Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Sai một ly, có đy một dặm?

Không ạ, tựa của bài viết này tôi không nhầm một chút nào. Chỉ là làm một thử nghiệm nho nhỏ thế thôi. Xem có ai cảm thấy khó chịu không í mà. Và, có đúng là các bạn đều cảm thấy hơi khó chịu một chút, đúng không? Nhưng mà, tôi làm cái thý nghiệm ấy để làm gỳ ấy nhỷ? :-)

Ừ thì số là trong entry mà tôi mới post lên sáng nay, có 2 bản dịch bài hát Stardust của bạn bè. Một bạn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Người kia thì sinh sống ở miền Nam trước năm 75, giống tôi.

Sống ở hai miền khác nhau, hồi nhỏ đi học với những chương trình khác nhau, thì thói quen, suy nghĩ, ăn mặc, lời ăn tiếng nói khác nhau cũng là bình thường. Cái khác giữa người miền Bắc và người miền Nam về ngôn ngữ nói thì rất rõ ràng rồi, ai cũng biết. Nhưng ngay cả trong chính tả - tức là cách ghi âm lại những từ ngữ - thì cũng có những chỗ khác biệt. Một trong cái khác biệt ấy là trong cách viết i - y đấy các bạn ạ.

Thực ra thì tôi cũng không để ý lắm đâu. Mắt tôi nhìn quen cả hai cách rồi. Cũng phải thôi, tôi sống ở miền Nam dưới thời VNCH đến năm 1975 thì được 15 tuổi. Học được 9 năm học đầu tiên dưới thời VNCH. Sau đó thì học tiếp 3 năm cấp 3 và 4 năm đại học (= 7 năm) dưới mái trường XHCN, tức là một thời gian gần tương đương với trước đó. Rồi sau đó là mấy chục năm sống dưới chế độ mới này. Nên cách viết theo chuẩn mực miền Bắc tôi còn nhìn quen hơn nhiều chứ, vì được nhìn thấy nhiều hơn mà. Tuy vậy, tôi vẫn giữ thói quen viết chính tả theo kiểu miền Nam.

À, phải giải thích chút về 2 từ Bắc, Nam mà tôi dùng trong đoạn trên. Tôi tạm gọi như  thế cho dễ thôi ạ, chứ tôi không có ý định phân biệt Bắc Nam gì đâu. Mà phân biệt sao được cơ chứ khi tôi sinh ra lớn lên ở miền Nam nhưng cha mẹ là người miền Bắc, gia đình còn giữ nguyên văn hóa Bắc, rồi lấy chồng cũng là người có gốc gác y chang như tôi, nên gia đình nhỏ của tôi bây giờ vẫn còn giữ kha khá văn hóa Bắc. Mặc dù con cái phát âm đã gần gần như giọng Nam rồi - well, giọng Sài Gòn ạ, hãnh diện lắm chứ - nhưng vẫn còn nhiều chỗ có thể khiến cho người ta nhận ra mình là gốc Bắc lắm, ví dụ như gọi là "bố" chứ không gọi là "ba" như người miền Nam.

Nói một cách ngắn gọn, tôi tự hào là mặc dù tôi và ông xã, chứ đừng nói đến các con, đều sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nhưng mình vẫn cứ còn giữ được khá nhiều nét văn hóa Bắc, để có thể khoe với mọi người mình là "Bắc rặt" (well, "Bắc rặc" vì người miền Nam không đọc được âm 't' ở cuối âm tiết mà luôn đổi sang thành 'k'). Chỉ có điều, có một lần khi còn ở Úc, đến chơi nhà một anh bạn (bạn nhưng mà lớn hơn tôi đến 15 tuổi) Việt kiều, cũng gốc Bắc di cư, khi được hỏi tôi quê ở đâu tôi đã xưng quê quán ra và khoe tôi là "người Bắc rặt, còn giữ văn hóa y chang người miền Bắc" thì tôi được chủ nhà cười ầm lên mà bảo: Đã khoe là người Bắc, nhưng là "Bắc rặc", mà lại còn "y chang" nữa chứ, thì lòi chuôi ra mất rồi, Bắc đâu mà Bắc, người Bắc chẳng ai dùng mấy từ ấy cả! Ôi, quê ơi là quê!

