Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Tản mạn về một bài thơ dịch còn dang dở

Mấy hôm nay tự dưng tôi buồn quá. Nói theo nhà thơ Xuân Diệu thì "tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn", đến nỗi không tập trung vào cái gì được cả, cứ vơ vơ vẩn vẩn thế nào ấy.

Tất nhiên là phải có lý do. Ừ, thực ra cũng toàn là chuyện bao đồng thôi, chẳng có cái gì trực tiếp liên quan đến tôi cả. Cứ y như Thúy Kiều ấy thôi, "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa"; có điều tôi không khóc, mà chỉ buồn trong lòng thôi. Lý do gần nhất, trực tiếp nhất có lẽ là thông tin trên facebook về cái chết của một người "bạn" trong friendlist , do cả tin, do lòng tốt với bạn bè đã bị sát hại một cách tàn độc và qua đời ở tuổi 40, cái tuổi đỉnh cao rực nhất của một con người. Trời ơi, sao lại có những kẻ tàn ác như thế cơ chứ? Xã hội bây giờ dường như bất an quá. Giáo dục, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng. Tại sao lại như thế nhỉ? Càng nghĩ thì càng buồn, tê tái.

Người ta buồn thì người ta khóc, đấy là lẽ thường. Nhưng tôi rất ít khi khóc, một đặc điểm mà đến tôi cũng lạ với chính mình. Càng đau thì tôi càng nén vào bên trong. Để giải tỏa, tôi thường làm việc hùng hục để quên đi. Tôi có biết một câu danh ngôn mà tôi rất thích vì nó đúng với tôi, đó là: "Con ong chăm chỉ không có thì giờ để buồn." Đúng quá. Tôi hầu như chẳng bao giờ vì buồn mà lại nằm hay ngồi một chỗ mà khóc cả. Phải đi đâu đó, phải làm một cái gì đó, và khi tôi còn trẻ hơn, thì vào những lúc ấy tôi rất dễ cáu gắt, ai vô phúc mà láng cháng gần chỗ tôi là thế nào cũng bị tôi ... chửi vì những lý do cỏn con không đâu. Cái này, người ta gọi là "giận cá chém thớt", chắc là thế.

Những người biết tôi, đặc biệt là nhân viên nhỏ, hay con cháu, em út, nếu đã lỡ rơi vào tình trạng thấy tôi nổi khùng vì những chuyện không đâu như thế thì cho là tôi dữ tợn. Nhưng thực ra, tôi biết đấy chỉ là biểu hiện của sự yếu đuối mà thôi: kềm không được, thì phải biểu lộ ra bằng một hình thức nào đấy. Cũng như người sợ ma đi đêm thì phải vừa quát to lên cho đỡ sợ vậy mà.

Bây giờ thì già rồi, hết sức lực rồi, nên tôi không còn sức để cáu nữa, thì chỉ lẳng lặng ngồi làm việc, viết lách một chút gì đó thôi. Như hôm nay chẳng hạn.

Hôm trước, cũng một lần tôi rất buồn như thế, tôi lang thang đi tìm một bài thơ để diễn tả tâm trạng của mình, và tìm thấy bài này mà tôi cho là rất hay - well, ít ra là mấy câu đầu. Bài thơ nói về nước mắt, về sức mạnh của những giọt lệ mà Tố Hữu đã khinh bỉ mắng trong một câu thơ cũng khá nổi tiếng: "Khóc là nhục, rên hèn, van yếu đuối ...". Bài thơ này thì có quan điểm ngược lại, cho rằng khóc là một hành động tự nhiên rất cần thiết cho con người, và thực ra nó là biểu hiện của sức mạnh bên trong. Kể cũng lạ, một quan niệm trái ngược với quan niệm của ta, ngược nhau như Đông và Tây vậy.

Tôi dịch ra và thấy hay lắm (!) (mèo khen mèo?). Đọc cho con gái nghe, nó cũng bảo hay (mẹ hát con khen), nghe giống thơ sáng tác. Ừ, dịch là sáng tạo thêm một lần nữa mà, có ai đó đã nói như vậy. Ngặt một cái là tôi dịch dở dang đến đây thì ... tịt, sau đó cố gắng dịch nốt cho thành bài thì mất hứng không dịch được nữa, nên cứ bỏ dở dang đó.

Hôm nay, "trời nhẹ lên cao" (thực ra không phải, trời đang mưa lất phất bên ngoài, mây u ám), tôi cũng buồn. Nên tìm lại bài thơ dịch còn dở dang đó, đọc, và tiếc của đưa lên đây để lưu, và chia sẻ ...

Các bạn đọc ở dưới nhé. Và nếu ai có lòng tốt vào dịch nốt giúp tôi thì hay quá. Còn nếu không, xin hãy cứ thưởng thức bài thơ dịch dở dang này. Ai biết được có khi tôi chỉ dịch được tới đó thôi rồi ngưng cũng là một cái duyên? Vì đoạn sau của bài thơ tôi thấy không còn hay như đoạn đã dịch. Trong văn học, bỏ lửng cũng là một thủ pháp quan trọng. Trong tình yêu cũng thế, "tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở". Vậy thì ai cấm thơ không thể dịch dở dang rồi buông lửng ở đó.

Cho ngàn xưa lơ lửng với ngàn sau ...

Bài thơ dịch dở dang của tôi dưới đây, các bạn đọc nhé!
-----
Tiếng nói không lời


Lan ra từ khóe mắt

Những giọt nước rơi rơi

Tên nó là giọt lệ

Nỗi buồn, niềm vui, nỗi sợ

Hay hoài niệm êm đềm …

Tất thảy đều được ngươi biểu đạt



Chảy thành dòng, cắt ngang gò má

Đẫm mặt người, lấp lánh hạt châu

Chứng tích của niềm đau

Hay chính thiên nhiên giải thoát

Áp lực của tâm hồn và thể chất

Để nhẹ nhõm hơn, để thoát ưu phiền?



Dấu hiệu đầu xuất phát tận trong tim

Báo trước cơn lũ tràn nước mắt

Cơn đau đẻ xé toang da thịt rách

Tái tê khi khuất bóng người thân

Buồn phiền vì lạc chú chó cưng

Mừng rơn khi trúng lô độc đắc

Não nề thay bạc tàn canh thua trắng



Nhưng dù buồn đau hay mừng vui

Trái tim luôn là nơi xuất phát

Mặt hằn đau, lệ dâng lên khóe mắt

Cố nén mà lệ tuôn không dứt

Chỉ ngừng rơi khi suối lệ cạn dòng



Ai bảo lệ là yếu đuối

Lệ chảy tuôn nguồn sức mạnh bên trong 
http://www.buzzle.com/articles/tears-a-silent-expression-poem.html
----
PS: Tựa tiếng Anh của bài thơ này là "Tears - a silent expression". Hôm trước tôi dịch chưa được, nhưng hôm nay khi viết xong entry này thì tôi bỗng "xuất thần" xử lý được cái tựa như sau: Tiếng nói không lời. Vâng, lệ - hay nôm na là nước mắt - là một tiếng nói nhưng không dùng ngôn ngữ, không có lời, dù sức mạnh diễn đạt của nó còn mạnh hơn cả trăm, cả nghìn lời nói. Tôi đã bổ sung vào tựa bài thơ dịch dở dang ở trên rồi đó.

Tiếng nói không lời của tôi, xin tặng bạn bè. "Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu!" http://en.wikipedia.org/wiki/Cry,_the_Beloved_Country

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

"Đã có một lần ..."

Ngày cuối tuần, tặng các bạn yêu thơ một bài thơ tình trước năm 1975 chép theo trí nhớ của tôi. Cũng như nhiều bài thơ khác mà tôi chép theo trí nhớ, bài này cũng không biết tác giả và không rõ tựa. Tôi tạm đặt cho bài thơ này cái tựa là "Đã có một lần", dựa theo câu thơ được lặp lại nhiều lần trong bài thơ.

Một bài thơ tình rất hay, hình ảnh lạ, lời thơ rất nhã. Rất phù hợp với những người đang yêu.

Các bạn đọc ở dưới đây. Và nếu có ai tình cờ biết tên tác giả của bài thơ thì cho tôi biết với nhé!
-------
 Đã có một lần

Đã có một lần
Tìm trong mắt em
Những viên đá nâu
Đã có một lần
Nghe hơi em thở
Thơm mùi hoa ngâu ...

Đã có một lần
Trên lưng thổ mộ
Mình em cuốn tròn
Như một con sâu
Và có một lần 
Dáng em thơ thẩn
Chìm vào đêm thâu ...

Đã có một lần
Em chê ngọc quý
Để trần những ngón tay búp măng

Đã có một lần
Em buồn chẳng dệt
Lụa tơ tằm để thắt đáy lưng ong

Và có một lần
Lòng tôi dọ hỏi
Tìm người trăm năm ...

Nhân tiện, tặng luôn các bạn một bài tỏ tình khác, bài "Bảy đóa thủy tiên" (Seven daffodils) bằng tiếng Anh mà thời trẻ tôi đã từng rất thích (bây giờ vẫn thích). Tôi liên tưởng đến bài này vì trong bài thơ trên có một câu tương tự: "em chê ngọc quý/để trần những ngón tay búp măng".

Các bạn thấy đấy, khi các cô gái được đặt giữa hai lựa chọn, một bên là ngọc quý còn bên kia là hoa ngâu và thổ mộ, hay một bên là lâu đài, vàng bạc và bên kia chỉ là bảy đóa thủy tiên, vẫn có rất nhiều cô chê ngọc quý và lâu đài để chọn hoa ngâu, thổ mộ và thủy tiên đấy chứ.

