Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Lan man về bụi và cái đẹp

Cuối tuần, muốn viết một cái gì đó cho chính mình và cho mọi người đọc chơi giải trí, nhưng đầu óc bận rộn với các báo cáo gấp của một đề án mà tôi có tham gia, nên tê liệt hết rồi, chẳng còn muốn nghĩ tới cái gì  để viết nữa. 

May sao, một bạn đọc của blog này sau khi đọc bài mới nhất của tôi viết về bản nhạc Stardust (mà tôi dịch là bụi sao) có gửi comment nhận xét rằng, từ stardust nên dịch là 'sao băng' thì đúng hơn, chứ sao thì làm sao mà có bụi được. Và thế là tôi bỗng có được ngẫu hứng để viết bài viết bụi này.

(Nói thêm: Bạn đọc ấy cũng có một góp ý khác nữa, rất đúng về từ "sơn ca" mà tôi dùng để dịch từ "nightingale" trong bài hát. Rằng nightingale thì phải dịch là "họa mi", còn "sơn ca" thì phải tương đương với từ lark thì mới đúng. Chắc là thế rồi. Còn tại sao tôi lại dịch là sơn ca thì ... sẽ để dành từ này làm chủ đề cho một bài viết khác vậy nhé!)
--------------------
Bụi, tiếng Anh là dust, có định nghĩa từ điển như thế này:
dust n.
1. Fine, dry particles of matter. - những hạt vật chất mịn và khô
2. A cloud of fine, dry particles. - đám mây mang theo những hạt mịn và khô
3. Particles of matter regarded as the result of disintegration: fabric that had fallen to dust over the centuries.- những hạt vật chất bị phân hủy và rã vụn ra, vd: vải đã mục nát ra thành bụi đất qua nhiều thế kỷ
4.
a. Earth, especially when regarded as the substance of the grave: "ashes to ashes, dust to dust" (Book of Common Prayer). đất, đặc biệt là đất lấy ra từ trong huyệt mộ: vd: "tro lại trở về thành tro, bụi lại trở về thành bụi" (Sách Kinh nguyện chung - Anh giáo)
b. The surface of the ground. - mặt đất
5. A debased or despised condition. - tình trạng bị hư hại hoặc coi rẻ
6. Something of no worth. - một cái gì đó không có giá trị
7. Chiefly British Rubbish readied for disposal. - (sử dụng trong tiếng Anh Anh): rác rưởi, đáng vứt đi
8. Confusion; agitation; commotion: won't go back in until the dust settles. - cơn bối rối; xúc động; hỗn loạn, vd: sẽ không trở lại cho đến khi sự hỗn loạn đó lắng xuống.
Đọc mấy cái định nghĩa nói trên thì thấy rõ, 'bụi' là một vật chẳng có gì là đẹp đẽ cả, nếu không nói là nó rất xấu. Mấy bà mẹ thường hay mắng con mình khi chúng đang nghịch chơi ngoài ngõ: "Không được nghịch, bụi đấy!" Đi đường, mua nhà, đi du lịch vv ai cũng tránh những chỗ có nhiều bụi bặm. Chỗ nào không tránh được, giống như ở Hà Nội, SG thời địa ốc đang 'phát', ở đâu cũng xây dựng, bụi mù mịt, thì người ta phải tìm cách bịt kín cả mặt mũi, trông chẳng khác gì những cô gái đạo Hồi. Thế là hết, mấy anh con trai còn đâu thú đi đường ngắm những người đẹp mặt hoa da phấn nữa. 

Bây giờ thì hết xây dựng rồi (địa ốc đang đóng băng), đường xá cũng trở lại bình thường, đỡ bụi, nhưng đối với các cô gái Sài Gòn thì đi ra đường với một khẩu trang xấu xí che hết cả khuôn mặt đẹp đã trở thành một chuẩn mực tự nguyện, vì ngoài tác dụng che bụi thì khẩu trang còn có tác dụng che nắng, đỡ làm rám đôi má đào của các cô. Mà cũng chẳng ai thấy xấu nữa: mọi người nhìn quen rồi thấy cũng bình thường. Cho nên chắc là mấy anh con trai đạo Hồi nhìn các cô gái Hồi che mặt chắc vẫn thấy đẹp, mà nếu không che có khi lại thấy xấu. Thì, cái đẹp nằm trong đôi mắt của kẻ si tình mà lại. Chỉ có mấy anh chàng ngoại quốc đến VN lần đầu là vẫn lạ: sao các cô lại trùm đầu, bịt mặt, trông xấu xấu, dị dị thế nhỉ?

