Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Giáng Sinh ở xóm nghèo

Xóm nghèo mà tôi nhắc đến ở đây chính là nơi tôi đang ở. Nó là khu chợ Cây Quéo của quận Bình Thạnh mà trước đây tôi đã có bài “nhật ký bằng hình” trên blog này, nhân dịp Tết. Còn lần này sẽ là một “nhật ký bằng hình” khác về dịp Giáng Sinh.
“Cửa hàng” thú bông trên vỉa hè gần chợ Cây Quéo
Nói thêm về khu chợ Cây Quéo này một chút. Như nhiều nơi khác mà gia đình tôi (cả bên nội lẫn bên ngoại, bên vợ lẫn bên chồng) đã đến sinh sống, nơi đây có một bộ phận dân cư là người theo đạo Công giáo. Và dấu hiệu của sự hiện diện của họ là những ngôi nhà thờ, nơi, ngoài vai trò là nơi thờ phượng, cử hành các nghi lễ tôn giáo, còn có vai trò là trung tâm sinh hoạt tinh thần, và là nơi gặp gỡ, giao tiếp, thăm hỏi của cộng đồng giáo dân nữa.
Những ngôi sao đã dẫn đường cho ba vị đạo sĩ ở Phương Đông đến với Hài nhi Jesus cách đây hơn 2000 năm
Rất gần nhà tôi ở, chỉ vài phút đi bộ trên cùng một con đường ở khu chợ Cây Quéo này là một ngôi nhà thờ, có tên là Nhà thờ Bác Ái. Và nếu chịu khó đi bộ thêm khoảng 5, 7 phút nữa về phía chợ Cây Quéo thì còn có một ngôi nhà thờ khác, Nhà thờ Thánh Tịnh. Người dân Công giáo sống ở khu này khá nhiều. Và vì thế, cứ mỗi lần Giáng Sinh thì không khí rộn rịp, tưng bừng cũng lan được vào đến tận đây. Dù đây chỉ là một khu nghèo và khá hẻo lánh – hẻo lánh đến nỗi mỗi lần cần tôi đi taxi từ nơi khác về nhà là lại lo không biết tài xế có biết đường để đến hay không.
Đèn hoa tưng bừng vui đón Giáng Sinh. Tại Nhà thờ Bác Ái, nơi gần nhà tôi.
Xin đưa lên đây những hình chụp vào tối hôm nay, Chủ nhật 25/12/2011. Những hình ảnh chụp muộn vào cuối đợt lễ Giáng Sinh này, vì ngày mai đã là Thứ Hai, mọi người lại đi làm và mọi việc sẽ trở lại bình thường rồi. Ông già Noel, vốn xuất thân từ nơi thế tục (không phải là một vị thánh của đạo Thiên chúa), nay đã vào tận khuôn viên nhà thờ
Dẫu sao thì những ngày lễ Noel cũng làm cho không khí ở quanh đây tưng bừng, nhộn nhịp lên được một chút. Và cùng với sự tưng bừng trên đường phố là một sự an nhiên, vui sướng trong tâm hồn. Để lại tiếp tục với những khốn khó của cuộc sống hàng ngày, giá cả tăng như bão táp, mà Tết lại sắp đến rồi.
Emmanuel, Thiên chúa ở cùng chúng ta
Vâng, xin Thiên chúa chúc phúc cho tất cả chúng ta, đặc biệt là những ai bị bách hại vì công lý.

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Oh Christmas tree, oh Christmas tree …


Chỉ còn một tuần nữa thôi là đúng ngày Noel, 25/12. Không khí Giáng Sinh đã rộn rã khắp đường phố Sài Gòn cả nửa tháng nay rồi.

Nhớ ngày xưa còn trẻ, tôi đi dạy Anh văn vào buổi tối. Cứ mỗi mùa Giáng Sinh lại (phải) dạy các em những bài hát về Noel. Và mặc dù ở VN thì Giáng Sinh không được xem là một ngày nghỉ, nhưng không bao giờ các học viên lại chịu học vào tối ngày 24/12. Nên ai dạy trúng tối ngày ấy thì chắc chắn đều bị các học viên bắt hát. Tất nhiên, tôi cũng không phải là ngoại lệ.

Có nhiều bài rất hay, nhưng một trong những bài tôi thích nhất và hay hát nhất – một phần là vì nó dễ hát, và cũng dễ thuộc lời – là bài “Christmas tree”. Lời bài hát ấy, giờ đây tôi chỉ còn nhớ được có mỗi một câu như thế này:

Oh Christmas tree, oh Christmas tree …

Không nhớ lời, nhưng điệu nhạc thì tôi vẫn nhớ. Reo vui, rộn rã lắm. Và lòng người, tôi hy vọng thế, cũng nhờ đó mà thanh thoát và vui sướng hơn.

Còn đây, cây thông Giáng Sinh của gia đình tôi. Nó đã cũ lắm rồi, vì được sử dụng đã mười mấy năm nay. Nhưng năm nào đến Giáng Sinh thì cả nhà lại chộn rộn lôi nó ra để trang trí. Một “truyền thống” nho nhỏ, hòng còn chút gì để nhớ, cho các con tôi sau này chăng?


Giáng sinh đến rồi, hãy vui lên đi, mọi người ơi!

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Tôi ngồi kể nốt cái chuyện con voi

Cái entry này tôi bắt đầu từ lâu rồi, mà hôm nay mới có chút thời gian để hoàn tất. Tôi muốn viết về loài voi từ lúc đọc được mẩu tin về vụ loài voi ở Tây Nguyên sắp tuyệt chủng trên báo chí cách mạng (!). Báo lề phải đàng hoàng đó nghe, không có bọn xấu nào xuyên tạc gì đâu. Ví dụ như ở đây này.
----

Voi, đối với tôi thực là một con vật thân thiết. Thời tôi còn bé, tức là cách đây đến bốn chục năm có lẻ rồi, “đi chơi” đối với tôi có nghĩa là “đi Sở thú”. Mà đi Sở thú thì cũng có nghĩa là đi xem 3 con này thôi: voi, khỉ, và cọp.

Chẳng hiểu sao 3 con thú này hấp dẫn bọn trẻ con chúng tôi thời đó đến thế. Một sự hấp dẫn “đo lường được”: cứ nhìn số lượng trẻ con (và cả người lớn cùng đi với chúng, tất nhiên) quanh các chuồng thú là biết ngay con nào được trẻ con thích thú nhất. Lúc nào đông nhất cũng là chuồng cọp với tiếng cọp gầm “à … um” vang dội; chuồng khỉ với những con khỉ đông lúc nhúc, khỉ mẹ khỉ con bồng ẵm nhau, bắt chí, ăn chuối, khỉ chị khỉ anh leo trèo, nhảy nhót, làm trò khỉ, và khỉ cha thì ngồi vắt vẻo trên cao, mặt mày (giả vờ?) khó đăm đăm, nghiêm như … khỉ, ngó xuống đám đàn bà, trẻ con khỉ đang lau nhau ở dưới làm trò … khỉ.

Nhưng có lẽ hấp dẫn nhất phải nói là voi, ít ra là đối với tôi. Thực ra, tôi không thích hai con kia lắm, tức là khỉ và cọp ấy. Khỉ thì … đúng thật là khỉ, nhìn cái mặt thấy sao hơi láu láu, gian gian (!), và ồn ào, thấy ghét quá. Còn cọp thì oai vệ, trầm tư, kể cũng đáng xem, nhưng chúng có vẻ … khinh bạc, chán đời quá. Rõ là chúng chán đời, “khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ/dương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm”, nên không thèm đưa mắt nhìn mình một chút nào, mà cứ nằm ườn ra đó, mắt lim dim, khinh thị. Hoặc lúc nào ghét quá, không chịu nổi nữa thì chúng vùng dậy, vươn vai, oai vệ bước đi và gầm lên những tiếng thét oai hùng, dữ tợn. Sợ lắm. Một con vật rất không thân thiện với người xem, mà cũng đúng thôi, thân thiện làm sao được nhỉ. Ai không hiểu tại sao cọp lại có thái độ như thế thì cứ đọc lại bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ, ắt sẽ rõ.

Voi thì khác. Chúng có đầy đủ những đức tính khiến một đứa bé như tôi lúc ấy vô cùng … kính phục và yêu quý. Trước hết, nó rất to, và ngộ nghĩnh. Hai cái tai to, dài, biết vẫy; hai cái ngà rất dài, cong vút và nhọn hoắt; bốn cái chân to như bốn cái cột nhà; cái đuôi luôn phe phẩy đuổi ruồi, đuổi muỗi. Nhưng hay nhất cái vòi dài lại biết cầm như cánh tay người, hay nhất là những lúc chúng “cầm” khúc mía của các cậu bé, cô bé dơ ra để cho chúng ăn, rất khéo léo đút khúc mía vào mồm, nhai và nhả bã, rồi lại “thò tay” ra để lấy tiếp một khúc mía khác của một cô bé hoặc cậu bé nào đó đang chờ sẵn.

Mà có lẽ lũ trẻ con thích voi chính vì chỗ này đây: chúng rất thân thiện, gần gũi; nói theo ngôn ngữ thời nay thì chúng biết “tương tác” với người, ở đây là bọn trẻ con chúng tôi. Chẳng hiểu ai dạy, nhưng những con voi này biết lạy: sau khi cho voi ăn, ta có thể hô “lạy”, thì chúng sẽ từ từ khuỵu hai chân trước xuống để lạy người, tỏ vẻ biết ơn.

Vì chúng rất to, nên mọi động tác của chúng đều chầm chậm, bệ vệ, nhưng rất khoan hòa, ôn tồn, và thậm chí theo như tôi nghĩ (thời đó) thì dường như chúng còn cố tình làm trò để chiều bầy trẻ con bọn tôi nữa. Bước tới, bước lui, tai vẫy, đuôi phe phẩy, cái vòi rung rinh dơ lên quặp xuống, rung rinh rung rinh, đều đều, thú vị lắm. Lâu lâu, chúng còn nổi hứng dùng vòi hút nước rồi phun nước ra nữa, nước bắn tung tóe, làm bọn trẻ con được một phen kích động, thích thú.

Tóm lại, voi đúng là những người chủ hiếu khách, quan tâm đến những người khách trẻ con chúng tôi, tương tác và thân thiện, dễ mến. Đến nỗi một đứa bé lên 2, mới biết nói còn chưa sõi như con bé nhà hàng xóm của tôi thời ấy, cũng biết vòi mẹ, “chủ nhật đi ‘chở chú’ xem ‘boi’”.

Về loài voi, tôi còn một lô những kỷ niệm khác nữa. Chẳng hạn như hình ảnh Hai Bà Trưng khởi nghĩa, oai vệ ngồi trên lưng voi, đánh đuổi quân Tàu, kiêu hùng lắm. Tôi nhớ đã thấy cái hình minh họa Hai Bà Trưng cưỡi voi trong cuốn sách lớp 1 của tôi, trong đó có đoạn viết “Thái thú Tô Định là người tàn ác, giết chết Thi Sách là chồng của Trưng Trắc. Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị nổi lên khởi nghĩa …”, rồi sau đó là “Khởi nghĩa thất bại, Hai Bà nhảy xuống sông Hát trầm mình tự vẫn.” Đau thương mà hào hùng biết là chừng nào.

Sau này, tôi lớn, con cái cũng lớn, không đi “chở chú xem boi” nữa. Nhưng tôi vẫn có những dịp thấy voi. Có một lần lâu rồi, chắc khoảng đầu thập niên 90, gia đình tôi có đi Đà Lạt chơi, đến một nơi nào đó quên rồi, có trưng bày các con thú rừng nhồi bông, có đại bàng, có hổ (thật là tội nghiệp con hổ quá, vừa bị ghét, lại bị săn, bị giết, thịt thì ăn (chắc thế), da thì lấy để nhồi bông trưng bày, còn xương thì nấu cao hổ cốt, đúng là ‘khổ như con hổ’ thật).

Lúc ấy, câu con trái của tôi, vốn bản chất nhạy cảm (hay … nhè) không hiểu sao xúc động rất sâu sắc về con voi con nhồi bông mà nó nhìn thấy hôm ấy. Con voi con nhồi bông ấy trông thật dễ thương, hiền lành, ngây thơ. Tôi vẫn nhớ cậu bé con tôi nắm tay mẹ và hỏi, “Mẹ ơi, con vọi này chết rồi hả mẹ?”, nó hỏi với bộ mặt rất thương cảm. Khi tôi nói, “ừ, con voi chết rồi”, thì cậu ấy trầm ngâm hẳn suốt cả buổi hôm ấy. Hình như nó thấy tội nghiệp con voi con bị giết và bị nhồi bông thì phải, dù nó không diễn đạt được điều ấy bằng lời. Thái độ của cậu bé làm tôi cũng trầm ngâm suy nghĩ một chút, ừ, con người ác thật đấy!

Rồi cách đây vài năm, tôi lại có dịp lên Ban Mê Thuột nhân dịp một hội nghị gì đó ở ĐH Tây Nguyên. Sau hội nghị là phần đi tham quan thành phố Ban Mê mà tôi vẫn nghe nhắc tới từ lâu mà chưa có dịp đến thăm. Hình như bài hát “Còn chút gì để nhớ” cũng là nói về thành phố này thì phải? Thành phố thơ mộng, “phố núi cao, phố núi trời gần/phố xá không xa nên phố tình thân…”

Trong chuyến tham quan ấy, có hai “tiết mục” liên quan đến voi. Trước hết là cưỡi voi đi dạo. Con voi thật cao, muốn cỡi phải trèo thang lên, mấy người ngồi lên một “thớt voi” (tôi không rõ là mấy người, hình như là 2 hoặc 4 gì đấy, phía trên là một ông quản tượng để điều khiển voi). Và cứ thế chúng tôi ngồi nghễu nghện trên lưng voi mà đi dạo quanh phố, vừa là lạ, vừa sờ sợ, mà lại vừa thú vị.