Vậy thì hỡi các chàng trai lãng mạn nhưng ... nghèo, các bạn đừng e ngại chi, mà hãy cứ mạnh dạn lên nhé!

Lời bài hát Bảy đóa thủy tiên dưới đây, còn nhạc thì bạn chịu khó nghe từ Youtube nhé, ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=f8Y4l4JKPsE

Seven daffodils

I may not have mansion, I haven't any land
Not even a paper dollar to crinkle in my hands
But I can show you morning on a thousand hills
And kiss you and give you seven daffodils

I do not have a fortune to buy you pretty things
But I can weave you moonbeams for necklaces and rings
And I can show you morning on a thousand hills
And kiss you and give you seven daffodils

Oh seven golden daffodils all shining in the sun
To light our way to evening when our day is done
And I will give music and a crust of bread
And a pillow of piny boughs to rest your head
A pillow of piny boughs to rest your head


Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

"Trời Phong Điền chim còn bay cánh lả ..."

Bài này tôi bắt đầu lúc còn ở Cần Thơ, muốn viết xong trước khi rời TP "gạo trắng nước trong" ấy. Nhưng không kịp, rồi về thì bận tới tấp với việc cơ quan, và đầu óc cũng bị mất tập trung bởi những chuyện thời sự nổi cộm.

Hôm nay tranh thủ giờ nghỉ trưa để viết nốt, chủ ý là để giới thiệu một bài thơ của một thi sĩ nào đó trước năm 1975, tôi không biết tên nhưng thơ của anh (?) thì vẫn được giữ y nguyên trong trí nhớ của tôi. Giả dụ ở góc biển chân trời nào đó mà anh đọc được những dòng này thì chắc là thích thú và cảm động lắm chứ nhỉ!

Các bạn đọc và enjoy nhé!
-------------

Tôi đang ở Cần Thơ, nhưng sắp rời nó trong vòng vài tiếng nữa.

Sắp về, nhưng lòng vẫn còn lưu luyến, và đó là điều đương nhiên, vì Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về ...

Cần Thơ, vùng đất tự hào của miền Tây, với tên gọi Tây Đô, và cũng là vùng đất rất thân thương đối với tôi. Cần Thơ có bến Ninh Kiều/Có con đò nhỏ có nhiều giai nhân .... Ngay lúc viết những dòng này tôi  cũng đang ở gần bến Ninh Kiều, một bến sông nho nhỏ, của một thành phố nho nhỏ, với những con người hiền lành, chân chất ...

...
(bài viết tới đây thì bị tạm ngưng, phần dưới đây là mới viết hôm nay)

Thực ra, sự lưu luyến, tiếc rẻ của tôi khi rời Cần Thơ chẳng liên quan gì đến bến Ninh Kiều, mà là vì tôi đang ở khá gần Phong Điền nhưng lại không đến thăm nó được. Phong Điền ...  một địa danh có gọi tên gọi rất thơ mộng và rất thân thiết đối với tôi, chỉ vì một câu trong một bài thơ mà tôi đọc được từ trước năm 1975. Câu thơ ấy, tôi đã đọc trong một tập thơ hay một tạp chí nào đó, rồi nhớ mãi đến ngày nay (có thể có chút ít sai sót). Câu thơ tuyệt đẹp có chứa tên địa danh Phong Điền tôi đã đưa lên làm tựa cho entry này rồi đấy: Trời Phong Điền chim còn bay cánh lả ....

Và, đây là một ngoại lệ, đa số những bài thơ tôi thuộc từ trước năm 1975 thì đều không biết tựa là gì, nhưng riêng bài này thì nhớ. Tựa của nó là "Nếu biết xa rồi".

Xin chép lại đây cho tôi, và tặng các bạn bè của tôi trên blog này.

Nếu biết xa rồi

Trời mùa đông chim én lạnh lùng bay
Tôi đứng đó nghe ngày vui chợt tắt
Chiều thị trấn chưa vàng lên màu mắt
Sao người quên, cho nhung nhớ thêm dài?

Tôi sợ tôi như sợ người khùng trí
Không nhìn đời bằng ánh mắt nhung xanh
Trong giây phút chợt nghe hồn ngã quỵ
Tuổi tên ơi! Có vỡ nát tan tành?

Trời Phong Điền chim còn bay cánh lả?
Hãy về đây cho tôi ước mơ ngà
Đừng chờ mùa Xuân mai vàng chín rụng

Khi linh hồn và giấc ngủ lung lay ...

Và tất cả đã không còn gì nữa
Trả cho người ngày cũ để tìm quên
Dù ngày vui, dù cuộc đời chưa hết
Nhưng vết hằn đà chia cắt tuổi tên ...

Thì mùa đông loài chim nào không bay?
Đã ngủ vùi chưa sau giấc mơ dài?
Người đã quên tôi, buồn lên tóc rối

Một phương trời - và cuộc sống phân hai ...

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Trên những cành bàng (2), hay: Những cây bàng của người nhập cư

(Ghi chú: Ai chưa đọc bài 1, thì đọc trước cho liền mạch và trọn ý nhen:
 http://bloganhvu.blogspot.com/2013/06/tren-nhung-canh-bang.html).

----------
Hôm trước tôi đang viết say sưa về những cành bàng thì phải ngưng dòng ký ức để đi làm. Rồi quần quật đi công tác miền Tây (mới về) nên không có thời gian để viết tiếp. Đã tưởng entry về những cành bàng sẽ lại bỏ dở dang mà không có phần tiếp theo như nhiều entry khác trên blog này. Nhưng không, những cành bàng có xuất xứ từ đồng bằng sông Hồng - theo thông tin của một người bạn cũng có xuất xứ từ vùng đồng bằng sông Hồng, giống gốc gác của tôi - không cho phép tôi quên, mà theo đuổi tôi suốt đoạn đường từ Sài Gòn xuống tận Cần Thơ và từ CT về lại SG.

Vì tôi không thể tưởng tượng được dọc đoạn đường Sài Gòn - Cần Thơ, Cần Thơ - Sài Gòn mà tôi vừa mới đi qua đi lại mới đây lại có thể có nhiều cây bàng đến thế. Đến độ, tôi áng chừng nó đã trở thành một trong những loại cây trồng dọc bên đường phổ biến nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng nên! Ai không tin tôi thì chỉ cần bắt một chuyến xe khách đi từ đây xuống các tỉnh miền Tây và nhìn dọc bên đường thì sẽ thấy ngay thôi!

Nhìn những cây bàng dọc ven đường trên đường từ miền Tây về SG hôm qua, tôi cứ cố moi móc trí nhớ mãi để trả lời câu hỏi: trước khi có những cây bàng ven đường như hiện nay thì ở các tỉnh miền Tây người ta trồng cây gì nhỉ? Cây điệp vàng, cây điệp hồng, cây bằng lăng hoa tím chăng? Hay  những cây gì khác mà tôi chưa kịp để ý và có lẽ cũng chẳng biết tên. Để bây giờ, cây bàng được trồng dọc khắp đường đi, trong sân trường, cả sân của các cơ quan, công sở, và cả nhà riêng nữa? Tôi nghĩ, có thể chỉ cần đến thế hệ cháu tôi thôi thì có lẽ sẽ không ai tin là cây bàng không phải là cây bản địa của vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà phải đinh ninh rằng nó vốn ở vùng đất nước phương Nam này đã từ lâu lắm, vì có thể thấy nó ở khắp nơi!

Nhưng quả thật, mãi tận đến thập niên 90 của thế kỷ trước tôi mới nhìn thấy cây bàng lần đầu tiên khi nó được trồng trong sân trường. Như tôi đã nói trong entry trước, khi nhìn thấy cây bàng (non) lần đầu, tôi thấy nó thật xấu! Mà có lẽ xấu thật: lúc ấy cái cây chỉ mới cao xấp xỉ một thước, với vài nhánh nhỏ. Nhưng không giống những loài cây khác, cành lớn nhánh nhỏ gì cũng vươn lên cao, thì những nhánh bàng lại mọc đâm ngang, trông thô thô và xấu xí. Tôi nhớ một chị đồng nghiệp của tôi lúc ấy, chị PT, khi nhìn thấy cây này đã la to lên: Sao lại trồng cây bàng, trông nhà quê chết! Và hình như không chỉ một mình chị ấy mà chắc cũng có những người khác phản ứng sao đó, nên cây bàng này không tồn tại được lâu trong sân trường, dường như chỉ mới cao lên được tới chừng gần 2 mét (vẫn còn xấu) thì bị bứng đi nơi khác.

Thập niên 90 dường như cũng là lúc cây bàng bắt đầu Nam tiến, well, ít ra là chúng đã "tiến về SG" . Tôi bắt đầu thấy nó được trồng ở những khu dân cư mới ở Tân Bình, Gò Vấp, vv, gần nơi tôi ở. Những khu mà thời ấy người ta gọi là "nhà không số, phố không tên" ấy. Cũng chỉ là người dân tự trồng thôi, bất cứ chỗ nào có khoảnh đất trống thì lại thấy có người trồng. Tôi cũng chẳng để ý nhiều đến chúng, chỉ xem đấy là một loài cây dễ trồng, dễ sống bất kỳ nào đấy mà người ta hay trồng ở những chỗ đất hoang mà thôi. Như cây bã đậu mà trước đây hay được trồng ở nhiều nơi, mọc nhanh và cho bóng mát nhưng nghe nói hạt rất độc, nay đã bị "thoái trào", không còn mấy ai trồng nữa.