Bụi xấu như thế, cho nên những đứa bỏ nhà ra đi bị gọi là "bụi đời", tức là bọn lang thang không nghề nghiệp, "ma cà bông" (vagabond), dở ăn cắp vặt dở du đãng. Rồi những người bình thường mà ăn mặc lôi thôi, đầu bù tóc rối vv cũng bị người khác (thường là người thân) mắng: "Trông như thằng bụi đời!" Đi du lịch rẻ tiền thì gọi là du lịch bụi, ăn cơm rẻ tiền ở vỉa hè thì là cơm bụi (chà, cơm mà dính đầy bụi thật thì ăn làm sao được nhỉ!), phong cách ăn mặc không chải chuốt, hơi nhà binh một chút, nhanh gọn, ít màu sắc, quần áo hơi nhàu không ủi, hơi cũ cũ vv thì được gọi là phong cách bụi....

À, nhưng đến đây thì tôi bắt đầu thấy ... bụi cũng hay hay rồi đó, chứ không chỉ là dở nữa. Ví dụ, thời trẻ tôi rất thích phong cách bụi, rất thích mặc quần jeans áo thun đi sandal vì nó rất tiện, chẳng mất thì giờ chuẩn bị, cứ thế tròng vào người rồi ra đường thôi, mà nó cũng thành một loại phong cách, có vẻ bất cần đời một chút, lại có gì đó mạnh mẽ, trẻ trung, khỏe khoắn, và quan trọng nhất là nó ... không bị quê! Gì chứ một người ít bỏ thời gian vào chuyện thời trang, ăn mặc như tôi thì phong cách đó là nhất! Bụi bỗng biến thành cái đẹp, theo mắt của tôi!

Nếu không đẹp, thì làm sao bụi có thể có chỗ trong văn học, nghệ thuật được nhỉ? Vì nhắc đến bụi, thì tôi nhớ ngay đến bài hát "Bụi phấn", và hình ảnh khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi .... Vì tôi là giáo viên, đã có thâm niên đứng lớp rất nhiều năm, và đã trải qua cái thời đi dạy khi phấn trắng, bảng đen, bục giảng là chuẩn mực của môi trường hoạt động của nhà giáo mà. 

Tôi vốn có cơ địa dị ứng với bụi các loại, nên đi dạy thì rất khổ sở. Khổ nhất là vào mùa mưa, vì tôi còn bị dị ứng thời tiết nữa, mà đi dạy ngoại ngữ thì phải nói nhiều, lớp thì đông và ồn, không micro,  nên lúc nào cũng phải gân cổ lên mà gào. Gào vài buổi như thế, bụi phấn vào miệng, thì thế nào cũng bị viêm họng. Vừa uống trụ sinh, vừa đi dạy, họng cứ đau, miệng vẫn cứ gào, xong một buổi dạy thì người ngợm bèo nhèo, tay chân đầu tóc quần áo giỏ xách lấm luốc đầy bụi phấn, thật chẳng có gì là đẹp đẽ cả. Nhớ thời ấy khoảng hai mấy, ba mươi tuổi, tôi rất có sức khỏe, vậy mà đi dạy về nhiều khi nằm vật ra, không muốn ăn uống gi nữa cả, chỉ muốn ngủ vì quá mệt.