Lan man dài dòng rồi, xin trở lại chuyện "sai một ly". Tất nhiên là tôi đang cố tình viết sai ạ, lẽ ra phải là 'sai một li'. Tất nhiên cũng có "ly", và li hay ly gì thì cũng đọc giống nhau thôi, nhưng rõ ràng là chúng có khác nhau về nghĩa. Một li tức là một chút xíu, một mili (như trong milimét), dịch sang tiếng Anh là a bit hoặc a tiny bit; còn một ly thì là một cái cốc uống nước bằng thủy tinh, cao, không có quai, dịch sang tiếng Anh là a glass đấy ạ. Ly cũng còn dùng trong những từ ghép như chia ly, ly biệt, ly dị, ly thân vv nữa. Tại sao lại thế thì không biết, mà có lẽ cũng không cần biết, vì ... ngôn ngữ có tính quy ước mà lại! (Hì hì, khoe một chút lý thuyết ngôn ngữ mà!)

Well, đấy là tôi đang nói theo chuẩn mực mà tôi đã được học từ lâu lắm, đã trở thành thói quen mất rồi, viết ra từ nào i từ nào y là do quen tay thôi, không cần suy nghĩ gì cả. Nhưng ở miền Bắc thì hình như có chuẩn mực khác thì phải. Từ sau năm 75 tôi bắt đầu làm quen với cách viết 'li' cho cả hai nghĩa nói trên. Ví dụ như 'li nước', như thế này: https://www.google.com/search?q=%22li+n%C6%B0%E1%BB%9Bc%22&tbm=isch&tbo=u&source=univ&sa=X&ei=R0rcUefJJMuSiQfUgYHQCQ&ved=0CEwQsAQ&biw=1366&bih=618. Hay chia li, li biệt, li dị vv.

Quả thực là ban đầu khi nhìn thấy mấy từ ấy thì tôi dị ứng lắm, khó chịu lạ, có cảm giác chỉ "muốn tới ăn gan/ muốn ra cắn cổ" cái người có cách viết đó mà thôi (à không, tôi đùa chút thôi ạ, ai mà dám làm thế, đi tù mọt gông chứ chả chơi!) Nhưng dần dần thì tôi quen mắt, và chấp nhận, vì nó cũng chỉ là thói quen, đọc lên thì dù có viết li hay là ly thì vẫn thế, mà nghĩa thì hoàn toàn có thể đoán ra được trong ngữ cảnh, có bao giờ bị nhầm lẫn gì đâu. Chỉ có điều quen mắt thì quen, nhưng tôi cũng không đổi thói quen cũ của mình, thành ra đối với tôi thì những từ đó có 2 cách viết, li cũng được mà ly cũng chẳng sao. Chuẩn Nam chuẩn Bắc gì cũng sống đề huề hết, thì "Việt Nam ta thống nhất rồi, Việt Nam ta độc lập rồi", còn gì nữa!

Tưởng mọi việc đến đấy là ổn rồi, nhưng hóa ra vẫn chưa ổn! Cách đây vài năm khi còn làm tại ĐHQG-HCM, tôi có ra một tờ bản tin giáo dục (nay vẫn còn được tiếp tục), và thỉnh thoảng có nhận bài viết của các tác giả bên ngoài, hoặc nhờ những tác giả bên ngoài đọc và góp ý cho một vài bài viết. Và có một lần tôi bị một vị khách như thế bắt bẻ về i, y; đại khái là tôi không được dùng ly mà phải dùng li, li ti rồi chia li rồi li thân gì cũng là li hết. Cậu ấy còn trích từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục (hình như thế) ra để chứng minh cho sự đúng đắn của mình. Tôi nhớ tôi đã trả lời rằng có sự khác biệt giữa hai miền và tôi cho rằng dùng cách nào cũng được miễn là nhất quán, chứ đừng ba hồi dùng 'ly' rồi bốn hồi lại dùng 'li'! Nhưng cậu ấy vẫn không chịu, và khi tôi đưa những trang tôi tìm trên google có cách viết của tôi (chia ly, biệt ly, ly thân ...) thì cậu ấy lại còn phán cho một câu xanh rờn rằng: "Không được dùng google để làm chuẩn, vì nó chả có chuẩn mực gì cả!" Thế là tôi đành lắc đầu, bó tay và ... thua nuôn! (hi hi, nói ngọng chút cho khôi hài í mà).