Thật lạ kỳ, nhưng trong đầu tôi lúc ấy dường như giữa những cây bàng mà những người nhập cư từ "đàng ngoài" đem vào trồng ở "đàng trong" như thế không hề có chút liên hệ gì với những cây bàng trong văn học. Cây bàng của những ca từ tuyệt vời nổi tiếng ai cũng biết như "Hà Nội mùa thu/cây cơm nguội vàng/cây bàng lá đỏ ..." của TCS, một người con xứ Huế, hay tuyệt vời hơn là những lời lẽ bay bướm, trau chuốt của các nghệ sĩ, văn nhân Hà Nội: "chỉ còn mênh mông hương hồ hiu hắt soi những cây bàng lá đỏ ...", "ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông..." mà tôi thỉnh thoảng vẫn hát nghêu ngao. Còn cây bàng ngoài kia, trong xóm dân nhập cư gần khu nhà tôi, lúc tôi còn ở khu làng hoa Gò Vấp, xấu xí và dường như biết thân biết phận, thì cứ lầm lũi tồn tại, lầm lũi mọc, bám rễ vào trong đất, và lầm lũi lớn.... Chẳng cần ai chăm sóc, dường như thế! Và tất nhiên là chẳng cần ai khen, chẳng cần ai ngắm, và càng không cần được đưa vào văn thơ, nhạc họa như đám anh em của nó từ cội nguồn "ở tận sông Hồng"...

Lần đầu tiên tôi chú ý đến vẻ đẹp của cây bàng phương Nam (vẻ đẹp thực sự, sờ sờ "bằng xương bằng thịt", chứ không phải là bằng lời văn, lời thơ) là khi tôi thăm Côn Đảo cách đây vài năm. Ở đấy, chẳng hiểu ai mang đến để trồng, mà cây bàng có mặt ở khắp nơi, hẳn là phải từ thời Pháp thuộc, tức là từ thời triều Nguyễn, triều đại của những kẻ nhập cư (chứ gì nữa!). Những cây bàng cả trăm năm tuổi có dư, thân đen xẫm và lồi lõm, cành vươn dài trên bầu trời xanh của vùng đất đảo. Vâng, tôi không viết nhầm đâu ạ, cành bàng vươn dài chứ không phải vươn cao đâu nhé, vươn ngang như người giang tay, lá màu xanh xẫm, trông thật đẹp và cũng thật mạnh mẽ.

Cây bàng không chỉ được trồng ở khắp nơi trên đảo này, mà còn trở thành đặc sản của Côn Đảo nữa. Những trái bàng rụng được dân trên đảo gom sạch để mang về nhà kỳ cụi, hì hục lấy hạt, làm bằng tay đấy nhé. Rồi những hạt bàng be bé, dài dài, trăng trắng vẫn còn lớp vỏ lụa nâu nâu ấy được rang lên đóng hộp để bán cho du khách, với giá cũng không hề rẻ. Một hộp nho nhỏ cỡ bằng hũ chao nhỏ (chắc chừng 100 gr hạt) được bán đến 30 ngàn, hộp lớn hơn chừng 2 lạng thì khoảng 50, 60 ngàn, và nếu mua ký thì chắc khoảng 200-250 ngàn một ký, hình như thế. Hạt bàng rang khô ăn bùi bùi, không có gì đặc sắc, nên dân đảo chế thêm một món "mứt bàng", tức là hạt bàng đã chín đem sên đường thành một loại mứt áo như mứt sen, giá bán cũng bằng với hạt rang không đường, có khi còn rẻ hơn, vì giá hạt bàng thì mắc hơn giá đường mà. Nhưng cả khi làm thành mứt ngọt tôi cũng không thấy có gì đặc biệt cả, có lẽ vì thế mà dân Hà Nội sành ăn không thèm ăn chăng? Chỉ có điều, đối với dân Côn Đảo thì nó vẫn được xem là đặc sản, vẫn được bán (và bán được) cho du khách; mà là đặc sản thật vì hạt bàng khô nếu không mua ở Côn Đảo thì còn mua được ở nơi nào nữa đâu?

Cây bàng Côn Đảo, hay những cây bàng mà tôi thấy dọc con suốt đường từ Cần Thơ về Sài Gòn hôm qua, không hề giống cây bàng mồ côi mùa đông hay cây bàng lá đỏ mùa thu của Hà Nội. Nó đã tự diễn biến (!) để trở thành loài cây xanh quanh năm, vì lúc nào trên cây cũng chỉ đầy lá xanh, từ xanh non đến xanh thẫm. À, cũng có lá vàng lác đác, nhưng những chiếc lá này tự vàng và tự rụng đi, lặng lẽ rơi xuống đất, chưa bao giờ có đủ critical mass (!) để đổi màu những cây bàng của đất phương Nam cả. Và chắc chắn không bao giờ có cây bàng mồ côi mùa đông, vì lúc nào tán lá cũng dày dặn, xum xuê.

Vâng, cây bàng chỉ bắt đầu đẹp trong mắt của tôi sau lần thăm Côn Đảo cách đây vài năm, tức là phải đến hai thập niên sau khi tôi nhìn thấy cây bàng non trồng trong sân trường ĐH Văn khoa (tên cũ trước 75, nhưng tôi và nhiều người bạn khác vẫn rất thích dùng, y như tên SG với TP HCM vậy). Vậy là những cây bàng trồng ở những khu có dân nhập cư từ đàng ngoài vào sinh sống đã vào tuổi 20 rồi. Điều ấy cũng có nghĩa là những đứa trẻ con cái của những người nhập cư nếu được sinh ra vào thời ấy bây giờ cũng đã vào tuổi 20, một lứa tuổi tràn trề sức lực, đẹp biết bao! Một thế hệ nữa đã được sinh ra trên mảnh đất SG này, mảnh đất hào phóng, luôn mở rộng vòng tay với mọi người, trong đó có cả thế hệ của cha mẹ tôi nữa, cách đây gần đúng 60 năm.

Lúc ấy, ông bà ngoại của các con tôi chỉ mới ngoài 20, hăm hở vào Nam, vùng đất mới, đi để "tìm tự do" như trong một bài hát nào đó, vậy mà mấy chục năm đó chưa bao giờ nguôi lòng nhớ vùng đồng bằng sông Hồng quê gốc. Bằng chứng rõ nhất là đến giờ tôi, một kẻ chôn nhau cắt rốn ở Ba Xuyên, lớn lên và sinh sống, bám rễ ở Sài Gòn, mà giờ đây ngoại ngũ tuần vẫn nói tiếng Bắc, vẫn đẫm đìa văn hóa Bắc, dù cũng rất không hài lòng, thậm chí giận, nếu có ai đó xem mình là không phải người miền Nam!

Và, có ai ngờ được không, ngay trên đường nơi nhà tôi đang ở bây giờ, thực ra chỉ cách nhà tôi có vài chục bước chân, ngôi nhà ở khu chợ Cây Quéo thuộc quận Bình Thạnh ngày nay, nơi gần khu Lăng Ông Bà Chiểu, vùng đất trung tâm của Gia Đinh xưa, một vùng đất hoàn toàn của "đàng trong", cũng có một cây bàng! Một cây bàng to, cao, lá xanh, cây còn trẻ, có lẽ chỉ vài chục tuổi, có thể là cùng lứa với những cây bàng Nam tiến của thập niên 90 của thế kỷ trước. Nó có mặt ở đó từ lúc nào, tôi cũng chẳng rõ, dù hàng ngày vẫn đi qua. Nó cứ lầm lũi sống ở đó, rễ bắt sâu, thân mọc cao, hút dưỡng chất của đất này, và giờ đây, ở tuổi thanh niên, đã có thể giang tay trả lại cho đời bóng mát.

Còn thời gian thì vẫn âm thầm trôi mãi...

Trên những cành bàng....
----
Khuyến mãi: Các bạn đọc thêm bài này, "Hà Nội mùa lá đỏ", để thấy cái đẹp của cây bàng Hà Nội, và để hiểu tại sao cây bàng lại vào được văn thơ của giới văn nhân miền Bắc. Còn tôi, nếu có bao giờ làm thơ về cây bàng, tôi sẽ viết "cây bàng lá xanh", cây bàng của những người nhập cư, xanh tươi ở SG, vùng đất nhập cư ...

http://www.baomoi.com/Ha-Noi-mua-la-do/84/5675637.epi

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Trên những cành bàng

Đối với tôi, cây bàng luôn là một loại cây rất thân thương, ngay từ thời còn bé. Dù thực sự mãi đến năm ba mươi mấy tuổi tôi mới thực sự nhìn thấy cây bàng.

Có lẽ cũng chẳng có gì lạ. Ngay từ thời tiểu học, tôi đã được đọc - có lẽ trong môn Tập đọc? - bài văn của Nhất Linh với tựa Nhặt lá bàng. Văn tả cảnh của Nhất Linh thì bạn biết rồi đấy, cảnh tượng đẹp và thơ mộng, còn lời văn thì gọn gàng sáng sủa. Lúc ấy, chưa hề biết cây bàng là cây gì nhưng trong trí tưởng tượng của tôi nó là một loài cây đẹp đẽ, có ích cho con người: cho bóng mát vào những buổi trưa hè, và cho lá rụng vào mùa đông để những đứa trẻ nhà nghèo như hai đứa bé trong Nhặt lá bàng có thể nhặt về đốt để sưởi ấm.