Dọc đường đi, có mấy chỗ bán mía để khách mua cho voi ăn, và con voi đứng lại, không chịu đi nữa, đòi được ăn mía. Ông quản tượng khó tính, bắt voi phải đi, thế là con voi vùng vằng, chân bước đi mà đầu cú ngoái lại, chúng tôi ngồi rung rinh trên lưng voi, sợ sợ là. Tự nhiên một người bạn cùng ngồi trên lưng voi với tôi thốt lên: “Lẽ ra ngồi trên lưng voi như thế này cũng phải có quy định đội nón bảo hiểm nhỉ?” Ừ, đúng thế, lỡ có rủi ro, té xuống thì ôi thôi, đầu em chắc là nát như quả trứng gà bị rớt từ trên bàn xuống đất mất thôi!

Tiết mục thứ hai liên quan đến voi là chuyến đi thăm nhà ông Ama Kông, hinh như thế, người anh hùng Tây Nguyên với thứ rượu thuốc quý hóa, loại thuốc “ông uống bà vui” thì phải. Trong đó có phần trưng bày và giải thích việc săn voi và thuần hóa voi. Tôi cảm thấy sợ nhất là khi nghe minh họa con người dùng những ngọn giáo đâm vào người voi để thuần hóa voi con, vừa thấy phục con người đã dùng trí khôn của mình để buộc các con vật to lớn như voi phải phục vụ mình, nhưng cũng vừa thấy sao mình ác ác thế nào ấy.

Kể lể dài dòng, nhưng điều duy nhất tôi muốn nói là trong ký ức của tôi và chắc chắn là nhiều người VN khác thì con voi là một con vật rất thân thương. Thân thương đến nỗi nó đi cả vào thành ngữ … sành điệu thời nay: “Được voi đòi … Hai Bà Trưng” (mà, ai nói câu này vô nghĩa, vớ vẩn, chứ tôi thấy nó còn hay hơn câu gốc là “được voi đòi tiên” ấy, vì có ai thấy tiên bao giờ đâu, còn HBT thì rõ ràng là một hình ảnh kiêu hùng đẹp đẽ, lại chung thủy, dám xả thân vì thù nhà nợ nước).

Mà nếu ai không thích mấy cái thành ngữ sành điệu tuổi “tin” thời nay, thì tôi cũng có một bài khác đây, bảo đảm không ai chê trách nhé. Cái bài mà tôi nghĩ là bà mẹ VN nào cùng thế hệ với tôi cũng đã từng đọc cho con mình nghe. Nó như thế này:

Con vỏi con voi
Cái vòi đi trước
Hai chân trước đi trước
Hai chân sau đi sau
Còn lại cái đuôi thì đi sau rốt
Tôi ngồi tôi kể nốt
Cái chuyện con voi
Con vỏi con voi
Cái vòi đi trước …


Vâng, con voi, con vật thân thuộc của VN, người chủ của núi rừng Tây Nguyên, giờ đã sắp tuyệt chủng rồi. Có ai đau xót về điều này không, khi họ điềm nhiên đốn gục những khu rừng nguyên sinh, đại ngàn hùng vĩ, nơi sinh sống của loài voi từ ngàn xưa. Giờ đây không còn rừng, voi không còn chỗ sống, lạc vào nơi sinh sống của người dân, hung dữ phá rẫy. Voi nổi loạn?

Mà hình như bây giờ trên cả nước không còn mấy con voi nữa. Tê giác thì hình như đã tuyệt chủng hẳn ở VN rồi, thế mà còn bị hàm oan là “ác như con tê giác” nữa chứ. Còn voi thì sao, chẳng biết còn mấy con?

Nên tôi phải ngồi, “kể nốt cái chuyện con voi” trong entry này. Đến khi nào thì người ta kể nốt câu chuyện con voi cuối cùng của núi rừng Tây Nguyên bị diệt?

Có ai có bao giờ tự hỏi, chúng ta đang làm gì với cái di sản mà cha ông ta đã để lại cho chúng ta, và chúng ta sẽ để lại gì cho con cháu chúng ta hay không, ngoài … rất nhiều sân golf (!), các đập thủy điện gây lũ hàng năm, và những hồ bùn đỏ của việc khai thác bô-xít, ừ, có bao giờ không nhỉ?

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

"GIẤY CHỨNG NHẬN... NGƯỜI"

Chép từ trên mạng.
---

Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách: -Vé tàu!


Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.


Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc:


- Đây là vé trẻ em.


Người đàn ông đứng tuổi đỏ bằng mặt, nhỏ nhẹ đáp:


-Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?


Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi:


-Anh là người tàn tật?


-Vâng, tôi là người tàn tật.


-Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.


Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp:


-Tôi... không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em


Cô soát vé cười gằn:


-Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?


Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên - Anh chỉ còn một nửa bàn chân.


Cô soát vé liếc nhìn, bảo:


- Tôi cần xem chừng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ "Giấy chứng nhận tàn tật", có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật!


Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích:


- Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra sự cố ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định...


Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.


Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật ...


Trưởng tàu cũng hỏi:


- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu?


Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho Trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình.


Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói:


- Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.


Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có bốn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc:


- Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.


Trưởng tàu nói kiên quyết:


- Không được.


Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu:


- Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.


Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý:


- Cũng được.


Một đồng chí lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:


- Anh có phải đàn ông không?


Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại:


- Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?


- Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?


- Đương nhiên tôi là đàn ông!


- Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem?


Mọi người chung quanh cười rộ lên.


Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói:


- Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?


Đồng chí lão thành lắc lắc đầu, nói:


- Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.


Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao.


Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với đồng chí lão thành:


- Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.


Đồng chí lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng:


- Cô hoàn toàn không phải người!


- Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé:


- Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì?


Đồng chí lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:


Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận "người" của cô ra xem nào...


Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.


Chỉ có một người không cười.


Theo Úc Thanh (Trung Quốc)

http://www.facebook.com/notes/b%C3%B9i-quang-minh/gi%E1%BA%A5y-ch%E1%BB%A9ng-nh%E1%BA%ADn-ng%C6%B0%E1%BB%9Di/10150377902397700

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Không hiểu TQ nghĩ mình là gì của VN?

Mấy ngày nay tôi bận quá, vì đầu năm học, chuẩn bị cho sv mới vào trường, bao nhiêu là việc. Nên không viết gì mới, dù có nhiều điều muốn nói, đặc biệt từ hôm TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc về đến nay.

Nhưng hôm nay thì không “nhịn” được nữa, vì sáng ra đọc báo mạng thì thấy Trung Quốc đang phản ứng khá nóng nảy (nói theo ngôn ngữ bình dân của tôi là “lồng lộn”) với việc Việt Nam và Ấn Độ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Lồng lộn như thế nào? Theo trang anhbasam.wordpress.com, một tờ báo mạng (lề trái) được nhiều người đọc ở VN, thì trên tờ Hoàn cầu thời báo (Global Times) của Trung Quốc vừa đăng một bài viết có tựa là “Phải làm cho hợp tác Việt - Ấn phá sản!” Ai muốn đọc bài đó thì vào đọc ở đây này.

Các bạn đọc chưa? Nếu chưa thì nên đọc ngay các bạn ạ, lời lẽ của bài viết quá quắt lắm, không thể chấp nhận được. Chỉ cần đưa một vài ví dụ thôi, chắc chắn các bạn cũng sẽ bức xúc như tôi cho mà xem. Đây này:


Động cơ chính trị của sự hợp tác Ấn – Việt rất mạnh, sự chống trả bằng miệng của Trung Quốc sẽ không có tác dụng. Trung Quốc phải áp dụng hành động thực tế, để sự hợp tác Ấn – Việt này bị phá sản, hoặc phải gây ra thật nhiều sự rắc rối cho hai nước.

Nhưng … TQ là một nước xã hội chủ nghĩa anh em (hừm, nếu đã là anh em thì chắc chắn là TQ là anh, VN là em rồi?), một nước có quan hệ “núi liền núi, sông liền sông”, “môi hở răng lạnh”, “16 chữ vàng”, “4 tốt” cơ mà. Cớ sao lại có những lời lẽ lạ kỳ thế? Mà lại là ngay sau khi VN và TQ mới ký một văn bản gì đấy nhân dịp TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm TQ về cơ mà?

Văn bản ấy thậm chí đã được đăng nguyên văn trên các báo. Vì không phải là đảng viên phải nắm mọi văn bản, chỉ thị của đảng nên tôi không đọc một chữ nào cả, nhưng nghe mọi người bàn bạc, báo chí truyền hình nhắc đến liên tục mấy ngày qua, thì cũng biết một trong những nội dung chính của văn bản ấy là VN – TQ sẽ luôn luôn gìn giữ tình hữu nghị keo sơn gắn bó ấy và truyền lại cho đời đời con cháu mai sau, hình như thế (lời lẽ nguyên văn có thể không đúng).

Thế mà văn bản ký còn chưa ráo mực thì trên báo chí chính thống của TQ lại viết bài với lời lẽ như thế, là sao? Mà lại còn thế này nữa chứ:

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch nước Việt Nam đi thăm Trung Quốc và Ấn Độ gần như cùng lúc, ở Bắc Kinh thì vun đắp lại mối quan hệ với Trung Quốc, còn ở New Dehli thì lại ký bản hiệp định rõ ràng là chống lại Trung Quốc, hiện vẫn chưa thể xác định được xem, rốt cuộc thì đây là cách làm của “hai phe phái” của Việt Nam, hay là có sự bất đồng ý kiến về vấn đề cụ thể Nam Hải trong lãnh đạo cấp cao Việt Nam hay không.

Quả thực là lạ. Việt Nam là một nước độc lập (- tự do - hạnh phúc), có chủ quyền (không thể tranh cãi), thì tất nhiên là phải có quan hệ với nhiều nước khác. Mà VN thì muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới (tôi nhớ hình như đó là khẩu hiệu ngoại giao của VN thời mới mở cửa, có lẽ bây giờ vẫn còn đúng?), thì tất nhiên danh sách các nước trên thế giới đó ắt phải có Ấn Độ, Mỹ, Philippines, và nhiều nước khác nữa, chứ lẽ đâu chỉ có một mình TQ?

Nếu TQ là bạn tốt của VN (như các khẩu hiệu thường nói), thì điều đầu tiên TQ phải làm là tôn trọng sự độc lập và chủ quyền của VN mới là đúng chứ nhỉ? Hay là TQ … nói dối về cái tình hữu nghị này? Dám lắm chứ? Thế thì … thực là nguy hiểm quá.

Nhưng tôi nghĩ lại rồi: chắc chắn là không phải như thế, vì chẳng lẽ Đảng và nhà nước ta cũng nói dối? Chắc chắn là không, đúng không nào?

Vậy tại sao hợp tác Việt – Ấn, rồi lại làm cho TQ giận dữ lồng lộn lên và viết những lời lẽ hằn học như thế nhỉ? Hay là trang anhbasam.wordpress.com đưa tin không đúng? Ừ, báo lề trái mà, biết đâu có tụi phản động ở trong đấy, phá hoại tình đoàn kết của 2 dân tộc, 2 nước XHCN anh em (hừ hừ, VN là em, TQ là anh, tôi chả khoái dzụ này chút nào cả!)

Để cho chắc chắn, tôi lên mạng tìm cái bài báo đó, nhưng không có cách nào vào được Global Times cả, vì bị “vạn lý tường lửa” (great firewall ấy mà). Nhưng cũng kiếm được một bài trên trang của Reuters, ở đây, nói về việc báo chí TQ phản đối quan hệ Việt - Ấn.

Không những thế, tuy không vào được sâu trong trang của Global Times, nhưng tôi cũng có thể đọc được một lô những tựa báo của TQ khi tìm trên google, và đọc được bản lưu trên google, ví dụ bài viết có cái tựa là “China MUST Crush Vietnam’s thuggish territorial provocation and wily ploys”, tạm dịch là “TQ phải đập tan/nghiền nát những hành động côn đồ khiêu khích lãnh thổ và những mưu đồ láu cá của VN”, được đăng trên tờ Global Times ngày 16/10, cách đây chỉ mới 4 ngày thôi.

Đọc vào bên trong, lời lẽ của nó còn làm cho tôi nóng máu hơn nhiều, các bạn ạ, thôi thì không đưa lên đây nữa kẻo phá hoại tình hữu nghị Việt – Trung mà nhà nước ta đang cố gắng gìn giữ để truyền lại cho đời đời con cháu mai sau, trong đó có cả con cháu của tôi nữa. Cho nó đúng chủ trương, chính sách của nhà nước, mình là công dân tốt mà.

Chỉ có điều, dù là công dân tốt, và chấp hành chủ trương của nhà nước nên sẽ không nói gì thêm nữa, nhưng tôi không thể không tự hỏi mình: Với thái độ như vậy, không rõ Trung Quốc nghĩ mình là gì của Việt Nam ấy nhỉ? Là đồng chí, láng giềng, bạn, đối tác (đều tốt cả, như khẩu hiệu đã nêu), hay là anh (thì anh em XHCN với nhau), là thầy (thì về mặt chính trị, hiện nay VN cái gì chẳng giống TQ), hay thậm chí là cha mẹ – là mẫu quốc đối với thuộc quốc, giống như thời Bắc thuộc?

Hừm, không nghĩ nữa, kẻo lại bị các thế lực phản động chúng nó lợi dụng bây giờ!

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Mưa, và cà phê đắng ...