Chuyện cũng đã cũ, nên tôi cũng lại tưởng rằng mọi việc tranh cãi tới đây là chấm dứt. Nhưng không ngờ đến hôm nay, khi tôi đăng bài thơ của người bạn ở Hà Nội lên blog thì tôi lại nhận được một vài comment cho biết sự hơi khó chịu về mấy cái i-y kia. Tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm, vì nhớ lại cái cảm giác khó chịu của mình khi mới nhìn thấy mấy cái từ ... kì cục ấy (hy hy, í tôi muốn nói là "kỳ cục"). Nhưng mặt khác tôi cũng thấy, thực ra cách dùng i, y thời trước năm 75 cũng không phải là đã hoàn toàn logic (à mà từ logic này trước năm 75 không dùng nhé, chắc là dùng từ 'hợp lí'  - ý quên hợp lý nhỷ?)

Vậy, có cách nào viết cho hợp lí, well, hợp lý - hơn không? Nói cách khác, chọn lựa i - y có qui luật ý quên quy luật gỳ không nhỷ? Thử nghĩ xem nào? Hình như có ai đấy bảo rằng dùng 'y' thì mặt chữ trông đẹp hơn là 'i', vì 'i' nhỏ bé quá, ngắn cụt,  xấu xí. Và nó thường dùng với từ gốc Hán (từ Hán Việt), chẳng hạn 'biệt ly". Còn 'i' thỳ dùng với những từ thuần Việt, hoặc những từ nào có nghĩa nhỏ bé, li ti, bé tí, nói lí nhí .... Xem nào, thế từ cu li - well, cu ly? - thì sao nhỉ, viết i hay là y nào, mà dựa trên luật nào mới được chứ?

Uy chu choa, tôy bắt đầu cảm thấi đau đầu rồy đấi các bạn ạ. Có bạn nào chỷ cho tôy bý quiết sử dụng 'i' và 'y', tôi sẽ đội ơn lắm lắm! (just kidding)

Khuyến mãi: Gửi cho các bạn link này, bàn về quy luật sử dụng i và y này. Khá hợp lý đấy ạ.

http://khoahocviet.info/site/index.php/ngon-ngu/2-tieng-viet/2-tieng-viet-i-y
-----------
Cập nhật sáng ngày 10/7

Entry tôi viết hồi đêm không ngờ được nhiều người đọc và hưởng ứng đến thế; sáng ra đã thấy có đến 5 cái comments và mấy trăm người đọc, hurrah! Thực ra tôi biết là có những quy định chứ, nhưng rồi quy định lại cũng thay đổi, thì ngôn ngữ là phản ánh cuộc sống, phản ánh quan niệm con người, nên quan điểm con người thay đổi thì ngôn ngữ cũng phải thay đổi thôi. 

Riêng tôi thì tôi thấy có một cuộc cách mạng đường vòng như thế này: 

- Mới đầu cả hai miền đều viết giống như miền Nam thì phải, sau đó ở miền Bắc, lúc đất nước đã chia đôi, thì có một cuộc "cách mạng" nhất thể hóa, i nào cũng là y (!) cho nên đưa mọi thứ về "i" hết, trừ trường hợp có khác biệt về ngữ âm như thúi và thúy, tai và tay. 

- Sau đó, khi đất nước mới thống nhất thì với tư cách là bên thắng cuộc, tất nhiên thói quen của bên thắng cuộc sẽ trở thành quy định hoặc chuẩn mực, còn thói quen của bên thua cuộc thì bị mất dần nhưng cũng khó mà mất hẳn (thì thói quen mà, dễ gì thay đổi). 

