Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Dưới cầu Mirabeau ...


Trước hết, xin thưa rằng tôi không biết tiếng Pháp, dù chỉ là một chữ cắn đôi!

Điều này đối với tôi thật đau khổ, vì hồi còn nhỏ, tôi có bà chị ruột học ban C thời trước năm 1975, nếu tôi nhớ không lầm thì đấy là ban Văn chương - Sinh ngữ. Vì vậy, chị tôi được học 2 sinh ngữ, trong đó tiếng Anh là sinh ngữ chính thì không nói làm gì, nhưng tiếng Pháp là sinh ngữ phụ thì chị cũng được học đến 3 năm ở cấp 3, nên cũng kha khá.

Không chỉ chị tôi học ban C, mà hình như bố tôi cũng học ban C nữa, có điều ông học tiếng Pháp là sinh ngữ chính, hình như vậy. Thời ấy, học xong lớp 11 (Tú tài 1) là đã có thể đi làm, nên bố tôi đi làm một hồi rồi quay lại học lớp 12 để thi Tú tài 2, hình như đâu đó cùng thời gian với chị tôi, chỉ trước sau vài năm mà thôi. Tức là cả bố lẫn con gái đầu lòng cùng học một chương trình lớp 12 của Bộ Giáo dục thời ấy thì phải.

Lâu quá rồi, mà hồi ấy thì tôi còn bé, nên cũng không nhớ rõ lắm, chỉ biết là bố tôi ngày đi làm, tối đi học, còn mẹ tôi thì buôn bán phụ thêm vào, nhà đến 8 anh em, lúc nào cũng ... nheo nhóc (chắc thế, có điều hồi ấy tôi không cảm thấy rõ như vậy). Nghĩ lại, thấy thương mẹ tôi, bố tôi, cả bà chị tôi vì bà ấy lớn phải phụ công việc gia đình với mẹ, mà cũng thương ... chính mình quá đi mất!

Quay lại ban C, tiếng Pháp, và bài thơ của Apollinaire. Lúc ấy, bố tôi với chị tôi thỉnh thoảng lại nói về tiếng Anh, tiếng Pháp, về vai trò của sinh ngữ (tôi nhớ bố tôi hay nói, học thêm một sinh ngữ là mở thêm một cánh cửa vào cuộc đời, hình như thế), và thỉnh thoảng cũng nói về thơ, về văn học của mấy nước Anh, Pháp ấy.

Tôi thì vốn thích thơ mà, nên cứ lẳng lặng nghe, lẳng lặng đọc mấy cuốn sách mà bố tôi hoặc chị tôi mua. Tôi nhớ hồi ấy có tạp chí Văn, hay lắm, từ tạp chí này tôi đọc được thơ Quang Dũng, lại còn nhớ có một bài viết có cái tựa rất hay là "Những dấu hỏi trong thơ Quang Dũng", trong đó nhắc đến một loạt những câu thơ kết thúc bằng dấu chấm hỏi của nhà thơ này. Quả là thơ ông có nhiều dấu hỏi thật, như:

Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?
Em có bao giờ em nhớ thương?
Em có bao giờ lệ chứa chan?

(Những câu này trong bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của QD)

Hoặc

Mắt kia em có sầu cô quạnh/Khi chớm thu về một sớm mai?
Em đi áo mỏng buông hờn tủi/Giòng lệ thơ ngây có dạt dào?

(Trong bài thơ Đôi bờ)

Tóm lại, lúc ấy tôi đang háo hức chờ đến khi vào lớp 10 thì sẽ chọn ban C giống chị tôi cho lãng mạn, thì đùng một cái, "giải phóng"! Nên tôi chưa bao giờ được học hành cẩn thận về thơ lãng mạn cả, dù là Việt hay Pháp (Việt thì chỉ học thơ Tố Hữu là nhiều, thơ lãng mạn chỉ nói lướt qua, còn Pháp thì đã nói là không biết một chữ cắn đôi rồi mà).

Chỉ là học lóm, đọc lén thế thôi, mà sao nhớ từ thời đó 10, 15 tuổi, đến tận bây giờ 50 tuổi rồi (trong khi có nhiều thứ bị bắt học quá trời quá đất, ví dụ như tiếng Nga, hay là ... Triết học Mác-Lenin, mà nay có còn nhớ chữ nào đâu kia chứ!) May là học tiếng Anh, còn biết chút văn học Anh-Mỹ, nên cũng còn đỡ!

