nhưng chưa thấm. phải đọc lại thôi. Cám ôn PA

    Trả lờiXóa
  2. Nghe anh Chênh báo nên vội chạy vào xem :)
    Cảm ơn chị Phương Anh đã ưu ái.
    Còn link của BBC chưa thấy chị dẫn:
    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/02/110218_hotrungtu.shtml
    Bài Lê Thanh Hải trên BBC cho đến giờ là người có chuyên môn sâu nhất về lĩnh vực này, Hải là thạc sĩ về Nhân Học, dân tộc học ở Anh.
    Mong được đọc bài của chị .

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn chủ nhà đã cho mục tìm bài lên trên!
    Chúc chủ nhà sức khỏe!

    Trả lờiXóa