Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Thơ dịch, dịch thơ ...

Tôi lại mới nhận được một bài thơ dịch của người bạn mới quen, anh Hoàng Anh Dũng (HAD) mà tới nay tôi đã giới thiệu vài bài thơ trên blog này của tôi rồi. Một bài thơ rất nổi tiếng (nhưng tôi sẽ nói đến nó sau) mà rất tình cờ là bài ấy tôi cũng đã từng dịch.

Đọc bản dịch của anh HAD, rồi lại lên mạng tìm những bản dịch khác của cùng bài thơ ấy, tự nhiên tôi lại suy nghĩ lan man về việc dich và đặc biệt là dịch thơ, là việc tôi đã đeo đuổi một thời gian dài khi còn ở Khoa Anh của ĐH Tổng hợp, nay là ĐHKHXH-NV. Nên viết lăng nhăng ở đây một ít giòng trước khi giới thiệu bài thơ vô cùng nổi tiếng kia cùng những bản dịch khác nhau ở VN.

Đã có nhiều người đã cho rằng dịch chính  là phản. Có lẽ không sai, vì đã có khá nhiều ví dụ về bản dịch làm thay đổi ý nghĩa của nguyên tác, thậm chí làm sai ý gốc hoàn toàn. Một ví dụ kinh điển và rất thú vị của việc "dịch là phản" rất hay được nhắc đến là một câu dịch Kinh Thánh do máy dịch (phản) như sau:

Nghĩa của câu gốc: "The spirit is willing, but the flesh is weak." (Tinh thần thì vững vàng nhưng thể xác thì yếu đuối.)
Câu dịch (phản): "The vodka is good, but the meat is rotten." (Rượu thì ngon nhưng thịt thì thối.)

Thật là thú vị, phải không các bạn? Thật đúng là ... "Dịch nhau như thế bằng mười hại nhau", các bạn nhỉ?

Vì dịch rất dễ trở thành phản nên một trong những nguyên tắc đầu tiên của việc dịch là phải bám sát bản gốc và trung thành với nguyên tác, mà người ta thường gọi là "tín" trong 3 nguyên tắc của dịch. Hai nguyên tắc còn lại là "đạt" và "nhã". Tín là trung thành, đạt là ngôn ngữ đích viết ra phải làm cho người ta hiểu được (vì nếu dịch quá trung thành thì rất có thể trở thành ngây ngô hoặc bí hiểm, người đọc không hiểu nổi), và nhã tức là đẹp - như trong cụm từ tao nhã, thanh nhã, nhã nhặn.

Nếu đạt được cả 3 nguyên tắc trên thì rõ ràng là không còn gì để nói nữa. Nhưng cũng rõ ràng là thực sự quá khó để đạt cả 3 yếu tố trên phải không các bạn? Thường thì người ta chỉ đạt được một hoặc cùng lắm là 2 trong số 3 nguyên tắc nói trên mà thôi. Và mỗi dịch giả  thường sẽ phải chọn cho mình nguyên tắc nào là tối cần thiết và nguyên tắc nào có thể bỏ qua không cần phải giữ bằng mọi giá.

Vậy nên mới có đến hai trường phái dịch. Trường phái thứ nhất xem tín là yếu tố quan trọng nhất trong một bản dịch, và họ thường cố gắng đạt được chữ "tín", rồi sau đó là chữ "đạt". Còn nhã thì có thể bỏ qua. Trường phái thứ hai lấy yếu tố "nhã" làm quan trọng nhất. Mà đã nhã, thì chắc chắn là phải đạt rồi, vì nếu không làm cho người ta hiểu được thì khó lòng được xem là nhã. Còn tín thì không phải là không quan trọng, nhưng ở đây người ta quan niệm tín theo một cách khác. Không phải là trung thành với lời văn, với cấu trúc câu, với hình thức diễn đạt, mà là trung thành với ý tứ của bài viết và tạo ra được một cảm xúc tương tự với bản gốc trên người đọc. Tất nhiên, làm thế nào để đo được độ trung thành về ý tứ hoặc cảm xúc của người đọc thì lại là một chuyện khác.

Nhưng nói như trên lại cũng chưa phải là hoàn toàn chính xác, vì có những người lúc thì thuộc trường phái này lúc lại thuộc trường phái khác. Có lẽ điều đó còn tùy vào từng nội dung, từng thể loại của bài viết, và cả cảm hứng và tâm trạng của dịch giả nữa. Tôi nghĩ, riêng đối với dịch thơ thì tâm trạng và cảm hứng có lẽ là điều quan trọng nhất để tạo ra một bản dịch tốt, tức là đạt đến mức nhã trong 3 nguyên tắc dịch thuật rồi. Đã là tâm trạng và cảm xúc rồi thì ta chỉ có thể đồng cảm hoặc không đồng cảm, xúc động hay không xúc động, chứ ít khi quan tâm bắt bẻ là bài thơ dịch là chính xác hay không chính xác.

Thôi, tản mạn về dịch thế là đủ. Bây giờ, xin nói he hé một chút về bài thơ dịch mà tôi đã đề cập đến ở trên. Đó chính là bài thơ Le Pont Mirabeau của nhà thơ Apollinaire. Một bài thơ rất hay mà tôi mới dịch từ bản tiếng Anh sang tiếng Việt và đã đăng trên blog này cách đây 2 năm, vào năm 2010, khi còn làm việc ở cơ quan cũ.

Tôi dịch nó một mạch trong một buổi họp ở cơ quan, đăng lên blog rồi quên đi. Nhưng khi người bạn của tôi gửi cho tôi bài thơ anh ấy dịch thì tôi mới nhớ ra bài thơ của mình, đồng thời biết rằng bài thơ ấy đã có rất nhiều người dịch từ nhiều năm nay. Nhưng hình như vẫn chưa có ai hoàn toàn hài lòng, và cuộc đi tìm bài thơ dịch hay nhất vẫn còn tiếp tục. Trong cuộc hành trình ấy, có cả anh bạn HAD của tôi nữa.

Và dường như anh ấy đã gần chạm được đến bản dịch hoàn hảo rồi, tôi nghĩ thế. Nhưng entry đã dài lắm rồi, tôi sẽ từ từ giới thiệu bài thơ của anh HAD cùng lời bình của chính anh ấy vào kỳ tới nhé. Sorry vì bắt mọi người phải đợi, nhưng bảo dảm là mọi người sẽ có một bài đọc thú vị.

Còn bây giờ thì mọi người đọc tạm bài viết của anh Phạm Anh Tuấn, một dịch giả cũng có tiếng ở VN, viết về bài thơ này nhé. Ở đây: http://phamanhtuanhn.wordpress.com/2011/08/19/d%C6%B0%E1%BB%9Bi-chan-c%E1%BA%A7u-mirabeau/.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét