Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Về một cuốn sách từ 221 năm về trước (1)

Nó ở đây, full-text, nếu các bạn muốn lấy xuống đọc. Hoặc ít ra, để biết tôi đang nói về cái gì.

Link đây: http://pinkmonkey.com/dl/library1/right.pdf.

Lẽ ra tôi vẫn chưa quan tâm đến cuốn sách này, nếu hôm qua tôi không dịch một bài viết mới của Jonathan London trên blog của ông, ở đây: http://blog.jonathanlondon.net/.

Mở ngoặc, nói thêm: tôi dịch xong rồi mới biết là mình làm việc ... rỗi hơi, thừa, vì đồng thời với blog tiếng Anh thì Jonathan cũng có một blog tiếng Việt tên là Xin lỗi ông, nơi chứa những bài dịch tiếng Việt của những bài viết bằng tiếng Anh trên blog kia của ông. Nhưng thôi, cũng được một việc, đó là đọc kỹ, và tra kỹ những gì mình đọc, trước khi hạ bút dịch ra tiếng Việt. Và thêm những phần chú thích khi cần thiết.

Trong bài viết của mình, Jonathan có sử dụng cụm từ "Rights of Man", với cách viết khiến tôi hiểu nó phải là tựa của một cuốn sách, đồng thời nhắc tới ý mà Hồ Chủ tịch đã mượn trong Tuyên ngôn độc lập của VN, đại loại là con người phải có tự do và quyền bình đẳng .... À, ý này cũng có trong tuyên ngôn độc lập của Mỹ, điều này thì tôi biết từ lâu rồi!

Nhưng là một người dịch cẩn thận thì tôi cứ phải tra lại cho chắc ăn. Nhờ thế mới biết Rights of Man là tựa của một cuốn sách của Thomas Paine viết năm 1792, tức sau khi Thomas Jefferson đọc Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ khá lâu, vì Tuyên ngôn độc lập được viết/đọc vào tận trước đó 16 năm, vào năm 1776. Tất nhiên, tuyên ngôn độc lập của Mỹ và tên tuổi của Thomas Jefferson thì cả thế giới ai cũng biết. Còn Thomas Paine với cuốn sách của ông thì không phải ai cũng biết rõ, ví dụ như tôi chẳng hạn, ừ thì có nghe loáng thoáng gì đấy nhưng đâu có để ý.

Thế nhưng, các bạn chú ý này, trong giới chính trị, lịch sử vv người ta có đặt ra nghi vấn về tác giả thật của Declaration of Independence có đúng là Jefferson không, hay Paine mới đúng là tác giả đấy nhé! Đọc về nghi vấn ấy ở đây: http://www.crookedlakereview.com/articles/67_100/76july1994/76williams.html.

Ôi, một người như tôi thì sẽ nghĩ, ai là tác giả mà chẳng được (!), chuyện đó đã mấy trăm năm rồi, cái quan trọng bây giờ là cái ý tưởng trong những tác phẩm ấy chứ! Nhưng những nhà nghiên cứu về lịch sử và chinh trị học như ông Jonathan London thì không thế. Ông ấy không nhắc đến Declaration, mà chỉ nhắc đến Rights of Man mà thôi.

Well, thế thì dịch là tác phẩm Rights of Man (quyền làm người), chứ sao. Mà tác phẩm Rights of Man thì chẳng mấy ai biết, nên tôi phải chú thích vào bài dịch rằng đây là tác phẩm của Thomas Paine, viết năm 1792. Nhưng có bạn đọc lại sửa lưng tôi và bảo rằng, đây là ý lấy trong bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ do Thomas Jefferson viết. Well, tôi chỉ làm người dịch, nên tác giả Jonathan nhắc đến Rights of Man thì tôi dịch là Rights of Man. Mà nhắc thế chắc là có ý gì đấy, và tôi phải tôn trọng thôi.

Vậy cái cuốn sách ấy - mà bây giờ các bạn có thể download xuống đọc free, dịch và phổ biến cũng free vì đã hết bản quyền từ lâu (trên 200 năm rồi còn gì) - nó ra sao, nói gì trong đó, mà Jonathan lại nhắc đến, chứ không phải là bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng kia?

Tò mò, tôi vào đọc, và vừa kinh ngạc vừa kính trọng những tư tưởng tiến bộ mà nhà tư tưởng người Mỹ Thomas Paine đã có và thể hiện trong cuốn sách được viết cách đây đã 221 năm rồi.

(còn tiếp)

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Chủ nhật, tản mạn về "lang thang" ...



Tôi có một cái thú, có từ thuở bé đến tận bây giờ, là lang thang đi bộ.

Hồi bé, gia đình tôi rất đông anh em. Nhớ hồi tôi khoảng 10, 11 tuổi, ở xứ Nam Hòa (bây giờ vẫn là xứ Nam Hòa, Quận Tân Bình), là đứa con thứ ba ở trong nhà, tôi không còn bé để được người lớn chăm sóc, cũng chưa đủ lớn để làm những việc quan trọng như đi chợ, nấu ăn (việc nảy có chị tôi lo phụ mẹ tôi), mà dưới tôi cũng đã có 3, 4 đứa em, nên tôi thường được giao nhiệm vụ là dắt em đi chơi để mẹ tôi rảnh tay rảnh chân làm việc nhà, nấu nướng giặt giũ, sau đó mới dắt em về để mẹ tắm rửa rồi ăn cơm.

Với nhiệm vụ ấy nên ngày nào cũng thế, tôi có khoảng một vài tiếng đồng hồ để dắt các em đi lang thang quanh xóm, ban đầu còn đi gần gần, sau đó cứ thế mà đi xa dần, xa dần, khắp hang cùng ngõ hẻm của xứ Nam Hòa ấy. Mà rất lạ, tôi nhớ hồi ấy dù đi đường nào thì cuối cùng cứ đi mãi, đi mãi thì sẽ gặp ruộng rau muống, hoặc luống cải, hoặc ... nghĩa trang, và thế là không đi qua được nữa, phải quay lại. Đôi khi đi xa quá, quên mất lối về, bị lạc, đi lanh quanh lanh quanh mãi  lại trở về chỗ cũ, mà toàn là những chỗ hoang vắng), khiến tôi rất hoảng, hỏi tứ tung thì rồi cũng tìm được đường về.

