Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2008

TUYỂN SINH ĐẠI HỌC TRÊN THẾ GIỚI VÀ NHỮNG LƯU Ý CHO CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN

TUYỂN SINH ĐẠI HỌC TRÊN THẾ GIỚI VÀ NHỮNG LƯU Ý CHO CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN
Vũ Thị Phương Anh

Cùng với sự gia tăng về tầm quan trọng của giáo dục đại học trong nền kinh tế tri thức, tuyển sinh đại học đang là một vấn đề được đặc biệt quan tâm trong các cuộc cải cách giáo dục trên thế giới. Trong bối cảnh này, Tháng 7/2008 vừa qua Ngân hàng Thế giới đã cho xuất bản tài liệu University Admission Worldwide (Tuyển sinh đại học trên thế giới) của tác giả Robin Matross Helms. Mục đích của tài liệu là giúp đỡ các nhà lãnh đạo giáo dục các nước đang phát triển cải cách việc tuyển sinh đại học, vì theo tác giả, việc tuyển sinh hiện nay tại các nước đang phát triển là một thực tại đầy những lo ngại và thách thức do sự thiếu minh bạch, thiên vị và bất công. Bài viết này tóm tắt những thông điệp chính từ tài liệu nói trên nhằm góp phần định hướng cho việc đổi mới tuyển sinh đại học tại Việt Nam theo kế hoạch đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo vạch ra.

Các hệ thống tuyển sinh đại học trên thế giới
Để cải cách tuyển sinh đại học, các nước đang phát triển cần học hỏi từ quốc gia nào? Trả lời câu hỏi này không phải là dễ, vì công tác tuyển sinh đang được thực hiện rất khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Theo Helms, các hệ thống tuyển sinh đại học trên thế giới có thể chia thành 5 loại, dựa vào sự có mặt hoặc không có mặt của một hoặc nhiều trong 3 kỳ thi quan trọng: kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi tuyển sinh đại học, và bài kiểm tra năng lực chuẩn hóa (standardized aptitude test).

Bảng 1: Bảng phân loại các hệ thống tuyển sinh trên thế giới

Loại 1: Thi tốt nghiệp (TN) trung học phổ thông (Secondary Leaving Examinations):
+ Thi TN quốc gia: Pháp, Áo, Ireland, Ai Cập
+ Thi TN quốc gia và xét học bạ trung học phổ thông: Tanzania
+ Thi TN quốc gia và xét hồ sơ xin học: Anh
+ Thi TN theo tiểu bang/ khu vực và xét học bạ trung học phổ thông: Úc
Loại 2: Thi tuyển sinh đại học (Entrance Examinations)
+ Thi tuyển sinh quốc gia: Trung Quốc, Iran, Cộng hòa Gruzia
+ Thi tuyển sinh quốc gia và xét học bạ trung học phổ thông: Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha
+ Thi tuyển sinh theo từng trường: Argentina, Paraguay
+ Thi tuyển sinh theo từng trường và xét học bạ trung học phổ thông: Bulgaria, Serbia
Loại 3: Xét kết quả kiểm tra năng lực chuẩn hóa (Standardized Aptitude Tests)
+ Xét kết quả kiểm tra năng lực chuẩn hóa, hoặc xét học bạ trung học phổ thông: Thụy Điển
+ Xét kết quả kiểm tra năng lực chuẩn hóa và hồ sơ xin học: Mỹ
Loại 4: Sử dụng nhiều kỳ thi (Multiple Examinations)
+ Thi tuyển sinh quốc gia, và thi tuyển sinh theo từng trường: Nhật, Nga, Pháp (hệ thống Grande Ecoles)
+ Thi tuyển sinh quốc gia, thi tuyển sinh theo từng trường, và/ hoặc xét học bạ trung học phổ thông: Brazil
+ Thi TN phổ thông và xét điểm tuyển sinh theo từng trường: Phần Lan
+ Thi TN phổ thông và xét kết quả kiểm tra năng lực chuẩn hóa: Israel
+ Thi nhiều kỳ thi do nhiều nơi tổ chức: India
Loại 5: Không tổ chức thi (No Examinations)
+ Chỉ xét xọc bạ trung học phổ thông: Na Uy, Canada
+ Chỉ xét hồ sơ xin học mà không cần kết quả kiểm tra năng lực chuẩn hóa: một số trường của Mỹ


Bảng phân loại các hệ thống tuyển sinh trên thế giới cho thấy chính sách tuyển sinh của các quốc gia là rất khác nhau, vì chúng được thiết lập để phù hợp với các điều kiện cụ thể của từng quốc gia nhằm phục vụ các mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, với tất cả sự khác biệt vừa nêu, các hệ thống tuyển sinh đại học trên thế giới cũng rất giống nhau. Có thể nói, 5 hệ thống được nêu trong bảng phân loại nói trên tựu trung tạo thành 2 nhóm chính: một nhóm tuyệt đối hóa vai trò của các kỳ thi (thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đại học, hoặc kỳ thi năng lực chuẩn hóa) do nhà nước hoặc một tổ chức bên ngoài trường đại học đứng ra tổ chức hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp; nhóm còn lại không chỉ sử dụng kết quả của các kỳ thi mà còn thêm vào những tiêu chí khác, và cho phép các trường tự quyết định một số tiêu chí xét tuyển sao cho phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng trường.

Đâu là mô hình tốt nhất cho một nước đang phát triển? Việt Nam nên chọn hệ thống nào trong 5 hệ thống đã nêu, hoặc đơn giản hơn, nên theo nhóm nào trong 2 nhóm vừa nêu?

Những vấn đề cần xem xét khi thiết lập một hệ thống tuyển sinh đại học
Thật ra, vay mượn hoàn toàn mô hình của một nước khác không phải là cách tốt để giúp thiết lập một hệ thống tuyển sinh đại học phù hợp với mục tiêu, bối cảnh và nguồn lực của đất nước. Để có những phán đoán và lựa chọn đúng về các phương thức tuyển sinh, cần hiểu rõ tác động của một số lựa chọn đến chất lượng và hiệu quả của một hệ thống tuyển sinh. Theo Helms, có 5 vấn đề cần xem xét và đưa ra những lựa chọn với những hệ quả kèm theo.

1. Mức độ kiểm soát của nhà nước
Việc kiểm soát của nhà nước đối với việc tuyển sinh đại học được thực hiện bằng 3 biện pháp:
- Quyết định chỉ tiêu tuyển sinh (hoặc ở một số nơi, số lượng thí sinh sẽ được nhận học bổng của nhà nước) mà mỗi trường và mỗi chương trình đào tạo được phân bổ;
- Thiết lập một quy trình tuyển sinh thống nhất được điều phối từ trung ương;
- Trực tiếp điều hành kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh đại học.

Mức độ kiểm soát cao nhất là khi nhà nước thực hiện cả 3 biện pháp nói trên, ví dụ như ở Trung Quốc, cũng như tại Việt Nam hiện nay. Ở nhiều nước, nhà nước chỉ nắm quyền kiểm soát một phần và tập trung vào một hoặc hai trong những biện pháp nói trên, và giao quyền cho các trường hoặc một tổ chức khảo thí độc lập thực hiện những biện pháp còn lại.

Trên nguyên tắc, nhà nước càng nắm quyền kiểm soát chặt chẽ ở đầu vào (tuyển sinh) thì càng đảm bảo chất lượng cũng như hiệu quả ở đầu ra (sinh viên tốt nghiệp). Điều này là cần thiết để nhà nước có thể thực hiện những điều tiết mang tính chiến lược, ví dụ như thu hút đủ số sinh viên học ở một ngành cụ thể nhằm đáp ứng thị trường lao động. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc kiểm soát của nhà nước không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả mong đợi, vì có rất nhiều yếu tố tác động đến kết quả của các chính sách tuyển sinh, ví dụ như tỷ lệ du học ở nước ngoài hoặc nạn chảy máu chất xám.

Trong khi đó, nếu nhà nước giảm bớt sự kiểm soát của mình và giao thêm quyền tự chủ cho các trường trong công tác tuyển sinh, thì các trường sẽ có cơ hội để tự tìm ra được những phương thức phù hợp nhất với sứ mạng, mục tiêu, và nguồn lực của mình. Mỗi trường sẽ khai thác được tối đa các thế mạnh của mình để thu hút và đào tạo ra các sinh viên tốt nhất trong từng lãnh vực chuyên môn riêng biệt để cung cấp cho thị trường lao động và đóng góp vào nền kinh tế của đất nước.

