Tôi viết entry này sau khi đọc được trên báo chí loạt bài về người đàn ông ở Quảng Nam 7 năm ôm xác vợ, và bài viết của BS Nguyễn Văn Tuấn cùng BS Hồ Hải về những vấn đề về pháp y và tâm thần của sự kiện này.
Thật ra, đây chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Vốn xuất thân từ một gia đình công chức (chế độ cũ) và nhìn chung là lao động nghèo, do điều kiện may mắn hơn một số người khác là được đi học nhiều năm ở nước ngoài, tôi có cơ hội để nhận rõ sự chênh lệch về những hiểu biết cơ bản về sức khỏe của không chỉ dân nghèo Việt Nam, mà cả sinh viên, học sinh, vốn là những người "tổ quốc mong cho mai sau", và thấy rõ mối nguy cơ của sự tụt hậu của dân tộc Việt so với ngay những nước nhỏ bé khác trong khu vực Đông Nam Á.
Rõ ràng đây là trách nhiệm của ngành giáo dục, cụ thể là của giáo dục phổ thông, trong đó nhiệm vụ dạy người rất quan trọng, nếu không hơn thì tối thiểu cũng quan trọng bằng với dạy chữ. Trong khi đó, qua kinh nghiệm của tôi với tư cách là một phụ huynh, thì hình như hiện nay chương trình giáo dục của mình quên hẳn nhiệm vụ này, mặc dù khi khai trên học bạ thì mình cũng có đầy đủ mọi môn học như ai! Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng lẽ ra cũng phải đóng góp một cách có trách nhiệm trong việc nâng cao dân trí nói chung, trong đó có vấn đề sức khỏe. Nhưng hiện nay hình như điều này cũng chưa được làm tốt lắm.
Vậy phải làm gì đây? Tôi nghĩ, có lẽ tốt nhất là cứ viết những gì mình biết mà có lợi cho xã hội và đưa lên blog, để may ra có ai đi vào và đọc được, và áp dụng, thì cũng là một cách đóng góp cho đời - cho tròn trách nhiệm của một người có học, hay nói theo kiểu cố TS Nguyễn Văn Tài, sếp cũ của tôi, là để "trả nợ sách đèn". Vâng, phải thế thôi, rồi mọi việc hy vọng rằng ngày sẽ tốt hơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét