Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2008

"If we keep doing things like this, the 'physics test incident' will happen again!"

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Thứ Ba, 24/06/2008, 20:03 (GMT+7)

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=265219&ChannelID=13

GS Lâm Quang Thiệp:

"Nếu không thay đổi cách làm, sự cố “đề vật lý” sẽ còn lặp lại!"


GS Lâm Quang Thiệp
TTO - Sai sót trong đáp án đề thi trắc nghiệm (TN) môn vật lý của kỳ thi tốt nghiệp THPT tuy đã được Bộ GD-ĐT giải quyết nhưng vẫn để lại dư âm là những ý kiến tranh luận chưa có hồi kết về “đáp án đúng” cùng những băn khoăn, lo lắng cho các đề thi TN trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới.

>> Đáp án đề thi vật lý là phù hợp
>> Bộ GD-ĐT chính thức điều chỉnh đáp án môn vật lý
>> Về đáp án đề thi vật lý: Nếu sai sẽ điều chỉnh, không ảnh hưởng đến tiến độ chấm thi

Với tư cách là một chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu về phương thức thi TN, GS LÂM QUANG THIỆP - nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online xung quanh chủ đề làm thế nào để nâng cao chất lượng, đảm bảo độ chính xác của các đề thi TN và khi xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kết quả thi của TS…

* Sau khi Bộ GD-ĐT công bố hướng dẫn chấm đối với đề thi môn vật lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, đáp án của một câu TN đã gây nhiều tranh luận. Theo GS đó là một việc bình thường hay bất thường trong thi TN? Có thể xem một đề thi TN phải chỉnh sửa đáp án, khó xác định đáp án nào thật sự phù hợp như vậy là không đạt hay không?

- Tôi có theo dõi tranh luận về đề thi vật lý trên báo chí, nhiều giáo viên chuyên dạy môn vật lý phát hiện ra câu hỏi không phải chỉ có 1 mà là 2, 3 phương án đúng. Cuộc tranh luận rất lý thú và có nhiều ý kiến hợp lý. Điều này là bình thường và dễ xảy ra đối với một câu hỏi TN nói chung, vì người viết và người đọc duyệt một câu hỏi dù có chăm chú đến đâu cũng khó nhìn được toàn diện nên dễ sơ suất, chỉ có những người làm bài với các trình độ khác nhau, suy nghĩ về câu hỏi theo nhiều cách khác nhau mới phát hiện được mọi khía cạnh của nó.

Việc tranh luận về các câu hỏi TN theo kiểu này nếu diễn ra trong phạm vi một lớp học thì rất tốt, vì nó giúp học sinh hiểu kiến thức sâu hơn. Tuy nhiên, đối với một đề thi quốc gia thì sự có mặt những câu hỏi như vậy là bất thường. Và tất nhiên đề thi có các câu hỏi như vậy phải xem là không đạt, chính vì vậy nên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục mới phải tốn công sức để đưa ra các phương án xử lý và điều chỉnh cách chấm. Một đề thi quốc gia cho hàng trăm nghìn thí sinh làm phải đảm bảo tính tiêu chuẩn hóa cao nhằm đạt sự công bằng cao khi chấm thi, và các câu hỏi có vấn đề như vậy lẽ ra phải được loại trừ trước, không đưa vào đề chính thức.

* Vậy một đề thi như vậy có thể ảnh hưởng đến kết quả thi như thế nào, thưa GS?

- Đề thi TN là một cái thước đo, dùng để đo năng lực của thí sinh. Phép đo nào cũng có sai số, nhưng đối với các phép đo quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ thi tuyển sinh ĐH thì phải cố gắng tạo ra thước đo càng chính xác càng tốt, vì kết quả phép đo đó quyết định số phận của nhiều người. Đề thi chứa các câu hỏi có vấn đề như vậy là một thước đo không chính xác, hiển nhiên kết quả đo bị ảnh hưởng xấu.

Đối với đề thi vật lý lần này tôi chưa thể nói nó ảnh hưởng như thế nào đến mức chính xác của kết quả đo, vì riêng câu hỏi được tranh cãi đã lộ rõ nhược điểm, nhiều người phát hiện được là lời giải không đơn trị, còn các câu hỏi khác của đề chưa biết chất lượng thế nào. Chỉ sau khi phân tích thống kê từng câu hỏi bằng các phần mềm xây dựng trên khoa học TN thì mới có thể đánh giá chính xác chất lượng của từng câu hỏi và của đề thi.

Tôi đã phân tích tất cả các đề thi tuyển sinh ĐH năm ngoái, một số đề có nhiều câu hỏi chất lượng kém, tuy không thấy có tranh luận trên báo chí vì không thật lộ liễu, chẳng hạn đề tiếng Anh. Tôi rất mong có dịp trao đổi với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục về điều đó. Có thể ví một đề thi có nhiều câu hỏi chất lượng kém như một cái thước đo bằng dây cao su, kết quả đo sẽ rất kém chính xác. Tôi hi vọng đề thi vật lý vừa rồi không đến nỗi như vậy.

Để đề TN đạt chất lượng cao các nước tiên tiến đều tuân theo qui trình xây dựng đề TN nghiêm túc. Việt Nam ta hoàn toàn có khả năng xây dựng các đề TN tiêu chuẩn hóa có chất lượng cao, vì có nhiều chuyên gia hiểu biết về qui trình này và cũng có nơi đã xây dựng được phần mềm phân tích theo lý thuyết TN hiện đại.

