Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Con gái, con trai (truyện ngắn của nhà văn đoạt giải Nobel 2013, PA dịch): Kỳ 1

Ít lâu nay tôi bắt đầu tìm đọc Alice Munro, người mới đoạt giải Nobel vào tháng 10 vừa qua. Truyện đầu tiên tôi tìm được và đọc là truyện Day of the Butterfly, được cho là truyện ngắn đầu tay của bà, viết từ thập niên 50. Truyện ấy tôi đã chuyển cho một người bạn đồng nghiệp để dịch (chắc sắp đăng ở đâu đó, các bạn chờ đọc nhé!) Chỉ truyện đầu tay thôi đã thấy khá thú vị. Tác giả viết rất tỉ mỉ và tinh tế, chỉ từ những chuyện lặt vặt mà khắc họa nhân vật và tâm lý rất rõ nét và đặc sắc. 

Tuy nhiên, khi đọc và dịch câu truyện ngắn mà tôi đang sắp đăng một phần lên đây thì tôi mới thực sự thấy rõ tài năng của Munro. Qua giọng văn của bà, một xứ sở Canada lạnh lẽo băng giá, với những thói quen, phong tục, lối sống, và tâm lý nhân vật được mô tả bằng một nét vẽ rất chi tiết, khéo léo, lôi cuốn và có duyên thầm. Truyện Boys and Girls được cho là đã viết khoảng đầu thập niên 1960, đăng báo ở Canada như một truyện ngắn độc lập, sau đó được đưa vào tuyển tập Dance of the Happy Shades và in ở Mỹ năm 1968. Thông tin ở đây, nhưng cần được kiểm chứng lại cho chính xác: http://answers.yahoo.com/question/index?qid=20101018150227AArqLGP.

Xin giới thiệu với các bạn phần đầu tiên của câu truyện mà tôi đang dịch. Vì dịch tùy hứng nên không biết bao giờ mới xong, tuy nhiên dù chỉ đọc từng phần các bạn cũng sẽ cảm nhận được cái hay của ngòi bút nhà văn nữ mà giờ đây đã ngoài 80 tuổi của xứ sở xa xôi ấy.

Enjoy các bạn nhé!

PS: Những chỗ in đậm là tôi mới sửa hoặc thêm vào theo góp ý của một người bạn.
---------------
Cha tôi làm nghề nuôi cáo để lấy lông. Công việc của ông là nuôi những con cáo lông bạc trong chuồng, và khi trời sang mùa thu hoặc vào đầu đông, khi lông của chúng dày dặn nhất thì ông giết chúng và lột da bán cho Công ty Hudson Bay hoặc Công Montreal Fur Trader. Hai công ty này tặng lại cho gia đình chúng tôi những lịch có hình các vị anh hùng, chúng được treo hai bên cửa nhà bếp, mỗi bên  một tấm.  Trên bầu trời xanh thẫm có sắc lạnh, cánh rừng thông đen và các con sông phía bắc với vẻ bí hiểm, nổi bật những lá cờ của Anh và của Pháp bay phất phới như chùm lông trên đầu những con công sặc sỡ; và những tên mọi với thân hình tuyệt đẹp đang còng lưng khuân vác trên bến cảng.

Vài tuần trước lễ Giáng sinh, cha tôi bắt đầu công việc lột da cáo sau bữa ăn tối trong tầng hầm của ngôi nhà. Căn hầm sơn trắng, được chiếu sáng bởi một bóng đèn trăm watt trên mặt tấm phản nơi cha tôi làm việc. Tôi và thằng em trai tên Laird ngồi trên bậc thềm cao nhất để xem cha tôi làm việc. Cha tôi lộn ngược lớp da và lông bên ngoài và lôi thân mình con cáo ra khỏi bộ da, và giờ đây trông nó nhỏ bé một cách thảm hại như con chuột khi không còn khoác lên bộ lông dày dặn ngạo nghễ kia nữa. Những cái mình bị lột da trơ trụi và trơn ướt bị nhét vào trong một bao tải và chôn vùi trong các bãi chứa rác. Có lần chú thợ làm thuê cho cha tôi, chú Henry Bailey, đã giỡn với tôi bằng cách quẳng cái bao tải nặng trịch ấy cho tôi và bảo: "Quà Giáng sinh đây!" Mẹ tôi thấy việc ấy chẳng có gì đáng buồn cười cả. Thực ra, bà không ưa toàn bộ cái nghề lột da thú của cha tôi – chỉ toàn là những gì giết mổ, lột da, và làm sạch lông thú – và luôn mong muốn công việc ấy được đem đi nơi khác chứ không để ở trong nhà. Vì nó có mùi. Sau khi tấm da đã được căng ra trên một tấm phản dài, cha tôi còn phải thực hiện việc làm sạch bộ lông bằng cách tỉ mẩn cạo đi những cục máu đông nhỏ li ti dính trên lông, những hạt mỡ còn dính sát ở lớp da; lúc ấy toàn bộ ngôi nhà đều bị ám mùi máu và mỡ động vật và như mùi lông nồng nặc hoang sơ của loài cáo. Nhưng tôi lại thấy những mùi ấy có một vẻ gì đó rất đặc trưng của mùa thu và làm tôi yên lòng, cũng giống như mùi cam và mùi lá thông vậy.

