Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Ma chiến hữu có làm cho Mạc Ngôn không xứng đáng với giải Nobel?

Sự thực là trước khi Mạc Ngôn đoạt giải Nobel, tôi chẳng hề quan tâm đến ông chút nào cả. Đúng, tôi có nghe về Cao lương đỏ, nhưng đó là do cuốn tiểu thuyết ấy được dựng thành cuốn phim rất nổi tiếng và tôi nghe về cuốn phim đó chứ chẳng phải là về cuốn tiểu thuyết hoặc tác giả của nó. Tôi cũng có đọc Ma chiến hữu - đó là lần đầu tiên tôi nhớ đến tên tác giả Mạc Ngôn. Nhưng cũng vậy, tôi tìm đọc Mạc Ngôn và Ma chiến hữu là vì có dư luận ồn ào phản đối việc NXB Văn học in cuốn tiểu thuyết này, và muốn đọc xem nó như thế nào, chứ chẳng phải vì tôi biết danh tiếng của ông như một tiểu thuyết gia.

Khi tìm được và đọc Ma chiến hữu của Mạc Ngôn lần đầu tiên tôi cũng không ấn tượng lắm. Nhưng phải nói là câu truyện cũng gợi được sự tò mò, vì viết về cuộc "trùng phùng" của hai "chiến hữu" đã từng tham gia cuộc chiến năm 1979 với VN nhưng giờ đây thì một là người và một là ma. Câu truyện  không gây ra ấn tượng gì nổi bật, chỉ  trên dưới 200 trang, chứa những câu truyện tâm tình và đùa cợt vui vẻ giữa 2 chiến hữu lâu ngày không gặp nhau, nhắc lại những hồi ức của thời còn ở chung với nhau trong quân đội, không động chạm gì đến VN ngoại trừ việc gọi cuộc chiến theo cách gọi "chính thống" ở TQ là "chiến tranh vệ quốc" (một cụm từ làm dư luận VN sôi sục). Thật ra tôi cũng không rõ Mạc Ngôn còn có thể dùng từ nào khác: các nhân vật trong câu truyện này chính là những người lính TQ, nên đương nhiên họ phải đề cập đến cuộc chiến theo đúng quan điểm và ngôn ngữ "chính thống" của chính quyền của họ (chứ không lẽ họ lại gọi là "chiến tranh xâm lược" - dù Mạc Ngôn có thực sự tin là như thế đi chăng nữa?)

Bây giờ, khi Mạc Ngôn được giải Nobel với những lời phản đối từ phía VN mà chủ yếu do cuốn tiểu thuyết Ma chiến hữu, tôi bỗng tò mò tự hỏi, thực ra trong bụng Mạc Ngôn nghĩ gì về cuộc chiến này nhỉ? Một người đồng nghiệp của tôi thậm chí đã viết bài đăng trên báo khẳng định Mạc Ngôn còn nợ VN một lời xin lỗi. Nhưng rõ ràng qua những lời ông viết trong cuốn tiểu thuyết qua các nhân vật "ma chiến hữu" (tức những người lính đã chết trong cuộc chiến) thì ông đã khẳng định quan điểm của mình, đó là cuộc chiến thật vô nghĩa. Nhưng liệu ông có nghĩ đó là một cuộc chiến tranh xâm lược (như chúng ta đòi hỏi ông phải nghĩ như thế), hay ông cũng tin như ngôn ngữ của các nhân vật của ông rằng đó chính là một cuộc "chiến tranh vệ quốc"? Cái này thì rõ ràng là tôi không thể biết được, và hẳn là nếu ta có hỏi Mạc Ngôn thì có các vàng ông cũng chẳng dám trả lời nếu quả thật ông tin đó là chiến tranh xâm lược. 

Có một điều không được làm rõ ra trong tác phẩm Ma chiến hữu của ông, đó là địa điểm nơi diễn ra những trận đánh là ở trên đất Việt hay đất Tàu. Nếu trên đất Tàu thì rõ đó là sự xuyên tạc, bóp méo sự thật, còn nếu trên đất Việt thì đó là chứng cớ rõ ràng để kết luận rằng đây không phải là cuộc chiến tranh vệ quốc như chính phủ TQ vẫn lu loa, mà đúng là chiến tranh xâm lược, dù Mạc Ngôn có nói thẳng ra như vậy hay không. Việc không làm rõ điều này chẳng hiểu là do ông vô tình hay hữu ý, và cũng vậy, sự thực như thế nào thì chỉ có Mạc Ngôn biết, và sẽ sống để bụng chết đem đi mà thôi.

Nhưng nếu ta tạm quên những điểm chưa rõ hoặc có thể làm cho người Việt tức giận (vì MN gọi cuộc chiến là "chiến tranh vệ quốc"), vốn là điều không thể tránh khỏi khi tác giả và độc giả của một câu truyện có liên quan đến chiến tranh lại thuộc về hai bên chiến tuyến, mà chỉ xem Mạc Ngôn chỉ như một nhà văn bất kỳ nào chứ không phải là nhà văn TQ đã viết về cuộc chiến 1979, thì ta sẽ nghĩ gì về các tác phẩm của Mạc Ngôn nhỉ? Tôi tự đặt cho mình câu hỏi như vậy để rồi tự trả lời câu hỏi là liệu Mạc Ngôn có xứng đáng bị người Việt Nam phản đối khi nhận giải Nobel văn học do đã viết ra cuốn Ma chiến hữu hay không. Phải chăng như nhiều người đã nói, việc trao giải Nobel cho Mạc Ngôn chỉ là một quyết định mang tính chính trị để o bế TQ?

Chỉ có thể trả lời câu hỏi này khi đã đọc ít nhiều các tác phẩm của Mạc Ngôn, mà tôi lại chỉ mới đọc có một cuốn thôi là cuốn Ma chiến hữu, và đang đọc dở dang một cuốn khác là Cây tỏi nổi giận - một tác phẩm rất hay mà chỉ vừa đọc chương đầu tôi đã cảm thấy lôi cuốn và nhớ ngay đến cố nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu của VN. Chỉ đọc có như vậy thôi thì chắc chắn là chưa đủ để phán đoán về một tác giả, đặc biệt là một người vừa được trao giải Nobel. Biết làm sao đây nhỉ?

Thôi thì hãy cứ có gì thì phân tích nấy vậy. Tôi xin chỉ phân tích cuốn Ma chiến hữu là cuốn mà tôi đã đọc kỹ, và cũng đã điểm qua một lần trong entry trước rồi.

Cuốn tiếu thuyết này, theo nhận định của nhiều người mà tôi đã đọc được trên mạng Internet, là cuốn tiểu thuyết viết "xuống tay" nhất của Mạc Ngôn. Quả đúng là nó cũng không quá xuất sắc, nhưng tôi thấy đây cũng là một cuốn sách khá thú vị. Viết về chiến tranh, nhân vật lại là những con ma vốn là những người lính đã chết, nhưng câu chuyện khá nhẹ nhàng, không quá u ám hoặc ghê rợn, thê lương. Đặc biệt là nhân vật con ma Tiền Anh Hào, không những không bi thảm mà lại còn có vẻ nghịch ngợm, vui đùa, phá phách (đó có lẽ là tính cách của bất kỳ người lính trẻ nào: họ còn có thể làm gì nữa trong hoàn cảnh tương tự, chẳng nhẽ cứ ngồi ủ rũ than trách chiến tranh hay chờ chết?). Thế nhưng qua giọng điệu thản nhiên, chấp nhận số phận (bị chết trẻ, hóa thành ma), thậm chí còn đùa vui nghịch ngợm của con ma Tiền Anh Hào, những chi tiết nho nhỏ nhưng nói lên toàn bộ sự thật hoặc bi thảm hoặc lố bịch hoặc tàn ác, ghê rợn vẫn cứ hiển hiện một cách ngang nhiên, không hề được che đậy, giấu giếm.

Ví dụ, các bạn hãy đọc đoạn dưới đây. Còn có cách nào phê phán thói giả dối, hèn hạ và cơ hội của một số (đa số?) các đảng viên của Đảng cộng sản Trung Quốc thẳng thừng hơn những lời này không? Nhưng Mạc Ngôn đã lấy giọng điệu tưng tửng của một con ma tính cách cũng tưng tửng ra để kể một cách tỉnh rụi, lồng nó vào trong những ký ức khác vui có buồn có, khen có chê có, nên có lẽ chính vì thế mà tác phẩm của ông đã lọt qua được bao nhiêu đôi mắt cú vọ của kiểm duyệt:

Chính trị viên chúc rượu Tiền Anh Hào, cậu ta không uống, nói: Đừng có quấy rầy tôi, đồ giả tình giả nghĩa! Chính trị viên mặt đỏ như gấc, nói: Trước đây tôi có nhiều chỗ không phải với cậu, lần này cậu ra tiền tuyến, tôi đã ghi vào lý lịch quân nhân của cậu là ở đây cậu đã làm tiểu đội trưởng - Còn chuyện vào đảng, đảng cấp trên không chuẩn y việc vào đảng quá đột xuất, chúng tôi không có cách nào hơn là chỉ ghi vào lý lịch của cậu là đối tượng đảng, hy vọng chi bộ ở đơn vị mới tiếp tục bồi dưỡng để kết nạp cậu vào đảng. Tiền Anh Hào nghe xong lại vô cùng ác khẩu, nói: Ông hãy mang lý lịch của tôi sửa lại ngay, tôi đây cả đời được sinh ra đàng hoàng thì chết cũng phải vinh quang, chỉ dựa vào năng lực bản thân, chớ có diễn vở kịch thối như cứt mèo ấy làm gì. Tôi chết đi thì bố mẹ tôi sẽ có giấy chứng nhận là gia đình liệt sĩ, mỗi năm nhận thêm hai nghìn công điểm và một trăm năm mươi nhân dân tệ. Nếu còn sống thì tôi sẽ mang huân chương đầy ngực để những người như các ông biết Tiền Anh Hào này là chân anh hào hay giả anh hào! Trung đội trưởng bảo, tôi tin cậu là chân anh hào, còn chính trị viên thì tím mặt lại, nín thinh. 

Đây là một đoạn khác về sự kiểm soát. bóp nghẹt tự do của hệ thống đảng trong quân đội TQ:

Nói cho cậu hay, đừng bao giờ nghĩ rằng bọn tớ đã chết là hoàn toàn tự do. Không có chút tự do nào hết. Ở chỗ chúng tớ có một ngàn hai trăm chín bảy ngôi mộ, tất nhiên là để chôn một ngàn hai trăm chín bảy người. Bước vào cổng nghĩa trang là phải đến chỗ trực ban để báo danh, giống như ngày nhập ngũ của chúng ta thời ấy vậy. Chúng tớ lập thành một trung đoàn, trung đoàn trưởng vốn là một trung đoàn trưởng khi còn sống, sau khi chết vẫn được đề bạt làm trung đoàn trưởng. Trung đoàn tớ tổ chức thành bảy tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn gần một trăm tám mươi người. Tớ thuộc tiểu đoàn sáu. Trong ban chỉ huy trung đoàn có một vị trung đoàn phó đeo kính đến tìm tớ, đề nghị tớ làm chính trị viên tiểu đoàn. Tớ nói, tôi không phải là đảng viên thì sao lại có thể làm chính trị viên?

Lại còn nguyên do rất ngớ ngẩn dẫn đến "sự hy sinh" của con ma Tiền Anh Hào; đúng, đó chỉ là một chi tiết buồn cười, nhưng một nhà văn dày dạn như Mạc Ngôn với những tiểu thuyết lừng lẫy như Cao lương đỏ chẳng lẽ lại đưa vào một chi tiết vớ vẩn như vậy chỉ để cười chơi?

Tớ hỏi: Ai sẽ chỉ huy cùng với tôi. Trung đội phó nói: Tạm thời cử đồng chí La Nhi Hổ làm tiểu đoàn trưởng. Nghe nói cậu ấy đã từng giữ chức Tiểu đội trưởng của tiểu đội cậu phải không? Vừa nghe xong câu này tớ đã nổi dóa lên. Cậu xem, tớ làm sao có thể hợp tác chỉ huy cùng với gã ngốc nghếch ấy. Hắn chỉ biết cầm thước tre để đo chăn gấp, miệng lúc nào cũng chì biết nói: Rộng quá một phân; hẹp mất một phân. Gấp lại, gấp lại! Chỉ khi vào chiến trường, lúc cần bản lĩnh thực sự thì chân nhũn ra, tay ôm lấy đầu, ném lựu đạn thì quên rút chốt, đánh bộc phá thì chẳng giật nụ xòe, khi tấn công vào một điểm cao vô danh, nếu hắn không giơ cái mông quá cao làm lộ mục tiêu để mời hai quả pháo ập đến thì hắn đâu đến nỗi phải chết, kể cả tớ cũng đâu đến nỗi mạng vong. Nói rằng tớ chết bởi tay quân địch, nhưng thực tế thì... Phì! Triệu Kim à, cậu có thấy tớ chết oan không? Vừa vào chiến trường, một phát súng chưa kịp bắn ra, một quả lựu đạn chưa kịp ném đi mà người ta lại hồ đồ. Giấy chứng nhận liệt sĩ bố tớ đã có, nhưng thực tế tớ chết chẳng ra gì... 

Đây là gì, nếu không phải là phản chiến?

Trong chiến tranh cách mạng lâu dài này, những người hy sinh như chúng ta kể có hàng nghìn hàng vạn nhưng mà oanh liệt như Đổng Tồn Thụy, Hoàng Kế Quang thì liệu có dược mấy người. Phần nhiều các đồng chí đều giống như các cậu và tôi, chết một cách yên lặng. Bao nhiêu là kiểu chết: chết rét, chết đói, chết nước, còn có cả người chết vì bị chó cắn, chết vì bị ốm đau... Trương Ân Đức thì rơi vào hố vôi mà chết... Vì nhân dân mà chết còn nặng hơn cả Thái Sơn. Ngay cả tôi đây, khi lội qua sông bị nước chảy mạnh xô ngã mà chết chìm, tôi cũng cảm thấy vô cùng vinh dự. Đồng chí, dù gì thì chúng ta cũng đã lưu một cái tên ở trên bia mộ, còn hàng nghìn hàng vạn đồng chí của chúng ta chết mà chẳng có lấy một cái tên, thế cậu nói đi, họ là anh hùng hay là đồ vứt đi? 

Còn đây là gì, nếu không phải là lời khẳng định sự nghi ngờ vốn tồn tại ở TQ, đặc biệt là trong hàng ngũ quân nhân, về sự cần thiết của cuộc chiến tranh với VN năm 1979, và sự lố bịch của lời ca ngợi "vinh quang" dành cho những người lính TQ:

- Các đồng chí! Hôm nay toàn sư đoàn ta tập hợp là để quán triệt những chỉ thị của cấp trên. Trong thời gian gần đây chung quanh vấn đề mở cửa biên giới, nhân dân hai nước nối lại tình hữu nghị truyền thống, có một số người cảm thấy trong lòng có chút uất ức, có người còn bình luận không mấy tốt về vấn đề này, nào là “máu của chúng ta đổ một cách vô ích”, nào là “hy sinh của chúng ta chẳng có chút giá trị gì”… Các đồng chí! Những suy nghĩ này vô cùng nguy hiểm. Các đồng chí! Chúng ta là quân nhân, thiên chức của chúng ta là phục tùng mệnh lệnh, cấp trên bảo chúng ta đánh tới đâu, chúng ta phải xông lên tới đó. Tình hình thế giới không ngừng thay đổi quan hệ giữa các nước với nhau cũng không ngừng thay đổi. Ngày ấy, chúng ta và họ dùng súng đạn để nói chuyện với nhau, qua đó mà mới có được hòa bình hôm nay. Nhân dân không có oán thù gì với nhau, chiến tranh và hòa bình đều là biểu hiện của tình hình chính trị. Chúng ta hy sinh là vinh quang, quá khứ của chúng ta là vinh quang, lúc này cũng vinh quang, tương lai cũng vẫn cứ vinh quang. Bất kỳ một sự hoài nghi nào về sự vinh quang của chúng ta đều là sai lầm, những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng! 

Ở đây tôi xin không trích dẫn lại đoạn ký ức của một người lính TQ khi kể lại lần về phép cuối cùng trước khi anh ta chết, một đoạn lột tả cuộc sống cùng khổ của người nông dân giai thời TQ mới đổi mới sau mấy chục năm khổ ải dưới ách Mao Trạch Đông, kẻ giết người mà một thời đã được ca ngợi ở VN như một vị anh hùng, và được so sánh với Hồ chủ tịch ("Bác Mao không ở đâu xa/Bác Hồ ta đó cũng là bác Mao"  - Thơ Tố Hữu). Tôi cũng không còn chỗ trên entry này (vì đã quá dài) để trích dẫn mấy chương cuối cùng nói về cảnh khổ của cha Tiền Anh Hào đi tìm mộ con - những đoạn văn mang tính hiện thực phê phán rất cao mà các bạn nên đọc trước khi đặt bút lên án Mạc Ngôn. Đúng, ông là đảng viên, là nhà văn quân đội TQ, và còn là lãnh đạo của Hội nhà văn TQ nữa, nên ông không thể (dù có muốn) thẳng thừng lên án chế độ, lại càng không thể có quan điểm giống chúng ta. Nhưng tôi nghĩ, thiên chức cao cả nhất của một nhà văn là thể hiện cuộc sống như nó vốn có, và bộc lộ những số phận, những suy nghĩ, những tâm hồn của những con người bình thường nhỏ bé mà lịch sử chắc chắn sẽ bỏ qua không đề cập đến thì ông đã làm, đang làm, và tôi tin là ông làm tốt.