Sở dĩ đề thi vật lý còn có câu hỏi kém chất lượng một cách lộ liễu như thế có lẽ vì Cục Khảo thí không tuân thủ theo đúng qui trình xây dựng các đề thi quốc gia theo công nghệ TN hiện đại. Trong đó, khâu quan trọng nhất là đảm bảo sao cho mọi câu hỏi trước khi đưa vào đề TN chính thức phải được thử nghiệm trên một số lượng nhất định đối tượng tương tự như thí sinh, trong trường hợp này là học sinh lớp 12.

* Theo GS, làm thế nào để trong đề thi không còn các câu hỏi kém chất lượng? Một trong những nguyên tắc của Bộ GD-ĐT đối với đề thi là không ra đề vào những phần còn đang gây tranh cãi, quá khó hoặc đánh đố TS. Đề thi TN có thể tuân thủ được những qui định này không?

- Trước đây khi góp ý cho bản trưng cầu ý kiến của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục về việc có nên sử dụng chủ yếu phương pháp TN hay không cho kỳ thi quốc gia, tôi đã trả lời là tôi không ủng hộ TN nếu làm đề TN không đúng qui trình, và ủng hộ TN nếu làm đúng. Chính công nghệ TN hiện nay cho phép đưa ra một qui trình xây dựng các đề thi TN có chất lượng cao, loại bỏ hoàn toàn hoặc phần lớn các câu hỏi kém chất lượng.

Một ưu điểm quan trọng của phương pháp TN là có thể sử dụng một qui trình dài ngày và có nhiều người tham gia để viết, thử nghiệm, chỉnh sửa, lựa chọn từng câu hỏi TN tốt nhằm tạo nên một đề TN chất lượng cao mà vẫn giữ được bí mật của đề thi. Kết quả thử nghiệm được phân tích bằng phần mềm TN hiện đại sẽ cho biết chất lượng của từng câu hỏi TN để chỉnh sửa hoặc loại bỏ hẳn không đưa vào đề thi chính thức.

* Nhưng thưa GS, đề thi mà chúng ta nói đến trong trường hợp cụ thể này là đề của những kỳ thi cực kỳ quan trọng như tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ, được coi như tài liệu bí mật quốc gia. Có thể thử nghiệm trước mà vẫn giữ được bí mật đề thi quốc gia không?

- Cái hay của phương pháp TN chính là ở chỗ từng câu hỏi của đề TN đều được thử nghiệm trước khi đưa vào đề chính thức, nhưng đề thi vẫn giữ được bí mật. Nếu làm đề TN cho các kỳ thi đại trà theo đúng qui trình cần thiết thì vấn đề lộ đề hầu như không bao giờ xãy ra.

Thật vậy, đối với phương pháp tự luận muốn giữ được bí mật đề thi phải hạn chế tối đa số người tham gia làm đề, cách ly họ khi làm đề và thực hiện trong một thời gian rất ngắn, điều đó dễ dẫn đến sơ suất của đề thi. Ngược lại, phương pháp TN tuy cho phép triển khai xây dựng đề TN theo một quy trình dài ngày và thu hút sự đóng góp của nhiều người nhưng đề thi vẫn không hề bị lộ, bởi vì mỗi người chỉ liên quan đến một số rất ít câu hỏi TN, và họ không được lưu giữ bất kỳ câu hỏi nào.

Chẳng hạn, một số lớp 12 được chọn làm đại diện để thử nghiệm các đề kiểm tra nhỏ 10, 15 câu TN trong một kỳ kiểm tra của lớp học, học sinh làm bài phải tuân theo một nội qui nghiêm ngặt cấm sao chép đề, đề kiểm tra làm xong được thu lại toàn bộ. Tổ chức thử nghiệm bằng nhiều đề kiểm tra nhỏ như vậy ở nhiều trường thì toàn bộ các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi TN sẽ được thử nghiệm. Qui trình thử nghiệm như vậy đảm bảo không làm lộ các câu TN.

Giả sử một học sinh nào đó tham gia thử nghiệm có nhớ được một vài câu hỏi thì xác xuất để các câu đó rơi vào đề thi chính thức cũng rất bé. Vì đến giờ phút cuối cùng trước kỳ thi một đề TN năm bảy chục câu hỏi mới được thiết kế tự động và in ra từ một ngân hàng gồm hàng nghìn câu hỏi. Cũng chính nhờ qui trình như vậy mà ngay trong khi ở nước ta chưa có nhiều chuyên gia viết câu TN giỏi thì vẫn có thể chọn lựa được các câu có chất lượng cao để làm một đề TN tốt cho kỳ thi chính thức.

Tôi rất mong những người trực tiếp quản lý việc làm đề TN cho các kỳ thi quốc gia sắp tới thực hiện việc làm đề TN đúng qui trình cần thiết. Bởi vì nếu không làm đúng như vậy thì sẽ không tận dụng một ưu điểm lớn của phương pháp TN, và chắc chắn đề TN chất lượng sẽ kém, và những trường hợp tương tự như đề vật lý vừa qua sẽ còn lặp lại!

THANH HÀ thực hiện

1 nhận xét:

  1. Hi all,
    Please read and comment! This is about the testing cycle and what could happen if we don't do things right!

    Phuong Anh

    Trả lờiXóa