Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Cuối tuần, lan man về những loài hoa trắng

Viết một chút gì đó về những loài hoa trắng là một điều tôi đã muốn làm lâu rồi, và lẽ ra đã làm nếu không quan tâm đến quá nhiều thứ như thế này.

Ít ra là cách đây vài tuần, tôi đã thực sự định viết về chủ đề này khi nhận được email của một người bạn, trước đó là đồng môn (cùng trường cùng khoa nhưng khác khóa) và sau này là đồng nghiệp, nay đang sinh sống ở nước ngoài. Trong email ấy, người bạn tôi có gửi cho tôi ít dòng về các loài hoa trắng mà bạn ấy thích. Rất giống ý thích của tôi.

Cao hứng, tôi hứa sẽ đăng bài ấy lên blog của mình, nhưng sẽ viết thêm một ít vào đấy, gọi là để dẫn nhập cũng được. Nhưng hứa rồi thì công việc đến tới tấp, rồi thì ... đi chơi với gia đình, nên chưa viết. Nay lại cuối tuần, giữ lời hứa với bạn, xin đăng bài ấy lên với chút phần thêm thắt của tôi.

Các bạn đọc bên dưới nhé.
--------
Chẳng hiểu vì đâu, từ nhỏ tôi đã rất thích những loài hoa trắng.

Không phải vì chúng đẹp, vì thực ra, các bông hoa màu trắng thường khá đơn sơ về hình thức. Chỉ là một lớp cánh mỏng, thường là 5, 6 cánh, trừ loài cúc vốn đã là loài hoa nhiều cánh. Nhưng bù vào đấy, thì những loài hoa trắng thường có hương thơm. Như bông Ngọc Lan mà nhà tôi cũng trồng, vào mùa mưa nở hoa thơm ngát, đi từ xa đã ngửi thấy mùi. Hình của nó tôi đã đưa lên rồi nhé, ai muốn biết xin tìm trong bài cũ, tựa: Chủ nhật, tản mạn về "lang thang", tôi nhớ thế. (Hi hi, quảng cáo bài viết cũ).

Hay như bông Trang trắng, cũng có trồng ở sân nhà tôi, thơm dìu dịu nhưng là thơm nhất trong những loài bông trang. Những loài khác (miền Bắc gọi là Mẫu Đơn thì phải, vì mẹ tôi vẫn gọi bông này là Mẫu Đơn, loài hoa trồng nhiều trong Sở thú?) có màu sắc thì đẹp hơn nhiều, thường gặp nhất là màu đỏ cam rực rỡ, sau này thấy có màu vàng rất đẹp, đôi khi có cả màu hồng phấn dễ thương, nhưng tất cả đều không có hương. Bông Trang trắng về sắc thì tầm thường, thậm chí còn hơi xấu vì khi bông héo, cánh hoa rụng dần thì trông cũ cũ, bẩn bẩn, nhưng mùi hương và mật ngọt thì thật quyến rũ. Nên sân nhà tôi lúc nào cũng ong bướm dìu dặt, là vì mấy cây hoa có hương (màu trắng) này đây. Không có sẵn hình vì cây khá cao, bông mọc trên ngọn, phải trèo lên lầu mới chụp được, hẹn các bạn khi khác post hình vậy.

Trước đây, sân nhà tôi còn có cây bông Nguyệt Quế mà hổi nhỏ ở nhà thì tôi thấy gọi là Ngâu tây (?), hương thơm sực nức, đặc biệt bông cũng nở dày vào mùa mưa. Ông xã tôi quý lắm, trồng lâu năm cây trở nên già, hạt rơi xuống đất là nảy mầm ngay, ông ấy lại ương, lại trồng thành chậu. Sau này nhà tôi có mua miếng đất làm nhà ở Gò Vấp, lại đem xuống trồng, cây lại ra hoa, lại trổ bông thơm ngát. Tiếc là khi xây lại nhà thì không giữ được cây, phải chặt mất, còn nhà ở Gò Vấp thì bán mất rồi, nên mất giống luôn. Lúc ấy chưa có cây Ngọc Lan, mà tìm chưa được cây Nguyệt Quế khác để trồng, nên khi tôi mua được cây Ngọc Lan (vì thích nó từ nhỏ) thì ông xã tôi đã trồng xuống và chăm sóc đến giờ, chắc được hơn chục năm nay rồi, thay thế cho cây Nguyệt Quế cũ vì sân không còn chỗ trồng nữa.

