Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Hôm nay ngày gì?

Xời ơi, hỏi cái gì mà "quê" vậy? Tất nhiên hôm nay là ngày 30/4, một trong những ngày lễ lớn. Public holiday, nói theo kiểu tiếng Anh ấy.

Nhưng 30/4 là ngày gì mới được chứ? Thôi đi, đừng làm bộ nữa nghen, cứ mở báo ra đọc thì biết ngay, chứ sao lại hỏi cắc cớ vậy? Thì đó, 36 năm kỷ niệm "ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Cụm từ "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" là một cụm từ tôi nghe đã rất quen, theo kiểu hơi nhồi sọ, giống như khi nghe quảng cáo mãi rồi nhập tâm vậy. Tò mò, tôi lên mạng gõ nguyên si những từ ấy (theo cú pháp như thế này: "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước") và có ngay kết quả hơn hai triệu tư lượt. Thế là đã rõ.

Ừ thì là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thống nhất đất nước thì rõ rồi, nhưng mà ... còn cái vụ "giải phóng" thì có vẻ có những người không ưng cho lắm, trong đó có cả tôi nữa.

Những người ấy, xin nói lại là trong đó có tôi, vẫn cứ lấn cấn thế nào ấy, với từ "giải phóng".

Sao lại lấn cấn nhỉ? Ừ thì về nghĩa của từ "giải phóng", chứ sao.

Giải phóng, nói vắn tắt là đem lại tự do. Có lẽ ngày ấy quả thật là đem lại tự do cho những người đã bị tù đày, bắt bớ vì theo cộng sản trước năm 1975 thật. Đối với những người ấy, quả là một thật ngày vui, vì là một ngày chiến thắng.

Nhưng với nhiều người dân miền Nam, trong đó có tôi, gia đình họ hàng tôi, và rất nhiều, thật nhiều người khác mà tôi biết - thực ra là toàn bộ những người tôi biết, thì ngày ấy không thể là một ngày vui được. Như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có lần phát biểu. Hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn.

Không thể vui, vì sau ngày ấy, bố tôi không còn việc làm; mẹ tôi không còn tự do buôn bán. Gia đình tôi - như rất nhiều người khác ở miền Nam lúc ấy - cũng không còn nguyên vẹn. Anh em bọn tôi không có quyền ưu tiên vào đại học, và cũng chẳng có ưu tiên nhận vào làm việc ở những cơ quan nhà nước (đồng nghĩa với thất nghiệp, nuôi heo, bán rau, đạp xích lô, bán chợ trời, hoặc đi vượt biên!) Bạn bè, thân quyến của tôi có nhiều người chọn con đường đi vượt biên, có người đến nơi nhưng cũng nhiều người bỏ mạng nơi biển cả mênh mông, những người ra đi với ý thức "một là con nuôi cá, hai là má nuôi con", nhưng vẫn quyết tâm ra đi không hẹn ngày trở lại ....

Cũng không thể vui, vì cuộc sống ngày càng đi xuống, phú quý giật lùi. Đồ đạc trong nhà đội nón ra đi, nào xe vespa, honda, tivi radio, bếp gas máy giặt, rồi cả tủ gỗ, giường gỗ nữa, cái gì có người mua (ai mua nhỉ?) thì đều đem bán sạch. Rồi bán hết đồ đạc thì chuyển sang nghề ... bán vàng. Nhà nhà bán vàng, người người bán vàng, nghề bán vàng trở thành một nghề phổ biến nhất vào thời ấy.

Cái gì, nói cái gì thế, nhà nhà làm nghề bán vàng ư? Ở đâu ra thế?

Thì từ từ rồi tôi giải thích: người ta lấy vàng dành dụm, tích cóp từ trước năm 1975 (dân ta có thói quen tiết kiệm bằng vàng mà lại), đem ra bán dần đi mà sống, và đó là nguồn thu nhập chủ yếu, vậy chẳng phải là làm nghề bán vàng sao? Có lý quá, đúng không?