Mấy ngày nay Sài Gòn cứ mưa liên miên …

Ngày nhỏ, đối với tôi có hai loại mưa: mưa vui và mưa buồn. Mưa vui là mưa vào giữa mùa hè nóng bức, chợt đâu một vài đám mây đen kéo qua, trời tối xầm rồi nước ở đâu không rõ cứ tuôn như trút xuống. Mưa rơi lộp độp trên mái tôn, mới đầu thưa thớt vài hạt rồi nặng dần, rầm rập đổ xuống như cả một bầy ngựa đang phi nước kiệu. Nước từ những mái nhà chảy xuống thành hàng như một bức mành tạo bởi nước mưa trước hiên nhà, nước trong máng xối tóe ra xối xả như những vòi nước công cộng ai vặn ra rồi quên không khóa.

Rồi thì hẹn nhau hồi nào chẳng biết, bầy con trai trong xóm ở đâu bỗng túa ra, lưng trần, quần xà lỏn, giành nhau chúi đầu vào những máng xối nước mưa mát lạnh, cười giỡn vang trời, rồi thỉnh thoảng lại đuổi nhau, vật nhau, trượt chân ngã dúi dụi, rồi cãi nhau, chửi nhau, cả văng tục nữa, ỏm củ tỏi …

Đám con gái thì hiền lành hơn, chờ mưa to một lúc cho nước dâng lên đến thềm nhà thì bắt đầu thả thuyền giấy ra đầy sân. Những chiếc thuyền làm bằng giấy tập học trò xé ra từ vở cũ, gặp mưa một lúc thì mực tím, mực xanh nhoẹt nhòe, đôi khi những giọt nước mưa chảy xuống thấm mực tạo thành những hình thù kỳ lạ. Thuyền to, thuyền nhỏ, thuyền trung, dập dềnh sóng nước, trôi xa dần, xa dần … dường như chúng trôi đến bến bờ nào xa xôi lắm.

Mà dường như lần nào cũng như lần nấy, khi ngắm những chiếc thuyền giấy trôi một hồi là tôi lại bắt đầu mơ mơ màng màng, nghĩ tới những chân trời xa lạ, những đất nước xa xôi trong các chuyện cổ tích mà tôi đã đọc, những rừng thông xanh và những đồi tuyết trắng… Tôi mơ màng thấy mình là một kẻ lữ hành, một mình lang thang qua những thành phố xa lạ, qua những lâu đài cổ (giống như trong những hình vẽ của những cuốn truyện mà tôi đã đọc), rồi vì tò mò, rất muốn liều lĩnh mở đại cổng một ngôi nhà vắng chủ, lén bước vào để ngắm những bông tulip vàng và đỏ trong sân …

Bao giờ cũng vậy, câu chuyện dừng lại ở đó (vì trí tưởng tượng của tôi chỉ đi được đến đó), sau một hồi, thì mưa bỗng dứt, và tôi cũng tỉnh, cái nóng nực, bụi bặm đã bị cuốn sạch đi, trời quang mây tạnh, và những chiếc thuyền giấy đã đưa tôi đi xa trong giấc mộng của mình giờ đây mắc kẹt lại cả đám bên miệng cống. Rồi thế nào các bà già trong xóm lại cũng phải quét đi, vừa quét vừa chửi bọn trẻ con nghịch ngợm, không khéo lại nghẹt cống thì khổ …

Những trận mưa như vậy thường chỉ ngăn ngắn thôi, đâu chừng nửa tiếng rồi ngưng, sao mà vui thế. Còn mưa buồn? À, đó là những cơn mưa rất to với nhiều sấm sét, kéo dài đến cả vài tiếng đồng hồ. Mưa đều đều, nước cứ trút, trời thì tôi, trời chuyển từ nóng sang lạnh và ẩm ướt. Nước ngập đầy sân, cống nước tiêu không kịp, ngập cả vào nhà. Vào những ngày mưa như vậy, trời không có nắng, quần áo phơi chẳng kịp khô, có khi còn làm điện bị cúp (chẳng hiểu tại sao). Con hẻm nhà tôi ở có khi nước ngập đến vài ngày do cống nghẹt (có khi là do mấy cái thuyền giấy mà chúng tôi đã thả ra chơi), và mọi thứ bắt đầu trở nên nhem nhuốc, nhếch nhác.

Và, hình như thế, cứ mỗi lần mưa buồn ở SG vài trận như vậy, thì sau đó là tin về bão lụt miền Trung. Rồi đi học, thấy nhà trường kêu gọi quyên góp cho đồng bào miền Trung trong cảnh màn trời chiếu đất. Bọn trẻ con lại được có dịp bảo nhau về nhà xin quần áo cũ, tập vở … để nộp cho cô, cho trường “cứu trợ đồng bào miền Trung”. Hình như chẳng năm nào không có bão lụt như thế, báo chí, radio (chưa có TV, và tất nhiên là chưa có Internet!) đưa tin nghe thương lắm. Mình chỉ bị lội bì bõm nước mưa (hình như trộn cả nước công) mấy ngày, quần áo không khô được, đã khổ rồi. Huống chi miền Trung còn lũ lụt, đói kém, chết người. Còn trời thì cứ mưa, mưa mãi. Mưa buồn.

Đấy là chuyện mưa của cách đây mấy chục năm. Những gì tôi tả ở trên là trước năm 1975, tức lúc tôi còn học cấp hai. Tất cả đã xảy ra cách đây đến 40 năm rồi. Lâu quá rồi, chẳng hiểu tôi có còn nhớ đúng không nhỉ, hay là trí nhớ mình tự thêu dệt ra không biết chừng?

Bây giờ thì trời vẫn mưa, nhưng không còn giống như xưa nữa. Chẳng bao giờ còn thấy mưa vui. Mưa vui, hình như nó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của tôi, hay một đứa con hoang của ký ức của tôi hay sao ấy. Vì nó đã hoàn toàn biến mất trên thực tế rồi. Rất nhiều năm nay tôi không sao tìm được những trận mưa vui như vậy ở SG nữa.

Chỉ có mưa buồn mà thôi. Mưa, và nghĩ ngay đến miền Trung. Năm ngoái, thủy điện xả lũ, chết người quá chừng chừng.. Ngay vào dịp “đại lễ” của Hà Nội – chẳng hiểu sao cũng trùng ngày quốc khánh TQ? Rồi còn có người chết vì điện giựt trong mưa nữa. Còn năm nay thì lũ ở ĐBSL, đã mấy chục người chết vì lũ lụt rồi. Ở cái vùng mà ngày xưa tôi vẫn nhớ cô giáo tôi hay bảo là “miền Nam mưa thuận gió hòa”. Miền Nam thì thế, còn miền Trung, với khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, rồi còn thủy điện khắp nơi nữa, chao ơi là lo …

Tự nhiên nhớ lung tung lộn xộn vài câu thơ về mưa của một nhà thơ tiền chiến nào đấy, quên rồi:

Mưa gì mưa hoài, lòng biết nhớ thương ai
… phí hoang thời trẻ dại
Mưa gì mưa mãi nào biết trách ai
… cảnh tượng buồn nơi quan tái.

Buồn của nhà thơ xưa đó, có buồn bằng bài thơ mưa hôm nay không nhỉ, của một nhà thơ nào đấy tôi tìm được trên mạng, trên một blog cá nhân ở đây: http://phamkong.blogspot.com/2011/10/nhuc-cho-nuoc-viet.html

Cà Phê Đắng…
Mưa bay từ Ải Nam Quan
Mưa qua Đông Hải, mưa sang chốn này
Mưa ơi, xin ở lại đây
Mong mưa trôi hết đắng cay nỗi đời.
Đâu đây xương máu vọng lời
Núi sông trả lại, biển khơi trả về
Tình trong hơi ấm cà phê
Dâng hồn chiến sĩ lời thề trả xong

Ngàn năm máu đổ thành sông
Xương xây thành núi tấm lòng hy sinh
Một lòng Tổ quốc quyết sinh
Bao gương trung liệt tử sinh quên mình.

Buồn trong hiu hắt một mình
Cà phê sao đắng chỉ mình ta thôi ?! …
----
Quê hương những ngày mưa bão

Minh Sơn Lê
.

Buồn quá, thôi thì viết vài giòng vơ vẩn để chia cái buồn với nhà thơ Minh Sơn Lê mà tôi không quen biết. Có hề gì, chỉ cần biết chúng ta cùng chia một nỗi buồn chung…

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Tranströmer và “điều bí ẩn diệu kỳ”

Bài đã đăng trên trang mạng của Tạp chí Tia Sáng, link: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=4475
-----
Chọn một người Thụy Điển để đề cử giải thưởng Nobel là một điều mà đất nước này thường cố tránh không làm, vì thận trọng. Nhưng giải thưởng Nobel Văn chương 2011 dành cho nhà thơ 80 tuổi người Thụy Điển Tomas Tranströmer hẳn đã thuyết phục cả những người khó tính nhất trong Hội đồng.

Và cho đến giờ cũng chưa hề có ai tỏ ra mảy may nghi ngờ về khả năng có sự thiên vị của Hội đồng dành cho nhà thơ người Thụy Điển tài năng này.

Đúng ra, ta còn có thể nghi ngờ rằng chính sự thận trọng của Hội đồng về những ứng viên quốc tịch Thụy Điển đã khiến Tomas Tranströmer phải chờ đợi mãi đến bây giờ. Robin Fulton, nhà thơ người Scotland đã dịch thơ của Tranströmer sang tiếng Anh, đã phát biểu: “Việc Tranströmer đoạt giải có thể ít nhiều đoán trước được – đây là sự đánh giá đối với công việc của cả đời người. Tranströmer đã quá nổi tiếng rồi, đến mức không còn một nhà thơ nào có thể nổi tiếng hơn thế. Có những tác giả trở nên nổi tiếng sau khi họ đoạt giải Nobel, nhưng Tranströmer thì đã nổi tiếng từ trước”, tờ Guardian (1) của Anh đã cho biết như vậy vào ngày 6/10/2011.

Nhận xét về thơ của Tranströmer, rõ ràng là không ai có thẩm quyền hơn Fulton, người vừa là một đồng nghiệp (Fulton cũng là một thi sĩ), vừa là dịch giả và tất nhiên cũng đồng thời là độc giả. Ngôn ngữ trong thơ của Tranströmer được Fulton nhận định là đơn giản, không cầu kỳ, khó dịch như một số nhà thơ khác. Nhưng hình ảnh trong thơ của ông lại luôn mưới mẻ, lạ lẫm, khiến người đọc hết sức bất ngờ và thậm chí còn làm cho họ choáng váng. Và theo Fulton, đó mới chính là điều mà độc giả đòi hỏi ở những nhà thơ.

Xin giới thiệu hai bài thơ dưới đây, được rút từ tập thơ đầu tay của Tranströmer có tựa 17 Dikter (tức “17 bài thơ”), xuất bản từ năm 1954. Bản tiếng Anh do Fulton dịch, được xuất bản bằng tiếng Anh lần đầu vào năm 1987 trong tuyển tập thơ có tên là The Great Enigma (Điều bí ẩn diệu kỳ).
---
The stones
The stones we threw I hear
Fall, glass-clear through the years. In the valley
The confused actions of the moment
Fly screeching from
Treetop to treetop, become silent
In thinner air than the present’s, glide
Like swallows from hilltop
To hilltop until they’ve
Reached the furthest plateaus
Along the frontier of being. There all
Our deeds fall
Glass-clear
With nowhere to fall to
But ourselves.

Những hòn đá
Những hòn đá chúng ta đã ném đi
Tháng năm qua vẫn còn đọng lại
Vụn vỡ tiếng thủy tinh rơi. Trên thung lũng này
Hành động sai lầm của thời điểm ấy
Vụt kêu the thé bay đi
Chao qua những ngọn cây, rồi ngưng bặt
Trong bầu khí mong manh như khói, chúng lướt qua
Như bầy én lượn qua những ngọn đồi
Đến những cao nguyên xa thẳm
Nằm dọc theo chân trời hiện hữu. Ở đó
Những hành động của chúng ta
Như thủy tinh
Vụn vỡ
Chẳng biết rớt vào đâu
Lại về cùng bản ngã.

(Phương Anh dịch từ bản tiếng Anh)

Cũng xin giới thiệu thêm bài dịch của Diễm Châu cho bài thơ The Stones mà tôi đã dịch là Những hòn đá ở trên. Bài thơ dịch này tôi tìm được trên trang của Nguyễn Trọng Tạo.

ĐÁ
Những tảng đá chúng ta đã ném tôi nghe rơi rơi,
trong như pha lê qua năm tháng. Dưới lòng thung
bay đi những việc làm hỗn độn của khoảnh khắc
kêu ré từ
đỉnh cây tới đỉnh cây. Trở thành câm nín
trong bầu khí loãng hơn của hiện tại, chúng lướt nhanh
như chim én qua hết ngọn núi này
tới ngọn núi khác, cho đến khi
tới mãi những vùng cao nguyên xa xôi nhất
ở mép lề cuộc sống. Rơi rơi
mọi hành động của chúng ta
trong như pha lê
không vào một đáy sâu nào hết
ngoại trừ ở bên trong chính chúng ta.

(Diễm Châu dịch từ bản tiếng Anh)
--

Context
Look at the grey tree. The sky has run
Through its fibres down in the earth –
Only a shrunk cloud is left when
The earth has drunk. Stolen space
Is twisted in pleats, twined
To greenery. – The brief moments
Of freedom rise in us, whirl
Through the Parcae and further.

