Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

"Của chuột và người"

"Của chuột và người" là một cuốn truyện vừa của John Steinbeck, nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel văn học năm 1962.

Lần đầu tiên tôi đọc cuốn truyện này là vào trước năm 1975, không rõ là năm nào. Lúc ấy, tôi còn đang học cấp 2, đâu khoảng 13, 14 tuổi gì đó, và không thực sự hiểu câu truyện này lắm. Tôi chỉ nhớ ấn tượng rõ nét nhất của tôi về cuốn sách này là nhân vật Lennie to con nhưng ngốc nghếch, một thằng khờ đúng nghĩa nhưng rất dễ thương, rất thích chơi với những con vật nho nhỏ, mềm mềm như thỏ, chuột, và hầu như lúc nào cũng dấu trong người một con chuột (thường là đã chết) để vuốt ve thỏa thích. Chỉ có vậy thôi, còn toàn bộ câu truyện thì tôi không ấn tượng gì lắm, và dường như tôi đã bỏ dở không đọc đoạn chót.

Sau này, khi trưởng thành vào học tại ĐH Tổng hợp TP HCM Khoa Ngữ văn nước ngoài (ngành Anh văn) sau năm 1975 (tôi vào đại học năm 1978) thì tác giả John Steinbeck với các tác phẩm của ông lại nằm trong danh sách các tác giả mà bọn tôi được học.  Chính vào lúc ấy - ở tuổi 20 - tôi đã đọc lại đầy đủ và kỹ lưỡng cuốn tiểu thuyết này, hiểu nó một cách sâu sắc, và nhận ra rằng cuốn truyện không dài của John Steinbeck về một thằng khờ có tên Lennie và người bạn thân thiết (đồng thời cũng là người bảo vệ, che chở) của cậu ta là một lời tố cáo rất sâu sắc những bất công, sự tàn bạo và bất nhân tồn tại trong xã hội Mỹ vào thời ấy.

Cuốn tiểu thuyết này được dịch ra tiếng Việt lần đầu tiên là vào năm 1967, 30 năm sau khi tác phẩm ra đời, bởi hai dịch giả ở miền Nam là Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập. Chính các dịch giả này đã là "thủ phạm" đã dịch cái tựa "of mice and men" ra thành "của chuột và người", mà có người cho là chưa chính xác. Chưa chính xác, bởi vì giới từ "of" trong cái tựa dường như không hề có nghĩa sở hữu (của), mà có nghĩa là "liên quan đến" hoặc "về". Thì rõ ràng cuốn tiểu thuyết ấy là nói về những con chuột và những người đàn ông mà lại. Cho nên những dịch giả sau này có sửa cái tựa lại thành "Về chuột và người".

Đúng hay sai chưa bàn đến vội, nhưng vì cái tựa đã được các dịch giả đầu tiên dịch ra thành "của chuột và người" rồi nên cách dịch này đã được mọi người quen và chấp nhận, thậm chí lại thấy hay (chính tôi trước đây cũng nghĩ "của" là sai, nhưng vẫn thích vì thấy nó ... hay hay vì có gì đó có vẻ bí hiểm). Mãi cho đến sau này tôi mới biết từ "của" ở đây không hề sai mà còn rất đắt, vì cái tựa đã được đặt theo một câu thơ mà bạn sẽ được đọc trong những phần giới thiệu cuốn sách dưới đây, mà các bạn nào chưa đọc và không biết nhiều về cuốn tiểu thuyết này có thể đọc tạm để hiểu:

http://vietsciences.free.fr/biographie/artists/writers/steinbeck.htm

Năm 1937, John Steinbeck cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Về Chuột và Người” (Of Mice and Men). Đây là câu chuyện bi thương giữa hai công nhân di cư gắn bó với nhau. Cuốn tiểu thuyết này đã được Câu Lạc Bộ Sách Trong Tháng (Book-of-the-Month Club) chọn lựa và tác giả John Steinbeck được Hội Văn Học (The Best Literary Society) ca ngợi tại thành phố New York. Sau đó nhà văn tới sống tại Hạt Bucks (Bucks county) thuộc tiểu bang Pennsylvania để cộng tác với George Kaufman trong việc đưa tác phẩm lên sân khấu, với kết quả là tác phẩm “Về Chuột và Người” đã thành công theo kịch nghệ hơn là về mặt tiểu thuyết, đã giật được Giải Thưởng Phê Bình Kịch New York (the New York Drama Critic Circle ‘s Award) ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên rồi sau đó kịch bản này được chuyển thành một cuốn phim hấp dẫn.