Đấy, đối với tôi, dù muốn dù không, ngày hôm nay vẫn gợi lại cho tôi những ký ức như thế.

Những ký ức rời, vụn, nhòe nhoẹt, và không đẹp. Nhớ đêm 29 tháng 4, gia đình tôi lúc ấy ở trên đường Lê Văn Duyệt (nay là CMT8), đường tiến quân, đêm xe tăng đi rầm rập, và đạn pháo nổ thùm thụp liên tục cả đêm.

Nhớ sáng 30/4, mở cửa ra nhìn ra đường, tôi còn kịp thấy một người lính cộng hòa bị bắn rơi từ trên sân thượng của căn nhà trước mặt, rớt xuống đường. Và những xác người của một chuyến xe lam bị trúng pháo kích, nằm la liệt trên khúc đường Lê Văn Duyệt gần Ngã ba ông Tạ, cũng ngày 30/4 lịch sử ấy.

Nhớ trưa 30/4, sau khi nghe tuyên bố đầu hàng của Đại tướng Dương Văn Minh, mọi người vứt lá cờ vàng ba sọc đỏ ra đầy đường, và có những người chạy ra đường reo hò đón "quân giải phóng" (những người mà tôi đoán sau này đã trở thành "ông ba mươi" của thời ấy, lúc đất nước còn đang tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên CNXH, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng). Những lá cờ vàng ba sọc đỏ mà hàng tuần mọi công chức và học sinh đều nghiêm trang đứng chào vì đại diện cho một đất nước, một chính thể, trong ngày 30/4 ấy đã bị vất vương vãi trên đường như rác rưởi để cho những giòng người chạy ngược xuôi xéo lên.

Nhớ mẹ tôi đã lắc đầu, nhặt những lá cờ vàng nằm trước sân nhà tôi, đem vào trong nhà châm lửa, vừa đốt vừa lẩm bẩm: sao lại có thể làm như thế được? Và nhớ cũng lá cờ ấy của gia đình tôi thì bố tôi nghiêm trang gói vào trong giấy báo, rồi mới đem đi đốt. Nghiêm trang và im lặng, suy tư. Bố tôi, một công chức nhỏ của chế độ cũ.

Nhớ tối 30/4, bố tôi và mẹ tôi nghe radio (đài cách mạng!), nghe thông báo tất cả "ngụy quân, ngụy quyền" phải đến cơ quan trình diện, hai người thì thầm nói chuyện rất lâu trong bóng tối lờ mờ của một thành phố hình như đang bị cúp điện, một tâm trạng lo âu đè nặng đến ngột thở. Tôi lúc ấy chưa trọn 15 tuổi, chỉ hơn con gái của tôi hiện nay có 1 tuổi thôi. Nhưng cũng lờ mờ hiểu được một tương lai vô định đang chờ đợi cả gia đình...

Nhớ sau đó, gia đình dòng họ của tôi bắt đầu giai đoạn lo lắng triền miên, các bác, các chú rất nhiều người bắt đầu thời kỳ "đi học tập" mà mới đầu được thông báo là chỉ 3 ngày (mỗi người đem theo vật dụng cá nhân), mà sau đó thì trở thành một cuộc "tập trung" không biết ngày biết tháng, vì còn tùy thuộc vào "sự tiếp thu" của từng người khi "học tập".

"Học tập", ấy là uyển ngữ đầu tiên mà tôi nghe của chính quyền CM rất giàu uyển ngữ này, mà khi dịch sang tiếng Anh thì các thế lực thù địch chúng bảo là "concentration camp", y như trại tập trung của Đức Quốc Xã, láo thế! Tôi tự hỏi, chẳng hiểu trên thế giới sau khi thay đổi một chế độ, có nước nào có cách làm độc đáo như nước ta thời ấy không nhỉ?