Sao hồi ấy xã hội lại bình yên, an lành đến thế (lúc ấy là khoảng năm 1970, 1971), chứ bây giờ thì cho tiền cũng chẳng ai dám thả con đi lang thang như thế, nguy hiểm quá!

Những chuyến đi lang thang ấy xem ra có vô bổ, chỉ nhằm giúp mẹ tôi rảnh tay, nhưng thực ra đối với tôi lại rất thú vị. Từ bé tôi đã có óc quan sát thơ thẩn, và rất thích cỏ cây hoa lá, cả những ngọn cỏ thấp lè ở dưới đất, lại hay hái về chơi, nên biết khá nhiều loại cây cỏ làm thuốc của Việt Nam. Ví dụ như cỏ mực mà theo mẹ tôi thì có thể dùng là thuốc rơ lưỡi cho trẻ con; loại cỏ này có hoa trông giống như một bông cúc nhỏ xíu, lá màu xanh lục đậm, mọc thành đám nơi có hơi ẩm. Hoặc cây lá mơ, còn gọi là mơ lông, có một mặt xanh một mặt hơi tim tím, có nhiều lông, dùng để chữa kiết lỵ. Hoặc hoa kiến cò, trông thật giống con cò nhỏ xíu màu trắng bay lên từng đàn trên đám lá xanh, thật đẹp, hình như cũng là một vị thuốc gì đấy. Rồi lại hoa sử quân tử, loại dây leo làm giàn ở cổng nhà với những chùm hoa màu hồng từ phơn phớt tới hồng thắm thật đẹp.

Well, còn nhiều lắm, cả những loài tôi không biết tên nữa, nhưng bao giờ tôi cũng rất thích, cứ gặp hoa là dừng lại ngắm và ... hái, nếu đó là hoa dại mọc bên vệ đường mà không ai cấm. Nhưng cũng nhờ thế, mà có lần một đứa em tôi bị tưa lưỡi nặng, mẹ tôi hỏi anh chị tôi xem có ai biết chỗ để đi hái, thì cả hai đều không biết mà chỉ có tôi biết thôi, thế là tôi được phái đi hái nắm cỏ mực đó về, cảm thấy thật hãnh điện vì mình đã làm được một điều có ích.

Sau đó, đến khi đậu vào lớp 6 trường Gia Long (bây giờ là Nguyễn Thị Minh Khai) thì tôi lại càng có dịp đi lang thang, thơ thẩn hơn thế nữa. Vì lúc ấy tôi đi xe buýt từ Nam Hòa đến trường, thì phải đi bộ khoảng 10, 15 phút từ trong xứ Nam Hòa để ra đường Lê Văn Duyệt (giờ là Cách mạng tháng 8), sau đó lại phải đi bộ từ góc đường CMT8 vào Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) cũng khoảng 10 phút nữa để đến trường, và một ngày hai bận như thế. Tha hồ mà thả hồn, thậm chí đôi khi tôi còn thơ thẩn làm thơ. Những bài thơ tuổi teen của tôi (12, 13 tuổi) thường được làm trên những đoạn tản bộ đến trường như thế.

Chưa kể, có đôi khi xe buýt qua đông, đón 5, 7 chuyến vẫn không chen chân lên xe được, tôi và một đám bạn bèn đi bộ về đến nhà luôn. Cái nhóm đi bộ này của tôi gồm những người chờ tuyến xe buýt Sài Gòn - Gia Định chạy trên đường Lê Văn Duyệt, nhưng tôi là đứa ở xa nhất. Những đứa kia thì ở vào khoảng gần khu Khám Chí Hòa (đường gì tôi quên rồi), xa hơn là khoảng Tô Hiến Thành, chợ Hòa Hưng, cùng lắm là gần đến khu bây giờ là công viên Lê Thị Riêng, là hết cỡ. Còn tôi thì từ CMT8 còn phải đi vào đường Bắc Hải, rồi vào khu nhà thờ Chí Hòa, tổng cộng phải 10, 15 phút nữa, nên có thể nói, tôi là người đi bộ có thâm niên kỳ cựu!

Và cũng thế, tôi lại có dịp vẩn vơ nhìn xóm làng, nhìn đường phố, nhìn cỏ cây, đi hết qua những khu chợ nghèo, những xóm vắng đìu hiu, rồi ra đường lớn với những cỗ xe hơi bóng lộn, những cửa hiệu hàng hóa đầy chật cả những mặt hàng thiết yếu lẫn những mặt hàng xa xỉ .... Quan sát với một sự tò mò háo hức của một đứa trẻ con, rồi thỉnh thoảng lại buồn buồn vu vơ, khi thỉnh thoảng thấy cảnh một người già còng lưng đạp xích lô, hay một đứa trẻ mặt mày sáng sủa nhưng ăn mặc lem luốc, đứng nhìn những hộp bánh tây trong hộp thiếc với đôi mắt sáng vẻ háo hức rồi lại quay đi buồn buồn .... Ừ, từ bé tôi đã như thế đấy, khéo dư nước mắt khóc người đời xưa, như cô Kiều trong câu truyện của Nguyễn Du vậy.

Đấy là chưa kể mấy năm tôi đi học ở Úc. Số phận đẩy đưa, lần nào tôi cũng được run rủi ở vào một ngôi trường rộng mênh mông ở khá xa trung tâm thành phố. Thế thì tốt cho tôi với cái thú đi lang thang của tôi quá rồi. Tôi vẫn còn rất nhớ những cây với chùm bông vàng mà ở Đà Lạt gọi là mimosa, ở Úc thì hình như gọi là wattle tree mà đến mùa Xuân thì phấn bay đầy trời (tôi cứ tưởng tượng nó giống như phấn thông vàng trong bài tản văn của Xuân Diệu), có mùi hương nhè nhẹ dễ chịu nhưng lại gây khốn khổ cho những ai dị ứng với phấn hoa.

