Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Con gái, con trai (Alice Munro, PA dịch): Kỳ 7 (tiếp theo và hết)

Đọc các kỳ 1, 2, 3, 4, 5, 6 trong các entry trước trên blog này.

------------


Khi tôi trở về nhà, mẹ tôi hỏi, "Nãy giờ ồn ào gì thế?" Tôi trả lời rằng con Flora đã hất cái hàng rào và chạy đi mất rồi. “Tội nghiệp cha mày,” mẹ tôi nói, “giờ thì ông ấy lại phải chạy khắp vùng để đuổi bắt con ngựa ấy”. Thế là không hy vọng được ăn trưa trước 1 giờ rồi. Mẹ tôi đặt chiếc bàn ủi lên bàn. Tôi muốn kể sự thật cho mẹ tôi nghe, nhưng nghĩ sao lại thôi, và tôi đi lên lầu ngồi trên giường ngủ của mình.



Gần đây tôi đã cố gắng sửa sang bài trí cái góc riêng của tôi trong phòng để làm cho nó đẹp đẽ ưa nhìn hơn.Tôi sửa tấm màn cửa bằng ren cũ thành khăn trải giường, tự sửa cho mình một cái bàn trang điểm và còn tận dụng miếng vải cretone bọc nệm còn thừa để may cho mình một chiếc váy. Tôi còn dự định sẽ tạo ra một đường phân cách giữa giường của tôi và của Laird, để giữ cho phần của tôi được tách biệt. Trong ánh nắng, những tấm màn treo cửa bằng ren trông chỉ như những miếng giẻ rách bụi bặm. Chúng tôi không còn hát vào ban đêm như trước đây nữa. Lần đó tôi cất tiếng hát khi nằm trên giường trước khi ngủ như lúc chúng tôi  còn bé thì thằng Laird bỗng nhận xét, "Chị hát nghe ngớ ngẩn lắm,” và mặc dù hôm ấy tôi vẫn hát tiếp như không có gì xảy ra, nhưng những đêm sau tôi đã thôi không hát nữa. Mà thực ra cũng không còn cần thiết: chúng tôi đã không còn sợ bóng tối. Chúng tôi biết ở phía bên kia chỉ là những bàn ghế cũ, những đống giẻ và những thứ lộn xộn khác. Tôi vẫn giữ thói quen thức  và tự kể chuyện cho mình sau khi thằng Laird đã ngủ say, nhưng ngay cả trong những câu chuyện đó mọi thứ bây giờ cũng đã khác, có những điều kỳ lạ, bí ẩn đã diễn ra khác với thời xưa. Những câu  chuyện ấy có thể bắt đầu giống như trước đây, cũng có những điều hiểm nguy kỳ thú,  những đám cháy hoặc động vật hoang dã; nhưng rồi sau đó mọi vật bỗng thay đổi, và thay vì tôi là một vị anh hùng cứu người như ngày xưa thì tôi lại trở thành người được giải cứu. Người cứu vớt tôi có thể là một thằng bé học cùng lớp với tôi ở trường,  hoặc thậm chí là ông Campbell , thầy giáo của chúng tôi , người có thói quen cù léc các cô học trò của mình ở dưới cánh tay. Và đến lúc ấy thì tự nhiên câu chuyện lại có liên quan đến diện mạo của tôi – tóc tai thế nào, quần áo ra sao, và đến lúc tôi đã hình dung ra mọi chi  tiết về diện mạo của mình thì câu chuyện cũng mất hết sự hồi hộp hấp dẫn.

    

 Quá một giờ trưa chiếc xe tải của cha tôi mới trở về. Phía sau xe che tấm bạt – như thế có nghĩa là chiếc xe có chở thịt. Mẹ tôi hâm nóng lại thức ăn. Chú Henry và cha tôi đã cởi bỏ bộ đồ bảo hộ lao động bê bết máu và mặc vào bộ quần áo thường mặc khi làm việc trong nhà kho; họ rửa ráy chân tay mặt mũi và hất nước lên đầu và chải tóc. Thằng Laird cánh giơ tay lên vẫn còn dính máu lên. “Mọi người đã bắn con Flora và xẻ thịt nó ra thành 50 mảnh đấy”, Laird khoe. 

"Thôi đừng nhắc tới chuyện đó nữa”, mẹ tôi bảo. “Rửa chân tay cho sạch đi rồi mới ngồi vào ăn chứ!”


Cha tôi bắt Laird đi ra ngoài rửa cho hết dính máu rồi mới được vào bàn.



Chúng tôi ngồi vào bàn ăn, cha tôi đọc kinh cầu nguyện, còn chú Henry thì nghịch ngợm dán miếng bã kẹo cao su vào cái nĩa như chú vẫn thường làm thế, để khi chú kéo miếng cao su ra thì nó sẽ tạo thành những đường sọc làm chúng tôi thích thú. Chúng tôi bắt đầu chuyển cho nhau những bát rau luộc nhừ còn đang bốc khói. Laird nhìn thẳng vào mặt tôi đang ngồi phía đối diện  và kiêu hãnh nói rõ từng chữ:  “Dù sao,  con Flora chạy đi như thế cũng là do lỗi của chị ấy.”