Có thể ở các nước người ta sẽ xử tử và bỏ tù một số nhân vật chóp bu, có thể tạo ra scandal chính trị, gây shock, phẫn nộ, hay sợ hãi trong ít lâu. Nhưng rồi thôi. Còn việc "trừng phạt" theo kiểu cho chờ đợi mỏi mòn, lo lắng không yên trong một thời gian dài như thế, và với rất nhiều con người như thế chứ không phải chỉ là những người trực tiếp tham gia chính quyền cũ - để tạo ra tình trạng cha đi học tập, mẹ bán chợ trời, con đi vượt biên, hoặc thất học lang thang ... - trong đó có nhiều người cũng thuộc thành phần ưu tú, hoặc ít ra cũng là công dân tốt của chế độ trước, thì có lẽ đây là cách làm duy nhất chỉ có ở VN thì phải?

Và tôi tự nghĩ, phải chăng đó là một sai lầm ghê gớm về con người, một sự phí phạm vô cùng lớn lao sức mạnh đoàn kết, niềm tin và tài năng của một dân tộc? Phải có lúc nào các nhà lãnh đạo của ta nghĩ về việc này và trả lời cho mọi người chứ nhỉ? Như cố thủ tướng VVK đã từng làm.

Thực ra, tôi không muốn nhớ những điều này, vì nó chẳng hay ho gì. Nhưng ký ức về những việc có thật đó nó vẫn tự đến với tôi vào ngày này, và đòi hỏi tôi phải nói ra. Nói để cho các thế hệ sau cùng biết - và rút kinh nghiệm? - và nói, để những người chiến thắng hiểu được nửa bên kia của câu chuyện quê hương

Nói, để có thể một ngày nào đó, giống như TCS, "mong sẽ quên chuyện non nước mình".

Một ngày trên tổ quốc chung của mọi người Việt chúng ta với những anh em có tâm sự và tâm trạng giống như tôi, chưa kể là những người Việt đang lưu lạc khắp nơi trên thế giới, có nhiều người đã từng quay lại VN nhưng cũng có nhiều người khác không những tự mình hứa là sẽ không bao giờ về (trừ phi ...), mà còn cấm những người thân của mình không được về. Thì việc những người VN khác, những người anh em cùng một bào thai trăm trứng của mẹ Âu Cơ xem đó là "ngày giải phóng", "ngày chiến thắng", và ăn mừng "chiến công rực rõ" của mình, ngày "đất nước trọn niềm vui", liệu điều đó có nên không?

Cho nên tôi rất mong có lúc nào đó trong đời tôi (không còn dài nữa) được thấy ngày 30/4 được gọi bằng một tên gọi khác. Và những hành động khác để mừng ngày lễ ấy. Ví dụ, cầu siêu cho tất cả các nạn nhân trong cuộc chiến tranh tàn khốc ấy, không kể bên nào. Vì đều là người VN, da vàng máu đỏ.

Như TCS cũng đã nói dùm cho chúng ta từ rất lâu: "Người Việt nào da không vàng??Mẹ Việt nào nhớ xác con?"

Lại nhớ một câu khác của TCS: "Hôm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui?"

Hôm nay ngày gì, vâng, hôm nay là ngày gì thế? Có vị lãnh đạo nào của đất nước này, những người VN giống như tôi, đang suy nghĩ những điều tương tự như tôi không nhỉ?

Thế mà người ta đang kêu gọi hòa giải, hòa hợp, yêu thương gì cơ đấy! Ở đây này.
---
Tình cờ đọc được entry này, thấy rất đồng cảm, nên đưa về đây để chung. Cám ơn bạn Hanwonders gì đấy đã nói hộ tôi và nhiều người khác nhé.

15 nhận xét:

  1. Cảm ơn bài viết lý tình thấu đáo của bạn

    Trả lờiXóa
  2. Panh ơi, không thể quên được những ngày cuối tháng 4, tràn ngập âu lo và sợ hãi. Không có một hoài niệm nào về một niềm vui như hiện nay. Phố chợ nhà mình từng tốp lính dăm bảy người đi chân trần, chỉ còn mặc mỗi cái áo may ô và quần lính(bây giờ mình mới biết là họ sợ mặc bộ quân phục lính CH lúc thua chạy)từ hướng Củ Chi đất thép thành đồng chạy về,họ đi khật khưỡng,đau đớn vì chân sưng đỏ, nhà mình bán dép nên ai xin thì mẹ bảo minh cho họ hết,sau đó là bố được mấy ông du kích bảo may cờ, mình và bố may ngày may đêm thành những dải cờ nho nhỏ xanh đỏ, nhưng sợ lắm vì thấy mấy ông lúc nào cũng cầm súng.
    Mình cũng nhớ mãi cảm giác rất đau lòng của sự phân ly. Nhà mình đông anh em, nên bố mẹ chia ra từng nhóm, nhóm mình gồm 3 đứa, rời khỏi nhà đi trú ngụ trong nhà thờ, mình lớn nhất nên bố mẹ ghi sẵn một tờ giấy là con của ai bỏ vào tay nải, dặn dò phải trông nom 2 em, mà lúc đó mình có lớn lao gì cho cam, đang học đệ ngũ thì phải nên sợ lắm, còn khóc lóc không chịu rời khỏi nhà, nhưng bố bảo mình là dân di cư 54 với một nỗi hoang mang sợ hãi đầy trong giọng nói. Thế là mình vừa khóc vừa dắt díu 2 em đi chạy loạn.
    Thoắt cái đã ba mươi mấy năm rồi...

    Trả lờiXóa
  3. Cam on co PA da co mot bai viet hay ve mot ngay thang 4 den cua 36 nam truoc.

    Trả lờiXóa
  4. tội nghiệp,tha hương nên ngồi viết blog,chứ ở đây người ta tranh thủ đi xem bắn pháo hoa kỉ niệm ngày thống nhất đất nước:))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. tội nghiệp cái gì ? cô PA đang ở Việt Nam, cô PA nói rất đúng....

      Xóa
    2. gởi Trương Thanh: tội nghiệp Trương Thanh thì có, chắc bị nhồi nhét suốt 37 năm qua, nên đâu có biết đến nổi đau của người dân Miền Nam sau 30-4, không biết thì ngồi im mà nghe nhé....

      Xóa
  5. Cam on bai viet cua Co. Co cung da noi gium cho rat nhieu nguoi roi do Co oi.

    Trả lờiXóa
  6. cam' ơn chịvề bài viết vì lúc đó nếu cà tửng ko nhầm chị mới15tuổi,sao biết quá nhiều vậy,nói trúng tim đen cà tửng.hi..hi...

    Trả lờiXóa
  7. Người CSVN đã đánh mất một cơ hội để đi đến đoàn kết dân tộc vào ngày 30 tháng 04 năm 1975. Thay vì tạo ra những trại cải tạo học tập (mà dân đi học tập khổ còn hơn đi tù), người CSVN lúc đó nếu thật sự có lòng yêu nước và có cái nhìn rộng rãi, đã chính ra có thể ôm ấp được miền Nam và cùng nhau xóa bỏ những hận thù. Nhưng họ đã không làm được điều đó. Họ đánh mất một cơ hội vì họ không coi người miền Nam như cùng máu mủ Việt Nam (chỉ vì khác tư duy mà dân miền Nam đã phải trả một giá quá đắt sau 1975). Bây giờ cũng không trễ nếu nhà nước CSVN thật lòng sám hối về những sai phạm của mình. Vấn đề là thật lòng, vì nếu thật lòng muốn hòa hợp hòa giải thì sẽ chắc chắn tìm ra phương pháp. Thật tội nghiệp cho lũ con của Mẹ VN...(Nguyễn Duy Vinh, giáo sư già về hưu)

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn chị đã can đảm để viết rất thật về những cảm xúc của mình để qua đó chúng ta thấm thía về thân phận của mình và nhất là mình ý thức hơn về "cái gia tài của mẹ để lại cho con". Nhưng chị ơi! chúng ta là những con người có lí trí và chúng ta phải tự hào và nhất định phải dùng cái lí trí để định hướng và hướng dẩn cho mình con đường phía trước để đi, có phải không chị?
    Chiến tranh khốc liệt đã qua đi, rồi thì đại đa số ai về nhà nấy-- chị thấy đó, bố của chị rồi cũng được thả về, chị cũng được đi học và cũng đuợc trọng dụng trong xã hội, phải không? Chị có biết ai bị tử hình không hả chị? Chỉ chừng đó thôi, chắc chị cũng tự cảm nhận người Việt đối với người Việt với nhau như thế nào.
    Người da trắng đối với nhau như thế nào trong tường hợp tương tự? Tôi đưa ra một thí dụ: Những người làm trong guồng máy của chính quyền Vichy (Pháp) dưới quyền của Đức Quốc Xã đều bị xử tử hàng loạt (guillotin = máy chém) sau khi Đồng Minh giải phóng Pháp sau thế chiến thứ II.
    Còn những người "bạn" Mỹ đã "trừng phạt" nhân dân Việt Nam, trong đó có chị, như thế nào? Xin thưa hậu quả 50, 100, 500 hay 1000 năm nữa cũng chưa hết. CÁi gì mà khủng khiếp vậy? Xin thưa đó là cuộc chiến tranh diệt chủng, nó làm xáo trộn toàn bộ hệ thống GEN ("DNA" = Dioxyribose Nucleic Acid) trong con người Việt nam bằng chất độc DIOXIN trong thuốc khai quang da cam; mà ngày nay chúng ta thấy nhan nhản những quái thai, dị tật bẩm sinh, ung thư phổi, ung thư nhiếp hộ tuyến (THYROID CANCER), ung thư máu.. và rất nhiều các loại bệnh ung thư khác. Chúng ta thấy rất nhiều người trẻ tuổi Việt Nam chết vì bệnh ung thư và cac bệnh nội tiết (endocrine) không có thuốc chữa. Chất DIOXIN (2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin) là chất độc khủng khiếp và là chất độc số một trên tất cả những chất độc mà loài người biết đến. Không một ai có thể biết được đến bao giờ mới có thể khắc phục được hậu quả của sự "trừng phạt" này. Chính người "bạn" Mỹ nuôi sống chế độ VNCH đó chị ạ.
    Chúng ta phải khách quan, dùng lí trí để nhìn sự thật của vấn đề để biết ai là bạn, ai là thù; ai là người thực sự gây ra nổi đau cho ta. Xét cho cùng, chỉ có người mình mới thấu hiểu được sự thống khổ của người mình mà thôi.

    Trả lờiXóa
  9. bài viết của cô rất hay,em là học trò của cô, nhưng lúc 30-4-1975, em cũng được 10 tuổi và hiểu được mọi chuyện sau đó. Cảm ơn cô rất nhiều nhé

    Trả lờiXóa
  10. Haiz, coi bộ ngày này nó sẽ vẫn tiếp tục là ngày này trong nhiều năm nữa. Hội thảo Phụ nữ và chiến tranh mới bị cấm cuối năm rồi mà! Lịch sử sẽ vẫn được nhớ và viết như vậy thôi. Chỉ có điều, sẽ có thêm những lịch sử cá nhân, những ký ức cá nhân len lỏi trên blog.

    Trả lờiXóa
  11. Haiz, coi bộ ngày này nó sẽ vẫn tiếp tục là ngày này trong nhiều năm nữa. Hội thảo Phụ nữ và chiến tranh mới bị cấm cuối năm rồi mà! Lịch sử sẽ vẫn được nhớ và viết như vậy thôi. Chỉ có điều, sẽ có thêm những lịch sử cá nhân, những ký ức cá nhân len lỏi trên blog.

    Trả lờiXóa
  12. Bạn Nặc danh 11h53 hiểu sai ý bài viết, dẫn chứng khập khiễng, bạn nhìn lại cách xử lý của nước Đức, tử hình không phải là điều tệ nhất đâu bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  13. Tiểu luận hay, tập trung vào cái "giải phóng" một từ áp đặt chưa chuẩn đối lập với những cảm nhận cuộc sống sinh động

    Trả lờiXóa