Khi bọn tôi ở Canberra, mùa Xuân còn có nạn sâu róm rớt từng chùm, từng bọc từ trên cây xuống vì hình như đấy là mùa sâu nở, trông rất gớm ghiếc đối với những ai sợ sâu, và đặc biệt hãi hùng khi nó rớt xuống đầu, xuống vai, rớt trên người bạn. Chưa kể ban đêm, khi đi từ thư viện trường về ký túc xá bọn tôi phải băng qua một khu rừng thưa, thỉnh thoảng lại có mấy chú kangaroo nhảy ra giữa đường đứng ngay trước mặt bạn, khiến bạn giật bắn mình .... Ôi, những kỷ niệm lang thang ngày ấy, sao mà nhớ thế ...

Bây giờ thì cuộc sống tất bật lắm rồi, chẳng còn thời gian đâu mà lang thang thế. Đi đâu vài bước cũng nhảy lên xe gắn máy, đến xe đạp - tải sản cá nhân lớn nhất mà mỗi người có được hồi thời bao cấp - cũng chẳng có mấy ai đi nữa (hèn chi mà chẳng béo bụng!). Mà có dành thời gian ra để đi lang thang thì cũng chẳng dễ: Sài Gòn ngày nay có chỗ nào còn vỉa hè dành cho người đi bộ nữa không nhỉ? Vỉa hè nếu không bị lấn chiếm để xây dựng thì cũng bị chiếm dụng để bán hàng, nên người đi bộ buộc lòng phải đi xuống lòng đường, thực nguy hiểm.

Và sợ nhất là khi qua đường: rõ ràng mình đi trên những đoạn dành riêng cho người đi bộ, zebra crossing hẳn hoi nhé, vậy trên nguyên tắc xe chạy trên đường phải nhường mình, thế mà theo kinh nghiệm của tôi thì tôi chưa bao giờ được nhường đường cả, xe cộ cứ chạy phăm phăm qua, kể cả những chiếc xe buýt hoặc xe tải to đùng, thật kinh hoàng, nên có thân thì lo, tôi là tôi cứ nhường cho mọi loại xe đi qua cho chắc ăn, khi nào thật vắng thì mới qua đường thôi. Có phải đấy là tinh thần mạnh được yếu thua của người VN không nhỉ?

Vâng, đấy là những cảm nhận của tôi hôm nay, khi có chút thời gian ngày chủ nhật mà không tập trung được vì công việc căng thẳng của cả tuần, tôi đã cao hứng rủ con gái đi bộ, đi thăm một tiệm sách cũ mới mở gần khu nhà tôi. Đi bộ ở SG đúng là cả một nỗ lực, nhưng thôi, như mọi việc khác, sức chịu đựng của người VN và sự lạc quan thì gần như là vô hạn, nên cuối cùng cuộc đi vất vả ấy cũng xong rồi, với khá nhiều "thu hoạch". Trước hết là thu hoạch về kiến thức, vì tôi vào hiệu sách cũ mua được mấy cuốn hay quá (để dành giới thiệu sau nhé), lại còn chụp được một lô hình, những tấm hình về những điều bình thường xung quanh tôi thôi, nhưng tôi thấy rất đẹp, vì nó thực, và vì thế, rất tự nhiên.

Những thu hoạch đó nằm trong những tấm hình mà tôi đưa lên ở dưới đây, các bạn xem và enjoy nhé. Nhất là những bạn bè, người thân của tôi ở khắp năm châu, để nhớ lại một VN, "quê hương bỏ lại", nghèo nàn, lạc hậu, nhưng vẫn đáng được yêu thương, với những con người nhỏ nhen có, gian dối có, dốt nát có, xấu xa có, nhưng cũng có những tấm lòng nhân hậu, những nỗ lực, những dũng cảm, những thông minh, sáng tạo, và lạc quan, luôn cố gắng vươn lên ...

Tôi chợt nhớ đến một bài hát của Úc mà tôi đã nghe thời còn học ở Canberra năm 1991, một bài hát rất dễ thương, đầy tình yêu nước (nước Úc, tất nhiên), mà tôi có thể mượn để tả tâm trạng của tôi lúc này, sau buổi đi "dã ngoại" tự phát, một mẹ một con, không tụ tập đông người, cũng chẳng phát tài liệu về nhân quyền cho ai cả, chỉ nói chuyện vu vơ với con gái, kể những kỷ niệm của mẹ thời xưa, lúc mẹ bằng tuổi Khuê, hay lúc mẹ mới lấy bố, lúc mẹ mới sanh anh Khôi vv ... Nhưng những câu chuyện nho nhỏ ấy, những kỷ niệm lan man ấy, tôi tin rằng nó cũng sẽ là một phần di sản của con gái tôi, một phần ký ức, trải nghiệm về quê hương đất nước, có lẽ sẽ thấm thía và có hiệu quả hơn gấp chục lần, trăm lần những bài giảng đầu môi của thầy cô trong nhà trường về lòng yêu nước, về tự hào dân tộc ...

Tôi nhiều chuyện quá rồi phải không các bạn. Chỉ một chuyện lang thang thôi, mà tôi đã lan man dây cà ra dây muống nãy giờ đến mấy ngàn từ rồi chứ chẳng chơi. Tạm biệt các bạn, các bạn xem hình nhé.

"Dù lòng vẫn còn muốn nói thêm ..." (TCS)


Hoa mười giờ, loài hoa tôi rất thích, từ thời bé.
Hình chụp sau 12 giờ trưa, hoa đã hơi héo, nhưng màu sắc vẫn còn rất tươi thắm
Ở khu nhà tôi, dù nhà phố, ai cũng phải có chút cây xanh thế này. Cho dịu bớt cái nắng nhức mắt  của SG.
Cây lưỡi hổ, trông oai phong quá!
Đường phố "ven đô"

Những mảng xanh 1: hoa khế tím hồng
Những chùm bông hồng hồng, xinh xắn này còn có thể làm thuốc chữa giun đấy các bạn ạ!

Những mảng xanh 2: trái khế trĩu cành


Cây bông giấy, một loài cây rất hợp với nắng
Quán cafe nhỏ của một quận ven đô. Nhìn cũng thơ mộng lắm chứ, phải không?



Gần đến chợ rồi!