Tôi biết đến thơ Appolinaire là theo cách đọc lén, học lóm mà tôi đã kể ở trên. Chẳng biết có phải qua tạp chí Văn hay không nữa?

Khi vào cấp 3, sau năm 1975, may quá, tôi lại chơi với một đứa bạn, dân Nam tập kết, từ Hà Nội vào, cũng rất lãng mạn (bây giờ nghĩ lại, chẳng hiểu sao mà thời ấy chiến tranh 2 miền mà ai cũng lãng mạn thế, tử tế thế, còn giờ hòa bình rồi lại ... xôi thịt, nữ sinh đánh nhau, rồi đạo văn đạo nhạc đạo phim loạn cả lên thế kia nhỉ?). Nhỏ bạn tôi, tên là Thu Ba - sóng mùa thu đấy nhé - có hẳn một cuốn sổ tay chép đủ loại thơ, trong đó có bài thơ Cầu Mirabeau (mà hôm trước tôi có chép vài câu, lại chép sai thành cầu Maribeau, bị sửa lưng, quê ơi là quê, hic hic). Tôi đọc một lần là thích luôn, nhớ luôn (một vài câu) của bài ấy.

Sau khi tôi chép lên rồi thì một người bạn ảo (người đã sửa lưng tôi) gửi cho tôi bài thơ ấy bằng tiếng Pháp. Ức quá, vì có đọc được đâu, nên hôm nay tôi phải đi tìm bản dịch tiếng Anh, và thấy ngay ở đây, các bạn đọc nhé:

The Mirabeau Bridge
Under Mirabeau Bridge the river slips away
And lovers
Must I be reminded
Joy came always after pain

The night is a clock chiming
The days go by not I

We're face to face and hand in hand
While under the bridges
Of embrace expire
Eternal tired tidal eyes

The night is a clock chiming
The days go by not I

Love elapses like the river
Love goes by
Poor life is indolent
And expectation always violent

The night is a clock chiming
The days go by not I

The days and equally the weeks elapse
The past remains the past
Love remains lost
Under Mirabeau Bridge the river slips away

The night is a clock chiming
The days go by not I
Đấy nhé, thế là nay tôi cũng biết bài thơ này rồi, ít nhất là biết đại khái. ;-) Nhưng vậy là mấy câu thơ hôm trước tôi chép, khéo mà râu ông nọ cắm cằm bà kia rồi quá? Đâu có thấy Tôi đi trên bờ sông/Tay cầm cuốn sách cũ... gì đâu?

Cao hứng, tôi cũng muốn dịch (từ tiếng Anh) ra vài câu xem nào:

Ngày ngày qua và tuần tuần qua
Thời gian qua không buồn trở lại
Tình yêu qua thôi đành vuột mất
Dòng sông xanh vẫn hững hờ trôi

Đêm thong thả đồng hồ gõ nhịp
Tháng ngày qua, còn đây mình tôi ...


Đấy là đoạn thơ chót trong bài thơ (dịch) tiếng Anh ở trên, các bạn thấy tôi dịch có ... nghe được không? (Nếu tôi hỏi ông xã, ông ấy sẽ hỏi lại: "Theo em thì anh có cách trả lời nào khác hay không?", nghe có ... tức mình không kia chứ?)

Bản tiếng Anh, tôi tìm được ở đây.

Ơ mà lạ quá đi. Tôi đi tìm bài thơ này vì một sự tò mò rất lý trí, xem thử mình có nhớ đúng không. Rồi tìm được bài thơ, đọc lên thấy cũng hay, bèn dịch thử xem mình có thể dịch ra thơ không, cũng rất lý trí. Tự mình dịch, rồi tự mình đọc, đọc xong lại thấy ... buồn buồn. Thời gian qua không buồn trở lại ... Dòng sông xanh cứ hững hờ trôi ... Tháng ngày qua, còn đây mình tôi ... Sao lại thế này được cơ chứ? Chẳng lẽ ... ta không là cái quái quỷ gì trên cuộc đời này sao?

Lại nhớ câu thơ của Longfellow, Gã dài như bọn tôi đã nghịch ngợm dịch:

And the tide rises, the tide falls ...
Và thủy triều lên, thủy triều dần xuống ...


Và nhớ TCS:

Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ?