Vài loài hoa trắng khác có hương mà tôi biết gồm có hoa Dành Dành, có 5 cánh màu trắng đơn giản, lá xanh ngắt, rất thơm, nhưng mùi thơm này tôi không thích lắm dù có nhiều người thích. Hình của nó đây, chụp ở khu nhà nghỉ ở Côn Đảo mà tôi mới đi nghỉ mấy ngày (mới về hôm qua). Nói về hoa, nhưng hình thì khuyến mãi thêm người nhé, hi hi.


Một loài hoa trắng nữa mà tôi cũng biết, vì ngày xưa ở nhà bố tôi cũng mua về trồng. Tên của nó, theo như tôi được bố tôi cho biết, là, trời ơi, hoa Trà Mi đấy (mà ta vẫn biết trong câu thơ "Tiếc thay một đóa Trà Mi/Con ong đã tỏ ...). Tên gọi khác của nó là Hàm Siêu (?), cái này tôi nghe bố tôi nói thế thì biết thế. Loài hoa này không đẹp, màu trắng ngà, nhiều lớp cánh hơi giống như hoa Ngọc Lan nhưng cây thấp, lá xanh đậm, dày và bóng, cánh hoa ngắn và dày, hơi thô thô, không dài và mỏng mảnh, lả lướt như hoa Ngọc Lan.

Không đẹp, nhưng mùi thơm của loài hoa này thì thật khó tả, sực nức đến choáng váng mà lại rất quyến rũ, mà đặc biệt rất thơm vào ban đêm, mà chỉ thơm khi hoa còn hàm tiếu. Mùi thơm này khiến loài ong rất mê, và chúng cứ vờn quanh bông hoa suốt thôi, để cố vào hút nhụy. Một điều đặc biệt là khi bông hoa đã nở thì chẳng còn chút mùi thơm nào nữa, nó mất sạch như trước đó không hề có chút hương thơm nào. Khi nhà tôi có cây này (trước năm 75, bố tôi trồng trên sân thượng ở nhà, vì nhà phố không có đất) thì lúc ấy câu thơ "Con ong đã tỏ đường đi lối về" mới thực sự có ý nghĩa đối với tôi (lúc ấy tôi khoảng 13, 14 tuổi, nghe cô giáo dạy Văn giải thích nhưng cũng chưa rõ nghĩa, nhưng khi bố tôi mang cây hoa về thì tự nhiên hiểu, tại sao lại là "Tiếc thay một đóa Trà Mi"). Loài hoa này hình như hiếm thấy, nhưng gần đây khi lên Đà Lạt chơi (năm ngoái?) tôi lại có dịp nhìn thấy bông hoa này trong nhà nghỉ, tiếc là không chụp hình lại để lưu.

Và cuối cùng, rất nổi tiếng mà ai cũng biết, cũng màu trắng có hương thơm, là bông Lài (hoa Nhài, nếu gọi theo kiểu Bắc). Ai mà chẳng biết câu: Thoang thoảng hoa Nhài mà lại thơm lâu, phải không? Nếu không biết câu ấy thì cũng phải biết câu Như bông hoa Nhài cặm bãi cứt trâu, chắc thế rồi. Hoa này ngày xưa bố tôi cũng trồng, cây rất đẹp, là loại cây bụi xum xuê, lá màu xanh lá cây tươi hơi ngả sang vàng (không xanh xẫm như hoa dành dành hoặc hoa Trà Mi mà tôi mới tả ở trên). Ngày trước khi còn ở với gia đình mẹ tôi còn có nghề ướp trà bông Lài, nghề này là học lóm của mấy bà bạn hàng hồi sau năm 75, ngăn sông cấm chợ, thành một nghề nuôi sống gia đình tôi được nhiều năm khi bố tôi thất nghiệp.

