Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Mưa, và cà phê đắng ...

Mấy ngày nay Sài Gòn cứ mưa liên miên …

Ngày nhỏ, đối với tôi có hai loại mưa: mưa vui và mưa buồn. Mưa vui là mưa vào giữa mùa hè nóng bức, chợt đâu một vài đám mây đen kéo qua, trời tối xầm rồi nước ở đâu không rõ cứ tuôn như trút xuống. Mưa rơi lộp độp trên mái tôn, mới đầu thưa thớt vài hạt rồi nặng dần, rầm rập đổ xuống như cả một bầy ngựa đang phi nước kiệu. Nước từ những mái nhà chảy xuống thành hàng như một bức mành tạo bởi nước mưa trước hiên nhà, nước trong máng xối tóe ra xối xả như những vòi nước công cộng ai vặn ra rồi quên không khóa.

Rồi thì hẹn nhau hồi nào chẳng biết, bầy con trai trong xóm ở đâu bỗng túa ra, lưng trần, quần xà lỏn, giành nhau chúi đầu vào những máng xối nước mưa mát lạnh, cười giỡn vang trời, rồi thỉnh thoảng lại đuổi nhau, vật nhau, trượt chân ngã dúi dụi, rồi cãi nhau, chửi nhau, cả văng tục nữa, ỏm củ tỏi …

Đám con gái thì hiền lành hơn, chờ mưa to một lúc cho nước dâng lên đến thềm nhà thì bắt đầu thả thuyền giấy ra đầy sân. Những chiếc thuyền làm bằng giấy tập học trò xé ra từ vở cũ, gặp mưa một lúc thì mực tím, mực xanh nhoẹt nhòe, đôi khi những giọt nước mưa chảy xuống thấm mực tạo thành những hình thù kỳ lạ. Thuyền to, thuyền nhỏ, thuyền trung, dập dềnh sóng nước, trôi xa dần, xa dần … dường như chúng trôi đến bến bờ nào xa xôi lắm.

Mà dường như lần nào cũng như lần nấy, khi ngắm những chiếc thuyền giấy trôi một hồi là tôi lại bắt đầu mơ mơ màng màng, nghĩ tới những chân trời xa lạ, những đất nước xa xôi trong các chuyện cổ tích mà tôi đã đọc, những rừng thông xanh và những đồi tuyết trắng… Tôi mơ màng thấy mình là một kẻ lữ hành, một mình lang thang qua những thành phố xa lạ, qua những lâu đài cổ (giống như trong những hình vẽ của những cuốn truyện mà tôi đã đọc), rồi vì tò mò, rất muốn liều lĩnh mở đại cổng một ngôi nhà vắng chủ, lén bước vào để ngắm những bông tulip vàng và đỏ trong sân …

Bao giờ cũng vậy, câu chuyện dừng lại ở đó (vì trí tưởng tượng của tôi chỉ đi được đến đó), sau một hồi, thì mưa bỗng dứt, và tôi cũng tỉnh, cái nóng nực, bụi bặm đã bị cuốn sạch đi, trời quang mây tạnh, và những chiếc thuyền giấy đã đưa tôi đi xa trong giấc mộng của mình giờ đây mắc kẹt lại cả đám bên miệng cống. Rồi thế nào các bà già trong xóm lại cũng phải quét đi, vừa quét vừa chửi bọn trẻ con nghịch ngợm, không khéo lại nghẹt cống thì khổ …

Những trận mưa như vậy thường chỉ ngăn ngắn thôi, đâu chừng nửa tiếng rồi ngưng, sao mà vui thế. Còn mưa buồn? À, đó là những cơn mưa rất to với nhiều sấm sét, kéo dài đến cả vài tiếng đồng hồ. Mưa đều đều, nước cứ trút, trời thì tôi, trời chuyển từ nóng sang lạnh và ẩm ướt. Nước ngập đầy sân, cống nước tiêu không kịp, ngập cả vào nhà. Vào những ngày mưa như vậy, trời không có nắng, quần áo phơi chẳng kịp khô, có khi còn làm điện bị cúp (chẳng hiểu tại sao). Con hẻm nhà tôi ở có khi nước ngập đến vài ngày do cống nghẹt (có khi là do mấy cái thuyền giấy mà chúng tôi đã thả ra chơi), và mọi thứ bắt đầu trở nên nhem nhuốc, nhếch nhác.

Và, hình như thế, cứ mỗi lần mưa buồn ở SG vài trận như vậy, thì sau đó là tin về bão lụt miền Trung. Rồi đi học, thấy nhà trường kêu gọi quyên góp cho đồng bào miền Trung trong cảnh màn trời chiếu đất. Bọn trẻ con lại được có dịp bảo nhau về nhà xin quần áo cũ, tập vở … để nộp cho cô, cho trường “cứu trợ đồng bào miền Trung”. Hình như chẳng năm nào không có bão lụt như thế, báo chí, radio (chưa có TV, và tất nhiên là chưa có Internet!) đưa tin nghe thương lắm. Mình chỉ bị lội bì bõm nước mưa (hình như trộn cả nước công) mấy ngày, quần áo không khô được, đã khổ rồi. Huống chi miền Trung còn lũ lụt, đói kém, chết người. Còn trời thì cứ mưa, mưa mãi. Mưa buồn.