Chú Henry Bailey bị bệnh phế quản mãn tính. Chú thường lên cơn ho từng tràng không dứt cho đến khi khuôn mặt dài ngoẵng của chú đỏ lên, đôi mắt màu xanh nhạt với ánh nhìn hơi chế giễu của chú thì ràn rụa nước mắt; khi hết cơn ho, chú mở cái nắp đậy lò than lên và khạc vào đó một cục đờm to với một tiếng xèo đúng ngay vào tâm ngọn lửa. Chúng tôi rất ngưỡng mộ chú vì cái trò này, cũng như cái tài làm cho dạ dày của chú sôi lên ùng ục theo ý muốn, và cả tiếng cười của chú nữa, đó là một tiếng cười lúc thì the thé như huýt sáo lúc thì ại vừa khùng khục như tiếng nước ngầm và làm lay động tất cả những bộ phận nằm trong lồng ngực của chú. Đôi khi chúng tôi không sao đoán được chú đang cười cái gì, và rất có thể những lúc ấy chú đang cười chính chúng tôi.

Sau khi đã lên giường đi ngủ chúng tôi vẫn còn có thể cảm nhận được mùi của cáo và vẫn nghe được tiếng cười của chú Henry, nhưng lúc này những thứ ấy – những cái nhắc nhở chúng tôi về một thế giới ấm áp, an toàn và rực sáng ở phía dưới chân cầu thang – bỗng trở nên lạ lẫm và co lại, nổi lềnh bềnh trong bầu không khí lạnh lẽo của tầng trên. Vào mùa đông, chúng tôi thường cảm thấy sợ khi đêm đến. Không phải chúng tôi sợ khi ở bên ngoài, mặc dù đây là thời gian trong năm khi những đống tuyết bao quanh ngôi nhà của chúng tôi như con cá voi đang ngủ và gió thét gào quấy rối chúng tôi suốt đêm, những cơn gió đến từ các bãi tha ma, các đầm lầy bị đóng lại thành băng, cùng những điệp khúc của các loại côn trùng nghe vừa đầy vẻ đe dọa lại vừa thê lương.  Mà chúng tôi sợ khi ở trong nhà, ngay trong căn phòng nơi chúng tôi đang ngủ. Vào lúc ấy tầng trên ngôi nhà của chúng tôi chưa hoàn tất. Có một ống khói bằng gạch nhô ra trên tường. Ở giữa sàn nhà là khoảng trống hình vuông, có khung gỗ bao quanh, đó là nơi sẽ dựng cầu thang. Ở phía bên kia của cầu thang là nơi chứa những đồ cũ mà không còn ai dùng đến – một cuộn vải sơn dùng trong quân đội được dựng đứng ở một góc,  một chiếc giỏ cắm hoa, vài chiếc bình và chậu sứ bị nứt, một bức tranh về trận chiến Balaclava  trông rất thê lương. Tôi đã từng nói với Laird, ngay khi thằng bé vừa đã đủ lớn để hiểu được những điều như vậy, rằng trong chỗ ấy có toàn là dơi và những bộ xương người; bất cứ khi nào có người người tù trốn thoát từ nhà tù cách đó hai mươi dặm, tôi lại tưởng tượng ra rằng ông ta đã bằng cách nào đó bước qua cánh cửa sổ và trốn đằng sau cuộn vải sơn kia. Nhưng chúng tôi cũng tự đặt ra những luật lệ để giữ an toàn cho mình. Chừng nào còn bật đèn thì chúng tôi vẫn còn an toàn miễn là chúng tôi không ra khỏi tấm thảm hình vuông xác định phần không gian của phòng ngủ chúng tôi. Khi đèn đã tắt, thì không còn nơi nào là an toàn nữa cả, chỉ trừ cái giường mình đang nằm mà thôi.  Khi cần tắt đèn, tôi không hề dám đặt chân xuống sàn nên phải quỳ ở đầu giường và với tay hết cỡ để nắm được dây kéo công tắc đèn.