Đường phố ven đô: Trên đường NTH dẫn ra Lê Quang Định, đường đến chợ  Gò Vấp
"Anh còn yêu vô cùng những bóng cây bên đường ..."
Nắng thế này, chỉ có chút đất cằn và gạch đá, nhưng bông dừa vẫn cứ cố nở hoa ...
Công trường cát đá, khách bộ hành dẵm đạp, những vẫn cứ có màu xanh!
Cuốn Lịch sử Đảng CSVN xuất bản năm 1984 . A ha, 1984, có ai nhớ gì không nhỉ?
Cuốn này chắc rồi phải quay lại mà mua thôi, bên trong thấy loáng thoáng mấy chữ "sự phản bội của Bắc Kinh"
Hòn non bộ mini, hỏi cho ông bạn già người Mỹ sắp về hưu vào tháng 7 này.

Viết nhân sinh nhật ông xã

Hôm nay là ngày sinh nhật của ông xã tôi, ngày 18/5.

Từ đầu tháng 5, tôi đã định bụng phải viết một cái gì đó lên blog để mừng ngày này, vì đối với tôi và gia đình tôi, mà đặc biệt là cô con gái Anh Khuê, đây là một ngày quan trọng - một dịp dể nhớ, để mừng vui.

Năm nay, sinh nhật của ông xã tôi lại đúng vào ngày thứ bảy. Là một ngày cuối tuần, lẽ ra phải có một buổi outing cho cả gia đình, cùng nhau đi ra ngoài ăn uống gì đó một chút, rồi mới về nhà ăn bánh sinh nhật - một việc làm mang tính "nghi lễ" không thể thiếu. Nhưng khổ nỗi, hôm nay cả ông xã tôi lẫn tôi đều phải đi làm, và con trai con gái đều đi làm, đi học. Không những thế, buổi tối tôi lại bận cơm khách, vì tôi có một người bạn Mỹ quen nhau đã mấy chục năm, đang ở SG, mà tôi không thể không gặp. Nên ban ngày đã không gặp mặt nhau, mà đến tối có bữa cơm gia đình thì tôi với ông xã tôi cũng không cùng ăn được.

Nhưng dù sao thì mẹ con cũng đã chuẩn bị bánh sinh nhật cho bố rồi. Nên đến tối khi tôi đi ăn cơm khách về thì vẫn còn có thể cùng cắt bánh và ăn bánh sinh nhật. Và thay vì viết bài đăng lên blog (trước đây tôi có viết một bài có tựa là "ông xã tôi" trên blog nhân dịp sinh nhật, thấy nhiều người khen hay lắm, ai tò mò thì search trên trang blog này mà đọc nhé) thì tôi vớt vát bằng cách đưa hình đây.

Phải đưa vội, viết vội để lấy ngày, vì bây giờ đã là 11:57 phút, chỉ còn 3 phút nữa là sang ngày mới, ngày 19/5, sẽ bị đụng với ngày sinh của người nổi tiếng, là điều mà cả tôi lẫn ông xã tôi (và chắc là cả con cái nữa) đều không muốn. Vì, tất nhiên rồi, gia đình tôi không muốn ăn mừng ngày sinh của ông xã tôi mà lại bị mọi người tưởng lầm rằng mình mừng ngày sinh của người khác.

Vâng, và dưới đây là mấy tấm hình do tôi và con gái tôi chụp (hình một mình ông xã tôi là do tôi chụp, còn hình 2 ông bà là con gái chụp).





 Đấy, ông xã tôi, vào ngày sinh nhật thứ 56 của ông ấy. Tôi và ông ấy đã sống chung với nhau được 28 năm rồi, con trai lớn bây giờ đã 26, chỉ nhỏ hơn ông ấy lúc mới gặp tôi có 2 tuổi thôi. Gần 30 năm, buồn vui giận hờn yêu thương cãi cọ sóng gió hờn giận có đủ cả rồi. Nhưng hình chụp xong thì con gái bảo, bố mẹ già rồi mà nhìn vẫn còn ... tình quá nhỉ.

Chuyện, còn phải nói, mẹ đã quyết định rồi thì không thể nào sai được, phải không Khuê? Kể cả, và nhất là, trong chuyện chọn một người để cùng đi hết cuộc đời với mình - một lựa chọn mà tôi chưa bao giờ hối tiếc, dù (suỵt, nói nhỏ nhỏ) không phải là tôi không có những lựa chọn khác mà xét theo những tiêu chuẩn đời thường như tiền bạc, địa vị vv thì có vẻ là tốt hơn. Bởi vì, như St Exupery đã nói: "Điều quan trọng nhất mắt người không thấy được. Người ta chỉ nhìn rõ mọi vật tự tấm lòng."

Còn anh, anh có bao giờ tiếc là đã có lựa chọn này không? Well, giả dụ nếu có (vì tôi là một người cực kỳ khó tính, khó chịu, như nhiều người hay nói), thì tấm hình chụp chung vào ngày sinh nhật này không hề cho thấy điều đó, phải không mọi người? :-)

Vì, chứ còn sao nữa, rõ ràng như các bạn có thể thấy qua những bài viết của tôi, tôi chiều ông ấy quá còn gì! (Nói theo lời của Khuê là "mẹ lăng-xê bố"!) Nhưng thế thì đã sao, mắc gì mà không dám lăng xê chứ?

Bởi vì tôi đã viết, rất thực lòng, trên blog này, rằng "may mà có anh/đời còn dễ thương" cơ mà?

Happy birthday, anh xã nhé!

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

"Của chuột và người"

"Của chuột và người" là một cuốn truyện vừa của John Steinbeck, nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel văn học năm 1962.

Lần đầu tiên tôi đọc cuốn truyện này là vào trước năm 1975, không rõ là năm nào. Lúc ấy, tôi còn đang học cấp 2, đâu khoảng 13, 14 tuổi gì đó, và không thực sự hiểu câu truyện này lắm. Tôi chỉ nhớ ấn tượng rõ nét nhất của tôi về cuốn sách này là nhân vật Lennie to con nhưng ngốc nghếch, một thằng khờ đúng nghĩa nhưng rất dễ thương, rất thích chơi với những con vật nho nhỏ, mềm mềm như thỏ, chuột, và hầu như lúc nào cũng dấu trong người một con chuột (thường là đã chết) để vuốt ve thỏa thích. Chỉ có vậy thôi, còn toàn bộ câu truyện thì tôi không ấn tượng gì lắm, và dường như tôi đã bỏ dở không đọc đoạn chót.