Cái gì?” Cha tôi hỏi lại.

Lẽ ra chị ấy đã kịp đóng cổng nhưng lại không chịu đóng. Chị ấy còn mở cổng cho con Flora chạy ra.


Thật à?” Cha tôi nói.


Mọi  người nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi gật đầu, nuốt nghẹn thức ăn trong miệng. Tôi cảm thấy hổ thẹn và nước mắt bỗng tuôn ra.



Cha tôi kêu lên một tiếng trong họng với vẻ rất khinh bỉ. “Mày làm như vậy để làm gì, hả con?”



Tôi không trả lời. Tôi ngừng ăn, bỏ cái nĩa xuống và chờ được cho phép rời bàn, mặt vẫn không ngẩng lên.


Nhưng không ai bảo tôi rời bàn ăn cả. Mọi người không ai nói gì một lúc lâu. Rồi Laird bỗng nói một cách bình thản: “Chị ấy khóc kìa.”


Thôi không sao,” bố tôi bảo. Với một vẻ  dứt khoát  và thậm chí còn hơi vui vẻ, ông thốt lên những lời đối với tôi vừa là lời giải thoát và cũng là lời xua đuổi vĩnh viễn.  Nó là con gái ấy mà,” ông bảo.


Tôi đã không hề phản đối những lời ấy của cha tôi, ngay cả trong thâm tâm cũng không. Có lẽ cha tôi đã nói đúng.
[1968]

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Con gái, con trai (Alice Munro, PA dịch): Kỳ 6 (còn 1 kỳ)

Xem kỳ 1, 2, 3, 4, 5 trong những entry trước trên blog này.
----------


Hai tuần sau đó tôi biết họ sẽ bắn Flora. Tôi biết từ đêm hôm trước, khi tôi nghe mẹ tôi hỏi cha tôi xem có còn đủ cỏ khô để cầm cự thêm một thời gian nữa hay không, và cha tôi nói: "Không sao, sau ngày mai thì cũng chỉ còn  con bò, và hơn một tuần nữa là ta có thể thả nó ra đồng ăn cỏ được rồi. Và tôi biết sáng hôm sau là đến lượt Flora.

Lần này thì tôi không có ý định xem người ta bắn con ngựa nữa. Việc ấy chỉ cần xem một lần thôi. Tôi không thường xuyên nghĩ về việc này,  nhưng đôi khi tôi trong lúc  bận rộn , khi đi học ở trường, hay khi đứng trước gương chải tóc và tự hỏi không biết khi lớn lên mình  có xinh đẹp hay không, thì toàn bộ cái cảnh ấy lại trở về trong  tâm trí  tôi: tôi bỗng nhớ lại cảnh cha tôi cha tôi nâng súng  với một vẻ dễ dàng  điêu luyện, và tiếng chú Henry cười khi con Mack dẫy dụa  đá chân trong không khí. Tôi không cảm thấy quá xúc động vì kinh hãi hay bất bình,  như một đứa trẻ thành phố trẻ có thể đã cảm thấy , vì tôi đã quá quen với những cái chết của động vật như một điều cần thiết trong cuộc sống của gia đình tôi . Tuy nhiên, tôi cảm thấy một chút hổ thẹn, và trong tôi có một sự cảnh giác mới, một cảm giác e dè ngần ngại , trong thái độ của tôi với cha tôi và công việc của ông.
 
Hôm ấy trời đẹp; chúng tôi đang đi dạo quanh sân và nhặt cành cây gẫy  trong cơn bão mùa đông. Từ bé chúng tôi đã được dạy phải làm như vậy, vả lại chúng tôi cũng cần những cành cây này để dựng một cái lều. Rồi chúng tôi nghe tiếng hí của con Flora, liền sau đó là giọng nói của cha tôi và tiếng la của chú Henry, và thế là chúng tôi chạy xuống chuồng để xem những gì đang xảy ra.
    
 Cửa chuồng đã được mở. Chú Henry vừa dẫn con Flora ra khỏi chuồng, và nó vùng vẫy bứt được khỏi dây cương. Nó lồng lên chạy trong sân nuôi gà vịt , từ đầu này đến đầu khác . Chúng tôi leo lên trên hàng rào. Thật thú vị khi thấy nó vừa chạy vừa hí , đứng lên trên hai chân sau, rồi nhảy dựng lên và tỏ ra dữ tợn như một con ngựa trong một bộ phim cao bồi miền Viễn Tây, một con ngựa  trong trang trại chưa được thuần phục , mặc dù nó chỉ là một con ngựa cưỡi và lại là ngựa cái. Cha tôi   chú Henry cố chạy theo nó để nắm lấy sợi dây cương đang treo lơ lửng trên cổ nó. Họ cố gắng dồn nó vào trong một góc và gần như đã bắt được nó thì bỗng nó vụt chay xen vào giữa hai người, mắt long xòng xọc , và biến mất trong một góc chuồng. Chúng tôi nghe thấy tiếng móng guốc nện  xuống đường ray khi con Flora phóng qua hàng rào , và chú Henry hét lên ."Nó chạy ra ngoài  đồng rồi!"
    