Bối cảnh
Hãy nhìn cái cây màu xám. Bầu trời chạy xuyên
Qua các thớ gỗ xuống tận đất sâu –
Chỉ còn một đám mây tóp teo
Khi mặt đất đã uống đầy thuê thỏa.
Khoảng không bị đánh cắp
Vặn lại thành những đường gấp nếp
Rồi bung thành cành lá tốt tươi.
Những giây phút tự do ngắn ngủi
Vươn lên trong lòng ta, rồi tỏa ra
Cuồng xoay mãi đến Thiên cung vô tận.

(Phương Anh dịch từ bản tiếng Anh)

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

“Cái cây và bầu trời” (thơ Transtroemer): Một bản dịch khác

Trong entry trước, tôi có giới thiệu một bài thơ của Transtroemer đã được dịch sang tiếng Anh, và bản dịch tiếng Việt của tôi. Bài thơ ấy có tên là “Cái cây và bầu trời”.

Hôm nay, tình cờ đọc được một bản dịch khác của bài thơ này trên trang Nguyễn Trọng Tạo, dịch giả là Diễm Châu. Nhưng bản dịch ấy đã được dịch từ lâu, trước khi Transtroemer được giải Nobel. Có điều là tôi chưa đọc nó bao giờ cả.

Việc một bài thơ được chuyển dịch nhiều lần khác nhau sang một ngôn ngữ khác cũng là bình thường, và thậm chí thú vị. Vì ta có thể đọc và so sánh cách chuyển dịch bài thơ sang tiếng Việt, cách xử lý những chỗ khó dịch, và phong cách riêng của từng dịch giả.

Nên xin giới thiệu bản dịch khác ấy ở đây, cùng chép luôn cả bản dịch của tôi và bản tiếng Anh nữa, cho mọi người đọc, so sánh và … bình phẩm.

(Thực ra tôi còn dịch 2 bài khác nữa, và 1 trong hai bài dịch đó cũng có trên trang của NTT. Nhưng không đăng lên đây được vì đã gửi cho báo rồi, phải chờ họ sử dụng xong rồi mình mới được đăng lên. Nên các bạn đành chịu khó chờ vậy nhé).

Enjoy!
--
The Tree and the Sky

There’s a tree walking around in the rain,
it rushes past us in the pouring grey.
It has an errand. It gathers life
out of the rain like a blackbird in an orchard.
When the rain stops so does the tree.
There it is, quiet on clear nights
waiting as we do for the moment
when the snowflakes blossom in space.

Tomas Tranströmer, translated by Robin Fulton

Cái cây và bầu trời

Cái cây bước quanh trong cơn mưa
đi qua chúng ta trong màu xám ướt át.
Nó có một việc phải làm. Nó nhặt sự sống ra khỏi cơn mưa
như một con sáo trong vườn anh đào.

Khi mưa vừa dứt, cái cây cũng ngừng.
Nó chỉ đứng đó, không động đậy trong những đêm quang đãng,
chờ y như chúng ta chờ tới cái thời điểm đó
khi những bông tuyết tự quăng mình ra không gian.
(Diễm Châu dịch)

Cái cây và bầu trời

Một cái cây đi trong cơn mưa
Vội vã băng qua ta dưới bầu trời xám
Nó đang bận. Nó nhặt sự sống ra
Khỏi cơn mưa, như chú quạ đen trong vườn trái.

Cơn mưa tạnh, cái cây cùng đứng lại
Kia nó kìa, im ắng dưới trời đêm
Lặng lẽ chờ, như ta vẫn hằng mong
Bông tuyết trắng nở bung vào đêm tối.
(Phương Anh dịch)

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

"Điều bí ẩn diệu kỳ" của Tranströmer


“Điều bí ẩn diệu kỳ” là lời dịch của tôi cho cái tựa tiếng Anh của tập thơ nổi tiếng của nhà thơ 80 tuổi người Thụy Điển còn nổi tiếng hơn, vì vừa đoạt giải Nobel văn học 2011, Tomas Tranströmer. Cái tựa ấy là: The Great Enigma.

Nhưng điều bí ẩn trong cái tựa tập thơ ấy là gì nhỉ? Tôi không rõ, vì quả thật là trước khi có tin Tranströmer đoạt giải Nobel 2011, tôi chưa bao giờ nghe thấy tên nhà thơ ấy bao giờ. Nhưng vì bây giờ nghe tin đây là nhà thơ đoạt giải Nobel, với những lời khen rất kích thích trí tò mò, nên mặc dù tôi đang bận quá, nhưng cũng phải mò vào mạng tìm tòi một lúc, cho … biết với người ta.

Tranströmer được khen ra sao? Có một phát biểu về ông mà hầu như mọi tờ báo – cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt – đều nhắc đến, đó là “thông qua các hình ảnh cô đọng, trong vắt, ông đã cho chúng ta cách tiếp cận mới mẻ với hiện thực”. Đây là lời phát biểu của Peter Englund, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, nhận xét về nhà thơ được đoạt giải năm nay.

Nhận xét ấy đã được đăng trên tờ Huffinton Post, có thể tìm thấy ở đây.

Cũng trong bài viết trên tờ Huffington Post, theo Englund, những chủ đề mà ông thường đề cập đến là “cái chết, lịch sử, ký ức, và thiên nhiên. Nhất là về thiên nhiên”.

Thiên nhiên ư, thế thì hợp với tôi rồi. Không hiểu người khác thì thế nào, chứ với tôi, một mình với thiên nhiên – dù là sông, là biển, là núi, là thác, hay chỉ là cây cỏ, lá hoa – bất cứ cái hình ảnh nào của thiên nhiên cũng đem lại cho tôi nhiều cảm xúc. Cảm giác cô đơn và kính sợ khi đứng trước một vách núi cao. Cảm giác buồn buồn khi đứng trước một dòng sông lặng vào lúc chiều buông. Cảm giác tự do, khoảng khoát khi đứng trước bãi biển lúc bình minh, cùng mặt trời đang lên. Và luôn luôn là cảm giác bình yên, thân thuộc, an ủi khi nhìn vào những tán lá xanh um tươi tốt của những cánh rừng nhiệt đới.

Vậy thì phải đi tìm thơ của Tranströmer để đọc chứ, xem ông viết như thế nào. May mắn quá, tôi tìm được ba bài, hai bài đã dịch (vì cao hứng) và gửi đi, không đăng lên đây được (phải chờ cho báo đăng xong đã), nhưng vẫn còn một bài thứ ba, xin chia sẻ ở đây. Bản dịch tiếng Việt là của tôi.

Đọc đi các bạn ạ, để thấy lời nhận xét của Englund về thơ của ông hoàn toàn chính xác: Lời thơ cô đọng và trong vắt, hình ảnh thì mới mẻ và lạ lùng, giúp ta có những cảm nhận mới mẻ về thực tại.

Thơ, đó là sự cứu rỗi linh hồn của chúng ta, có ai đó đã nói như vậy thì phải. Rất đúng, phải không các bạn?

À, vậy thì "điều bí ẩn diệu kỳ" của chúng ta chính là thơ đấy. Nó cũng là “nơi trú ẩn của tôi” (“nơi trú ẩn của tôi/là thơ đấy” – mấy câu thơ con cóc của tôi ấy mà).

http://johnbakersblog.co.uk/two-poems-from-tomas-transtromer/
The Tree and the Sky

There’s a tree walking around in the rain,
it rushes past us in the pouring grey.
It has an errand. It gathers life
out of the rain like a blackbird in an orchard.
When the rain stops so does the tree.
There it is, quiet on clear nights
waiting as we do for the moment
when the snowflakes blossom in space.

Tomas Tranströmer, translated by Robin Fulton

Cái cây và bầu trời

Cái cây băng ngang tôi trong  cơn mưa
Vội vã đi dưới bầu trời đen xám
Nó bận bịu đi chắt chiu sự sống
Giữa trời mưa, như chú quạ trong vườn.

Cơn mưa tạnh, cái cây dừng đứng lại
Kia nó kìa, im ắng dưới trời đêm
Lặng lẽ chờ, như ta vẫn hằng mong
Bông tuyết trắng nở bung vào đêm tối.

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Chụp ở Ấn Độ, tháng 3/2011

Ngồi dọn máy, tự nhiên tìm thấy một tấm hình chụp tôi đang phát biểu trong một hội nghị về chất lượng giáo dục tại Ấn Độ vào tháng 3/2011. Một chuyến đi … bão táp với rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, với một người đồng nghiệp nhỏ ở nơi mà giờ đây tôi đã rời xa. Đưa lên đây để lưu cho mình, hình ảnh của một thời.

Một thời để yêu và một thời để nhớ? (Cải lương quá nhỉ?)

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Đọc lại “Có 500 năm như thế”

“Có 500 năm như thế” là cuốn sách của Hồ Trung Tú mà tôi có lần đã viết một blog entry để giới thiệu, cách đây ít lâu (và có hứa sẽ trở lại viết thêm về nó sau khi đọc kỹ hơn). Như tiểu tựa của cuốn sách đã nêu rõ, cuốn sách này nhằm xem xét “bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử”.

Đối với một người có quê gốc ở miền Bắc – cha Nam Định, mẹ quê gốc ở Bắc Ninh nhưng sống ở Hà Nội – và nơi chôn nhau cắt rốn ở tận … Sóc Trăng như tôi, Quảng Nam nói riêng, và “khúc ruột miền Trung” nói chung, là một nơi xa lạ. Có nhớ có thương gì, thì nếu không phải là làng quê miền Bắc “có cây đa cao vút từng xanh, có sông sâu lơ lững vờn quanh” cũng phải là vùng đồng bằng sông Cửu Long mênh mông sông nước, cây xanh trái ngọt, ruộng đồng trù phú, và những điệu lý ngọt ngào, rất đỗi thân thương.

Dù gốc Bắc – và nói tiếng Bắc, còn giữ nhiều nét văn hóa Bắc (do truyền thống gia đình quá mạnh, có lẽ thế), nhưng vì sinh ra ở tận Sóc Trăng, lại học trường Gia Long hồi bé, nên trong thâm tâm tôi tự nhận – và tự hào – rằng mình là người “đàng trong”, và vẫn cảm phục các vua chúa triều Nguyễn (trong đó tất nhiên là có vua Gia Long) đã mở cõi vào phía Nam để những người dân Bắc như gia đình tôi có cơ hội vào làm ăn sinh sống.

Thực ra thì tôi cũng có một thoáng kỷ niệm đẹp ấu thơ với miền Trung, vì gia đình tôi cũng có thời gian sống ở Phan Thiết trước khi vào Sài Gòn lúc tôi 5 tuổi. Ký ức của tôi về Phan Thiết rất mơ hồ vì lúc ấy tôi còn quá nhỏ, chỉ nhớ loáng thoáng những đồi cát mà bọn tôi thường chạy lên rồi tuột xuống để chơi. Một không gian rất rộng, rất khoảng khoát, với những cơn gió lồng lộng.

Tôi cũng nhớ màu hồng tim tím lẫn trắng của loài “hoa đồng hồ” mọc khắp nơi trên vùng đất cát này. Sau này tôi mới biết tên thực của nó là “bông dừa”, nhưng hồi ấy bọn tôi đều gọi là hoa đồng hồ. Tôi nghĩ cái tên này xuất phát từ trò chơi của trẻ con thời ấy: Loài hoa này có một cái nhụy dài rất mảnh, trên đầu có điểm một hạt nằng nặng dinh dính; khi rút cọng nhụy này ra để giữa lòng bàn tay rồi thổi thì đầu cọng nhụy sẽ dính lại một chỗ còn cái cọng dài mảnh mai sẽ xoay như kim giây đồng hồ vậy.

Nhưng miền Trung đối với tôi chỉ là một vùng đất lạ, với rất nhiều nắng, rất nhiều gió, rất nhiều biển, với những dân chài đen nhẻm, với cách sống khá xa lạ với dân gốc đồng bằng với lũy tre làng là gia đình tôi. Và khác biệt lớn nhất, xa lạ nhất, là giọng nói và cả từ ngữ nữa. Những mô (đâu), tê (kia), răng (sao), rứa (thế), ni (này), chi (gì) vv là những từ tôi đã phải học và dùng đúng từ bé để có thể giao tiếp với bọn trẻ con ở Phan Thiết, vì nếu nói khác thì chúng nó không cho chơi với. Tôi vẫn nhớ khi nào lỡ buột miệng nói “Làm sao?” thì ngay lập tức sẽ bị trả lời: “Sao, hỏi sao trên trời!”

Vâng, miền Trung trong ký ức của tôi chỉ có như thế thôi – xa lạ. Trong khi đó, miền Nam đối với tôi sao mà thân thuộc thế, dù tôi cũng có biết nhiều về nó đâu, trừ đất Sài Gòn nơi tôi sống. Nhưng có một câu hỏi mà tôi vẫn tự hỏi mình từ rất lâu rồi, đó là sự khác biệt rất lớn giữa hai miền Bắc Nam – khác cả về giọng nói, lẫn cách sinh hoạt, và nhất là tính cách, là do đâu mà ra?

Tất nhiên là do khác hoàn cảnh, và do sự chia cắt về chính trị (đàng trong, đàng ngoài) trong một thời gian dài. Nhưng chắc chắn cũng là do sự pha trộn của các dân tộc sinh sống trên vùng đất “đàng trong” này bên cạnh những người Việt vốn gốc gác từ cái nôi miền Bắc đã thực hiện cuộc Nam tiến. Những dân tộc mà tôi tin là có ảnh hưởng đến văn hóa đàng trong chính là người Hoa (người Minh Hương) và người Khmer.