- Rồi một thời gian lại có những con người thuộc bên thắng cuộc nhận ra cái vô lý của sự cải cách (nhất thể hóa mọi i, y thành "i" hết) nên ta lại có một cuộc cách mạng ngược lại, trở về với cái thói quen cũ. Thành ra ... ha ha ha, những người như tôi đã phải bỏ cả cuộc đời của mình ra để learn, unlearn rồi lại relearn mấy cái quy luật linh tinh (hay là lynh tynh nhỷ?) này, haizzz...

Cập nhật 2: Có một số bạn đọc nói chưa thấy ai quy định bao giờ. Vậy đây là thông tin: Có một quyết định do Bộ Giáo dục ký năm 1984 (chưa có quyết định nào mới hơn thì phải), người ký lúc ấy là Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, số hiệu quyết định là QĐ/240. Có thể tìm trên mạng, hoặc nếu không thì vào đây ạ:

http://violet.vn/huusaudv/present/showprint/entry_id/6050364


Cập nhật 3: Tôi mới tìm được bài viết này của Đoàn Xuân Kiên về vấn đề này, khá đáng đọc, trong đó có lập luận rằng i hay y chẳng phải là Bắc hay Nam gì mà cả 2 miền đều có những người muốn cải cách chữ quốc ngữ cho hợp lý hơn. Ở miền Nam cũng có phong trào tương tự mà; cái này thì tôi có thể xác nhận vì hồi đó có tác giả Nguyễn Ngu Ý tự viết tên mình từ thành Nguiễn Ngu Í và cổ vũ cách viết giống chuẩn bây giờ tức là i ngắn y dài gì cũng là y hết, như tôi đã nêu ở trên. Bài ấy đây: http://www.voviphatphap.org/vn/pdf/ThemIvaY.pdf.

Tác giả ĐXK hình như hải ngoại, và bài viết từ năm 1988 nhé. Tuy nhiên phải nói thêm là hồi ấy cách viết như NNY chỉ mới là một phong trào cá nhân rất nhỏ bé và chưa phổ biến, riêng tôi thì thấy thầy cô, gia đình mình nhìn cách viết ấy như là nghịch ngợm mà thôi, không chính thống. Phải đến sau năm 1975 thì mới có cách viết y thay i phổ biến, có cả quy định hẳn hoi như tôi đã nêu ở Cập nhật 2 trên đầu bài viết này.

Nhưng mấy năm gần đây thì hình như lại có phong trào trở về kiểu viết cũ, như có thể thấy trong bài viết năm 2010 từ ĐH KHXH-NV của Hà Nội của tác giả Đào Tiến Thi mà tôi thấy rất thuyết phục, ai quan tâm thì đọc ở đây nhé: http://ussh.vnu.edu.vn/van-de-phan-biet-viet-i-ngan-va-y-dai/2070. Tóm lại, tôi cho rằng nỗ lực "chuẩn hóa" chính tả tiếng Việt là mong muốn của một số nhà khoa học của cả 2 miền chứ không riêng gì miền Bắc hay miền Nam, nhưng đưa ra thành quy định luật lệ thì sau năm 1975 mới thấy có. Đó là lý do tại sao tôi và nhiều người khác cho rằng cách viết đó là từ miền Bắc du nhập vào!

Cập nhật 4: Có bài này cũng rất hay này, các bạn đọc nhé. Chắc tôi phải viết thêm một bài quá, vấn đề này không ngờ rắc rối vậy, mà chỉ có mỗi một con chữ i/y thôi đấy!


http://www.tangthuvien.com/forum/showthread.php?t=26426

12 nhận xét:

  1. Học giả Cao Xuân Hạo, trong một thời gian khá dài đã đơn thương độc mã chống lại chủ trương sáp nhập i ngắn và y dài, cũng như chủ trương cải tiến chữ Quốc ngữ nói chung.

    Ông phát biểu :

    Nhược điểm của chữ Quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm vị học, mà ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong trường hợp các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt......

