Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010
Ve sầu kêu ve ve ...
Nhân báo chí đang đề cập đến việc nghỉ hè của trẻ em ngày nay, và so sánh với ngày hè xưa của những người thuộc thế hệ của tôi, tôi chợt nhớ bài thơ trước đây tôi đã thuộc lòng, nằm sâu trong bộ nhớ dài hạn nhưng phủ dầy lớp bụi thời gian nên đã tưởng quên. Nên chép ra đây để lưu cho mình và thế hệ trẻ của các con tôi, của Xuxu, Sông, SGK, và các bạn khác nữa.
Bài thơ này là do Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine. Câu đầu tiên đã lấy làm tên entry này, nhưng cái tựa thật của nó là Ve và Kiến. Nguyên văn bài thơ (theo trí nhớ của tôi) như sau:
Ve và kiến
Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con
Vác miệng chịu khúm núm
Sang chị kiến hàng xóm
Xin cùng chị cho vay
Dăm ba hạt qua ngày
Từ nay sáng tháng hạ
Em lại xin đem trả
Trước thu - Thề đất trời
Xin đủ cả vốn lời.
Tính Kiến ghét vay cậy
Thói ấy chẳng hề chi
Tháng hạ chú làm gì?
- Kiến hỏi Ve như vậy.
- Ve rằng: Luôn đêm ngày
Em hát. Thiệt gì bác?
Kiến rằng: Xưa chú hát,
Nay thử múa tôi coi?
Ghi chú: câu in đậm trong bài là tôi nhớ như vậy, nhưng về nghĩa thì thấy hơi kỳ kỳ, chẳng biết có đúng không? Sẽ đi tìm bài gốc và cập nhật sau trên blog vậy.
Bài thơ thật ngỗ nghĩnh, dễ thương phải không? Tôi học từ thời tiểu học đấy. Nhưng ngay từ lúc ấy, tôi đã cảm thấy ... tội tội, thương thương cho chú ve sầu với tính cách nghệ sĩ, vô lo của chú ấy. Mặc dù tôi biết bài học đạo đức ở đây là phải chăm chỉ, lo xa như chú Kiến, chứ không được vô lo, thậm chí lười biếng, như chú ve sầu. Thật ra, trong bài thơ dịch của Nguyễn Văn Vĩnh thì Kiến là Chị chứ không phải là Chú, nhưng tôi gọi thế cho hợp với cách gọi của người Việt.
Mà cũng chính vì ấm ức cho chú ve sầu nên sau đó tôi có tìm đọc đâu được một bài viết có tựa đề đại khái là "Minh oan cho chú ve sầu", trong đó phê phán nhà thơ La Fontaine là đã viết không đúng vì loài ve hình như chỉ sống có 3 tháng hè thôi, làm gì mà đến nỗi sống không nổi qua mùa đông mà phải đi vay chú Kiến (keo kiệt và hơi ác độc) kia như thế.
Rồi cũng vì đọc bài đó mà tôi còn viết được một mẩu truyện ngắn về chú ve mùa hè, cất tiếng hát ca ngợi cuộc sống, làm thức dậy cả một khu vườn mùa hè oi ả, khi vạn vật rầu rĩ dưới cái nóng ghê người .... Văn vẻ và kỳ thú lắm, đã được đăng trên báo tường vào năm tôi học lớp 8, lớp 9 gì đấy ở trường Gia Long hồi đó.
Bây giờ nhớ lại, mùa hè của bọn tôi quả là một sự kiện. Bịn rịn chia tay bạn bè, thậm chí còn bày đặt viết lưu bút cho nhau vì 3 tháng hè không gặp mặt, và năm sau chắc gì còn học chung lớp, vì nhà trường đôi khi sắp xếp lại lớp học. Và cũng có những bạn sau kỳ hè về quê rồi không trở lại lớp học nữa mà chuyển trường. Cho nên đúng là "Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn", thật đấy!