Trong bóng tối, chúng tôi nằm trên chiếc giường mà lúc ấy đối với chúng tôi đã trở thành chiếc bè cứu sinh có khổ hẹp, mắt dán vào ánh đèn mờ hắt lên từ phía cầu thang, và cất tiếng hát. Thằng Laird thì hát bài "Jingle Bells", bài hát mà nó hát bất cứ lúc nào dù có là Giáng sinh hay không, còn tôi thì hát "Danny Boy". Tôi thích nghe giọng hát của chính mình, yếu ớt và có vẻ khẩn khoản, vang lên trong bóng đêm. Chúng tôi lờ mờ nhìn thấy những cái bóng cao cao phủ đầy tuyết qua các khung kiếng cửa sổ, trắng toát và ảm đạm. Khi tôi hát đến câu, Khi tôi chết đi, chết im lìm một cây khô –  người tôi bỗng run lên, không phải vì hơi lạnh từ tấm chăn, mà vì cảm xúc khiến tôi gần như lặng đi. Người sẽ quỳ xuống và đọc lời Ave trên xác thân tôi. Lời Ave là cái gì ấy nhỉ? Ngày nào tôi cũng tự nhủ phải tìm hiểu, và ngày nào tôi cũng quên.

Thằng Laird hát say sưa rồi lăn ra ngủ khò, tôi có thể nghe được tiếng thở sâu và vang của nó, nghe rất thoải mái. Bây giờ là thời gian chỉ dành cho riêng tôi, thời gian riêng tư nhất và có lẽ là tốt nhất của cả ngày, tôi cuốn mình thật chặt trong tấm chăn và tiếp tục những câu chuyện mà tôi thường tự kể cho mình hàng đêm. Những câu chuyện này nói chính tôi, nhưng là vào khi tôi đã trưởng thành hơn một chút; chúng diễn ra trong một thế giới rõ ràng là quen thuộc của tôi như tôi vẫn biết, nhưng trong đó lại tồn tại những cơ hội cho tôi bày tỏ lòng dũng cảm, sự táo bạo, và những hy sinh mà thế giới hiện nay của tôi không hề có. Tôi cứu người từ một tòa nhà bị đánh bom (tôi cảm thấy thật thất vọng là cuộc chiến thực sự đã kéo dài quá xa kể từ Năm Thánh[1]). Tôi bắn hai con sói dại đang nhe răng đầy vẻ đe dọa ở sân trường (trong khi các giáo viên thì co rúm lại sợ hãi núp sau lưng tôi) . Tôi cưỡi một con ngựa mạnh khỏe đầy phấn chấn chạy xuống các đường phố chính của Năm Thánh, thừa nhận lòng biết ơn của dân làng đối với một số hành động anh hùng nào đó mà tôi còn chưa biết rõ (chưa có ai bao giờ cưỡi ngựa chạy trên con đường đó, trừ vua Billy trong cuộc diễu hành của ngày Lễ Orangemen[2]). Trong những câu chuyện tưởng tượng của tôi luôn có cảnh cưỡi ngựa và bắn súng, mặc dù tôi chỉ mới ngồi trên lưng ngựa có 2 lần thôi – lần đầu tiên thì không có yên ngựa, còn lần thứ hai thì tôi bị trượt ngã ngay chân con ngựa, và nó đã rất điềm tĩnh bước qua người tôi mà không giẫm lên tôi. Tôi cũng đang học bắn đấy, nhưng chưa bắn trúng bất cứ cái gì, thậm chí không bắn trúng nổi những cái lon thiếc dựng trên hàng rào.

(còn tiếp)

Nhân tiện, các bạn nghe lời phỏng vấn Munro ở đây nhé, cuộc phỏng vấn cách đây 5 năm: http://www.newyorker.com/online/blogs/books/2013/10/talking-with-alice-munro.html

3 nhận xét:

  1. PA xem lại giùm mấy chữ này, giúp những độc giả chậm hiểu như Lãng tử mau hiểu hơn:
    1. "Hai công ty này tặng lại cho gia đình chúng..." (ai là chúng?)
    2. "và giờ đây trong nó nhỏ bé..."
    3. Sau khi chúng tôi đã lên giường đi ngủ chúng tôi vẫn...
    4. "Trong bóng tối chúng tôi nằm trên giường, lúc ấy đối với chúng tôi đã trở thành những chiếc bè cứu sinh khổ hẹp, ..."- cái đầu u bướu Lãng tử đọc vài lần mới biết "cái giường" là "cái bè cứu sinh" (số ít hay số nhiều : những?)...lần đầu cứ tưởng là "bóng tối"....

    Khi nào được đọc trọn bài mới dám phát biểu cảm tưởng nha.

    Trả lờiXóa
  2. Xin hỏi dịch giả, bà Munro viết truyện ngắn trên khi bao nhiêu tuổi ? (phải chăng viết vào lúc :"ngòi bút nhà văn nữ ngoài 80 tuổi của xứ sở xa xôi ấy").

    Trả lờiXóa
  3. Đã sửa lại, những chỗ sửa có in đậm. Cám ơn giangnamlangtu, cặp mắt tinh như cú vọ săn mồi trong đêm!

    Trả lờiXóa