Và tất nhiên, những nguồn ảnh hưởng đó không bao gồm người Chàm! Người Chàm, hay người Chăm, người Chiêm, theo như tôi hiểu, chỉ là một nhóm thiểu số còn sót lại từ vương quốc Chiêm Thành trước đây, giờ đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Bi hận lắm, nhưng nó đã là quá khứ rồi, mà tất nhiên là không ai có thể làm lại quá khứ được. Điều duy nhất mà những người Việt như tôi có thể làm được bây giờ, là tôn kính những di tích lịch sử còn sót lại, và tôn trọng bản sắc văn hóa của người Chăm như một trong nhiều dân tộc thiểu số ở VN, vậy thôi.

Vâng, tôi vẫn luôn nghĩ như thế. Cho đến khi tôi đọc “500 năm như thế” của Hồ Trung Tú.

Một cuốn sách nho nhỏ, xinh xinh, chỉ hơn 250 trang khổ nhỏ, trông như một cuốn tiểu thuyết tình yêu của tuổi dậy thì. Nhưng chưa có cuốn sách nào khiến tôi phải đọc lâu như thế.

Đọc lâu, không phải vì nó khó hiểu. Tác giả của cuốn sách thực ra chỉ có một thông điệp rất rõ ràng, dễ hiểu, đã được nêu rõ ngay từ cái tựa và lời dẫn nhập của cuốn sách: trong suốt 500 năm dài, người Chàm – chủ nhân cũ của vùng đất này – đã cùng sinh sống, lập gia đình, sinh con đẻ cái, và pha trộn huyết thống trong dòng máu Việt hiện nay của chúng ta. Một thông điệp bất ngờ, đáng kinh ngạc, nhưng không phải là không có lý.

Không phải là không có lý, nhưng cũng không dễ dàng được chấp nhận ngay, vì nó quá mới mẻ. Và toàn bộ cuốn sách – không dài – của Hồ Trung Tú được viết ra chỉ là để chứng minh luận điểm này của ông. Với rất rất rất nhiều chi tiết về lịch sử, về địa lý, về văn hóa, về gia phả – tất cả dưới “góc nhìn phân kỳ lịch sử”. Những chi tiết mà đối với tôi là hoàn toàn xa lạ, vì, như đã nói ở trên, cho đến trước khi đọc cuốn sách này, tôi chẳng quan tâm gì đến khúc ruột miền Trung của đất nước gì cả.

Đọc lâu là vì như thế. Tôi phải đọc đi đọc lại để có thể xâu nối lại các chi tiết mà tác giả đã nêu ra để hiểu xem ý nghĩa của chúng là gì, và liệu chúng có thực sự cho phép tác giả đưa ra lời khẳng định táo bạo nêu trên hay không. Hoàn toàn không có nghề lịch sử, văn hóa, hay khảo cổ gì cả, tôi không thể phán đoán những thông tin và lập luận của tác giả có gì sai sót không, nhưng với tư cách một người Việt xem xét nguồn gốc của mình, tôi tin là tác giả đã viết có lý – và tất nhiên, không phải là chỉ suy đoán, mà cũng có những cứ liệu. Còn việc cứ liệu như thế là nhiều hay ít, và chất lượng của chúng, xin để cho các nhà chuyên môn bàn cãi.

Cuối cùng, thì điều lớn nhất, và quan trọng nhất mà Hồ Trung Tú đã làm được với cuốn sách của mình, đó là làm cho các độc giả người Việt (hoặc đúng hơn, nghĩ mình chỉ là người Việt) băn khoăn, đứng ngồi không yên, về cái kết luận như bom nổ của mình, mà theo lời của Inra Sara, một học giả người Chăm đúng nghĩa, là “chúng ta là Chăm, đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”. Ít nhất, điều đó đã làm cho chúng ta – trong đó có tôi, một người miền Nam gốc Bắc – quan tâm hơn đến cái “đoạn” lịch sử bị đứt khúc của chúng ta, thời kỳ đàng trong, đàng ngoài, và những điều đã xảy ra âm thầm trong nửa thiên niên kỷ kỳ bí đó.

Một cuốn sách nho nhỏ, nhưng rất nặng, và không thể đọc nhanh, đối với tôi. Tôi vẫn còn đang đọc nó, 500 năm bị lãng quên của nguồn cội VN.

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Nhân đọc thơ Haiku của Basho

Một người bạn [...]* của tôi từ An Giang mới gửi tặng tôi cuốn Thơ Haiku Basho – Tác phẩm và nghiên cứu do anh ấy biên soạn.


Tôi đã biết loáng thoáng về thơ Haiku từ khá lâu rồi, từ cái thời mà tôi còn ở Trường ĐHKHXH-NV, nơi thấm đẫm tinh thần thi ca, văn học, nghệ thuật. Nhưng tôi là dân ngoại đạo – gốc dạy ngoại ngữ, là ngành bị mọi người cho là … kém nhất, ít trí tuệ nhất, vì chẳng biết nghiên cứu gì, chỉ biết nói ngoại ngữ, nhưng lại không có gì trong đầu để nói (nghe cứ giống như người ta hay nói về các cô gái tóc vàng ấy nhỉ), chỉ biết đọc và thích, và lâu lâu hứng hứng thì xổ ra vài câu thơ con cóc mà thôi. Chủ yếu là chơi với chữ nghĩa ấy mà, chứ … trong đầu rỗng tuếch của dân ngoại ngữ bọn tôi thì có cái gì đâu cơ chứ!!!!!!

Hôm nay đọc cuốn sách được tặng – tôi cũng chỉ đang đọc chơi chơi, với tinh thần giải trí thôi, chứ không phải đọc với tinh thần nghiên cứu để giảng dạy ở bậc đại học, anh PHN nhé – thì tự nhiên thấy cao hứng và muốn “tái chế” lại mấy bài thơ Haiku đã được dịch trong cuốn sách để nghe “êm tai” hơn – well, tai của tôi. Xem như tạo thêm các dị bản cho bản dịch thơ Basho vậy mà.

Entry này nhằm ghi vội lại mấy bài mà tôi đã thích thú và có hứng sửa lại đôi chút, xem như một chút tình cảm tặng lại người đã biên soạn cuốn sách và cất công gửi tặng cho tôi, từ An Giang xa xôi. Biết đâu vì tò mò, vì thấy tôi dịch dở quá (hoặc hay quá, hì hì), mọi người lại thích thú, đổ xô đi mua sách của anh thì sao, anh PHN nhỉ?

Và cám ơn anh rất nhiều vì tập thơ, anh PHN nhé!


*Ghi chú: Chỗ [...] là phần xóa đi 3 từ theo góp ý của anh PHN, tác giả cuốn sách.
--------
Trăng đầu núi
Những đỉnh mây
Vỡ dần thành mảnh vụn
Đầu núi trăng soi.
(Bài 28)
(Về câu cuối: đầu tiên tôi dịch đầu núi trăng treo - bắt chước đầu súng trăng treo - nhưng anh Ngọc góp ý là không hợp lý, và đề nghị dùng từ trăng soi. Tôi vừa sửa lại theo góp ý.)

Yudono
Không thể nói gì về em, Yudono,
Chỉ thấy cánh tay áo của anh
Đẫm đìa nước mắt.
(Bài 29)
(Ghi chú: Yudono là một địa danh, không phải là tên cô gái).

Yudono, nơi khách hành hương
Rải tiền buôn thần bán thánh
Tôi bước đi, nước mắt tuôn rơi.
(Sora)

Mimosa
Ở Kisakata
Tây Thi ngủ trong mưa
Mimosa ướt đẫm.
(Bài 32)
(Ghi chú: Theo soạn giả PHN, ở đây có sự chơi chữ. Trong tiếng Nhật, nebu là từ đồng âm, vừa có nghĩa là “ngủ” vừa có nghĩa là “hoa mimosa”.)

Đêm mưa
Đêm rằm
Mưa trên đất Bắc
Trời chẳng chiều người.
(Bài 50)

Chia tay
Như con sò tách ra khỏi vỏ
Tôi rời sang Futami
Mùa thu qua vàng úa.
(Bài 53)
(Con sò bị tách ra khỏi vỏ hẳn là đớn đau, day dứt lắm.)

Ao xưa
Ao xưa
Ếch nhảy vào
Vang tiếng nước.
(Bài 33)

Cá thấy gì
Cá thấy gì
Chim nghĩ sao, tôi chẳng rõ
Năm tàn.
(Bài 36)

Đông cô liêu
Đông cô liêu
Xam xám trời chiều
Hắt hiu tiếng gió.
(Bài 39)

------
Thông tin thêm: Cuốn Thơ Haiku Basho – Tác phẩm và nghiên cứu do NXB Hội Văn hóa – Văn nghệ TP HCM và Liên hiệp Văn học Nghệ thuật An Giang năm 2011, mới đây thôi. Do Phùng Hoài Ngọc dịch và biên soạn. Các bạn tìm đọc nhé!

Nhan tien, tang cac ban link nay, thu vi lam day: http://www.disol.com/poetry_generators.html

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Số SIM của bạn có nghĩa gì không?

Một người bạn gửi cho tôi đoạn thông tin này, chẳng biết lấy ở đâu ra. Thấy nó cũng … ngồ ngộ, và giải thích tại sao người ta lại thích mua SIM số đẹp, nên đưa lên đây cho các bạn cùng đọc và giải lao đỡ buồn (không phải để các bạn đổ xô đi mua SIM số đẹp đâu nhé, mà nó mắc lắm mua không được đâu! Đâu đến 4, 5 trăm triệu lận đó, nếu số thật đẹp. Mà mấy người mua SIM số đẹp đó, tiền ở đâu ra mà họ xài thoải mái, cứ như lá tre vậy ta?)

À, mà tôi tình cờ phát hiện, số điện thoại của tôi cũng có lộc phát, lộc phát tài trong đó đó nghe! Sao chờ mãi không thấy lộc phát hay là phát tài gì vậy ta? Hay … bài viết dưới đây không đúng?

Thôi kệ nó, đúng hay không cũng mặc, đọc chơi cho biết tâm lý (mê tín) của người Việt ta. Mà, hình như mấy cái trò mê tín này không phải do ta nắm giữ bản quyền đâu, bản quyền của nó là từ phương bắc đó, của người anh em đồng chí 16 chữ ấy mà. Nè, coi chừng đồ giả, đồ dỏm hết đó nghe, giả/dỏm từ thịt heo nạc, đến Ipod, Iphone, Ipad gì gì đó, đến đồ chơi trẻ em, dược phẩm, rồi đến cả triết lý (đầy mê tín) của họ coi chừng cũng dỏm đó, ai tin theo, sử dụng, chết ráng chịu. Ngộ páo chước dồi lớ!

Enjoy!

----


Giới mê tín, chủ yếu quan chức có tiền và giới mánh mung, cá độ, tài phiệt ở Việt Nam tạm quy ước với nhau về nghĩa của các con số, tất nhiên có dựa vào triết lý Đông phương, rằng:


0 = Tay trắng/ Bất (phủ định)
1 = Nhất/ Độc/ Sinh
2 = Mãi
3 = Tài
4 = Tử
5 = Phúc/ Sinh
6 = Lộc
7 = Thất
8 = Phát
9 = Trường/ Vĩnh cửu.


Cho nên, cần phải hiểu các con số theo kiểu suy luận như sau:


- 1102 = Nhất nhất không nhì/ Độc nhất vô nhị
- 4078 = 4 mùa không thất bát
- 2204 = Mãi mãi không chết
- 1486 = 1 năm 4 mùa phát lộc/ 1 năm 4 mùa lộc phát
- 01234 = Tay trắng đi lên: 1 vợ, 2 con, 3 tầng, 4 bánh
- 456 = 4 mùa sinh lộc
- 78 = Thất bát
- 4953 = 49 chưa qua 53 đã tới (số tử/tử vi)
- 68 = Lộc Phát
- 39 = Thần tài nhỏ
- 79 = Thần tài lớn
- 38 = Ông địa nhỏ
- 78 = Thất bát/ Ông địa lớn
- 83 = Phát tài
- 86 = Phát lộc
- 04 = Bất tử
- 94 = Thái tử
- 569 = Phúc - Lộc - Thọ
- 227 = Vạn vạn tuế
- 15.16.18 = Mỗi năm - mỗi lộc - mỗi phát
- 6886/ 8668 = Lộc phát phát lộc/ Phát lộc lộc phát
- 8386/ 8683 = Phát tài phát lộc/ Phát lộc phát tài
- 1368 = Nhất tài lộc phát/ Kim lâu (tử vi)
- 18.18.18 = Mỗi năm 1 phát
- 19.19.19 = 1 bước lên trời
….

---
Nè, cái số cuối cùng này hay quá nhen. Ai muốn một bước lên trời giơ tay coi, để tui đi lùng SIM số đẹp về bán kiếm lời chút chớ?

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Bất ngờ báo Tây bàn chữ ta

Thật bất ngờ, hôm nay tôi bắt gặp bài viết này trên trang blog chuyên viết về ngôn ngữ của tờ tạp chí The Economist, vốn được xem là một tờ báo chuyên nghiệp thuộc loại mẫu mực trong làng báo tiếng Anh.

Đối với một tờ báo như The Economist, những vấn đề như bảng chữ cái tiếng Việt quả là quá nhỏ, hoàn toàn không đáng để cho họ bận tâm. Nếu có nhắc đến VN, thì mấy tờ báo của bọn tư bản giãy chết như vậy chỉ nhắc đến chiến tranh (hoặc ký ức chiến tranh, chẳng hạn như với Mỹ trước đây, hoặc nguy cơ chiến tranh, như với TQ bây giờ), chứ có bao giờ nhắc đến chuyện chữ nghĩa. Ấy vậy mà lần này thì có đấy: chúng đang bàn tán về việc VN định đưa bốn mẫu tự f, j, w, và z vào trong bảng chữ cái của mình, rồi sau đó lại rụt lại không dám đưa vào nữa.