Đấy là chuyện mưa của cách đây mấy chục năm. Những gì tôi tả ở trên là trước năm 1975, tức lúc tôi còn học cấp hai. Tất cả đã xảy ra cách đây đến 40 năm rồi. Lâu quá rồi, chẳng hiểu tôi có còn nhớ đúng không nhỉ, hay là trí nhớ mình tự thêu dệt ra không biết chừng?

Bây giờ thì trời vẫn mưa, nhưng không còn giống như xưa nữa. Chẳng bao giờ còn thấy mưa vui. Mưa vui, hình như nó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của tôi, hay một đứa con hoang của ký ức của tôi hay sao ấy. Vì nó đã hoàn toàn biến mất trên thực tế rồi. Rất nhiều năm nay tôi không sao tìm được những trận mưa vui như vậy ở SG nữa.

Chỉ có mưa buồn mà thôi. Mưa, và nghĩ ngay đến miền Trung. Năm ngoái, thủy điện xả lũ, chết người quá chừng chừng.. Ngay vào dịp “đại lễ” của Hà Nội – chẳng hiểu sao cũng trùng ngày quốc khánh TQ? Rồi còn có người chết vì điện giựt trong mưa nữa. Còn năm nay thì lũ ở ĐBSL, đã mấy chục người chết vì lũ lụt rồi. Ở cái vùng mà ngày xưa tôi vẫn nhớ cô giáo tôi hay bảo là “miền Nam mưa thuận gió hòa”. Miền Nam thì thế, còn miền Trung, với khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, rồi còn thủy điện khắp nơi nữa, chao ơi là lo …

Tự nhiên nhớ lung tung lộn xộn vài câu thơ về mưa của một nhà thơ tiền chiến nào đấy, quên rồi:

Mưa gì mưa hoài, lòng biết nhớ thương ai
… phí hoang thời trẻ dại
Mưa gì mưa mãi nào biết trách ai
… cảnh tượng buồn nơi quan tái.

Buồn của nhà thơ xưa đó, có buồn bằng bài thơ mưa hôm nay không nhỉ, của một nhà thơ nào đấy tôi tìm được trên mạng, trên một blog cá nhân ở đây: http://phamkong.blogspot.com/2011/10/nhuc-cho-nuoc-viet.html

Cà Phê Đắng…
Mưa bay từ Ải Nam Quan
Mưa qua Đông Hải, mưa sang chốn này
Mưa ơi, xin ở lại đây
Mong mưa trôi hết đắng cay nỗi đời.
Đâu đây xương máu vọng lời
Núi sông trả lại, biển khơi trả về
Tình trong hơi ấm cà phê
Dâng hồn chiến sĩ lời thề trả xong

Ngàn năm máu đổ thành sông
Xương xây thành núi tấm lòng hy sinh
Một lòng Tổ quốc quyết sinh
Bao gương trung liệt tử sinh quên mình.

Buồn trong hiu hắt một mình
Cà phê sao đắng chỉ mình ta thôi ?! …
----
Quê hương những ngày mưa bão

Minh Sơn Lê
.

Buồn quá, thôi thì viết vài giòng vơ vẩn để chia cái buồn với nhà thơ Minh Sơn Lê mà tôi không quen biết. Có hề gì, chỉ cần biết chúng ta cùng chia một nỗi buồn chung…

5 nhận xét:

  1. 1875 đến nay là tròn 136 năm rồi chứ không phải 40 năm đâu ạ!

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bạn, sửa lại rồi. Lỗi tại anh đánh máy! ;-)

    Trả lờiXóa
  3. Giờ ở Sài Gòn, sau cơn mưa không còn hình ảnh những con thuyền giấy được thả trôi. Những con phố ngập nước ở Sài Gòn cũng chẳng còn thơ mộng nữa, vì nước rất bẩn. Không chừng vài năm sau, nước ngập trên các hẻm phố Sài Gòn có lẫn cả sắc đỏ của chất thải bô- xít và nhiều chất gì khác nữa. Dù sao, trong ký ức của thế hệ xưa ấy, những trận mưa vui khó mà quên được. Cám ơn chị PA đã giúp nhớ lại chút hoài niệm thời ấu thơ.

    Trả lờiXóa
  4. Tặng bạn bài hát nầy do Thanh Thúy ca http://www.youtube.com/watch?v=KpaZRz1rrvc
    Sơn

    Trả lờiXóa
  5. Đúng là phụ nữ!
    Em chỉ một lần thấy mưa buồn, đó là khi công tác miền núi, mưa không thể ra ga đi tầu về nhà. Mưa mấy ngày thủng lá cọ, mưa nhão đất đường mòn!

    Trả lờiXóa