Thực tế thì xấu xí như vậy đấy, thế mà khi vào bài hát thì hình ảnh bụi phấn sao bỗng nên thơ thế? Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi ... Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy? ... Thầy em tóc như bạc hơn... Chẳng thế mà bài hát này khi mới ra đời bỗng trở thành một bản "hit" trong một thời gian dài, và hình như mãi cho đến vẫn chưa có bài hát nào cho ngày nhà giáo hay hơn bài hát ấy. Mặc dù ngày nay thì chắc ở những trường kha khá thì bảng đen phấn trắng đã được thay bằng bảng trắng bút lông rồi, hoặc nếu còn dùng phấn thì cũng phải là phấn không bụi. Nhưng dù bụi phấn có thể trở thành một vật của quá khứ thì nó vẫn cứ tồn tại trong bài hát đó, và ký ức đó càng xa thực tại chừng nào thì có khi nó lại càng đẹp chừng ấy.

Trong văn học cũng còn những hình ảnh có liên quan đến bụi, nhưng mà là hình ảnh đẹp, chứ không phải là thứ bụi bẩn trên đường mà bạn cứ tránh như tránh tà đâu. Tôi thử đưa một ví dụ về cách dùng từ 'bụi' theo nghĩa bóng để chỉ một cái gì đó đẹp và nên thơ nhé. Chẳng là hôm nay tôi xem được trên youtube mấy video clip có hình ảnh của Khánh Ly trước năm 75, quay phim trắng đen, một cái hát trên sân khấu Anh Vũ nào đấy, và cái kia thì hát tại Quán Văn. Trong mấy clip đó, KL còn rất trẻ, cái thì mặc áo sơ-mi trắng, váy đen, áo "đóng thùng", tóc tém ngắn, cái kia thì tóc dài, áo dài, đứng hát rất nghiêm chỉnh, dễ thương. Mấy anh nhạc công đánh đàn thì cũng sơ-mi trắng, cà-vạt, quần tây đen, đeo kiếng trắng, trông rất sinh viên rất ngoan rất trí thức. 

Đây, ai muốn xem thì vào đây này http://www.youtube.com/watch?v=H6piEY57l0s, và đây nữa http://www.youtube.com/watch?v=03h3_9uTxK4, sẽ thấy tôi không nói sai chút nào cả.


Và thế là với mấy cái clip đó thì những ký ức về một thời VNCH với những hoạt động văn hóa, văn nghệ của HS-SV rất sôi nổi sáng tạo nhưng không kém phần nghiêm túc, high-class (chẳng thấy có đồi trụy phản động tí nào), những hình ảnh mà lâu nay tôi đã quên mất trong cái tất bật, vội vã, mệt mỏi của cuộc sống, bỗng ùa về. Bạn cũng có thể diễn đạt lại điều tôi mới nói theo một cách văn vẻ như thế này: những ký ức ấy lâu nay đã bị lớp bụi thời gian phủ dày, nay cái clip ấy đã giúp tôi quét đi lớp bụi đó để lộ ra những hình ảnh còn tươi nguyên ở bên dưới.

Đấy, cũng là bụi đấy, nhưng không phải là bụi bẩn, mà ... là bụi đẹp, bụi thơ, bụi "mỹ học" cơ đấy các bạn nhé! :-). Mặc dù rõ ràng nói như thế - trong tu từ học gọi là ẩn dụ - là sai logic rồi, thời gian thì làm gì có bụi để mà phủ nhỉ?

Tôi nói dài dòng như thế về bụi để mà dẫn dắt đến từ bụi sao mà tôi đã sử dụng để dịch từ stardust mà tôi đã nói ở trên. Như tôi đã viết trong lời dẫn, stardust không phải là không thể dịch là 'sao băng", vì đó là một trong những nghĩa của stardust. Sao băng theo ngôn ngữ khoa học thì là thiên thạch, là một mảnh vỡ của một hành tinh xa xôi nào đấy. Nhưng trong ngôn ngữ của văn học, nghệ thuật thì sao băng là sao băng chứ không thể tương đương với thiên thạch, vì thiên thạch chỉ dùng để chỉ mảnh vỡ, còn sao băng thì lại nhấn mạnh ý nghĩa một ngôi sao đã tắt, a fallen star. Hơn nữa, sao băng hay thiên thạch gì đó thì cũng chỉ là một trong nhiều nghĩa của stardust. Các bạn xem định nghĩa dưới đây:

star·dust n.