Sau này, khi trưởng thành vào học tại ĐH Tổng hợp TP HCM Khoa Ngữ văn nước ngoài (ngành Anh văn) sau năm 1975 (tôi vào đại học năm 1978) thì tác giả John Steinbeck với các tác phẩm của ông lại nằm trong danh sách các tác giả mà bọn tôi được học.  Chính vào lúc ấy - ở tuổi 20 - tôi đã đọc lại đầy đủ và kỹ lưỡng cuốn tiểu thuyết này, hiểu nó một cách sâu sắc, và nhận ra rằng cuốn truyện không dài của John Steinbeck về một thằng khờ có tên Lennie và người bạn thân thiết (đồng thời cũng là người bảo vệ, che chở) của cậu ta là một lời tố cáo rất sâu sắc những bất công, sự tàn bạo và bất nhân tồn tại trong xã hội Mỹ vào thời ấy.

Cuốn tiểu thuyết này được dịch ra tiếng Việt lần đầu tiên là vào năm 1967, 30 năm sau khi tác phẩm ra đời, bởi hai dịch giả ở miền Nam là Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập. Chính các dịch giả này đã là "thủ phạm" đã dịch cái tựa "of mice and men" ra thành "của chuột và người", mà có người cho là chưa chính xác. Chưa chính xác, bởi vì giới từ "of" trong cái tựa dường như không hề có nghĩa sở hữu (của), mà có nghĩa là "liên quan đến" hoặc "về". Thì rõ ràng cuốn tiểu thuyết ấy là nói về những con chuột và những người đàn ông mà lại. Cho nên những dịch giả sau này có sửa cái tựa lại thành "Về chuột và người".

Đúng hay sai chưa bàn đến vội, nhưng vì cái tựa đã được các dịch giả đầu tiên dịch ra thành "của chuột và người" rồi nên cách dịch này đã được mọi người quen và chấp nhận, thậm chí lại thấy hay (chính tôi trước đây cũng nghĩ "của" là sai, nhưng vẫn thích vì thấy nó ... hay hay vì có gì đó có vẻ bí hiểm). Mãi cho đến sau này tôi mới biết từ "của" ở đây không hề sai mà còn rất đắt, vì cái tựa đã được đặt theo một câu thơ mà bạn sẽ được đọc trong những phần giới thiệu cuốn sách dưới đây, mà các bạn nào chưa đọc và không biết nhiều về cuốn tiểu thuyết này có thể đọc tạm để hiểu:

http://vietsciences.free.fr/biographie/artists/writers/steinbeck.htm

Năm 1937, John Steinbeck cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Về Chuột và Người” (Of Mice and Men). Đây là câu chuyện bi thương giữa hai công nhân di cư gắn bó với nhau. Cuốn tiểu thuyết này đã được Câu Lạc Bộ Sách Trong Tháng (Book-of-the-Month Club) chọn lựa và tác giả John Steinbeck được Hội Văn Học (The Best Literary Society) ca ngợi tại thành phố New York. Sau đó nhà văn tới sống tại Hạt Bucks (Bucks county) thuộc tiểu bang Pennsylvania để cộng tác với George Kaufman trong việc đưa tác phẩm lên sân khấu, với kết quả là tác phẩm “Về Chuột và Người” đã thành công theo kịch nghệ hơn là về mặt tiểu thuyết, đã giật được Giải Thưởng Phê Bình Kịch New York (the New York Drama Critic Circle ‘s Award) ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên rồi sau đó kịch bản này được chuyển thành một cuốn phim hấp dẫn.

Để viết ra các cuốn tiểu thuyết, John Steinbeck thường phải sống, làm việc và hiểu rõ về loại người mà nhà văn muốn mô tả. Vì vậy ông đã đi tới tiểu bang Oklahoma trong khi vở kịch “Về Chuột và Người” đang được trình diễn trên sân khấu Broadway. John Steinbeck tham gia cùng các di dân trên con đường hướng về California, cư ngụ với họ tại Hoovervilles, xin việc làm giống như họ, hòa đồng vào loại người trôi dạt này để hiểu rõ các đặc tính của họ. John Steinbeck đã thăm viếng nhiều trại di dân, quan sát hoàn cảnh làm việc của họ và mô tả các cảnh ngộ của những người thiếu may mắn này.

http://www.tinhte.vn/threads/moi-ngay-mot-quyen-sach-hay.1180028/page-9



“Của chuột và người”, viết vào khoảng năm 1933. John Steinbeck, muốn nêu lên cảnh trớ trêu của những số phận trong xã hội đương thời là:

Từ ước muốn đến hiện thực người ta đều vấp phải những hoàn cảnh, những trở ngại cay đắng của đời thường, không thể nào thực hiện được. Những nhân vật trong cuốn “Của chuột và người” này đều là nhân chứng của câu thơ của Robert Burns mà John Steinbeck lấy làm chủ đề tư tưởng: “Những dự tính hoàn hảo của chuột và người thường không thực hiện được”

But Mousie, thou art no thy lane
In proving foresight may be vain:
The best laid Schemes o’mice an’ men.
Gang aft a-gley
An’ lea’e us nought but grief an’ pain
For promised joy

Ai đã đọc “Chùm nho phẫn nộ” hẳn cần phải đọc thêm “Của chuột và người” để thấy được sự bi thống, thảm thiết của lớp người nông dân nô lệ, những con người đầy những đặc tính bản chất tốt đẹp bị đẩy vào những bước đường cùng. Làm sao họ có thể có được một trang trại nhỏ? Làm sao họ có thể chung sống êm ấm với nhau, với sự yêu thương thật sự trong khi họ là kiếp làm thuê? Kiếp người trôi nổi theo sự nghèo khó.

Có một giai thoại xảy ra xung quanh tác phẩm này. Sau lần xuất bản đầu tiên (1937), “Của chuột và người” đã có tiếng vang lớn. Sau đó tác phẩm được chuyển thể thành kịch và được diễn rất lâu đến mức kỷ lục trên sân khấu và được khán giả yêu thích đòi hỏi diễn lại trong nhiều năm, thì cũng là lúc bản thảo gốc của nó, bị con chó Roby vốn được Steinbeck rất chiều chuộng nhai nát nhừ.

Steinbeck đã đùa, nói hóm hỉnh tâm sự với một người bạn: “Con Toby của tôi quả là nhà phê bình sâu sắc nhất về tác phẩm này!”. Nhưng các nhà nghiên cứu văn học Mỹ lại đánh giá “Của chuột và người” là “Khuôn mẫu kỳ diệu nhất của tiểu thuyết Hoa kỳ trong thập niên 1930-1939”.

Nếu đến đây các bạn cảm thấy thích thú với cuốn tiểu thuyết và muốn đọc trọn cả cuốn thì xin tìm đọc bản dịch đầu tiên ở đây: http://vietmessenger.com/books/?title=cuachuotvanguoi&page=1. (Các bạn vào link nói trên rồi search: "của chuột và người" thì sẽ ra sách). Ngoài ra, các bạn cũng có thể đọc thêm bản dịch của Đào Văn Bình, dịch vào năm 2010 (?), và thử so sánh chất lượng của hai bản dịch, tại đây: http://www.cattien.us/ebook.aspx?sel=49. Có thể sẽ phát hiện ra những khác biệt thú vị.

"Của chuột và người" ... Tại sao hôm nay tôi lại nhớ đến tác phẩm này nhỉ? Tôi không rõ. Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu được, tôi nhớ ai đó đã để lại một câu danh ngôn như vậy. Trái tim tôi đêm nay không ngủ yên, và tôi cũng cùng thức với nó. Chỉ còn vài tiếng nữa là phiên tòa xử hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha sẽ diễn ra. Không hiểu nó sẽ diễn ra như thế nào, và kết cục ra sao. Tôi nghĩ không ai muốn - kể cả những người sẽ ngồi ở ghế xét xử - kết cục của phiên tòa giống như kết cục của cuốn tiểu thuyết "của chuột và người": tất yếu vì dường như không còn cách nào khác, nhưng sẽ làm cho trái tim của độc giả đau thắt. Tôi nhớ đến một câu nói mà tôi đã đọc được trên facebook về vụ việc này: Chỗ của các em sinh viên với khuôn mặt trong sáng như thế không phải là ở trong tù.

Vâng, chỗ của các em (bằng lứa tuổi con cái của tôi) phải là ở trên giảng đường, và những gương mặt trong sáng, tự tin và lạc quan với tấm lòng yêu nước sôi sục dường ấy - dù không đúng theo ý của Đảng CSVN và Nhà nước VN -  lẽ ra phải những gương mặt đại diện cho đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam hiện nay, mới thực xứng đáng.

Tôi hoàn toàn không muốn khi biết kết quả của phiên tòa ngày mai, tôi và mọi người VN khác sẽ phải đau đớn kêu lên: tại sao, tại sao - như tôi đã kêu thầm sau khi đọc xong cuốn "Của chuột và người" năm tôi 20 tuổi - tuổi của các em Phương Uyên, Nguyên Kha sắp ra trước vành móng ngựa hôm nay, để trả lời về tội yêu nước không theo đúng định hướng của Đảng và NN.

Ôi, "những dự tính hoàn hảo nhất của chuột và người" ...

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Nhân ngày của mẹ

Tháng Năm, có Ngày của mẹ - Mother's Day.

Không, tôi xin nói lại cho đúng: Tháng Năm, ở nhiều nơi trên thế giới, người ta kỷ niệm ngày của mẹ. Trong cụm từ "ở nhiều nơi trên thế giới ấy", tôi vẫn chưa biết chắc là có bao hàm cả Việt Nam hay không.

Về ngày này, tôi muốn viết thật nhiều, đặc biệt là về mẹ tôi - bà đã mất cách đây hơn 20 năm rồi, vào thời kỳ đầu thập niên 90 khi VN chỉ vừa mới mở cửa, và mất ở một cái tuổi còn rất trẻ, mới 57 tuổi. Còn tôi thì bây giờ cũng đã gần đến chỗ ấy rồi. Suốt hơn 20 năm nay, lúc nào tôi cũng tự nhủ sẽ có lúc viết về mẹ, để nói ra những gì mình muốn nói khi mẹ còn sống nhưng chưa bao giờ kịp nói.

Nhưng rồi tôi cứ lần lữa mãi, vì khi nghĩ đến mẹ thì rất nhiều ký ức và cảm xúc cũ lại ùa về, đến làm cho tôi tê liệt. Đầu óc thì rối lên, trong lòng thì dập dồn cảm xúc, lẫn lộn buồn vui, thương nhớ và trìu mến. Và cả đến bây giờ, ngay lúc này, tôi vẫn chưa thoát ra khỏi tâm trạng ấy.

Thôi thì hãy cứ nỗ lực bằng một entry tản mạn như thế này, "nhân ngày của mẹ" ...

Khi bạn không tự diễn đạt được cảm xúc của mình, thì tốt nhất hãy mượn lời của thi ca. Vâng, xin tặng các bạn bài thơ này nhân ngày của mẹ, cũng là lời của chính tôi gửi đến mẹ tôi đang ở trên cõi cao xa kia.

Mum


© Kim Horner

If I took a little minute to write a poem for you
It would turn into a lifetime for all the things you do….
So I’ll try and keep it simple
There’s some things I wish to say
And what better day to say them on
Today on mothers day..

Things haven’t been easy for you
We know you’ve had it tough
With one thing or another
God knows enough’s enough

At times you’re so frustrated
And you’re feeling rather low
But you’re cherished by your family
More than you will ever know

We know you want your life back
And how things used to be
But things will soon get better mum
Just you wait and see

In all my life you guided me
And showed me right from wrong
Your are my inspiration mum
You’re the music in my song

You were there for me when times were hard
You’re always close at hand
You guided me to happiness
You’re the best mum in the land

I never could repay you
You’re worth your weight in gold
If ever I would need you mum
Your hand is there to hold

Your advice is always listened to
But you always have to say
“It’s your decision” sweetheart
You’ll make it come what may

So thank you mum for making me
The person I’ve become
And through you’re loving guidance
I’m a clone of you “my mum”

Source: Thank You Mom, Mothers Day Poem http://www.familyfriendpoems.com/poem/thank-you-mom-3#ixzz2SwSh1iQE
www.FamilyFriendPoems.com
------------
(PS: Bài thơ này tôi có ý định dịch ra tiếng Việt nhưng còn đang bận quá chưa dịch được. Các bạn cứ kiên nhẫn theo dõi blog này, thế nào cũng có lúc tôi dịch đấy ạ, hy vọng sẽ sớm! Meanwhile, xin cứ enjoy blog và đọc những bài khác vậy, hi hi!)


Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Thơ lục ngôn và mấy chuyện lặt vặt của Đường thi (Giang Nam Lãng Tử)

Cách đây ít lâu, trước đợt nghỉ lễ tôi có đăng bài viết "Thơ lục ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn" để giới thiệu một bài viết của anh NĐH. Trong bài viết ấy, anh NĐH có đề cập đến bài "Lục ngôn tuyệt cú" của Vương Duy đã được anh GNLT nhắc đến trong bài viết về Cảnh - Sự - Tình trong Đường thi mà tôi đã đăng lên trước đó.

Sau đó, tôi lại nhận được bài mới (cũng cả tuần lễ nay) của anh GNLT nhằm trao đổi tiếp những vấn đề liên quan đến Đường thi, có đề cập chút ít đến những gì mà anh NĐH đã nhắc đến trong bài viết của anh. Như thế có nghĩa là những bài tôi đăng lên ở đây được nhiều người đọc, thậm chí đọc kỹ, là điều làm cho tôi vừa ngạc nhiên vừa sung sướng, vì tôi cứ nghĩ số người yêu thơ - mà lại là thơ cổ nữa chứ! - trong xã hội VN hiện nay đâu còn mấy người? 

Và thế là đang có một cuộc trao đổi nho nhỏ giữa hai người bạn thơ của tôi về những vấn đề mà các bài viết ấy đặt ra đã được mở ra (và khép lại?) trên blog này. Còn chúng ta - tôi và các bạn, những bạn đọc thường xuyên của blog này - là những người hưởng lợi nhé, vì tự dưng có được nguồn cung cấp kiến thức cho chúng ta, đỡ phải tự mò mẫm tìm kiếm, và (thường là) lạc lối. 

Và xin nói thêm, về chuyện văn thơ, cổ thi, Hán văn và kiến thức về văn hóa, văn học Trung Hoa, tôi là kẻ hoàn toàn mù tịt, một đứa trẻ sơ sinh khóc ngằn ngặt trong đêm tối ("An infant crying in the night", thơ Lord Alfred Tennyson), nên những trao đổi, tranh luận như thế này tôi chỉ biết "dựa cột mà nghe" thôi ạ, vì làm gì có ngôn ngữ mà trao đổi lại, nếu muốn nói gì thì có tiếng khóc mà thôi ("with no language but a cry" - ấy là nói tiếp theo bài thơ của Tennyson ấy ạ).

Các bạn đọc bên dưới nhé. Enjoy!
------------------
Mấy chuyện lặt vặt của Đường thi

Bữa trước Lãng tử gửi cho blogAnhvu bài CẢNH- SỰ -TÌNH …hầu khép lại chủ đề Đường thi dẫn luận Nhưng hóa ra chưa thể ngừng được, ít nhất là bởi vì mình nhiều chuyện đi “đố” bạn đọc 03 câu sau bài Đỗ Phủ. Ngày tháng trôi qua, thật bẽ bàng, chẳng ai thèm “đáp” cả. Vậy, tự mình đáp mình cho trọn bài vậy.

Trước hết bàn chuyện “lục ngôn”.

1.Thơ lục ngôn, có hai quan niệm.

Một, bản thân nó là một dạng thơ cổ phong (không liên quan Đường luật, ra đời trước
Đường luật và chịu ảnh hưởng Luật khi Đường luật đạt đỉnh cao), loại này TQ có nhiều,
Việt Nam cũng có, như thi hào Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng viết những bài
hay để đời trong các tập Quốc âm thi tập (thơ tiếng Việt chữ Nôm)

“Góc thành Nam / lều một gian,

No nước uống / thiếu cơm ăn.
Con đòi trốn / dường ai quyến,
Bà ngựa gầy / thiếu kẻ chăn…”


(Dấu /: ngắt nhịp 3/3. Con đòi: tớ gái. Có lẽ nó bị ai quyến rũ đi. “Bà ngựa” có lẽ ngựa cái - Lãng tử chú)

Hoặc:
“Quê hương/ là gì /hở mẹ
Mà cô/ giaó dạy /phải yêu
Quê hương /là chùm/ khế ngọt
Ai đi /xa cũng/ nhớ nhiều”

(Đỗ Trung Quân)
 

(Giọng điệu: thầy giáo gõ thước nhịp nhàng, học trò đọc theo. Học trò Tàu thì dùng cái đầu đảo vòng tròn như con nắc nẻ, buồn cười lắm)/

Hai, lục ngôn được coi là dạng phá cách của Đường luật. Nhìn vào bài lục ngôn Đường luật phá cách ắt phải thấy được các dấu tích khác của Đường luật (như bố cục, luật, vần, đối…) mà chỉ chấp nhận cho “phá’ một phần nào đó thôi.

Bài của Vương Duy đã ghi tựa rõ “Lục ngôn tuyệt cú” thì nó không phải cổ phong mà là Đường luật phá cách.

2. Ba câu đố của bài “Tuyệt cú” Đỗ Phủ

Đố 1 là : Chỉ ra « kiểu đối » trong bài Tuyệt cú. Đố 2 :« Rốt cục Đỗ Phủ có trở về quê không » ? Đố 3: Câu thơ nào kỳ diệu nhất trong bài Tuyệt cú?

Giải đố 1


Cặp đối 1.2 :
« Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên ».


Người ta dễ nhìn thấy hai cảnh sinh động, vui vẻ của hai loài chim là đồng điệu nên có thể nói cặp đối là song hành, tương hỗ. Đặt vào hoàn cảnh Đỗ Phủ thì đó là hai sự lựa chọn một mất một còn, vậy nó là đối tương phản (về nhà / hay tiếp tục giang hồ ?)
 