Lúc ấy là đứa con lớn nhất trong nhà (tôi có chị, có anh nhưng đã ra nước ngoài sinh sống), tôi là cánh tay đắc lực của mẹ, luôn được sai ra khu Lê Hồng Phong để mua bông búp (còn nụ, chưa nở) về cho mẹ ướp trà. Cách làm như sau:  buổi tối trộn lẫn với trà mộc, đến khoảng 4 giờ sáng thì hoa nở bung, thơm ngào ngạt, các cánh trà khô hút hết chất ẩm của hoa khi nở vào, cọng trà buổi tối còn khô cong (càng khô càng tốt) thì đến lúc này trở nên mềm và nóng như mới được hấp chín. Lúc ấy, đem trà đi sấy trên khay nhôm với lửa than thật nhỏ, cả nhà như được ướp đẫm hương thơm. Thật là thích, tiếc là sau này công nghiệp hóa rồi, chẳng còn ai làm trà kiểu thủ công như thế nữa.

Những bông hoa trắng ngạt ngào hương thơm gắn liền với kỷ niệm ấu thơ của tôi. Nhưng không phải hoa trắng nào cũng có hương. Có nhiều loài không hương, nhưng sao tôi vẫn thấy đẹp, một vẻ đẹp đơn sơ, thanh khiết. Cũng có khi vẻ đẹp ấy gắn với màu áo dài trắng nữ sinh của bọn tôi chăng? Màu áo dài trắng một thời được ca ngợi, vào cả văn thơ, với 2 câu xuất sắc của nhà thơ Nguyên Sa, cũng là ông thầy dạy Triết tên Trần Bích Lan có dạy học ở Gia Long, đã tả tà áo trắng sân trường như thế này:

Chẳng biết mưa hay là nắng đây/Một đàn bướm trắng nhởn nhơ bay ...

Vâng, những bông hoa màu trắng mà tôi yêu. Tôi nghĩ, người bạn cùng yêu màu hoa trắng của tôi, giờ ở Mỹ, cũng sẽ đồng ý với tôi về lý do ấy: hoa trắng gợi cho chúng tôi màu áo trắng nữ sinh, ở tuổi hoa mộng nhất....

Và đây, tâm trạng của người bạn cùng yêu hoa trắng của tôi.. Và cả mấy dòng thư dễ thương nữa chứ.


Chị Phương Anh ơi,

Thấy chị nói đến hoa kiến cò trong bài viết trên blog, em muốn share với chị bài viết này của em nè, cũng nhắc đến hoa kiến cò và dược tính của nó :-) 

Bên em mùa này trời hết lạnh, hết tuyết nên em đi bộ một ngày hai lần: sáng, tối. Có dịp hít thở không khí và nhìn ngắm cỏ cây hoa lá. Em vừa đi vừa nghĩ tới ba em ở Saigon cũng đi bộ mỗi ngày hai lần mà tội nghiệp cho ông: lề đường không có để đi, không khí ngột ngạt, nóng bức, bụi bặm, xe cộ ồn ào, đông đúc. Càng nghĩ càng buồn cho Saigon!
-----------

Ngẫu nhiên mà mình có kỷ niệm với vài loài hoa trắng:
Cúc trắng: một trong những loài hoa được chưng trong nhà từ thuở còn hàn vi, đi chợ 5 đồng thì 3 đồng mua thịt cá, 1 đồng mua rau và 1 đồng mua cúc trắng

Hoa tuyết: thời đó trên TV chiếu đi chiếu lại bộ phim 12 Vị Thần Tháng (LX), mình cứ thắc mắc tự hỏi không biết thật sự trên đời có hoa tuyết không?  Bây giờ nhờ Google mới thấy biết bao nhiêu hình ảnh của hoa tuyết, nói đúng hơn là hoa mọc trong tuyết(?) dù đó mới chỉ là search bằng tiếng Việt.  Cám ơn Google.


Hoa nhung tuyết (edelweiss): Xem phim The Sound of Music hàng trăm lần, lần nào cũng xúc động trước hai cảnh có bài hát Edelweiss:
- lần đầu tiên sau khi vợ chết, Captain von Trapp (Christopher Plummercầm lại cây đàn guitar khảy lên khúc nhạc, và cảm thấy trái tim lâu nay đóng kín vì đau khổ bỗng vỡ òa ra, vừa đón nhận, vừa san sẻ tình thương yêu với những người thân quanh mình.
- cả nhà Captain von Trapp hợp ca bài này trên sân khấu trước khi tìm đường 'vượt biên' khỏi nước Áo lúc đó đang bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. 
Bây giờ Google mới biết edelweiss, aka hoa nhung tuyết, nhìn ra sao (hơi thất vọng vì trông nó không đẹp  như mình tưởng tượng) nhưng quả thật ít có loài hoa nào có được một chỗ đứng đặc biệt như vậy trong âm nhạc, điện ảnh và cả trên nhiều lĩnh vực quan yếu khác.
...
Small and white
Clean and bright
You look happy to meet me
Blossom of snow may you bloom and grow
Bloom and grow forever
Edelweiss, edelweiss
Bless my homeland forever


Bạch Hạc Lan/lan hạc trắng/egret orchid: chưa tìm được lời để mô tả vẻ đẹp của loài hoa này, chỉ biết có thể nó xuất xứ từ Nhật (còn bao nhiêu thứ/điều tuyệt vời khác đến từ đất nước này mà mình chưa biết nhỉ?!?) 


Ông Ngoại nói ở Việt Nam có cây kiến cò cũng có hình dáng như loại lan này, lại có nhiều dược tính quý, có điều cây mọc dại ở chốn hương đồng cỏ nội nên không mấy ai để ý đến giá trị và vẻ độc đáo trong hình dáng của hoa, ngoại trừ (có thể là) người đầu tiên đặt tên cho loại cây này.  Mình thiệt phục Ba mình quá, sao chuyện gì ông cũng biết.

Cuối cùng, xin gửi đến các bạn vài bông hoa trắng khác, trong đó có cả những loài mà tôi chẳng biết tên nhưng vẫn rất yêu. Thôi cũng không cần có tên, và xin gọi chung, đơn giản chỉ là: Hoa trắng. Như trong bài Cành hoa trắng của Phạm Duy mà tôi đã học ngày học trung học đệ nhất cấp (cấp 2) ở trường Gia Long: Một bầy chim tóc trắng/bay về qua trần gian ...
Dây leo gì chẳng biết, hoa trắng tinh khiết nở giữa đám lá xanh

Bông Sứ, miền Bắc gọi là Hoa Đại, có hương thơm, hay trồng ở các ngôi chùa

Màu trắng tinh khiết vẫn cứ nổi bật trên đám hoa cỏ đủ màu
Bông Mai Chiếu Thủy, theo như tôi biết. Một loài hoa trắng có hương rất thơm.
Một người bạn thời đại học của tôi cho biết, đây là Cỏ Thỏ, vì được dùng để cho thỏ ăn.
Thời ấy của chúng tôi, ai cũng phải nuôi heo, nuôi thỏ, nuôi gà ...

Một loài cây mọc ở bãi cát ven biển, cũng nở hoa màu trắng nhỏ nhắn, xinh xinh

 Vâng, đã xa lắm rồi, nhưng chắc chắn ai trong bọn chúng tôi cũng vẫn yêu màu trắng ...

8 nhận xét:

  1. Nhặt của chị PA cái tem ngày chủ nhật.Chủ đề hôm nay của chị rất hay.Từ lâu tôi đã muốn viết ít dòng về hoa tuyết.Không biết Việt nam có không,nhưng nó loài hoa báo hiệu mùa xuân ở châu âu,tuyệt đẹp và đáng yêu nhưng rất tiếc khi sống chung với nó thì mình không chăm chút lắm,nay xa rồi mới thấy tiếc ngẫn ngơ.Sẽ gửi chị khi tôi viết về nó.chúc chị vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Xuân Lộc ghé nhà, giựt tem. Rất mong sớm được đọc bài viết về Hoa Tuyết trắng của anh.

      Xóa
    2. Mình ở Vn không biết hoa tuyết như thê nào. Nhưng nói đến hoa tuyết làm mình nhớ đến film "12 vi thần tháng" mà mình rất thích xem khi còn bé xíu. Trong film, hoa tuyết mà vị thần tháng 4 hoá phép tặng cho cô gái thật là đẹp. Mình không biết hoa tuyết ấy có thật hay không? Nay bạn nói mình mới biết là có thật. Vậy bạn sớm viết về loài hoa này nhé( nhớ kèm theo ảnh). Mong lắm.