Như thế là con ngựa đã thoát ra nơi cánh đồng hình L dài bọc theo căn nhà. Nếu nó chạy đến giữa cánh đồng thì chỗ ấy sẽ có cánh cổng dẫn ra đường đang mở sẵn, vì sáng hôm ấy người ta vừa đánh xe tải ra ruộng. Cha tôi hét lên bảo tôi, vì lúc ấy tôi  đang ở phía bên kia của hàng rào  nơi gần đường nhất, "Ra đóng cổng ngay!"
    
Tôi vốn chạy rất nhanh. Tôi chạy khắp khu vườn , qua các rặng cây nơi có treo ghế xích đu, và nhảy qua một con mương để ra  đường. Cánh cổng kia rồi.  Con Flora hẳn chưa chạy ra ngoài, vì tôi không nhìn thấy nó trên đường, vậy hẳn là nó ở phía bên kia cánh đồng. Cánh cổng rất nặng. Tôi nhấc cánh cổng lên khỏi nền đường lát sỏi và kéo lê nó trên đường. Tôi đang kéo nửa chừng thì chợt thấy con Flora  đang  phi nước đại thẳng về phía tôi. Tôi còn đủ thời gian để kịp gài cánh cổng. Thằng Laird cũng đã vội chạy đến để phụ tôi.
 
Nhưng thay vì đóng cửa , tôi bỗng quyết định dùng hết sức để mở toang cánh cổng. Tôi làm điều ấy chẳng phải để thực hiện một ý đồ nào đó có từ trước,  mà đó chỉ là một hành động bột phát vào lúc ấy. Con Flora không để lỡ cơ hội, nó phi nước đại thẳng qua chỗ tôi đứng, và Laird vừa nhảy cẫng lên vừa hét liên tục, "Đóng cổng lại, đóng cổng lại !", ngay cả đến lúc con Flora đã phóng ra ngoài. Rồi thì cha tôi và chú Henry hiện ra trên cánh đồng, nhưng họ đến khi đã quá muộn, chỉ còn kịp thấy những gì đã xảy ra. Họ chỉ  kịp nhìn thấy Flora chạy theo hướng dẫ ra thị trấn.  Có lẽ họ nghĩ  rằng tôi không có đủ thời gian để đóng cổng.  

Cha tôi và chú Henry không bỏ phí một chút thời gian nào để hỏi chuyện gì đã xảy ra. Họ lập tức quay trở lại nhà kho để lấy súng và dao  bỏ lên chiếc xe tải, rồi sau đó họ lên xe, quành xe lại  và lái chiếc xe đến gần chỗ chúng tôi. Thằng Laird gọi với theo , "Cho con đi với, cho con đi với!" và chú Henry dừng xe lại cho Laird leo lên. Tôi đóng cổng lại sau khi họ đã ra khỏi cổng.

Tôi nghĩ thế nào thằng Laird  cũng sẽ mách cha tôi, và tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với tôi lúc ấy. Trước nay tôi chưa bao giờ không vâng lời cha tôi, và tôi không thể hiểu được tại sao tôi đã làm điều đó. Chỉ biết là tôi đã làm. Thực ra Flora rồi cũng sẽ chẳng thoát được.  Họ sẽ bắt được nó và chở nó về trong chiếc xe tải . Hoặc nếu họ không bắt được nó trong buổi sáng thì thế nào cũng sẽ có người nhìn thấy nó và gọi điện thoại cho cha tôi chiều nay hoặc ngày mai .Quanh đây không có rừng hoang để Flora có thể trốn thoát, ngoài ra chúng tôi cũng cần thịt để nuôi những con cáo , và chúng tôi cần có cáo để sinh sống.  Tất cả  những gì tôi đã làm  được chẳng qua là tạo ra thêm công việc nhiều hơn cho cha tôi, vốn đã rất bận rộn rồi . Cha tôi mà phát hiện ra điều tôi đã làm thì  sẽ còn không tin tưởng tôi nữa , ông sẽ biết rằng tôi không hoàn toàn đứng về phía ông . Tôi đã chọn đứng về phía Flora, và điều đó làm cho tôi  trở nên vô dụng dưới mắt tất cả mọi người, mà cũng chẳng giúp được gì cho con ngựa. Nhưng cũng chẳng sao;  tôi đã không hối tiếc. Khi Flora chạy đến chỗ tôi thì tôi đã mở cổng để mong cứu nó, và đó là điều duy nhất tôi có thể làm.