Tôi thì lúc còn tiểu học nhà đông anh em, mùa hè không phải đi học thì sướng chết, ở nhà mấy anh em quậy như giặc, tôi toàn là anh trai, em trai nên những trò chơi con trai thế nào thì tôi cũng phải nhập bọn thế ấy. Cũng leo trèo, rượt đuổi nhau, nhảy rầm rầm từ trên giường xuống đất, có khi gãy cả chân giường, chân ghế, mấy anh em bị mẹ cú đầu đau điếng.
Sau này lên trung học đệ nhất cấp (tức lớp 6 đến lớp 9) thì đã thành nữ sinh Gia Long rồi cơ mà, mặc áo dài đi học chứ bộ, nên bắt đầu phải điệu đà, tha thướt, không được nghịch ngợm nữa, bắt đầu làm thơ, viết văn, đọc sách. Trường Gia Long có hồ bơi rất đẹp, mùa hè có tổ chức dạy bơi cho học sinh, nhưng bố mẹ tôi phong kiến, không thể nào chấp nhận cảnh con gái mặc đồ bơi hở hết chân tay ra vậy (!) nên không cho học, tôi chỉ có thể vào thư viện mượn sách để đọc mà thôi.
Mùa hè là lúc tôi ngốn hết các tiểu thuyết và truyện ngắn của các tác giả tiền chiến, trong đó tôi chỉ thích Tô Hoài. Tôi vẫn nhớ như in một đoạn trong truyện "Xóm Giếng ngày xưa" của ông: "Con đường bò vào trong ngõ, qua một vòm cổng gạch phủ cỏ và rêu xanh hun hút. Khung trời xanh, ngàn cây xanh, bèo xanh xanh phủ trên ao, khiến cho cái xóm Giếng một khung cảnh vắng lặng ...".
Trời ơi, đoạn văn mới hay làm sao, văn mà còn hơn thơ vì giàu nhạc điệu, và hình ảnh thì đẹp như tranh! Chính vì đọc nhiều văn vẻ của các vị mà tôi đã lăm le chọn ban C khi lên lớp 10, rồi muốn trở thành nhà văn sau này. Nhưng những cái đó chỉ là ước mơ, và đã hoàn toàn biến mất sau năm 1975 khi tôi lên lớp 10. Với thời niên thiếu gian khổ mà thỉnh thoảng tôi vẫn nhắc đến nơi này nơi khác trong các entry của tôi trên blog này.
Tản mạn vài giòng mùa hè để ghi lại cho chính mình và cho đời sau. Nhân tiện, tôi vừa tìm lại được bài thơ Nghỉ hè của Xuân Tâm nên chép lại đây cho mọi người đọc và nhớ. Và cũng để cho các nhà giáo dục của ta suy nghĩ xem nên tổ chức kỳ hè của các em ra sao để các em khỏi thiệt thòi so với thế hệ cha ông của các em:
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.
Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ
Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ
Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt
Kiểm soát kỹ, có khi còn thiếu sót
Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.
(Nghỉ hè trong tập Lời Chim Non)
Hè về rồi, mọi người ơi! Hôm nào khác, tôi sẽ viết về ve sầu cho mà xem. Tôi thích chú này lắm, vì chú ấy rất yêu đời, dù đời chú thật ngắn ngủi. Giống lời bài hát nào đấy mà tôi đã từng nghe:
Cười lên đi em ơi, dù nước mắt rớt trên bờ môi...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chà, entry của mẹ hay phết. ^^ Con thích mùa hè lắm(được nghỉ ko phải đi học đương nhiên phải thích ùi ;p). Mùa hè là mùa gắn liền với những kỉ niệm của tuổi học trò ngây ngô với chùm hoa phượng đỏ thắm và tiếng ve sầu kêu(nghe trên tivi nói thế :D) Con thích bài thơ Nghỉ hè của Xuân Tâm ghê. Đọc thấy hay và lãng mạn quá...^^
Trả lờiXóaHi Khuê,
Trả lờiXóaVậy hè năm nay Khuê muốn làm gì? Học nấu ăn nhé, chứ nếu không thì bị thành con gái đoảng đấy, hì hì...
Mỗi tuần phụ mẹ làm một món nghen? Hôm nay thấy mẹ nấu canh bún rồi chưa? Sau này tự làm được không dzậy?
PA
Cô ơi, bài thơ gốc đây nè. http://www.nguyenvanvinh.net/Links/Litterature/DichGiaNguyenVanVinh-HoanTien.htm
Trả lờiXóaHoan hô cô nhớ không sai một chữ. Đọc những gì cô viết thấy lòng mình cứ mềm ra... Nhớ mùa hè, nhớ bạn bè, nhớ trường lớp....
Entry rất dễ thương. Tôi cũng sống lại những ngày hè của mình. Bài thơ của Nguyễn Văn Vĩnh hình như khi vô đệ thất tôi mới học. Rất tiếc sao cùng thế hệ mà tôi không được học bài thơ của Xuân Tâm như chi và anh Hồ Hãi. Bài thơ rất ư là học trò
Trả lờiXóaDear Nặc Danh,
Trả lờiXóaNgày xưa đâu có lớp nào học giống lớp nào. Tùy theo người thầy dạy mình họ chọn bài thơ đẩ mình học chứ sách giáo khoa của bộ quốc gia giáo dục đâu nhất thiết phải theo như bây giờ.
Một nền giáo dục tốt là nền giáo dục có mục tiêu rõ ràng. Giáo dục bây giờ đâu có mục tiêu, vì tất cả các giảng viên và GSTS đại học bây giờ ngoài trường y ra hầu như không biết nghiên cứu khoa học là gì, nên các người viết sách giáo khoa cũng không biết gì về cơ bản của viết sách giáo khoa.
Hi Miên,
Trả lờiXóaThanks. Tôi cũng đã đi tìm, và bất ngờ về trí nhớ dài hạn của mình. Nhưng trí nhớ ngắn hạn của tôi lúc này thì 'hỡi ôi' lắm em ạ! Trí nhớ nghịch thường đấy như một vị BS nào đó đã nói trên blog này.
Dear Nặc danh,
Nặc danh là nặc danh, không nên đoán ra ai là ai, phải không? Vì vậy, mỗi comment của một 'nặc danh' cần được đối xử một cách độc lập với nhau. Nhưng tôi vẫn thích đoán, và 'gán' một tính cách cho các 'nặc danh' trên blog này, để khi trò chuyện sẽ ứng xử như một người bạn thực sự.
Vậy, xin cám ơn comment của 'bác nặc danh' mới đây. Tôi đoán nhé: bác là ngơời đã còm ở bài rau muống nữa nè, phải không ạ?
Dù phải hay không phải, thì cũng rất vui đón tiếp bác tại sân chơi này.
Bác Hải,
Cám ơn bác ủng hộ sân chơi này ;-). Chỉ là giải trí cho mình, và chia sẻ gì được với ai thì chia sẻ, phải không bác?
Đời sống vốn bình thường như thế. Ta đừng nên ép cuộc sống phải trở nên vĩ đại bác nhỉ. Cũng như giáo dục vậy. Cứ làm đúng quy luật cuộc sống từ những việc bình thường nhỏ nhặt, rồi mọi cái sẽ ổn thôi.
Chúc mọi người một tuần hạnh phúc. À quên, hôm qua tôi 'cá độ' với ông xã về trận Anh-Đức (tôi chẳng bao giờ xem bóng đá, lâu lâu chỉ nghe bàn luận ngoài lề thôi), và đã thắng vì 'bắt' Đức đấy bác Hải ạ!
PA
Tám đây định bụng sẽ không còm v/v "Hè Về", vì những kỷ niệm bản thân hồi nhỏ thì ai ai cũng thế, cũng ở nhà quậy rồi bị thầy bu la mắng, cũng phượng đỏ cùng ve sầu kêu ve ve và bài thơ Ve và Kiến (chỉ nhớ cái tựa dịch thôi!), cũng đọc chuyện (sách mướn), rồi cái bài hát ủy mị "Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn" do mấy ca sĩ Nam Kỳ thu vô cái dĩa 45 tua đen xì ngày nào.... Thì ra mùa nghỉ Hè của ta ngày xưa chỉ có vậy, vì ai ai cũng từa tựa như thế.