Tôi đã trích dẫn khá nhiều, và cũng tự mình đọc đi đọc lại nhiều lần cuốn tiểu thuyết ấy. Và vẫn kết luận là chúng ta không cần phải tức giận với việc Mạc Ngôn đoạt giải Nobel. Đúng, TQ là một tên hàng xóm xấu tính, khó chơi, chuyên chơi trò "ỷ lớn ăn hiếp bé". Nhưng khi thể hiện số phận của những người dân TQ đáng thương trong các tiểu thuyết của ông, kể cả trong cuốn Ma chiến hữu, cho dù bằng một cách khôn khéo để Đảng tin, dân mến, địch yêu như ai đó đã nói, chẳng phải Mạc Ngôn đã (tạm) làm tròn trách nhiệm và lương tâm của một nhà văn đích thực đó sao? Vậy thì tại sao ta lại không thể tin được rằng việc trao giải Nobel cho ông là chuyện lựa chọn dựa trên giá trị văn học của tác phẩm (dù ta có thể không cùng "gu" với Hội đồng tuyển chọn), chứ không phải là một lựa chọn chính trị như chính Mạc Ngôn đã phát biểu, hay sao?

3 nhận xét:

  1. Đúng là đàn bà! Đàn bà mà đụng vào chiến chiến tranh là dể rách việc lắm. Thôi đừng có phân trần quá nhiều cho cái não trạng vong quốc trước bá quyền Bắc Kinh!

    Mạc Ngôn cũng chỉ là 1 phần tử cấu thành của cái quái thai mang tên Hoa lục. Bất cứ tên đại háng nào cũng sẳn sàng chà đạp nước VN, bằng ngôn ngữ, văn chương và súng đạn.

    Sang năm tới Hoàng Sa.

    F 361

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. F 361,

      Bạn có quyền nghi ngờ TQ, và có quyền ghét Mạc Ngôn vì ông ta cũng chỉ là một người dân TQ, luôn tuân thủ chỉ đạo của cấp trên của ông ta, tức là chính quyền TQ với chủ nghĩa bá quyền.

      Tôi nghĩ ở đây có hai việc khác nhau: Việc chính quyền VN hèn hạ, không dám đề cập đến cuộc chiến tranh biên giới 1979, và tác phẩm Ma chiến hữu như một phản ánh về cuộc chiến dưới cái nhìn của người bên kia chiến tuyến.

      Có lẽ khó mà khách quan để tách bạch hai việc này ra, nhưng chúng vẫn là hai việc khác nhau. Có lẽ đúng hơn ta nên tức giận phía VN không dám nói gì về cuộc chiến này, các nhà văn VN không ai dám viết lách gì về cuộc chiến, hoặc nếu có viết thì không dám công bố hoặc đã bị cấm .... Còn việc quan tâm xem bên kia viết gì, đọc gì thì chắc chắn là bất cứ người VN nào cũng quan tâm. Và việc dịch và in cuốn sách này vì thế tựu trung vẫn là một việc tốt. Ít ra nó nhắc nhở mọi người về sự thiếu vắng về phía VN. Những người lính của ta đã làm gì, nghĩ gì, hành động thế nào, hy sinh ra sao, tại sao bây giờ không ai nhắc đến nữa?

      Xóa
  2. Thằng ngu ấy cô trách nó chi cho phí lời. cái khốn nạn ở nước nam ta là : cái thằng đáng chết lại không chết, cái thằng đáng chưỡi thì dân Việt ta không chưởi lại đi chưởi người lương thiện, cái cần dạy cho hs thì không dạy lại đi dạy cái không cần.
    Với não ấy thì nước nam không nghèo,hèn mới lạ. mà bọn não ấy cứ vỗ ngực với thế giới rằng Tao- VN- số một thế giới, giàu có ,thông minh, anh dũng gan dạ, thế nhưng sau đó thòng thêm câu :ê có tiền cho tao xin tí để làm xị rượu.
    có thể cô nghe thế hơi sốc chăng,nhưng nó đúng với 1 số Não nước Nam ta . không may thay mấy cái Não ấy lại quyết định đến ........

    Trả lờiXóa