Đến bây giờ  tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác của tôi khi đọc bài Nhặt lá bàng. Tôi như cảm nhận được sự vui mừng cuống quýt của hai đứa trẻ mỗi khi có gió to, lá rụng tơi bời, bọn chúng chạy lăng xăng tay nhặt tay ôm, miệng xuýt xoa, "ôi, lá nhiều quá!" Rồi gió ngưng, hai đứa bé lại ngóng trông cho có gió để lá lại rơi, chúng lại nhặt .... Tôi thấy mình cũng như muốn kêu lên cùng tác giả và hai đứa bé: "Gió lên! Lạy trời gió lên!", và tưởng tượng ra những làn gió mát rượi, như những cơn gió tôi vẫn biết ở phương Nam ấm áp, rất hào sảng và phóng khoáng như chính người miền Nam. Lúc ấy tôi vẫn hoàn toàn chưa hình dung ra được những mùa đông rét mướt thê lương của Hà Nội, của miền Bắc với bầu trời xám xịt và mưa phùn rả rích, cái lạnh nhức buốt da thịt và thấu đến tận xương khiến cho những người lớn tuổi đa số đều bị phong thấp, đau mình nhức mảy mỗi khi trái gió trở trời....

Cây bàng thân thuộc ấy không chỉ có mặt trong bài Nhặt lá bàng của Nhất Linh, mà còn có mặt trong một bài thơ của Nguyễn Bính, bài Cây bàng cuối thu. Một trong những bài thơ tả cảnh, và rồi tức cảnh sinh tình, mà tôi cho là xuất sắc nhất của nhà thơ chuyên sáng tác thơ lục bát này. Theo trí nhớ của tôi, bài ấy như sau:

Thu đi trên những cành bàng
Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi
Hôm qua đã rụng một rồi
Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn
Hôm nay bởi thấy tôi buồn
Lìa cành theo gió lá luồn qua song
Hai tay ôm lá vào lòng
Than ôi chiếc lá cuối cùng là đây!

Hay quá, phải không các bạn? Cũng vậy, khi biết bài thơ ấy, có lẽ là lúc đã lên lớp 6, lớp 7 gì đó, tôi vẫn chưa hình dung ra được cây bàng là như thế nào. Thực ra thì cũng đã được mẹ tôi tả: cây to cao, tán rộng có bóng mát, lá màu xanh to như bàn tay, có trái màu vàng ăn được, hạt có nhân màu trắng có dầu, trẻ con hay đập ra để ăn, vị béo béo .... Riêng về khoản trái bàng, hạt bàng thì tôi rất tự tin, cho rằng mình đã biết rõ. Vì từ hồi tiểu học, tôi đã biết đến một loại bánh gọi là bánh bàng, màu vàng to cỡ một nắm tay, hình oval, một loại bánh nướng làm bằng bột mì (chắc thế?) đã được làm cho nở xốp, tương tự bánh bông lang (bông lan?) nướng nhưng khô hơn và không ngon bằng, có lẽ vì không có hoặc có ít trứng và chắc là không có sữa ở trong.

Loại bánh này mẹ tôi hay bảo tôi đi mua cho các em ăn vào buổi xế, cỡ 3, 4 giờ chiều, bọn trẻ con ngủ dậy thì đói mà bữa cơm tối thì phải đến sau 6 giờ mới có. Hỏi tại sao gọi nó là bánh bàng thì mẹ tôi nói, hình thù và màu sắc của nó rất giống quả bàng thật, nên tôi tự cho rằng mình đã biết quả bàng nó là như thế nào rồi. Ngọt, lành, không quá hấp dẫn nhưng cũng đủ để bọn trẻ háu ăn reo la mừng rỡ khi được chia cho mỗi đứa được nguyên một cái (bánh này không bẻ ra chia được, vì nó xốp và mềm, bẻ ra thì vụn hết).

Còn hạt bàng ư, tuy ở SG lúc ấy có lẽ chẳng có cây bàng nào, nhưng cái trò ăn hột của trái cây thì bọn tôi đâu có lạ. Hồi ấy còn có quả trám (quả ô mai) muối đen, ngọt ngọt mặn mặn mà bọn trẻ con rất thích ăn, ăn hết thì còn cái hột cứng, bọn trẻ háu đói bèn hì hục lấy búa hoặc đơn giản hơn là nhặt cục đá mà đập ra lấy nhân màu trắng rồi ăn tiếp, lấy làm thích thú lắm. Mà chẳng hiểu vì sao bọn trẻ con lúc ấy háu đói thế không biết, tôi cũng thế, hình như lúc nào cũng đói, cũng thèm ăn, và cho chúng ăn thả cửa thì đúng là thủng nồi trôi rế như mẹ tôi hay nói.

Thân thương như vậy đó, nhưng thực ra đối với tôi lúc ấy cây bàng là một loài cây miền Bắc mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ được thấy tận mắt. Miền Bắc, đối với tôi lúc ấy có lẽ nó cũng xa xôi như Việt Nam trong đầu các cháu Việt kiều nhỏ tuổi như các con tôi hoặc nhỏ hơn, nghe bố mẹ nhắc đến thường xuyên nên thấy thân thương lắm, nhưng vẫn mơ hồ không rõ hình thù, và xa xôi vạn dặm, quen mà lạ, cũng chỉ như trong các câu chuyện cổ tích mà thôi. Không ai có thể nghĩ rằng chỉ đến lúc tôi 15 tuổi thôi thì miền Bắc đã không còn là một cái gì xa xôi trong ký ức nữa, mà là một thực tế hiển hiện sờ sờ trong đời sống hàng ngày của mọi người. Còn cây bàng, thì mãi đến đầu thập niên 90, có lẽ thế, khi còn ở trường ĐHKHXH-NV, tôi mới có dịp tận mắt thấy cây bàng khi nó được trồng ngay trong sân trường. Thấy, và thất vọng, vì nó quá xấu so với những gì mà tôi tưởng tượng.

(phải dừng ở đây để đi làm thôi, tối về viết tiếp nếu có thời gian).

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Cuối tuần, lan man về những loài hoa trắng

Viết một chút gì đó về những loài hoa trắng là một điều tôi đã muốn làm lâu rồi, và lẽ ra đã làm nếu không quan tâm đến quá nhiều thứ như thế này.

Ít ra là cách đây vài tuần, tôi đã thực sự định viết về chủ đề này khi nhận được email của một người bạn, trước đó là đồng môn (cùng trường cùng khoa nhưng khác khóa) và sau này là đồng nghiệp, nay đang sinh sống ở nước ngoài. Trong email ấy, người bạn tôi có gửi cho tôi ít dòng về các loài hoa trắng mà bạn ấy thích. Rất giống ý thích của tôi.

Cao hứng, tôi hứa sẽ đăng bài ấy lên blog của mình, nhưng sẽ viết thêm một ít vào đấy, gọi là để dẫn nhập cũng được. Nhưng hứa rồi thì công việc đến tới tấp, rồi thì ... đi chơi với gia đình, nên chưa viết. Nay lại cuối tuần, giữ lời hứa với bạn, xin đăng bài ấy lên với chút phần thêm thắt của tôi.

Các bạn đọc bên dưới nhé.
--------
Chẳng hiểu vì đâu, từ nhỏ tôi đã rất thích những loài hoa trắng.

Không phải vì chúng đẹp, vì thực ra, các bông hoa màu trắng thường khá đơn sơ về hình thức. Chỉ là một lớp cánh mỏng, thường là 5, 6 cánh, trừ loài cúc vốn đã là loài hoa nhiều cánh. Nhưng bù vào đấy, thì những loài hoa trắng thường có hương thơm. Như bông Ngọc Lan mà nhà tôi cũng trồng, vào mùa mưa nở hoa thơm ngát, đi từ xa đã ngửi thấy mùi. Hình của nó tôi đã đưa lên rồi nhé, ai muốn biết xin tìm trong bài cũ, tựa: Chủ nhật, tản mạn về "lang thang", tôi nhớ thế. (Hi hi, quảng cáo bài viết cũ).

Hay như bông Trang trắng, cũng có trồng ở sân nhà tôi, thơm dìu dịu nhưng là thơm nhất trong những loài bông trang. Những loài khác (miền Bắc gọi là Mẫu Đơn thì phải, vì mẹ tôi vẫn gọi bông này là Mẫu Đơn, loài hoa trồng nhiều trong Sở thú?) có màu sắc thì đẹp hơn nhiều, thường gặp nhất là màu đỏ cam rực rỡ, sau này thấy có màu vàng rất đẹp, đôi khi có cả màu hồng phấn dễ thương, nhưng tất cả đều không có hương. Bông Trang trắng về sắc thì tầm thường, thậm chí còn hơi xấu vì khi bông héo, cánh hoa rụng dần thì trông cũ cũ, bẩn bẩn, nhưng mùi hương và mật ngọt thì thật quyến rũ. Nên sân nhà tôi lúc nào cũng ong bướm dìu dặt, là vì mấy cây hoa có hương (màu trắng) này đây. Không có sẵn hình vì cây khá cao, bông mọc trên ngọn, phải trèo lên lầu mới chụp được, hẹn các bạn khi khác post hình vậy.

Trước đây, sân nhà tôi còn có cây bông Nguyệt Quế mà hổi nhỏ ở nhà thì tôi thấy gọi là Ngâu tây (?), hương thơm sực nức, đặc biệt bông cũng nở dày vào mùa mưa. Ông xã tôi quý lắm, trồng lâu năm cây trở nên già, hạt rơi xuống đất là nảy mầm ngay, ông ấy lại ương, lại trồng thành chậu. Sau này nhà tôi có mua miếng đất làm nhà ở Gò Vấp, lại đem xuống trồng, cây lại ra hoa, lại trổ bông thơm ngát. Tiếc là khi xây lại nhà thì không giữ được cây, phải chặt mất, còn nhà ở Gò Vấp thì bán mất rồi, nên mất giống luôn. Lúc ấy chưa có cây Ngọc Lan, mà tìm chưa được cây Nguyệt Quế khác để trồng, nên khi tôi mua được cây Ngọc Lan (vì thích nó từ nhỏ) thì ông xã tôi đã trồng xuống và chăm sóc đến giờ, chắc được hơn chục năm nay rồi, thay thế cho cây Nguyệt Quế cũ vì sân không còn chỗ trồng nữa.

