Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Mười điều ngộ nhận về chủ nghĩa Mác (2): Mác chỉ đúng trên lý thuyết?

Bài viết này tiếp tục loạt bài mà tôi đã bắt đầu từ đầu tháng 2 năm nay. Như cái tựa chung của loạt bài này cho thấy, loạt bài này sẽ gồm tất cả là 10 bài, nếu mỗi bài chỉ nêu một điều ngộ nhận, và nếu không có những bài viết thêm để bàn bạc quanh 10 điều ngộ nhận đó. Bài này là bài thứ 2 trong loạt bài ấy. Để liền ý, có thể đọc bài 1 ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/02/muoi-ieu-ngo-nhan-ve-chu-nghia-mac-1.html. Đồng thời, ai cần kiểm tra lại bản gốc tiếng Anh xin đọc ở đây (bản download từ trên mạng và lưu trong google drive của tôi): https://docs.google.com/file/d/0B23GcuCxvQVBZDdMcE5rSjV4cW8/edit?usp=sharing.

Trong bài này tôi sẽ tiếp tục bằng cách dịch phần tóm tắt chương hai của Terry Eagleton cùng một vài phần trích dẫn đáng chú ý trong chương này, sau đó đưa ra những nhận xét cùng thắc mắc của tôi về những vấn đề được đặt ra.

Phần tóm tắt của Terry Eagleton cho chương hai của cuốn sách như sau:

Marxism may be all very well in theory. Whenever it has been put into practice, however, the result has been terror, tyranny and mass murder on an inconceivable scale. Marxism might look like a good idea to well-heeled Western academics who can take freedom and democracy for granted. For millions of ordinary men and women, it has meant famine, hardship, torture, forced labour, a broken economy and a monstrously oppressive state. Those who continue to support the theory despite all this are either obtuse, self-deceived or morally contemptible. Socialism means lack of freedom; it also means a lack of material goods, since this is bound to be the result of abolishing markets.

Chủ nghĩa Mác có thể rất ổn trên lý thuyết. Tuy nhiên khi áp dụng chủ nghĩa Mác vào thực tiễn thì kết quả chỉ là khủng bố, bạo ngược và giết người hàng loạt trên một quy mô mà không ai có thể hình dung. Các học giả phương Tây vốn có cuộc sống thoải mái và xem tự do dân chủ là lẽ đương nhiên thì có thể thấy chủ nghĩa Mác là một ý tưởng hay ho. Nhưng đối với những người thường thì chủ nghĩa này chỉ đồng nghĩa với nạn đói, đời sống khó khăn, bị tra tấn, lao động cưỡng bức, nền kinh tế đổ vỡ, và nhà nước áp bức đến mức tàn bạo. Những ai vẫn tiếp tục ủng hộ lý thuyết này bất chấp mọi việc đã xảy ra thì hằn phải là kẻ ngu đần, hoặc tự dối mình, hoặc là những kẻ vô đạo đức. Chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với việc mất tự do, mà cũng thiếu thốn cả hàng hóa vật chất nữa, vì điều ấy là hệ quả tất yếu của việc xóa bỏ thị trường [vì CNCS không chấp nhận thị trường - chú thích của người dịch]. 

(Ghi chú: Phần màu đỏ ở trên là phần mới sửa lại, again, theo góp ý của bạn Tú Đoàn. Cám ơn anh TĐ nhiều lắm!)

Nghe quen quen, phải không các bạn. Đúng là quan điểm phổ biến về CNXH của các nước tư bản phương Tây. Nhưng, nếu bạn còn nhớ, thì theo Terry Eagleton, đây chỉ là một trong nhiều điều ngộ nhận về chủ nghĩa Mác. Vậy, theo tác giả thì như thế nào mới là đúng? Chúng ta hãy theo dõi những lập luận mà tác giả đã đưa ra để phản bác ngộ nhận nêu trên nhé.

