Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Bài đáng đọc: "Nếu ai cũng sợ bị chụp mũ"

Nhìn cái tựa là đã hiểu rõ bài viết này bàn về vấn đề gì, và kết luận là gì rồi, phải không? Tuy nhiên, nó vẫn rất đáng đọc, vì bài viết này cũng vậy, những vấn đề nó nêu ra có lẽ ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng dám nói ra. Nên đọc nó, vẫn rất thú vị.

Bài ấy ở đây. Đặc biệt đáng đọc đối với những "cán bộ trẻ" đang được quy hoạch để thay thế thế hệ già nua giống như tôi. Nếu muốn cho VN nhanh chóng phát triển, "ngang tầm khu vực và quốc tế" (cái chỗ đóng ngoặc kép này hình như là đã nhiều người nói rồi nên tôi phải trích dẫn theo đúng nguyên tắc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác).

Còn dưới đây là những trích dẫn từ bài viết, đã qua bộ lọc của tôi:
Nếu ai cũng sợ bị "chụp mũ", nếu chỉ có một trung tâm độc quyền phát ra chân lý, nếu cấp dưới chưa có thói quen dám tranh luận với cấp trên, không dám suy nghĩ bằng cái đầu của mình vì còn sợ "mất đầu" thì tình trạng lạc hậu về nhận thức lý luận ở nước ta còn kéo dài.
Bình luận thêm: sự lạc hậu đó không chỉ về nhận thức lý luận, mà sẽ kéo theo là lạc hậu trong toàn bộ mọi lãnh vực của cuộc sống. Bởi vì rõ ràng là mọi thứ bắt đầu từ nhận thức và lý luận. Nhận thức rằng sự phân phối lợi ích trong cuộc đời này là rất bất công, chẳng có gì tự đến với ta dù ta có tài cao hay đức dày đến mấy, sẽ dẫn đến việc đút lót thánh thần, ẩu đả để dành lộc thánh, vv, dẫm đạp lên nhau để đi dự lễ cầu phúc (= cầu lợi), như đã thấy trong dịp rằm tháng giêng vừa qua.

Sự thành thực rất quan trọng, như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đương chức có lần xuống nói chuyện ở Viện Khoa học Xã hội, đã nói một câu rất chân thành: "Trong ĐH VIII có một câu là, nhận thức của chúng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng rõ ra, nhưng riêng tôi vẫn chưa thấy rõ lắm".

Chỉ có thể nói một chữ: Hay! Không thể bình luận gì thêm.

Tôi nhớ một buổi chiều đồng chí Trường Chinh nói hôm nay tôi hỏi các đồng chí một câu thôi, các đồng chí trả lời không cần lập luận nhiều: Bao giờ kết thúc chặng đường đầu tiên và bao giờ kết thúc thời kỳ quá độ ở Việt Nam?

Mỗi người đưa những mốc thời gian khác nhau, đến lượt tôi thì tôi trả lời là không biết vì lý lẽ của tôi là phải xem đường lối của Đảng như thế nào đã, chứ nếu như hiện nay thì có thể dẫm chân tại chỗ hoặc có thể bị lùi lại thêm nữa.

Câu hỏi của tôi: Vậy câu hỏi của Cố Tổng bí thư Trường Chinh đến nay đã có ai trả lời được chưa ạ?

Chúng ta cần tạo ra bầu không khí dân chủ trong nghiên cứu khoa học, cho phép các nhà khoa học có quyền nói và viết những suy nghĩ của mình. Nếu không cho người ta nói trái với ý của mình thì chẳng bao giờ có tiến bộ trong lý luận, khoa học được cả.

Thật chính xác. Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến này.

Trong một thời kỳ dài đã từng tồn tại lối tư duy lạ lùng: chỉ nói đến những mâu thuẫn trong chủ nghĩa tư bản, còn trong chủ nghĩa xã hội thì hình như không có mâu thuẫn. Tư duy mới là tư duy dám nói đến những mâu thuẫn hiện thực trong chủ nghĩa xã hội và tìm cách giải quyết đúng đắn các mâu thuẫn đó, không e ngại, che giấu mâu thuẫn.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng trong những năm qua, chúng ta không những chậm phát hiện mâu thuẫn mà còn chậm giải quyết mâu thuẫn. Đổi mới tư duy chính là phải khắc phục tình trạng đó.

Vâng, đúng ạ. Nhưng bao giờ thì bắt đầu đổi mới tư duy? Và làm sao biết mình đổi mới tư duy xong thì tư duy mới do mình khởi xướng sẽ được thừa nhận và phát huy, chứ không bị ... "chụp mũ"?!!!

Viết đến đây xong, tôi lờ mờ nhận ra thêm: ngay cả nếu dám nói, mà những điều mình nói ra không ai thèm đếm xỉa đến, thì có lẽ cũng sẽ không ai nói nữa. Không chỉ đơn thuần là sợ bị chụp mũ.

Chà chà chà, gay thật!
--
Viết thêm:
Tự nhiên lại nhớ đến phần cuối của một bài học thuộc lòng từ thời tiểu học, chẳng rõ là lớp mấy (hình như là lớp 1?) , nên chép lại để lưu cho mình, cho bạn bè, người thân, và người đời sau (!):

...
Nước ta tên là nước Việt Nam
Làm dân con phải nhớ mới được.
Yêu nước, mến nước,
Làm sao cho nước vẻ vang,
Cho giàu cho mạnh đứng ngang bằng người!


Nếu tôi nhớ đúng bài này học vào lớp 1, thì có nghĩa là vào năm 1965, 1966 gì đó. Hình như miền Nam Việt Nam thời đó phát triển hơn nhiều so với Thái Lan hay thậm chí cả Singapore, Nam Hàn nữa thì phải? Nếu đúng thế, thì lẽ nào chúng ta đang đi ... giật lùi? Hay là đi theo kiểu ốc sên nhà thể thao? Ai không rõ ốc sên làm gì, xin tìm trong blog này của tôi! :-)

3 nhận xét:

  1. Tôi click vào "bài này" nhưng nó không hiện ra gì cả? Bác cho tôi link được không?

    PA

    Trả lờiXóa
  2. Cả hai bài đều đáng đọc cả :). Em nhận định, cách đào tạo cán bộ nguồn tạo ra những thế hệ lãnh đạo thiếu dũng khí. Người dân thiếu dũng khí, đất nước ươn hèn. Lãnh đạo không có dũng khí, sẽ hoặc là mầm mống của độc tài, hoặc là một nhóm bù nhìn mà thôi.

    Trả lờiXóa