Vài loài hoa trắng khác có hương mà tôi biết gồm có hoa Dành Dành, có 5 cánh màu trắng đơn giản, lá xanh ngắt, rất thơm, nhưng mùi thơm này tôi không thích lắm dù có nhiều người thích. Hình của nó đây, chụp ở khu nhà nghỉ ở Côn Đảo mà tôi mới đi nghỉ mấy ngày (mới về hôm qua). Nói về hoa, nhưng hình thì khuyến mãi thêm người nhé, hi hi.


Một loài hoa trắng nữa mà tôi cũng biết, vì ngày xưa ở nhà bố tôi cũng mua về trồng. Tên của nó, theo như tôi được bố tôi cho biết, là, trời ơi, hoa Trà Mi đấy (mà ta vẫn biết trong câu thơ "Tiếc thay một đóa Trà Mi/Con ong đã tỏ ...). Tên gọi khác của nó là Hàm Siêu (?), cái này tôi nghe bố tôi nói thế thì biết thế. Loài hoa này không đẹp, màu trắng ngà, nhiều lớp cánh hơi giống như hoa Ngọc Lan nhưng cây thấp, lá xanh đậm, dày và bóng, cánh hoa ngắn và dày, hơi thô thô, không dài và mỏng mảnh, lả lướt như hoa Ngọc Lan.

Không đẹp, nhưng mùi thơm của loài hoa này thì thật khó tả, sực nức đến choáng váng mà lại rất quyến rũ, mà đặc biệt rất thơm vào ban đêm, mà chỉ thơm khi hoa còn hàm tiếu. Mùi thơm này khiến loài ong rất mê, và chúng cứ vờn quanh bông hoa suốt thôi, để cố vào hút nhụy. Một điều đặc biệt là khi bông hoa đã nở thì chẳng còn chút mùi thơm nào nữa, nó mất sạch như trước đó không hề có chút hương thơm nào. Khi nhà tôi có cây này (trước năm 75, bố tôi trồng trên sân thượng ở nhà, vì nhà phố không có đất) thì lúc ấy câu thơ "Con ong đã tỏ đường đi lối về" mới thực sự có ý nghĩa đối với tôi (lúc ấy tôi khoảng 13, 14 tuổi, nghe cô giáo dạy Văn giải thích nhưng cũng chưa rõ nghĩa, nhưng khi bố tôi mang cây hoa về thì tự nhiên hiểu, tại sao lại là "Tiếc thay một đóa Trà Mi"). Loài hoa này hình như hiếm thấy, nhưng gần đây khi lên Đà Lạt chơi (năm ngoái?) tôi lại có dịp nhìn thấy bông hoa này trong nhà nghỉ, tiếc là không chụp hình lại để lưu.

Và cuối cùng, rất nổi tiếng mà ai cũng biết, cũng màu trắng có hương thơm, là bông Lài (hoa Nhài, nếu gọi theo kiểu Bắc). Ai mà chẳng biết câu: Thoang thoảng hoa Nhài mà lại thơm lâu, phải không? Nếu không biết câu ấy thì cũng phải biết câu Như bông hoa Nhài cặm bãi cứt trâu, chắc thế rồi. Hoa này ngày xưa bố tôi cũng trồng, cây rất đẹp, là loại cây bụi xum xuê, lá màu xanh lá cây tươi hơi ngả sang vàng (không xanh xẫm như hoa dành dành hoặc hoa Trà Mi mà tôi mới tả ở trên). Ngày trước khi còn ở với gia đình mẹ tôi còn có nghề ướp trà bông Lài, nghề này là học lóm của mấy bà bạn hàng hồi sau năm 75, ngăn sông cấm chợ, thành một nghề nuôi sống gia đình tôi được nhiều năm khi bố tôi thất nghiệp.

Lúc ấy là đứa con lớn nhất trong nhà (tôi có chị, có anh nhưng đã ra nước ngoài sinh sống), tôi là cánh tay đắc lực của mẹ, luôn được sai ra khu Lê Hồng Phong để mua bông búp (còn nụ, chưa nở) về cho mẹ ướp trà. Cách làm như sau:  buổi tối trộn lẫn với trà mộc, đến khoảng 4 giờ sáng thì hoa nở bung, thơm ngào ngạt, các cánh trà khô hút hết chất ẩm của hoa khi nở vào, cọng trà buổi tối còn khô cong (càng khô càng tốt) thì đến lúc này trở nên mềm và nóng như mới được hấp chín. Lúc ấy, đem trà đi sấy trên khay nhôm với lửa than thật nhỏ, cả nhà như được ướp đẫm hương thơm. Thật là thích, tiếc là sau này công nghiệp hóa rồi, chẳng còn ai làm trà kiểu thủ công như thế nữa.

Những bông hoa trắng ngạt ngào hương thơm gắn liền với kỷ niệm ấu thơ của tôi. Nhưng không phải hoa trắng nào cũng có hương. Có nhiều loài không hương, nhưng sao tôi vẫn thấy đẹp, một vẻ đẹp đơn sơ, thanh khiết. Cũng có khi vẻ đẹp ấy gắn với màu áo dài trắng nữ sinh của bọn tôi chăng? Màu áo dài trắng một thời được ca ngợi, vào cả văn thơ, với 2 câu xuất sắc của nhà thơ Nguyên Sa, cũng là ông thầy dạy Triết tên Trần Bích Lan có dạy học ở Gia Long, đã tả tà áo trắng sân trường như thế này:

Chẳng biết mưa hay là nắng đây/Một đàn bướm trắng nhởn nhơ bay ...

Vâng, những bông hoa màu trắng mà tôi yêu. Tôi nghĩ, người bạn cùng yêu màu hoa trắng của tôi, giờ ở Mỹ, cũng sẽ đồng ý với tôi về lý do ấy: hoa trắng gợi cho chúng tôi màu áo trắng nữ sinh, ở tuổi hoa mộng nhất....

Và đây, tâm trạng của người bạn cùng yêu hoa trắng của tôi.. Và cả mấy dòng thư dễ thương nữa chứ.


Chị Phương Anh ơi,

Thấy chị nói đến hoa kiến cò trong bài viết trên blog, em muốn share với chị bài viết này của em nè, cũng nhắc đến hoa kiến cò và dược tính của nó :-) 

Bên em mùa này trời hết lạnh, hết tuyết nên em đi bộ một ngày hai lần: sáng, tối. Có dịp hít thở không khí và nhìn ngắm cỏ cây hoa lá. Em vừa đi vừa nghĩ tới ba em ở Saigon cũng đi bộ mỗi ngày hai lần mà tội nghiệp cho ông: lề đường không có để đi, không khí ngột ngạt, nóng bức, bụi bặm, xe cộ ồn ào, đông đúc. Càng nghĩ càng buồn cho Saigon!
-----------

Ngẫu nhiên mà mình có kỷ niệm với vài loài hoa trắng:
Cúc trắng: một trong những loài hoa được chưng trong nhà từ thuở còn hàn vi, đi chợ 5 đồng thì 3 đồng mua thịt cá, 1 đồng mua rau và 1 đồng mua cúc trắng

Hoa tuyết: thời đó trên TV chiếu đi chiếu lại bộ phim 12 Vị Thần Tháng (LX), mình cứ thắc mắc tự hỏi không biết thật sự trên đời có hoa tuyết không?  Bây giờ nhờ Google mới thấy biết bao nhiêu hình ảnh của hoa tuyết, nói đúng hơn là hoa mọc trong tuyết(?) dù đó mới chỉ là search bằng tiếng Việt.  Cám ơn Google.


Hoa nhung tuyết (edelweiss): Xem phim The Sound of Music hàng trăm lần, lần nào cũng xúc động trước hai cảnh có bài hát Edelweiss:
- lần đầu tiên sau khi vợ chết, Captain von Trapp (Christopher Plummercầm lại cây đàn guitar khảy lên khúc nhạc, và cảm thấy trái tim lâu nay đóng kín vì đau khổ bỗng vỡ òa ra, vừa đón nhận, vừa san sẻ tình thương yêu với những người thân quanh mình.
- cả nhà Captain von Trapp hợp ca bài này trên sân khấu trước khi tìm đường 'vượt biên' khỏi nước Áo lúc đó đang bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. 
Bây giờ Google mới biết edelweiss, aka hoa nhung tuyết, nhìn ra sao (hơi thất vọng vì trông nó không đẹp  như mình tưởng tượng) nhưng quả thật ít có loài hoa nào có được một chỗ đứng đặc biệt như vậy trong âm nhạc, điện ảnh và cả trên nhiều lĩnh vực quan yếu khác.
...
Small and white
Clean and bright
You look happy to meet me
Blossom of snow may you bloom and grow
Bloom and grow forever
Edelweiss, edelweiss
Bless my homeland forever


Bạch Hạc Lan/lan hạc trắng/egret orchid: chưa tìm được lời để mô tả vẻ đẹp của loài hoa này, chỉ biết có thể nó xuất xứ từ Nhật (còn bao nhiêu thứ/điều tuyệt vời khác đến từ đất nước này mà mình chưa biết nhỉ?!?) 