Trả lờiXóaNhưng chợt nhớ lại mùa Hè năm 1970 sau 1 năm SPCN ở ĐH Khoa Học, tụi tớ đã bị bắt buộc học Quân Sự 1 tháng "quân trường" ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung thuộc tỉnh Gia Định ngày đó, và những hè 71, 72, 73, 74 cũng 1 tháng "quân trường" để học chiến thuật và chiến lược, tập luyện võ cùng bắn súng đủ loại từ súng trường cá nhân M-16 cho tới súng máy M-60 và M-72 chống xe tăng..... Một chuyện đặc thù và cũng là 1 kỷ niệm đời mà chắc chắn không ai có là 1 hôm từ trường bắn về, 8 đây cùng vài bạn thân lén tách hàng để ghé ngang ngôi trường "Văn Hoá Quân Đội Quang Trung" hầu có dịp dê mấy nữ sinh "Cấp 3" thời đó đang hì hục hái mấy chùm Phượng Vỹ đỏ chét. Chuyện thả dê thì dài dòng nhưng phần kết xui xẻo là không biết ai chôm mất 4 khẩu súng trường M-16 của tụi lính quậy này, tìm cùng mếu máo hoài mà không thấy, thế là cả 4 Sinh Viên đẹp chai liền bị nhốt vô Chuồng Dê 2 ngày để sau đó ra toà "Quân Sự Mặt Trận" ở Quang Trung với Chánh Án cùng Luật Sư biện hộ....., và cũng may là tụi này được tha bổng vì "trẻ người, non dạ" nhưng tội làm mất súng khi thả dẹ thì bị ghi vô học bạ với hạnh kiểm xấu... hic. Thật oan ức vì thả dê có gì là xấu đây chòi!
Nghĩ cũng ức! Đến nay vẫn không biết ai quậy tới bến đã chôm 4 cây súng? Và để làm gì? Nhưng đây là 1 kỷ niệm chỉ cho những kỳ Hè 1970-1974 mà thoai, phải không?
Bà 8
La Cigale et la fourmi
Trả lờiXóaLa Cigale, ayant chanté
Tout l'été,
Se trouva fort dépourvue
Quand la bise fut venue.
Pas un seul petit morceau
De mouche ou de vermisseau.
Elle alla crier famine
Chez la fourmi sa voisine,
La priant de lui prêter
Quelque grain pour subsister
Jusqu'à la saison nouvelle.
« Je vous paierai, lui dit-elle,
Avant l'oût, foi d'animal,
Intérêt et principal. »
La Fourmi n'est pas prêteuse ;
C'est là son moindre défaut.
« Que faisiez-vous au temps chaud ?
Dit-elle à cette emprunteuse.
--Nuit et jour à tout venant
Je chantais, ne vous déplaise.
--Vous chantiez ? j'en suis fort aise.
Eh bien ! dansez maintenant. »
Jean de LA FONTAINE
Fables, livre I (1668)
....Tính Kiến ghét vay cậy
Thói ấy chẳng hề chi :
Có lẽ học giả Nguyễn văn Vĩnh dịch thoát câu này:...La Fourmi n'est pas prêteuse ;
C'est là son moindre défaut.
con Kiến có 1 khuyết điểm nhỏ là không phải kẻ cho vay....( nên không thèm đếm xỉa lời vay mượn của Ve )
( Paradomem )
Entry này hay thật cô ạ. Em cũng còn nhớ đại ý của câu chuyện ve và kiến vì đã có học qua ở tiểu học. Không biết bây giờ bài này có còn trong chương trình?
Trả lờiXóaCòn mùa hè như Xuân Tâm mô tả thì bây giờ đã là cái gì đó quá lạ lẫm rồi. Thật thương cho các em.
Em thì chưa bao giờ thấy mùa hè bị đánh mất vì hồi ấy em không phải học thêm gì cả (trong khi bạn bè thì chưa hết hè đã lo hỏi thầy học thêm)
Nghĩ lại thấy mình thật may mắn, vì mẹ em cũng là nhà giáo, không bắt ép con mình phải chạy thầy này cô nọ.