Trước hết, theo tác giả thì chủ nghĩa Mác không hề độc quyền trong những vấn đề như giết chóc,nạn đói, hoặc đàn áp, bạo lực. Chủ nghĩa tư bản - ít ra trong thời gian đầu - cũng đầy những ví dụ về bạo lực, áp bức, đói nghèo vv chứ không hề kém CNXH chút nào. Chủ nghĩa phát-xít, vốn ra đời trong lòng xã hội tư bản, và hoàn toàn không phải là CNCS, là một ví dụ cho thấy đâu chỉ có CNCS mới "khát máu" như người ta thường nói. Ngược lại, chính CNCS, mà lúc bấy giờ được Liên Xô (cũ) đại diện, đã cùng đồng minh đập tan chủ nghĩa phát-xít để cứu nguy cho nhân loại cơ mà.

Ngoài ra, nếu nói rằng CNTB có những thành tựu lớn, thì thực ra CNXH cũng có những thành tựu không nhỏ của nó. Ít ra, nó đã đưa hai đất nước khổng lồ nhưng nghèo nàn, lạc hậu là TQ và Liên Xô (cũ) thoát khỏi nạn đói và sự lạc hậu, chậm tiến để thực sự đặt chân vào thế giới hiện đại. Cho nên không thể nói đói nghèo, lạc hậu và bạo lực là sản phẩm của CNXH được.

Nhưng đó chỉ là lập luận phụ. Lập luận chính của Eagleton là thực ra Mác không phải là tác giả của những tư tưởng đã được áp dụng trong thực tế của các quốc gia XHCN (well, đúng hơn là CSCN), vì vậy bắt Mác phải chịu trách nhiệm về cái thực tiễn không lấy gì làm sáng sủa ở các quốc gia này rõ ràng là một điều ngộ nhận. Xin xem đoạn trích dưới đây:

Marx himself never imagined that socialism could be achieved in impoverished conditions. Such a project would require almost as bizarre a loop in time as inventing the Internet in the Middle Ages. Nor did any Marxist thinker until Stalin imagine that this was possible, including Lenin, Trotsky and the rest of the Bolshevik leadership. You cannot reorganise wealth for the benefit of all if there is precious little wealth to reorganise. You cannot abolish social classes in conditions of scarcity, since conflicts over a material surplus too meagre to meet everyone’s needs will simply revive them again. As Marx comments in The German Ideology, the result of a revolution in such conditions is that ‘‘the old filthy business’’ (or in less tasteful translation, ‘‘the same old crap’’) will simply reappear. All you will get is socialised scarcity. If you need to accumulate capital more or less from scratch, then the most effective way of doing so, however brutal, is through the profit motive. Avid self-interest is likely to pile up wealth with remarkable speed, though.


Chính bản thân Mác chưa bao giờ tưởng tượng rằng người ta lại có thể áp dụng chủ nghĩa xã hội vào những hoàn cảnh đói nghèo như thế. Để làm được điều đó thì cần phải kéo lui lại một thời gian trong tương lai, tương tự như sáng chế ra Internet trong thời Trung cổ vậy. Và các nhà tư tưởng theo chủ nghĩa Mác-xít trước Stalin cũng chưa bao giờ tưởng tượng rằng người ta có thể làm được điều ấy, cả Lênin. Trosky, và các vị lãnh đạo Bolshevik cũng nghĩ như vậy. Rõ ràng ta không thể tổ chức lại của cải trong xã hội vì lợi ích của mọi người nếu như thực ra chẳng có mấy của cải để mà tái tổ chức. Ta cũng không thể phá bỏ các giai cấp xã hội trong những điều kiện thiếu thốn, vì như thế phần thặng dư vật chất quá ít ỏi để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người sẽ lại tiếp tục tạo ra những xung đột [như trong xã hội tư bản - chú thích của người dịch]. Như chính Mác đã phát biểu trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, kết quả của một cuộc cách mạng trong những điều kiện như vậy chỉ làm cho "những rác rưởi của xã hội cũ" tái xuất hiện mà thôi. Kết quả đạt được chỉ có thể là sự thiếu thốn trên toàn xã hội. Nếu chúng ta cần tích lũy tư bản từ con số không, thì cách làm hiệu quả nhất, cho dù điều đó man rợ đến mức nào đi chăng nữa, là thông qua động cơ lợi nhuận. Và sự thèm khát tư lợi sẽ dễ dàng giúp tích lũy của cải một cách nhanh chóng nhất. 