(còn một kỳ)

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Con gái, con trai (Alice Munro, PA dịch): Kỳ 5

(Xem các kỳ 1, 2, 3, 4 trên blog này)
-----


Cha tôi đuổi Laird ra khỏi chuồng ngựa. Tôi nói nhỏ với Laird, "Mày có muốn nhìn họ bắn con Mack không?" và không chờ  nó trả lời, tôi dẫn nó đến cửa trước cửa nhà kho, khẽ khàng mở  cửa, rồi bước vào. " Suỵt, đừng nói gì nhé, kẻo mọi người nghe đấy”" tôi bảo. Chúng tôi nghe thấy tiếng chú Henry và cha tôi nói chuyện trong  chuồng ngựa, rồi sau đó nghe tiếng chân bước nặng nề của con  Mack đang được dắt ra khỏi chuồng.

    

Trong nhà kho trời rất lạnh và tối. Những tia sáng mặt trời đan dích-dắc chiếu xuyên qua những khe hở trên tường.  Đụn cỏ khô đã thấp đi. Ngoài kia là đồng đất nhấp nhô, chỗ thì đồi cao chỗ thì thung lũng, trải dài trước mặt chúng tôi. Trên đầu chúng tôi khoảng 4 bộ có một cái xà bắt ngang qua tường. Chúng tôi chất đống cỏ khô lên cao, rồi tôi đẩy cho Laird leo lên trên đó rồi kéo cho tôi cùng lên. Cái xà không đủ rộng, chúng tôi vừa di chuyển trên đó vừa bám chặt tay vào tường. Có khá nhiều lỗ  thông hơi, và tôi tìm được một chỗ cho phép tôi thấy khá rõ những gì đang diễn ra bên ngoài – một góc sân nuôi gà vịt , cánh cổng , một phần của cánh đồng. Laird không tìm được cái lỗ nào để nhìn,  và bắt đầu phàn nàn .

    

Tôi chỉ cho nó một khe nứt to giữa hai thanh gỗ. "Đừng nói gì cả, hãy chờ đi. Mọi người mà biết mình ở đây thì lôi thôi đấy "

    

Cha tôi bắt đầu xuất hiện, tay mang súng . Chú Henry đi sau, tay cầm dây cương dắt theo con Mack . Chú buông dây và lấy ra tờ giấy cuốn thuốc lá và hộp thuốc lá, rồi cuộn hai điếu cho cha tôi và cho chính mình. Trong khi điều này đang diễn ra thì Mack sục mũi vào trong đám cỏ héo úa dọc theo hàng rào. Rồi cha tôi mở cổng và họ dắt Mack ra ngoài . Chú Henry dẫn con Mack đi trên đường mòn đến một mảnh đất trống  và nói gì đó với cha tôi, hai người nói chuyện nho nhỏ nên chúng tôi không nghe được họ đã nói gì. Mack lại bắt đầu sục mũi tìm kiếm một miếng cỏ tươi, nhưng không tìm thấy. Cha tôi bước ra xa theo một  đường thẳng, và dừng lại ở một khoảng cách  mà dường như  ông thấy là phù hợp. Henry cũng đi ra xa, nhưng là bước sang một bên chứ không đi thẳng như cha tôi, tay vẫn giữ sợi dây cương một cáchllơ là. Cha tôi đưa khẩu súng lên nhắm vào Mack, con ngựa lúc này nhìn lên như thể nó đã nhận thấy cái gì đó, và cha tôi bóp cò.

    

 Con Mack đã không đổ sụp xuống ngay mà  lảo đảo bước sang một bên rồi mới ngã xuống, mới đầu nằm nghiêng một bên, rồi sau đó xoay người lại và nằm ngửa ra có vẻ rất ngạc nhiên, chân đá lung tung lên trời. Đến lúc này chú Henry bỗng cười phá lên, như thể Mack đang diễn trò cho chú xem. Thằng Laird , nãy giờ nín thở theo dõi khi cha tôi bắn con ngựa, bỗng buông ra tiếng  thở dài rền rĩ bất ngờ và kêu lên, "Nó không chết ." Và đối với tôi dường như Laird đã nói đúng. Nhưng rồi chân của con ngựa dừng lại, con ngựa lại ngả sang một bên lần nữa,  cơ bắp trên mình nó rung lên và rồi ngừng hẳn . Cha tôi và chú Henry đến gần con ngựa và nhìn nó một cách thản nhiên,  họ cúi xuống kiểm tra trên trán con ngựa nơi viên đạn đã xuyên qua, và lúc ấy tôi nhìn thấy máu của con ngựa đổ ra trên thảm cỏ màu nâu .

    

" Bây giờ họ sẽ lột da và xẻ thịt nó”,  tôi nói. "Mình đi thôi." Chân tôi hơi run và tôi  nhảy xuống đụn cỏ khô, trong lòng thấy mừng vì công việc đã xong. “Mày đã thấy họ bắn một con ngựa  như thế nào rồi đấy," tôi chúc mừng Laird như thể tôi đã nhìn thấy việc ấy nhiều lần rồi . "Giờ thì bọn mình tìm thử xem có bầy mèo con mới đẻ nào trong đụn cỏ này không.”  Laird cũng nhảy  xuống. Lúc này trông nó như nhỏ lại và có vẻ ngoan ngoãn như xưa. Đột nhiên tôi nhớ lại khi Laird còn nhỏ, tôi đã từng dắt nó vào nhà kho và giúp nó leo lên từng bậc thang để trèo lên cái xà ngang này.  Lúc ấy cũng vào mùa xuân , khi đụn cỏ cũng thấp như thế này . Lúc ấy tôi làm như vậy vì đang cần có một trò vui gì đấy để sau này còn có cái mà kể. Laird mặc một cái sọc ca-rô hai màu nâu và trắng, cắt lại từ một cái áo cũ của tôi. Nó đã leo lên đến tận đầu thang và ngồi lên một thanh dầm cách rất xa đụn cỏ và mấy cái máy cũ ở bên dưới. Sau đó tôi chạy ra ngoài và la lên để mách cha tôi. "Thằng Laird  leo lên trên xà nhà kìa! " Cha tôi đến, mẹ tôi cũng đến, cha tôi leo lên các bậc thang nói chuyện rất nhẹ nhàng và nói gì đó rất khẽ rồi đưa hai tay đỡ Laird  để đưa nó xuống, còn mẹ tôi thì dựa vào các bậc thang và bắt đầu khóc . Cha mẹ tôi mắng:  "Sao không chịu trông em ?" nhưng không ai biết sự thật là gì. Còn Laird chưa đủ lớn để hiểu và nói lại . Nhưng sau này bất cứ khi nào tôi nhìn thấy chiếc áo khoác caro hai màu nâu và trắng treo trong tủ quần áo , và sau đó biến thành giẻ rách,  tôi vẫn cảm thấy trong lòng nặng trĩu, nỗi buồn của tội lỗi chưa được gột rửa.
---
Cập nhật lúc 17:00 cùng ngày


Tôi nhìn Laird, nó có vẻ như chẳng hề nhớ gì cả, nhưng tôi thấy lo lắng vì vẻ mặt tái xám như bị lạnh của nó. Nó không có biểu hiện gì là hoảng sợ hay bực tức, mà có một vẻ xa xăm như đang tập trung suy nghĩ về việc gì đó. "Nghe này," tôi bỗng nói với nó bằng một giọng vui vẻ và thân thiện khác thường, “Này, nếu ai thì mày sẽ nói là không biết gì đấy nhé.”

    "Ừ, không biết gì hết," Laird lơ đãng trả lời.
    "Hứa rồi đấy nhé".

    "Hứa mà," nó nói. Tôi bắt lấy cánh tay đang để ​ sau lưng của nó để kiểm tra xem nó có đang làm dấu hiệu bắt tréo 2 ngón tay lại với nhau không – đấy là một dấu hiệu mà người ta thường làm khi cầu xin những điều may mắn hoặc tai qua nạn khỏi[1]. Mặc dù vậy, có thể thằng Laird sẽ nằm mơ thấy ác mộng, tôi nghĩ mọi việc có thể thành ra như thế. Tôi quyết định là mình cần làm mọi cách để xóa đi những hình ảnh mà nó vừa thấy ra khỏi đầu óc nó – vì dường như nó không cùng một lúc chứa quá nhiều thứ trong đầu. Tôi đang có một ít tiền để dành và chiều hôm ấy chúng tôi đi vào khu Julibee để xem một màn biểu diễn của Judy Canova, và cả hai chúng tôi đã cười rất nhiều. Sau buổi đó tôi tin rằng thằng Laird sẽ quên đi và sẽ ổn thôi.


(còn tiếp)

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Con gái, con trai (Alice Munro, PA dịch): Kỳ 4

Kỳ 3 ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/11/con-gai-con-trai-alice-munro-pa-dich-ky_9122.html
----------

Tôi quên chưa kể những con cáo được cho ăn như thế nào. Tôi nhớ đến việc này khi thấy cái tạp dề bê bết máu của cha tôi. Người ta cho cáo ăn thịt ngựa. Thời ấy nông dân vẫn còn dùng ngựa, và khi một con ngựa đã quá già không còn làm việc được nữa, hoặc khi con ngựa bị què hoặc gục xuống không đứng nổi nữa, như thỉnh thoảng vẫn thế,  chủ của nó sẽ gọi cha tôi, và ông cùng chú Henry sẽ đánh chiếc xe tải đến trang trại đó. Thông thường, cha tôi và chú Henry sẽ bắn chết và làm thịt con ngựa ngay tại trang trại, và trả cho chủ của nó từ 5 đến 12 đô la. Nhưng nếu ở nhà đã có quá nhiều thịt, họ sẽ mang con ngựa sống trở về, nuôi nó thêm một vài ngày hoặc vài tuần trong chuồng ngựa của chúng tôi, cho đến khi cần phải giết con ngựa để lấy thịt. Sau chiến tranh, người nông dân mua máy kéo và dần dần họ bán hết những con ngựa vì chúng chẳng còn có ích vào bất cứ việc gì nữa. Nếu họ bán ngựa cho cha tôi vào mùa đông thì ông sẽ  nuôi những con ngựa ấy trong chuồng cho đến mùa xuân , vì chúng tôi có khá nhiều cỏ khô; vả lại, nếu như năm ấy trời tuyết dày mà máy  cày không phải  lúc nào cũng giúp chúng tôi dọn sạch tuyết trên đường đi, thì dùng ngựa để đi lên thị trấn cũng khá thuận tiện.

Mùa đông năm tôi mười một tuổi, cha tôi có hai con ngựa trong chuồng. Chúng tôi không biết chủ cũ đã gọi chúng là gì, nhưng chúng tôi đặt tên cho chúng là Mack và Flora. Mack là một con ngựa kéo xe già có bộ lông đen xỉn như bồ hóng và dáng điệu thờ ơ. Còn Flora là con ngựa cái có bộ lông màu nâu đỏ, là một con ngựa cưỡi. Chúng tôi dùng cả hai con này để kéo chiếc máy cắt. Mack thì chậm chạp và dễ điều khiển, còn Flora là một con ngựa chứng, thỉnh thoảng lại lồng lên, chồm sang những chiếc xe hơi và cả những con ngựa khác, nhưng chúng  tôi vẫn thích nó vì nó chạy nhanh, bước sải, và vì nó có cái dáng vẻ lịch thiệp và bất cần. Vào những ngày thứ Bảy, chúng tôi thường xuống chuồng ngựa và khi chúng tôi vừa bước vào cái chuồng tối tăm và đầy mùi ngựa thì ngay lập tức con Flora ngẩng đầu lên, mắt long xòng xọc, hí lên ầm ĩ tuyệt vọng, và lên cơn ngay tại chỗ. Không ai dám đến gần chỗ buộc Flora vì chắc chắn sẽ bị nó đá.
    
Mùa đông năm ấy tôi cũng bắt đầu nghe mẹ tôi nhắc nhiều hơn về chủ đề mẹ tôi đã bắt đầu trước cửa chuồng cáo hôm trước. Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Dường như trong đầu mọi người đã có sẵn một ý tưởng rõ ràng và dứt khoát không chệch hướng về chủ đề này. Từ “con gái” trước đây đối với tôi là một từ rất bình thường không ẩn ý và hồn nhiên như một đứa trẻ, nhưng giờ đây nó không còn như vậy nữa. Một cô gái không phải là cái giống như tôi đang là, mà phải là một cái gì đó tôi sẽ phải trở thành. Nó là một định nghĩa, luôn được nhấn mạnh, kèm những lời chỉ trích và thất vọng. Nó cũng là một cái gì đó được dùng để trêu chọc tôi. Có một lần tôi với Laird vật lộn với nhau, và đó là lần đầu tiên tôi đã phải dùng hết sức bình sinh để đánh lại nó; thế mà tôi vẫn bị nó nắm chặt cánh tay khiến tôi rất đau và không còn vùng vẫy được nữa. Chú Henry đã chứng kiến cảnh này; chú cười to, nói: "Ồ, rồi có ngày Laird cho mày biết tay đấy cháu à, sớm thôi!”Quả là thằng Laird lớn lên nhanh quá. Nhưng chính tôi cũng đã lớn hơn trước.

Lúc bà tôi đến thăm và ở lại chơi với chúng tôi mấy hôm; tôi lại được dịp nghe những lời dậy dỗ khác. "Con gái không đóng cửa ầm ầm như thế." "Con gái ngồi phải khép chân lại chứ.” Và tệ hơn nữa là khi tôi hỏi một câu hỏi gì đó, thì nhận được ngay câu trả lời là “Việc ấy không phải của con gái.” Tôi cố ương ngạnh vẫn đóng sầm cửa khi ra vào và cứ ngồi thoải mái không khép nép, nghĩ rằng bằng cách đó tôi sẽ giữ được sự tự do của mình.

 Khi mùa xuân đến, mấy con ngựa được thả ra sân nuôi gà vịt. Mack đứng sát tường nhà kho, cố cọ cọ mình vào tường để gãi cổ và gãi chân, nhưng Flora thì chạy lung tung, đá chân vào hàng rào, những cái móng guốc của nó gõ lóc cóc trên đường. Những mảng tuyết của mùa đông đang nhanh chóng tan đi, để lộ lớp đất cứng màu nâu và xám, cánh đồng nhấp nhô trông thô thô và trơ trụi, không còn cảnh tuyết phủ trắng lấp lánh tuyệt vời của mùa đông. Thời tiết đầu xuân cho ta cái cảm giác rộng mở và được giải thoát. Lúc này chúng tôi đã cởi bỏ những đôi ủng nặng nề của mùa đông mà chỉ còn đi dép cao su, cảm thấy đôi chân trở nên nhẹ tênh kỳ lạ. Một ngày thứ bảy nọ, chúng tôi ra chuồng ngựa và phát hiện tất cả các cánh cửa đều được mở, cho phép ánh sáng mặt trời và không khí trong lành ùa vào, một điều hiếm xảy ra trong chuồng ngựa. Chú Henry đã đứng sẵn ở đấy, thơ thẩn nhìn vào những cuốn lịch cũ được để thành chồng ở phía sau dãy chuồng, nơi mà có lẽ mẹ tôi chưa bao giờ vào đến.  
  