    Trả lờiXóa
  2. Lãng tử không làm cái nghề ngôn ngữ tỉ mỉ và tỷ mỷ đó. chỉ dùng ngôn ngữ để nghiên cứu văn chương thôi....sa vào đó rức đầu lắm, lại ít cảm xúc thẩm mỹ, nghèo lãng mạn. Bó tay (không bao giờ viết bó tai)

    Trả lờiXóa
  3. Kýnh gửy Cô gyáo Phương Anh.
    Ngay những chữ đầu tyên này, tôy vyết rất khó khăn.
    Nhưng thực ra do mình cố ý chứ không phải vì thiếu tôn trọng cô đâu.
    Chỉ e đến một lúc, "dới trẻ" không còn xem những gỳ là quan trọng thì xã hôỵ ta byết sẽ đi về đâu!
    Chỉ có một hiện thực cần quan tâm lắm lắm. Sau thời gian hoàn tất việc phá rừng (để làm gì đó chẳng hạn) thì các NGỌN NÚI cần phải qui định thống nhất ghi là các ngọn NÚY. Vì sao ư? Vì nó gần với chữ NUY, tức là TRỌC LÓC đấy ạ.
    Chúc cô luôn khỏe và vui.

    Trả lờiXóa
  4. Nhờ bài của cô, tôi lên Google mới biết Bô Giáo Dục và các chuyên gia bàn rất nhiều về việc này và có cả các quy định nữa. Nhưng không may hình như người Việt ít quan tâm.
    Với tôi, có một lần nói chuyện tay đôi với người quen - tất nhiên ở trạng thái vui vẻ và thân thiện - tôi có đưa một ví dụ bình thường thôi: Giả dụ bạn sinh một cô con gái đặt tên là "Bích Thúy", mai mốt có người viết là "Bích ThúI" thì bạn nghĩ sao? Bạn tôi đáp liền: Tao oánh chết cha nó chứ!
    Vậy là tôi vẫn giữ thói quen cũ - Cái gì quen tay (khác với QUEN TAI) minh không nên thay đổi chi cho nó mệt óc, và trong thời buổi gõ máy tính bằng phím đỡ mất thời gian xóa tới xóa lui.

    Trả lờiXóa
  5. " Có bạn nào chỷ cho tôy bý quiết sử dụng 'i' và 'y', tôi sẽ đội ơn lắm lắm! (just kidding)" Có mỗi một câu mà đã không nhất quán,chỗ dùng "tôy", chỗ lại "tôi".
    Theo tôi nhớ thì vào thập niên 1980 Bộ giáo dục qui định phải dùng "i ngắn" thay "y dài", ngay cả chữ "yêu" cũng đổi thành "iêu". Cái qui định này không thọ vì gặp sự phản đối mạnh mẽ của những người tên "Thúy".
    Tú Đoàn.

    Trả lờiXóa
  6. Mình chưa bao giờ thấy cái qui định bắt "y" thành "i", chỉ là bắt chước tùy tiện thôi. (đừng gieo tiếng ác cho chế độ XHCN nha)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngài có đi học tiểu học không mà nói là chưa bao giờ thấy qui định hả ? Sách giáo khoa tiểu học viết thế , cô giáo bắt học sinh viết thế thì do cô giáo đẻ ra à ? Muốn tìm hiểu thì có thiếu nguồn đâu mà ngồi phán lung tung . Thế ông có thấy qui định đọc B( bờ) C ( cờ) không ? Nhưng ngày tôi đi học đứa nào mà đọc B ( Bê ) ,C ( XÊ) thì cô giáo cho đón không liền, thậm Chí có thầy cô MB còn to mòm phê phán đồng nghiệp khi bảo phải bỏ hết tàn dư Mỹ Thiệu ,buộc GV MN đọc là cho Tam giác A Bờ Cờ. Nay thấy ngu quá nên bỏ hết . Ko phải dân MN điều cho tất cả GD MN là hợp lý ,chỉ cỏ các ngài MB mới cho gdMB tất là hợp lý thôi ,mà cái này từ đâu ra nếu ko từ giáo dục Mb