Đọc bài "Ve và kiến" sao nhớ bài "Cái trống trường em". Tập đọc cấp 1 "Cái trống trường em" Lâm Thắng, nhà thơ Tố Hữu, thể thơ lục bác...
Trả lờiXóaDear all,
Trả lờiXóaKhông dè cái entry linh tinh này cũng được mọi người quan tâm nhỉ? Phấn khởi quá ;-), cám ơn mọi người đã ghé chơi nhà!
Bà Tám,
Chời ơi, Tám này thiệt hết sức: đi học quân sự mà lại không lo, làm mất súng, tội nặng lắm đó nghe! May sao mà thời đó được tha, chứ lẽ ra phải ... bỏ tù mới đúng. À mà nếu bị tù hồi đó thì có khi Tám sẽ còn ở VN, rồi có khi được xem là có công với CM cũng không biết chừng? Well, Tư này vốn hơi giàu trí tưởng bở, thôi bỏ đi hén!
Dear Nặc danh,
Cám ơn bài thơ tiếng Pháp, và lời giải thích. Nặc danh à, tôi chỉ biết tiếng Anh còn tiếng Pháp thì biết lõm bõm một vài chữ do đã học gần xong lớp một tiếng Pháp của TT ngoại ngữ thời thập niên 1980 (trước khi mở cửa). Vì tôi học hết lớp 9 (sinh ngữ là tiếng Anh) thì giải phóng, chỉ còn học 1 ngoại ngữ nên không được học tiếng Pháp.
Vô đại học thì học tiếng Nga, bây giờ còn nhớ đại khái Xba-xi-bơ là cám ơn, Đơ-xvi-đa-nhia là tạm biệt, Ya liu-bliu chi-bija là anh yêu em (hoặc em yêu anh). Vậy đó.
Nhưng vừa đọc vừa đoán mò thì cũng hơi hiểu hiểu, vì tiếng Pháp với tiếng Anh có nhiều từ cùng gốc Latin. Cho nên mới thấy NVV dịch bài thơ này thật hay, Nặc danh nhỉ? (Thì mình cũng tưởng tượng vậy mà!)
Ờ mà sao tự nhiên tôi nghi nghi nặc danh là somebody I know đó, biết tiếng Pháp, người cùng thời, chẳng hiểu có đúng không. Thôi cứ để vậy đi cho nó ... hay, vì "người chỉ đẹp khi người còn danh nặc" !!!! - cái này nhại câu thơ "tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở" đó mà! ;-)
Xuxu và Ngây ngô,
Các em là người cùng thời đó, và là tương lai của tổ quốc. Tương lai của dân tộc này thuộc về các em. Còn thế hệ của cô thì xem như là xong rồi, viết lẩn thẩn để gửi lại cho thế hệ sau mà thôi.
Nên gặp các em ở đây thì cô vui lắm, vì có được sự tiếp nối giữa 2 thế hệ. Thế thì cũng đáng cho cô viết thêm, để chia sẻ với thế hệ của các em, phải không?
PA
Dạ, những entry mà cô luôn cho là lẩn thẩn, linh tinh vài dòng thật ra rất có ý nghĩa với thệ hệ chúng em đấy cô ạ. Chúng em rất vui vì được đọc và chia sẻ với cô những bài viết kỷ niệm như thế này.
Trả lờiXóaNặc danh có nhiều người nặc danh. Có người cùng thời chị nhưng rất ư dốt tiếng Pháp lẩn tiếng Anh. Nghĩ cũng lạ thiệt. Trên báo Pháp Luật TP cũng lấy hình tượng tiếng ve để kết thúc loạt bài nghĩ hè. Trong đó có đăng bài của chị. Ngắn mà súc tích khỏi chê.
Trả lờiXóaDear Nặc danh (mới còm trên đây),
Trả lờiXóaCám ơn "nặc danh" đã "khen" ý tưởng về tiếng ve mùa hè. Nhưng hổng biết khen ai đây: khen Nguyễn Văn Vĩnh, hay La Fontaine, hay BlogAnhVu :-), hay báo PLTP vậy hả Nặc danh?
Thôi thì cứ nghĩ là khen BlogAnhVu đi nhỉ, cho nó ... sướng?
PA