Để viết ra các cuốn tiểu thuyết, John Steinbeck thường phải sống, làm việc và hiểu rõ về loại người mà nhà văn muốn mô tả. Vì vậy ông đã đi tới tiểu bang Oklahoma trong khi vở kịch “Về Chuột và Người” đang được trình diễn trên sân khấu Broadway. John Steinbeck tham gia cùng các di dân trên con đường hướng về California, cư ngụ với họ tại Hoovervilles, xin việc làm giống như họ, hòa đồng vào loại người trôi dạt này để hiểu rõ các đặc tính của họ. John Steinbeck đã thăm viếng nhiều trại di dân, quan sát hoàn cảnh làm việc của họ và mô tả các cảnh ngộ của những người thiếu may mắn này.

http://www.tinhte.vn/threads/moi-ngay-mot-quyen-sach-hay.1180028/page-9



“Của chuột và người”, viết vào khoảng năm 1933. John Steinbeck, muốn nêu lên cảnh trớ trêu của những số phận trong xã hội đương thời là:

Từ ước muốn đến hiện thực người ta đều vấp phải những hoàn cảnh, những trở ngại cay đắng của đời thường, không thể nào thực hiện được. Những nhân vật trong cuốn “Của chuột và người” này đều là nhân chứng của câu thơ của Robert Burns mà John Steinbeck lấy làm chủ đề tư tưởng: “Những dự tính hoàn hảo của chuột và người thường không thực hiện được”

But Mousie, thou art no thy lane
In proving foresight may be vain:
The best laid Schemes o’mice an’ men.
Gang aft a-gley
An’ lea’e us nought but grief an’ pain
For promised joy

Ai đã đọc “Chùm nho phẫn nộ” hẳn cần phải đọc thêm “Của chuột và người” để thấy được sự bi thống, thảm thiết của lớp người nông dân nô lệ, những con người đầy những đặc tính bản chất tốt đẹp bị đẩy vào những bước đường cùng. Làm sao họ có thể có được một trang trại nhỏ? Làm sao họ có thể chung sống êm ấm với nhau, với sự yêu thương thật sự trong khi họ là kiếp làm thuê? Kiếp người trôi nổi theo sự nghèo khó.

Có một giai thoại xảy ra xung quanh tác phẩm này. Sau lần xuất bản đầu tiên (1937), “Của chuột và người” đã có tiếng vang lớn. Sau đó tác phẩm được chuyển thể thành kịch và được diễn rất lâu đến mức kỷ lục trên sân khấu và được khán giả yêu thích đòi hỏi diễn lại trong nhiều năm, thì cũng là lúc bản thảo gốc của nó, bị con chó Roby vốn được Steinbeck rất chiều chuộng nhai nát nhừ.

Steinbeck đã đùa, nói hóm hỉnh tâm sự với một người bạn: “Con Toby của tôi quả là nhà phê bình sâu sắc nhất về tác phẩm này!”. Nhưng các nhà nghiên cứu văn học Mỹ lại đánh giá “Của chuột và người” là “Khuôn mẫu kỳ diệu nhất của tiểu thuyết Hoa kỳ trong thập niên 1930-1939”.

Nếu đến đây các bạn cảm thấy thích thú với cuốn tiểu thuyết và muốn đọc trọn cả cuốn thì xin tìm đọc bản dịch đầu tiên ở đây: http://vietmessenger.com/books/?title=cuachuotvanguoi&page=1. (Các bạn vào link nói trên rồi search: "của chuột và người" thì sẽ ra sách). Ngoài ra, các bạn cũng có thể đọc thêm bản dịch của Đào Văn Bình, dịch vào năm 2010 (?), và thử so sánh chất lượng của hai bản dịch, tại đây: http://www.cattien.us/ebook.aspx?sel=49. Có thể sẽ phát hiện ra những khác biệt thú vị.