(Chú thích: Bản dịch cũ dịch nhầm Stalin (in đậm ở trên) thành Lê nin. Sửa lại theo góp ý của bạn Tú Đoàn.)

Quả thật, theo tôi đoạn trích dẫn là vô cùng quan trọng. Nếu Terry Eagleton đúng (và có vẻ đây là quan điểm của các nhà lý luận cũng như các chính trị gia chính thống của VN, như Hoàng Hữu Phước, đại biểu quốc hội, người đầu tiên nhắc đến tác phẩm Why Marx was right tại VN, ví dụ như ở đây: http://hoanghuuphuocvietnam.blog.com/?p=75; hoặc nhóm Giao điểm ở Mỹ, một nhóm với quan điểm chống Công giáo cực đoan và thân Cộng rõ ràng, thường được các báo chí chính thống trong nước trích đăng lại) thì chúng ta thực sự cần xem xét và đánh giá lại tính sáng suốt của sự lựa chọn của chúng ta khi quyết định "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội" trong tình trạng đất nước còn rất nghèo và lạc hậu. Và nếu đây là sai lầm (theo Eagleton thì có lẽ Mác sẽ nghĩ như thế) thì ai phải chịu trách nhiệm về lựa chọn sai lầm ấy, cũng như phải làm gì để sửa chữa những sai lầm này, đó là điều mà tất cả chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ.

Thực ra, chưa cần ai nói thì điều này cũng đã được Đảng CSVN xem xét lại từ cuối thập niên 1980 rồi, nên mới có "đổi mới (kinh tế)" và những phát triển ngoạn mục mà chúng ta đã biết hiện nay. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ vấn đề này không chỉ cần xem xét dưới góc độ chính sách (đó là công việc của những nhà chính trị) mà còn cần xem xét dưới góc độ khoa học, là việc mà tôi đang cố gắng làm, nếu chúng ta thực sự xem mình là đồ đệ của chủ nghĩa Mác.

Và một khi đã hiểu đúng, thì tôi nghĩ ít ra chúng ta cũng cần sửa đổi lại các giáo trình dạy triết học Mác-Lênin của Việt Nam, và cần phân biệt rõ ràng đâu là tư tưởng của Mác, đâu là tư tưởng của Lênin, và đâu là sự "sáng tạo" của những người sau như Stalin, Mao, hoặc các nhân vật khác có hoặc không có tên tuổi trong lịch sử. Điều này sẽ các sinh viên của chúng ta không còn tình trạng lơ mơ như hiện nay, vì tôi biết chúng ta tốn rất nhiều thời gian để dạy và học triết Mác-Lênin, nhưng sự hiểu biết về Mác của sinh viên Việt Nam so với phương tây thì có lẽ chỉ là một con số không to tướng. Ngay cả một người giỏi tiếng Anh, trí thức, đại biểu quốc hội, doanh nhân thành đạt vv như ông HHP mà còn nhầm lẫn như thế, thì làm sao có thể hy vọng gì hơn đối với các sinh viên VN, vốn xem môn Triết như một môn học thuộc lòng để trả nợ cho qua?