Ừ, có bao lâu? Với tôi, thì biết còn bao lâu nữa nhỉ? Ơ mà tôi sinh cùng ngày với Tướng Giáp, vậy ông sống đến 100 tuổi thì chắc tôi ... cũng thế? Thì cũng phải sống đến năm 2060 để xem VN có trường nào lọt vô top 200 của thế giới như tiên đoán của ông Marginson bên Úc không chớ? ;-)

5 nhận xét:

  1. Em cũng thích thơ Apollinaire, nhất là câu "Đời đổi thay như eo biển cuộn dòng" trong bài Du khách (Hoàng Hưng dịch).

    Sau này mượn tập thơ Apollinaire của bạn em, ngồi đọc, mới biết mấy câu "Ta ngắt đi một cành (cụm?) hoa thạch thảo. Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi. (...) Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi. Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó" cũng là thơ ông (Bùi Giáng dịch).

    Tặng cô bản dịch bài Cầu Mirabeau của Vũ Hoàng Linh, lấy từ thivien.net:

    Dưới chân cầu Mirabeau
    Trôi dòng nước sông Seine
    Và tình yêu chúng mình.
    Anh vẫn nhớ
    Niềm vui luôn kế tiếp nỗi đau.

    Hãy để đêm ra đi
    Hãy để ngày trôi qua
    Anh sẽ ở lại.

    Tay trong tay,
    Chúng mình nhìn vào mắt nhau
    chiếc cầu là những cánh tay,
    ở dưới kia,
    những đôi mắt đông kín với thời gian
    trôi trên dòng nước chậm

    Hãy để đêm ra đi
    Hãy để ngày trôi qua
    Anh sẽ ở lại.

    Và tình yêu trôi
    Như dòng nước chảy
    Tình yêu trôi
    Như cuộc đời chậm chạp
    Như hy vọng cuồng say.

    Hãy để đêm ra đi
    Hãy để ngày trôi qua
    Anh sẽ ở lại.

    Ngày trôi qua và tuần trôi qua
    Thời gian đã mất,
    tình yêu đã mất
    không thể trở lại.
    Dưới chân cầu Mirabeau
    Trôi dòng nước sông Seine

    Hãy để đêm ra đi,
    Hãy để ngày trôi qua,
    Anh sẽ ở lại.


    SGK

    Trả lờiXóa
  2. Hay quá, cám ơn em.

    Tôi cũng có bài dịch dựa trên bản tiếng Anh rồi, em đọc chưa?

    Chưa đạt mấy, nhưng cũng có vài câu tôi cho là tạm em ạ, ví dụ: "Đời mệt nhoài, tình xa vời vợi/Dữ dội chi tiếng sóng lòng ơi!"

    Tôi đang buồn nỗi buồn của người bạn tôi, em ạ!

    Trả lờiXóa
  3. Chị viết tự nhiên làm tôi nhớ đến thời trung học.Ai học ban C thì được cấp bằng "tú tài ban văn chưong-sinh ngữ C,và lại nhớ thơ Quang Dũng...Đôi mắt người sơn tây/U uẩn chiều lưu lạc/Buồn viễn xứ khôn khuây/Em mơ cùng ta nhé/Bóng ngày mai quê hương/Đường hoa khô ráo lệ.../Chỉ nhớ đến đó nhờ chị PA viết tiếp nhé!

    Trả lờiXóa
  4. Tôi cũng chỉ biết Appolinaire qua bài nầy và Adieu/Mùa thu chết, có lẽ nhờ Phạm Duy và cả (băng nhạc) Nguyễn Đình Toàn. Lúc nhỏ không biết rằng bản dịch là của Bùi Giáng.

    Gởi cô một đường link giọng đọc của Appo bài Le pont Mirabeau:
    http://www.ubu.com/sound/app.html
    Mến.

    Trả lờiXóa
  5. Thấy bạn thích thơ, xin giới thiệu tập thơ của Đốc Ngu, muse.docngu.com.

    Nếu bạn viết bài bình phẫm trên trang mạng của bạn thì cho tôi hay nhé (docngu@hotmail.com).

    Khoảng một tuần tôi ra một bài mới. Nếu bạn gởi tin thư yêu cầu thì tôi sẽ gởi tin thông báo.

    Cám ơn bạn,
    Đốc Ngu

    Trả lờiXóa