Mà chúng đưa cái tựa buồn cười lắm nhé: “Ô-rơ-voa, f, j, w, z” (xin lỗi các bạn, tôi phát âm tiếng Tây theo kiểu bồi ấy mà). Dịch ra tiếng Việt thì nó là “Tạm biệt nhé, f, j, w, z”, nhưng ở đây thì không được dịch mà phải để nguyên tiếng Tây, vì trong tiếng Anh nó đâu có dùng tiếng bản ngữ (tiếng Anh) mà cố tình để tiếng Tây trong cái tựa đấy chứ.

Nhưng tại sao nó lại dùng tiếng Tây trong cái tựa bài viết tiếng Anh nhỉ? Hừm, báo chí của bọn tư bản giãy chết, chúng thâm độc lắm. Chắc chắn là trong bài này nó lại nói xấu nhà nước và đất nước XHCN tươi đẹp của chúng ta (và là thiên đường của các con tôi, tất nhiên), chứ chẳng chơi đâu. Phải đọc kỹ mới được các bạn ạ.

Vâng, phát huy tinh thần “ai có súng dùng súng”, chúng ta cùng lao vào đọc bài này cho thật kỹ, ai đọc được thì đọc, ai không đọc được thì đem chép bài cho vào google dịch rồi vừa đọc vừa đoán, vừa đọc vừa xăm xoi xem chúng có kích động, xúi giục nhân dân ta, hoặc bêu xấu, bôi nhọ đảng và nhà nước ta không nhé. Có thì báo ngay cho Bộ 4 T, để tìm cách … cho hacker hack cái trang đó, hoặc ít nhất cũng firewall đi chứ, chẳng lẽ ta chịu thua sao, dân tộc hào hùng thế mà? Tôi cũng sẽ đọc với tinh thần đó, các bạn ạ.

Đây rồi, biết ngay mà! Mục đích của chúng rõ ràng là chỉ nhằm bôi nhọ VN, đất nước xã hội chủ nghĩa tươi đẹp, cùng Cuba canh gác cho hòa bình thế giới thôi.

Thế chúng nói cái gì? Ừ, thì đại khái ban đầu chúng (giả vờ) nêu về lịch sử chữ viết VN, từ chữ Hán thời Bắc thuộc sang chữ Nôm rồi sau đó là chữ quốc ngữ. Nghe có vẻ khoa học, khách quan lắm. Nhưng ngay sau đó thì tâm địa xấu xa của chúng lộ ra, khi chúng bảo là chữ quốc ngữ thực ra là sản phẩm của bọn thực dân đế quốc làm ra mà VN chỉ vay mượn của chúng mà dùng thôi. Hừm hừm, láo thật láo thật – nhưng tức lắm mà không cãi được, vì nó nói … cũng đúng mà.

Tóm lại, chữ quốc ngữ ta đang dùng là sản phẩm bọn thực dân đế quốc, và chính bọn Tây (thực dân xâm lược) đã đưa ra chính sách sử dụng chữ quốc ngữ thay cho chữ Nôm, chữ Hán để dễ dàng cai trị dân ta. Mà bảng chữ cái của bọn Tây thì có các mẫu tự f, j, w, z. Không những thế, trong tiếng Việt hiện nay người ta cũng đang dùng các mẫu tự đó, ví dụ như từ “café” thì ai cũng viết là “café” với mẫu tự F ngoại lai đó, chứ có ai viết là “cà phê” đâu.

Ấy thế mà khi có người đề nghị đưa thêm 4 mẫu tự f, j, w, z vào bảng chữ cái tiếng Việt thì người ta cãi ầm lên, cho rằng làm như thế là làm mất cái “di sản văn hóa” của đất nước. Mà những người đưa ra ý kiến như vậy có phải là tầm thường, ít học đâu. Cái ý kiến về “di sản văn hóa” mà bài báo của bọn Tây (tư bản giãy chết) này nhắc đến thực ra là trích lời phát biểu của một nhà ngôn ngữ học thuộc Viện Nghiên cứu Từ vựng và Tự điển học (hay một cái gì đại loại như thế) tên là Phạm Văn Tỉnh (hay Tĩnh, Tịnh gì đó) đấy chứ [Ghi chú: chỗ này tôi đọc không kỹ nên trích sai rồi, các bạn đọc phần cập nhật bên dưới nhé]. Nhưng bọn nhà báo cũng đểu, trích xong như thế thì bèn thòng thêm một câu: “khi nói vậy, có lẽ ông ấy quên rằng chữ quốc ngữ cũng chỉ là mượn từ bên ngoài vào thôi”!

Nhưng tức nhất là cái đoạn kết luận. Tôi xin trích nguyên văn dưới đây cho mọi người cùng đọc này:

In the end, inertia won out. Changing the alphabet would have taken a lot of work and cost. Add to that the fact that Vietnam has a habit of ignoring its own legislation, whether on public smoking or motorcycle helmets. Getting another generation to sing a new alphabet song and under-resourced schools to print up new alphabet posters would have taken scarce time and money. Those who want to use f and the rest are just going to have to do it without official sanction.
Xin dịch tóm tắt, và dịch thoát: Cuối cùng thì không ai thay đổi gì, vì làm như thế sẽ mất công và tốn kém. Trong khi đó, VN vốn đã quá quen việc “trên bảo dưới không nghe”, và “sống và làm việc (không) theo pháp luật” rồi, nên ai muốn dùng “F” hoặc các mẫu tự khác không có trong bảng chữ cái thì cứ thoải mái dùng chui đi, không sao đâu!

Chúng nói ta thế đấy, có tức (ói máu) không cơ chứ!
----
Cập nhật 11g32 sáng 9/9 (cũng là ngày sinh nhật trang Anh Ba Sàm, lá cờ đầu của báo lề trái, chuyên … “nói bậy nói bạ”nhưng … trúng tá lả):

Có một bạn đọc blog đã góp ý cho tôi như sau (gửi qua mail), xin đưa nguyên văn dưới đây:

Chào cô
Dạo này cô viết blog đều trở lại, em cũng mừng (vì có cái để đọc hehe).
Entry về chữ quốc ngữ rất thú vị, chỉ có một chỗ có lẽ nên sửa lại: người đưa ra ý kiến về di sản văn hóa thật ra không phải là ông Pham Van Tinh nào đó, mà là một giáo sư khác.


Pham Van Tinh, of the Institute of Lexicography and Encyclopaedia, argued that “these letters are very popular in many languages in the world” and that people already come across them in science and other areas. But another professor said that scripts are part of a country’s “cultural heritage”, perhaps forgetting for a moment how recently quoc ngu had been adopted.
Cám ơn bạn đọc đã bắt được lỗi to này, và xin lỗi Ông PVT nào đó mà tôi đã đưa sai trong entry.

Nhận xét bên lề: Rõ ràng là chỉ có tự do ngôn luận thì mới có hy vọng tiếp cận sự thật, các bạn nhỉ.

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Tản mạn nhân đọc “Có 500 năm như thế” của Hồ Trung Tú

Tôi biết đến tác giả Hồ Trung Tú và cuốn sách này của anh một cách hết sức tình cờ, dù trước đó cái tên HTT đối với tôi nghe cũng quen quen, chẳng biết do thấy ở đâu. Nói là biết tác giả, là vì tôi cũng đã có “thư từ qua lại” với tác giả rồi đấy, dù chỉ một lần, vài giòng qua email.

Chẳng là gần đây, tôi có tình cờ đọc được bài viết của anh có tựa là “Anh đã sống thay đồng đội” trên blog của anh Huỳnh Ngọc Chênh (sau mới biết bài này đã đăng trên báo Thanh Niên ngày 28/8, có thể đọc ở đây). Một bài viết hết sức cảm động, vì nó kể về một câu chuyện có thật với những con người có thật, đang sống, và là người đương thời của tôi (= cùng độ tuổi), có vẻ thế.

Vì muốn làm một cái gì đó để biểu lộ lòng yêu nước trong cái thời mà yêu nước cũng phải đúng cách (và tốt nhất là nên yêu một mình, lặng lẽ, không ồn ào, cũng không nên biểu lộ quá rõ ràng ra ngoài, hình như thế), tôi đã hỏi thăm anh HNC xem có cách nào liên lạc được với anh Dũng hay không. Nên mới nhận được mail của HTT. (Nhân tiện, anh HTT ạ, tôi cũng đã liên lạc được với anh Dương Văn Dũng rồi đấy, cám ơn anh nhé.)

Rồi lại tình cờ nữa, hôm nghỉ lễ 2/9 tôi đi Đà Lạt, lúc về khi chờ lên máy bay ở sân bay tôi bắt gặp cuốn sách đó ở trong tiệm sách nhỏ ở sân bay. Vì nhìn thấy tên tác giả là “người quen” (thì tôi đã nói ở trên rồi, có “thư từ qua lại” rồi còn gì, tội gì mà không bắt quàng làm họ), nên tôi tò mò cầm cuốn sách lên. Một cuốn sách viết về lịch sử Quảng Nam, một vùng đất từ trước đến nay vẫn rất xa lạ đối với một người gốc Bắc, sinh ở Sóc Trăng, và sống ở Sài Gòn từ 5 tuổi như tôi.

Nhưng sau sự kiện Biển Đông gần đây thì có lẽ vùng đất miền Trung khô cằn, sỏi đá sát kề vùng biển đảo của VN không còn xa lạ với người dân Việt trên mọi miền đất nước nữa. Vậy thì thử đọc xem, để hiểu thêm một chút về “khúc ruột miền Trung” chứ.

Lật mấy trang đầu đọc lời dẫn nhập, tôi thấy thích thú ngay lập tức, vì có những thông tin rất thú vị, ví dụ như lý giải về việc tại sao ở SG có chợ Bình Tây nằm ở phía Đông và chợ Bình Đông nằm ở phía Tây, hoặc về hình ảnh ông Ba Bị (mà hồi nhỏ tôi vẫn nghe: “Ba Bị chín quai/ mười hai con mắt/ đi bắt trẻ con/ bỏ vào cái bị”), theo tác giả thì đó chính là những người miền Bắc (Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương …) bỏ quê hương làng xóm để vào Nam lập nghiệp. Và còn nữa, những lý giải về giọng nói khác biệt kỳ lạ của dân Quảng Nam, với những nguyên âm bị biến dạng nặng nề. Tôi nhớ hồi còn đi học ở Úc bọn tôi cứ so sánh giọng Úc của tiếng Anh – vốn bị mọi người chê là dở thậm tệ – với giọng Quảng Nam của tiếng Việt.

Và thế là tôi mua, và đọc hết một lượt, chỉ trong thời gian chờ máy bay và trên chuyến bay mà thôi. Tôi có thói quen đọc rất nhanh một lần, rồi sau đó mới đọc lại nếu quả thật là thích. Còn nếu không đọc lại nữa thì … xem như là đã đọc xong.

Cuốn “Có 500 năm như thế” là một trong (không nhiều) những cuốn sách tôi có bỏ thì giờ ra để đọc lại (hiện vẫn còn chưa đọc xong). Nói như thế để thấy nó là một cuốn sách đáng đọc, ít ra là đối với tôi.

Vâng, hãy tìm và đọc cuốn sách này các bạn ạ, để hiểu hơn một chút về “khúc ruột miền Trung” ấy. Và để suy nghĩ thêm một chút về lịch sử nước nhà, về việc tại sao Chiêm Thành mất nước, về mảnh đất phương Nam hào phóng đã chứa chấp những người như tôi, như cha mẹ tôi, và nhiều người Việt khác trên con đường Nam tiến. Và về giòng máu Chăm, tính cách Chăm, tâm hồn Chăm, văn hóa Chăm có thể đang ẩn giấu trong mỗi người Việt của chúng ta hôm nay. Để có thể, giống như HTT, dám nhận những di sản văn hóa Chăm còn lại trên đất Việt của ta hôm nay, là những di sản của cha ông (mẹ bà?), chứ không phải là của những người xa lạ.

Tôi sẽ còn viết tiếp một chút về cuốn sách này, các bạn ạ, khi có thêm một chút thời gian, và khi đọc xong (đọc lại) cuốn sách này, các bạn nhé.
----
Viết thêm tối ngày 7/9

Nhân đang đọc cuốn sách của HTT, tôi tò mò tìm hiểu xem dư luận lâu nay về cuốn sách này như thế nào. Mới biết rằng cuốn sách ấy tạo nên rất nhiều dư luận, như có thể thấy qua những bài viết giới thiệu sách mà tôi đưa links dưới đây, mặc dù trước khi mua cuốn sách này thì tôi hoàn toàn không hề mảy may hay biết về chúng.

1. Trên báo Lao động, ở đâyở đây.

2. Trên trang của nhà thơ Chăm Inrasara, ở đây. Đặc biệt, có cả những comments, đa số của người Việt gốc Chăm, rất hay.

3. Bài cảm nhận của một người Chăm, đọc rất cảm động, cũng ở trên trang của nhà thơ Inrasara, ở đây. Cũng vậy, đọc cả các comments bên dưới các bạn nhé.

4. Bài viết của chính Inrasara, ở đâyở đây. Rất đáng đọc và suy nghĩ.

5. Trên báo Quảng Nam, ở đây.

6. Khen thì tôi cũng đã khen rồi, và các bài tôi giới thiệu ở trên cũng là khen. Nhưng cuốn sách ấy cũng có những người chê nữa. Các bạn đọc thử bài này, ở đây nhé. Tôi không đồng tình với người viết bài này, nhưng cũng là một góc nhìn khác.

Cứ tạm thế đã, rồi tôi sẽ viết cảm nhận của tôi, sau khi đọc kỹ.