      Xóa
  7. Nhận được thư tình mà yêu viết thành iêu thì thà thôi yêu cho đỡ bực.
    Có lần đọc được trên báo Tuổi Trẻ, thời Đặng Thùy Trâm lên ngôi tuyệt đỉnh, tựa bài báo "...Y Liệt Sỹ Đặng Thùy Trâm...". Tôi thắc mắc với một đương kim "giáo sư" đại học và được giải thích rằng "Sỹ" trong "Liệt Sỹ" quan trọng hơn nên phải dùng "y" dài. Thua!
    Lại có lần trên kệ sách giáo khoa trong tiệm sách, cuốn Địa nằm ngay cạnh cuốn Vật .
    Tác giả nhắc đến "Thống Nhất" hơi nhiều mà lại chả chịu vận động cho thống nhất "đánh vần".
    Sau cùng, "Cấm đậu" và "Cấm đỗ" có khác nhau không? Ở Đà Lạt (chừng 5 năm trước) đã từng có bảng "Cấm đậu đỗ" (bỏ rồi). Chắc cho nó lành?

    Trả lờiXóa
  8. Nữ sĩ ơi,nếu thay chữ y vào từ đầu của tựa bài viết,thì nó đi một dặm thật đấy nhỉ ? Cách đây hơn 30 năm,lần đầu tiên tiếp xúc với mầy cô thiếu nữ " Sày Gòn" ở một nơi rất xa,mình cũng rất ngạc nhiên khi thấy ai cũng viết người "iêu",từ ngạc nhiên đến tò mò rồi cuối cùng cuỗm được vợ sài gòn luôn đấy nha.Vấn đề chị nêu lên không hề nhỏ đâu,các nhà ngôn ngữ học phải lên tiếng mới xong.

    Trả lờiXóa
  9. Chị Phương Anh!
    Trước 1975, miền Nam có nhà văn Nguyễn Hữu Ngư(20/4/1921 – 18/2/1979)cũng viết chữ y và i theo lối này.
    Ông lấy bút hiệu là Nguyễn Ngu Í (thường được ông viết là Nguiễn Ngu Í, Nguiễn Hữu Ngư), ngoài ra ông còn ký các bút hiệu: Trịnh Nguiên, Tân Fong Hiệb, Phạm Hoàn Mĩ, Trần Hồng Hưng, Lưu Nguiễn, Đ.T.T, Nghê Bá Lí, Ngư Fi Lô Cố, v.v...
    Em tưởng đó chỉ là một lối lập dị để gây sự chú ý, bình thường thôi!
    Không dè từ sau 1975, lối viết ấy lại thịnh hành, mà em nghĩ là hình như với chủ đích gây nhiễu, bài bác chữ viết miền Nam! :)

    Trả lờiXóa
  10. Chị Phương Anh!
    Trước 1975, ở miền Nam có nhà văn Nguyễn Hữu Ngư (20/4/1921 – 18/2/1979)thường dùng chữ y và i theo lối tréo ngoe này.
    Ông lấy bút hiệu là Nguyễn Ngu Í (thường được ông viết là Nguiễn Ngu Í, Nguiễn Hữu Ngư), ngoài ra ông còn ký các bút hiệu: Trịnh Nguiên, Tân Fong Hiệb, Phạm Hoàn Mĩ, Trần Hồng Hưng, Lưu Nguiễn, Đ.T.T, Nghê Bá Lí, Ngư Fi Lô Cố...
    Âu đó cũng là một lối lập dị để người đọc phải chú ý, vậy thôi.
    Nhưng từ sau 1975 thì lối ấy lại được dùng tràn lan, theo em nghĩ thì đây hình như là sự cố tình gây nhiễu để bài bác chữ viết của dân trong Nam. :)

    Trả lờiXóa
  11. Bây giờ MB Anh Hùng còn chơi theo Hôm nay là thứ BẨY( 7), sách giáo khoa nào ghi Địa Lý ? Toàn ghi Địa LÍ, VẬT LÍ không Hà . Còm sĩ nào đó viết mà ko nhìn .
    Nát như tương Bần nên giới trẻ ngày nay Nó bắn lại đại Bác vào chữ viết VN Nhj'n Gj' mừ Nhj'n ( nhìn gì mà nhìn)

    Trả lờiXóa