Cặp đối 3.4 :
«Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền »


Hiểu thế này vậy: núi cao - sông dài, trời lạnh- đường xa. Những hình ảnh tập trung nói về nỗi gian nan, diệu vợi trên đường đời. Vậy là đối song hành.

Thiên hạ xưa nay đều ca tụng Đỗ Phủ là nhà thơ «nghiêm túc» nhất (hiểu theo nghĩa làm thơ đúng luật), câu chữ được gọt giũa đến tuyệt đối.

Giải đố 2 và 3: Câu thơ nào kỳ diệu nhất ? Rốt cục ĐP có về quê không ?

Tứ tuyệt chuẩn mực khó nhất viết câu 3 (câu luận).
Câu này không thể theo mạch câu 1.2 được, mà phải dứt ra, rẽ lối đi vào chung kết (câu 4). Ví như con thuyền tứ tuyệt đang trôi chầm chậm trên trên dòng sông, gặp cái thác (câu 3) nó ào ào đổ xuống, khi tới câu 4 nó kêu rầm lên, tung bọt sóng – tạo ra hiệu ứng bất ngờ của bài thơ.

Mặt khác câu 3 theo bố cục, nó phải bày tỏ cảm xúc, ý kiến. Đỗ Phủ mượn cái lạnh của núi Tây Lĩnh ( thực ra không thể thấy lạnh vì nó quá xa) để nói lòng mình nguội lạnh chí giang hồ... Chuẩn bị như thế là tạo cái thác nươc cho thuyền đổ xuống câu kết : lên thuyền đi qua Đông Ngô, về quê Hà Nam. Đây cũng là lời đáp câu đố 2 «rốt cục Đỗ Phủ có về quê không».

Lãng tử chọn ba bài thơ hàm súc nhất, bí ẩn nhất, khó bình giải nhất để khép lại loạt bài về Đường thi dẫn luận.

3. Trao đổi với Nguyễn Đại Hoàng tiên sinh

NĐH hiểu lầm ý Lãng tử nên anh viết: "Giang Nam tiên sinh cho rằng mỗi câu có thể thêm một chữ để trở thành thất ngôn tứ tuyệt". Anh hiểu rằng "GNLT muốn sửa thơ Vương Duy". Đọc lại đoạn đó sẽ thấy Lãng tử chỉ nói (giả định, tưởng tượng) rằng Vương Duy nếu muốn có tứ tuyệt chuẩn mực hình thức thì ông thêm mỗi câu một chữ chẳng khó gì (đại ý thế)....

Nào chúng ta cùng đọc lại đoạn văn đó:
« Chỉ cần thêm mỗi câu một tiếng thì ta có thất ngôn tứ tuyệt (4x 7). Nhưng nhà thơ không nỡ thêm một “tiếng” nữa khiến vị khách quý thức giấc. Vậy thì có lục ngôn tuyệt cú (4x 6) cũng tạm được, cũng chả cần đặt tựa cho bài thơ ngẫu hứng. »

Chủ thể giả định của đoạn văn trên là Vương Duy, không phải Giang Nam Lãng tử.

Và Lãng tử đã kết luận: "đó là bài tứ tuyệt phá cách xuất sắc"- thì đâu có ý muốn sửa gì nữa! Còn anh NDH có thể chưa hài lòng với « lục ngôn Vương Duy » mà muốn sửa thành «ngũ ngôn» thì điều đó tùy cảm hứng của anh. Văn chương là của chung thiên hạ.

Anh NDH ghi chú thích "túc vũ": “mưa đêm” e rằng chưa hẳn đủ (thông thường người ta nói “dạ vũ" chỉ mưa đêm). Chữ Túc đa nghĩa, cần chọn nghĩa sao cho hợp với từ pháp. "Túc" có thể là "đêm" và dùng trong trường hợp danh từ chỉ buổi "tối" như là chủ thể (ví dụ"lưu trú nhị túc" : nghỉ lại hai đêm) ...Túc cũng có nghĩa "giữ lại", "cũ", "ở yên"..dùng trong trường hợp làm định ngữ cho chủ thể khác.Ví dụ "túc trực" : trực lâu, chăm chú vào một việc gì đó, có tình cảm đặc biêt (Khác xa với “thường trực” chả cần cảm xúc gì, như trực điện thoại, trực văn phòng, trực đèn biển... do nghề nghiệp...). « Túc vũ » nói cành đào hồng cố giữ yên giọt nước mưa (không muốn giọt mưa rơi rụng, khô), chất thơ là ở đây, còn người thì « cố ngủ », Cảnh giống như người, có hồn, đồng điệu với
người.

Dịch nghĩa đầy đủ câu 1 là "Đào hồng vẫn còn giữ nước mưa cũ", mặc nhiên hiểu là "mưa đêm qua" rồi, bởi không gian thời gian lúc ấy là trời rạng sáng. Câu 2: Liễu xanh còn "đeo (đới) sương sớm (tương tự ý tứ như đào hồng). Hai cây hoa này hợp với ý "gia đồng" (cũng còn cố ngủ) nên chưa thức quét hoa rụng, Khách cũng cố ngủ nướng, bởi tiết trời xuân đẹp quá, ngủ ngon quá. Cái ý lớn bao trùm là có bốn kẻ ngủ say và hai kẻ thức (chim oanh và chủ nhân tức nhà thơ)... Trong ngôn ngữ Trung Hoa chỉ cần nói “đào hồng liễu xanh” là đủ hiểu cảnh mùa xuân, như miền Nam bộ ta nói “mai nở vàng” là Tết rồi.

Tiếc là bài trước Lãng tử chưa bày tỏ hết nét nghệ thuật của "lục ngôn" với nhịp 2/2/2 miêu tả được nhịp bước chân đi dạo, đều đặn thong thả ngoạn cảnh của Vương Duy nữa. Nếu anh NDH sửa thành ngũ ngôn với số từ lẻ (5) hoặc có bạn đọc rút nữa thành (3) tiếng thì mất cái nhịp điệu thơ đó, như thế bài thơ chỉ còn chứa“thông tin cô đúc” nhưng lại thiếu đi chút cảm xúc và không khí của nó.

GNLT