Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Trên những cành bàng

Đối với tôi, cây bàng luôn là một loại cây rất thân thương, ngay từ thời còn bé. Dù thực sự mãi đến năm ba mươi mấy tuổi tôi mới thực sự nhìn thấy cây bàng.

Có lẽ cũng chẳng có gì lạ. Ngay từ thời tiểu học, tôi đã được đọc - có lẽ trong môn Tập đọc? - bài văn của Nhất Linh với tựa Nhặt lá bàng. Văn tả cảnh của Nhất Linh thì bạn biết rồi đấy, cảnh tượng đẹp và thơ mộng, còn lời văn thì gọn gàng sáng sủa. Lúc ấy, chưa hề biết cây bàng là cây gì nhưng trong trí tưởng tượng của tôi nó là một loài cây đẹp đẽ, có ích cho con người: cho bóng mát vào những buổi trưa hè, và cho lá rụng vào mùa đông để những đứa trẻ nhà nghèo như hai đứa bé trong Nhặt lá bàng có thể nhặt về đốt để sưởi ấm.

Đến bây giờ  tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác của tôi khi đọc bài Nhặt lá bàng. Tôi như cảm nhận được sự vui mừng cuống quýt của hai đứa trẻ mỗi khi có gió to, lá rụng tơi bời, bọn chúng chạy lăng xăng tay nhặt tay ôm, miệng xuýt xoa, "ôi, lá nhiều quá!" Rồi gió ngưng, hai đứa bé lại ngóng trông cho có gió để lá lại rơi, chúng lại nhặt .... Tôi thấy mình cũng như muốn kêu lên cùng tác giả và hai đứa bé: "Gió lên! Lạy trời gió lên!", và tưởng tượng ra những làn gió mát rượi, như những cơn gió tôi vẫn biết ở phương Nam ấm áp, rất hào sảng và phóng khoáng như chính người miền Nam. Lúc ấy tôi vẫn hoàn toàn chưa hình dung ra được những mùa đông rét mướt thê lương của Hà Nội, của miền Bắc với bầu trời xám xịt và mưa phùn rả rích, cái lạnh nhức buốt da thịt và thấu đến tận xương khiến cho những người lớn tuổi đa số đều bị phong thấp, đau mình nhức mảy mỗi khi trái gió trở trời....

Cây bàng thân thuộc ấy không chỉ có mặt trong bài Nhặt lá bàng của Nhất Linh, mà còn có mặt trong một bài thơ của Nguyễn Bính, bài Cây bàng cuối thu. Một trong những bài thơ tả cảnh, và rồi tức cảnh sinh tình, mà tôi cho là xuất sắc nhất của nhà thơ chuyên sáng tác thơ lục bát này. Theo trí nhớ của tôi, bài ấy như sau:

Thu đi trên những cành bàng
Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi
Hôm qua đã rụng một rồi
Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn
Hôm nay bởi thấy tôi buồn
Lìa cành theo gió lá luồn qua song
Hai tay ôm lá vào lòng
Than ôi chiếc lá cuối cùng là đây!

Hay quá, phải không các bạn? Cũng vậy, khi biết bài thơ ấy, có lẽ là lúc đã lên lớp 6, lớp 7 gì đó, tôi vẫn chưa hình dung ra được cây bàng là như thế nào. Thực ra thì cũng đã được mẹ tôi tả: cây to cao, tán rộng có bóng mát, lá màu xanh to như bàn tay, có trái màu vàng ăn được, hạt có nhân màu trắng có dầu, trẻ con hay đập ra để ăn, vị béo béo .... Riêng về khoản trái bàng, hạt bàng thì tôi rất tự tin, cho rằng mình đã biết rõ. Vì từ hồi tiểu học, tôi đã biết đến một loại bánh gọi là bánh bàng, màu vàng to cỡ một nắm tay, hình oval, một loại bánh nướng làm bằng bột mì (chắc thế?) đã được làm cho nở xốp, tương tự bánh bông lang (bông lan?) nướng nhưng khô hơn và không ngon bằng, có lẽ vì không có hoặc có ít trứng và chắc là không có sữa ở trong.

Loại bánh này mẹ tôi hay bảo tôi đi mua cho các em ăn vào buổi xế, cỡ 3, 4 giờ chiều, bọn trẻ con ngủ dậy thì đói mà bữa cơm tối thì phải đến sau 6 giờ mới có. Hỏi tại sao gọi nó là bánh bàng thì mẹ tôi nói, hình thù và màu sắc của nó rất giống quả bàng thật, nên tôi tự cho rằng mình đã biết quả bàng nó là như thế nào rồi. Ngọt, lành, không quá hấp dẫn nhưng cũng đủ để bọn trẻ háu ăn reo la mừng rỡ khi được chia cho mỗi đứa được nguyên một cái (bánh này không bẻ ra chia được, vì nó xốp và mềm, bẻ ra thì vụn hết).

Còn hạt bàng ư, tuy ở SG lúc ấy có lẽ chẳng có cây bàng nào, nhưng cái trò ăn hột của trái cây thì bọn tôi đâu có lạ. Hồi ấy còn có quả trám (quả ô mai) muối đen, ngọt ngọt mặn mặn mà bọn trẻ con rất thích ăn, ăn hết thì còn cái hột cứng, bọn trẻ háu đói bèn hì hục lấy búa hoặc đơn giản hơn là nhặt cục đá mà đập ra lấy nhân màu trắng rồi ăn tiếp, lấy làm thích thú lắm. Mà chẳng hiểu vì sao bọn trẻ con lúc ấy háu đói thế không biết, tôi cũng thế, hình như lúc nào cũng đói, cũng thèm ăn, và cho chúng ăn thả cửa thì đúng là thủng nồi trôi rế như mẹ tôi hay nói.

Thân thương như vậy đó, nhưng thực ra đối với tôi lúc ấy cây bàng là một loài cây miền Bắc mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ được thấy tận mắt. Miền Bắc, đối với tôi lúc ấy có lẽ nó cũng xa xôi như Việt Nam trong đầu các cháu Việt kiều nhỏ tuổi như các con tôi hoặc nhỏ hơn, nghe bố mẹ nhắc đến thường xuyên nên thấy thân thương lắm, nhưng vẫn mơ hồ không rõ hình thù, và xa xôi vạn dặm, quen mà lạ, cũng chỉ như trong các câu chuyện cổ tích mà thôi. Không ai có thể nghĩ rằng chỉ đến lúc tôi 15 tuổi thôi thì miền Bắc đã không còn là một cái gì xa xôi trong ký ức nữa, mà là một thực tế hiển hiện sờ sờ trong đời sống hàng ngày của mọi người. Còn cây bàng, thì mãi đến đầu thập niên 90, có lẽ thế, khi còn ở trường ĐHKHXH-NV, tôi mới có dịp tận mắt thấy cây bàng khi nó được trồng ngay trong sân trường. Thấy, và thất vọng, vì nó quá xấu so với những gì mà tôi tưởng tượng.

(phải dừng ở đây để đi làm thôi, tối về viết tiếp nếu có thời gian).

1 nhận xét:

  1. Có bài hát thiếu nhi vê "cây bàng"đây, mình mở mãi nó không chịu hát ( hình như đòi đóng tiền): http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/cay-bang-truoc-ngo-hong-ngoc.dr7rwSkBdzC1.html
    tác giả là Hàn Ngọc Bích, ông thầy dạy nhạc cho mình năm 1968, giờ cũng hưu rồi... Hồi ấy nhạc vui vẻ quá mức, thiếu vẻ đẹp buồn như của Nguyễn Bính... Đọc ký ức PA mình nhớ như điên cái tuổi bé dưới bóng bàng. Mình là người hoài cố đẳng cấp cao, "懷 古 huai gu" (này nhá, dạy học thì toàn nghiên cứu và dạy cái cổ xưa, hàng ngày thì "giang nam mộng lẫn vào giang Bắc"... PA thử chiết tự hai chữ "huai gu" mà xem, ghê lắm....

    Trả lờiXóa