1. A dreamlike, romantic, or uncritical sense of well-being. - cảm giác lạc quan mơ màng, lãng mạn, hoặc tin cậy không chút ngờ vực.
2. A cluster of stars too distant to be seen individually, resembling a dimly luminous cloud of dust. Not in scientific use. - một chùm sao quá xa nên mờ, khó nhìn thấy được từng .ngôi sao riêng lẻ, vì vậy trông giống một đám mây bụi lấp lánh
3. Minute particles of matter that fall to Earth from the stars. Not in scientific use. - các mảnh vỡ rời từ các vì sao trên trời rơi xuống đất ...
Idiom:
have stardust in (one's) eyes = To be uncritically or unrealistically optimistic.
(http://www.thefreedictionary.com/stardust)

Nghĩa sao băng là nghĩa thứ ba trong định nghĩa này, đó là nghĩa thực hay nghĩa đen, còn hai nghĩa còn lại là nghĩa bóng, hay muốn gọi là nghĩa mở rộng cũng được, và có lẽ chỉ dùng trong văn học mà thôi. Và tôi đã dịch stardust trong bài hát hôm trước là bụi sao, là nghĩa thứ hai. Mặc dù tác giả có lẽ còn dùng từ stardust theo cả nghĩa thứ nhất nữa, để nói về tâm trạng của chính mình. Thế đấy, dù, đúng là như bạn nào đó đã góp ý, sao thì làm sao mà có bụi được. Sao mà có vỡ vụn ra rớt xuống thì cũng chỉ có thể tạo thiên thạch, hay là sao băng mà thôi.

Vậy bạn có bao giờ nghĩ là bài thơ về tình yêu nhẹ nhàng lãng mạn và dang dở như trong bài hát Stardust lại có chỗ cho  "thiên thạch", đá trời (tức là đá từ trời rơi xuống) hay không? Cũng không thể là sao băng được, có cái gì rơi rớt hay vụt tắt gì ở đây đâu? Ký ức về tình yêu ấy vẫn còn mãi, đẹp mãi cơ mà?

Nên stardust trong bài hát Stardust đối với tôi vẫn cứ là Bụi sao, chứ không phải (và không thể) là sao băng, là như thế các bạn ạ.

Bụi trong văn học, đẹp lắm chứ phải không, các bạn ơi? Nhưng mà tôi thắc mắc: tại sao lại như thế nhỉ? Sao cái xấu vào trong văn học lại thành đẹp, vậy có phải cái nào vào văn học cũng đẹp lên hay không? Mà cái nào mới vào được ấy nhỉ? Chà chà, đau đầu quá, chắc phải kiếm mấy vị chuyên nghiên cứu về mỹ học để hỏi cho ra lẽ! ;-)

(Thực ra trong bài này tôi còn muốn nói thêm một ý khác, đó là hình như văn học, nghệ thuật VN thường thích thi vị hóa những hình ảnh về sự nghèo khổ lên để trở thành cái đẹp. Ví dụ như những bài hát về quê hương của Phạm Duy, cứ toàn là "có lũy tre còm tả tơi/có những cụ già rách vai/cuốc đất bên đàn trẻ gầy/có người bừa thay trâu cày ..." không thôi. Tại sao như vậy, thì có lẽ đây sẽ là một chủ đề cho một bài viết khác nhé.)
----------
Cập nhật: Có bạn hỏi tôi, cái bài dịch kia là bài nào thế? Để cho tiện, tôi đưa link bài ấy vào đây luôn, các bạn chỉ cần click vào thì sẽ đọc được bài dịch mà tôi đang đề cập nhé: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/07/stardust-ban-nhac-bat-hu-cua-am-nhac-my.html

1 nhận xét:

  1. Stardust, nếu không chọn là “sao băng” thì dịch ra “vạn mảnh sao rơi” cũng không tệ lắm, nhưng dịch là “bụi” thì không những mất cái thi vị của bài hát đi mà còn cho cảm giác như loại dịch “hardware” là “phần cứng”, hay “cây gạo đại thụ = plant rice university”!

    Những gì trong bài viết “Lan man về bụi và cái đẹp”, vâng, viết có lý luận, nhưng đọc xong, tự nhiên sao có cảm giác: Rằng hay thì thực là hay, nghe ra...

    Trả lờiXóa