(còn tiếp)

6 nhận xét:

  1. (trích:”vì vậy bắt Mác phải chịu trách nhiệm về cái thực tiễn không lấy gì làm sáng sủa ở các quốc gia này rõ ràng là một điều ngộ nhận.”). Chính các đảng và nhà nước cs, qua việc sùng bái, đưa cả tư tưởng Marx vào hiến pháp làm công cụ trấn áp, đã làm ô danh chủ nghĩa Marx và cá nhân Marx, khiến nhiều người ghét/ căm thù và sỉ vả Marx . Những nhà tư tưởng lớn khác có tác phâm góp phần làm thay dổi thế giới không phải chịu nỗi đau này. Như Adam Smith, người được xem là cha đẻ của tư tưởng “kinh tế tự do” mà các nước “ tư bản” áp dụng (ở các mức độ khác nhau); ở những nước này, chính quyền không (và không bắt xã hội) “tôn thờ” Adam Smith và nhân danh Adam Smith để điều hành đất nước nên dù nhiều người bất bình với nền kinh tế tự do (tư bản theo cách gọi của phe xhcn) nhưng Adam Smith không bị căm ghét, “kết tội” ( như Marx bị).
    ( chuyện phụ nhỏ: chỗ này “Và các nhà tư tưởng theo chủ nghĩa Mác-xít trước Lênin….” , Phải là Stalin chứ cô PA.)
    Tú Đoàn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Tú Đoàn về nhận xét rất hay, và về vụ bắt lỗi, hi hi. Đã sửa lại, anh xem trong bài nhé.

      Xóa
    2. Xin góp ý thêm về câu dịch này nữa: “ since this is bound to be the result of abolishing markets=vì khi ấy người ta chắc chắn sẽ xóa bỏ thị trường.” Chữ “khi ấy” trong câu dịch khiến người đọc hiểu là khi hàng hóa khan hiếm thì người ta sẽ xóa bỏ thị trường. Theo tôi, câu này nên hiểu là: vì việc này ( việc thiếu thốn hàng hóa) là hậu quả tất nhiên của việc xóa bỏ thị trường. ( nếu hiểu không đúng thì cô PA cũng cho biết nhé.)
      Tú Đoàn.

      Xóa
    3. Cám ơn anh Tú Đoàn; góp ý thật là đúng quá. Tôi hiểu đúng như anh, chỉ là tiếng Việt tôi diễn đạt không rõ thôi. Khi dùng "khi ấy" là tôi muốn nói "khi một quốc gia theo CNXH", chứ không phải là "khi thiếu thốn hàng hóa". Tôi sẽ sửa lại cho rõ ý của mình hơn.

      Xóa
  2. Cám ơn cô PA đã bỏ công sức viết bài này và cám ơn anh Tú Đoàn đã đọc kỹ để đưa ra các nhận xét/góp ý chính xác và hay.

    Trả lờiXóa
  3. Trích từ Wikipedia:
    +Henry George (1839–1897), người cùng thời với Marx, tuyên bố rằng nếu các ý tưởng của Marx được thử nghiệm, sự trấn áp chính trị sẽ là kết quả không thể tránh khỏi.
    +Nhà triết học cánh tả Peter Singer, trong cuốn sách Một người Darwin cánh Tả, đã đặt nghi vấn quan điểm Marxist về bản chất con người là rất dễ thay đổi.
    +Nhà khoa học Lionel Tiger cũng đã trình bày lý lẽ chống lại quan điểm Marxist về bản chất con người. Lionel Tiger cho rằng những tuyên bố Marxist đã không thể loại bỏ và trao quyền lực cho giai cấp vô sản bởi chủ nghĩa xã hội Marxist không nhận ra rằng bởi con người đã được thừa hưởng khuynh hướng cạnh tranh và chuyên chế từ những tổ tiên thời nguyên thuỷ của mình trong một hệ thống "kiểm tra và cân bằng" và những hạn chế với việc cá nhân giành lấy quyền lực và tài sản là cần thiết để duy trì một xã hội xã hội chủ nghĩa quân bình.
    +Sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin và của Liên bang Xô viết. John Maynard Keynes coi chủ nghĩa Marx là một học thuyết phi lô gíc và gọi cuốn Das Kapital là "một cuốn sách lỗi thời mà tôi biết không chỉ có nhiều lỗi về mặt khoa học mà còn không được quan tâm hay có thể áp dụng vào thế giới hiện đại.

    Trả lờiXóa