"Nào, hãy đến đây chào tạm biệt anh bạn Mack của chúng ta đi chứ?”  chú Henry nói. "Đây, cho nó một ít yến mạch." Chú đổ vào tay Laird một ít yến mạch và thằng bé chạy đi cho Mack ăn. Con Mack đã già, răng đã yếu và rụng nhiều nên nó nhai rất chậm rãi, trệu trạo đưa qua đưa lại nắm yến mạch trong miệng tìm răng để nhai. "Tội nghiệp con Mack quá đi thôi,”, chú Henry buồn buồn nói. “Khi một con ngựa già rụng hết rằng thì cũng là lúc nó nên đi thôi. Quy luật muôn đời là thế.”
  
" Chú sẽ bắn nó hôm nay à? " , Tôi hỏi. Mack và Flora đã ở với chúng tôi khá lâu, đến nỗi tôi quên mất là đến một lúc nào đó chúng cũng sẽ bị bắn.

Chú  Henry không trả lời. Thay vào đó chú bắt đầu hát, một giọng hát ngân rung và buồn thảm một cách hơi chế giễu. Ôi, hết việc rồi, chú Ned đáng thương ơi, chú sẽ ra đi nơi những người da đen tốt bụng cũng đã ra đi.  Con Mack vẫn chăm chỉ thè lưỡi nhặt những hạt yến mạnh trong bàn tay của Laird. Không chờ cho chú Henry hát xong, tôi bỏ ra ngoài và ngồi một mình trên cầu tàu.
  
Tôi chưa bao giờ thấy một con ngựa bị bắn, nhưng tôi biết họ thực hiện việc ấy ở đâu. Mùa hè năm ngoái tôi và thằng Laird đã nhìn thấy bộ ruột của một con ngựa trước khi người ta đem chôn. Mới đầu chúng tôi tưởng đó là một con rắn lớn màu đen, nằm cuộn tròn trong ánh mặt trời. Đó là khu vực trên cánh đồng dẫn đến nhà kho. Tôi nghĩ nếu bọn tôi trốn trong nhà kho  và tìm một vết nứt rộng hoặc một lỗ khóa để nhìn thì bọn tôi có thể thấy cảnh họ bắn con ngựa.  Đó không phải là cái cảnh mà  tôi muốn xem; tuy nhiên, nếu điều ấy đàng nào cũng sẽ xảy ra thì xem cho biết vẫn tốt hơn.

Cha tôi từ trên nhà đi xuống; thấy bọn tôi, ông hỏi:
"Mấy đứa làm gì ở đây thế?".
"Không có gì ạ."
" Vậy thì lên nhà chơi đi”.    

(còn tiếp)

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Con gái, con trai (Alice Munro, PA dịch): Kỳ 3



-----------

Rất hiếm khi mẹ tôi ra chỗ chuồng cáo. Bà rất ít khi ra khỏi nhà trừ khi cần phải làm như vậy – để phơi quần áo hoặc đào khoai tây. Ở ngoài trời trông bà có vẻ lạc lõng xa lạ với đôi cẳng chân mập mạp để trần, làn da không hề sạm nắng mặt trời, trước bụng vẫn còn mang cái tạp dề ẩm ướt do dính nước khi chuẩn bị bữa ăn tối.  Mái tóc của bà được vấn gọn trong một chiếc khăn, với một vài lọn rớt ra ngoài. Bà thường vấn vội tóc lên như vậy vào buổi sáng, vừa vấn vừa kêu bà chẳng có thời gian để vấn tóc kỹ hơn, và suốt cả ngày bà vẫn để nguyên kiểu tóc vấn như thế. Quả đúng là bà không có thời gian thật. Những ngày này phía sau nhà của chúng tôi đã được chất đống với những giỏ đào và nho , lê, những thứ được mua từ trong thị trấn, rồi hành, cà chua và dưa chuột được trồng ở nhà, tất cả đang chờ đợi để được làm thành các loại thạch và mứt, muối thành dưa chua và xay thành tương đặc. Trong nhà bếp có một lò đun đỏ lửa suốt ngày, trên lò nồi nước đang sôi sùng sục các keo mứt trong nồi  chạm nhau kêu lanh canh,  đôi khi còn thấy một chiếc túi vải được treo trên một thanh gỗ giữa hai chiếc ghế dùng để ép trái nho để làm thành thạch. Mẹ tôi cũng có những việc cần tôi giúp, và tôi ngồi vào bàn lột vỏ những trái đào đã được ngâm trong nước nóng , hoặc cắt hành tây khiến mắt tôi cay xè và nước mắt chảy ràn rụa.  Ngay sau khi làm xong mấy việc được giao tôi vội chạy ra khỏi nhà , cố gắng đi khá xa trước khi mẹ tôi kịp nghĩ ra việc gì khác để giao cho tôi làm . Tôi ghét cái bếp nóng nực và tối tăm trong những ngày hè, ghét những tấm màn sáo và tấm vải dính bắt ruồi màu xanh lá cây , ghét mấy thứ cũ kỹ trong bếp như tấm khăn trải bàn bằng vải dầu, tấm gương lượn sóng và lớp vải sơn đã phồng rộp.  Mẹ tôi đã quá mệt mỏi và bận rộn nên chẳng nói chuyện với tôi, bà chẳng còn tâm trí nào để nói về buổi khiêu vũ tốt nghiệp ở trường sư phạm, mồ hôi chảy thành giọt trên mặt trong khi bà hổn hển đếm các lọ mứt, chỉ tay vào các chai lọ và đong từng chén đường để đổ vào. Đối với tôi công việc nội trợ dường như vô tận, ảm đạm và vô cùng tẻ nhạt, trong  khi công việc của cha tôi được thực hiện ở ngoài trời, và có một vẻ đặc biệt quan trọng gần như là nghi lễ.



Tôi  đẩy chiếc xe chở nước đến chỗ nhà kho, đây là nơi chứa các dụng cụ , và tôi nghe mẹ tôi nói , "Anh ráng chờ đến khi thằng Laird  lớn thêm chút nữa, lúc ấy anh sẽ có người giúp thực sự."


Tôi không nghe được câu trả lời của cha tôi. Nhưng tôi cảm thấy hài lòng khi thấy cách ông đứng nói chuyện với mẹ tôi, lịch sự tử tế như khi ông đang trả lời một nhân viên bán hàng hoặc một người khách lạ, nhưng với một vẻ hơi sốt ruột và  muốn được quay lại với công việc mà mình đang làm.  Tôi cảm thấy mẹ tôi chẳng có phận sự gì ở chỗ này, và muốn cha tôi cũng cảm thấy như vậy. Mà mẹ tôi nhắc đến Laird như vậy là có nghĩa gì ấy nhỉ?  Nó làm sao mà giúp đỡ gì cho ai được.  Mà không biết bây giờ nó đang ở đâu đây? Hẳn lại đang ngồi đu tít trên xích đu cho đến khi phát bệnh, hoặc đang chạy vòng vòng, hay lại đi bắt mấy con sâu bướm. Chưa bao giờ nó ở lại chờ tôi cho đến khi tôi xong việc.

  
"Lúc ấy em có thể nhờ con bé nhiều hơn để phụ việc nhà với em," Tôi nghe mẹ tôi nói. Cái cách bà nhắc đến tôi với một vẻ buồn buồn và trách móc luôn khiến tôi cảm thấy khó chịu. "Em vừa mới quay lưng là con bé bỏ đi đâu mất tiêu. Cứ như là em chẳng có đứa con gái nào cả."



Tôi bỏ đi và ngồi trên một túi thức ăn trong góc nhà kho, không muốn xuất hiện khi cuộc trò chuyện ấy đang xảy ra. Tôi cảm thấy không tin tưởng mẹ tôi. Bà hiền hậu hơn cha tôi và tôi và dễ tin người hơn, nhưng đồng thời bà cũng rất hay thay đổi, và bạn không thể biết được lý do thực sự nằm dưới những lời nói hoặc hành động của bà. 


Tôi biết bà yêu tôi, sẵn sàng ngồi thức cả đêm để may cho tôi một chiếc váy cầu kỳ mà tôi thích để tôi mặc vào buổi khai trường, nhưng mặt khác bà cũng chính là kẻ thù của tôi. Lúc nào bà cũng có mưu kế gì đó. Hẳn khi nói chuyện với cha tôi là trong đầu bà đã có sẵn một kế hoạch bắt tôi ở trong nhà phụ việc cho bà nhiều hơn, mặc dù bà biết tôi ghét điều đó (hay chính vì bà biết điều đó nhỉ) và không cho tôi phụ việc cho cha tôi nữa. Dường như bà làm vậy chẳng qua là vì thích thế, để thử sức mạnh của mình. Tôi chẳng bao giờ nghĩ ra rằng có thể bà cũng cô đơn chăng, hoặc ghen tỵ với cha tôi. Làm gì người lớn nào lại cô đơn hay có gì để ghen tỵ nữa; họ đã quá may mắn rồi còn gì. Tôi ngồi đó lấy gót chân đá đá vào một bao thức ăn gia súc khiến bụi bay mù mịt, và cứ ở mãi trong nhà kho cho đến khi mẹ tôi đã đi hẳn.

 

Dù sao đi nữa, tôi  cũng  không nghĩ rằng cha tôi sẽ chú ý đến những lời của mẹ tôi. Ai mà tưởng tượng nổi thằng Laird lại làm công việc của tôi – thằng  Laird ấy mà mong nó khóa cổng, hoặc rửa sạch các đĩa đựng nước cho cáo bằng cách dùng một cái que đầu có buộc một túm lá để cọ cho cẩn thận như tôi vẫn làm, hoặc thậm chí đẩy được cái xe chở nước mà không làm cho xe đổ nhào ư? Rõ ràng là mẹ tôi chẳng hiểu gì về những công việc ở trại nuôi cáo này.