2. Mức độ khách quan của các tiêu chí tuyển sinh
Việc sử dụng điểm thi như một (trong những) tiêu chí tuyển sinh, đặc biệt là các kỳ thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ) là nhằm đạt được sự chuẩn hóa và khách quan trong tuyển sinh. Khi tất cả các thí sinh cùng được kiểm tra trên cùng một bài thi, thì việc so sánh để tuyển chọn sinh viên xem ra rất khách quan vì dựa trên những điểm số minh bạch. Sự minh bạch này là rất cần thiết tại các quốc gia có tồn tại sự tiêu cực trong giáo dục. Tuy nhiên, ngay cả nếu chỉ sử dụng kết quả của các kỳ thi trong tuyển sinh thì cũng không hoàn toàn tránh được yếu tố chủ quan, trước hết là vì thực ra đa số các kỳ thi đều phải có phần thi tự luận, vốn đòi hỏi phải đánh giá theo phương pháp chủ quan. Ngoài ra, kể cả khi thi bằng TNKQ thì cũng chỉ có phần chấm điểm là khách quan hoàn toàn, còn việc chọn lựa nội dung kiểm tra, xây dựng đáp án, đặt trọng số cho các phần của bài thi … đều là những việc làm có ít nhiều tính chủ quan.

Vì vậy, việc sử dụng thêm một số tiêu chí chủ quan khác như thư giới thiệu, học lực phổ thông, hoặc kết quả phỏng vấn trong xét tuyển để làm tăng sự đa dạng của các tiêu chí tuyển sinh sẽ có tác dụng tốt, tránh được những hậu quả của việc “dồn hết trứng vào một rổ”, làm cho việc tuyển sinh được công bằng hơn, và (kỳ lạ thay!) cách làm này lại khách quan hơn là chỉ sử dụng điểm thi.

3. Độ tin cậy và độ giá trị của các bài thi sử dụng trong tuyển sinh
Với tư cách là các thước đo nhằm so sánh các thí sinh, tất cả mọi tiêu chí được dùng trong tuyển sinh, mà đặc biệt là điểm số của các bài thi tuyển chọn, đều phải đáp ứng hai yêu cầu cơ bản của một công cụ đo lường là có độ tin cậy và độ giá trị tốt. Để đáp ứng được hai yêu cầu này, các đề thi cần được xây dựng theo một quy trình chuyên nghiệp và được thử nghiệm cẩn thận, sao cho điểm số trên các bài thi thực sự phản ánh đúng năng lực cần có của thí sinh chứ không phải là một yếu tố nào khác, ví dụ như kỹ năng đối phó với một dạng thức bài thi nào đó, hoặc là kết quả của quá trình luyện thi.

Để đảm bảo đạt được độ tin cậy cao của các kỳ thi, hình thức TNKQ đã ra đời, và trong một thời gian dài các kỳ thi năng lực chuẩn hóa sử dụng hình thức TNKQ đã chiếm vai trò độc tôn. Tuy nhiên, trên thực tế việc quá nhấn mạnh tầm quan trọng của một kỳ thi nào đó sẽ dẫn đến nhu cầu luyện thi để đạt điểm cao nhất có thể được. Hệ quả của điều này là giá trị của các bài thi bị giảm sút đáng kể, vì sẽ có những thí sinh đạt được kết quả cao chỉ do có các kỹ năng đối phó với thi cử tốt. Vì vậy, ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới hiện nay, mà đặc biệt là ở Hoa Kỳ, cái nôi của TNKQ, xu thế mới là không còn quá phụ thuộc vào điểm số đạt được của các kỳ thi năng lực chuẩn hóa (vd: SAT hoặc ACT) như trước đây nữa, mà sử dụng thêm các tiêu chí ít nhiều mang tính chủ quan khác (đã nêu ở phần 2) để góp phần nâng cao giá trị của các tiêu chí tuyển sinh.

4. Sự công bằng trong tuyển sinh
Thoạt nhìn, để đạt được sự công bằng trong tuyển sinh có vẻ là một vấn đề khá đơn giản: chỉ cần tạo điều kiện sao cho các thí sinh có năng lực tốt hơn có nhiều cơ hội học tập hơn. Nếu thống nhất với quan điểm này, thì công bằng trong tuyển sinh gần như đồng nghĩa với mức độ khách quan trong các tiêu chí tuyển sinh đã nêu ở mục 2.

Thật ra, vấn đề không đơn giản như vậy. Việc sử dụng điểm thi làm tiêu chí duy nhất trong tuyển sinh để đạt được sự khách quan đã bỏ qua một yếu tố rất quan trọng đã được các nhà chuyên môn trong lãnh vực kiểm tra đánh giá giáo dục nhiều lần nêu rõ, là nội dung của các bài thi quan trọng luôn có nguy cơ tạo ra sự đánh giá thiên lệch đối với một số đối tượng cụ thể. Ngoài ra, cơ hội làm quen với bài thi và luyện thi không đồng đều giữa các đối tượng cũng là một yếu tố tạo ra bất bình đẳng trong tuyển sinh.

Quan trọng hơn nữa, vai trò của giáo dục đại học trong việc thúc đẩy sự công bằng xã hội giữa các nhóm đối tượng cũng cần phải được xem xét. Các đối tượng thiệt thòi trong xã hội (nữ giới, dân tộc ít người, dân cư các vùng hẻo lánh) cần phải được tạo điều kiện tiếp cận với giáo dục đại học nhiều hơn để có thể đem lại các tác động tích cực đối với cộng đồng của họ. Việc tuyển sinh đơn thuần dựa vào một kỳ thi mà các nhóm đối tượng này không có nhiều cơ hội để chuẩn bị tốt chính là tạo thêm sự bất công xã hội trong giáo dục.

Nhiều hệ thống tuyển sinh trên thế giới ngày nay đã đưa thêm các yếu tố dân số như giới tính, độ tuổi, nhóm chủng tộc, nhóm xã hội vv vào các tiêu chí xét tuyển vào đại học. Tất nhiên, các chính sách liên quan đến công bằng trong tuyển sinh ở mỗi nước là khác nhau, tùy theo tình hình thực tế ở nơi đó. Ở các nước mà tiêu cực trong giáo dục đang hoành hành thì việc dựa vào những điểm số khách quan của các kỳ thi khách quan có vẻ như là giải pháp duy nhất để đem lại sự công bằng trong tuyển sinh, nhưng về lâu về dài cũng cần xem xét lại những hạn chế và hậu quả xã hội có thể có của chính sách này.

5. Kiểm soát chất lượng công tác tuyển sinh
Theo Helms, cho dù hệ thống tuyển sinh nào đang được áp dụng tại một quốc gia, thì nhất thiết công tác tuyển sinh cũng phải được triển khai một cách hiệu quả, và chất lượng công tác tuyển sinh phải được kiểm soát nghiêm nhặt để tạo được sự công bằng và chính xác trong kết quả tuyển sinh. Điều quan trọng ở đây là phải tạo ra được một hệ thống minh bạch có giám sát lẫn nhau giữa các bên có liên quan – nhà nước, trường đại học, giảng viên, sinh viên, gia đình và xã hội.

Chỉ có sự minh bạch và giám sát thường xuyên của tất cả các bên có liên quan mới có thể tạo ra một hệ thống tuyển sinh hoạt động thực sự có hiệu quả, thường xuyên phát hiện những yếu tố cần cải thiện, và thường xuyên cải thiện hệ thống để đạt được những mục tiêu mà nền giáo dục đại học của một quốc gia đã đặt ra.

Kết luận
Như đã nêu ở trên, việc vay mượn không phê phán mô hình tuyển sinh của bất kỳ nước nào trên thế giới cũng đều không đem lại sự cải thiện đối với công tác tuyển sinh ở các nước đang phát triển. Để thiết lập một hệ thống tuyển sinh phù hợp, các nhà lãnh đạo giáo dục ở mỗi quốc gia phải tự mình cân nhắc và đưa ra các lựa chọn về các vấn đề vừa nêu sao cho phù hợp với mục tiêu, bối cảnh và nguồn lực của mình. Và để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn, điều kiện cơ bản cần phải có là một hệ thống thu thập và quản lý thông tin một cách hiệu quả. Hệ thống này sẽ cho phép phân tích và so sánh dữ liệu về số thí sinh, điểm thi, tỷ lệ nhập học, tỷ lệ tốt nghiệp, cũng như nhiều biến số khác ở các cấp quốc gia, khu vực và nhà trường. Những thông tin rút ra được từ các dữ liệu này sẽ cho phép chính phủ đánh giá hiệu quả của các quy trình tuyển sinh trong việc đáp ứng các mục tiêu kinh tế xã hội của giáo dục đại học để đưa ra những điều chỉnh cần thiết và đúng lúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét