Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2009

Phương pháp nghiên cứu điển hình (điển cứu) - Tác giả: myself!

NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH (ĐIỂN CỨU)

(bản nháp, đề nghị không trích dẫn, nếu muốn sử dụng xin liên hệ tác giả tại địa chỉ mail vtpanh@gmail.com)


Nghiên cứu điển hình hay điển cứu tức nghiên cứu dựa trên những trường hợp (còn gọi là ‘ca’, tiếng Anh là ‘case’) đặc trưng mang tính là một phương pháp được sử dụng rất phổ biến trong các ngành giáo dục học, xã hội học, quản trị học, luật học, và y học. Mục tiêu cơ bản của phương pháp này là tìm hiểu rõ về trường hợp nghiên cứu bằng cách theo dõi sát sao và toàn diện trường hợp đã chọn trong một thời gian đủ dài và ngay tại môi trường tự nhiên của nó. Kết quả nghiên cứu điển hình cho phép nàh nghiên cứu đưa ra lời giải thích tại sao mọi việc xảy ra như đã xảy ra, và thông qua đó xác định các vấn đề quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu rộng rãi hơn trong tương lai.

Các tài liệu truyền thống về phương pháp nghiên cứu thường phân loại điển cứu như một trong những phương pháp định tính với mục đích mô tả. Quan điểm này hiện nay đang được xem xét lại vì nó không bao trùm được hết các mục đích và phương pháp đa dạng của điển cứu. Trong một số tài liệu được xuất bản gần đây, các nhà phương pháp luận không xem điển cứu như một phương pháp mà quan niệm đây chỉ là một cách tiếp cận hoặc một chiến lược mà thông qua đó nhà nghiên cứu có thể lựa chọn một hoặc nhiều trường hợp phù hợp cho hướng nghiên cứu của riêng mình. Ngoài ra, điển cứu không thể được liệt kê vào nhóm các phương pháp định tính, vì nó sử dụng cả những chứng cứ định tính lẫn định lượng khác nhau.

Lịch sử của phương pháp điển cứu

Theo Hamel và những người khác (1993, dẫn lại theo Winston Tellis ), phương pháp điển cứu được sử dụng sớm nhất tại châu Âu, mà đặc biệt là tại Pháp. Tại Mỹ, phương pháp này gắn với Bộ môn Xã hội học của Trường Đại học Chicago từ đầu thế kỷ 20 đến khoảng năm 1935. Vào giai đoạn này rất nhiều dân nhập cư từ nhiều nơi khác nhau đến sinh sống tại Chicago. Những người này đem theo mình rất nhiều vấn đề xã hội cần được giải quyết như sự đói nghèo, thất nghiệp, và tình trạng nhà ổ chuột. Để tìm hiểu về những vấn đề này, cách tốt nhất là sử dụng phương pháp điển cứu, vì phương pháp này cho phép nhìn vấn đề một cách toàn diện theo nhiều chiều kích khác nhau của các nhân vật khác nhau.

GAO 1990 (trang 14) đã đưa ra định nghĩa như sau về điển cứu: “A case study is a method to learn about a complex instance, based on a comprehensive understanding of that instance obtained by extensive description and analysis of that instance taken as a whole and in its context.” Tạm dịch: Điển cứu là phương pháp tìm hiểu về một trường hợp phức tạp dựa trên sự hiểu biết toàn diện về trường hợp đó; hiểu biết này có được nhờ vào sự mô tả và phân tích trường hợp này như một thực thể toàn diện trong bối cảnh riêng biệt của nó.

Sau năm 1935, phương pháp điển cứu bắt đầu mất địa vị độc tôn trong lĩnh vực xã hội học. Cùng với phong trào ‘nâng cao tính khoa học’ của ngành xã hội học, việc đẩy mạnh các phương pháp định lượng trong việc thiết kế và xử lý số liệu của các công trình nghiên cứu xã hội học cũng bắt đầu. Một chuỗi các tranh luận công khai sôi nổi đã diễn ra giữa các giáo sư thuộc Đại học Columbia nơi các phương pháp định lượng được đề cao và Trường phái Chicago vốn đang giữ vị trí độc tôn vào lúc ấy. Đại học Columbia cuối cùng đã dành được thắng lợi, và cùng với đó là sự lu mờ dần của phương pháp điển cứu như một phương pháp nghiên cứu quan trọng của ngành xã hội học. Lời chỉ trích phổ biến nhất đối với phương pháp điển cứu là phương pháp này không thể đưa ra những kết luận có tính khái quát hóa do đối tượng nghiên cứu quá hạn chế. Mãi đến thập niên 1960, phương pháp điển cứu mới phục hồi được vị trí đã đạt được trước đó của mình và phát triển liên tục cho đến ngày nay.

Phân loại điển cứu
Có nhiều hệ thống khác nhau để phân loại điển cứu. Hệ thống phân loại của GAO
(1990) dựa vào mục đích nghiên cứu để chia điển cứu ra thành 6 loại sau:

1. Điển cứu minh họa (Illustrative): nghiên cứu mang tính mô tả, với mục đích cung cấp các thông tin sinh động thu được từ thực tế để bổ sung cho các nguồn thông tin các có liên quan đến trường hợp nghiên cứu.

2. Điển cứu thăm dò (Exploratory): cũng là nghiên cứu có tính mô tả, nhưng nhằm mục đích tạo ra các giả thuyết làm cơ sở cho những nghiên cứu trong tương lai về trường hợp nghiên cứu chứ không chỉ đơn thuần minh họa.

3. Nghiên cứu trường hợp đặc trưng (Critical instance): xem xét một trường hợp hoặc rất đáng chú ý hoặc là thật sự cần thiết để kiểm chứng giá trị của những lời khẳng định liên quan đến một chương trình, một chính sách, hoặc một chiến lược.

4. Nghiên cứu triển khai chương trình/ dự án (Program implementation): tìm hiểu các tác nghiệp tại các địa bàn khác nhau nhằm mục đích kiểm tra.

5. Nghiên cứu tác động chương trình (Program effect): sử dụng điển cứu để xem xét tác động của một chương trình. Thường được thực hiện ở nhiều địa bàn và sử dụng các công cụ đánh giá đa phương pháp (multimethod assessments).

6. Điển cứu tích lũy (Cumulative): tổng hợp kết quả từ nhiều điển cứu khác nhau để trả lời một câu hỏi lượng giá (evaluation question). Câu hỏi này có thể thuộc loại mô tả, quy phạm/đánh giá (normative), hoặc tác động/thực nghiệm (cause-and-effect).

Theo Case study evaluation GAO 1990, trang 9


Hệ thống phân loại của Jensen và Rodgers (2001, dẫn lại theo PA 765 Garson) không dựa vào mục đích nghiên cứu mà dựa vào kỹ thuật thu thập thông tin để chia điển cứu ra làm 5 loại như sau:

1. Điển cứu nhất thời (Snapshop case study): tìm hiểu một trường hợp điển hình vào một thời điểm nhất định.

2. Điển cứu trường kỳ (Longitudinal case study): theo sát tìm hiểu một trường hợp điển hình trong thời gian dài tại nhiều thời điểm khác nhau.

3. Điển cứu trước sau (Pre-post case study): tìm hiểu sự khác biệt của một trường hợp điển hình hai thời điểm trước và sau một biến cố quan trọng. Một biến cố được xem là quan trọng khi nhà nghiên cứu có cơ sở lý thuyết để tin rằng biến cố đó sẽ có tác động đến trường hợp nghiên cứu.

4. Điển cứu hỗn hợp (Patchwork case study): tìm hiểu các trường hợp điển hình khác nhau thuộc cùng một phạm trù đang được nghiên cứu, sử dụng nhiều cách nghiên cứu khác nhau.

5. Điển cứu so sánh (Comparative case study): tìm hiểu nhiều trường hợp điển hình thuộc các phạm trù khác nhau nhằm so sánh và tìm ra sự khác biệt giữa các trường hợp thuộc các phạm trù khác nhau này. Thông thường điển cứu so sánh có sử dụng cả so sánh định tính và định lượng.

Một hệ thống phân loại khác là Wikipedia cũng đưa ra một cách phân loại gồm 7 loại, sử dụng kết hợp 2 phương pháp phân loại theo mục đích (tương tự GAO) và theo phương pháp thực hiện. Trong hệ thống phân loại này của Wikipedia có đến 4 loại trùng với hệ thống phân loại của GAO là Điển cứu thăm dò (loại 2 của GAO), nghiên cứu trường hợp đặc trưng (loại 3 của GAO), nghiên cứu tác động chương trình (loại 4 của GAO), điển cứu tích lũy (loại 6 của GAO). Ngoài những loại này, Wikipedia có đưa ra thêm 3 loại điển cứu mới, bao gồm:

1. Điển cứu (vị lai)????: Trong thiết kế điển cứu tương lai, nhà nghiên cứu tạo ra những giả thuyết dựa trên lý thuyết liên quan đến sự tiến hóa của một quá trình xã hội hoặc văn hóa và sau đó kiểm chứng các giả thuyết theo một kế hoạch thời gian định sẵn trong tương lai bằng cách so sánh kết quả quan sát được với giả thuyết đã đưa ra.

2. Điển cứu tường thuật (Narrative case studies): Đây là các điển cứu được trình bày dưới dạng một bài tường thuật, trong đó các sự kiện được nêu ra theo một bố cục sắp đặt trước với các nhân vật và hành động của họ.

3. Điển cứu lồng ghép (embedded case studies): Là điển cứu trong đó có nhiều hơn một tầng đơn vị phân tích.

Thiết kế nghiên cứu điển hình

Theo Yin (1994, dẫn lại theo ????), thiết kế nghiên cứu điển hình gồm 5 yếu tố sau:
- câu hỏi nghiên cứu
- các tiên đề (propositions)
- các đơn vị phân tích
- cơ sở lý thuyết (cho phép liên hệ giữa số liệu và các tiên đề)
- các tiêu chí diễn giải kết quả

Những câu hỏi nghiên cứu của phương pháp điển cứu thường là những câu hỏi “tại sao” hoặc “như thế nào”, và định nghĩa các câu hỏi này là công việc đầu tiên của các nhà nghiên cứu. Các tiên đề có thể được rút ra từ các câu hỏi này và điều cần thiết giúp nhà nghiên cứu tập trung vào các mục tiêu nghiên cứu. Không phải nghiên cứu nào cũng cần có tiên đề. Một nghiên cứu mang tính thăm dò (exploratory) có thể không có tiên đề mà có mục đích được xác định rõ, hoặc các tiêu chí để đánh giá sự thành công. Đơn vị phân tích sẽ xác định trường hợp cần được chọn là gì. Một trường hợp có thể là một nhóm, một tổ chức, hoặc một quốc gia, nhưng là một thực thể lớn hay nhỏ thì một trường hợp vẫn chỉ là một đơn vị phân tích gốc.

Chọn mẫu trong điển cứu (chọn trường hợp nghiên cứu)
Cũng tương tự như các phương pháp nghiên cứu khác, chọn mẫu là một bước quan trọng trong quá trình nghiên cứu vì nó quyết định giá trị của thông tin thu thập được. Theo Wikipedia, phương pháp chọn mẫu trong nghiên cứu điển hình luôn là phương pháp chủ đích (purposive sampling) hoặc chọn mẫu theo định hướng thông tin (information-oriented sampling), tức theo những thông tin mà nhà nghiên cứu cần thu thập. Điều này trái ngược lại với phương pháp chọn mẫu định lượng trong đó mẫu được chọn phải mang tính hoàn toàn ngẫu nhiên (random sampling). Lý do của sự lựa chọn này là vì theo quan điểm của các nhà nghiên cứu theo phương pháp điển cứu thì các trường hợp trung bình không bao giờ là trường hợp đem lại nhiều thông tin nhất, mà chính những trường hợp không bình thường mới cung cấp cho ta những thông tin thú vị, do chúng sẽ tác động nhiều hơn đến các cơ chế cơ bản và đến các nhân vật trong tình huống nghiên cứu. Ngoài ra, dù đứng trên quan điểm nào thì cũng cần phải hiểu được những nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vấn đề đang được nghiên cứu và hậu quả của chúng, hơn là chỉ đơn thuần mô tả các hiện tượng (triệu chứng) của các vấn đề này và các tần suất của chúng. Những mẫu ngẫu nhiên nhấn mạnh tính đại diện cho số đông sẽ không thể tạo cho ta sự hiểu biết này, vì vậy cần phải chọn một vài trường hợp hết sức đặc trưng vì điều đó mới đem lại giá trị cho chúng.

Cũng theo Wikipedia, khi lấy thông tin làm cơ sở để chọn mẫu, chúng ta có thể có quyết định chọn trong 3 loại trường hợp như sau:

- Trường hợp cá biệt (extreme case): phù hợp để nêu được ý tưởng của người nghiên cứu một cách nhấn mạnh (kịch tính).

- Trường hợp đặc trưng (critical case) có thể định nghĩa là trường hợp có tầm quan trọng chiến lược cho vấn đề đang được nghiên cứu. Ví dụ, một bệnh viện đa khoa chuyên chữa trị những loại bệnh nghề nghiệp cần tìm hiểu xem những người làm việc với các dung môi hữu cơ có bị ảnh hưởng đến não không. Thay vì chọn một mẫu ngẫu nhiên gồm những người làm việc tại khu vực có sử dụng dung môi hữu cơ, bệnh viện đã đặt một cách chiến lược một nơi làm việc trong đó mọi quy định về an toàn đều được tuân thủ chặt chẽ, và xem nơi này là một trường hợp đặc trưng. Nếu ở nơi này có xảy ra hiện tượng bị ảnh hưởng não do dung môi hữu cơ thì điều đó có nghĩa là các nơi khác cũng sẽ bị, đặc biệt vì những nơi khác chưa chắc đã bảo đảm mọi điều kiện an toàn vệ sinh. Thông qua trường hợp đặc trưng này nhà nghiên cứu có thể tiết kiệm được khá nhiều thời gian và công sức, tiền bạc nếu thực hiện theo cách ngẫu nhiên.

- Trường hợp mẫu mực (paradigmatic) là một trường hợp điển hình theo đúng nghĩa của từ này. Một trường hợp mẫu mực luôn chứa đựng một cách đậm đặc những đặc điểm tổng quát của vấn đề đang được tìm hiểu. Trường hợp này đóng vai trò một điểm quy chiếu và là một tiêu điểm mà từ đó người ta đưa ra những trường phái lý thuyết khác nhau.

Theo PA 765 Garson ,việc chọn mẫu trong điển cứu phải do lý thuyết quyết định. Khi lý thuyết có liên quan đến nhân quả thì nhà nghiên cứu phải chọn các trường hợp đại diện cho mỗi phạm trù. Những trường hợp này không định lượng và cũng không giải thoát nhà nghiên cứu khỏi trách nhiệm giải thích các biến phụ thuộc hoặc các biến độc lập nào có liên quan. Không những các quan sát liên quan đến các biến cần phải là một phần của điển cứu mà lý tưởng hơn thì nhà nghiên cứu còn phải nghiên cứu ít nhất một trường hợp để minh họa cho mối quan hệ nhân quả trong mô hình lý thuyết của mình. Khi không làm được điều này, nhà nghiên cứu cần phải nêu rõ những quan hệ nhân quả nào chưa chọn được trường hợp để minh họa. Những trường hợp đã được nêu ra trong lý thuyết trái ngược với mô hình nhân quả của tác giả cũng phải được nhắc đến.

1 nhận xét:

  1. Bài này hay quá, đáng phải phổ biến rộng không chỉ cho "người ngoại đạo" mà kể cả giới nghiên cứu chuyên nghiệp ở Việt Nam cũng cần phải đọc thật kỹ.
    Congrat!

    Trả lờiXóa