"Của chuột và người" ... Tại sao hôm nay tôi lại nhớ đến tác phẩm này nhỉ? Tôi không rõ. Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu được, tôi nhớ ai đó đã để lại một câu danh ngôn như vậy. Trái tim tôi đêm nay không ngủ yên, và tôi cũng cùng thức với nó. Chỉ còn vài tiếng nữa là phiên tòa xử hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha sẽ diễn ra. Không hiểu nó sẽ diễn ra như thế nào, và kết cục ra sao. Tôi nghĩ không ai muốn - kể cả những người sẽ ngồi ở ghế xét xử - kết cục của phiên tòa giống như kết cục của cuốn tiểu thuyết "của chuột và người": tất yếu vì dường như không còn cách nào khác, nhưng sẽ làm cho trái tim của độc giả đau thắt. Tôi nhớ đến một câu nói mà tôi đã đọc được trên facebook về vụ việc này: Chỗ của các em sinh viên với khuôn mặt trong sáng như thế không phải là ở trong tù.

Vâng, chỗ của các em (bằng lứa tuổi con cái của tôi) phải là ở trên giảng đường, và những gương mặt trong sáng, tự tin và lạc quan với tấm lòng yêu nước sôi sục dường ấy - dù không đúng theo ý của Đảng CSVN và Nhà nước VN -  lẽ ra phải những gương mặt đại diện cho đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam hiện nay, mới thực xứng đáng.

Tôi hoàn toàn không muốn khi biết kết quả của phiên tòa ngày mai, tôi và mọi người VN khác sẽ phải đau đớn kêu lên: tại sao, tại sao - như tôi đã kêu thầm sau khi đọc xong cuốn "Của chuột và người" năm tôi 20 tuổi - tuổi của các em Phương Uyên, Nguyên Kha sắp ra trước vành móng ngựa hôm nay, để trả lời về tội yêu nước không theo đúng định hướng của Đảng và NN.

Ôi, "những dự tính hoàn hảo nhất của chuột và người" ...

17 nhận xét:

  1. Xin chia xẻ tâm tình mà PA gởi gắm qua bài viết, đó cũng là tâm tình của một bà mẹ, tôi cũng vậy.

    Trong vụ này, sao họ không có sự độ lượng nhỉ, nếu có, họ lời biết bao nhiêu, họ có nhận ra được điều đó không.

    Quá nghiệt ngã cho số phận các em - tuổi của con tôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, cám ơn Dân ban C nhé. Chúng ta là những bà mẹ người Việt đau khổ, như những thế hệ bà mẹ VN trước đây cũng đã từng đau khổ. Họ đau khổ nhìn con cháu họ hy sinh xương máu để có ngày nay. Và chúng ta, những người hưởng thành quả của cuộc hy sinh xương máu đó nay lại nhìn con cháu mình, những đứa trẻ thông minh đẹp đẽ dũng cảm nhất, lần lượt vào tù để tiếp tục đấu tranh đòi lại tự do và phẩm giá cho con người.

      Xóa
  2. Injustice anywhere is a threat to justice everywhere.
    (Martin Luther King, Jr.)
    ________
    Bất công ở bất cứ nơi nào đều là sự đe dọa công lý ở khắp nơi
    (Martin Luther King, Jr.)
    ___________
    Nobody can give you freedom. Nobody can give you equality or justice or anything. If you're a man, you take it.
    (Malcolm X)
    ________
    Không ai đem đến cho bạn tự do. Không ai đem đến cho bạn sự bình đẳng và công lý hay bất cứ điều gì. Vinh danh con người, bạn hãy dành lấy nó.
    (Malcolm X)

    Trả lờiXóa
  3. There really can be no peace without justice. There can be no justice without truth. And there can be no truth, unless someone rises up to tell you the truth.
    (Louis Farrakhan)
    _____________

    Không thể có hòa bình khi không có công lý. Không thể có công lý khi không có sự thật. Không thể có sự thật khi không dám đứng lên.
    (Louis Farrakhan)

    Trả lờiXóa
  4. http://www.hrw.org/news/2013/05/15/vietnam-drop-charges-leafleting

    “Putting people on trial for distributing leaflets critical of the government is ridiculous and shows the insecurity of the Vietnamese government,” said Brad Adams, Asia director at Human Rights Watch
    ___________________

    Ông Brad Adams, Giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Á châu nói:
    Đưa người ra tòa chỉ vì phát tờ rơi phê phán chính phủ là một hành động lố bịch đồng thời biểu lộ sự bất an của chính phủ Việt Nam

    Trả lờiXóa
  5. http://www.hrw.org/news/2013/05/15/vietnam-drop-charges-leafleting

    “Writing things that do not please the government is only a crime in a dictatorship.”
    (Brad Adams, Asia director at Human Rights Watch.)
    _______
    Viết những điều không làm hài lòng chính phủ thì chỉ có thể là tội phạm trong chế độ độc tài.
    (Brad Adams, Giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Á châu)

    Trả lờiXóa
  6. http://www.hrw.org/news/2013/05/15/vietnam-drop-charges-leafleting

    “Lawyers and doctors should have unrestricted and confidential access to Nguyen Phuong Uyen and Dinh Nguyen Kha to discuss the charges against them and to investigate claims of mistreatment,” said Adams. “Vietnam should stop using politically-controlled courts to convict critics of the government.”
    (Brad Adams, Asia director at Human Rights Watch.)
    ________________________

    Các luật sư và bác sĩ nên tiếp cận bí mật và không giới hạn với Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha để thảo luận về những cáo buộc chống lại họ đồng thời điều tra về những khiếu nại bị ngược đãi (trong tù). Việt Nam phải ngưng sử dụng các phiên tòa chính trị do nhà cầm quyền kiểm sóat để trừng phạt những người chỉ trích chính phủ.
    ( Brad Adams, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Khu vực Châu Á)

    Trả lờiXóa
  7. Cám ơn chị PA,tôi đã cố gắng đọc hết bài viết để nhận được sự đồng cảm của chị về phiên tòa hôm nay.Thú thật là tôi ít được dịp đọc về văn học Mỹ nên không có hiểu biết nhiều.Hôm nay trên trang web của mình tôi chỉ đưa được bài thơ của bạn tôi viết tặng P.U lên để chia sẽ tâm trạng với mọi người Việt nam yêu nước chứ không làm được gì khác.Chúc chị khỏe.
    http://thaianco.net/xuanloc/khocuoi/huyvan/guiphuonguyen.htm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào anh Xuân Lộc,
      Không hiểu sao tôi không sao vào được link mà anh gửi. Anh có thể vui lòng chép lại bài thơ đăng lên đây để chia sẻ với mọi người không ạ?

      Xóa
    2. Bài thơ trên trang nhà của tôi đây chị PA ạ.
      http://thaianco.net/xuanloc/Khoccuoi/Huyvan/guiphuonguyen.htm

      Xóa
    3. Cám ơn anh Xuân Lộc, tôi đã đăng lên blog của mình để giới thiệu đến nhiều bạn đọc hơn.

      Xóa
  8. http://www.amnesty.org/en/for-media/press-releases/viet-nam-acquit-songwriters-who-face-20-years-jail-2012-10-29

    said Rupert Abbott, Amnesty International’s Researcher on Viet Nam.
    “There is a very disturbing trend of repression against those who peacefully voice opinions the Vietnamese authorities do not like,”
    Rather than trying to silence the young people of Viet Nam, the Vietnamese authorities should allow them to express their opinions and have a say in the development and direction of their country”, said Abbott. 


    “The two songwriters and young university student must be released immediately and unconditionally.”
    __________________

    Ông Rupert Abbott, Nhà nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói:
    "Hiện có một khuynh hướng đáng lo ngại về sự đàn áp những người phát biểu ý kiến ​​một cách hòa bình mà chính quyền Việt Nam không thích"
    "Thay vì cố gắng để bịt miệng những người trẻ Việt Nam, chính quyền Việt Nam nên cho phép họ bày tỏ ý kiến ​​của mình và được có tiếng nói trong việc phát triển và chỉ đạo điều hành đất nước ".
    "Hai nhạc sĩ và sinh viên đại học trẻ phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn Nặc danh:

      Tôi đoán tất cả các comments trên đều của bạn nên trả lời chung một lần. Cám ơn bạn đã cung cấp những thông tin rất hay và hữu ích. Chỉ mong những người cần đọc có ghé qua và đọc.

      Xóa
  9. Cũng chung tâm trạng của "chính chủ" và các độc giả khác, nhưng sau khi phiên tòa kết thúc tôi cảm thấy "nhẹ nhõm", có thể nói là vui mừng khi thấy hai em sv đã dùng chính phiên tòa để minh định chính kiến và lập trường của mình:chống bất công,chống toàn trị, chống ngoại xâm, chứ không chống lại đất nước, và hành động chỉ vì yêu nước.
    Về mức án, nhiều ý kiến cho đó là bản án nặng.Tôi nghĩ không nên gọi đó là một bản án nặng vì nói "án nặng" hàm ý mức án được tuyên "cao hơn"/ "không tương xứng" với hành vi phạm tội.Trong trường hợp này hai em sv bị xét xử và tuyên án theo điều 88 bộ luật hình sự của nhà nước VN. Điều luật này, về "tuyên truyền chống nhà nước xhcn", trái vói các quyền tự do tư tưởng và ngôn luận qui định trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights) mà nhà nước VN là thành viên ký kết. Theo nguyên tắc " luật quốc tế cao hơn luật quốc nội", khi nhà nước VN tham gia bản Tuyên ngôn và Công ước nói trên, điều 88 trở nên vô hiệu và phải bị hủy bỏ. Nếu vẫn duy trì, như nhà nước VN làm, thì điều luật đó là bất hợp pháp. Như vậy chính việc dùng diều 88 để truy tố và tuyên án hai em sv mới là hành vi bất hợp pháp, vi phạm nhân quyền và quyền chính trị của công dân. Và hai em sv không có tội nên không có vấn đề án "nặng" hay "nhẹ". Đó là một bản án bất hợp pháp, trái với luật quốc tế mà nhà nước VN tham gia ký kết.
    (Chuyện bên lề:"Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu được, tôi nhớ ai đó đã để lại một câu danh ngôn như vậy." Câu này là của Pascal trong "Pensées":« Le cœur a ses raisons que la raison ne connaît point. »,được chuyển sang tiếng Anh:“The heart has its reasons which reason knows not.”
    Tú Đoàn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Tú Đoàn đã chia sẻ những suy nghĩ về vụ án, và cả chuyện bên lề nữa ạ! :-)

      Xóa
  10. Gửi chung tất cả các bạn đã comment: Rất cám ơn các bạn đã chia sẻ và đồng cảm.

    Trả lờiXóa
  11. http://www.amnesty.org/en/for-media/press-releases/viet-nam-acquit-songwriters-who-face-20-years-jail-2012-10-29

    Vo Minh Tri, known as Viet Khang, 34, and Tran Vu Anh Binh, known as Hoang Nhat Thong, 37 have both been detained since late 2011.

    “This is a ludicrous way to treat people just for writing songs. These men are prisoners of conscience, detained solely for the peaceful exercise of their right to freedom of expression through their songs and non-violent activities, and should be freed,” said Rupert Abbott, Amnesty International’s Researcher on Viet Nam.
    “The Vietnamese authorities must abide by their constitutional and international obligations to respect their people’s right to freedom of expression, including through music and other media.”
    _______________________

    Ông Rupert Abbott, Nhà nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói về trường hợp bị phạt tù của hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình:
    "Đây là lối đối xử lố bịch đối với những người viết ca khúc. Những người này là tù nhân lương tâm bị giam giữ chỉ vì họ thực hiện quyền tự do biểu đạt ý kiến một cách ôn hòa trong các ca khúc, trong các hành vi bất bạo động của mình và phải được trả tự do"." Chính quyền Việt nam phải tuân thủ hiến pháp của đất nước này và tuân thủ nghĩa vụ quốc tế nhằm tôn trọng và bảo vệ quyền con người được tự do bày tỏ ý kiến thông qua âm nhạc và các phương tiện truyền thông khác

    Trả lờiXóa