Ông Ngoại nói ở Việt Nam có cây kiến cò cũng có hình dáng như loại lan này, lại có nhiều dược tính quý, có điều cây mọc dại ở chốn hương đồng cỏ nội nên không mấy ai để ý đến giá trị và vẻ độc đáo trong hình dáng của hoa, ngoại trừ (có thể là) người đầu tiên đặt tên cho loại cây này.  Mình thiệt phục Ba mình quá, sao chuyện gì ông cũng biết.

Cuối cùng, xin gửi đến các bạn vài bông hoa trắng khác, trong đó có cả những loài mà tôi chẳng biết tên nhưng vẫn rất yêu. Thôi cũng không cần có tên, và xin gọi chung, đơn giản chỉ là: Hoa trắng. Như trong bài Cành hoa trắng của Phạm Duy mà tôi đã học ngày học trung học đệ nhất cấp (cấp 2) ở trường Gia Long: Một bầy chim tóc trắng/bay về qua trần gian ...
Dây leo gì chẳng biết, hoa trắng tinh khiết nở giữa đám lá xanh

Bông Sứ, miền Bắc gọi là Hoa Đại, có hương thơm, hay trồng ở các ngôi chùa

Màu trắng tinh khiết vẫn cứ nổi bật trên đám hoa cỏ đủ màu
Bông Mai Chiếu Thủy, theo như tôi biết. Một loài hoa trắng có hương rất thơm.
Một người bạn thời đại học của tôi cho biết, đây là Cỏ Thỏ, vì được dùng để cho thỏ ăn.
Thời ấy của chúng tôi, ai cũng phải nuôi heo, nuôi thỏ, nuôi gà ...

Một loài cây mọc ở bãi cát ven biển, cũng nở hoa màu trắng nhỏ nhắn, xinh xinh

 Vâng, đã xa lắm rồi, nhưng chắc chắn ai trong bọn chúng tôi cũng vẫn yêu màu trắng ...

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Đọc Xuân hiểu (Phùng Hồng Kổn)

Sáng hôm nay, mở hộp mail ra tôi rất vui khi nhận được bài viết "góp vui với bloganhvu" của người bạn tạm gọi là "bí ẩn" của tôi, anh Phùng Hồng Kổn.

Tạm gọi như thế, là vì cách đây vài tháng, tự nhiên tôi nhận được bài viết (mà theo tôi là rất hay) của anh PHK gửi qua mail đến tôi, chỉ với mấy từ vô cùng vắn tắt: Góp vui với bloganhvu. Đó là bài cảm nhận của anh về bài thơ Đăng U Châu Đài Ca. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đến bài thơ này, và bài viết của anh làm cho tôi vô cùng thích thú.

Đối với tôi, những người cùng thích văn thơ thì tự nhiên đã là bạn rồi, không cần phải quen nhau lâu thì mới có thể là bạn. Mà đã xem là bạn thì tôi muốn biết thêm về người bạn của mình, nhưng anh bạn PHK bí ẩn này của tôi lại không chịu tự giới thiệu, mà chỉ nói, chị tự tìm hiểu không tốt hơn sao. Hừm, thế này thì ... quả là thách đố quá tôi quá đỗi, nên tôi phải vào "hỏi cụ Gúc", và quả nhiên là ra ngay được trang web của anh PHK, một trang web mà theo tôi cũng rất thú vị và đáng đọc.

(Các bạn tò mò rồi phải không, vậy thì vào đây nhé: http://phungkon1.wordpress.com/)

Ồ, mà tôi bỗng vừa mới nhận ra, cái "trò" giữ bí mật không chịu tự giới thiệu của anh PHK thực lợi hại, vì chỉ có thể thì tôi mới chịu bỏ công ra mà đi tìm blog của anh PHK chứ nhỉ! Hay đó là thói quen của một thầy giáo như anh PHK, không "mớm sẵn" mọi thứ cho học trò mà bắt học trò tự khám phá. Rõ quá rồi, đúng là dấu ấn của nghề nghiệp, đã là nhà giáo thì phong cách không lẫn đi đâu được, cái này thì tôi có thể đoan chắc như thế vì tôi cũng là một nhà giáo (well, nửa đường đứt gánh), và cũng có nhiều bạn bè là nhà giáo.

(Mà biết đâu chính vì tôi cũng có phong cách nhà giáo nên mới thu hút được (?!) những bạn bè khác cùng là nhà giáo thì sao nhỉ, ví dụ như anh PHK mà tôi đang nhắc đến trong entry này, hoặc một người bạn khác là anh GNLT mà thỉnh thoảng tôi cũng hay nhắc đến trên blog của tôi.)

Nhưng thôi, dẫn nhập như thế là dài dòng lắm rồi, bây giờ thì xin đăng bài viết góp vui của anh PHK lên để chia sẻ với các bạn chứ. Nhưng trước khi kết thúc, tôi muốn nói rằng tôi rất vui vì trang blog này đã làm được một việc vốn là mục đích chính của nó, đó là: làm một sân chơi cho các tao nhân mặc khách ghé qua, đàm đạo chuyện văn chương và chia sẻ những suy nghĩ về con người, về xã hội, về cuộc sống. Cám ơn anh PHK, và cám ơn tất cả các bạn bè của tôi trên blog này nhé.

Enjoy!
---------------
Đọc Xuân hiểu

Phùng Hồng Kổn

Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu
Mạnh Hạo Nhiên

Dịch thơ:
Giấc xuân sáng chẳng biết
Khắp nơi chim ríu rít
Đêm nghe tiếng gió mưa
Hoa rụng nhiều hay ít
Tương Như

Khi còn nhỏ,tôi đã được nghe bài thơ này cùng với những bài: Đăng u Châu đài ca; Hoàng hạc lâu; Phong Kiều dạ bạc…

Ngày ấy, cha tôi lúc thì đọc, khi thì ngâm, rồi lại bình luận, giảng giải cho anh em chúng tôi.. Ở cái tuổi còn mê mải chơi bi đánh đáo, những bài thơ đường luật rắc rối này chắc chỉ như “nước đổ đầu vịt” - hẳn ai cũng nghĩ thế!

Ba câu đầu tả thực: Giấc ngủ đêm xuân say xưa, không biết trời đã sáng, chim hót vang khắp nơi, đêm qua nghe tiếng gió mưa. 

Sự việc diễn ra rất thường tình, có gì đáng nói? có gì nên thơ? Rồi tác giả kết thúc bằng một câu vu vơ:  Hoa lạc tri đa thiểu?

Trong bài kệ Cáo tật thị chúng, Mãn Giác thiền sư viết:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
(Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở)

Đó là qui luật sinh tồn của thiên nhiên, hết thảy mọi vật đều sinh hoá không ngừng, sinh rồi hoá, hoá để sinh. Đạo Phật còn cho rằng  sống  là gửi, thác mới là về (Sinh kí tử qui). Duyên chi mà tác giả than  “Biết hoa rụng nhiều hay ít” .

Có người bảo: “ Hoa lạc tri đa thiểu - ấy là tác giả bày tỏ tình cảm với những “đời  hoa”- những cô gái “phận hẩm duyên ôi”!.

Người khác nói: “Đặc trưng của nghệ thuật lãng mạn là vai trò nổi bật  của  thế giới nội tâm, của tính chủ thể, của cái tôi. 

Hoa lạc tri đa thiểu là một câu thơ tuyệt bút, nó chắp cánh cho bài thơ bay lên, siêu thoát, vượt khỏi thực tại, sau câu này người đọc chẳng còn nhớ đến trời sáng hay tối, chim hót ra sao, gió mưa thế nào, chỉ thấy lâng lâng thoát tục! Mạnh Hạo Nhiên còn lãng mạn hơn cả những thủ lĩnh của chủ nghĩa lãng mạn ở châu Âu”!.

Với tôi, có lúc đọc bài thơ này tôi có cảm giác như đang thưởng thức một bản Romance, bản nhạc đang mượt mà êm ái ở  gam thứ bỗng chuyển  sang gam trưởng, với đảo phách bất ngờ, khiến người nghe nhớn nhác !

Lúc khác, đọc bài thơ tôi lại liên tưởng đến những bức tranh “Bố cục” của Piet Mondrian (hoạ sĩ trừu tượng Hà Lan). 

Trong tranh, những đường thẳng ngang dọc sắp xếp tưởng như vô định mà gợi cho ta cảm giác như đứng trước biển cả mênh mông! Rồi có lúc, những  những hình chữ nhật nhỏ, to - đầy bí hiểm- trong bức tranh lại khiến người xem  tưởng như bị lọt thỏm vào thế giới ảo thăm thẳm của người nghệ sĩ.

Viết những dòng này tôi chợt nhớ  tới bài  Chớm thu của Trần Đăng Khoa (Sáng tác khi Khoa còn là một chú bé)

Nửa đêm nghe ếch học bài 
Lưa thưa vài hạt mưa ngoài hàng cây
Nghe trời trở gió heo may
Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau

Hồi  nhỏ  không biết Khoa có đọc Mạnh Hạo Nhiên không! phải chăng những ý tưởng đẹp trùng nhau? Bài thơ của Khoa đẹp quá, đẹp như bức tranh  Tôm của Tề Bạch Thạch vậy.

Thưởng ngoạn thơ nói riêng hay nghệ thuật nói chung mỗi  người có một cách khác nhau, chẳng ai giống ai. Đã qua tuổi “tri thiên mệnh”, ngẫm lại, tôi thầm biết ơn đấng sinh thành đã  ươm mầm cho chúng tôi, một thứ mầm riêng, vươn lên thưởng ngoạn cái đẹp.                               
PHK

"Bóng cây bên đường" - một bài thơ chép theo trí nhớ

Cứ mỗi lần đi ra đường thì tôi lại tìm những bóng cây.