      Xóa
  2. Phép thuật hoa bọt tuyết
    Một chiếc xe bằng bạc được đàn chim hót líu lo kéo bay ngang qua bầu trời. Trong xe là nàng thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần. Nàng có mái tóc vàng tết hai bím và đôi mắt xanh tuyệt đẹp. Đó là nàng Mùa Xuân.
    Cuối cùng, họ bay đến một ngôi làng. Ở đó đang có cơn bão khủng khiếp. Mùa đông rất khắc nghiệt và tàn nhẫn. Mọi người đều trốn trong nhà, còn những người không có nhà thì run rẩy vì lạnh trong tuyết.
    Đó thật là một quang cảnh rất đau buồn. Nàng Xuân có trái tim nhân hậu bật khóc. Nàng khóc rất lâu, rất lâu. Nước mắt của nàng tuôn trào như những viên ngọc to lớn trên khuôn mặt nàng, đôi mắt xanh biếc của nàng sáng lấp lánh như hai ngôi sao. Nàng không hề biết những gì đang xảy ra dưới chân …
    Đột nhiên, nàng ngừng khóc. Nàng trấn tĩnh lại, như thể cạn khô hết cả nước mắt. Nàng nhìn xuống và trông thấy gì này! Nước mắt của nàng đã biến thành những bông hoa giọt tuyết trắng tinh. Cả một cánh đồng toàn hoa giọt tuyết. Bà Mùa đông cũng nhìn thấy và bất lực. Bà rời đi …
    - Nhà ngươi đã thắng ta rồi, hỡi Mùa xuân! Ta không thể chống cự lại được ma lực của hoa giọt tuyết … Bây giờ ta đi, nhưng một ngày nào đó chúng ta sẽ lại gặp nhau – Mùa đông nói, nhưng không phải với ác ý.
    Và bà ra đi.
    Khi đó, từ các ngôi nhà bọn trẻ con lũ lượt kéo ra và kêu lên:
    - Hoa giọt tuyết! Hãy xem này! Mùa xuân đã đến rồi!
    Mùa xuân thổi đến làn gió ấm áp dễ chịu. Các loài hoa và cây cỏ khác cũng nở rộ. Mùa xuân thực sự đã đến và những đứa trẻ rất vui sướng

    Góp với chị vài dòng lượm được từ trang web của Lưu học sinh Bulgaria,có mấy cái ảnh hoa rất đẹp mà không biết gửi cho chị bằng cách nào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh gửi vào email vtpanh@gmail.com được không? Cám ơn anh Xuân Lộc trước nhé.

      Xóa
    2. Cám ơn mrxuanloc! Mình có thêm một câu chuyện hay về hoa tuyết. Thank you again!

      Xóa
  3. Đăng lại comment của bạn bè bên facebook:

    - CongBinh Tran: Hoa Dành Dành còn gọi là hoa Ngọc Anh. Còn 1 loài hoa trắng rất thông dụng trong việc thờ cúng, rất quen mà dễ quên là hoa Huệ đó chị.

    - Dieu Van Ho: Chị Vu Thi Phuong Anh

    Cây "cỏ thỏ" hoa trắng hồi nhỏ tụi em ở Đà lạt kêu là cỏ gai, vì khi bông trắng tàn thì còn lại nhuỵ có "gai" không chích đau ngưng mình đi ngang qua là nó bám dính vô quần áo, về nhà phải ngồi rứt gai ra.

    Khi nào bị đau răng hay bị con gì chích đau, nhức, thì bứt cái nụ cỏ này, nhai sơ (mum mum) rồi đắp lên chỗ bị đau, giảm đau lắm. Khi mình mum nó trong miệng cũng sẽ thấy lưỡi tê tê.

    Trả lờiXóa
  4. Chẳng thơm cũng thể hoa Nhài,
    Chẳng thanh lịch cũng là người Tràng An.
    Lối viết nhẹ nhàng dí dỏm của PA là một phần của sự thanh lịch còn sót lại của người Hà Nội 54. Giờ thì tuyền là hoa cứt lợn, mà nếu có mùi thì quả là mùi kinh dị.

    Trả lờiXóa