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Những nẻo đường Việt Nam ...


Mẹ già như chuối ba hương ...
Có một bài hát trước năm 1975 mà tôi rất thích, hình như của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, với những câu đầu tiên mà tôi còn nhớ: "Những nẻo đường Việt Nam/ suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan/ ơi những nẻo đường Việt Nam ...".

Chẳng hiểu do trời xui đất khiến như thế nào, có thể là do bản chất công việc, mà cũng có thể là do tính cách thích một chút phiêu lưu, quan sát và trải nghiệm, nên tôi hay có cơ hội đi xa nhà. Chỉ có điều lúc nào tôi đi cũng vội, nên chẳng ghi chép, lưu giữ lại cho cẩn thận gì cả.

Nói cho đúng, tôi luôn luôn sống trọn phút giây mà mình trải qua, và khi còn trẻ, cứ mỗi lần trải qua điều gì làm tôi có cảm xúc là lại còn làm thơ được nữa cơ. Thơ (con cóc) của tôi rơi rụng khắp nơi, có bài hay (ít thôi), và cũng có rất nhiều bài thật dở, vì tôi làm thơ thấy cũng dễ dàng như giải mấy bài toán đố thời tiểu học (hồi ấy tôi rất giỏi toán đố, vì con nhà buôn bán mà, nên việc cộng trừ nhân chia, làm tính nhẩm, và tính toán lời lỗ thì tôi thấy rất bình thường, như ăn cơm vậy). Vì vậy, tôi cứ ỷ y, cho rằng mình sẽ nhớ tất cả những bài thơ mình đã làm, mà nếu không nhớ thơ đã làm thì cũng không sao, vì sẽ vẫn còn nhớ những gì mình đã trải nghiệm. Nhưng không phải thế, vì bây giờ mới thấy có nhiều điều mình đã quên mất.

May là sau này đã có đủ loại công nghệ giúp người ta làm cái việc lưu giữ đó, chẳng hạn như máy chụp ảnh kỹ thuật số mà bây giờ điện thoại di động nào dù rẻ tiền nhất cũng có. Hoặc blog, như trang blog này của tôi. Nên tôi mới có thể lưu lại một số hình ảnh, để hỗ trợ cho cái trí nhớ ngày càng kém đi của mình.

Và hôm nay, nhân ngày nghỉ lễ 2/9 (long weekend), tôi có một ít thời gian để xem lại các hình ảnh mà tôi đã chụp trong thời gian gần đây, trong mấy chuyến đi gần đây ở một số nơi dọc trên chiều dài đất nước. Những nẻo đường Việt Nam, từ Hà Nội, vào đến Đà Nẵng, rồi Cần Thơ, rồi ra tận Phú Quốc. Và cả những tấm hình chụp ở SG, quanh khu nhà tôi, và trên con đường đi đến nơi làm việc của tôi nữa. Những tấm hình chụp vội trên điện thoại di động, với những cảm xúc thoáng qua. Hình không đẹp, nhưng nó ghi lại những khoảnh khắc có thật lúc ấy.

Thôi thì cứ đưa lên đây với vài ghi chú vội, cho khỏi quên cái đã. Sẽ viết nhiều hơn, khi tôi có nhiều thì giờ hơn. Riêng tấm hình mà tôi để trên đầu của entry này là tấm hình tôi nhớ rất rõ, vì nó chụp hình một bà cụ gần nhà tôi. Năm nay cụ đã ngoài 80 rồi, nhưng hàng ngày vẫn còn bán hàng ở vỉa hè gần một ngôi chùa trên đường Nguyễn Thượng Hiền gần nhà tôi. Bà bán chuối, khoai lang, mít, ổi vv, toàn là những thứ rẻ tiền và không ngon lắm, nhưng tôi hay mua của bà để giúp bà. Hình này là tôi chụp cách đây cũng gần một năm rồi, nhân dịp gần Tết ta năm nay.

Còn những tấm hình dưới đây là tôi lượm lặt trên những chuyến đi, trên những nẻo đường Việt Nam ...

Đây là hình tôi chụp ở đảo Phú Quốc, trong chuyến viếng thăm trại nuôi ngọc trai. Hình một tảng đá (đá cuội?) có hình thù kỳ lạ giống như một con thú, được trưng bày trong cửa hàng bán ngọc trai trên đảo mà tôi chẳng nhớ rõ tên cửa hàng ấy là gì. Một tảng đá vô tri vô giác, nhưng dưới mắt con người lại trở thành một con thú lạ lùng, ngô nghê, và thân thương lạ.

Cũng ở Phú Quốc, dấu vết chiến tranh vẫn còn in đậm. Chiến tranh tàn ác, và tôi muốn quên, nhưng để có thể quên thì người ta cũng cần phải nhớ, dù chỉ để tránh.

Hình này chụp ở Cần Thơ trong chuyến đi công tác vội của tôi cách đây vài tuần. Buổi trưa, trời nắng chang chang, tôi đi tìm một quán ăn, và tình cờ gặp quán này trong hẻm nhỏ. Một quán bún mắm và một xe nước mía, cùng một chủ, và thực khách chỉ có một mình tôi. Quán vỉa hè trong hẻm, bình dân và giá rẻ, nhưng sạch sẽ đến bất ngờ. Và hương vị rất đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long...

Máy ép nước mía tự chế của các nhà khoa học chân đất, những người dám chế cả máy bay, dù ở một vùng vẫn bị mang tiếng (không oan uổng gì) là học dốt nhất nước. Học dốt nhất, nhưng cũng nhiều sáng kiến có ích nhất, và nhiều hoài bão về công nghệ nhất. Một trong rất nhiều nghịch lý ở VN, khi số nhà khoa học ở Hà Nội thì nhiều nhất, cơ quan trung ương cũng nhiều nhất, cả số lượng các viện khoa học vv, và được ngân sách nhà nước đầu tư với mức độ cao nhất, nhưng hiệu quả thì ...????

Nhắc đến Hà Nội, hình dưới đây tôi chụp bên ngoài BV Phụ sản ở HN vào tháng 7/2011. Đến thăm một chị bạn đang nuôi con gái và cháu ngoại ở BV. Cảm giác: BV quá tải, bên ngoài BV buôn bán hỗn loạn, hơi mất trật tự và ... thiếu vệ sinh. Mà ngay ở trung tâm thủ đô. Biết làm sao được, nước ta còn nghèo (nhưng bao giờ thì hết nghèo nhỉ?)



Nhưng không phải cái gì cũng xấu. Hình trên là con đường gốm sứ, có lẽ là duy nhất trên thế giới? Tôi không rõ, nhưng tôi rất thích đoạn đường này. Rất đẹp, rất độc đáo. Ai chưa biết đoạn đường này thì nên đến Hà Nội để xem, ít nhất một lần. Ví dụ như đoạn trong hình dưới đây.

Và những tấm hình gần đây nhất tôi mới chụp ở Đà Lạt, thành phố hoa mà tôi cho là có thiên nhiên đẹp nhất nước. Hoa ở khắp nơi, không chỉ có hoa trên giàn, hoa trong công viên, trên đỉnh đồi, bên bờ hồ, mà cả trên vệ đường, góc phố, sân nhà, cả những chậu kiểng đã bể bỏ ở góc vườn không người chăm sóc. Đà Lạt mơ, với hoa Mi-mô-sa nở vàng khắp nơi tỏa mùi hương ngai ngái ... Mimosa từ đâu em tới đất này?

Nhưng tôi sẽ không đưa hình hoa của Đà Lạt lên đây, mà sẽ để dành một entry riêng về hoa (mà có lẽ phải là vài entry mới hết nhỉ?). Còn dưới đây là những hình ảnh khác của Đà Lạt.

Chiều rơi trên Hồ Xuân Hương. Cả mây và nước cùng một màu xanh pha xám, rất lạ lùng. Nước lặng, trời êm, gió nhẹ, tôi và một chị bạn gốc Đà Lạt ngồi trong quán cafe Thanh Thủy ngay bên bờ hồ. Tự hỏi, trên thế giới có nơi nào đẹp hơn thế này để hai người yêu nhau ngồi tình tự không nhỉ?

Còn dưới đây là hình chụp trong quán cafe sách của PNC (một công ty phát hành sách ở Sài Gòn, Phương Nam Company) tại gần khu chợ Đà Lạt. Những chiếc dù treo ngược trên trần, in những dòng chữ trên các tờ báo bán rất chạy ở Sài Gòn. Một ý tưởng rất lạ lùng, kỳ thú. Buổi tối, trời bên ngoài lành lạnh, mưa lất phất, bên trong quán cafe ngay trong tiệm sách rất đông, cả người mua sách lẫn người uống cafe ...


Chợt nhớ một câu tập đọc thời tiểu học mà tôi đã đọc trong Quốc văn giáo khoa thư: "Chốn quê hương là đẹp hơn cả..." Chẳng thế mà khi bố tôi sắp rời VN để sang Mỹ chữa bệnh (ông sang và mất ở đó), ông đã khóc rất nhiều khi hát bài hát mà tôi không nhớ tên, chỉ nhớ lời: "Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh/ có sông sâu lơ lững vờn quanh/ êm xuôi về Nam. Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau/ bóng tre lu bên mấy hàng cau/ đồng quê mơ màng ..."

Lại nhớ mấy câu thơ của chính tôi trong bài thơ (con cóc) mà tôi đã làm khi lần đầu đi qua phà trên sông Hậu Giang năm 1979, khi tôi 19 tuổi:

Nỗi niềm yêu quê hương bất diệt
Gợn êm như sóng nước Hậu Giang

Nhè nhẹ trôi, thời gian ơi thời gian
Trên giòng sông mênh mang...

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Asia Times nhắc đến công hàm 1958, Việt Nam nói gì?

Tờ Asia Times ngày 24/6 vừa qua có cho đăng bài viết về tình hình biển Đông với cái tựa tiếng Anh là "China runs gauntlet in South China Sea" (tạm dịch là Trung Quốc bị chỉ trích ở biển Đông). Có thể tìm thấy bài viết ấy ở đây..

Một bài viết không có gì đáng cho ta chú ý (vì luận điểm cũ kỹ, thông tin không mới), ngoại trừ đoạn có liên quan đến công hàm 1958 của cố TT PVĐ dưới đây:

Vietnam (and some other Southeast Asian countries) began to gradually colonize some islands and explore oil and gas in waters that Hanoi had previously recognized as China's sovereign territories. For instance, the People's Republic of China (PRC) issued a declaration on September 4, 1958, defining its territorial waters which encompassed the Nansha (Spratly) and Xisha (Paracel) Islands.

North Vietnam's then prime minister Pham Van Dong sent a diplomatic note to Chinese premier Zhou Enlai stating, "The Government of the Democratic Republic of Vietnam respects this decision and will give instructions to its State bodies to respect the 12-mile [19-kilometer] width of the territorial waters of China in all their relations in the maritime field with the PRC [People's Republic of China]." The diplomatic note was written on September 14 and was publicized on Vietnam's Nhan Dan newspaper on September 22, 1958.

Đáng chú ý hơn, để củng cố cho luận điệu của mình, các tác giả của bài viết còn nêu dẫn chứng về bức công hàm này trên trang "wikimedia" (thực ra là viết sai chính tả, phải là wikipedia mới đúng). Có thể tìm thấy một bản chụp của bức công hàm đó tại đây.

Nói thêm về các tác giả của bài viết. Chỉ cần nhìn tên tác giả thì ta cũng đủ thấy đây là những người Trung Quốc hoặc gốc Trung Quốc. Đặc biệt, trong hai người thì tác giả chính hiện đang là giảng viên tại ĐH Phúc Đán. Cho nên quan điểm của tác giả thể hiện quan điểm chính thống của TQ cũng là dễ hiểu thôi.

Như vậy, công hàm của cố TT Phạm Văn Đồng là một trong những lập luận chính của phía TQ. Nhưng Việt Nam dường như lại cố tình lờ đi chi tiết này trong các lập luận của mình. Tôi nghĩ, nếu cứ giữ thái độ như thế thì thế giới sẽ nghi ngờ mình có gì mờ ám ở đây, và sẽ nghiêng về phía ủng hộ Trung Quốc - trừ những quốc gia vốn đã có thiện cảm với VN và luôn ủng hộ VN, cho dù mọi việc có là gì đi nữa.

Công hàm của cố TT PVĐ cho đến nay không còn là điều gì bí mật đối với người dân trong nước nữa. Có muốn bí mật cũng không được, khi chính phía TQ đã sử dụng nó để làm lập luận chính chống lại VN. Vì vậy, thái độ đúng đắn nhất - và theo tôi là sẽ đem lại hiệu quả cao nhất - là lên tiếng chính thức về công hàm này. Người dân VN, với lòng yêu nước và sự trưởng thành của mình sẽ hiểu về lý do tại sao lúc ấy chúng ta lại có công hàm như vậy. Nó là một sản phẩm của lịch sử, của thời chiến tranh lạnh với thế giới 2 cực, và cũng là của sự ấu trĩ về tình hình thế giới của giới lãnh đạo VN ở miền Bắc vào lúc ấy.

Nếu có ai bất bình và phẫn nộ thì chắc cũng chỉ một lúc rồi cũng sẽ chấp nhận vì việc gì đã xảy ra thì đã xảy ra rồi. Vấn đề là thái độ hiện nay của chúng ta để giải quyết những hậu quả của công hàm ấy. Một phát biểu chính thức của đại diện cao nhất của nhà nước ta là rất cần thiết vào lúc này.

Để củng cố niềm tin của người dân, một điều rất cần trong những lúc như thế này. Vì nếu không thì sẽ rơi vào tình trạng mà blogger Thanh Chung đã viết trên entry mới nhất của mình: "Mất dân trước khi mất nước!"
----
Nhân tiện, tôi tìm thấy trang này của TQ, một diễn đàn trao đổi về Trường Sa và Hoàng Sa của VN nhưng họ xem là của họ, và trao đổi bằng tiếng Anh. Nó ở đây. Chúng ta cần hiểu xem họ nói gì để còn biết đường và có thể chủ động trong cuộc chiến thông tin sắp đến.

Ngoài ra, có một độc giả blog này có gửi cho tôi một comment rất hay, xin các bạn xem trong phần comment. Đó chính là đóng góp của dân Việt cho nhà nước trong tình hình hiện nay. Rất mong được nhà nước lắng nghe!

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Thơ, thấy chưa! (2)

Entry này được đặt tên là "Thơ, thấy chưa! (2)", vì nó là phần tiếp theo rất thú vị của entry "Thơ, thấy chưa! (1)" mà tôi đã viết cách đây hơn một năm rồi. Các bạn có thể đọc nó ở đây.

Giống như những entry khác của tôi, entry ấy tôi viết một mạch theo cảm hứng của lúc ấy, rồi quên đi. Vì nó là nhật ký cá nhân mà, dù là ở dạng public, đưa lên mạng để share với mọi người. Cái tính chất public ấy cũng đôi khi mang lại cho tôi ít nhiều phiền phức, chẳng hạn có lúc ghi lại những cảm nghĩ về điều này điều khác, việc này việc khác không hay mà lại vô tình liên quan đến những người mình biết.

Nhưng ngoài một vài phiền phức như trên thì việc viết nhật ký mở trên mạng (blogging ấy) cũng đem lại cho tôi những niềm vui, và đặc biệt là những người bạn, dù chẳng bao giờ gặp, nhưng cũng thân thiết không kém những người bạn ngoài đời. Có khi lại còn thân hơn ấy chứ, vì chỉ biết nhau một phần thôi, và có lẽ phần đẹp đẽ nhất, vì không gắn với ganh đua, danh lợi.

Đấy là cảm giác của tôi khi nhận được comment của nhà thơ Đinh Tấn Phước, là nhân vật (mà tôi không biết mặt) của bài báo đã gây cho tôi cảm hứng để viết entry "Thơ, thấy chưa" mà tôi đã đưa link ở trên. Tôi hình dung là nhà thơ DTP cũng rất lấy làm thú vị khi đọc thấy entry ấy của một người xa lạ ở tận đẩu tận đâu mà lại đồng cảm với mình, và ... ái mộ mình. Chứ gì nữa, đối với tôi cứ hễ là người yêu thơ giống như tôi là tôi đã thấy quý rồi, huống chi lại còn là nhà thơ, và làm thơ hay nữa, thì chắc chắn là phải lọt vào danh sách những người tôi ái mộ. Và vì thế (tôi hình dung như vậy, vì nếu tôi thì tôi cũng làm thế), như người ta vẫn thường làm với kẻ ái mộ mình, nhà thơ DTP có nhã ý tặng cho tôi một tập thơ mới của anh, nếu tôi cho anh địa chỉ của tôi.

Vâng, thế thì còn gì bằng, anh DTP ơi! Nhưng mà, vì là nhà thơ mà, nên anh DTP muốn tặng thơ, đề nghị tôi cho địa chỉ nhưng không cho tôi thông tin gì để liên lạc với anh được hết. Vì vậy, cách liên lạc duy nhất của tôi là đăng trên blog này. Và thay vì đăng địa chỉ của tôi lên đây (?) - ai lại làm như vậy, anh Phước nhỉ - thì tôi viết entry này, với cái tựa lấy lại tựa entry cũ, để may ra anh DTP có thể tình cờ đọc thì sẽ đọc được lời nhắn.

Nếu anh Phước đọc được entry này, thì phiền anh gửi lại một comment với một vài thông tin về địa chỉ liên lạc hoặc số điện thoại vv của anh nhé. Vì comment sẽ được kiểm duyệt, nên tôi luôn luôn là người đọc nó trước khi cho nó lên công khai. Vì vậy, nó sẽ giống như một email mà anh gửi cho tôi, và nếu anh không muốn cho những số liên lạc của anh lên công khai thì chỉ cần anh ghi rõ như vậy, anh Phước nhé.

Thực ra, tôi đã định viết ngay entry này rồi, nhưng còn bận viết nốt về những điều Trung hoa nhật báo viết về biển Đông nên hôm nay mới viết được. Chẳng biết anh Phước có chờ hồi âm của tôi không, và có thất vọng không thèm đọc blog của tôi nữa không. Chà, bỗng dưng tôi hồi hộp quá, chẳng hiểu là lời nhắn này có được nhà thơ DTP đọc hay không, và nếu có thì bao giờ mới đọc đây?

Bỗng thấy entry này như một bức thư bỏ vào cái chai thủy tinh và thả xuống biển, để nó trôi lênh đênh đến lúc tình cờ có người vớt lên. Cũng thú vị, anh Phước nhỉ, và cả các bạn đọc blog của tôi nữa. Cuộc đời này mệt mỏi quá, quay cuồng quá, nhiều điều bất như ý quá, nên rất cần thơ, phải không?

Chợt nhớ ra một bài thơ tôi ngẫu hứng viết ra hồi năm ngoái, với mấy câu mà tôi còn nhớ lõm bõm, như sau:

Nơi trú ẩn của tôi
Là thơ đấy
Nhắm mắt lại nghe giòng nước chảy
Nghe gió xanh, nghe tiếng chim thanh
Mở mắt ra là cuộc đời huyên náo
Là gạo tiền, cơm áo
Vòng đời xoay nhanh, xoay nhanh
Ôi những con chuột chạy ...


(quên rồi!)

Ai thích đọc bài thơ này của tôi thì search trên blog này với cụm từ "Nơi trú ẩn của tôi" thì sẽ tìm thấy đấy.

Còn bây giờ thì tôi bắt đầu hồi hộp chờ tin nhà thơ DTP!

Trung Hoa nhật báo viết: Sách giáo khoa và bản đồ VN khẳng định TS và HS là của TQ?

Entry này viết tiếp những gì đang viết dở trong entry hôm qua của tôi. Và điều tôi muốn nói đã nằm hết trong cái tựa rồi.

Trích dẫn dưới đây:

In 1958, shortly after China issued a statement on its territorial waters, including the Nansha and Xisha islands, Pham Van Dong, then premier of DRV, said Vietnam respected China's sovereignty statement on its territorial waters. Thus Vietnam has long recognized China's sovereignty over the islands in the South China Sea.

Some Vietnamese maps published in the 1960s and the 1970s even mark the Nansha Islands as part of Chinese territory. Moreover, a Vietnamese geography textbook published in 1974 depicted the islands in the South China Sea, including Nansha and Xisha islands, as an arch and compared it to a "great wall" at sea safeguarding the Chinese mainland.

(Trích bài viết trong mục ý kiến đăng ngày 15/6/2011 trên trang mạng China Daily, ở đây).

Dịch phần in đậm nghiêng ở trên:

Một số bản đồ VN xuất bản vào những thập niên 1960 và 1970 thậm chí còn đánh dấu quần đảo Trường Sa như một phần lãnh thổ của TQ. Hơn thế nữa, một cuốn sách giáo khoa xuất bản năm 1974 đã vẽ những quần đảo trong vùng biển Hoa Nam, trong đó bao gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, như một vòng cung [lưỡi bò? chú thích của tôi] và so sánh nó với "Vạn lý trường thành" trên biển để bảo vệ lục địa Trung Quốc.

Không có gì làm cho tôi bức xúc và hoang mang hơn đoạn trên. Tôi nghĩ, Đảng và Nhà nước VN nên có những ý kiến chính thức về những thông tin mà phía TQ đưa ra như thế này, để củng cố lòng tin của dân, và để đánh tan những luận điệu tuyên truyền của phía TQ.

Vì nếu không thì sẽ rất bất lợi cho VN trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước mình.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Trung Hoa nhật báo viết gì về Trường Sa?

Có ai đó đã nói trên mạng rằng "cuộc đấu" giữa VN và TQ về vấn đề biển đông sẽ rất bất lợi cho VN nếu chúng ta cứ im lặng hoặc phát biểu rất rụt rè như thế này, trong khi TQ thì rất tích cực tuyên truyền bằng mọi cách, kể cả việc sử dụng những lời lẽ kích động, hoặc những lý luận hàm hồ theo kiểu biến không thành có, biến trắng thành đen.

Nhận xét ấy trong tình hình biển đông dậy sóng ngày nay khiến cho tôi, một người không mấy quan tâm đến chính trị, phải tò mò tìm hiểu xem phía TQ nói gì về cuộc "tranh chấp" này, và đã vào tờ China Daily (Trung Hoa nhật báo) bằng tiếng Anh để xem.

Vào, và thấy ngay bài viết này trong phần Diễn đàn (forum) ngày 15/6 mới đây, với cái tựa rất khiêu khích là "Lãnh thổ Trường Sa không tranh cãi" (Nansha indisputable territory) của Li Jimming, ở đây. Với những lập luận, lý lẽ mà VN cần lưu ý và đáp trả để làm cho dư luận thế giới hiểu biết và ủng hộ VN hơn.

Những đoạn đáng lưu ý trong bài viết được trích dẫn dưới đây.

1. Về "chủ quyền không tranh cãi" của TQ ở Trường Sa: Chứng cứ lịch sử đầu tiên họ đưa ra để khẳng định chủ quyền là vào năm 1909.
In 1909, Zhang Renjun, then governor of Guangdong and Guangxi evicted a Japanese merchant who was illegally occupying part of the Dongsha Islands. After that, he realized the necessity of defending the other islands in the South China Sea and asked navy commander Li Zhun to patrol the waters off the Xisha Islands with three warships.

Li raised the dragon flag of the Qing Dynasty (1644-1911) on the islands, emphasizing they were part of China's territory. Later, the Chinese navy drew charts and made a plan to exploit the islands.


2. Về sự "xâm phạm" Trường Sa của VNCH: Theo họ, VNCH xâm phạm lãnh thổ Trường Sa (mà theo họ là của TQ) lần đầu là vào năm 1956
Vietnam intruded upon the Nansha Islands in 1956, when the then South Vietnam government sent marine troops to one of the largest reefs of the Nansha Islands. The South Vietnam government declared Nansha Islands as part of its Phuoc Tuy province in 1973, and granted some foreign-funded companies "permission" to explore the waters for oil.

After reunification in 1975, Vietnam took over the reefs previously controlled by South Vietnam and continued to intrude upon other reefs - at least 29 by now. Besides stationing troops and erecting military bases, Vietnam has also built airports and meteorological stations, and set up other facilities on some large reefs.


3. Về sự "chính thức thừa nhận chủ quyền của TQ tại Trường Sa" của VNDCCH, nay là CHXHCNVN: Họ vin vào công hàm của cố TT PVĐ để khẳng định điều này, và nói rằng VN dựa trên một số chứng cứ lịch sử như khai thác, chiếm đóng trên Trường Sa để khẳng định chủ quyền của mình là mâu thuẫn, khi đã thừa nhận TQ có chủ quyền ở đây trong giai đoạn 1950-1970!!!!! Lập luận này nguy hiểm quá; nhà nước VN cần có lời giải thích quan điểm của mình về công hàm kia và sự mâu thuẫn nọ, bằng không thì sẽ cứ lúng ta lúng túng khiến cho người ngoài không rõ ai đúng ai sai (nếu mình không nói ra thì chắc là TQ đúng?)
Vietnam intruded upon the Nansha Islands in 1956, when the then South Vietnam government sent marine troops to one of the largest reefs of the Nansha Islands. The South Vietnam government declared Nansha Islands as part of its Phuoc Tuy province in 1973, and granted some foreign-funded companies "permission" to explore the waters for oil.

After reunification in 1975, Vietnam took over the reefs previously controlled by South Vietnam and continued to intrude upon other reefs - at least 29 by now. Besides stationing troops and erecting military bases, Vietnam has also built airports and meteorological stations, and set up other facilities on some large reefs.

Vietnam bases its claim over the Nansha Islands mainly on its so-called historical occupation, control and exploration of the islands. But if that is the case, Vietnam would be contradicting itself because it acknowledged China's sovereignty over the islands from the 1950s to the 1970s.

4. Về các tài liệu từ phía VN gián tiếp chứng minh chủ quyền của TQ: Đọc chỗ này thì tôi vừa bực, vừa hoang mang lắm. Bực, nếu TQ nói không thành có; còn hoang mang, nếu chẳng may những gì TQ nói cũng có phần đúng. Nhưng dù gì thì phía VN cũng phải có ý kiến chính thức về những vấn đề này đi chứ. Bằng không thì chẳng những quốc tế, mà cả dân VN khéo cũng có những người tin vào lập luận (dối trá?) của phía TQ đấy. Thì tôi đã đang chẳng hoang mang đấy hay sao?
In 1956, Ung Van Khiem, the vice-foreign minister of the Democratic Republic of Vietnam (DRV or North Vietnam), acknowledged that historically the Nansha Islands were a part of Chinese territory when he met with Li Zhimin, China's charge d'affaires in Vietnam. On the same occasion, another high-level Vietnamese official even said that according to Vietnamese sources, China's claim over the islands went back to the Song Dynasty (960-1279).

Còn một số điểm đáng nói nữa, nhưng tôi phải đi dạy đã, chiều về viết tiếp! Mọi người ơi, chúng ta cùng góp tay vào vạch trần luận điệu xuyên tạc của phía TQ đi thôi! Ai có bút dùng bút ...