Đường phố Sài Gòn, không phải chỗ nào cũng có cây xanh. Những con đường có cây xanh đẹp nhất thành phố này theo trí nhớ của tôi có lẽ phải kể đến những con đường ở quận 3, quanh khu Hồ Con Rùa. Tôi nhớ ngày xưa, đoạn đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) khúc từ Lê Văn Duyệt (nay là CMT8) đến Hồ Con Rùa, đi ngang Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) là đoạn đường vô cùng thơ mộng, 2 bên là 2 hàng me xanh ngợp trời, xòe tán rộng, giao nhau như hai cánh tay giang ra nắm lại nhau. Đoạn đường này mà ai có người tình dắt nhau đi bộ thơ thẩn thì thật là ... hết xảy, các bạn nhỉ. Chẳng thế mà tên những con đường ấy đã vào được trong thơ văn, ca nhạc. Ví dụ như bài Con đường tình ta đi:

Con đường nào ta đi
Với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thủ đô
Con đường bụi mờ
...

Hỡi người tình Văn khoa
Bóng dài trên hè phố
Lá đổ để đưa đường
Đến người tình Trưng Vương

Hỡi người tình Gia Long
Hỡi người trong tuổi sống
Con đường này xin dâng
Cho người tình bình thường

Hỡi người tình xa xăm
Có buồn ra mà ngắm
Con đường thảnh thơi nằm
Nghe chuyện tình trăm năm...

(Các bạn nghe bài hát ở đây nhé: http://www.youtube.com/watch?v=6-5tig3oS8M - với giọng hát bất hủ của Khánh Ly và Elvis Phương) 

Mãi đến giờ tôi vẫn nhớ năm lớp 6 hoặc lớp 7 gì đó, cô giáo dạy Văn của bọn tôi đã cho đọc bài "Những cây sao/dầu (?) trên đường phố Sài Gòn" (cây sao hay cây dầu, bây giờ tôi không còn nhớ rõ), là một bài tản văn rất hay, cũng viết về những bóng cây trên đường, có nhắc đến những loại cây mà hạt có cánh để có thể nhờ gió đưa đi phát tán đến những nơi xa. Mà ở trường Gia Long của tôi thời ấy thì rất nhiều cây những cùng loại, cụ thể là cây nhạc ngựa (người ta bảo tên bình dân là "dái ngựa" vì trái của nó trông thô ráp xù xì rất giống .... cái ấy của con ngựa, nhưng tên thô quá nên đổi thành nhạc ngựa, cũng rất hay vì khi trái của cây này rớt xuống thì những hạt có cánh của nó lại xoay tít trên không trung trước khi rơi xuống, thật đẹp).

Bây giờ những đoạn đường đẹp đẽ này xấu đi nhiều rồi, hình như nhiều cây me hoặc cây cổ thụ khác đã bị chặt, hình như thời thập niên 80 ở SG thì cây cối bị chặt nhiều nhất, lúc ấy đang đói mà, ai cần đẹp nữa. May là cũng chưa chặt hết, và sau này thì người ta cũng có trồng lại nhưng cây còn nhỏ, không đẹp; nhưng dù sao thì chúng vẫn còn giữ được là những đoạn đường có bóng cây.

Nhưng Sài Gòn cũng có những con đường vô cùng xấu xí, nắng chang chang, chẳng hề có chút màu xanh nào. Đấy là con đường nhà tôi mà tôi ở đến mấy chục năm cho đến khi lấy chồng, đường Lê Văn Duyệt (CMT8). Hoặc con đường gần nhà tôi, lối đi sang quận 11, Chợ Lớn, trước đây là Nguyễn Văn Thoại, nay là Lý Thường Kiệt, cũng vậy, đường dài lê thê mà chẳng có bóng cây, nắng chang chang, xe đông nghìn nghịt, khói xe mịt mù, đến chết ngộp. Tôi căm ghét những đoạn đường ấy thế không biết.

Nên đi ra đường là tôi tìm chỗ có bóng cây mà đi. Và nhà riêng của tôi thì cũng thế, cứ phải có bóng cây, có không gian thở thì mới chịu được. Ở với xi măng, bê tông cốt sắt thì tôi điên lên mất.

Hôm rồi, chở con gái đi lên Sài Gòn, vào một chiều mùa mưa nhưng không mưa, râm mát, tôi cũng đi trên những con đường đầy bóng cây như thế. Và chợt nhớ một bài thơ tôi đã đọc trước năm 75, chẳng nhớ tựa cũng chẳng nhớ tác giả, chỉ còn nhớ dăm câu gần cuối. Đọc cho con gái nghe, cô bé rất thích và bảo mẹ chép lại.

Thì đây, chép lại cho con gái, cho chính mình, và chia sẻ đến mọi người. Enjoy các bạn nhé.

...
Anh còn yêu vô cùng
Những bóng cây bên đường
Những bóng cây như mỗi đời chúng ta
Có bao giờ giống nhau?
Từ những cây thẳng đứng vươn cao
Đến những cây cằn cỗi
Những hoa lá rì rào
Những cây đong sầu muôn nỗi ...

Và chiều nay trên đường xa gió bụi
Anh vừa thấy bên đường
Một cây khô vừa chết
Với cành héo khẳng khiu
Mang theo  nỗi cô liêu ngàn đời không hết!

Vâng, mỗi bóng cây như mỗi đời chúng ta, có bao giờ giống nhau ...

Những câu cuối cùng của bài thơ này buồn quá, các bạn nhỉ. Làm tôi tự nhiên cũng thấm thía buồn. Hôm nay mở mạng lên, facebook đầy những hình ảnh của cuộc biểu tình ở Hà Nội bị đàn áp. Và báo chí nước ngoài thì nhao nhao đưa tin về vụ trấn áp biểu tình, xem chừng có vẻ rất dã man ấy. Có cả những người nằm ra đường để phản đổi việc đánh người. Rồi comment loạn cả lên, đa số là bất bình, nhưng cũng có những giọng điệu khác, lên án những người biểu tình là "cào đầu ăn vạ", "gây rối trật tự", rồi lại còn thách: "có yêu nước thì sao không vào bộ đội mà đi đánh TQ ấy, chỉ ru rú ở nhà rồi biểu tình thì hay ho gì!"

Tôi chẳng biết nói gì, chỉ biết những hình ảnh của vụ đàn áp này hoàn toàn không đẹp đẽ chút nào, vì trông nó quá thô bạo, đặc biệt là dưới con mắt của bạn bè quốc tế. Chẳng lẽ nhà nước không có cách nào hay hơn là chỉ chờ người ta biểu tình rồi cho công an chìm (mặc thường phục) ra đánh người như côn đồ vậy sao? Đánh người đến đổ máu, rồi quăng ra đường một cách rất dã man nữa chứ.Tất nhiên là tôi đang giả định những hình ảnh kia là đúng sự thật. Nếu họ ngụy tạo (?!) mà dám nêu tên người thật, rồi chụp hình ảnh đưa lên facebook có ngày giờ địa điểm như vậy, thì nhà nước nên chứng minh đó là ngụy tạo và xử lý nghiêm những kẻ vu khống đó, để khỏi làm mất lòng tin của dân. Còn nếu thông tin đó là thật, thì tôi nghĩ nhà nước nên suy nghĩ nghiêm túc xem tại sao nhân dân của mình lại bất chấp nguy hiểm để đi biểu tình như thế, và việc đàn áp, dù có thể dẹp ngay được biểu tình, nhưng liệu có  giải quyết được chuyện gì một cách lâu dài không, hay chỉ làm xấu đi hình ảnh của chính mình?

Mà tại sao VN mình lại khổ như thế nhỉ? Trời của ta, đất của ta, nước của ta, chính phủ của ta rồi, có thằng xâm lược nào đang cai trị nước ta nữa đâu, sao mọi việc vẫn không yên? Chính phủ với dân không có cách gì đối thoại với nhau được hay sao?

Lan man, tôi nghĩ, số phận mỗi quốc gia cũng như những bóng cây bên đường đấy nhỉ? Mỗi bóng cây như số phận của mỗi quốc gia, có bao giờ giống nhau? Từ những cây thẳng đứng vươn cao, đến những cây cằn cỗi .... Những hoa lá rì rào, những cây đong sầu muôn nỗi ...

Tôi đang mang trong tim nỗi cô liêu ngàn đời không hết, các bạn của tôi ơi!

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Mưa mùa hạ ở Sài Gòn, đọc bài thơ Xuân hơn ngàn năm trước

Hôm nay là ngày đầu tiên của tháng sáu, "tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt  ...".

Mấy ngày nay mưa Sài Gòn mưa liên miên, mưa xối xả đến ngập đường, ngập phố. Sáng thứ bảy, mở facebook cập nhật tình hình bạn bè, chỉ thấy tin về trận mưa ngập ở Sài Gòn, cũng ngập tràn trên mạng.

Đây, Sài Gòn của thế kỷ 21, vẫn cứ ngập như thế này đây:  http://dantri.com.vn/xa-hoi/sai-gon-ngap-sau-nhat-ke-tu-dau-mua-mua-737534.htm.

Và đây nữa: http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/video/2013/05/sai-gon-mua-nua-gio-da-ngap-nuoc/.

Trời mà mưa thì những người buôn bán sẽ buồn, vì hàng quán ế ẩm. Những ai phải đi ra đường trong lúc trời mưa cũng sẽ rất ngại, vì người thì ướt, đường thì trơn, thỉnh thoảng lại có gió to tạt vào xe đến muốn lạc tay lái, rất nguy hiểm. Nhưng mưa đêm thì lại rất thú vị, tất nhiên không kể những người phải bôn ba ngoài đường trong đêm mưa gió. Và lại càng thú vị hơn nữa nếu hôm trước là đêm thứ sáu như đêm hôm qua, vì sáng thứ bảy bạn không phải đi làm, tha hồ thảnh thơi để thưởng thức cái không khí "mùa thu" của SG vào những ngày như thế.

Đấy là tâm trạng của tôi, sáng nay. Mở cửa bước ra "vườn"- mảnh sân nhỏ nhưng luôn xanh um và thơm ngát mùi ngọc lan, không gian thở của gia đình tôi - tôi thấy đập vào mắt những cánh ngọc lan trắng ngà rơi lả tả đầy trên sân gạch. Mùi nước mưa lẫn với mùi lá cây và hương hoa khiến tạo ra một mùi hương thật dễ chịu. Không khí vẫn còn chút ẩm ướt và mát mẻ, bầu trời có màu xanh xám mờ mờ, tạo cho ta một cảm giác nhẹ nhàng thơ thới. Tôi nghĩ, nếu bao giờ có đi đâu xa, nhớ về thời tiết của Sài Gòn thì tôi sẽ nhớ nhất là mùa mưa với những ngày mát mẻ như ngày hôm nay.
Có ai nhìn thấy mấy nụ Ngọc Lan e ấp không?
Rồi chợt nhớ một bài thơ Đường mà tôi đã được đọc - well, học - cách đây ít lâu. Ừ, thế đấy, ít lâu nay tôi bon chen học chữ Hán và thơ Đường, là bởi vì có một người bạn đồng nghiệp ở xa, thấy tôi thích thơ thẩn nên bèn nổi máu anh hùng, ra tay nghĩa hiệp mà dạy dỗ tôi bằng con đường hoàn toàn hàm thụ - tức là gửi bài giảng, bài tập và các hướng dẫn tài liệu qua email, còn tôi thì chỉ việc lấy về mà học, có thắc mắc gì thì mail hỏi lại.

Vâng, bài thơ ấy tôi dịch và viết lời cảm nhận theo yêu cầu của "sư phụ" - người bạn đồng nghiệp đã hướng dẫn cho tôi tự học tiếng Hán vài tháng nay. Bài Xuân hiểu của Mạnh Hạo Nhiên. Một bài thật nổi tiếng của một nhà thơ cũng rất nổi tiếng, nhưng trước đây tôi chưa bao giờ biết, cho đến khi được "thọ giáo" Hán ngữ với Đường thi cùng người bạn đồng nghiệp ở tận một tỉnh xa xôi cuối đất, An Giang.

Xa về địa lý, nhưng đối với tôi lại rất gần gũi, vì, đúng rồi, nói theo kiểu ông thầy dạy Anh văn của tôi thời thập niên 90 của thế kỷ trước, "I'm just a phone call away." Ấy là hồi đó, còn bây giờ, thì phải nói, "we're only a computer screen away", phải không? Vì cứ mở máy lên, thì người kia (có lẽ) cũng đang ở bên kia, cũng đang nhìn vào những con chữ trên màn hình máy tính.
Đây nữa, vài nụ Ngọc Lan như những ngón tay ngọc ngà, nhỏ nhắn
Dịch bài thơ Xuân hiểu ở trình độ Hán ngữ của tôi là một yêu cầu quá sức, nhưng "sư phụ/bằng hữu" của tôi vẫn yêu cầu tôi làm, vì tin vào sự nhạy cảm của tôi đối với văn thơ. Nhưng bản dịch đầu tiên của tôi thì sai be bét, do tôi không hình dung ra được cái khung cảnh mà nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên đang vẽ ra trong bài thơ của mình. Sư phụ của tôi bảo, có lẽ khung cảnh và khí hậu miền Nam khác với miền Bắc nên tôi không cảm nhận được, vì đêm xuân miền Bắc thì rất tuyệt. Ừ, có lẽ thế thật, vì tôi thấy những văn nghệ sĩ người Bắc di cư khi làm thơ, viết nhạc về mùa Xuân thì viết cũng rất thơ, rất đẹp.

Nhưng ở miền Nam thì làm gì có mùa Xuân; khi miền Bắc đang xuân thì miền Nam đang là mùa nắng, nắng chói chang và oi ả khủng khiếp. Mà sau đó thì lại đến mùa mưa, mưa thủng trời thối đất. Nên thời tiết chỉ đẹp vào những ngày không mưa, không nắng như hôm nay - tức là, sau những cơn mưa lớn. Thôi thì giả vờ đó là mùa xuân, hoặc mùa thu, của miền Nam vậy.

Vâng, cách đây hai tuần, cũng qua một đêm mưa như đêm qua, sáng ra tự nhiên tôi bỗng hiểu được bài thơ Xuân hiểu của Mạnh Hạo Nhiên. Nên chia sẻ lại bài cảm nhận của tôi về bài thơ với các bạn dưới đây nhé.

 Còn ai chưa đọc bài Xuân hiểu của Mạnh Hạo Nhiên thì xin đọc ở đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/Xu%C3%A2n_hi%E1%BB%83u.
-----------------
18/5/2013
Đêm qua ở SG mưa, có lẽ mưa rất to, và dai dẳng. Sáng ngủ dậy, mở cửa, hai cây hoa ngọc lan và hoa móng bò (hoa ban) trong sân nhà rụng trắng và tím đầy sân. 


Hoa Ngọc Lan rụng trắng sân
Sực hiểu bài thơ Xuân hiểu của Mạnh Hạo Nhiên với những lời giải thích được cung cấp từ trước. Và đây là bản dịch thơ, cùng cảm nhận về bài thơ. Chỉ xin mạn phép đổi một chữ trong bài thơ: thay vì đêm Xuân thì là đêm mưa. Vì cái cảm giác dễ chịu ấy là do mưa đem lại, chứ không phải do Xuân


Đêm mưa ở Sài Gòn chẳng thể giống đêm xuân ở phương Bắc, nhưng cũng vẫn cứ dễ thương, đi xa vẫn nhớ đối với những người miền Nam, miền đất của những cơn nắng chói chang và những trận mưa xối xả.

Trời chỉ đẹp vào những ngày như hôm nay. Nên người ta mới cầu mong:
Lạy trời chẳng nắng, đừng mưa/Cứ râm râm mát cho vừa nhớ thương ...
 
Lan móng bò, mùa mưa đã rụng hết, chỉ còn vài bông sót lại
Đêm mưa

Đêm mưa ngủ không biết sáng
Ngoài sân chim hót vang trời
Trong đêm nghe mưa gió đến
Biết bao hoa lá rụng rơi?


Đêm Xuân của miền Bắc, trời mát lạnh, ngủ ngon. Đêm mưa ở SG cũng thế, trời mát dịu, ngủ ngon, khi mắt mở ra thì trời đã sáng bảnh, mặt trời đã lên cao rực rỡ, ngoài vườn chim hót vang lừng.

Trời Xuân miền Bắc thì hay mưa, những cơn mưa bụi nhè nhẹ. Mưa bụi thì miền Nam không bao giờ có được, chỉ có những cơn mưa rào, mưa xối xả giữa trưa trời nắng. Nhưng mưa đêm thì thường dai dẳng hơn, và cũng có cảm giác nhẹ hơn, vì người đang nằm trong nhà đệm êm chăn ấm. 

Chút màu xanh trong "vườn" nhà


Mưa của Xuân hiểu với mưa của đêm Sài Gòn rõ là khác nhau, nhưng cái cảm giác ngủ ngon, khoan khoái, giấc ngủ đẫy mắt thì có lẽ vẫn cứ giống nhau. Sáng ra không khí vẫn còn ẩm ướt với cảm giác đặc trưng của khí trời sau những cơn mưa, khiến ta bỗng nhớ ra, ừ nhỉ, đêm rồi có mưa, mưa lớn đấy, chẳng rõ mấy cây hoa ngọc lan và hoa móng bò trong vườn nhà ta có còn được bông hoa nào trên cây, hay đã rụng cả rồi?

3/6/3013
Bổ sung bản dịch thứ hai của tôi

Sáng nay tôi lại dậy sớm, vẫn cảnh vườn nhà với những cánh Ngọc Lan rơi vương vãi. Lại nhớ đến bài Xuân hiểu, và tiếp tục muốn thử sức với một bản dịch thành thơ 5 chữ, sát với bản gốc hơn. Và đây là kết quả:

Một sớm mai xuân

Đêm xuân không biết sáng
Chim hót rộn nơi nơi
Trong đêm, mưa gió đến
Bao hoa rụng lá rơi.
-----
Khuyến mãi: Bài thơ Xuân hiểu và vài bản dịch.

孟浩然
春曉 


春眠不覺曉, 
處處聞啼鳥。
夜來風雨聲, 

花落知多少。

Xuân Hiểu
Xuân miên bất giác hiểu,
Xứ xứ văn đề điểu.
Dạ lai phong vũ thanh,
Hoa lạc tri đa thiểu ? 


-- Bản dịch của Tương Như --
BUỔI SỚM MÙA XUÂN
Giấc xuân, sáng chẳng biết ;
Khắp nơi chim ríu rít ;
Đêm nghe tiếng gió mưa ;
Hoa rụng nhiều hay ít? 


--Bản dịch của Trần Nhất Lang--
Say sưa trong giấc xuân nồng
Nơi nơi trời sáng vang lừng chim ca
Đêm qua có trận mưa sa
Ai hay đã mấy đóa hoa lìa cành.